Ký ức sâu đậm nhất còn lại sau rất nhiều năm là hình ảnh con bé áo nỉ đỏ chạy ào tới, ôm choàng sau lưng một người đàn ông mặc quốc phục, reo mừng( trước bao nhiêu đôi mắt ngạc nhiên của nhiều người lớn chung quanh): Ba về, Ba về … để rồi bàng hoàng khi không đánh hơi được cái mùi quen thuộc. Con bé sững sờ buông tay ra, ngỡ ngàng kinh ngạc òa lên khóc khi người đàn ông quay lại hoàn toàn xa lạ: TỔNG THỐNG.
Tổng Thống đặt tay lên đầu con bé, nhẹ nhàng lay lay cái đuôi tóc bím ngắn ngủn:
– Răng mà khóc rứa hè, Ba con mô rồi?
Ba, cũng mặc quốc phục, khăn đóng, áo dài đen, quần trắng bước tới, ôm con bé vào lòng:
– Con nói đi, con kính chào Tổng Thống.
và chỉ lên tấm hình treo trên tường trong phòng khánh tiết… Người đàn ông trong hình hiền lành nhìn con bé, con bé nhìn dòng chữ trên tường bập bẹ đánh vần: NGÔ TỔNG THỐNG MUÔN NĂM … Lúc ấy con bé vừa 3 tuổi.
1.
Quận Lệ Trung thời ấy lớn rộng và vô cùng hoang vắng… Người Thượng đông hơn người Kinh… Ba là quận trưởng, nắm toàn quyền SINH mà không hề SÁT. Con bé nhớ những gùi sim được mang đến tận nhà, những nhánh Phong Lan đẫm sương rừng còn trên thân gỗ đặt trong sân quận mà chẳng biết ai cho. Con bé nhớ những dấu chân cọp đêm đêm về ngang để bầy berger run rẩy khóc trong chuồng, con bé nhớ tiếng vượn hú thê thiết những trưa rừng trở gió …
Nhưng trên cả nỗi nhớ, trên cả nỗi sợ, trên cả niềm vui, trên cả nỗi buồn là những lần con bé theo ba đi vào các buôn làng… Con bé ngồi giữa các chú lính Thượng đen nhẽm và khen khét mùi rừng, mùi nắng… trên xe Jeep hoặc xe Dodge… cũng có khi trên bành voi hay trên lưng ngựa( Con bé tha thiết nhớ Y Kraap, người cận vệ tín cẩn của Ba, người đã nắm tay Ba trong phút giây sinh ly tử biệt đã thét lên tiếng rừng và vuốt mắt cho Ba… Y Kraap đã lựa từng hạt trứng kiến non mượt, trắng tinh cho con bé ăn, Y Kraap cho con bé ngồi lên cổ đi lòng vòng trong sân quận khi con bé nổi cơn khóc nhè không ai dỗ được… Một con bé nhỏ xíu, luôn mặt một bộ áo liền quần bằng nỉ đỏ, một chú lính Thượng đen nhẻm, cao nhòng, đóng khố, miệng ngậm một ống vố bằng đồng mà không dám đốt lửa vì sợ con bé nghỉ chơi … Y Kraap đã thay Ba, chỉ lên trời dặn dò các chú Đại Diện Xã cứ thấy trăng tròn là phải về Quận họp …)
Y Kraap dễ thương mà cũng là một hung thần để con bé chẳng có bạn bè nào ngoài con chó Chichi.
Trong các buổi lễ hội mừng cơm mới, cầu an hay cầu mưa, con bé được bôi máu trâu đầy mặt, con bé được đeo trên cổ , trên tay, dưới chân những vòng đồng, vòng bạc và cả những chuỗi cườm ngũ sắc lẫn những nanh heo rừng và vuốt cọp để cầu phúc… có phải vì vậy mà suốt đời con bé cứ tự hào mình được sự chở che của các thần linh.
