TT NGÔ ĐÌNH DIỆM: KẺ SĨ CUỐI CÙNG (P.2) Phạm Phong Dinh

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thứ sáu : Ngoài các thế lực Hòa Hảo, Cao Đài, chính quyền trung ương cũng chú ý đến thành phần người Thượng và người Miên. Người Thượng sống tập trung hầu hết trên vùng đồi núi cao nguyên Miền Trung, có đến hơn 40 chủng tộc, trong số này có rất nhiều chủng tộc rất gần cận với người Miên, nói với nhau và hiểu nhau được. Người Thượng không ưa người Kinh, cả quốc gia lẫn Việt Cộng, vì họ chịu thuế má nặng nề từ hai phía thuở các vua Kinh và thời Pháp thuộc, cùng các triều Nguyễn, rồi thời Việt Minh. Phong trào FULRO (Front unifié de liberation des races opprimées) : Mặt Trận Liên Hiệp Những Dân Tộc Bị Áp Bức) trong những thập niên 1960 về sau, tập họp người Thượng, chủ yếu từ các sắc tộc lớn như Sedang, Rhade, Jarai, Ede, đòi thành lập một quốc gia riêng do người Thượng điều hành, về sau lại có thêm các sắc tộc Chàm và Khmer. Các thời Cộng Hòa Nhất và Nhị đều có thành lập Bộ Sắc Tộc để giải quyết các vấn đề người Thượng, song song với việc chăm lo quyền lợi cho họ. Người Miên có khoảng 600 ngàn người sống tập trung ở Tây Ninh, Bình Dương, nhưng đa số quy tụ ở Miền Tây như Ba Xuyên, Vĩnh Bình, Châu Đốc và An Xuyên. Người Miên hận thực dân Pháp đô hộ, oán người Việt chiếm đoạt phần Thủy Chân lạp trong mấy trăm năm Nam tiến. Bị người Việt Nam coi thường, khinh chê họ là giống dân lạc hậu, nên mỗi khi có dịp dậy giặc Cáp Duồn (giết người Việt) ở những vùng biên giới, người Miên tàn sát người Việt rất dã man. Sau Thế Chiến Thứ Hai, một nhóm ngjời Miên thành lập lực lượng kháng chiến Khmer Kamphuchea Krom chống Pháp, đánh cả luôn Việt Minh và Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, với ý đồ đoạt lại vùng Thủy Chân Lạp. Năm 1956 là một năm binh lửa, khi Quân Đội VNCH mở nhiều mặt trận đánh các lực lượng võ trang Hòa Hảo, Cao Đài, và quân Khmer. Quân đội quốc gia đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của lực lượng Khmer Kampuchea Krom. Quân Việt tấn công dữ dội, tiêu diệt nhiều ngàn quân Miên, đẩy lùi quân Krom chạy dạt về bên kia biên giới. Sau cuộc chiến, người Miên cam chịu khuất phục, họ được chính phủ Việt Nam bảo vệ, được tự do làm ăn sinh sống, canh tác và sở hữu, thi hành nghĩa vụ công dân như bất cứ người công dân Việt Nam nào. Thứ bảy : Người Thiên Chúa giáo Miền Bắc di cư vào Miền Nam khoảng 600 ngàn người trong số 700 ngàn đồng bào, thành phần còn lại là Phật giáo, cộng thêm 300 ngàn binh sĩ quốc gia và gia đình, các thành phần viên chức, công nhân, thương gia, và tất cả những ai tin rằng nếu ở lại sẽ bị Cộng Sản đày ải hay tàn sát. Lực lượng Quân Đội Quốc Gia giảm xuống còn 150 ngàn chiến sĩ, sau khi người Mỹ đề nghị Thủ Tướng Diệm cho giải ngũ một nửa quân số. Đồng bào di cư bao gồm nhiều thành phần trí thức, có một nền học vấn vững chắc, nói tiếng Pháp lưu loát, có kiến thức, siêng năng và cần mẫn, nên chẳng mấy chốc, khối Thiên chúa giáo đã trở thành một thế lực kinh tế, tài chính và chính trị lớn tại Miền Nam. Tổng Thống Diệm không chủ trương đưa Thiên Chúa giáo, hay Công giáo lên vị trí độc tôn, nhưng người ta tin rằng ông đã dành rất nhiều tin tưởng và tín nhiệm người Công giáo, vì khối người này có lập trường quốc gia chống Cộng rất kiên quyết và hậu thuẫn ông trong mọi chủ trương. Nhưng nói ông Diệm dung túng, bênh vực người Công giáo thì không đúng. Ông là con người có cao kiến và rất thận trọng trong vấn đề này, bằng chứng là hầu hết những viên chức làm việc trong Phủ Tổng Thống chung quanh ông đều là tín đồ Phật giáo, thí dụ như ông Võ Văn Hải, Chánh Văn Phòng; ông Quách Tòng Đức, Đổng Lý văn phòng; ông Nguyễn Thành Cung, Tổng Thư Ký; ông Trần Sử, Bí Thư; ông Tôn Thất Thiết, nội dịch và ông Nguyễn Bằng, cận vệ. Những linh mục chăn dắt giáo xứ Bùi Chu và Phát Diệm là Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi, thủ lãnh Lực Lượng Đại Đoàn Kết là linh mục Hoàng Quỳnh không thích Tổng Thống Diệm, vì ông đã thẳng thắn bác bỏ nhiều yêu sách quá đáng của họ. Con số người Công giáo từ Miền Bắc dần dần tăng trưởng đã lên đến hơn 1 triệu rưỡi người. Những người có tài năng và học thức đều được trọng dụng làm việc trong guồng máy quốc gia, những thành phần ưu tú trong quân đội đã trở thành những cấp chỉ huy cao nhất. Đối với đồng bào thường dân, chính phủ ông Diệm đã lập được kỳ công, thiết lập 319 xã định cư, phân phối đất canh tác cho, trợ cấp tài chánh đến khi đồng bào đã có thể tự sinh sống được. Chính phủ gởi 400 ngàn đồng bào xuống Miền Tây canh tác ở những vùng đất có người Miên dọc theo biên giới như khu vực Cái Sắn, Kiên Giang, vùng Kinh Thoại Ngọc Hầu và Kinh Vĩnh Tế ở Châu Đốc. Đồng thời, 100 ngàn dân di cư được đưa lên cao nguyên Quân Khu II nhận đất khai khẩn và canh tác ở khu vực các tỉnh Darlac, Lâm Đồng, Kontum, v.v.. bên cạnh các sắc tộc Thượng. Chúng ta thấy ngay cái thế chiến lược mà một con người nhìn xa trông rộng như Tổng Thống Diệm đã bố trí. Nửa triệu đồng bào di cư ở những khu vực đó hình thành những vòng cung làm phên dậu che chở cho nền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời mở rộng sản lượng nông nghiệp quốc gia, khai khẩn đất hoang hay đất rừng, góp phần tăng trưởng nền kinh tế Luôn luôn quan sát chính phủ và khối Công giáo bằng một nhãn quan nghi ngờ, là đại khối Phật giáo ở Miền Nam. Nói chính xác hơn, là thành phần ni sư ở cấp cao trong giáo hội Phật giáo. Với con số tín đồ chiếm đến 90% dân số (mặc dù trong hệ thống Phật giáo chẳng có bằng chứng nào ghi nhận sự quy y chính thức của mỗi tín đồ, người dân chỉ đơn giản thờ phượng chư Phật, đi chùa lễ Phật mỗi dịp lễ lạc quan trọng, song song với việc thờ phượng tổ tiên, ông