TRỐN TRẠI (Dương Viết Điền)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trích từ Hồi ký Trại Ái Tử và Bình Điền, xuất bản năm 1993, tái bản năm 2003

Tại trại I Bình Điền có rất nhiều vụ trốn trại, nhưng vụ trốn trại vô tiền khoáng hậu nhất là vụ trốn trại của các chiến sĩ cảnh sát Quốc gia. Các chiến sĩ  cảnh sát đó là  anh May, anh Minh Đức, anh Tuế, anh Lược và anh Minh. Theo lời kể của Trung uý chiến sĩ Cảnh sát Quốc gia Hồ minh Lữ thì sự việc xảy ra như sau:

“Trại tập trung cải tạo Bình Điền 1 có đội 6 và tổ vệ sinh được sắp xếp lao động hàng ngày bên ngoài trại. Công việc của đội 6 là vào rừng đốn cây, xẻ gỗ. Đôi khi cần thiết thì chặt tre, bứt mây, sáng đi chiều về. Đầu đội trời, chân đạp đất, mỗi ngày di chuyển một quãng đường dài khoảng chừng 15 cây số, lúc leo dốc, lúc xuống vực, đi quanh co theo những con đường mòn, hai bên cây cối chằng chịt. Lại có khi phải thẩy gỗ xuống suối, người bơi theo đẩy, người trên bờ cột dây kéo! Dù đi theo kiểu nào, lộ trình cũng có những đoạn ngang qua vùng Kinh tế mới, nơi có những người dân bị Việt Cộng cưỡng bách đuổi ra khỏi thành phố Huế, o ép lên đây khai hoang lập ấp. Niềm an ủi của đội 6 là ở chỗ này. Tuy cực khổ thân xác, anh em còn có dịp tiếp xúc với đám dân này, nhìn thấy họ, hỏi thăm họ về tình hình cuộc sống xã hội bên ngoài

 Về tổ vệ sinh do anh Nguyễn May làm tổ trưởng, cứ mỗi buổi sáng sau khi tù nhân ra ngoài lao động, tổ này vào trại quét dọn nhà vệ sinh và gánh phân đổ vào các hố để ủ làm phân bón cho các loại hoa màu. Xong xuôi, các tổ viên đi vào rừng chặt lá chuối rừng đem về lót rổ. Ngày tháng trôi qua, những công việc ấy cứ lập đi lập lại. Lợi dụng lúc vào rừng, khỏi tầm mắt của bọn công an, anh May thường hay lẻn vào nhà dân, giống như đội 6, để thăm dò tình hình.

 Vào năm 1978, phối hợp nguồn tin nhận được từ 2 vùng Kinh tế mới tuy nằm cách xa nhau, một bên do anh May, một bên của đội 6, lại có sự trùng hợp: dưới thành phố Huế đã thành hình một tổ chức nhằm lật đổ chế độ Cộng sản. Nghe được tin này, những anh em bạn bè tâm đắc lên tinh thần tột đỉnh, mọi nhọc nhằn trong lao động hình như quên hẳn. Ai cũng nôn nóng và đặt vấn đề, trong trại giam, cần phải có ngay một tổ chức để sẵn sàng hành động khi tình thế cần đến. Kẹt một cái, tinh thần cộng tác của anh em không đồng đều, sự theo dõi, dòm ngó của bọn “ăng-ten” cũng là một yếu tố, thật khó khăn vô cùng.

 Anh Nguyễn May và anh Hồ Minh Lữ cùng nhau bàn thảo và thành lập một nhóm, chủ trương vượt ngục để phối hợp với bên ngoài chiến đấu chống Cộng sản. Anh Lữ đề nghị anh May nên xác nhận về thực lực của nhóm bên ngoài trại cho thật tường tận, rõ ràng. Cần biết cụ thể các cơ sở nuôi dưỡng, che dấu lực lượng, tình trạng nhân số tham gia, số lượng vũ khí… Chuyện này đâu có dễ. Sau nhiều lần dò hỏi vẫn không có nguồn tin nào xác thực, đáng tin cậy. Trong khi đó, nội bộ đã có sự lủng củng bất đồng. Theo anh May, cần phải vượt thoát sớm. Anh tin là, sau khi thoát được vào rừng, sẽ có người giúp đỡ, bằng không lúc đầu anh em cũng có thể tự túc vừa canh tác, trồng trọt sống qua ngày để tồn tại và chiến đấu sau này. Về vấn đề vũ khí, anh May cho biết đã tình cờ khám phá được và đã cất dấu kỹ tại một địa điểm bí mật trong rừng độ 10 khấu M.16 với một số đạn dược còn nguyên trong thùng, một ít lựu đạn, 2 khẩu M72. Chuyện vũ khí thì anh Lữ không nghi ngờ, còn chuyện trốn vào rừng sâu và tự tổ chức canh tác để chiến đấu, anh Lữ cho là khó có thể thực hiện đơn độc mà không có lực lượng bên ngoài yểm trợ giúp đỡ.

