Vai trò Việt Nam trong kế hoạch của Mỹ ở Biển Đông

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tàu chiến Mỹ USS Fort Worth trong một cuộc tuần tra ở Biển Đông cùng với tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen. (Ảnh: Joe Bishop/Hải quân Hoa Kỳ).

Tàu chiến Mỹ USS Fort Worth trong một cuộc tuần tra ở Biển Đông cùng với tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen. (Ảnh: Joe Bishop/Hải quân Hoa Kỳ).

 Mỹ chắc chắn sẽ đưa tàu chiến ra thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo nhận định của 3 chuyên gia gốc Việt từ Mỹ, Úc, và Canada am hiểu về tình hình Biển Đông trong cuộc hội luận với VOA Việt ngữ hôm nay.
Giới chuyên môn đánh giá rằng bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ và đe dọa trả đũa từ Bắc Kinh, kế hoạch của Washington sắp cho tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các hòn đảo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa ‘có tầm quan trọng rất lớn’ với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.

Vậy Việt Nam cần tận dụng cơ hội này thế nào để vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa thoát được sự chi phối lâu nay từ Trung Quốc?

Mời quý vị theo dõi phần hội luận tiếp theo với luật sư Lưu Tường Quang tại Úc, từng là một nhà ngoại giao thời Việt Nam Cộng Hòa, cựu Tổng Giám đốc hệ thống truyền thanh đa ngữ SBS Radio của liên bang Úc; luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế; và học giả Ngô Vĩnh Long ở Mỹ chuyên nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Mỹ-Á, hiện là Giáo sư khoa lịch sử của Đại học Maine.
Bấm để nghe phần âm thanh
Giáo sư Long: Mỹ cũng cần sự ủng hộ của một vài nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Cho nên, Việt Nam phải lên tiếng rõ ràng. Là nước duyên hải dài nhất ở Biển Đông và có nhiều đảo ở Trường Sa, nếu Việt Nam không lên tiếng thì sẽ bị thiệt hại.
VOA: Nếu Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra này, Trung Quốc sẽ thịnh nộ. Vậy Việt Nam ‘lên tiếng rõ ràng’ thì liệu có tránh được cơn thịnh nộ của Trung Quốc?
Giáo sư Long: Việt Nam giờ phải quyết định xem lợi ích và sự sống còn của dân tộc có quan trọng hơn lợi ích của một số người trong đảng hay không. Theo đà chính trị trong những năm qua, kể cả chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, Việt Nam đã quyết định phải bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Việt Nam vì sát Trung Quốc nên phải nhân nhượng. ‘Nước xa lửa gần’,  nhưng đến lúc lửa cháy quá thì phải tìm nước dập lửa mà thôi. Bao nhiêu sự thỏa thuận với Việt Nam, Trung Quốc nói tuần trước thì tuần sau đều đi ngược lại. Ông Tập Cận Bình sang Mỹ cũng thỏa thuận nhiều vấn đề, nhưng sau đó lại tiếp tục làm bậy. Mỹ, Việt Nam và các nước phải chứng minh cho Trung Quốc thấy họ không thể nói một đằng làm một nẻo.
Luật sư Quang: Trong trường hợp này, tôi hy vọng Việt Nam sẽ có thái độ dứt khoát hơn. Tới giờ, ASEAN hoàn toàn chia rẽ trong vấn đề Biển Đông. Nếu ASEAN, đặc biệt là 4 nước có tranh chấp như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, có một lập trường chung ủng hộ hành động cụ thể, mạnh mẽ của Mỹ thì Việt Nam dễ dàng có thái độ dứt khoát hơn.

VOA: Các cuộc tuần tra của Mỹ tại khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc, nếu diễn ra, liệu có khả năng dẫn tới những xung đột, va chạm trên biển?

Luật sư Khanh: Tôi nghĩ chắc chắn không có vấn đề nổ súng. Trung Quốc không điên dại gì nổ súng vì không đủ khả năng chống lại lực lượng Hoa Kỳ. Có sự đối đầu, sẽ rất găng, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ.
VOA: Không lên tới mức xung đột nhưng có thể ở mức va chạm?
Luật sư Khanh: Dạ và có thể có một mặt trận ngoại giao rất căng.

Giáo sư Long: Dẫu thế, Trung Quốc sẽ càng ngày càng bị cô lập vì pháp lý hiện nay không về phía Trung Quốc. Họ đã chiếm đảo, giết người, xây dựng các sân bay trên đó v..v..rõ ràng là  có ý đồ quan sự . Các nước bảo ngưng, Trung Quốc hứa nhưng lại tiếp tục xây. Dư luận thế giới đã hiểu vấn đề này. Nếu Trung Quốc có căng thì cũng sẽ càng làm cho thế của họ yếu đi.

