TRỐN QUÂN DỊCH (Peter Chánh Trần)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tui có thằng bạn thân, rất thân, nó kể chuyện trước 75: vì muốn trốn quân dịch nên nó vô chùa giả làm sư. Trong chùa, thằng “sư giả” này vì sợ ngài trụ trì, nên phải ăn lạt như mọi người, nhưng về nhà là “sư giả” quất bánh mì thịt, lấy năng lượng để đi… cua gái! Nó tu giả, chớ có tu thiệt đâu mà hỏng ăn mặn, hỏng mê gái! Tui nghĩ trong bụng: “Mày mà vô tu chỗ của tao tu, bên đạo Công Giáo (CG), mày sẽ bị đá đít ra khỏi nhà tu trong nửa nốt nhạc!”
Đây không phải là lần đầu tui nghe kể chuyện trốn quân dịch bằng cách này. Khoảng năm 1971, lớp tui có tổ chức du ngoạn, đi Bến Tre, thăm ông Đạo Dừa, ở Cồn Phụng. Ông Nguyễn Thành Nam, là giáo chủ của một tôn giáo mới, do ông thành lập. Tên chính thức của tôn giáo này khá dài, tui quên rồi. Người ta thường gọi là Đạo Dừa. Bỏ hết râu ria của chuyến đi đó. Tui chỉ viết gọn câu chuyện trong vài hàng.
Có một anh “sư giả”, trẻ tuổi, làm hướng dẫn viên cho khách thập phương, giải thích đủ thứ chuyện về Đạo Dừa, về tiểu sử của giáo chủ, về chiếc phi thuyền do ông sáng chế. Đêm đêm ông “ngự” trên đó, bấm nút điện đưa ông lên cao khỏi mặt đất chừng vài chục trượng, để thiền hay cầu nguyện chi đó. Ông là dân trí thức, kỹ sư điện, tốt nghiệp từ Pháp.
Có hai chuyện “ấn tượng” nhất, tui nhớ hoài. Thứ nhất, là cái bàn Hội Nghị Hoà Đàm Bốn Bên. Bàn dài, có phủ khăn, ghế xếp thẳng thóp, được giải thích rằng: Cậu Hai, tức ông giáo chủ, sẽ ngồi ở cái ghế đầu bàn, làm chủ toạ cuộc hoà đàm bốn bên: Mỹ, VNCH, MTGPMN, CSBV(!) Ai cũng biết, điều đó đã không ứng nghiệm. Sau 75, giáo chủ Nguyễn Thành Nam được đảng và nhà nước ta ưu ái đãi ngộ cho ông một phòng VIP ở “Cantho Hilton”! Ai từng “nghỉ mát” ở khám lớn Cần Thơ, những năm 79, 80, chắc chắn đã từng nhìn thấy một cụ già nhỏ xíu con, lưng còng, ốm yếu, lụ khụ, lâu lâu cũng được mở cửa cho ra tắm rửa kì hòm, như mọi tù nhân khác. Thứ hai, là chuyện trốn quân dịch. Họ không cần giấu giếm, nói rõ là đạo của ông phản chiến. Phản chiến hơn cả cái thằng cha Thượng Nghị Sĩ John Kerry hay con nhỏ đào hát Jane Fonda của Mỹ. Chú hướng dẫn viên thẳng thắn nói rằng: Tụi tui ghét chiến tranh. Tụi tui dzô đây là để trốn quân dịch! Tui gọi anh ta là “sư giả” không oan tí nào.
Tui định để khi nào về VN, gặp lại thằng bạn thân “giả sư”, sẽ thức suốt đêm nói chuyện tào lao với nó, trong đó thế nào tui cũng kể cho nó nghe chuyện tu hành trong các nhà tu bên CG, coi nó có dám chui vô đó để trốn quân dịch hay không cho biết .
Mà chắc ngày dìa còn xa, vì tui vẫn còn sợ VC dữ lắm! Mà cũng hỏng biết có còn sống để chờ không. Ờ! Mà cũng chưa chắc! Gần đây, thấy lão quái Kim Mao Sư Vương Tạ Trum đang ra chiêu “Sư Tử Hống” liên tu bất tận, khiến tay Tập Bất Quần thất điên bát đão, sắp tẩu hoả nhập ma, làm tôi loé lên chút hy vọng! Quần mà bị què, hay xụm bà chè trận này, thì cái đám đệ tử cắc ké sẽ bị lạc đạn, chết không kịp ngáp cho mà coi! Bất chiến tự nhiên thành! Ha! Ha! Ngày về biết đâu chừng cũng gần rồi!
