[tvbqgvn] Fwd: NGÀY TA BỎ NÚI (KỲ 7)(Vương Mộng Long)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Lời giới thiệu: Hồi ký “Ngày Ta Bỏ Núi” đã được viết cách đây 16 năm. Nhưng khi phổ biến, nó đã bị cắt xén và che giấu nhiều điều. Tác giả Thiếu tá Vương Mộng Long đã bỏ công nhuận sắc lại toàn bộ bài viết này. “Ngày Ta Bỏ Núi” với đầy đủ chi tiết từng ngày, từng sự kiện diễn ra trong suốt cuộc lui binh, kể cả những bí mật mà trước đây bị che đậy và giấu nhẹm.

Còn Thiếu tá Trần Ðình Ðàng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân lại là sĩ quan thâm niên hơn tôi nhiều. Anh Trần Ðình Ðàng xuất thân Khóa 15 Võ Bị và phục vụ trong binh chủng Biệt Ðộng Quân từ những năm binh chủng mới được khai sinh. So với Thiếu tá Ðàng tôi là đàn em rất xa, về cả hai xuất xứ, Biệt Ðộng Quân cũng như Võ-Bị, vì tôi xuất thân từ Khóa 20 Võ-Bị.

Tôi xin ý kiến của người Niên Trưởng dễ mến này về việc tôi được chỉ định chỉ huy liên đoàn. Tôi hỏi anh có trở ngại gì khi anh phải nằm dưới sự chỉ huy của tôi không, thì anh Ðàng trả lời một cách khẳng khái,

– Chú chỉ huy là phải rồi! Chú thông thuộc địa thế Vùng 2. Chú được cấp trên, cấp dưới tín nhiệm. Anh sẽ nghe theo lệnh của chú. Yên chí đi!

Tôi siết tay anh Ðàng thật chặt,

– Cám ơn Niên Trưởng!

Trong cơn nguy khốn, chúng tôi thấy thương nhau hơn. Trong hoạn nạn, chúng tôi thấy gần nhau hơn.

Sau khi nhận lệnh chỉ huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân, tôi đích thân kiểm điểm lại quân số các ban, ngành của bộ chỉ huy liên đoàn thì phát giác ra, chỉ có Ban Truyền Tin là hiện diện khá đầy đủ, cái máy viễn liên PRC 74 còn đủ điện trì và vận hành tốt.

Ban Quân Y chỉ còn một hạ sĩ quan cùng hai binh sĩ. Ông Trung úy Nguyễn Ðăng Tri, Y sĩ trưởng của liên đoàn đã vắng mặt từ trước ngày di tản.

Ðại Ðội Trinh Sát của liên đoàn cũng không còn người nào, không biết ông Ðại đội trưởng là Ðại úy Nguyễn Văn Song và đại đội này đang ở đâu.

Tôi tập họp tất cả quân nhân còn lại của bộ chỉ huy liên đoàn thành một trung đội, rồi cho trung đội này đi theo cánh quân đoạn hậu của Thiếu tá Trần Ðình Ðàng.

Cũng từ đêm 28 tháng Ba năm 1975, tôi không còn liên lạc được bất cứ đơn vị nào của Quân Ðoàn II.

Thì ra, thời gian này Thiếu tướng Phạm Văn Phú và Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II cùng các đơn vị khác đang bị Việt-Cộng truy kích đánh đuổi tơi bời, phải chạy từ tỉnh này tới tỉnh khác. Tình hình chỉ tạm yên sau khi lãnh thổ Vùng 2 Duyên Hải đã được sáp nhập vào Quân Khu 3 đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Ðoàn III.

Sáng 29 tháng Ba trong khi đánh răng rửa mặt, tôi bất chợt nhìn thấy một cái đầu hói nằm chung với mấy anh lính cận vệ của tôi trên một cái poncho.

Tôi hỏi Binh nhứt Bích, người lính nấu cơm cho tôi,

– Thằng đầu hói nằm kia là ai vậy Bích?

– Dạ! Trình Thái Sơn, người đó là Thiếu tá Tài. Tối qua ông Tài tới poncho của tụi em, xin vào ngủ chung, ổng nói đã xin phép Thái Sơn rồi!

Tôi ra lệnh,

– Kêu ông ta dậy! Nói với ông ta lên gặp tao!

