(Truyện ngắn dưới đây có những chi tiết do tưởng tượng. Nếu hoàn cảnh và danh tánh của các nhân vật có sự trùng hợp ngoài đời thì chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết).
Trong số những sân Golf tại thành phố và vùng phụ cận, An ưa thích nhất một sân tại Coronado. Tuy từ nhà anh đến sân này hơi xa, nhưng Coronado là một khu vực thật đẹp, sân Golf lại ở ngay gần bờ biển. An đến đây nếu chỉ để thư giãn tản bộ cũng đã thấy đáng công lái xe mấy dặm đàng. Ða số những người đến tập dượt hoặc chơi Golf ở sân này đều đã đứng tuổi. Một số ngày xưa là những sĩ quan cao cấp của quân lực Hoa Kỳ, nay đã hồi hưu, chọn Coronado làm nơi di dưỡng, điền viên. Họ đến đây chơi Golf, gặp và hàn huyên với bạn bè, ôn lại những chuyện lớn nhỏ của những ngày xa xưa. Ðôi khi họ đến tập dượt một mình, luyện những đường banh tại sân tập mà dân chơi môn thể thao này gọi là Driving Range.
Từ San Diego, muốn đến Coronado, thuận tiện nhất là dùng xa lộ số 5, qua một cây cầu là tới. Ban đêm, từ xa nhìn cầu Coronado thì tuyệt đẹp. Cầu thật dài, với hàng trăm ngọn đèn điện sáng hai bên, đêm đến in những điểm sáng trên nền của cuối trời. Lúc đó cầu như một con rồng dài có gắn thật nhiều viên kim cương, uốn lượn từ bên này thành phố sang tới bên kia bán đảo, băng qua một vịnh biển có nhiều tàu bè lớn nhỏ và du thuyền qua lại.
An vài năm nay ưa chơi Golf vì ít phải chạy mệt, duy có một trở ngại là anh thấy môn này khó quá. An nhớ là lúc mới bắt đầu học, câu đầu tiên người huấn luyện viên chỉ dẫn cho anh là cần kiên nhẫn. Nhiều môn thể thao khác, nếu có năng khiếu, chỉ sáu tháng, một năm tập dượt là đã đủ để tạm chơi giao hảo với bạn bè. Các bộ môn như quần vợt, bóng bàn, bóng rổ, bóng chuyền, túc cầu tuy trái banh thường là di động trong lúc đánh, thế mà lại dễ trúng. Riêng về Golf thì trái banh hiền lành nằm yên một chỗ, để cho người chơi banh tấn kích bằng một trong những cây gậy dài, thế mà người đã tập chơi vài tháng đánh hụt banh là chuyện thường. Nhiều khi trúng banh, nhưng sai kỹ thuật, banh nằm lăn ra một bên, hoặc rơi ở gần, sai mục tiêu.
Một buổi chiều thứ năm, An để dụng cụ chơi Golf của anh lên xe, rồi lái sang Coronado. San Diego, khí hậu ấm áp gần như bốn mùa, ít mưa và không ẩm thấp. Ðây là nơi lý tưởng cho những ai thích sanh hoạt ngoài trời.
An tới sân, lấy một rổ banh ra chỗ Driving Range và bắt đầu tập dượt. An hụt luôn hai trái đầu, những trái sau bay lệch lạc, chéo theo những góc độ rất bất ngờ, hoặc là chỉ rơi cách chỗ đứng một vài chục yards. An bỏ cây Iron 5, dùng cây Club 3, anh tập nữa và có chút tiến bộ. Vài trái banh bay bổng cao, vẽ được những đường cung hình học trong khoảng không, nhưng độ chính xác và độ xa chưa được như ý.
An hơi chán nản, ngồi xuống một chiếc ghế nhựa để sẵn bên bãi tập, quan sát một người Mỹ cũng đang luyện những đường banh ở gần bên. Ông này độ trên dưới sáu mươi, tóc hói nhiều, bụng hơi lớn, nhưng dáng dấp rất nhanh nhẹn. Ông ta mặc một áo đánh Golf ngắn tay có nhãn hiệu trên ngực áo, rất hợp thời trang thể thao và một quần dài khác màu nhưng cùng một nhà sản xuất. An muốn nhìn cách đánh banh của ông ta để học hỏi từ thế đứng cho tới kỹ thuật tấn kích những trái banh nhựa mầu trắng có nhiều những chỗ lõm nhẹ đều đặn. Tất cả những động tác của ông rất nhẹ nhàng và dễ dàng, đúng như “lời thầy dạy” của các huấn luyện viên vẫn thường chỉ dẫn cho An. Gặp tia mắt quan sát của anh, ông ngước đầu lên. Thấy An gật nhẹ đầu có ý thán phục tài, ông ta nói “Hi” rồi tiếp tục đánh những đường banh thật là đẹp, thẳng và xa, lại chính xác rơi gần những mục tiêu.