Trong khi chờ đợi ngày về, và sẳn dịp đã viết một bài tào lao về chuyện đạo hôm trước, nay tui viết tiếp một bài nữa cũng về chuyện đạo. Lần nầy tui viết về việc tu hành của mấy ông tu sĩ bên CG trước 75 cho bạn tui và mọi người đọc, và dong vài chơi về cơ cấu tổ chức của đạo luôn.
Những người tín hữu chưa từng tu qua, tui dám cá, cũng không biết đời tu nó ra làm sao, huống hồ là thằng bạn thân “sư giả”, hay người ngoài đạo. Tổ chức, cơ cấu điều hành đạo, tín hữu cũng chưa chắc rõ, huống hồ người ngoài. Vậy, để tui tàng tàng viết chơi, ai tò mò muốn biết thì cũng đọc chơi.
Cũng là chuyện tào lao, viết ba xí ba tú, chẳng có chuyện gì là cao siêu đâu. Ai thích chuyện tào lao của tui thì chuẩn bị ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”, vừa nhâm nhi vừa đọc. Mệt cứ nghỉ. Tui viết mệt cũng nghỉ ngang xương, không sợ bị ai la rầy.
CHUYỆN TU HÀNH CỦA CÁC GIÁO SĨ CÔNG GIÁO.
Muốn trở thành một Linh Mục, vô cùng gian nan! Học thành một Bác sĩ có lẽ còn dễ hơn nhiều so với việc tu làm một Linh Mục. Tôi mào đầu như vậy, không phải là cường điệu đâu. Để tui từ từ kể cho nghe.
Trường đào tạo Linh Mục gọi là Chủng Viện (nhà ương trồng). Học trò của Chủng Viện gọi là Chủng Sinh. Chủng Viện gồm có hai cấp: Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện.
TIỂU CHỦNG VIỆN
Tiểu Chủng Viện trước 1975 có qui chế giáo dục y như một trường Trung Học tư thục, nhưng chỉ nhận và đào tạo các Chủng Sinh để trở thành Linh Mục, chớ không nhận học sinh bên ngoài. Chủng Viện dành cho các Chủng Sinh từ lớp Đệ Thất đến hết Tú Tài Đôi (lớp 6 đến 12). Nhập tu từ Đệ Thất, cho nên cái khái niệm về “trốn quân dịch” hoàn toàn không hiện hữu.
Việc chiêu sinh rất nhiêu khê. Thường thì con nít biết gì chuyện tu hành. Chúng được cha mẹ, bà phước, hay cha sở “dụ dỗ”! Bà Phước coi giò coi cẳng, đại khái là thấy tướng tá đứa học trò nào của mình “sáng sủa”, học giỏi, thì bà gợi ý với cha mẹ, và sau đó xin cha sở giới thiệu cho đi thi vô Chủng Viện để “làm cha”. Thường thì cha mẹ, nhứt là người Bắc, rất quí trọng các Linh Mục, nên rất ao ước cho con mình đi tu để trở thành Linh Mục. Niềm ao ước đó còn mãnh liệt hơn ao ước cho con thành Bác sĩ. Do đó, cha mẹ thường là người chủ động xin cha sở cho con đi tu, và cũng là những người gây áp lực nhiều nhứt trên con cái.
Cha sở sẽ viết một thư giới thiệu đến Chủng Viện để cho thằng bé được dự thi. Không có thơ của cha sở thì không nên cơm cháo gì đâu! Không phải chỉ thi học lực, mà còn thi cả giáo lý. Thí sinh còn phải ở lại trong Chủng Viện đúng một tuần, để Chủng Viện còn chấm điểm hạnh kiểm. Thi đậu hạng cao mà hạnh kiểm không tốt, thì vẫn ra rìa. Hằng trăm họ đạo ở khắp nơi gởi vài trăm thí sinh dự thi, nhưng chỉ nhận 60 đứa. Nhiêu khê lắm chớ không phải dễ nuốt đâu.
Cái ải tuyển sinh đã khó nuốt, đậu rồi, nhập học, sống trong Chủng Viện, càng khó nuốt hơn vạn lần!
Những thằng lục lăng 12, 13, đang tuổi phá làng phá xóm, tự nhiên bị quăng vô Chủng Viện, xa cha mẹ, xa bạn bè, sống cô lập trong bốn bức tường nhà tu, nội bất xuất ngoại bất nhập, kỷ luật sắt, thì không rầu thúi ruột cũng… thúi gan! Lớp tui có một thằng chỉ nhập học vài tháng, giữa trưa, giờ mọi người đang ngủ, nó lén ôm gói trốn khỏi Chủng Viện về nhà với má nó!
