(Xin gửi bài này như một món quà Năm Mới đến tất cả các CỤ đã một lần đứng ngắm bức tượng TQLC. Xin bái phục các Mũ Xanh đã góp công sức thực hiện và bảo vệ bức tượng, và cám ơn quý anh đã cung cấp tin tức để viết– TVC)
“Lão Xit đẻ ở nước Nga, cớ sao sang đứng vườn hoa nước mình?”
Thằng cháu con ông anh ngâm xong câu thơ rồi quay sang hỏi tôi:
– Chú có thể cho cháu biết “lý lịch” của bức tượng hai người lính TQLC trước tòa nhà Quốc Hội ở Sài-Gòn được không?
– Ư, ư ! Tưởng cháu hỏi lý do lão Xít lão Mao tại sao lại bị gậy sang ăn mày nước ta thì chú sẽ giải thích cặn kẽ rõ ràng, còn hỏi về bức tượng TQLC đứng trước tòa nhà quốc hội thì quả thực chú không rành lắm, chú không biết!
– Chuyện lão Mao lão Xít muốn thịt dân ta thì tụi cháu cũng còn biết, huống chi là người lớn. Nhưng các chú thường hãnh diện là lính Mũ Xanh, đi hành quân từ Bến Hải đến mũi Cà Mau, từ Cao Nguyên xuống đầm lầy, có mặt khắp mọi miền đất nước, vậy mà ngay tại trung tâm thủ đô VNCH có bức tượng TQLC nổi tiếng mà chú không biết gì về lý lịch của bức tượng này thì lạ thật..!
Thằng cháu con ông anh bỏ lửng câu hỏi rồi mỉm cười khiến tôi nóng mặt. Nhưng sự thật là vậy thì biết phản ứng ra sao, thôi thì đành hứa với cháu là chú sẽ tìm hiểu rồi trả lời sau.
Nghĩ lại mà ngượng và buồn, gia đình tôi có ba anh em đều là lính và hiện tỵ nạn tại Little SG nên mỗi cuối tuần, anh em tôi luân phiên họp mặt cả ba gia đình với con cháu, nhân dịp này cha chú kể chuyện đời lính cho thế hệ sau nghe. Người em kể về đời lính Không Quân, ông anh Cảnh Sát nói chuyện đô thành, còn tôi TQLC nói về hành quân và lao tù CS, như vậy là đầy đủ những chuyện trên trời dưới đất và hỏa ngục. Vậy mà tôi lại mù tịt về bức tượng nổi danh của Binh Chủng sừng sững giữa trung tâm thủ đô!
Buồn thật! Ta buồn ta đi hỏi.
Hỏi từ các anh cao đến em thấp trong binh chủng, hỏi trên diễn đàn TQLC, mỗi người cho một tin, góp một ý, tất cả đều do trí nhớ cách nay đã hơn 40 năm. Những ý kiến tương đối chính xác, nhưng rất tiếc không tìm được tài liệu trên giấy tờ để chứng minh cụ thể nên tôi chỉ xin ghi lại, xem như một giai thoại về bức tượng hơn là một “tài liệu” chính thức. Vì vậy nếu có những chi tiết không phù hợp với ý nghĩ của bất cứ ai thì xin miễn trách.
Năm 1966, Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ giao cho mỗi đơn vị quân đội dựng một biểu tượng cho đơn vị mình tại các công viên hay công trường trong thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, những kiến trúc ấy như sau:
Hải Quân dựng tượng thánh tổ Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng.
Không Quân với “Tổ Quốc và Không Gian” trước tòa Đô Chính.
TQLC với bức tượng 2 người lính ở vườn hoa trước Quốc Hội.
Pháo Binh có biểu tượng trước hội trường Diên Hồng.
Truyền Tin với thánh tổ Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành.
Thiết Giáp là Phù Đổng Thiên Vương tại bùng binh ngã sáu Saigon.
BĐQ có tượng 3 người lính tại ngã sáu Lý Thái Tổ.
Nhẩy Dù có biểu tượng đặt trước bệnh viện Sùng Chính.
Quân Nhu đặt biểu tượng trên đường Hồng Bàng Chợ Lớn.
Quân Cụ đặt biểu tượng trên đường Khổng Tử.
Cảnh Sát đặt hai nhân viên đứng thao diễn nghỉ trên đường Thành Thái v.v..
Cái lý do thủ tướng cho thiết lập các biểu tượng này là muốn thay đổi nét mặt của thủ đô đẹp hơn và cũng mang một dáng dấp “Nội Các Chiến Tranh”. Nhưng thời gian đó cũng có những cuộc biểu tình phản chiến thường tập trung tại những địa diểm này để phản đối chính phủ, đồng thời nhiều tin đồn là một số tu sĩ của tôn giáo nọ dự định chiếm các nơi này để dựng những “hình ảnh” tôn giáo với mục đích làm khó dễ chính phủ nên chính phủ phải ra tay trước (người viết xin nhắc lại đây chỉ là tin đồn, thực hư tùy người nghe), giao cho các đơn vị quân đội thực hiện biểu tượng của mình thật gấp với lý do để kịp khánh thành vào ngày kỷ niệm NCCT chấp chánh.