An ra chỗ cũ của mình, tập dượt nữa. Ðến lượt ông Mỹ láng giềng này ngồi nghỉ, nhìn An đánh. An lại càng lúng túng, thấy có một tay nhà nghề đánh giỏi xem cách đánh banh của mình, An đánh sai trật nhiều hơn. An nhìn ông người Mỹ, nhẹ lắc đầu như tự chê chính mình, và mỉm cười. Có lẽ tại nơi thể thao là chỗ mọi người cởi mở, dễ làm quen nhau nhất. Ông ta cười lại xã giao. Tự nhiên An chợt thấy một nét quen thuộc xa xăm nơi nụ cười của người Mỹ vừa mới gặp này. Ông ta đứng dậy khỏi ghế, tiến lại gần An, thân mật nói bằng tiếng Mỹ:
– Bạn cho phép tôi sửa sai cho bạn một chút được không?
An đáp lại, cũng bằng Anh ngữ:
– Tôi thấy bạn đánh banh dễ dàng và chính xác. Nếu được bạn chỉ cho vài mẹo về kỹ thuật thì quý lắm.
Ông ta chỉ cho An cách đứng lấy thế, hai bàn chân để cách nhau bao xa, góc độ giữa hai chân thế nào, khi vung tay phải làm sao. Ông chỉ thêm về thời điểm và cách chuyển trọng lượng thân thể từ chân trái sang chân phải, rồi lại từ phải sang trái. Ông phê bình An, khi đánh trái banh đã không giữ chân trái làm trụ cho vững chắc.
Sau ít phút tập dượt, hai người đứng nghỉ, nói chuyện. Ông Mỹ hỏi An:
– Bạn gốc từ Ðại Hàn hay Nhật Bản?
Có lẽ ông ta ít gặp người Việt chơi môn thể thao này. An đáp:
– Tôi đến từ Việt Nam.
Ông ta vui vẻ đưa tay bắt:
– Tôi là Bill. Tôi có đến nước của bạn vào thời chiến tranh Việt Nam. Tôi ở Vùng Bốn Chiến Thuật rồi sau ở Lai Khê.
An cũng bắt tay xã giao:
– Hân hạnh được biết bạn. Tên tôi là An.
Chợt An nhìn thấy hai chữ WM được xăm bằng mực xanh đen nơi cánh tay phải của người Mỹ mới quen. An nói gần như reo lên:
– Captain William More !
An không thể nào nhầm lẫn được. Người Mỹ An mới gặp này là viên cố vấn Trung Ðoàn An đã có dịp sanh hoạt chung một đơn vị trên ba mươi năm về trước. Hai chữ WM trên cánh tay kia, An đã nhìn bao nhiêu lần hồi ở Ngang Dừa, rồi ở Kiên Long, Chương Thiện. Hai chữ tắt nét nhỏ được xâm rất sắc sảo, nếu người ngồi phía bên phải hay bên trái của cánh tay, khi xưa lúc đánh bài, đều đọc là WM, tượng trưng cho William More. Ông ta còn hơi ngỡ ngàng, An nói tiếp ngay:
– Tôi là An, Y-sĩ cùng phục vụ tại Trung Ðoàn 31 ngày xưa với bạn tại Vị Thanh, bạn nhớ không? Hơn ba mươi năm rồi! Tôi xin lỗi, lúc nãy kêu bạn là Captain. Bây giờ chắc bạn phải là tướng lãnh ba sao rồi.
More mừng rỡ, ôm lấy vai An:
– Tôi thật không thể tin được là gặp lại Bác sĩ An ở đây!
William More phát âm nguyên văn ba tiếng Bác sĩ An bằng tiếng Việt, y như hồi xưa ông ta bắt chước các sĩ quan trong đơn vị vẫn gọi anh. Những ngày chinh chiến hồi đó, ít người tại Trung Ðoàn kêu An bằng Trung Úy, họ thường lịch sự gọi anh bằng danh xưng nghề nghiệp. More nói tiếp:
– Tôi bây giờ làm nghề kinh doanh, không còn ở trong quân ngũ nữa. Tôi đã xin giải ngũ nhiều năm. Cấp bậc chót của tôi là Ðại Tá, không làm được tới cấp tướng lãnh như tôi hằng dự mong từ những ngày xưa. Bạn bây giờ ở đâu, làm gì?
An đáp:
– Tôi may mắn làm lại nghề thầy thuốc ngày trước. Tôi có phòng mạch ở San Diego, phía bên kia Vịnh Coronado.
More nói tiếp:
– Gặp lại bạn tôi mừng lắm. Mình dùng cơm chiều tại Ocean Terrace, Hotel Del ở đây được chứ. Tụi mình có nhiều chuyện để cùng ôn lại.
An cũng mừng vì gặp lại người quen ngày xưa. Anh nhận lời. More nói:
– Tôi phải về đón đứa cháu ngoại ở vườn trẻ gần đây, đưa về nhà con gái tôi. Chừng một giờ nữa xin gặp lại bạn tại Ocean Terrace.
More chào An, rồi đem giỏ đánh Golf của ông ta ra xe nơi bãi đậu phía xa, dáng dấp rất là thể thao, gọn gàng, có lẽ một phần nhờ những năm dài trong quân ngũ. An suy nghĩ về chuyện tái ngộ người quen cũ thật là bất ngờ. Nếu không nhờ hai chữ xăm trên tay của More, hai người khó có thể nhận ra nhau sau nhiều năm xa cách. More thì hói đầu, gần hết mái tóc nâu đẹp ngày xưa. An cũng khác ngày trước nhiều, tóc đã điểm bạc và rụng bớt, lại thêm cặp kính trắng, và đứng tuổi làm An lên cân, không nhỏ nhắn như hồi còn thư sinh mới ra trường.