Thời khóa biểu dày đặc từ 5 giờ sáng đến tận 9 giờ đêm. Mới 5 giờ sáng, xe lửa chưa chạy, gà chưa gáy, đang ngủ ngon như chết, bất ngờ tiếng chuông điện reo vang đinh tai nhức óc và đèn điện bật lên sáng trưng! Thằng nào cũng phải ngồi bật dậy như cái lò xo. Một đứa lớp lớn rộng họng nhất, đọc thật to một câu tiếng La-tinh lạ hoắc, nghe như một câu thần chú: Benedicamus Domino! (Bê nê đi ca mút Đô mi nô = Chúng ta hãy chúc tụng Chúa). Tất cả nhà ngủ, ba bốn lớp, gần 200 thằng nhóc, mắt nhắm mắt mở, miệng còn đầy ke, đồng loạt thưa, cũng thật to: Deo gratias! (Tạ ơn Chúa).
Chuông reo, đèn sáng trưng, cũmg là lúc cha Giám Thị hay Thày Giám Thị đã lù lù xuất hiện giữa nhà ngủ rồi. Đứa nào không bật dậy, không thưa “Deo gratias”, không nhảy khỏi giường, vắt mùng, xếp mền gối cho gọn, để ba chân bốn cẳng chạy xuống lầu tập thể dục chung, thì coi chừng tên mình sẽ được ghi vào sổ bìa đen đang cầm trên tay Giám Thị, và bị trừ điểm hạnh kiểm là chuyện chắc ăn như bắp! Con nít ham ngủ, mê ngủ, ngái ngủ, thích ngủ nướng, tội tình gì chớ? Hồi ở nhà, má tui kêu năm bảy lượt thức dậy đi lễ sớm ngày Chúa Nhật, tôi vẫn trở qua trở lại, nướng chưa chín là chưa thức. Ớ ờ! Ở Chủng Viện đó là tội không nhỏ! Để bị ghi sổ nhiều lần, bị trừ điểm hạnh kiểm hoài mà không tiến bộ, thì coi chừng bị đuổi về nhà chăn vịt cho má! Cái tội ngủ nướng không lớn! Không có tinh thần kỷ luật mới là lớn! Nướng hoài, tức là coi thường kỷ luật, là không có tinh thần kỷ luật!
Bọn nhóc chúng tôi bắt đầu một ngày mới như vậy đó!
Nhắc chuyện tập thể dục, tôi nhớ tới hình ảnh thằng Th. Nó là một trong những thằng lớn tuổi, to con, lực lưỡng, sung sức nhất lớp. Tuổi dậy thì mà. Sáng nào cũng vậy, giờ tập thể dục khó có thằng nào nhìn nó mà không cười thầm, khi nhìn cái “cẳng số ba” của nó vô cùng oai phong, giương cao như súng cao xạ chỉa lên trời! Nó ngóc lên, quẹp xuống, lắc lư theo mỗi nhịp nhảy! Nó chỉ mặc quần tà lỏn mỏng dính, không có quần lót như thời nay. Ngủ dậy có lẽ nó không chịu đi xả bình, cho nên thằng nhỏ trở nên rất “cứng đầu”, đâu có gì lạ! Năm này sang năm khác, mùa nóng cũng như mùa lạnh, thằng Th. vẫn vậy, vẫn “chào cờ” mỗi buổi sáng! Lạ cái là nó tự nhiên như người miền Tây, không hề biết mắc cỡ! Định viết “tự nhiên như người Hà Nội”, mà nhớ tới dân Hà Nội hung dữ quá, sợ bị đánh hội đồng, nên viết “như dân miền Tây” của tui cho chắc ăn! Ăn cháo trả tiền còn bị người bán chửi tơi bời hoa lá, huống hồ là khơi khơi chọc họ giận!
Thể dục 20 phút. Chuông lại reng. Tất cả chạy đi đánh răng rửa mặt, thay quần áo trong 10 phút. Chuông reng lúc 5:30 thì đi vào nhà nguyện để tham dự lễ sáng. Không phải lễ như nhà thờ bên ngoài, chúng tôi còn có giờ đọc kinh, “nguyện ngắm”, tập cho chúng tôi biết cách cầu nguyện. Quỳ chai đầu gối luôn! Lễ cả một tiếng đồng hồ.
