ƯỚC MUỐN CUỐI CỦA MỘT CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM THĂM VIỆN BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN LỰC VNCH (Đằng Giao/NV)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ông Don Greene qua nhiều giai đoạn cuộc đời, 17, 19, 21 và 74. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt) 

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sáng Thứ Bảy, 15 Tháng Tám, ông Don Greene, một cựu chiến binh Hải Quân Hoa Kỳ đã từng tham chiến phục vụ tại Việt Nam, đến thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) trên đường Bolsa, Westminster.

Mặc dù phải đóng cửa theo lệnh của tiểu bang, viện bảo tàng đã cố gắng thu xếp để đón tiếp vị khách đặc biệt này.

Cách nay vài tuần, ông Greene đã đến thăm viện bảo tàng và tặng viện bảo tàng một số hiện vật mà ông cất giữ từ năm 1966 đến giờ.

Bác Sĩ Nguyễn Hoàng Quân, giám đốc viện bảo tàng, nói: “Chỉ còn sống thêm vài tuần nữa, ông muốn quay lại đây hôm nay, có lẽ là lần cuối. Quý ông lắm, chúng tôi mới phải mở cửa tiếp ông ngay giữa đại dịch đó.”

Tuân thủ lệnh “lock down” của Thống Đốc Gavin Newsom, viện bảo tàng, như bao nhiêu cơ sở lớn, nhỏ khác, đóng cửa từ hồi Tháng Ba đến giờ. Nhưng hồi Tháng Bảy và hôm nay, ban giám đốc đặc biệt mở cửa tiếp mình ông thôi.

Ông Greene được báo tin ông đang vào giai đoạn cuối của cuộc đời ở tuổi 74 vì chứng ung thư nhiếp hộ tuyến.

Ông như có một mối giao tình với người Việt từ hồi mới đến Việt Nam. Sau những cuộc hành quân đầy cam go, nguy hiểm, thay vì cùng đơn vị nghỉ ngơi, ông tình nguyện đi vào thôn xóm khám bệnh giúp dân nghèo trong cương vị y sĩ chiến trường.

Bức hí họa mà ông Don Greene vô cùng quý. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông đã đem thuốc men đi chữa trị trên khắp các nẻo đường quê tại Phú Bài, Đông Hà, Cồn Tiên, Huế và Cam Lộ.

“Những người tôi giúp, hầu như là phụ nữ, người già và trẻ em thôi. Tôi chưa bao giờ chữa trị cho bất cứ thanh niên Việt Nam nào lúc ấy. Họ đã phải đi lính, cho bên này hoặc bên kia rồi,” ông kể.

Đi sâu vào những nơi hẻo lánh để cứu giúp dân lành là một việc làm hết sức liều lĩnh, nhưng ông bất chấp.

Ông nói: “Có hai người trong một đơn vị tác chiến mà Việt Cộng muốn giết trước là ‘medic’ (y sĩ chiến trường) và người phụ trách trruyền tin.”

Ông Don Greene không ngăn được xúc động trong lần viếng thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử QLVNCH. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Họ treo giải thưởng trên đầu tôi là 10,000 đồng cho nên đi đâu, tôi phải có hai người hộ tống,” ông cười kể lại.

Ông thích chăm sóc những vết đỉa cắn lở loét trên thân thể những em bé quê và ngắm những khuôn mặt rạng rỡ khi được phát kẹo sô cô la Mỹ.

Ông là một trong số ít quân nhân Mỹ được Đại Tướng Cao Văn Viên trao tặng Anh Dũng Bội Tinh, nhưng món quà ông quý nhất là một bức hí họa của chính ông do một họa sĩ còn rất trẻ người Việt Nam vẽ tặng. Bức tranh mô phỏng một chàng lính Mỹ cứu thương, không súng ống mà chỉ cầm một ống chích trên tay.

Ông Don Greene khám bệnh tại Việt Nam. (Hình: Don Greene cung cấp)

Ông được giải ngũ vì bị thương nặng tại Việt Nam.

Những hiện vật quý báu ông trao tặng cho viện bảo tàng gồm một số quần áo, ba lô, dụng cụ y tế, sách báo liên quan đến Việt Nam và tấm hí họa của mình.

Ngồi trong viện bảo tàng giữa những hình ảnh ghi lại cuộc chiến ông từng tham dự thời trai trẻ, ông bồi hồi ôn lại những ngày khói lửa. “Tôi không còn sống bao lâu, nhưng tôi sẽ giữ mãi những ký ức về Việt Nam,” ông chân thành nói. “Việt Nam, đất nước quá đẹp mà cuộc chiến quá tàn ác.”

Dụng cụ cứu thương chiến trướng của ông Don Greene. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Lý do ông muốn đến thăm viện bảo tàng lần này là để tìm lại phần nào thời son trẻ của mình. Ông nói: “Thời đó, chúng tôi cận kề với cái chết nhưng tôi không sợ. Bởi vì tôi có lý tưởng trong tim và sự cương quyết trong lòng.”

“Hồi đó, người ta gọi tôi là ‘bác sĩ’ và tôi cứ phải đính chính hoài. Nhưng lâu dần, tôi cứ để họ gọi tôi như vậy. Sao cũng được. Miễn sao tôi giúp họ được là tôi vui rồi,” ông tâm sự.

Nhìn lại những hình ảnh chiến trường Việt Nam, ông Greene khẽ nói: “Tôi yêu Việt Nam. Tôi hãnh diện phục vụ tại chiến trường Việt Nam.” (Đằng-Giao) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com