bà), giáo hội Phật giáo luôn dè chừng nguồn tin rằng người Công giáo vận động chính phủ công nhận Công giáo là quốc giáo. Nhưng Tổng Thống Diệm, dù rất kính sợ anh mình là Ngô Đình Thục, Tổng Giám Mục giáo phận Vĩnh Long, rồi giáo phận Huế, ông không bao giờ cho phép chuyện đó xảy ra. Tất cả mọi tôn giáo đều có vị trí xứng đáng của mình trong lòng dân tộc. Nhưng khốn nỗi, những giáo phẩm cao cấp của các tôn giáo, vẫn còn rất nặng lòng sân si, chấp mê vinh quang phù phiếm và sắc tướng, đâu có được tấm lòng thánh khiết cao cả như Người. Năm 1957, giám mục Ngô Đình Thục cố vận động Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Sài Gòn, nhưng Đức Giáo Hoàng Pius XII chỉ thỏa mãn một nửa, với trách vụ giáo phận Huế, một vùng đất tiềm tàng nhiều bất trắc. Dù Tổng Thống Diệm đã rất siêng năng đi thăm viếng khắp các chùa chiền, trò chuyện thân mật với sư sãi, nhưng cái khoảng cách thân tình giữa một vị lãnh đạo và những giới chức Phật giáo vẫn chưa thu ngắn được mấy. Một vị Tổng Thống đã hạ mình xuống ngang hàng với mọi thành phần dân chúng như thế, mà vẫn chưa nhận được sự hài lòng của mọi người, thật tội nghiệp cho ông. Người đã làm tất cả những gì phải làm để chứng tỏ ông là một con người của đại chúng, của mọi thành phần chính kiến, mọi tư tưởng, chứ ông không phải là của riêng một thế lực hay tôn giáo nào. Đó là sự thật, mà ngày nay mỗi năm đến ngày 2.11, người Việt quốc gia đều trang trọng làm lễ Cầu Hồn cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm để giải oan cho người và để tôn vinh một chiến sĩ quốc gia luôn nặng lòng tận tụy với tổ quốc và dân tộc đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Thứ tám : Khi tất cả những lực lượng võ trang giáo phái đã được bình định, vẫn hãy còn một lực lượng ghê gớm mà sẽ khuynh đảo hai chế độ Cộng Hòa ở Miền Nam. Đó là lực lượng Việt Minh, rồi sau này được gọi là Cộng Sản. Về sau, với sự hiện diện của binh đội Bắc Việt, báo chí truyền thông Việt Nam Cộng Hòa đã phân biệt hai thành phần quân Cộng Sản. Thứ nhất, là Việt Cộng, là những binh sĩ nằm trong lực lượng võ trang của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam do Hà Nội thành lập ngày 20.12.1960 ở xã Tân Lập, tỉnh Tây Ninh, đa số là dân gốc Miền Nam. Thứ hai, là cán binh Bắc Việt, để gọi những bộ đội xâm nhập từ miền Bắc vào, đa số chiến đấu trong những lực lượng chính quy. Khi 100 ngàn bộ đội Cộng Sản Miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp Định Geneva ngày 20.7.1954, thì vẫn còn 10 ngàn người nhận lệnh Hà Nội ở lại nằm vùng, kiên nhẫn chờ thời cơ nổi dậy, nếu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không chịu tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong năm 1956. Hà Nội đã tiên đoán đúng, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không ký vào bản văn Hiệp Định Geneva nên không có trách nhiệm thi hành hiệp định này. Quốc tế cũng hiểu như vậy, nên không ai có thể trách cứ chính phủ VNCH việc ấy. Từ cuối năm 1955 đến đầu năm 1960, Quân Đội VNCH vừa tiếp thu những vùng Việt Minh rút bỏ, vừa mở những cuộc hành quân tiêu diệt Cộng phỉ. Tại sao gọi là Cộng phỉ? Trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa có điều khoản không công nhận hoạt động Cộng Sản, loại chúng ra khỏi vòng pháp luật. Mọi hành vi ám sát, bắt cóc, khủng bố, nổ bom chợ búa, trường học, đào đường, phá cầu, thu thuế dân quê bằng cưỡng bách và giết chóc, nói chung những hành động phá hoại đều được gọi là phỉ và phải thụ án hình sự. Ở Miền Trung, bộ máy mật vụ của ông Ngô Đình Cẩn truy lùng ráo riết Việt Cộng nằm vùng, đồng thời với các thành phần chống đối. Bận rộn với công vụ ở Miền Nam, việc đón nhận và định cư gần một triệu người Miền Bắc vào, ông Diệm gần như khoán trắng công vụ Miền Trung cho ông em trong trách vụ Đại Biểu Chính Phủ ở Miền Trung. Bộ máy của ông Cẩn ở Miền Trung và mật vụ, cảnh sát ở Miền Nam làm việc hiệu quả đến mức Cộng Sản phải la làng lên, rằng quân đội quốc gia bắt bớ, đàn áp dân chúng “vô tội”. Thật buồn cười, anh phải làm cái gì đó vi phạm luật pháp quốc gia, thí dụ như anh làm giao liên, tiếp tế, chứa chấp phỉ cộng trong nhà, dấu súng làm du kích, nuôi quân Cộng, ban đêm xách bị đi thu thuế dân lành, và nhiều tội ác mờ ám khác như bắt cóc, mổ bụng, cắt cổ những người theo về với phía quốc gia, anh bị bộ máy mật vụ và cảnh sát VNCH tóm đầu là đúng quá rồi, còn kêu ca nỗi gì. Tại sao người ta bắt ông A mà không bắt ông B. Là tại vì ông A vi phạm pháp luật, ông B không có làm gì, nên ban đêm ông B cứ ăn ngon ngủ kỹ. Thí dụ như bây giờ chúng ta về thành phố Hồ vẹm rải truyền đơn chống Cộng, vẹm đương nhiên bủa lưới bắt, chứ chúng để cho chúng ta tà tà thảnh thơi được sao. Tấm gương của Đỗ Thành Công trong tháng 8.2006 đấy, chỉ mới về Phan Thiết nghỉ phép dung dăng dung dẻ với vợ con thôi, là đã bị tống vào nhà đá rồi. Toàn Miền Nam, con số cán bộ nằm vùng từ 10 ngàn người giảm xuống còn 3 ngàn. Cán bộ cao cấp nhất còn ở lại Miền Nam là Lê Duẫn phải bỏ nhiều công sức và thời gian để gầy dựng lại cơ sở hạ tầng. Duẫn nhiều lần nài xin Hồ Chí Mính tấn công Miền Nam. Nhưng bản thân đảng Lao Động (tức Cộng Sản trá hình) còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua và củng cố thành quả “cách mạng” ngoài Bắc, thêm cuộc khởi nghĩa Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 1956, Hồ thấy chưa đủ sức và thời điểm chưa chín muồi. Điều mà Hồ có thể làm được là chỉ thị Lê Duẫn cho quân Việt Cộng đấu tranh chính chính trị, song song với tổ chức những cuộc ám sát hàng ngàn viên chức xã ấp của quốc gia để gây khủng khiếp trong dân chúng và ngăn cản những người yêu nước làm việc cho chính quyền VNCH. Bầu không khí khủng bố bao trùm khắp