Lễ xong, trực chỉ nhà cơm để ăn sáng. Mỗi bàn dài có hai mâm, mỗi mâm bốn đứa. Sáng nào cũng cơm trắng ăn với dưa mắm xào mỡ. Tui chưa bao giờ ăn dưa mắm xào mỡ ở nhà. Dưa mắm má tui chỉ trộn thêm tỏi, đường, chanh, ớt, ăn rất ngon. Mấy ngày đầu ăn dưa mắm xào mỡ “đồng trinh” không gia vị, ăn tanh tanh mùi cá, nuốt không trôi! Ăn riết quen, và sau nhiều năm, gần như ghiền cái món lạ đời chỉ có trong nhà tu này! Trong nhà ăn có cha giáo và thày Giám thị ngồi ăn trên mâm cao, vừa ăn sáng vừa “dòm chừng” các chú. Dĩ nhiên là phải cầu nguyện trước và sau khi ăn. Thường chừng 30 phút, cha giáo ấn chuông cái reng, thì mọi người mới được tan hàng. Gặp cha nào ăn nhanh, ổng ăn xong sớm, ổng sẽ ấn chuông sớm. Đứa nào ăn chậm, ăn chưa no, ráng chịu!
Ra khỏi nhà cơm là chia nhau làm vệ sinh. Đứa quét lớp, đứa quét hành lang, đứa rửa nhà vệ sinh, đứa lau chùi lavabo rửa mặt,… Từ 5 giờ sáng, đến ăn sáng xong, Chủng sinh mới được mở miệng nói chuyện. Thinh lặng hoàn toàn, không nói, không xù xì, không ra hiệu, không giỡn hớt,… Cứ y như người máy, âm thầm như đàn kiến, trật tự như người Mỹ xếp hàng chờ tới phiên mình trong mọi dịch vụ công cộng. Lỗi luật thinh lặng là trọng tội đó. Lỗi nhiều lần: Không có tinh thần kỷ luật, về nhà đuổi gà!
Từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, thời khoá biểu đặc sệt! Nếu viết hết chi tiết, chắc phải thành một quyển sách! Tôi chỉ viết sơ sơ thêm chút nữa thôi.
Tiếng chuông báo giờ, reng liên hồi suốt ngày. Lên lớp mỗi ngày năm sáu tiết như học sinh bên ngoài. Thày giáo là các cha, nghiêm nghị, khó dàn trời. Không phải chỉ dạy học, mà còn chú ý đến hạnh kiểm từng đứa học trò, y như Giám thị. Sau giờ lớp, tới cơm trưa. Ăn uống dĩ nhiên kham khổ: Cơm trắng cá linh kho, cá vồ kho, một tô canh dưa leo lỏng bỏng nước, một trái chuối xiêm tráng miệng, đại khái vậy. Tuổi đang lớn, ăn như hạm xì lút, cho nên đứa nào cũng chan thêm nước mắm mới lua hết cơm đầy bụng. Cha Giám Thị có lần “kê” tui: “Tôi ngồi trên nhìn xuống, chỉ thấy dĩa cơm cao như núi mà không thấy mặt chú!” Đúng bon! Cơm trắng đàng hoàng, chớ không có độn khoai hay bo bo đâu! Ở miền Nam, ăn như vậy là kham khổ lắm rồi! Đồ ăn tuy ít, nhưng chúng tôi được dạy dỗ yêu thương, bác ái, nên không có chuyện giành ăn.
Cơm trưa, đi bách bộ cho xuống cơm, ngủ trưa 45 phút, dậy học bài, ra sân chơi, vô lớp học bài nữa, ăn tối, đọc kinh tối, nghe huấn đức, đánh răng, đi ngủ lúc 9 giờ đêm.
Ngày nào cũng vậy. Chỉ có Chúa Nhật hay lễ lớn, thì mới được chơi nhiều hơn học. Được coi TV hay thỉnh thoảng coi chiếu phim cao bồi Mỹ. Đang coi Kim Cương khóc nức nở, tới hồi mùi mẫn, hay coi kịch Ngọc Đức tới lúc gay cấn nhất, cha Giám Thị tắt TV cái bụp: “Tới giờ các chú đi ngủ!” Tất cả ngoan ngoãn, không đứa nào tỏ ra tiếc nuối, bất bình, than phiền, hay xin xỏ chi cả. Tu mà! Phim chiếu tới chỗ vén quần lột áo, tức thì có miếng giấy carton che ống kín, vì sợ các chú coi mấy chỗ nhạy cảm mà “lòng động lòng lo”, tu sao nổi! Cũng phải thôi! Tu mà!