An thu dọn mấy dụng cụ thể thao của mình, đem để sau thùng xe. Anh điện thoại về nhà, cho biết gặp bạn cũ, và không dùng cơm tại nhà tối nay. Rồi anh rửa tay, lau mặt, đến phòng ăn của Khách Sạn Del Coronado gọi nước uống, chuẩn bị cho bữa cơm chiều, mừng tái ngộ với người bạn Mỹ quen biết tự ngày xưa bên nước nhà. Cả một chuỗi kỷ niệm của những năm tháng xa xôi ngày trước hiện ra như một cuốn phim được chiếu lại trong ký ức của An.
*
* *
Hồi năm 1963, mới ra trường làm y sĩ quân đội, An theo đơn vị tác chiến đến đóng quân tại Ngang Dừa, rồi tại Kiên Long thuộc đồng bằng Hậu Giang. Ðây là hai quận lỵ được thành lập vào những năm thời Tổng Thống Diệm, qua chương trình Ấp Chiến Lược của ông Cố Vấn Nhu.
Tại đơn vị đầu tiên này, An có quen với hai cố vấn người Mỹ. Một người là Ðại Úy William More, mọi người khi thân mật gọi là Bill, người kia là Trung Sĩ Richard Johnson, tên thân mật là Dick. Anh này chuyên lo về liên lạc truyền tin với các lực lượng Hoa Kỳ, xin máy bay tản thương, tiếp liệu hoặc yểm trợ hỏa lực. Những tháng đầu, An giữ ý, chỉ giao thiệp lịch sự xã giao với hai người ngoại quốc này, sợ bị người chung quanh hiểu lầm, mang tiếng thân Mỹ. Họ vài lần xin thuốc đau bụng của An khi đi hành quân, dùng phải thực phẩm kém tinh khiết. An lâu lâu cũng nói chuyện với họ, để có dịp thực tập chút vốn liếng Anh ngữ hồi bấy giờ còn rất hạn hẹp của anh.
Thế rồi một hôm có một biến cố xảy ra. Từ đó An thấy quý mến người bạn Mỹ tên William More này và trở nên bạn khá thân.
Hôm đó, Tiểu Ðoàn Hai của Trung Ðoàn đụng một trận nặng và thắng lợi, bắt sống được một Tiểu Ðoàn Trưởng của đối phương, cấp bậc Thượng Úy. Hắn được dẫn bắt về bộ chỉ huy Trung Ðoàn, chờ trực thăng sẽ đem về Phòng Nhì Sư Ðoàn. Trung Úy Hậu, trưởng ban tình báo của đơn vị An, đã biết nhiều về lý lịch của người tù binh này. Hắn có mật danh là Anh Tư, hay là Tư Bụng. Hắn ta thấp lùn, chỉ cao độ một thước năm mươi lăm phân, mập và có cái bụng lớn. Theo tin tức tình báo thì dù khi hành quân hay lúc ẩn náu, chiều tối nào hắn cũng uống hai chai bia 33. C ó lẽ vì vậy bụng hắn lớn và cho hắn cái hỗn danh như trên. Hắn ta tuổi độ ba mươi, tin tức cho biết hắn là một người chỉ huy giỏi, trốn tránh khéo léo, chỉ khi nào tính toán thấy chắc thắng mới chịu chơi đụng độ với bên này. Có lẽ xui xẻo, vì bị lộ tin tức, đơn vị hắn lần này bị vây hãm nên thất trận.
Một chiếc trực thăng từ Bạc Liêu tới, mục đích chính là để dẫn giải người tù binh này về Sư Ðoàn để khai thác tin tức. Vị Trung Tá Chỉ Huy Trưởng của đơn vị mời An tháp tùng về Bạc Liêu. Ông ta cần gặp vị Tư Lệnh và cũng nhân dịp về thăm vợ con. An cũng đi vì muốn gặp lại vài người bạn đồng nghiệp, nhất là bác sĩ Cầu, vị y-sĩ tiền nhiệm của An.
Trực thăng khởi hành, rồi từ từ lên tới cao độ trên hai ngàn bộ. Ở cao độ này, giảm thiểu nhiều được nguy hiểm có súng bên địch từ các làng mạc phía dưới bắn lên. Hai người xạ thủ Mỹ, giữ hai cây súng đại liên, ngồi ghế mỗi bên thân máy bay. An và vị Chỉ Huy Trưởng được nhường hai chỗ ngồi còn lại. Ðại Úy More, Trung Úy Hậu, Trung Sĩ Johnson ngồi tạm trên sàn máy bay. Vì hay phải tản thương hoặc chuyển quân, các trực thăng đã được tháo gỡ nhiều ghế ngồi cho rộng chỗ. Tư Bụng cũng được cho ngồi trên sàn của thân trực thăng. Hai chân hắn bị cột bằng dây lòi tói, có để một khoảng dây ngắn giữa hai cổ chân, đủ để di chuyển với những bước nhỏ nhưng không thể trốn chạy được. Hai tay hắn bị còng bằng sắt, để ra phía trước. Hắn ngồi với vẻ mặt lạnh lùng.