Con bé sợ hãi co rúm cả người trong tiếng chiêng cồng huyên náo … nhưng đôi mắt trấn an của ba lẫn Y Kraap làm con bé yên tâm… và thật sự, những tiếng trống âm u hoang dã của đại ngàn đã ám ảnh suốt đời con bé… Những chuyến đi như vậy làm Mẹ xót xa đau, nhưng công việc của Ba là thế… thu-phục-nhân-tâm… Ba luôn đem con bé theo để chứng tỏ một điều Ba đến với họ bằng chân tình bè bạn… Ba diễn thuyết rất hay bằng tiếng Jarai, tiếng Bahnar, tiếng Rhade… Các già làng yêu quý Ba, đồng ý cho vẽ lên những dãy nhà dài những lá cờ vàng ba sọc đỏ… biểu tượng của ba giòng sông Hồng Hà, Hương Giang, Cửu Long cùng chung một mẹ… biểu tượng của ba miền Nam, Trung, Bắc…
Lá cờ của vinh quang và nước mắt!
(Lớn hơn một chút, con bé mới biết rõ thêm về chuyện đó. Ba đã thành công khi thuyết phục rất nhiều buôn làng dời về khu trù mật)
Con bé từng được lên chiếc xe hoa diễn hành ngày lễ Hai Bà Trưng, đứng giữa Ba và Bác Phó Beo đi vòng quanh thị xã, qua rạp ciné Diệp Kính, qua trường Minh Đức, qua biệt thự Mây Ngàn trước khi đến Tỉnh đường đón hai cô Trưng Trắc và Trưng Nhị.
2.
Trước khi về Việt Nam chấp chính, Tổng Thống đã sống trong nhà bác Phủ ở Paris vì những mối thâm tình từ những ngày còn ở Huế. Tổng Thống hỏi Bác Phủ :
– Anh có muốn về với tui không ?
Bác Phủ lắc đầu, Bác từ Việt Nam lưu vong qua Pháp khi đã chán chê thời cuộc và nghĩ rằng mình sức cùng lực kiệt không còn giúp được gì cho đất nước. Bác mở một tiệm ăn nổi tiếng ở Paris… nhưng vẫn không tránh được những nghiệt ngã đời thường… Tuy Bác từ chối tham dự chính trường nhưng dòng máu ngoại giao của giòng họ vẫn di truyền mạnh mẽ trong huyết quản để như một bản sao tội nghiệp, vài chục năm sau một nhà ngoại giao lại xuất hiện đình đám trên chính trường dù trong gia đình không ai mong muốn: Chị N.
Con bé không hề muốn nhắc và cũng không biết nhiều lắm ngoài những ký ức tuổi thơ về những thâm cung bí sử của gia đình… nhưng giòng họ này có khác gì với những giòng họ của trăm năm cô đơn? Khi chị N. bước vào lịch sử (dù chính sử hay tà sử ) thì Ba, các Bác, các Chú, anh P. ngậm đắng nuốt cay bước chân vào các trại tù hay lạc lõng lưu vong như một lời nguyền đã tạc!
Những tài hoa bạc mệnh…
Những nỗi buồn chiến tranh…
Những tương tàn lịch sử…
Con bé lớn lên cùng những ám ảnh buồn đau (Như lời Mẹ thảng thốt với Ba – khi trong những cơn mơ hàng đêm con bé cứ co rúm người lại hét thất thanh: Con sợ , con sợ… – Sự nghiệp của anh đã giết chết con bé mất rồi!)
Và rất nhiều năm sau, trong những lần thất bại, trong những nỗi buồn phiền, trong những niềm tuyệt vong… Con bé lại úp mặt vào hai tay, nghe âm u tiếng trống dồn dập từ đại ngàn sâu thẳm để thấy mình bơ vơ vô cùng tận…
Như hôm nay
Ngày 2/11.
Ngày Tổng Thống vị quốc vong thân bởi những tên đồ tể .
“ Chúng tôi không thể để ông Diệm sống vì ông được người dân cả nước quý mến…”( Dương Văn Minh. Theo M. Higginns : Our Vietnam Nightmare)
Con bé ( nay đã là người lớn ) hỏi thầm trong hồn: Để lên đỉnh Golgotha cần phải tốn bao nhiêu máu và nước mắt?
TÔN NỮ THU DUNG
https://phailentieng.blogspot.com/2022/10/trong-mit-mu-ky-uc.html?fbclid=IwAR2aAQBYItJon_nvJvUj8DoIibVgdzC-ztRDcvWMxIYzn25fRYvjhcxHwUA