Kỷ luật chẳng qua để tôi luyện cho một LM tương lai thành một con người nề nếp, đầy ý chí, giàu nghị lực, biết kềm chế bản thân mình, nhất là khi sống trong môi trường được giáo dân tôn kính như vua một cõi.
Nói chung, các cha dạy học trò từng li từng tí: từ cách cầm muỗng nĩa, cách ngồi, cách đứng, cách ăn, cách nói. Học cả phép lịch sự, chào hỏi, viết thư,… Tôi bảo đảm không có ai thấy một Linh Mục giữa công chúng mà đứng chân cao chân thấp như con ngỗng đang ngủ, hay ngồi tréo ngoảy rung đùi rầm rầm! Trong nhà ngủ, mang dép không được kéo lê gây tiếng ồn, làm cho người khác không ngủ được….
Đang nô đùa giỡn hớt, chuông reng tới giờ vô nhà nguyện hay lên nhà ngủ chẳng hạn, thì dù đang nói dở dang nửa câu cũng phải ngậm miệng tức khắc. Ngay cầu thang lên nhà ngủ, cái câu “Lời nói là bạc, thinh lặng là vàng” viết to tổ chảng trên tường, đập vô mắt hằng ngày. “Giờ nào việc nấy. Việc nào chỗ nấy” cũng là một câu “khẩu quyết” phải thuộc nằm lòng. Giờ học không chơi. Giờ chơi không học. Giờ chơi phải ra sân, chơi hết mình, chơi lết bánh. Giờ học phải học hết sức. Học dở quá, bị đuổi đã đành, không chơi, thể lực không có, đau yếu như bún thiu, cũng bị đuổi! Nghiêm khắc như vậy, cho nên thi Tú Tài năm nào cũng đậu 100% là chuyện không có gì phải ngạc nhiên.
Những tội “tày trời”, bị đuổi tức khắc: Ngủ chung giường, ăn cắp, hút thuốc, đánh lộn, chửi tục….
Nhà tu CG đại kỵ chuyện ngủ chung giường. Hồi đó không ai giải thích, chỉ nghe Nội Quy nghiêm cấm, và nhìn thấy, hay nghe kể lại những “tấm gương” bị đuổi mà tuân hành. Sau này lớn lên mới biết: Ngủ chung là dấu hiệu của dạng 50-50, tức là nửa nam nửa nữ! Một Linh Mục mà ẻo lả, giọng nói nhão nhẹt, xí xa xí xọn trên toà giảng,… thì dở khóc dở cười! Không phải là kỳ thị, nhưng chức Linh Mục không thích hợp cho người đồng tính. Tương tự, chức Linh Mục cũng không thích hợp cho phụ nữ, cho nên đến bây giờ, Giáo Hội vẫn chưa cho phép phụ nữ trở thành LM.
Ăn cắp là đại tội. Ăn cắp một cây viết, một con tem, hay tiền của bạn,… đuổi liền. Nó không phải là tội tày trời, nhưng những đứa trẻ có thói quen ăn cắp vặt, sau này trở thành LM, coi sóc cả một họ đạo, thâm lạm của công, lừa đảo giáo dân, thì còn ra thể thống gì? “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, ông bà nói vậy không sai.
Bạn tôi đang học lớp 10, tức là đường tu cũng đã đi được 5 năm. Một ngày đẹp trời, đang giữa niên học, lẳng lặng cuốn gói giả từ Chủng Viện. Chẳng ai biết lý do. Sau này mới biết: Chỉ vì lén hút một điếu thuốc, và xui xẻo, bị cha Giám Thị bắt gặp. Hút điếu thuốc có phải là tội giết người cướp của gì đâu? Đúng! Hút thuốc tội không lớn. Không biết vâng lời, không có tinh thần kỷ luật là chuyện rất lớn. Một điếu thuốc mà không cầm lòng được, sau này làm LM, biết bao nhiêu cám dỗ, làm sao thắng cho được? Tội là vậy đó!