Ðã bay an toàn được trên hai mươi phút. Mọi người đang ngồi yên chờ đợi, mong chóng tới tỉnh lỵ nhỏ bé Bạc Liêu, gần kề Cà Mau. Thình lình với một tiếng hét lớn, Tư Bụng nhỏm lên, dùng hai tay có còng sắt, choàng nhanh qua cổ Ðại Úy More kẹp chặt rồi tung người ra khỏi khoảng trống gần bên, nơi sườn trực thăng, cửa lúc đó không đóng vì có đặt súng. Chuyện xảy ra quá bất ngờ. More do phản ứng, cổ bị đeo cứng nhưng hai tay vẫn tự do, nắm chặt vào hai cánh tay của Tư Bụng, thân hình ngắn lùn của hắn đong đưa lơ lửng cạnh thân máy bay. Johnson và Trung Úy Hậu cũng nhanh nhẹn, mỗi người một tay thì nắm víu vào những chân ghế chỗ An và vị chỉ huy ngồi, tay còn lại thì nắm giữ mỗi người mỗi bên chân của More cho anh ta khỏi bị lôi kéo ra ngoài không trung, nếu rơi xuống chắc chắn sẽ chết nát thây cùng với Tư Bụng. An thấy chân ghé mình rung chuyển vì sức nặng, trì kéo của cả mấy người đeo vào. Rất may là chân ghế làm bằng kim loại nhẹ nhưng vững chắc, được gắn chặt chẽ và kỹ lưỡng bằng nhiều đanh ốc xuống sàn trực thăng. More một nửa lưng bị ưỡn ngược nơi cạnh sàn máy bay, mông và hai chân còn ở trong thân tàu và được níu kéo nắm giử. An và vị chỉ huy, nhờ có đeo dây an toàn, cũng phụ nắm lấy vai của Hậu và Johnson, tiếp sức chịu đựng. Người xạ thủ gần More hét lên bằng tiếng Mỹ với More:
– Buông thằng này ra, chúng tôi mới kéo anh vô được!
Nhưng More vẫn nắm chặt hai tay Tư Bụng. More không buông rơi người tù binh, và cổ anh đang bị choàng chặt bởi chiếc còng sắt giữa hai cổ tay của Tư Bụng. Cuối cùng nhờ sự tiếp sức rất mạnh mẽ của người xạ thủ phía bên đối diện, Trung Úy Hậu và Johnson kéo được More và luôn cả Tư Bụng vào trong thân máy bay.
Cổ của More phía trước bị trầy xước nặng, rướm máu vì cọ xát của chiếc còng sắt. Mặt More còn bị dồn máu, anh thở nhanh dồn dập. Nhưng anh ta là người chiến sĩ chuyên nghiệp, tỏ ra vẫn bình tĩnh sau khi thoát chết. Hậu như muốn bị sái cả một cánh tay, anh ta tát cho Tư Bụng một cái vào má khá mạnh, lấy thêm một chiếc còng nữa có sẵn ở ngang lưng, một khoen của còng mới này đem móc vào chiếc còng của Tư Bụng, bên khoen kia móc khóa vào một chân ghế chỗ An đang ngồi. An tự nhiên bây giờ giáp mặt với Tư Bụng, diện đối diện, và đây là lần đầu tiên anh phải tiếp cận với một người thuộc phía bên kia, gần gũi đến thế. An nhìn Tư Bụng hỏi:
– Tại sao anh làm vậy?
Tư Bụng đáp ngay:
– Tôi muốn phải giết được một tên Mỹ dù có chết.
More tay vừa xoa nắn cái cổ còn đau, vừa hỏi An người tù binh nói gì. An dịch lại câu Tư Bụng vừa nói. More không giận, nói với An bằng tiếng Mỹ:
– Hắn cũng là một chiến sĩ thật sự.
Sau biến cố trên, An không biết và cũng không cần tìm hiểu gì thêm về vận mạng của Tư Bụng. Hắn có là “một chiến sĩ thật sự” như lời nói của More hay chỉ là một người cuồng tín, An cũng không buồn suy nghĩ làm gì cho bận tâm.
Chuyện làm An thấy mến phục người chiến sĩ Hoa Kỳ tên William More là ngay đến lúc hiểm nguy gần kề cái chết, anh ta vẫn bình tĩnh, giữ lòng nhân đạo với người tù binh định sát hại anh, chỉ trong giây phút có thể kết liễu đời anh và luôn đời hắn. Với độ cao hai ngàn bộ, trước khi xuống tới đất chắc cũng có được vài phút ngắn ngủi trong không gian để suy nghĩ về cuộc đời, trước khi tan nát thịt xương cùng với nhau, cả hai người chiến binh Mỹ và Việt, quê hương cách nhau ngàn dặm, xa nhau cả một bán cầu. An từ đó có nhiều thiện cảm với More. An và ông ta không bàn chuyện gì thêm về Tư Bụng nữa, nhưng hai người trở nên thân nhau hơn, có lẽ vì có chung một lần sinh tử trên máy bay trực thăng. Một dịp cùng về Sài Gòn, An mời More đi nghe nhạc Việt tại một phòng trà. More khen ngợi phụ nữ Việt Nam đẹp và hiền dịu. Anh nói là sau này sẽ lập gia đình với một thiếu nữ Việt Nam. More còn độc thân, cũng chỉ hơn An vài tuổi.