thôn quê Miền Nam. Hầu như cứ qua một đêm, vào buổi sáng hôm sau, nằm trên một bờ đê hay trên một thửa ruộng cạn nước, hoặc ngập nước, người dân rùng mình hãi hùng trông thấy những cái thây người bị cắt cổ máu me đầm đìa, bụng bị mổ lòi ruột gan, trên ngực ghim một mảnh giấy với mấy hàng chữ : “Bản Án Dành Cho Bọn Làm Việc Cho Mỹ Diệm”. Nhưng tất cả những thành phần dân tộc, tôn giáo, chính trị và Cộng Sản cũng chưa hội đủ điều kiện cần thiết để có thể làm sụp đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa, nếu… không có sự nhúng tay và hậu thuẫn của người Mỹ. Trước những sự quấy nhiễu, gây rối, hách dịch và ngu dốt về lịch sử, dân tộc, văn hóa và chính tình Việt Nam của các yếu nhân Mỹ từ Tổng Thống cho đến các cộng sự viên, Tổng Thống Diệm càng lúc tỏ ra rất cứng rắn không chịu khuất phục. Ông đã nhận ra rằng sự có mặt của 3,000 cố vấn Mỹ do Kennedy gởi sang Miền Nam không phải là giúp chính thể VNCH xây dựng một quốc gia độc lập và hùng mạnh thật sự, mà cốt chỉ phục vụ cho quyền lợi của người Mỹ và nước Mỹ, giống một con đường đang tách dần ra hai hướng, càng lúc càng xa cách. Chính phủ VNCH đề nghị chính phủ Hoa Kỳ giúp xây dựng một nhà máy đúc đạn tiểu liên ở Gò Vấp. Lúc đầu phía Hoa Kỳ đã chấp nhận, nhưng một thời gian sau đã cho xếp lại dự án ấy, bởi người Mỹ theo đuổi một chính sách phòng ngừa và ngăn chận quân đội VNCH tấn công ra Bắc, họ sẽ không cung cấp bất cứ phương tiện gì để VNCH có được khả năng tấn công. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa, chính phủ mở Ngân Hàng Kỹ Thương ký thác tiền tiết kiệm hàng tháng của mỗi quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ cuối những năm 1960, con số lên đến vài tỉ đồng, tương đương mấy trăm triệu đô la Mỹ. Người Mỹ e rằng chính phủ VNCH dùng số tiền này mua thêm súng đạn từ các quốc gia khác, hoặc thành công trong những kế hoạch phát triển kinh tế để tự túc hoàn toàn, không nhận tiền Mỹ nữa, nên đã dàn dựng tấn kịch “tham nhũng” trong kế toán ngân hàng và Bộ Quốc Phòng, áp lực chính phủ VNCH phải bồi hoàn số tiền này cho mọi quân nhân, ngừng vĩnh viễn chương trình tiết kiệm quân đội. Nói một cách chính xác, vụ Kỹ Thương Ngân Hàng là một trong những dấu hiệu cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đã ấn định và chuẩn bị cái chết của Việt Nam Cộng Hòa rất sớm. Người Mỹ không muốn VNCH thành công kinh tế, trở thành một cường quốc trong vùng Đông Nam Á, họ muốn dân tộc Việt mãi mãi đắm chìm trong nghèo đói, từ đó phát sinh nạn tham nhũng và phải chịu khuất phục, phụ thuộc người Mỹ. Những cố vấn thân cận của Kennedy đã dùng trí tuệ siêu đẳng của họ để không phải chiến thắng kẻ thù một cách vinh quang, mà trời ơi, là để tháo chạy ra khỏi Việt Nam. Có hai khuynh hướng được cân nhắc : Thứ nhất, thay thế chính phủ ông Diệm bằng một chính phủ dễ nói chuyện và sai bảo hơn. Thứ hai, hất ông Diệm xuống và dựng lên, trời đất, một chính phủ có nhiệm vụ tuyên bố “đuổi” người Mỹ ra khỏi Miền Nam. Lúc ấy, người Mỹ danh chính ngôn thuận rời khỏi Miền Nam trong danh dự. Chúng ta sẽ thấy các đời tổng thống Mỹ đều rất gắn bó với hai khái niệm kỳ quái này. Càng kỳ quái hơn, khi người Mỹ đã tìm thấy một con người có khả năng thực hiện được hai kế hoạch ô nhục đó : Trung Tướng Dương Văn Minh của cuộc loạn binh 1.11.1963 và Tổng Thống Dương Văn Minh của cuộc “đuổi Mỹ” và đầu hàng ngày 30.4.1975. Thật may mắn cho người Mỹ, vụ biến động Phật giáo xảy ra trong tháng 5.1963 là một cái ngòi nổ quá tốt để người Mỹ bê một trái mìn tới cho nó nổ sập chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa. Cuộc biến động đó thường được nhớ đến từ sự kiện “Treo Cờ Phật Giáo”. Cuộc oan nghiệt khởi đầu từ việc những viên chức đầu tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế cho phép treo nhiều cờ Công giáo ra khỏi khuôn khổ của một thông tư trung ương. Nhân ngày lễ Phục Sinh đầu tháng 4.1963, Tổng Thống Diệm có đi thị sát dân tình, ông đã chú ý đến việc treo cờ quốc gia và cờ đạo chưa được nghiêm chỉnh và đúng cách. Tổng Thống Diệm ký một thông tư lưu ý các tỉnh thành về thể thức treo quốc kỳ trong những này lễ đạo, không phân biệt tôn giáo nào. Cờ quốc gia phải được treo ở cổng nhà thờ, chùa chiền, đền thánh, chính giữa và cao phía trên, đúng kích thước; cờ đạo được phép treo phía dưới; phía trong được treo bao nhiêu đạo kỳ tùy ý. Đầu tháng 5.1963, để kỷ niệm lễ ngân khánh 25 năm thụ phong của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, tại Huế, nhiều cờ Vatican đã được treo trái với quy định trong thông tư của Tổng Thống Diệm. Thật bất hạnh cho nước Nam, tháng 5 trùng với mùa lễ Phật Đản, nên ngày 8.5.1963, Phật Tử Huế treo cờ đạo cũng trái quy định, giống như vụ cờ Vatican. Anh treo được thì tôi treo được. Nếu sự việc ngừng ở đây thì đâu xảy ra thảm kịch đau lòng ngày 1.11.1963 và người Mỹ có đâu cái cớ để nhào vô đánh trống la làng. Vẫn những viên chức Huế thông báo đồng bào Phật Tử phải tuân theo thông tư chính phủ, treo đạo kỳ lùi vào bên trong chùa, gây nên một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng. Ngay trong buổi chiều ngày 8.5.1963, một cuộc biểu tình phản đối tụ tập hàng ngàn Phật Tử trước Đài Phát Thanh Huế, là nơi đang đọc thông báo. Bầu không khí sôi sục nhưng vẫn còn có thể kiềm chế được, quân đội quốc gia được gởi đến nhưng không có một hành động nào sử dụng bạo lực. Đột nhiên có một trái bom nổ bùng lên giữa đoàn người đang hò hét, gây tử thương một số ít người, trong đó có 7 em bé. Như một cái ly nước đã quá đầy và tràn, không còn gì ngăn được lòng căm phẫn của dân chúng. Cán bộ Cộng Sản nằm vùng trong các chùa chiền, leo dần lên đến những vị trí đại đức, thượng tọa như Trí Quang, Thiện Minh,… đổ dầu thêm vào lửa, cố gây tình trạng hỗn loạn tại Huế, thay vì thể hiện tinh thần bất bạo động, cùng với chính quyền tìm những phương cách ôn hòa để giải quyết. Trong khi đó thì tất cả chùa chiền ở các tỉnh thành khác đều tuân thủ thông tư của chính phủ, không có biến động đáng tiếc nào. Sự kiện 8.5.1963 đã được báo chí ngoại quốc đăng tải, dĩ nhiên thổi phồng, cố tạo cho thế giới có một cảm giác ngột ngạt đang diễn ra tại Việt Nam, chú tâm vào vấn đề Phật giáo, bỏ qua tất cả những thành quả khác đang trên đà tiến triển của Việt Nam Cộng Hòa. Đó là cung cách của báo chí, truyền thông Tây phương và Hoa Kỳ. Sau năm 1975, James Scott, cựu Đại Úy quân đội Mỹ, từng là cố vấn Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1 Bộ Binh của VNCH, có nhiều liên hệ với CIA, công bố một bức thư thú nhận chính anh ta đã được lệnh gài một trái bom nổ chậm để gây ly gián giữa Phật tử và chính quyền. Kế lý gián ấy đã thành công, cộng với sự sách động của sư sãi Việt Cộng mặc áo nhà tu, đẩy tình hình nội trị Việt Nam đến một sự căng thẳng giả tạo. Một phái đoàn Liên Hiệp Quốc xin được vào Miền Nam điều tra những cái mà báo chí ngoại quốc gọi là “đàn áp tôn giáo” của chính phủ ông Diệm. Phái đoàn điều tra được phép đi khắp nơi, phỏng vấn một số người, để cuối cùng công bố một kết luận làm Hà Nội và người Mỹ thất vọng : Tại Miền Nam chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ chính quyền Ông Diệm đàn áp tôn giáo cả. Song song đó, chính quyền đồng ý bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân trong tai nạn bom nổ ngày 8.5.1963, tiếp tục những cuộc thương thảo với các chức sắc lãnh đạo Phật Giáo. Muốn đốt lên ngọn lửa hận thù, người ta phải dựng nên một vụ chấn động nào đó tương đương với sự kiện 8.5.1963. Ký giả David Halbrestam của báo New York Times sáng ngày 11.6.1963 bỗng nhận được một cú điện thoại nặc danh bảo anh ta đến ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng để chứng kiến một sự kiện quan trọng. Cùng hiện diện tại đó còn có nhiếp ảnh viên Malcolm Browe. Tấn bi kịch đã được dàn dựng với những nhân chứng ngoại quốc, để bảo đảm tin tức và hình ảnh được truyền bá khắp thế giới. David và Malcolm đã chứng kiến được tấn bi kịch tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức, 66 tuổi. Cùng với hai nhà sư trẻ hơn, hòa thượng Thích Quảng Đức từ trên một chiếc xe hơi bước xuống ngồi tọa thiền trong vòng vây của nhiều tăng ni. Hai nhà sư đổ một thùng xăng lên người ông, người hòa thượng tự châm diêm quẹt tự thiêu. Tin tức và hình ảnh ghê rợn đó đã được truyền đi đúng như ý muốn của những người dàn dựng. Chính phủ Mỹ có cái cớ nhảy vào “cảnh cáo” chính quyền VNCH hãy thỏa mãn yêu sách của Phật giáo. Phản ứng cứng rắn của chính quyền đã làm tan đi những hy vọng hòa giải. Tháng 8.1963, quân đội được lệnh khám xét những chùa chiền, bắt nhiều sư sãi về thanh lọc thành phần Cộng Sản nằm vùng. Trí Quang ở chùa Ấn Quang nhanh chân chạy trốn được vào cơ quan USAID Mỹ ở Sài Gòn. Dĩ nhiên người Mỹ sốt sắng nhận che chở ngay. Ngày 2.11.1963, ông Ngô Đình Cẩn chạy đến Tòa Lãnh Sự Mỹ tại Huế xin ông Lãnh Sự John Helble cho tị nạn. Helble lạnh lùng từ chối. Ngày 5.11.1963, Cabot Lodge lệnh cho giải giao ông Cẩn về Sài Gòn trao cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Hai sự kiện này đã nói lên được chính sách phản trắc của chính quyền Hoa Kỳ. Gần đây nhất, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Marine đã sống sượng phát biểu về những vụ tự thiêu của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo phản đối Việt Cộng đàn áp tôn giáo như sau :”Những người tự thiêu là những người cực đoan. Hành động đó làm cản trở tự do tín ngưỡng của tín đồ”. Mẹ ơi, 43 năm trước cũng chính người Mỹ ca ngợi “Tự thiêu là hành dộng dũng cảm vì đạo pháp của các bậc bồ tát”. Thế là thế nào, cùng một miệng Mỹ mà phun ra tới hai luồng sulfur khác nhau. Nếu cho là lời ông Marine đúng thì hóa ra chế độ vẹm Hà Nội là một chế độ quá thánh thiện mất rồi. Ô hô ! Trong tình hình sư sãi như rắn mất đầu như thế, lẽ ra Trí Quang nên làm một cái gì to tát như hòa thượng Thích Quảng Đức để được vĩnh viễn lưu danh trong Phật sử, thì ông ta đã nhanh chân tẩu thoát trước. Nếu Trí Quang cùng ngồi tọa thiền trong tù với hàng ngàn sư sãi, thậm chí dẫn đầu một cuộc tuyệt thực trong đó, thì tác động “chiến tranh tâm lý” có phải lớn hơn không. Phải chăng đùn đẩy người vô tội chết thay cho mình, sẵn sàng bỏ chạy trước khi nguy biến là bản chất của người Cộng Sản. Sau 1975, những con bài tôn giáo chiến lược của Hà Nội như Trí Quang, Nhất Hạnh, Minh Châu, … đều đã lộ diện, như là một yếu tố chính trị quan trọng trong màn kịch Phật giáo. Nhưng những biến cố đó vẫn chưa đủ liều lượng làm sụp đổ chế độ. Người Mỹ cần một yếu tố thứ ba : tướng lãnh VNCH. Vì thế ngay trong tháng 8.1963, Henry Cabot Lodge được lệnh khăn gói sang Việt Nam. Đến đây tấn thảm kịch 1.11.1963 và cái chết của anh em Tổng Thống Diệm được bắt đầu. Ngày thứ Sáu 1.11.1963 oan nghiệt trùng với ngày Lễ Các Thánh, tức kế tiếp ngay sau ngày Halloween 31.10.1963. Bầu trời buổi sáng nắng đẹp, đột nnhiên lúc giữa trưa đã trở nên u ám, như báo trước một tấn bi kịch mà cho đến tận thời điểm hiện tại khi nhớ lại người ta vẫn còn rùng mình kinh hãi. Không phải vì cuộc đổi đời dâu bể, mà là ghê tởm cuộc tắm máu hai anh em Tổng Thống Diệm một cách dã man và không cần thiết của những người cầm đầu cuộc đảo chánh mà họ gọi là “cách mạng” và những cái gọi là “đồng minh” Hoa Kỳ. Nếu Tổng Thống Diệm cứng rắn kháng cự đến giây phút cuối cùng, ông có chết giữa vòng lửa đạn thì đó là cái chết phải đến và xứng đáng. Nhưng ông đã quá tin vào lời chấp nhận của Tướng Dương Văn Minh, người