Khi tôi thi vào Chủng Viện, có một anh lớn vừa xong lớp 10, làm đội trưởng coi bọn thí sinh chúng tôi. Anh ta là “cảnh sát chìm”, người luôn để mắt “rình rập” để coi hạnh kiểm của 12 đứa thí sinh. Đứa nào ngoan, đứa nào ngịch phá, đứa nào tỏ ra không tuân hành kỷ luật, bị anh ghi sổ, thì dù đậu hạng cao cũng… rớt. Anh ta là một mẫu mực, một người anh cao cả, là thần tượng trong mắt bọn nhóc chúng tôi lúc đó. Khi tựu trường, tôi bị sốc toàn tập, vì ngay ngày hôm sau, chúng tôi hay tin anh bị đuổi! Không ai biết lý do. Tới giờ này tôi vẫn không biết, nhưng tôi suy đoán, chắc là anh bị cha sở báo với Chủng Viện về “thành tích bất hảo” trong ba tháng hè ở họ đạo. Bởi vì nếu anh ta phạm lỗi ở Chủng Viện, thì đã bị loại trước khi nghỉ hè rồi, chớ đâu có trường nào “vô duyên” tới độ chờ tựu trường mới đuổi! “Thành tích” có thể cũng chỉ là những chuyện hết sức tầm xàm dưới con mắt của người đời. Thí dụ như anh ta lỡ lời nói một câu gì thiếu lễ phép với cha sở, hoặc cãi lời cha sở, đấu lý với cha sở, hay liếc mắt đưa tình với một cô gái trong ca đoàn của họ đạo,… Tội nào cũng rất lớn, rất đại kỵ trong cuộc sống tu hành, cuộc sống độc thân, cuộc sống vâng phục Bề Trên sau này, cho nên bị đuổi.
Tóm lại, chuyện bị đuổi khỏi Chủng Viện, toàn là những chuyện không có gì lớn lao đối với học sinh thường. Không vâng lời Bề Trên, không có tinh thần kỷ luật, bi nhiêu đó đủ bị đuổi rồi. Vô lớp Sáu, 60 thằng nhóc. Xong lớp 12, tức là tốt nghiệp Tiểu Chủng Viện, thường còn lại trên dưới 20 mống. Những năm đầu, lớp 6, 7, 8, con số giảm nhanh lắm, và thường do bị đuổi. Từ lớp 9 trở lên, chuyện bị đuổi ít dần, và sĩ số giảm thường là do đương sự cảm thấy mình không thích hợp với cuộc sống tu hành, nên tự rút lui.
Những kẻ tu không thành “chánh quả”, dù là bị đuổi hay tự nguyện rút lui, gọp chung lại gọi là dân “tu xuất”. Tui thích xưng mình là dân “tu xong” hơn là chữ “tu xuất”. Tu không ai ép buộc, cho nên cảm thấy tu được thì tu, không tu được thì về, coi như tu xong, tu nhiêu đủ vốn rồi. Tu xuất nghe có vẻ tiêu cực, ít nhiều mang nghĩa “đào ngũ”. Sau 75, khi VC chiếm miền Nam, chúng tịch thu hết Chủng Viện, thì cho dù vẫn còn muốn tu cũng phải nghỉ tu. Trường hợp này dùng chữ “tu xong” là hợp lý, đúng nghĩa, hơn là “tu xuất”, vì nó ít nhiều mang tính dè bỉu, coi thường đương sự.
ĐẠI CHỦNG VIỆN
Đại Chủng Viện dành cho Đại Chủng Sinh, những người đã tốt nghiệp Tiểu Chủng Viện. Họ bắt đầu khoác áo chùng đen y như LM, đạo mạo như một LM, và giáo dân gọi họ là Thày. Muốn phân biệt Thày và LM có hai cách: Thứ nhứt, thấy cái mặt thư sinh non choẹt còn búng ra sữa, dưới 28 tuổi, thì biết là Thày. Thứ hai, các Thày có đeo một thánh giá nhỏ trên ngực áo.
Ở Đại Chủng Viện, tinh thần kỷ luật, sự vâng lời vẫn là tiêu chuẩn bất biến. Phạm vào hai điều đại kỵ đó vẫn bị loại như thường. Tuy nhiên, các Thày được tự do hơn Chủng Sinh. Việc tuân hành kỷ luật đã thành nề nếp, hơn nữa, đến tuổi này, coi như đã trưởng thành, chững chạc, và nhất là sau 7 năm tôi luyện trong Tiểu Chủng Viện, họ biết rõ mình muốn cái gì, lý tưởng Linh Mục giờ đã trở thành mục tiêu rõ ràng rồi, cho nên chuyện bị Giám Thị kè kè rình rập không còn. Mỗi người hoặc hai ba người ở chung một phòng. Thời khoá biểu cũng dày đặc và chuông báo giờ vẫn reng từ sáng đến tối. Ăn uống có phần ngon hơn. Học hành cũng chua không thua gì thời ở Tiểu Chủng Viện. Ba năm Triết và bốn năm Thần Học, cộng thêm một hoặc hai năm đi giúp xứ. Ngoài việc trao dồi đạo hạnh, “kiên định” lý tưởng, nâng cao kiến thức đời, đạo, các Thày còn phải học giảng, học nghệ thuật lãnh đạo, học điều hành một giáo xứ,… Nói chung, tư cách, phẩm hạnh, kiến thức phổ thông, kiến thức về đạo – một con người toàn diện, là mục tiêu đào tạo LM.