Khi đã quen nhau nhiều, An được biết More sanh trưởng tại Santa Barbara, California. Cha anh là một Thiếu Tướng hồi hưu, trước đã từng tham dự chiến tranh tại Ðại Hàn, cùng với tướng Mc Arthur. Từ nhỏ, More đã có quyết định theo binh nghiệp, muốn theo bước chân của cha. Tuy không nói ra, An biết More có hoài bão lớn, muốn trở thành một anh hùng. More tốt nghiệp West Point và tình nguyện sang Việt Nam tham chiến. Anh cũng được huấn luyện qua những khóa Biệt kích của Hoa Kỳ. Có lần More nói với An và Hậu là anh có thể sống còn cả tháng một mình trong rừng với một con dao, săn thịt thú rừng, ăn cây rau quả dại, dùng trăng sao định hướng để tìm đường về hoặc trốn tránh kẻ thù. An chỉ được huấn luyện căn bản về quân sự, nên nghe nói thế anh rất phục. Trung Úy Hậu thì khác. Hậu cũng đã được huấn luyện gian khổ về tình báo, thám kích nhảy dù vào các vùng địch. Hậu nói với More là nếu tìm được một món ăn nào mà More không dùng được như mọi người ở đây, thì phải chịu khao một chai Whisky. More vui vẻ nhận lời thách đố với tính cách thân hữu.
Thế là nhiều lần thử thách do Hậu lo tổ chức, và lần nào An cũng được mời tham dự, chứng kiến và phải làm nhiệm vụ của một trọng tài công minh. Lần thử thách đầu tiên, Hậu tìm đâu được một con rùa, anh cho hấp muối. Với đủ rượu bia để bên, con rùa hấp còn nóng hổi, thơm mùi tiêu và hành hương, được đặt trên đĩa, bốn chân hướng lên trời. Có năm người tham dự “buổi tiệc”. An chỉ nhẹ nhàng nhâm nhi một chân rùa. More bình thản lấy đầu rùa, chấm nước mắm me, ăn ngon lành. Thế là qua một lần thử thách. Hậu chuẩn bị lo cho lần thứ hai. Nhân viên của An bắt được một con rắn sọc dưa, to và dài ở ngay vòng đai doanh trại. Hậu xin con rắn, một phần cho nấu cháo, một phần xào lăn. More ăn rắn ngon lành và lại dễ dàng qua lần thử thách này. Hậu với lòng quyết thắng, tìm keo khác. Mùa lúa chín, cánh đồng đầy lúa thơm và những chú chuột đồng béo mập thật là nhiều. Dân miền quê bẫy chuột, làm sạch sẽ, ướp muối tiêu và nước tương, đem nướng thơm vàng và bán đầy ngoài chợ. Hậu cho mua về, để nguyên một con cả đầu đuôi trên đĩa, chung quanh trình bày rất đẹp thịt chuột thái mỏng có rắc lá chanh cắt chỉ nhỏ sợi. More lại ăn thịt chuột một cách tự nhiên. Một hôm, có Cô giáo Hương, cháu Cụ Ðồ Lãm đem cho An hai trái sầu riêng lớn. An và Hậu đem ra mời các sĩ quan trong bộ chỉ huy, và tất nhiên có cả vị cố vấn More tham dự. Mới thấy mùi sầu riêng, More đã hơi nhăn chiếc mũi dài của anh. Hậu rất trịnh trọng đặt một múi sầu riêng vào một đĩa nhỏ, mời More dùng thử. Mọi người khác thích thú thưởng thức những múi sầu riêng chín cây, thật thơm ngon. Riêng More chỉ dùng đũa, nhấm được một chút sầu riêng bằng cỡ hạt đậu xanh, rồi nhăn mặt lắc đầu. Mãi tới keo thứ tư này, More mới thua và Hậu rất đắc ý. Khi More đem một chai Whisky Johnnie Walker nhãn đen ra, Hậu mời tất cả mọi người uống rượu mừng chiến thắng, nhậu cùng với củ kiệu, tôm khô và khô cá thiều. Thêm hai két bia. An còn nhớ rõ hôm đó anh bị khá say.