được Mỹ hậu thuẫn và là người đứng đầu Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đồng ý đầu hàng và xin Hội Đồng cho phép ông và ông Nhu được sống lưu vong nước ngoài. Suốt cuộc đời Tổng Thống Diệm, ông chỉ ban bố tấm lòng nhân ái tận tụy cho dân tộc chứ chưa từng nhẫn tâm lừa gạt đối phương một cách trắng trợn như Tướng Minh. Đúng 1 giờ ngày 1.11.1963 tiếng súng của quân đảo chánh bắt đầu nổ. Một lực lượng nhiều tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến làm nỗ lực chính khai tử nền Đệ Nhất Cộng Hòa, cùng với những lực lượng hỗ trợ hỏa lực như Thiết Giáp, tăng viện chiến trường như Nhảy Dù, bao vây Sài Gòn như Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Nhảy Dù đã khẳng khái khước từ tham gia đảo chánh, ông suýt bị hạ sát ngay tại Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng được Trung Tướng Trần Thiện Khiêm can thiệp cứu thoát và cho người giam lỏng ông. Với lòng trung thành ấy, ông có đủ phẩm chất được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng tin tưởng giao cho ông tiếp tục chỉ huy binh chủng Nhảy Dù sau ngày 1.11.1963. Có lẽ trường hợp Đại Tướng Viên là một sự kiện kỳ lạ và độc nhất trong hàng tướng lãnh, một con người trung thành với Tổng Thống Diệm lạc lõng giữa đám Tướng, Tá phản loạn. Tuy vậy, ngày 28.4.1975, khi Tướng Minh nhận bàn giao chức vụ tổng thống từ Tổng Thống Trần Văn Hương, nhớ lại nỗi oan khuất và cái chết thảm của Tổng Thống Diệm, Đại Tướng Viên đã xin từ nhiệm, quyết không chịu cúi lòn dưới trướng của Minh. 1 giờ 05 phút. Quân Cọp Biển TQLC đã chiếm được Tổng Nha Cảnh Sát và Đài Phát Thanh Sài Gòn không gặp sức kháng cự đáng kể, Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt bị tràn ngập. Hôm trước, vị Chỉ Huy là Đại Tá Lê Quang Tung đã bị hạ sát bằng súng lục tại nghĩa trang sau khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu cùng với anh ông là Trung Tá Lê Quang Triệu, vì cả hai thề giữ lòng trung thành với Tổng Thống Diệm. Tư Lệnh Hải Quân, Đại Tá Hồ Tấn Quyền cũng mất mạng. Mất người tư lệnh, các chiến sĩ áo rằn Lực Lượng Đặc Biệt cam chịu tan rã. 4 giờ 30 phút, suốt ba tiếng đồng hồ, tiếng súng giao tranh giữa hai lực lượng trung thành và đảo chánh nỗ dòn dã khắp thủ đô. Dân chúng náo động, xôn xao và chờ đợi tin tức từ Đài Phát Thanh Sài Gòn. Người ta nhớ lại ba năm trước, cũng vào thời điểm này, ngày 11.11.1960 Đài Phát Thanh Sài Gòn cũng đã phát thanh lời hiệu triệu của quân đảo chánh, cùng những bài nhạc hùng quân đội. Nếu một bài nhạc hùng phát lên trong lúc này, thì đó là dấu hiệu của một cuộc đảo chánh khác. Quả thật như thế, sau vài phút phát thanh một bản nhạc quân đội, dân chúng thủ đô và hầu hết các tỉnh Miền Tây qua các làn sóng tiếp vận đã được nghe lời hiệu triệu của Trung Tướng Dương Văn Minh như sau : “Đồng bào thân mến, Kể từ giờ phút này, Quân Đội nhất quyết đứng lên để giải thoát đồng bào ra khỏi ách thống trị độc tài… Ngày mà đồng bào chờ đợi đã đến, toàn thể Quân Đội nhận định, với chế độ hiện hữu, công cuộc chống Cộng và kiến quốc của toàn dân sẽ không có hiệu quả…”. Tướng Minh còn đọc tiếp, với chủ trương tuyệt đối tránh đổ máu, Hội Đồng Tướng Lãnh đã chấp nhận cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chức và rời khỏi Việt Nam ngay lập tức, ông loan báo sẽ có lời từ giã của ông Diệm trên đài phát thanh với tư cách một công dân bình thường.. Từ dinh Gia Long, Tổng Thống Diệm gọi cho đại sứ Hoa Kỳ, ông Henry Cabot Lodge, vừa nhậm chức tại Sài Gòn chỉ mới hồi tháng 8.1963. Chân ướt chân ráo sang Sài Gòn, Cabot Lodge đã rủ rê Trung Tướng Minh, lúc này là Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống, đang ngồi chơi xơi nước và gãi… rốn, đi đánh tennis, rồi nhỏ to thủ thỉ những chuyện tày đình. Cũng cùng thời gian đó, Trung Tá CIA Lucien Conein đến gặp Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tham Mưu Trưởng quân đội để nghe Đôn xác định kế hoạch đảo chánh đã được soạn thảo và sẵn sàng thi hành. Gần ngày đảo chánh, Conein có xách một cặp táp chứa 40 ngàn mỹ kim, khoảng hơn hai triệu đồng Việt Nam, trao cho ông Đôn, có lẽ để chi dùng chuyện cần thiết. Số tiền này sau ngày 1.11.1963, các tướng phản loạn đã chia nhau mỗi người một ít. Trời ơi, gần hai ngàn năm trước Judas bán Chúa chỉ với 40 mươi đồng bạc, hai ngàn năm sau, các Tướng bán vị nguyên thủ quốc gia VNCH cho ngoại bang chỉ với 40 ngàn mỹ kim. Một con số nhơ nhuốc, mà mỗi khi nhắc lại, hẳn những tướng đảo chánh phải cúi đầu hỗ thẹn. Cuộc nói chuyện với Cabot Lodge đã diễn ra trong một bầu không khí rất lạnh nhạt và đểu cáng từ phía người Mỹ : Tổng Thống Diệm : Đang có một cuộc đảo chánh chống lại chính phủ, ông đại sứ có hay biết gì về việc này không và tôi muốn biết thái độ của Hoa Kỳ. Cabot Lodge : Tôi nghĩ rằng tôi không được thông báo tin tức đầy đủ để có thể trả lời câu hỏi của Ngài. Tôi có nghe thấy những tiếng súng nổ, nhưng không rõ thực hư. Vả lại bây giờ là 4 giờ rưỡi sáng Hoa Thịnh Đốn, chính quyền Mỹ có lẽ không thể đưa ra được một ý kiến về vấn đề này. Tổng Thống Diệm : Nhưng chắc chắn Ngài cũng có những ý niệm đại khái về vấn đề này. Dù sao, tôi cũng là một vị quốc trưởng, tôi đã cố gắng làm hết bổn phận. Cabot Lodge : Dĩ nhiên Ngài đã làm bổn phận của Ngài. Không ai có thể lấy đi cái công của Ngài đối với tất cả những gì Ngài đã làm. Nhưng bây giờ tôi lo ngại cho sự an toàn của Ngài. Tôi được báo cáo rằng những kẻ đảm trách những việc đang xảy ra đề nghị để cho Ngài và em Ngài bình yên ra ngoại quốc nếu Ngài từ chức. Ngài có nghe biết chuyện đó không ? Tổng Thống Diệm : Không…. Cabot Lodge : Vâng, nếu tôi có thể làm được điều gì cho sự an toàn của bản thân Ngài, xin Ngài cứ gọi tôi. Tổng Thống