VIỆT NAM ÁP DỤNG MÔ HÌNH ĐÀN ÁP TÔN GIÁO THEO KIỂU TRUNG CỘNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một chuyên viên hàng đầu của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo nói với VOA  (Voice Of America) rằng Việt Nam thực hiện chính sách kiểm soát các nhóm tôn giáo theo phương pháp của Trung Cộng, theo đó bất kỳ biểu hiện đa nguyên nào về quan điểm tự do tôn giáo đều bị đàn áp của nhà cầm quyền. Mặc dù vậy, vẫn theo chuyên viên này, vấn đề ở Việt Nam vẫn chưa ở mức cực đoan như ở Trung Cộng.

“Tôi nghĩ Việt Nam là một khuôn mẫu khá rõ ràng của Trung Cộng, nơi chủ nghĩa độc tài và đàn áp tôn giáo kết hợp cùng nhau. Điều đặc biệt là đó chẳng những không phải là một xã hội dân sự tôn giáo, mà còn là một nhà nước độc đảng tán thành chủ nghĩa Mác – Lênin và coi đó là hệ tư tưởng sáng lập”, ông Dan Slater, Giáo sư môn Khoa Học Chính Trị thuộc Đại học Michigan, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Weiser về các nền dân chủ mới nổi, nói với VOA hôm 8/3.

Giáo sư Slater đưa ra nhận định về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam tại phiên thảo luận trực tuyến về sự giao thoa giữa tự do tôn giáo quốc tế và chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng trong khu vực Đông Nam Á:

“Sẽ không có nhiều không gian cho chủ nghĩa đa nguyên chính trị rộng rãi, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, không cực đoan như ở Trung Cộng, nơi mà tôi nghĩ rằng thập niên qua đã chứng kiến sự đóng cửa thực sự nghiêm trọng, thậm chí vượt ra ngoài những gì xảy ra cách đây một thập niên. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam ít nhất cũng đã và đang đi theo một hướng như vậy”.

Cuộc hội thảo này do Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF = The United States Commission on International Religious Freedom ) tổ chức, trong tình trạng cơ quan này cho rằng thế giới đang chứng kiến điều mà nhiều người gọi là “sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài và các thế lực phản dân chủ”, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi đã trải qua tình trạng thu hẹp không gian dân sự trong thập kỷ qua.

Vị giáo sư trường đại học Michigan nói thêm rằng Campuchia cũng đang tái gia nhập một cách hiệu quả theo mô hình của Việt Nam và Trung Cộng với tư cách là một quốc gia độc đảng. “Và điều đó về cơ bản có nghĩa là bất kỳ xã hội dân sự và biểu hiện đa nguyên nào về quan điểm tự do tôn giáo sẽ phải đối mặt, và sẽ ở trong tầm ngắm của họ”, ông Slater nói tại phiên thảo luận.

“Đây không chỉ là một vấn đề mới ở Việt Nam, mà chúng tôi đánh giá đây là một vấn đề tồn tại từ lâu tai Việt Nam. Vì không có nhiều nguồn lực có khả năng huy động chống chế độ ở Việt Nam và tôn giáo là một trong số đó, vì vậy nhà câm quyền Cộng Sản Việt Nam rất dị ứng với các biểu hiện tự do tôn giáo ở Việt Nam, và sự dị ứng này chắc chắn lớn hơn nhiều so nơi các khác ở Đông Nam Á”.

Uỷ viên USCIRF Stephen Schneck phát biểu rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài trong khu vực là hiện tượng đáng lo ngại và điều này có ảnh hưởng đối với tự do tôn giáo:

“Nói thẳng ra, đó là một khu vực thường bị bỏ qua ở Washington DC. Và khi đề cập đến khu vực này, các cuộc thảo luận thường chỉ giới hạn ở hai quốc gia mà chúng tôi đề xuất là những Quốc gia cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC), đó là Myanmar và Việt Nam, hoặc trong tình hình có lẽ là của các căng thẳng ở Biển Đông, rất hiếm khi khu vực này được xem xét qua lăng kính nhân quyền, chứ chưa nói đến quyền tự do tôn giáo cơ bản của con người”.

Các diễn giả bày tỏ sự lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài và các thế lực phản dân chủ trong khu vực, nơi không gian dân sự bị thu hẹp trong hàng thập niên qua. Các chuyên viên đồng thời tập trung phân tích sự ảnh hưởng của xu hướng này đối với tình hình tự do tôn giáo của Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia.

Đây không phải là lần đầu tiên các chuyên viên quốc tế đưa ra nhận định về việc Việt Nam áp dụng mô hình hạn chế tự do tôn giáo theo kiểu Trung Cộng.

Ngay sau khi chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 92 năm 2012 về việc thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, giới quan sát nhận định rằng nghị định này quy định “những hạn chế nghiêm trọng” đối với quyền tự do thờ phượng trong nước, và họ cho rằng dường như Việt Nam đang theo “mô hình Trung Cộng” để đưa ra các quyết định trong tương lai về các vấn đề tín ngưỡng.

Asia News viết: “Mô hình “hà khắc” của Trung Cộng trở thành mẫu mực cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam”

Truyền thông quốc tế khi ấy dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết Phó Chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng nói với phái đoàn Trung Cộng rằng “Việt Nam sẽ ngày càng học tập theo Trung Cộng trong các vấn đề về chính sách tôn giáo”.

Nghị định 92/2012 của Việt Nam sau đó được thay thế bằng Nghị định 162/2017, theo đó quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín Ngưỡng, tôn giáo 2016, tuy nhiên về bản chất vẫn giữ nguyên các quy định cũ, và kiểm soát các nhóm tôn giáo theo chiều hướng ngày càng khắc khe hơn.

Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith phát biểu tại một phiên điều trần tại Quốc Hội Mỹ vào tháng 7/2014 rằng các phương pháp đàn áp tự do tôn giáo của Trung Cộng là mẫu mực cho một số nước khác, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là việc đàn áp những người theo Pháp Luân Công ở Việt Nam.

Theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo Việt Nam năm 2016, tất cả các cơ sở thờ tự phải ghi danh với nhà cầm quyền. Tuy nhiên, khi một số mục sư người Hmong và người Thượng cố gắng ghi danh xin thành lập các hội thánh tư gia, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại từ chối đơn của họ, điều này dẫn đến việc an ninh thường xuyên đột kích hoặc giải tán các hội nhóm tại gia không ghi danh ở khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua.

Nhà cầm quyền CSVN từ trước đến nay bác bỏ cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo, nói rằng “Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

USCIRF ghi nhận hiện có 77 tù nhân lương tâm tôn giáo tại Việt Nam, những người mà nhà cầm quyền cho nói rằng đã “vi phạm pháp luật”.

Trong diễn biến liên quan, hôm 9/3, lần đầu tiên nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam công bố về sách trắng tôn giáo, khẳng định rằng các tôn giáo đều “bình đẳng trước pháp luật”, và rằng nhà nước “không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo”, hay “không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”.

Ban Tôn giáo Chính Phủ công bố sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dài hơn 130 trang, trong đó khẳng định “ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo”.

Truyền thông nhà nước dẫn sách trắng cho biết nhà cầm quyền nước này đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận ghi danh hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo.

Theo VOA

vietquoc.org