Luật sư Quang: Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội về ngoại giao. Ưu tiên của họ bây giờ là làm sao phát triển kinh tế bắt kịp với Mỹ. Trung Quốc cần nhiều phương tiện, cần thương mại, cần Mỹ hơn Mỹ cần Trung Quốc. Ưu tiên đó sẽ không cho phép Trung Quốc gây ra cuộc chiến lớn với Hoa Kỳ.
VOA: Mỹ có thể làm gì để hạ nhiệt Trung Quốc nếu thật sự các cuộc tuần tra này làm cho Trung Quốc phẫn nộ có hành động đáp trả?
Giáo sư Long: Muốn Trung Quốc hạ nhiệt, Mỹ phải có những hành động rõ ràng. Trung Quốc có thể đụng độ với vài nước nhỏ trên đất liền, trong đó có Việt Nam, hoặc qua các hình thức khác như kinh tế chẳng hạn.
VOA: Trong trường hợp bị o ép như thế, Việt Nam có thể làm gì?
Luật sư Khanh: Với chuyến đi của ông Trọng sang Mỹ tháng 7 vừa qua có thể đã có những thỏa thuận ngầm nào đó về vai trò của Việt Nam trong khu vực. Chúng ta cần quan sát thật kỹ hai chuyến đi trong tháng 11 của ông Tập Cận Bình và của Tổng thống Obama sang Hà Nội. Hai chuyến đi này sẽ cho một số dấu hiệu để thấy Hà Nội chuyển trục thế nào. Đầu năm sau, với đại hội đảng 12, chúng ta sẽ hình dung rõ hơn bức tranh của Việt Nam. Họ bắt buộc phải có một sự chuyển trục rõ ràng.
Giáo sư Long: Tại sao ông Trọng sang Nhật sau khi thăm Mỹ? Bởi Nhật là đồng minh rất quan trọng của Mỹ. Tôi nghĩ Việt Nam đã chọn đường hướng.
Luật sư Quang: Việt Nam đã có ý định đó khi vận động cho ông Trọng được Mỹ mời sang.
VOA: Trong trường hợp họ không ‘chuyển trục’ sẽ có những bất lợi thế nào?
Luật sư Quang: Nếu họ chuyển trục, nếu Hiệp định TPP được Quốc hội Mỹ chuẩn y và có hiệu lực, thì cơ hội  Việt Nam chịu uống thuốc đắng để dã tật, để phần nào bớt lệ thuộc vào Trung Quốc có thể xảy ra. Không những xảy ra về phương diện kinh tế mà cả luôn về mặt chính trị.
VOA: Luật sư Khanh có nhìn thấy những nguy cơ, rủi ro nào với Việt Nam nếu không chịu ‘chuyển trục’?
Luật sư Khanh: Trong bối cảnh hôm nay, đảng cộng sản Việt Nam không còn cách nào khác hơn. Nếu họ không chịu quyết định vận mệnh của họ thì Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ quyết định cho họ. Với bờ biển trên 3 ngàn cây số, đó là mặt tiền của Biển Đông, Việt Nam có quá nhiều quyền lợi ở Biển Đông, không thể không có quyết định sớm. Có thể với sự tham gia TPP trong vài năm tới, Việt Nam sẽ từng bước có những sự nới lỏng, không gian xã hội dân sự được giãn ra, từ từ sẽ có chuyển biến chính trị phù hợp với xu hướng của thế giới.
VOA: Những yếu tố ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’ để thoát Trung đối với Việt Nam như thế nào khi Mỹ quyết định phải hành động chứ không thể dễ dãi với âm mưu bá chủ của Trung Quốc?
Giáo sư Long: Đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam, nhưng để nắm được cơ hội đó, Việt Nam cần phải dứt khoát. Mỹ đã dọn bàn cổ cho Việt Nam, trong đó có TPP. Việt Nam giờ chỉ cần làm sao chuẩn bị để được hưởng những cái lợi đó. Đại hội đảng 12 rất quan trọng. Việt Nam giờ đang muốn mua thời gian để chuẩn bị cho đại hội đó cũng như chuẩn bị nhân sự để thi hành những chính sách mà theo tôi là họ đã đồng ý rồi. Tôi nghĩ Việt Nam bây giờ đã thấy được giữa cái tương lai và sự nguy hiểm cho đất nước như thế nào.
Luật sư Quang: Tôi hy vọng với sự đe dọa rất lớn từ Trung Quốc, đại hội đảng lần thứ 12 năm 2016 sẽ đi tới một quyết định tương tự như đại hội 6 năm 1986. Nếu những điều chúng ta thảo luận trở thành sự thật, đại hội 12 sẽ có tầm vóc chuyển đổi Việt Nam từ chế độ cộng sản độc tài lệ thuộc Trung Quốc thành một nước Việt Nam độc tài nhưng thân Mỹ. Điều đó có lợi cho đất nước chúng ta, theo nghĩa là chúng ta bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
VOA: Như vậy kế hoạch của Mỹ ở Biển Đông lần này xem ra vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam xem Việt Nam có dám nhân cơ hội này mà rời xa Trung Quốc hay không?
Giáo sư Long: Vâng, việc làm rõ ràng của Mỹ sẽ khiến Việt Nam tin cậy Mỹ hơn bởi vì Hoa Kỳ đã đi đêm với Trung Quốc rất nhiều lần, đã gây tổn hại cho nước Việt Nam rất lớn. Các nước khác cũng cần Mỹ chứng minh để họ có thể tin tưởng Mỹ.  Bây giờ, những hành động cụ thể của Mỹ sẽ gây tin tưởng cho Việt Nam và các nước trong khu vực.
Luật sư Quang: Để Việt Nam tin tưởng hơn vào Hoa Kỳ, Mỹ có thể tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí sát thương để giúp Việt Nam có được phương tiện quân sự chống trả Trung Quốc trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công bằng đường bộ.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư Long, Luật sư Khanh, và Luật sư Quang đã dành thời gian cho cuộc hội luận này.