Diệm : Tôi đang tìm cách lập lại trật tự, Ngài có số điện thoại của tôi. Tổng Thống Diệm cúp máy không muốn nói chuyện thêm nữa. Một con cáo già trong ngành nói láo như Cabot Lodge mà lại quá hớ hênh và ấu trĩ khi ở đầu cuộc đàm thoại chối leo lẻo không biết gì về cuộc đảo chánh, nhưng sau đó ông ta đã “nghe báo cáo” nói về ý định của các Tướng phản loạn sẽ để cho ông Diệm và ông Nhu ra đi. Một sự việc tầy trời như thế mà Cabot Lodge nhẩn nha nói rằng Hoa Thịnh Đốn hãy còn… ngủ. Cứ giả sử lúc ấy, ngay giây phút đó, một toán Vẹm xông vào tòa đại sứ Mỹ, để coi Henry Cabot Lodge có són trong… quần và khẩn cấp gọi về Hoa Thịnh Đốn la làng lên kêu cứu hay không, hay là cứ để cho Kennedy ngủ chán chê đã. Một kẻ sĩ đầy hào khí và lòng tự trọng như Tổng Thống Ngô Đình Diệm đời nào người chịu hạ mình van xin sự sống từ bọn người ngoại chủng bất nhân, bất nghĩa và bất trí ấy. Anh Hùng Tử, Khí Hùng Bất Tử. Qua những giây phút đàm thoại ngắn ngủi với Cabot Lodge, Tổng Thống Diệm biết chắc người Mỹ đã nhúng tay vào âm mưu ghê tởm này. Chúng có thể giết được cái xác trần của người, chứ làm sao chúng xóa đi được thanh danh, cái phần linh hồn tinh túy của một người lãnh đạo chân chánh Việt Nam. Tôi tiến hãy theo tôi, tôi lùi hãy bắn tôi, tôi chết hãy trả thù cho tôi.Người đời sau càng phỉ nhổ Kennedy và Cabot Lodge bao nhiêu, càng trân trọng tôn vinh Tổng Thống Diệm bấy nhiêu. Trong thời gian đó, Đài Phát Thanh Sài Gòn chính thức loan báo thành phần tướng lãnh và sĩ quan tham dự cuộc binh biến : Các Trung Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Nguyễn Ngọc Lễ, Trần Văn Minh; các Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Mai Hữu Xuân, Trần Tử Oai, Lê Văn Kim, Phạm Xuân Chiểu, Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Là, Trần Thiện Khiêm, Trần Ngọc Tám và Nguyễn Giác Ngộ; các Đại Tá Đỗ Mậu, Nguyễn Khương, Dương Ngọc Lắm, Nguyễn Văn Thiệu; các Trung Tá Lê Nguyên Khang, Khổng Văn Tuyên, Đỗ Ngọc Nhận và Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Thiệt. 7 giờ 30 phút tối. Tướng Minh gọi điện thoại vào Dinh Gia Long xin nói chuyện với Tổng Thống Diệm, nhưng ông Diệm từ chối, Minh càng tức uất, sát khí đã bốc ngùn ngụt trong đầu ông ta. 8 giờ tối. Ông Cao Xuân Vỹ, một nhân vật lãnh đạo cao cấp của Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, đã tìm đâu ra được một chiếc xe màu đen cũ, có lẽ là chiếc Traction, chạy vào sau khuôn viên Dinh Gia Long rước Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Chính Trị Ngô Đình Nhu vượt qua được vòng vây quân đảo chánh. Hai anh em ông Diệm đã theo một đường hầm bí mật thoát ra ngoài. Chiếc xe cũ mèm không ai buồn để ý đến hóa ra lại vô cùng đắc dụng. Ông Vỹ chở Tổng Thống Diệm chạy vào Chợ Lớn trú ngụ trong nhà thương gia Mã Tuyên, một người Tàu có nhiều mối giao hảo tốt với gia đình ông Diệm. Được tin Tổng Thống Diệm đã tìm được chỗ ẩn lánh an toàn, các chiến sĩ thuộc Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống tổ chức vị trí kháng cự ở Dinh Gia Long và Thành Cộng Hòa, thề tử thủ và trung thành với chế độ đến cùng. Quân đảo chánh gặp rắc rối to, các tướng lãnh chủ chốt như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim và Tôn Thất Đính sợ xạm cả mặt. Tuy là trong một tình trạng căng thẳng ghê gớm như thế, những chiến sĩ đôi bên chỉ chỉa súng lên trời nổ lóc bóc ầm ĩ nghe cũng kinh khủng, xe tăng bao vây coi bộ hầm hừ dữ lắm, thiết giáp bên trong vòng rào dinh tổng thống cũng chỉa ra nghênh chiến. Tình thật thì chẳng người lính nào nỡ hạ súng xuống bắn vào những người cùng chung màu áo treillis. Cho nên khi cuộc đảo chánh thành công, con số thiệt hại nhân mạng thật ít ỏi, ngoại trừ một vài trường hợp rủi ro. Đến giờ phút này Tổng Thống Diệm vẫn còn hy vọng vào lực lượng cứu nguy từ Quân Khu II Cao Nguyên, ông đã liên lạc được với Trung Tướng Nguyễn Khánh kêu gọi ông đem quân về giải vây. Tướng Khánh lừng khừng trả lời, rằng ông muốn lắm nhưng đã trễ mà đường về thì xa diệu vợi. Thật tình thì Tướng Khánh đánh hơi thấy gió đã đổi chiều, nên 4 giờ sáng ngày 2.11.1963 ông đã đánh điện về Sài Gòn ủng hộ quân đảo chánh. Vẫn không có báo cáo lạc quan nào từ phía Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù và Thiết Giáp, các tướng đảo chánh lệnh cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tiến lên làm nỗ lực chánh tấn công Dinh Gia Long. Ngay từ đầu cuộc động binh, Đại Tá Thiệu thừa khôn ngoan, ông chùng chình án binh bất động, không muốn tay vấy vào chàm, từ tận thâm tâm ông còn nhớ rằng mình vẫn là một đảng viên Đảng Cần Lao của chính quyền (Nền Đệ Nhứt Cộng Hòa có hai lực lượng chính trị chánh phụ thuộc vào chính quyền là Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và Đảng Cần Lao. Đảng Cần Lao là sáng kiến tư duy của ông Ngô Đình Nhu, được xem như một cái đối trọng của Đảng Lao Động của Cộng Sản Hà Nội). Nhận lệnh, Đại Tá Thiệu điều động quân bộ binh “đánh” vào chiến lũy của Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Vẫn chẳng ăn cái giải gì, vì đôi bên làm sao nỡ lòng bắn nhau. Súng vẫn nổ rền trời suốt đêm. 0 giờ 10 phút. Bộ Chỉ Huy của quân đảo chánh đặt tại đường Phạm Ngũ Lão, sau bến xe buýt Sài Gòn, quyết định tổ chức một cuộc hành quân liên binh đại qui mô. Nhiều chiến xa và thiết vận xa từ mạn Chợ Lớn theo đường Trần Hưng Đạo ầm ầm tiến ra Sài Gòn. Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến được điều động dọc theo hai bên đường chạy theo chiến xa. Khi đến Công Trường Diên Hồng, tất cả đều dừng lại để chiến xa và M 113 chuẩn bị đội hình tấn công. 4 giờ sáng. Chiến xa và các đơn vị bộ binh tiến về hướng Dinh Gia Long theo những ngã Pasteur, Công Lý và Lê Thánh Tôn. Máy phóng thanh của quân đảo chánh không ngớt kêu gọi Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống đầu hàng. 5 giờ sáng ngày 2.11.1963.. Buổi sáng sớm, sau khi đã cùng ông Nhu sang Nhà Thờ Cha Tam cầu nguyện lần cuối cùng, Tổng Thống Diệm quyết định bỏ cuộc. Ông cảm thấy cô đơn và mệt mỏi lắm rồi. Điều mà Người còn có thể làm được là gọi điện lệnh cho Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống buông súng để tránh thương vong cho các chiến sĩ trung thành của ông. Tổng Thống Diệm gọi điện thoại cho Tướng Minh loan báo ý định đầu hàng, với điều kiện cùng ông Nhu được ra ngoại quốc. Tướng Minh chấp nhận ngay, không phải vì lòng từ tâm, mà là muốn bắt được Tổng Thống Diệm càng sớm càng tốt, khỏi lo hậu họa về sau. Khi hai anh em ông Diệm đã nằm trong tay Tướng Minh rồi thì… cuộc báo oán trả hận sẽ dễ dàng biết bao nhiêu. 6 giờ 30 sáng. Tướng Minh chỉ định Tướng Mai Hữu Xuân, Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Tá Nguyễn Văn Quang, Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa, Đại Úy Nguyễn Văn Nhung lên 2 chiếc xe Jeep và một chiếc thiết vận xa M113 đi đón anh em Tổng Thống Diệm. Sự có mặt của Xuân dường như là để giám sát, bảo đảm công tác mật được hoàn thành. Tướng Đôn chuẩn bị một căn phòng tươm tất để anh em Tổng Thống Diệm tạm ngơi nghỉ. Đến Nhà Thờ Cha Tam, Đại Úy Nhung thô bạo chỉa súng vào Tổng Thống Diệm và ông Nhu buộc lên xe thiết giáp. Ông Nhu phản đối, đòi Nhung phải lễ độ với vị nguyên thủ, Nhung sừng sộ đấm ông Nhu một cái vào mặt, xô hai anh em ông vào lòng xe, rồi dùng dây thô bạo trói quặt tay hai người ra phía sau lưng. Trong khoảng 8 giờ – 9 giờ sáng. Đoàn xe áp tải anh em Tổng Thống Diệm chạy đến gần đường rầy xe lửa, khoảng đường Phan Thanh Giản – Ngã Bảy Lê Văn Duyệt. Lợi dụng có một đoàn xe lửa đang ầm ầm chạy cắt ngang, Nhung bất ngờ móc súng bắn lén Tổng Thống Diệm và ông Nhu từ phía sau, súng kê vào màng tang phải Tổng Thống Diệm và sau ót ông Nhu. Hai cái xác oan khuất ngã nằm dài sóng soãi trên nền chiếc xe thiết giáp, một giòng máu đỏ tuôn ướt đẫm đầy mặt Tổng Thống Diệm. Vẫn chưa thỏa mãn cơn cuồng sát, Nhung rút lưỡi lê đâm thêm trên lưng ông Nhu nhiều nhát nữa. Khi đoàn xe chạy vào Bộ Tổng Tham Mưu, nơi đặt bản doanh của bộ chỉ huy đảo chánh, Đại Úy Nhung bước ra đứng nghiêm chào Tướng Minh đang nôn nóng đứng chờ :”Mission accomplie” (sứ mạng hoàn thành). Những nhân vật liên can đến cuộc áp tải và hạ sát Tổng Thống Diệm và ông Nhu đều được thăng một cấp. Tuy rằng với công trạng giết chúa ấy, Đại Úy Nhung được vinh thăng Thiếu Tá, nhưng chưa đủ thời gian để tiêu hóa cuộc vinh quang, thì Nhung đã bị chính quyền Quốc Trưởng Nguyễn Khánh bắt nhốt vào quân lao trong Bộ Tổng Tham Mưu, sau tháng 1.1964, khi ông Khánh đã làm “cách mạng” lật đổ ông Minh rồi cho ông ta đi Thái Lan. Tự biết tội nghiệt đã nhiều và hãi sợ lưỡi gươm công lý, Nhung cởi giây giày tự thắt cổ chết. 10 giờ 45 phút. Trung Tướng Minh ra lệnh cho Đài Phát Thanh đọc một bản tin ngắn, loan báo anh em Tổng Thống Diệm đã tự tử. Chỉ một khoảnh khắc ngắn sau, Tổng Thống Hoa Kỳ Kennedy ở Hoa Thịnh Đốn đã nhận được tin cái chết thảm thương của Tổng Thống Diệm. Mặt trắng bệch như một cái xác chết, Kennedy lặng lẽ đi vào văn phòng riêng đóng cửa, tự ngăn cách với thế giới bên ngoài. Phó Tổng Thống Lyndon Johnson, một người có rất nhiều cảm tình với nền Đệ Nhất Cộng Hòa và Tổng Thống Diệm, sau này đã kêu lên khi hồi tưởng lại giây phút ghê tởm đó : “Chúng ta đã nhúng tay vào vụ giết ông Diệm ”. Có phải chăng hung bạo và tàn nhẫn với bạn đồng minh, hèn nhát khiếp nhược trước “kẻ thù” là bản chất của những người làm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Câu trả lời này ngày nay đã được giải đáp thật rõ ràng, chúng ta không cần phải dẫn giải thêm nữa. Để điều hành guồng máy quốc gia trong thời gian chuyển tiếp, thành phần Ủy Ban Chấp Hành Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng được công bố như sau và được Tướng Minh ký hiệu lực ngày 5.11.1963 : Chủ Tịch : Trung Tướng Dương Văn Minh. Đệ Nhứt Phó Chủ Tịch : Trung Tướng Trần Văn Đôn. Đệ Nhị Phó Chủ Tịch : Trung Tướng Tôn Thất Đính. Ủy Viên Kinh Tế : Trung Tướng Trần Văn Minh. Ủy Viên An Ninh : Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu. Ủy Viên Quân Sự : Trung Tướng Trần Thiện Khiêm. Ủy Viên Chánh Trị : Thiếu Tướng Đỗ Mậu. Tổng Thư Ký kiêm Ủy Viên Ngoại Giao : Trung Tướng Lê Văn Kim. Ủy viên : Trung Tướng Mai Hữu Xuân. Ủy viên : Trung Tướng Lê Văn Nghiêm. Ủy viên : Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Ủy viên : Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có. Song song với Ủy Ban Chấp Hành Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ được chỉ định giữ chức Thủ Tướng của thành phần Chánh Phủ Lâm Thời kiêm Tổng Trường Kinh Tế và Tổng Trưởng Tài Chánh, hiệu lực từ ngày 4.11.1963. Nói một cách thật công bằng, thì ông Nolting đại sứ tiền nhiệm, đương kim ngoại trưởng Dean Rusk, các thượng nghị sĩ Hubert Humphrey, Mansfield, Fulbright, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, nhiều yếu nhân trong các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, tôn giáo và quân đội Hoa Kỳ dành rất nhiều thiện cảm đến cá nhân Tổng Thống Diệm, cùng những thành tích quân sự, kinh tế chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã kiến tạo được. Dù là một nước đang trong tình trạng chiến tranh, mà VNCH vẫn vươn lên được hàng cường quốc trong vùng Đông Nam Á. Nhưng những thành quả đó, những ý chí chống Cộng của Tổng Thống Diệm và quân dân VNCH không nằm song hành với cái gọi là “quyền lợi của người Mỹ”. Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn thiết lập một đất nước dân chủ, độc lập và cộng hòa, theo đuổi lý tưởng tự do, bảo vệ chủ quyền dân tộc, kiến tạo một quốc gia thịnh vượng sánh vai với các cường quốc năm châu. Người Mỹ không đủ kiên nhẫn để nghĩ quá xa và quá nhiêu khê như thế, họ chỉ muốn ngăn chận ảnh hưởng Cộng Sản từ Hoa Lục tràn xuống khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, củng cố vị thế của Mỹ ở Á châu, lấy VNCH làm bức tường thành mà được chất chồng bằng xương và máu của người Miền Nam. Tổng Thống Diệm tỏ rõ chủ quyền quốc gia khi ông rất cứng rắn khước từ yêu cầu của Kennedy cho đổ quân Mỹ vào Việt Nam. Tổng Thống Diệm cho rằng người quốc gia đủ sức đương đầu và chiến thắng Hà Nội nếu nhận được viện trợ vũ khí và tài chánh đầy đủ từ Hoa Kỳ. Tổng Thống Diệm chỉ cho phép sự hiện diện của Quân Đội Mỹ, nếu chính quyền Hoa Kỳ chính thức ký một hiệp ước an ninh hỗ tương với Việt Nam Cộng Hòa, điều mà người Mỹ đã làm với Nam Hàn và Đài Loan. Nếu không, sự hiện diện bất hợp pháp của quân Mỹ ở Miền Nam hóa ra là một cuộc xâm lăng và phi nghĩa, là cái cớ để Cộng Sản cao rao sứ mạng “chống Mỹ xâm lược”. Tiên kiến của Tổng Thống Diệm đã được chứng minh chỉ hai năm sau, năm 1965, quân Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Khi đã đạt được những thỏa thuận với Hoa Lục Trung Cộng rồi, chính quyền Mỹ trở mặt ngay với đồng minh và nhổ ngay nước bọt lên bia mộ của 58 ngàn tử sĩ cùng 300 ngàn thương binh Quân Lực Hoa Kỳ hy sinh hay thương tật tại Việt Nam. Để bào chữa cho tội ác của mình, người Mỹ đã thực hiện một cuộc tuyên truyền rộng lớn mà ảnh hưởng sâu đậm của nó vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay, với sự tham dự hùng hậu của nhiều giới trí thức, học giả, sử gia, truyền thông, báo chí cùng viết sách, viết báo, làm phim tài liệu giả tạo đổ vấy tất cả mọi tội lỗi không có thật lên chính quyền Đệ Nhứt VNCH , cá nhân Tổng Thống Diệm và anh em ông. Đến nay đã có hàng chục ngàn cuốn sách vu khống, bôi nhọ cả hai nền Đệ Nhứt và Đệ Nhị Cộng Hòa. Chỉ nói về nền Đệ I Cộng Hòa thôi, thì xin những thành phần nói trên trả lời với công luận thế giới tại sao Tổng Thống Kennedy có thể bổ nhiệm ông Robert Kennedy làm Bộ Trưởng Tư Pháp, mà Tổng Thống Diệm lại không thể bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu làm Cố Vấn Chính Trị. Bốn mươi ba năm hồi tưởng lại một giai đoạn đen tối của lịch sử với cái chết bi thảm của Tổng Thống Diệm, để nhận ra rằng một con người mà đã dâng hiến trọn cuộc đời cho dân tộc và đất nước ấy, dù có bao nhiêu cuốn sách hay bài viết vu khống, bôi nhọ, nhưng hình ảnh một lãnh tụ kiệt xuất nhất của Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 20 là Tổng Thống Diệm vẫn luôn là ánh sao chói chang trong lòng người hậu thế và trong lịch sử. Dĩ nhiên Tổng Thống Diệm đâu phải là một ông thánh, để không có những lỗi lầm đáng tiếc, nhưng ông chưa bao giờ có những hành động làm dân tộc ông hổ thẹn. Trái lại, Tổng Thống Diệm đã để lại trong lòng thế hệ sau tấm gương bất khuất của một sĩ phu : Uy Vũ Bất Năng Khuất. Dân tộc Việt Nam luôn ngẫng cao đầu hãnh diện có một vị lãnh đạo không bao giờ chịu cúi đầu khuất phục trước ngoại bang, dù đó là người Pháp, người Tàu hay người Mỹ. Chúng ta và các thế hệ Việt Nam sau nên ghi khắc trong tim niềm kiêu hãnh này : Trong sử sách Đông, Tây và của cả Cộng Sản, chưa từng có sử gia nào dám gọi Tổng Thống Ngô Đình Diệm là bù nhìn của Pháp hay Mỹ. Sĩ khí của một nhà nho dân tộc trong con người ông trước những cơn phong ba bão tố như là một cây thông vươn cao ngạo nghễ. Thông chỉ có thể bị trốc gốc, chứ không thể bị bẽ gãy. Tổng Thống Diệm tin tưởng Thiên Mệnh đã chọn ông, đã trao cho ông trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia. Người muốn thiết lập một chính thể và một chính quyền theo mô thức Vương Đạo mà người đã được thấm nhuần trong kinh sử Nho giáo từ thời niên thiếu. Chỉ tiếc rằng người là một nhà nho cô đơn ở giữa một thời thế nhiễu nhương, cả bạn lẫn thù đều kính sợ nhưng căm ghét ông, vì họ không thể so sánh được với ông. Một nhà biên khảo Hoa Kỳ đã kính trọng gọi Tổng Thống Diệm là The Last Confucian : Kẻ Sĩ Cuối Cùng trong thời đại của chúng ta. Để trả lời những người đã viết sách, viết báo bôi nhọ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hãy cứ nhìn hàng đoàn người Việt về nước mỗi năm vào dịp 1.11, đã đến hai nấm mộ nhỏ khiêm tốn, một tấm bia mang cái tên Huynh, tức Tổng Thống Diệm, và Đệ, tức ông Ngô Đình Nhu, lũ lượt vào lễ bái khói hương, trước những cặp mắt khó chịu và sự bất lực của chính quyền Cộng Sản ở Hốc Môn. Đó là câu trả lời rõ ràng nhất, rằng sự thật đã đứng về phía nào. Hàng năm, ở hải ngoại, vào ngày 2.11, nhiều đoàn thể bao gồm mọi thành phần, khuynh hướng chính trị hay tôn giáo, vẫn đều đặn trang trọng tổ chức những buổi lễ Chiêu Hồn và Truy Điệu Tổng Thống Diệm, để tri ân những gì người đã tận tụy hiến dâng cho đất nước và dân tộc của người. Thời gian đã trả xong mối thù cho Tổng Thống Diệm, một mối hận không phải được vun tưới bằng bạo lực hay bằng máu, mà chỉ đơn thuần được bón bằng sự thật. Sự thật cao hơn tất cả mọi sự hận thù. Giờ đây, chắc Ngài, Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà từ lâu trên Cõi Vĩnh Cửu luôn thanh thản nhìn xuống trần gian với tấm lòng bao dung thường hằng, đã tha thứ cho hết thảy con người cùng góp tay đưa đến cái chết của Ngài, hay bôi nhọ Ngài, vì họ không biết việc họ làm. Chỉ xin Ngài hiển hiện ban cho người Việt Nam một phép mầu nhiệm, bởi Ngài vẫn chưa hoàn thành công việc mà Ngài tâm nguyện lúc còn sống. Là xin hãy đem ánh sáng, bình an, công bằng, tự do và no ấm đến cho 84 triệu người đồng bào đau khổ của Ngài vẫn còn oằn oại trong địa ngục Cộng Sản. Phạm Phong Dinh 02.11.2006