Vị trí cho từng đơn vị thì được bốc thăm (?) và chính phủ cấp cho mỗi đơn vị một ngân khoản rất hạn chế. Ngân khoản hạn chế, thời gian gấp rút nên đa số các biểu tượng không được đúng với tiêu chuẩn nghệ thuật. Đẹp và có ý nghĩa nhất là tượng Phù Đổng Thiên Vương, Thánh Tổ Thiết Giáp (TTTG), Đức Trần Hưng Đạo (TTHQ), ĐứcTrần Nguyên Hãn (TTTrTin). Người viết không dám có ý kiến về các biểu tượng khác, nhưng riêng về biểu tượng của TQLC là hai người lính trước tòa nhà Quốc Hội thì nhiều người cho là có vị trí đẹp nhất. Nhưng với tôi, vị trí lý tưởng nhất là công viên trước tòa Đô Chính với biểu tượng “Tổ Quốc và Không Gian” của KQ, và tượng Đức Trần Hưng Đạo của HQ tại công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng.
Nói về tượng TQLC, họa sĩ Lương Trường Thọ (TTHL/TQLC) góp ý:
– “Tượng TQLC đặt trước quốc hội là một vị trí đẹp nhất của đô thành Sài Gòn, chính vì vậy mà được nhiều người biết đến. Đầu tiên là Thiếu Tá Huỳnh Huyền Đỏ, thuộc bộ TTM làm phác thảo mẫu tượng với ba người lính TQLC. Th/tá Đỏ là điêu khắc gia xuất thân trường Mỹ Thuật Gia Định, khi đang thực hiện công trình này thì vì một lý do nào đó ông không thể tiếp tục được nữa nên giao công việc đang còn dang dở cho TQLC.
Vì phải hoàn thành đúng thời hạn để kỷ niệm ngày chấp chánh nên TQLC giao cho Thiếu Úy Đinh Văn Thuộc tiếp tục công việc với sự góp ý và hường dẫn của Họa Sĩ Lê Chánh (BTL/TQLC) và HS Lương Trường Thọ (TTHL/TQLC).
Thiếu úy Đinh Văn Thuộc là đại đội trưởng đại đội Công Vụ TQLC. Tuy không là họa sĩ hay điêu khắc gia mà chỉ là tay ngang, tay súng vậy mà ông cùng anh em đại đội Công Vụ đã nhận lãnh trách nhiệm do trên giao, họ làm việc liên tục 24/24 và anh em đã hoàn thành nhiệm vụ.
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã tốn công tốn của và được phủ tổng thống yểm trợ tối đa nên mới hoàn thành được bức tượng “Tiếc Thương”, còn Thiếu Úy Đinh Văn Thuộc và anh em binh sĩ TQLC chỉ là tay ngang mà đắp được bức tượng đồ sộ như thế thì đáng khâm phục, không thể phê bình hay đòi hỏi gì hơn về nghệ thuật chuyên môn như của một điêu khắc gia được.
Nhưng bức tượng hai người lính TQLC lại là một bức tượng nổi tiếng, nhiều người biết đến do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó có thể là do hướng súng đại liên, và nhất là trong ngày cuối cùng của VNCH, một vị anh hùng đã chọn chân tượng đài TQLC để tự sát, chết theo thành (phố).
Hai người lính TQLC ôm súng xung phong vào tòa nhà Quốc Hội?
Chi tiết này là nguyên do chính được nhiều người biết đến và cũng là lý do khiến bức tượng hai người lính này “vất vả” với các vị dân cử ngồi trong tòa nhà quyền lực cao nhất nước! Lính TQLC thật thì đang vất vả với súng đạn khói lửa, sống chết trong nháy mắt trên khắp chiến trường để bảo vệ chế độ. Khi họ đã hy sinh mạng sống, hồn thiêng về ngồi nghỉ bên bức tượng thì lại bị các vị dân cử trong Quốc Hội hỏi “giấy phép” và bắt đi chỗ khác chơi !
Tại sao? Vào thời điềm này thì các vị dân cử thường “mổ bò” thay vì bàn quốc sự, môt số dân cử trốn lính “trốn làm” quay sang đối lập với Nội Các Chiến Tranh nên tranh dành đủ thứ gây ra tình trạng hỗn loạn và rồi đổ thừa tại hai người lính TQLC hướng súng vào tòa nhà Quốc Hội khiến họ bị xúi-quẩy!