Một hôm, sau bữa ăn chiều rảnh rỗi, More cùng Johnson và An ngồi nói chuyện đời. Nhờ thực tập, nghe và nói thường, Anh ngữ của An đã khá tiến bộ. More hỏi ước vọng của An là gì. An nói anh chỉ mong đất nước sớm thanh bình, anh sẽ trở về đời sống dân sự, xin vào ban giảng huấn của đại học với mộng ước sau này sẽ là một giáo sư y-khoa. An hỏi More về mục tiêu cuộc đời của anh ta. More nói anh muốn trở thành một vị chỉ huy giỏi của quân lực Hoa Kỳ, với hoài bão sẽ lên được cấp tướng như cha anh, hay tướng ba sao, bốn sao thì anh sẽ rất mãn nguyện. Nếu gặp cơ may, More mong làm được chuyện anh hùng như tướng McArthur. Vì vậy, khác với An chỉ mong cho chóng kết liễu chiến tranh, More lại thấy chiến tranh là cơ hội để anh ta mau chóng thăng tiến trong quân đội và đi gần tới mục tiêu, ước vọng thành tướng lãnh. An quay lại hỏi trung sĩ Johnson. Mộng ước của anh ta rất khiêm tốn. Johnson chỉ mong hết nhiệm kỳ quân dịch tại Việt Nam, rồi sẽ về Mỹ, nơi tiểu bang anh ở, tìm một việc làm tốt. Tiền dành dụm được khi lưu trú ở Việt Nam, anh sẽ mua một xe máy dầu lớn thật đẹp hiệu Harley Davidson, và một áo da màu đen. Mỗi cuối tuần hay khi có dịp nghỉ lâu hơn, anh sẽ cùng một đám bạn trung học ngày xưa, dùng mô-tô Harley phóng nhanh du hành trên các xa lộ rộng thênh thang của Mỹ quốc. Anh sẽ được gió mát thổi, được nhìn bụi đường bay, phóng khoáng hưởng mùi cỏ thơm của những đồng nội. Ba người trai trẻ, cùng ở một nơi tiền đồn trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng ba ước vọng thật là khác nhau.
An còn nhớ ngày More hết nhiệm kỳ lần đầu ở Việt Nam. Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn tổ chức một tiệc nhỏ tiễn hành. More nói một vài lời từ giã rất cảm động sau bữa ăn buổi tối. Rồi mọi người đi nghỉ ngơi. More mời An , Hậu và Johnson cùng một vị sĩ quan nữa chơi ca-tê là môn bài dễ dàng mà An đã chỉ cho More nhiều tháng trước. Ðánh bài này chỉ để giải trí, mỗi người góp một đồng bạc Việt Nam mỗi ván bài, ai thắng thì được thu tiền. Hơn hai giờ khuya, mọi người muốn đi nghỉ. More năn nỉ An và Johnson là ngày mai More sẽ trên đường trở về nước, giờ đây anh có vô ghế bố nằm cũng không ngủ được đêm nay, vậy xin ngồi nói chuyện, đánh bài với anh ta cho đến sáng. An và Johnson nể lời người bạn cùng vào sinh ra tử trong những tháng qua, thức luôn đến lúc mặt trời mọc, uống cà phê cùng More. Trực thăng tới, An và mọi người tiễn More lên đường về tỉnh để rồi về quê hương Mỹ quốc của anh.
Thế rồi An được thuyên chuyển về Cần thơ. Khoảng hai năm sau, một hôm không biết làm sao More biết được nơi An đang làm việc tại đơn vị mới, và tìm đến thăm. More cho biết đã tình nguyện sang Việt Nam tham chiến lần thứ hai. Người chiến sĩ Hoa Kỳ này, với hoài bão trở thành cấp tướng, đã nhớ chiến tranh như hổ nhớ rừng. More đã được thăng Thiếu Tá. Sau lần đó, An chưa có dịp nào gặp lại More.
*
* *
More đến phòng ăn của khách sạn gặp lại An sớm hơn dự liệu. Hai người bạn cũ, lâu ngày chưa gặp, uống rượu và dùng bữa ăn tối rất vui, ôn lại những kỷ niệm cũ của cả mấy chục năm xưa.
An hỏi thăm về đời binh nghiệp của More. More kể lại là vào nhiệm kỳ thứ hai của anh tại Việt Nam, anh đóng quân ở Lai Khê. More lập gia đình tại đây với một cô gái Việt, đúng như điều anh mong muốn, có được một người vợ Việt Nam. Ðược hơn một năm, trong một cuộc pháo kích vào căn cứ Mỹ, cô vợ trẻ của More tử nạn. More như người mất hồn, đau khổ vì cuộc tình dở dang mới có, buồn nản về sự tàn nhẫn của chiến tranh. More phải được cho nghỉ và điều trị hơn ba tuần lễ về chứng trầm cảm, chán đời. Không ngờ một chuyện nghỉ tĩnh dưỡng nhỏ nhoi này lại ảnh hưởng lớn lao tới binh nghiệp và tương lai của More. Nước Mỹ sau đó đã không thắng trận tại Việt Nam, dân chúng Mỹ chán ghét cuộc chiến tranh quá hao tổn tài lực và nhân mạng lại kéo dài quá dai dẳng này. More ít năm sau về nước, cấp bậc chót anh được vinh thăng là Ðại Tá. Sau nhiều năm, trong những bản đề nghị lên cấp tướng, tên của More bị ủy ban cứu xét loại ra. Lý do là More có hồ sơ bệnh lý, hồi chiến tranh Việt Nam đã phải điều trị bệnh chán đời tại một Bệnh viện Dã Chiến Hoa Kỳ. Ủy Ban tin rằng một sĩ quan cấp tướng, cần phải có nghị lực, cương quyết để lãnh đạo và chỉ huy, không thể có quá khứ mắc chứng thần kinh Depression được! More chán nản, mộng ước lên tướng không thành. Sẵn cha của anh, cựu Thiếu tướng, đã lớn tuổi, có một cửa tiệm lớn chuyên cung cấp các trang bị thể thao về Golf tại Coronado. Ông cho More kế nghiệp bán đồ và kinh doanh, chứ không phải kế nghiệp làm tướng lãnh! More lúc rảnh rang thì đi chơi Golf. Anh đã có vợ khác người Mỹ từ lâu, có vài người con đã trưởng thành và có hai cháu ngoại.