Năm phút sau, Thiếu tá Nguyễn Hữu Tài chân còn chưa mang giày, tới đứng nghiêm trước mặt tôi, miệng run lập cập,

– Ðêm qua tui lên xin gặp Thái Sơn để trình một việc quan trọng thì Thái Sơn đã ngủ rồi, tui phải chui vào nằm với tụi cận vệ của Thái Sơn chờ sáng nay gặp mặt Thái Sơn.

Tiếp đó ông Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân nói một hơi,

– Trình Thái Sơn! Tinh thần binh sĩ của tiểu đoàn tôi xuống thấp lắm rồi! Một thằng đại đội trưởng của tôi đã dẫn hai thằng lính dưới quyền nó trốn đi mất tiêu! Thái Sơn gắng liên lạc với thượng cấp xin tiếp tế lương thực cho anh em. Anh em tụi tôi đói quá! Thái Sơn ơi!

Nghe xong, tôi chỉ biết khích lệ tinh thần ông Tài bằng vài lời,

– Giữa rừng già thế này khó tìm lương thực lắm. Ông nói với anh em, chịu khó ăn rau tàu bay cầm hơi. Chắc cũng không còn xa làng xóm lắm đâu, gắng sức lên! Ðiều quan trọng nhất là cố giữ vững tinh thần, đừng vì quá đói mà thối chí, nản lòng, đào ngũ.

Những ngày tiếp theo, dưới quyền chỉ huy của tôi, liên đoàn tiếp tục cuộc hành trình đã dự trù. Theo hướng Ðông Nam, chúng tôi băng rừng lội suối nhắm về quận lỵ Di Linh và thị trấn Blao, cứ cặp theo Liên tỉnh lộ 8B thì sẽ không sợ lạc. Trên đường chúng tôi đi qua chỉ có tre, mây và lau sậy; trên đường chỉ có dấu chân voi.

Ðịa thế ở đây tôi quen lắm. Thời 1968 tôi đã lặn lội, lùng sục không sót một ngọn đồi nào trong vùng này. Ðã bao lần, tôi qua lại trên dải đất từ bờ Ðông sông Ða-Dung qua Quốc lộ 20 tới Cao nguyên Gia-Bắc giáp giới quận Thiện-Giáo, Bình-Thuận.

Ngày đó, Trung tá Bùi Văn Sâm Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân đã biệt phái Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân của Ðại úy Hồ Khắc Ðàm (K16VB) cho Task Force South của Tướng Trương Quang Ân, Tư lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh. Tôi lúc đó là Ðại đội trưởng Ðại Ðội 1/Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân dưới quyền anh Ðàm.

Chúng tôi được trực thăng Hoa-Kỳ tải vào rừng. Tìm mục tiêu, diệt địch. Leo hết ngọn đồi này tới ngọn đồi khác.

Mười ngày sau chui ra bãi trống nhận tiếp tế gạo, mắm. Rồi lại leo lên trực thăng, đổ xuống bãi khác.

Lại tìm mục tiêu. Lại leo hết đồi này tới đồi khác. Lại tiếp tế…

Cứ thế, mỗi đợt cả tháng trường, chúng tôi lần mò trong núi. Chỉ những anh bị thương hay sốt rét là có dịp nhìn thấy phố…

Bảy năm sau, tôi lại lội trên những con đường mòn ngày xưa tôi đã dẫn quân đi qua.

Bảy năm sau, tôi vẫn nhớ đường nào lên Ðại-Nga, hướng nào về Tân-Bùi, ngả nào qua Tân-Rai.

Lương thực của chúng tôi đã gần cạn. Giầy vớ, áo quần bắt đầu te tua.

Ngày 30 tháng Ba năm 1975, mặt trời vừa lên, trong máy nội bộ của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã có tiếng người trên trực thăng hối thúc:

“Yêu cầu Thái Sơn kiếm bãi đáp nhận chỉ thị gấp!”

Lúc đó chúng tôi đang ở gần một bãi ngô cũ. Chiếc trực thăng sà xuống. Người phi công quơ tay ngoắc tôi lia lịa. Tôi bước lên càng máy bay để nghe anh ta nói,

– Tôi được lệnh quân đoàn lên đón Thiếu tá về Ðà-Lạt.Thiếu tá lên tàu mau đi!

– Thế còn liên đoàn thì sao?

– Chúng tôi chỉ “rescue” một mình Thiếu tá thôi! Những người khác, bỏ! (Rescue: Cứu)

Tôi xua tay,

– Thôi! Nếu thế thì tôi không đi đâu! Tôi đang chỉ huy cả ngàn người. Tôi không mặt mũi nào bỏ đi một mình. Anh về báo với quân đoàn cố gắng bốc tất cả liên đoàn giùm tôi!

Nói xong câu đó, tôi bước xuống đất định quay đi thì người phi công cởi dây đai, mở cửa phi cơ. Anh nhảy xuống đất đứng nghiêm trước mặt tôi. Giơ tay chào tôi, anh nói lớn,

– Tôi không ngờ giờ này quân đội ta còn một vị chỉ huy đáng nể như Thiếu tá! Thiếu tá cho phép tôi chào kính phục ông và nói lời vĩnh biệt ông.

Người phi công nắm tay tôi lắc lắc mấy cái rồi anh buông tay tôi ra, leo lên buồng lái. Cả phi hành đoàn giơ tay vẫy vẫy giã từ. Tôi cũng giơ cái bản đồ vẫy lại. Chiếc trực thăng cuối cùng của Vùng 2 khuất dần ở chân mây.

Binh nhất Y Don Near mang máy truyền tin nội bộ của tôi lúc nào cũng đi sát bên tôi. Don đã nghe tất cả những lời tôi và viên phi công đối đáp với nhau. Chắc nó đã kể lại chuyện này cho bạn bè.

Trưa hôm đó, lúc dừng quân nghỉ chân, vài anh lính Rhadé, Jarai đã đến xúm quanh người chỉ huy của họ,

– Ông Thiếu tá ơi! Ðừng bỏ tụi em, tội nghiệp!

– Ừ! Thiếu tá không bỏ các em đâu! Thiếu tá lúc nào cũng ở bên các em. Chúng mình sống chết có nhau!

Nhìn những giọt nước mắt theo nhau lăn trên những gò má đen đủi của thuộc cấp, tôi thấy lòng mình ấm lại.

Chúng tôi đã cạn hết lương thực. Trên đường đi, chúng tôi phải tấp vào những nương rẫy cũ kiếm rau tàu bay, củ chuối, nấu ăn cho đỡ đói. Răng người nào cũng đen thui vì nhựa chuối rừng.

Ðiều khổ nhất phải chịu đựng là, sau khi ăn hoa chuối, cây chuối hay củ chuối thì chất xơ của chuối làm cho chúng tôi mắc bệnh táo bón. Mỗi khi đi tiêu, chúng tôi phải ngồi ngâm hậu môn xuống nước, lấy cây cạy phân ra. Hậu môn đau rát lắm. Ði tiêu xong người nào cũng bước cà-náng, hai hàng.

Buổi trưa, tôi đang ngồi bên đường chờ bát canh rau tàu bay của chú Bích thì Thiếu úy Ðặng Thành Học rón rén tới gần. Học thì thầm,

– Có con gấu to lắm, trên cây. Thái Sơn cho phép bắn làm thịt nghe?

Tôi sáng mắt lên,

– Ừ! Bắn đi!

Học vui vẻ phóng về hướng rừng. Lát sau chú quay lại, mặt tiu nghỉu,

– Thấy con gấu trên cây trong bụi lau, thằng lính gác muốn bắn, nhưng lại sợ Thái Sơn la. Ðợi khi em xin phép xong thì con gấu đã chạy mất tiêu rồi!

Tôi thì buồn vui lẫn lộn. Buồn vì mất ăn một bữa thịt gấu. Vui vì tới giờ phút này, tinh thần kỷ luật của đơn vị tôi vẫn chưa bị lung lay.

Chúng tôi đang ở bên bờ một con suối lớn. Dưới nước, những con cá đuổi nhau có ngời. Tôi chợt nghĩ ra một ý lạ: Ðốt cá!

Tôi gọi Thiếu tá Tài và Thiếu tá Ðàng sẵn sàng. Tôi ra lệnh cho 3 tiểu đoàn tản xa theo dòng nước.

Mỗi tiểu đoàn trấn giữ một khúc suối. Nơi đầu nguồn của mỗi đơn vị chỉ cần đốt 3 quả lựu đạn M26 là liên đoàn có một bữa cá no nê.