Đồng thời một vị dân biểu bị ám sát chết (dân biểu Văn) nên một số vị dân cử càng tin “cuốc hội xui xẻo” vì cái họng súng đen ngòm kia! Dị đoan bói toán đã là một “yêu” điểm của các ông tai to mặt lon ở hậu phương nên các ông này chính thức lập phái đoàn để chất vấn TQLC về lý do tại sao lại cho lính ôm súng “xung phong vào quốc hội?”.
Thiếu Tá Lê Đình Bảo, Trưởng Phòng Chính Huấn BTL/TQLC nói:
– Một phái đoàn gồm nghị sĩ và dân biểu ( Th/Tá Bảo có nêu đích danh một số vị nhưng người viết xin miễn ghi, phí giấy) họp và thảo luận với BTL/TQLC về bức tượng với mục đích muốn dời tượng đi chỗ khác. Lý do là súng đại liên TQLC chỉa vào quốc hội? Nhưng một vị thuộc BTL xác định với phái đoàn như sau:
– “TQLC không hướng súng vào Quốc Hội mà là bảo vệ Quốc Hội, súng TQLC nhắm vào bên hông trái* QH, nơi có hang ổ của phản chiến và nội tuyến. Quý vị có thể ra tận nơi để xác định hướng súng. Hơn nữa, mỗi ngày có hằng trăm anh em chúng tôi hy sinh tại chiến trường trong khi ở hậu phương chỉ có một dân cử bị nạn mà quý vị đòi dẹp bỏ biểu tượng của TQLC chúng tôi!”
(* Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói thêm về vị trí nhà hàng Givral và khách sạn Continental. Nếu chúng ta đứng dưới chân tượng TQLC nhìn về QH thì bên tay trái chúng ta, góc đường Lê Lợi và Tự Do là nhà hàng Givral, băng qua đường Tư Do là khách sạn Cotinental, cả hai nơi này là tụ điểm của những nhà báo và những tên tình báo thường xuyên lui tới để trao đổi tin tức, luận bàn tình hình chính trị và chiến trường thường có khuynh hướng bất lợi cho chế độ VNCH)
Thú thực khi được Th/tá TP/CH nhắc lại lời của cấp chỉ huy ngày trước, cách nay gần nửa thế kỷ, mà tôi cảm động đến nóng người, như trông thấy ông là “cây tùng trước bão”, trông thấy ông như bức tượng đồng trơ gan cùng “tuế nguyệt”. Tôi kính phục ông, kính phục ông, chỉ tiếc một điều là ông thiếu một cái nắm tay đập mạnh xuống mặt bàn., ngón tay chỉ ra cửa .. “get out”.
Rồi những con người “dị đoan” kia ra đứng dưới “chân” bức tượng để nhắm hướng và quả thực họ đã nhận thấy mũi súng của anh lính TQLC hướng thẳng vào ổ gián điệp, vào lũ phản chiến, một bọn luôn mong nền Đệ Nhị Cộng Hòa sụp đổ! Nhưng hai người lính TQLC vẫn sừng sững giữa thủ đô trong khi những người muốn đuổi họ đi chỗ khác thì đã cao bay xa chạy! Tụt quần mà chạy, bỏ lon bỏ chức mà chạy và họ đã cảm thấy an toàn hạnh phúc, thở phào nhẹ nhõm khi được chùm lên người một bộ áo giáp an toàn: “Thuốc DDT”, còn hai anh lính vẫn vững tay súng, họ chỉ sụp đổ sau khi chế độ đã bị giật sập!
Nhưng bức tượng hai anh lính TQLC không cô đơn, còn có một anh hùng khác cũng thác theo thành (phố) ngay bên cạnh các anh. Ông Phan Tấn Ngưu, THT Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia VN Hải Ngoại xác nhận:
“Người tự sát dưới chân tượng đài TQLC là Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long, Ông là Chánh Sở Tư Pháp vùng I, mới vừa di tản về Saigòn. Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn long có biệt danh là .. “Long-Lý”.
Người ta gọi ông là Long-Lý, vì ông làm việc với phương châm “Pháp bất vị thân”. Thân sơ gì cũng không tha, một khi vi phạm luật pháp quốc Gia thì chỉ có nhẹ thì giam, nặng thì “trảm”. Dễ gì có được một “Bao Công” thời đại như ông, tôi xin kính cẩn cúi đầu lạy ông: Ông Long-Lý.