Thời gian gần 10 năm học ở Đại Chủng Viện không dễ gì nuốt trôi nếu đương sự không thật lòng yêu mến Chúa, muốn dâng cả đời mình để phục vụ tha nhân. Một thanh niên hừng hực sức sống (vì đâu có ăn chay ăn lạt như các sư sãi), một trái tim trẻ trung nóng bỏng thèm khát yêu đương, nhu cầu sinh lý nổi lên trong từng tế bào, cộng thêm biết bao cám dỗ vây quanh, cho nên nếu không có lòng đạo đức, không có một ước ao sống cho lý tưởng phục vụ, cách gì chịu nổi đời tu! Chưa nói tới, khi làm Thày, cám dỗ từ phe kẹp tóc còn kinh khủng hơn thời làm Chủng Sinh. Thày được cả họ đạo trọng vọng, chỉ thua cha xứ. Bà phước cũng không được giáo dân trọng vọng bằng các Thày, đó là sự thật.
Rơi rụng nhiều nhứt là thời gian đi giúp xứ ở các họ đạo. Sau khi học xong 3 năm Triết Học, thì các Thày được phân công về các họ đạo một năm, gọi là đi thử, đi giúp xứ. Bảy năm ở Tiểu Chủng Viện, ba năm học Triết ở Đại Chủng Viện, đương sự chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với bên ngoài. Đây là cơ hội cho các Thày trực tiếp sinh hoạt với “đời”. Sống một năm ở một họ đạo lạ dưới trướng cha sở, Thày được phân công dạy học, dạy giáo lý, sinh hoạt với Thiếu Nhi, với ca đoàn,…
Cặp mắt của cha sở lúc này theo dõi Thày còn kỹ hơn thời Chủng Sinh, chẳng khác gì mẹ chồng canh nàng dâu! Lạng quạng, đá lông nheo, dòm qua liếc lại, cha sở báo cáo về Đại Chủng Viện, thì không tử thương cũng trọng thương! Nhẹ thì nhà trường cho đi “thử” thêm một hoặc hai năm nữa cho cứng cựa. Nặng thì sẽ được “khuyên” về nhà cưới vợ sinh con! Cho nên Thày lúc nào cũng cảnh giác, giữ mình cho khỏi sa chước cám dỗ!
Thày là cái tâm điểm của giới trẻ, nhứt là đám ca đoàn. Nếu yếu cơ, bị “chiếu bí”, thì rụng. Rụng như sung! Một lớp trên dưới 20 Thày, đến ngày được thụ phong LM, lớp nào còn được năm sáu ông là giỏi lắm! Có Lớp vô Đệ Thất 60 mống, lên Đại Chủng Viện khoảng 20, nhưng chỉ vỏn vẹn còn sót được một người duy nhất làm LM! Có lớp chẳng còn người nào! Lớp tôi được sáu LM.
Đi “thử thách” một năm mà trơn tru, thì được về trường học tiếp 4 năm Thần Học. Xong bốn năm Thần Học thì sẽ được phong chức Phó Tế, còn gọi là Thày Sáu, trước khi được phong chức LM. Mọi thứ phải trơn tru, chớ có trục trặc gì thì chức Phó Tế cũng không tới tay đâu!