Tôi học được cách “đốt cá” từ khi còn ở Ðại Ðội Trinh-Sát của Liên Ðoàn 2 Biệt Ðộng Quân.

Muốn đốt cá thì làm như sau:

Vặn phần đầu của quả lựu đạn ra, vứt đi.

Bẻ đầu một viên đạn M16 lấy thuốc súng đổ vào lỗ kích hỏa của trái lựu đạn.

Ðốt thuốc súng cho lửa xanh phụt lên.

Quơ qua, quơ lại quả lựu đạn cháy trong lòng nước. Hơi cay làm cho thủy tộc bị đui. Cá đen, cá trắng, lươn, cua, rùa, rắn, ếch, nhái, vân vân, con gì trong nước cũng nổ con ngươi nổi lên mặt nước.

Buổi chiều chúng tôi mỗi người được chia một lon Guigoz cá tươi. Sáng mai chúng tôi lại có sức để lên đường.

Ngày 31 tháng Ba năm 1975, chúng tôi đang ở trên một ngọn đồi cách Bảo Lộc trên dưới hai chục cây số. Từ trên đỉnh, chúng tôi nhìn thấy thung lũng dưới chân đồi là một mật khu trù phú.

Kế hoạch đặt ra như sau: Ðại Ðội 3/82 sẽ tiến sát, rồi bất thần đột kích khu doanh trại chính; mỗi tiểu đoàn sẽ cắt hai chục người tải lương thực về.

Kế hoạch đã được thi hành như dự liệu và không có gì trục trặc xảy ra.

Ðại Ðội 3/82 thanh toán mục tiêu rất nhanh.

Một cán bộ Việt-Cộng quần áo bảnh bao đang ngồi bên bàn, chờ ly cà phê phin nhỏ giọt thì bị một viên M16 ghim vào ngực.

Hai cán bộ đang cho lợn ăn trưa cũng bị mỗi tên một viên M16 vào ngực.

Mấy anh cán binh đang tưới cây trong vườn cũng bị mỗi anh một viên M16 vào ngực. Cái mật khu dưới kia là một trung tâm huấn luyện của Tỉnh Ðội Lâm- Ðồng Việt-Cộng.

Trung tâm có khoảng trên ba trăm khẩu súng gỗ và cả chục khẩu súng thật.

Có một khẩu cối 82 ly với một kho đạn.

Tên Việt-Cộng đang chờ uống cà phê có vẻ là cấp chỉ huy. Những tên khác có lẽ là bọn lo công tác hậu cần. Bọn bộ đội bảo vệ trung tâm đã xuất trại vắng.

Quân ta làm chủ tình hình một cách lẹ làng.

Có một tai nạn lúc xung phong: Hạ sĩ Nguyễn Ba trong toán tà-lọt của tôi đã lủi đầu vào một bụi tre. Một cọng tre khô xuyên vào mắt trái của hạ sĩ. Ðói quá, quên đau, hạ sĩ xung phong bắt được một con gà và một gốc sắn rồi mới chịu lấy khăn tay bịt một mắt rút lui lên đồi. Ăn xong bữa thịt gà, hạ sĩ mới nhận ra con mắt bị thương đang hành hạ anh ta. Cái cọng tre còn lòi ra khỏi hốc mắt Hạ sĩ Ba cả tấc. Quân Y liên đoàn không dám rút cọng tre khỏi mắt Ba vì không đủ phương tiện cứu chữa. Họ chỉ dùng kìm cắt cọng tre ngắn đi cho đỡ vướng.

Vốn là một tay viễn thám gan lỳ, người tà-lọt của tôi cắn răng chịu đau, không rên, không khóc. Những ngày sau đó, hạ sĩ đành quàng súng lên vai, hai tay luân phiên che mắt đi theo đoàn tùy tùng của Ðại úy Hoàn.

Tôi cũng quên dặn dò các cánh quân coi chừng bắn gà, bắn heo có thể gây đạn lạc trúng quân ta. Kết quả, đạn của Ðại Ðội 3/82 đã sượt qua cổ một anh lính của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân, thay vì trúng đầu một con gà. Người trúng đạn bị thương nhẹ.

Toán tải lương thực sau cùng của liên đoàn đã rút lui an toàn.

(còn tiếp)