VIỆT NAM: SAU HAI NĂM THẢM KỊCH DI DÂN Ở ANH, NHIỀU NGƯỜI VẪN QUYẾT TÂM RA ĐI (Anh Vũ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ảnh tư liệu chụp ngày 23/10/2019 cho thấy cảnh sát Anh hộ tống chiếc xe tải bên trong có xác người di dân, di chuyển từ khu công nghiệp Thurrock, miền Nam Anh Quốc. AP – Alastair Grant

 Anh Vũ

Ngày 23/10/2019, một thảm kịch người nhập cư lậu đã xảy ra khi cảnh sát Anh phát hiện 39 người Việt bị chết ngạt trong một chiếc xe tải chở container đông lạnh tại hạt Essex ở phía đông bắc thủ đô Luân Đôn, được đưa từ cảng biển Zeebruges của nước Bỉ tới. Vụ việc thương tâm này đã gây chấn động dư luận quốc tế và Việt Nam cũng như chính quyền nước sở tại Anh Quốc.

Hai năm sau, những thủ phạm trực tiếp tham gia vào đường dây đưa người nhập cư lậu trên chiếc xe tải đông lạnh nói trên đã được đưa ra xét xử ở Anh Quốc và ở Việt Nam cùng với những bản án tù đã được tuyên. Nhưng vụ việc vẫn còn mang tính thời sự, khi giới quan sát về di dân vẫn ghi nhận số người muốn rời khỏi Việt Nam hy vọng tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn ở những miền đất hứa không hề giảm đi mà trái lại còn tăng lên.

Cái gốc rễ là mạng lưới đưa người ra nước ngoài vẫn không bị chặt đứt, tiếp tục phát triển theo những nhánh mới. Thông tín viên RFI Frédéric Noir, tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thực tế này qua, những ý kiến đánh của một số chuyên gia thuộc  tổ chức phí chính phủ về di dân.   

«Con xin lỗi mẹ. Hành trình ra nước ngoài của con đã không thành. Con yêu mẹ, con đang chết vì con không thở được nữa.» Nhưng lời trăn trối cuối cùng trên là của cô Phạm Thị Trà My, một phụ nữ trẻ 26 tuổi đã mơ ước lập nghiệp ở nước Anh. Tại Việt Nam khi đó thảm kịch này đã xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên hai năm sau, tình hình vẫn không thay đổi, các mạng lưới mafia đưa người ra nước ngoài vẫn hoạt động và những người tình nguyện ra đi vẫn đông hơn bao giờ hết, nhưng giải thích của ông Michael Brosowski, thuộc tổ chức phi chính phủ Blue Dragon tại Hà Nội : « Nhu cầu ra đi vẫn luôn còn đó. Nhiều người đều nhận thấy những gì đã xảy ra là kinh hoàng, nhưng đó là một tai nạn hy hữu chắc sẽ không lặp lại. Họ vẫn nghĩ để đến được nước Anh đều phải có cái giá của nó. Những kẻ đưa người lậu ra nước ngoài nói với họ rằng ở đó có đầy việc làm, các anh chị sẽ kiếm được nhiều tiền và có thể gửi tiền về giúp đỡ gia đình. »

Từ năm 2019, chính quyền Việt Nam đã đẩy mạnh trấn áp các đường dây đưa người ra nước ngoài nhưng họ vẫn bất lực trước quy mô của hiện tượng này. Ông Michael Brosowski nhận định thêm : « Đã có những vụ bắt giữ và những tổ chức mafia, những kẻ buôn người đã bị bắt và đưa ra xét xử nhưng với chính quyền Việt Nam thì đấy là một thách thức nan giải. Chính quyền không thể ngăn chặn những người ra khỏi nước một cách hợp pháp. Họ có hộ chiếu, có visa. Khó có thể xác định được dự định của người ta trước khi họ rời khỏi Việt Nam. »

Theo con số ước tính, hàng năm có gần 18 nghìn người Việt trả tiền cho những kẻ buôn người để đến châu Âu, trong số họ có người phải trả đến 40 nghìn euros.

Trả lời phỏng vấn RFI, ông Georges Blanchard, sáng lập viên tổ chức phi chính phủ Alliance Anti Trafic, một người đi đầu cuộc đấy tranh chống bóc lột và buôn người ở Việt Nam cho biết sau thảm kịch xe tải đông lạnh ở Essex, chính quyền Việt Nam cũng đã có nỗ lực trấn áp tệ buôn người, nhưng họ đều hiểu rằng triệt phá được đường dây này, là đường dây khác lại mọc ra.

Hiện tại một làn sóng di dân mới vẫn ngấm ngầm trở lại ở Việt Nam. Các con đường đi cũng đã thay đổi hoàn toàn. Theo thông tin từ một người Việt nhập cư lậu bị bắt thì những người muốn đi được tập kết tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây họ được cấp hộ chiếu giả Trung Quốc. Với tấm hộ chiếu này họ đến Malaysia, rồi từ đó chuyển qua Hy Lạp. Tại đây họ được lưu lại khoảng 3 tuần để tiếp tục hành trình qua Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Tây Ban Nha rồi qua Pháp và điểm đến cuối cùng là Anh.

Tất cả những người muốn rời khỏi Việt Nam đi tìm chân trời mới đều có điểm chung, họ là những người lao động nghèo. Hàng chục nghìn đô la trả cho chuyến đi là một tài sản lớn mà họ chưa bao giờ có trong nhà, phải đi vay mượn, hy vọng sang được trời Âu, bằng sức lực của mình sẽ kiếm tiền gửi về trả nợ dần. Và tất cả những người có mơ ước đổi đời đều hiểu được hành trình họ chọn là đầy rủi ro. Cuộc sống tại quê hương phải khó khăn đến mức nào thì người ta mới bằng mọi giá ra đi dù biết có thể họ sẽ phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Nhu cầu nung nấu muốn thoát nghèo như thế chính là mảnh đất tốt cho các đường dây tội phạm đưa người ra nước ngoài phát triển và hoạt động ngày càng tinh vi hơn.

 

Trong năm 2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, sau vụ 39 công dân Việt Nam thiệt mạng trong thùng xe đông lạnh ở Essex, cảnh sát ở Đức và Anh vẫn tiếp tục triệt phá được những vụ đưa người Việt nhập cư lậu qua các hành trình đầy rủi ro nguy hiểm đã được báo trước.