 Chính vì vậy, anh May không thuyết phục được anh Lữ theo vượt ngục. Sau nhiều lần thôi thúc, anh Lữ chỉ trả lời “Dục tốc bất đạt”. Ý anh muốn anh May phải tính toán cẩn thận để khỏi dấn thân vào nguy hiểm. Câu nói không mảy may có tác dụng với anh May. Anh thẳng thắn cho anh Lữ hay, anh dấn thân làm là chấp nhận nguy hiểm, không hề sợ hãi. Trong khi đó, ý anh Lữ chỉ muốn nhắn nhủ là nếu nôn nóng thì công việc chưa tới đâu đã thất bại, uổng phí tâm huyết mà thôi. Tuy không có cách nào khuyên nhủ cũng như không tham gia cuộc vượt ngục nhưng anh Lữ cảm thấy có trách nhiệm yểm trợ anh May bằng cách viết một bản tố cáo chế độ Cộng sản giam cầm, hành hạ và trả thù những cựu quân, cán, chính từng phục vụ cho chính quyền miền Nam để trong và ngoài nước thấy rõ đồng thời có hành động can thiệp, nhằm hỗ trợ tinh thần để anh May không cảm thấy lẻ loi.

Giờ giấc được chọn là 1 giờ khuya ngày chủ nhật, nghĩa là còn 3 buổi tối nữa. Địa điểm tập trung ngay cạnh hàng rào nằm cuối trại giam. Tốp người vượt ngục gồm có các anh: May, Minh Đức, Tuế, Lược và Minh (đội 6 có 2 người). Về bản tố cáo, anh Lữ định sẽ giao vào 8 giờ tối chủ nhật đó.

Buổi tối chủ nhật, tình hình đội 6 có sự thay đổi đột ngột. Toàn đội được lệnh ngồi sinh hoạt kiểm điểm công tác lao động trong tuần, phê bình, đấu tranh để giúp nhau tiến bộ trong tư tưởng, suy nghĩ và thái độ cải tạo… Vì buổi sinh hoạt kéo dài ngoài dự định, anh Lữ không thể trao đến tận tay anh May dù đã viết xong vào giờ phút chót.

 Đúng giờ khởi sự vượt trại, chỉ có vài tiếng động nho nhỏ do việc phá rào rồi sau đó lại yên tĩnh trở lại. Toàn trại đắm chìm trong giấc ngủ. Một tiếng đồng hồ trôi qua, không có hiện tượng gì chứng tỏ toán đào thoát gặp trở ngại. Chính khi đó, trong gian lán đội 6 lại có chuyện xảy ra. Cái tên nằm sát cạnh chỗ anh Lược, rón rén bước xuống đất, khom lưng đi nhè nhẹ lại chỗ tên Lại Văn Đô, đội trưởng đội, một tên nổi tiếng “ăng-ten” vì đã nhiều lần báo cáo hãm hại anh em. Hai tên to nhỏ thì thầm trao đổi gì đó một lúc rồi tên Đô đứng dậy, thắp một ngọn đèn bão cầm theo đi ra phía vọng gác trước cổng trại.

 Khi nó vừa trở về chỗ nằm thì từ hướng ban chỉ huy trại phát lên 3 tiếng súng nổ. Tiếp theo đó ít phút, tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng súng đạn khua lách cách, ánh đèn pin lóe sáng khắp nơi, bọn công an bắt đầu túa vào trại. Tất cả tù nhân trong trại bị dựng dậy làm thủ tục điểm danh. Đặc biệt đội 6 được chiếu cố kỹ càng nhất. Bọn công an lục lọi mọi ngóc ngách trong chỗ nằm của từng người, moi hết vật dụng trong tư trang cá nhân, nắn xét vất bừa bãi ra giường, xuống sàn nhà.

 Ngay từ khi tên Đô ra khỏi lán, anh Lữ đã linh cảm thấy không ổn nên vội vã nhét mấy trang giấy của bản tố cáo vào miệng nhai ngồm ngoàm và nuốt vào bụng. Khi bọn công an vào tới nơi thì bản tố cáo đã được phi tang gọn ghẽ. Chỉ có điều, vì vội vã quá nên khi nhồi mấy tờ giấy vào miệng và nhai trệu trạo chưa kịp nát đã nuốt, cuống họng anh Lữ đã bị trầy trụa đến nỗi máu trong cuống họng anh chảy trào ra ngoài lẫn theo nước miếng.

 Về sau tên Đô thuật lại rằng tối hốm đó, khi lấy tư trang đem theo, anh Lược lại cầm nhầm cái poncho của tên nằm bên cạnh. Đến khi lấy tấm poncho để đắp, nó ngửi thấy cái mùi khác lạ, nghĩ là minh lấy lộn tấm đắp của người khác nên vất sang một bên và mò tay tìm cái của mình. Mò sang chỗ anh Lược nằm, tên này phát giác chỗ nằm trống không. Tức tốc, nó nhổm dậy lẻn lại chỗ tên đội trưởng Đô báo cáo sự tình.