Trở lại cây súng của hai anh lính TQLC, Tr/Tá Đoàn Trọng Cảo nói:
– Khi đặt bức tượng, các thẩm quyền TQLC cũng suy nghĩ nhiều lắm, không phải vì lý do phong thủy quỷ quái gì cả mà vì vấn đề tế nhị, không thể để hai cái mông hướng về các vị dân cử được, mà phải là hướng mặt về cơ quan quyền lực nhất nước. Nhưng phải xê dịch làm sao cho mũi súng chếch sang một bên, sang bên trái thì có ý nghĩa hơn. Continental là nơi bọn phá thối, bọn ăn cơm Quốc Gia thờ ma VC hay ngồi bàn chuyện “dại sự”, hãy hướng mũi súng về đó.
Chỉ huy là tiên liệu, cấp chỉ huy của chúng tôi đã tiên liệu và sự việc đã xảy ra đúng như dự đoán, các cấp chỉ huy của chúng tôi đã đi “bốt-đờ-sô” vào trong bụng mấy anh dân cử đối lập cuội nhưng phản chiến thực. Để kiểm chứng, tôi gọi cho cựu dân biểu Tô Đức Hạnh, đơn vị Lâm Đồng, hiện ở Alhambra:
– Ê Hạnh, hồi đó có chuyện mấy tên dân cử đòi bứng tượng TQLC đi không?
– Có, nhưng họ bị hố, khi xem lại thì mới biết súng nhắm vào Continental.
Nội dung bức tượng hai người lính TQLC như vậy là tuyệt vời, đầy đủ ý nghĩa, nhưng hình thức thì .. với cái nhìn méo mó mắt trần của cá nhân tôi thì có một vài khuyết điểm, thí dụ như lòng cây súng đại liên ngắn quá. Còn cái mông của người lính thì ôi thôi.. đời lính hành quân chỉ nhá toàn cơm sấy với rau rừng, khô cá mối, thịnh soạn thì may ra có thêm thịt ba-lát ration C thì lấy gì tẩm bổ mà cái mông to thế! Nghe tôi phê bình nghệ thuật, mấy MX bên cạnh kê nhẹ một phát:
– “Anh không thích mông to nhưng nhiều người lại yêu nét duyên dáng ấy”
Thấy các tay súng này bắt đầu bàn ngang, bắn hoảng, hs Thọ vội giải thích:
– Một điêu khắc gia chính hiệu có khi ngồi hằng giờ chỉ để sửa lại một nét trên tác phẩm của họ, có khi sửa hôm nay, mai đục đi đắp lại, nghệ thuật mà, trong khi Th/Úy Thuộc và anh em thuộc Đ.Đ Công Vụ chỉ là tay ngang lại phải đắp tượng trong điều kiện “khắc nghiệt”, thời gian bị hạn chế, tự lo tìm vật liệu thì không có bất cứ một nhà điêu khắc nào làm hơn các anh được. Theo bản vẽ lúc đầu của điêu khắc gia Huỳnh Huyền Đỏ là ba người lính, nhưng khi toán Th/Uy Thuộc đắp thì chỉ có hai, có lẽ vì đắp lớn quá nên thiếu chỗ.
– Thực ra các với sự góp ý của họa sĩ Lê Chánh, các anh đắp cũng nghệ thuật lắm, nhưng vì toàn trọng lượng của bức tượng này quá nặng, phải dùng xe cần cẩu để đưa vào đúng vị trí, lại phải xê dịch nhiều lần theo ý của cấp trên sao cho hướng súng không “trực xạ” vào Quốc Hội, vì thế lòng súng bị cong và mông người lính bị nứt! Ngày khánh thành gần kề, không còn thời gian sửa chữa nên ông Thuộc cho cưa bớt phần cong lòng súng đi. Còn cái mông anh lính? Lại phải độn thêm, đắp thêm nhiều lớp để che đi chỗ bị nứt và kết dính các bộ phận khác vào với nhau, đó cũng là một nghệ thuật.
Người viết lại tiểu sử bức tượng hai người lính TQLC trước tòa nhà QH/VNCH với sự góp ý khá chính xác của những nhân chứng sống, nhưng vẫn xin được xem như câu chuyện “bên lề” vì thiếu tài liệu chứng minh. Trong tương lai nếu có những góp ý khác tôi sẽ xin bổ sung sau, nhưng nếu ai chưa có tài liệu chính xác mà phản bác điều tôi ghi chép thì tôi xin miễn trả lời đúng sai.
Nhưng có một điều mà những ai có một tấm lòng của con người thì đều thấy sai, đó là hành động phá bỏ những tác phẩm nghệ thuật của bọn Taliban. Taliban chính hiệu lấy súng cà-nông bắn nát những bức tượng Phật, bọn taliban cu-mu-nít vixi thì !!! Bần tiện hơn, chúng đục đẽo bào gọt phá bỏ cả bảng tên kỷ niệm những nạn nhân hy sinh trên đường tìm tự do ở một hòn đảo hoang vu ngoài lãnh thổ VN thì chúng tha gì những hình ảnh của VNCH, dù là nghệ thuật.
Phila Tô (Tô Văn Cấp)