An cũng kể qua về cuộc sống của anh, ngày Sài Gòn thất thủ, cuộc di tản năm 1975 và đời sống tại Hoa Kỳ với những khó khăn lúc đầu.
An hỏi thăm về Trung sĩ truyền tin Johnson. More cho biết anh này sau nhiệm kỳ ở Việt Nam về, anh ta làm cơ khí viên cho một tiệm sửa xe lớn. Johnson mua được mô- tô Harley Davidson và áo da đúng như điều anh ta ước muốn. Một hôm, lái mô-tô du hành, anh ta tử nạn xe máy dầu trên một xa lộ vùng Michigan, từ nhiều năm trước.
An hơi buồn khi nghe tin này. Anh thong thả hỏi More:
– Bạn có hoài bão trở thành tướng lãnh của một quân lực hùng mạnh nhất thế giới, nhưng mộng không thành. Tôi mong được làm giáo sư y-khoa của một nước Việt Nam nhỏ bé, cũng không xong. Sự nghiệp giảng huấn cao cấp nhất của đời tôi là khi ở Cần Thơ, làm tới chức giảng viên dạy học mấy cô tá viên điều dưỡng, họ chỉ cần có bằng tiểu học là được nhận làm học viên. Riêng Johnson, đạt được ý nguyện khoác áo da, phóng xe máy dầu Harley trên xa lộ, thì lại tử nạn. Theo bạn nghĩ, giữa ba người chúng ta, cùng ở một đơn vị ngày xưa, ai là người có hạnh phúc?
More đáp:
– Có một mục tiêu ở đời, dù lớn hay nhỏ, hoàn tất được là hạnh phúc. Tôi nghĩ Johnson là người hạnh phúc nhất trong ba người chúng mình. Chỉ tiếc là anh ta đã chết khi đang có điều anh ước mơ.
An hỏi More, ngoài việc lo kinh doanh và chơi Golf, anh còn làm gì thêm không. More trầm ngâm một chút rồi trả lời:
– Tôi viết văn gần mười năm nay, phần nhiều là các truyện ngắn, vài truyện dài về Việt Nam. Tôi có ước mơ mới là một truyện của tôi sẽ được thực hiện thành phim ảnh. Tôi đã gửi cả năm bảy bản thảo tới các hãng phim Warner Bros, Century… ở Hollywood, chưa truyện nào được thực hiện thành phim! Có lẽ chiến tranh Việt Nam là một vết thương cho dân tộc Mỹ, họ muốn quên đi hơn là nhắc tới. Và tôi sẽ lại có thêm một mộng ước không thành!
An tìm cách an ủi bằng những câu thơ của Xuân Diệu mà anh cố gắng dịch đại ý cho người bạn nghe:
– Một nhà thơ của nước tôi lại nghĩ khác. Nhiều khi những ước vọng không đạt được lại có một duyên vị gì hay hơn. Như một chuyện tình bị dang dở, một bức họa còn thiếu vài nét chấm phá, một bản hòa tấu chưa xong, một câu chuyện thiếu đoạn kết, đôi khi làm cho chính mình hay người nghe, người xem có thêm nhiều suy nghĩ, nhiều tưởng tượng phong phú hơn.
More nói:
– Ðể tôi kể một câu chuyện về hạnh phúc do một nhà văn Anh Quốc viết lâu rồi cho bạn nghe. Câu chuyện có nhan đề là Một Ðêm Trăng. Không biết bạn đã nghe qua truyện này chưa?
An hình như có đọc ở đâu một truyện ngắn có đề tài tương tự. Nhưng anh lại đang vui, gặp bạn cũ, muốn nghe kể chuyện đời hay tiểu thuyết ngày xưa cũng được:
– Tôi không nhớ đã đọc chưa, xin bạn cứ vui lòng kể đi.