 Bản nội quy trại sau vụ trốn tại tập thể này vốn đã khắt khe nay càng siết chặt hơn. Trại viên không được phép nhận các món ăn khô như các loại bánh, bột, đường. Thức ăn sau khi nhận, tất cả phải tập trung bỏ vào một gian nhà riêng biệt, không được ăn hàng ngày. Một tuần chỉ được phép mở cửa một lần để các trại viên vào nhận thức ăn của mình ra ăn. Cấm mọi việc đi lại từ lán này sang lán khác. Cấm tiếp xúc giữa hai người với nhau. Cấm nói chuyện riêng tư.

 Lúc này bắt đầu xuất hiện thêm những tên hèn nhát, tự nguyện làm “ăng-ten” cho bọn công an, sẵn sàng bán rẻ danh dự, nhân cách bằng một củ sắn để hại anh em.

Một tháng trôi qua, hung tin đưa đến. Tên công an quản giáo Lê Văn Năm cho biết, toán vượt trại đã bị bắt lại. Cái tin làm cả trại bàng hoàng. Tiếc cho họ đã mất đi cơ hội ngàn vàng để có lại tự do, ngoài vòng cương tỏa, xót xa cho số phận của họ trong những ngày đen tối sắp tới. Sự trừng phạt, những đòn thù rồi đây sẽ giáng xuống thân thể, họ sẽ bị hành hạ như những con vật.

 Phần toán vượt trại, về sau có người trong cuộc kể lại như thế này: Khi anh May dẫn cả toán ra khỏi trại giam rồi, vì không liên lạc được cơ sở từng hứa hẹn trước, anh chia toán ra hai tiểu tổ, ẩn núp dưới hai ống cống thoát nước giữa phi đạo dã chiến của căn cứ Birmingham (Bình Điền). Trú ở đây chưa được bao lâu lương thực mang theo đã hết. Không ai tiếp tế, anh em chia nhau đi mua thực phẩm đồng thời tìm cách bắt liên lạc thân nhân nhờ giúp đỡ. Nếu suy nghĩ kỹ, họ phải hiểu được, sau khi họ trốn trại, để truy lùng dấu vết, việc đầu tiên bọn công an làm là bám sát thân nhân gia đình họ. Tìm cách bắt liên lạc gia đình không khác lạy ông tôi ở bụi này. Quả nhiên, chỉ ít ngày theo dõi, một lực lượng công an vũ trang đã kéo đến tận nơi họ đang trốn tránh, bao vây. Thoạt đầu, chúng phát loa kêu gọi đầu hàng. Toán vượt ngục có vũ khí nên khai hỏa chiến đấu. Sau gần một giờ cầm cự, hai tên công an bị trọng thương, chúng tức giận dồn hết hỏa lực vào miệng cống chỗ anh May ẩn núp. Anh May ra lệnh cho các anh khác rút sang đầu miệng cống bên kia, tìm cách thoát đi để mình anh chịu lại, cầm chân bọn công an. Cuối cùng một trái B40 thụt lọt vào miệng cống, anh May tử thương tại trận. Anh đã chấp nhận hy sinh để đồng đội rút đi an toàn”.

 Anh Nguyễn May, quê làng Đồng Di, xã Phú Hồ, quận Phú Thứ (nay là Phú Vang), tỉnh Thừa Thiên, là chiến sĩ Cảnh sát Quốc gia, tổ trưởng đặc nhiệm xã Phú Hồ. Anh có người anh ruột tên Nguyễn Gặp, nhiều nhiệm kỳ làm xã trưởng xã Phú Hồ. Cả hai anh em đồng tâm hiệp lực quyết tâm bảo vệ quê hương, nhiều lần vào sanh ra tử trong đường tơ kẽ tóc vì đụng độ Việt Cộng để giữ vững an ninh cho xã nhà, cho đồng bào an cư lạc nghiệp. Họ cũng là người có công phát hiện mồ chôn tập thể hàng trăm tử thi bị Cộng sản sát hại vào năm 1968 tại làng Đồng Di.

Năm 1975, sau khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, cả hai anh em đều có tên trong danh sách tội ác “Mỹ-Ngụy” và bị đưa ra xét xử trước tòa án nhân dân rồi đày đi tập trung cải tạo. Ông Nguyễn Gặp bị biệt giam tại nhà lao Thừa Phủ, mỗi lần bị gọi lên lấy cung, ông chỉ vỏn vẹn viết có một câu: “Tôi là Nguyễn Gặp” và cương quyết không nói một câu nào. Ông đã tuyệt thực và tuyệt ẩm rồi sau đó chết tại nhà lao Thừa Phủ.

Hai anh em ông xứng đáng được ghi danh vào trang sử của những người Quốc Gia sống cho lý tưởng, chính nghĩa, có chết cũng vì bảo vệ lý tưởng đó. Họ xứng đáng là biểu tượng cho các tầng lớp Quân, Cán, Chính miền Nam, thề quyết không đội trời chung với Cộng sản. Họ thà “chết đứng hơn sống quỳ”, tìm cách tự kết liễu cuộc đời chứ không khuất phục trước kẻ thù bạo tàn Cộng sản.

Dương viết Điền