More nói:
– Câu chuyện đại khái như sau. Có một thiếu phụ trẻ đẹp, sống một mình, tự lập trong một căn nhà xinh xắn, ít xóm giềng, gần bên bờ biển. Nàng có bạn và cũng có vài người tình. Một hôm nàng gặp một thanh niên khốn cùng, dơ dáy, vô gia cư, áo quần và râu tóc hết sức lôi thôi. Anh ta đang đói rách và đang đứng gần nhà nàng. Sẵn có tâm hồn lãng mạn, người thiếu phụ muốn làm một chuyện gì đẹp cho cuộc đờì. Nàng cho người homeless vào nhà, rồi cho anh ta có cơ hội tắm gội, cạo râu, chải tóc sạch sẽ. Nàng cho anh ta một áo choàng sau khi tắm, áo dày bằng bông gòn để mặc cho ấm áp. Xong nàng ngồi nói chuyện, đem rượu ngon và dọn một bữa ăn thật đầy đủ, có cả steak nướng lò, mùi vị thơm đặc sắc cho người vô gia cư. Anh chàng này, sau khi được sạch sẽ, có rượu ngon, món ăn tốt cảm thấy hạnh phúc, diện mạo đã thay đổi, và trông khá bảnh trai. Anh nói anh ta là một nghệ sĩ. Sẵn máu lãng mạn, thích những cuộc phiêu lưu tình cảm, nàng có một vài cử chỉ thân mật và khêu gợi. Nàng cũng nghĩ là đã thương người, thì nên hiến tặng cho anh chàng nghệ sĩ nghèo khổ nhưng bây giờ trông cũng đáng yêu này được hoàn toàn sung sướng trong một đêm trăng. Thế là hai người vô phòng ngủ của nàng và yêu nhau thật nồng nàn say đắm nhiều lần đến quá nửa đêm. Mặt trăng tròn đẹp, cao và trong sáng trên bầu trời ngoài biển cả, chênh chếch soi chiếu một cách thơ mộng cảnh hai người yêu nhau. Sau những màn yêu đương nóng bỏng, chàng ngồi dáng suy nghĩ, tìm thuốc lá của nàng để hút, chắc như muốn tận hưởng dư vị của những phút giây hoan lạc vừa được nàng ân sủng. Khi tìm hộp quẹt để châm điếu thuốc, chàng mở ngăn kéo đầu giường của nàng. Hộp quẹt không thấy, chỉ thấy một cây súng lục nhỏ nàng có sẵn để khi cần tự vệ hay khi gặp biến cố sẽ dùng tới phòng thân. Anh ta cầm khẩu súng lên ngắm nghía, còn nàng thì lại sợ hãi, tim đập nhanh, lo sợ anh chàng vô gia cư này sẽ giết nàng và cướp đồ. Nhưng người nghệ sĩ vô gia cư nói rất êm dịu: “Tôi đang ở cảnh khốn cùng, đói khổ và rách rưới, không nhà ở. Cô đã cho tôi tiện nghi tắm gội, thức ăn ngon, áo ấm mặc, nệm nằm êm và luôn cả yêu đương đến tột cùng. Cuộc đời tôi chắc không bao giờ có thể sung sướng hơn lúc này nữa, không bao giờ có được một đêm trăng khác đẹp như đêm trăng hôm nay. Tôi muốn chết trong hạnh phúc”. Nói xong anh từ tốn để nòng súng lên đầu, bên thái dương, bình thản bóp cò, tự kết liễu đời mình trước mặt người đàn bà trẻ đẹp đã làm ơn hiến tặng cho anh nhiều thứ, kể cả yêu đương, trong một đêm trăng sáng tuyệt vời.
More nói tiếp:
– Vì vậy lúc nãy tôi nói với bạn : Johnson là người hạnh phúc, đã thực hiện trọn vẹn ước mơ của đời anh. Chết trong ước mơ.
An nghĩ thầm các ông văn sĩ, thi sĩ thật là lẩm cẩm. Anh cười và nói với bạn:
– Riêng tôi không muốn chết trong hạnh phúc theo kiểu Johnson hay là như ông nghệ sĩ vô gia cư kia đâu.
Câu chuyện giữa An cùng More vui và kéo dài đến nửa khuya. An không ngờ hai người đã uống cạn hai chai rượu nho Chardonnay. An thấy rượu hôm nay sao ngon một cách lạ thường. Chắc phải là rượu Pháp. Anh cầm chai rượu đã cạn lên để xem nhãn hiệu, hy vọng nhớ tên rượu và xuất xứ, lần sau sẽ gọi uống nữa. An ngạc nhiên, chai rượu sản xuất từ Vineyard Bernado, ngay tại San Diego, thành phố đẹp nơi anh đang sống an bình với vợ con. Tôm hùm rất ngọt và chắc thịt cũng như cá Sea Bass thơm ngon hôm nay anh dùng, chủ nhà hàng cho biết, cũng từ Pacific Ocean, chài lưới được rất tươi, fresh catch of the day, tại vùng biển San Diego, ngay trước nhà anh. Anh thầm nghĩ cần gì phải có rượu xuất xứ từ Pháp, và đâu phải cầu kỳ đòi hỏi món Australian Lobster nhập cảng. Những món ăn ngon nhiều khi có ngay tại nơi chốn mình đang ở, và hạnh phúc cũng vậy, nhiều khi đang ở trong tầm tay với, hay là mình đang có trong tay mà không biết.
Khi An từ giã người bạn cũ, anh ân cần hẹn sớm gặp lại. Anh nói thêm:
– Lần sau gặp bạn, vợ chồng tôi sẽ mời bạn và gia đình dùng cơm tối tại một tiệm ăn Việt Nam khá đặc sắc ở Del Mar. Có thật nhiều món ăn thuần túy của nước tôi bạn đã dùng thời xa xưa. Tôi bảo đảm sẽ không có món rùa, món rắn hay món chuột. Nhưng có thể có món Kem Sầu Riêng.
TRẦN VĂN KHANG
(Trích trong tập Hai bên chiến tuyến)