Tôi biết có hai ông Thày học xong Thần Học mà Đức Giám Mục nhứt định không phong chức Phó tế, vì cái tội “đẹp trai”, “bị” con gái yêu nhiều quá! Một chiều thôi nghen, chớ hai chiều là đuổi rồi. “Bị” yêu cũng mang họa! Con gái viết thư vào Đại Chủng Viện, tỏ tình, yêu yêu, thương thương, hăm he không lấy được Thày thì em chết,… Bề Trên đọc được thư, coi như Thày dính đạn liền. Lý lẽ của Bề Trên nghe cũng có lý lắm: Nhiều con gái đeo Thày như vậy, phải “trụ” Thày một vài năm, coi Thày có đủ bản lãnh, có vượt qua được cám dỗ, có quyết tâm làm LM, sống độc thân cu ki đơn lẽ mình ên cả đời hay không. Không làm khó Thày, mà vội phong chức liền, Thày làm LM rồi mới ngã, thì tai hại cho Thày, cho GH, cho giáo dân. Giết lầm hơn thả lầm! Thà thiếu LM còn hơn có thêm một LM sọc dưa! Sau một hai năm mà Thày không nản lòng, vẫn cương quyết đeo đuổi lý tưởng LM, thì Giám Mục mới phong chức. Hai ông Thày “đẹp trai” đó, không một tiếng thở than, không một lời trách móc Bề Trên, không một tiếng kêu oan, giờ đã là những LM ngoài thất thập cổ lai hi. Một người đang ở nhà hưu dưỡng, và một ông đã về với Chúa vài năm trước. Hai LM thánh thiện, tốt lành, trọn đời sống chết với lý tưởng, với đàn chiên. Khâm phục.
Người tín hữu CG tin rằng chức LM là một thiên chức cao quí, phải được Chúa gọi và Chúa chọn. Không ai có thể tranh giành mà được. Cộng thêm tư cách, tài năng, đạo đức, khiến cho các LM càng được giáo dân tôn kính, vâng phục. Một cụ già gần đất xa trời, vẫn gọi một LM trẻ, mới được thụ phong, chưa đầy 30, là cha và xưng con một cách cung kính. Một vị Tổng Thống quyền uy danh giá xứ Ba Lan, vậy mà quì bên giường bệnh để nhận phép lành từ một LM bệnh nhân ung thư sắp chết vừa được phong chức. Đức Giáo Tông, các Đức Giám Mục cũng cần xưng tội như giáo dân. Người ta khó tin là các ngài cũng xưng tội với bất cứ vị LM nào dưới quyền mình. Trong Toà Giải Tội, LM đóng vai người đại diện Chúa mà tha tội cho hối nhân. Thằng bạn tôi về VN gặp lại anh em đồng môn tu chung ngày xưa. Gặp “thằng bạn LM”, bạn học ngày xưa mà, nó phán cho một câu:
– Mày lâu năm không có đi xưng tội phải hong?
Bạn tôi trả lời:
– Sao mày biết?
– Tao không thấy mầy lên rước lễ là biết liền. Mày xét mình đi! Mười lăm phút sau tao giải tội cho mày!
Thằng bạn tôi mau mau nghe theo. Hai đứa nó ngồi dưới gốc cây, một thằng xưng tội, một thằng giải tội. Anh em thân tình, chỗ riêng tư, có thể mày tao, nhưng trước đám đông hay khi xưng tội thì xưng hô cha-con đàng hoàng à. Ngày xưa chung trường chung lớp, cùng ăn cùng chơi. Thời gian đưa đẩy, mỗi thằng một phương, một cảnh. Giờ gặp nhau, đầu bạc trắng, gọi nhau vừa mày, vừa cha! Một hình ảnh cảm động, dễ thương làm sao!
Nên nhớ, bí mật Toà Giải Tội là bí mật tuyệt đối. LM dù có bị giết chết cũng không bao giờ được tiết lộ hối nhân đã xưng tội gì. Đám Dân Chủ bên Mỹ dự tính tung ra cái luật buộc LM phải tố cáo những kẻ phạm tội ấu dâm khi họ đi xưng tội. Họ làm chuyện ruồi bu kiến đậu, vì họ tỏ ra không biết một chút gì về đạo CG. Chỉa súng vô đầu, LM cũng không khai, vì đó là giáo luật. Nên nói cho rõ: Một LM khi thấy một kẻ hiếp dâm, giết người, cướp của,… thì có bổn phận tố cáo với luật pháp như bất kỳ một công dân nào khác. Nhưng khi người giáo dân vào xưng tội, thì đó là bí mật của Toà Giải Tội, chết cũng không nói ra. Bị vạ tuyệt thông đó!
Những năm trước đây, Obama đã từng dự định ban hành đạo luật buộc các cơ sở phải cung cấp phương tiện ngừa thai và phá thai cho nhân viên. GH Hoa Kỳ tuyên bố một câu xanh dờn: Chúng tôi sẽ đóng cửa tất cả nhà thương của CG, vì nó đi ngược lại niềm tin CG. Obama thụt lùi ngay tức khắc, vì đại đa số các nhà thương ở Mỹ là của CG. Đóng cửa, giao cho chính phủ, thì từ chết tới bị thương, vì nhà thương mang nặng tính bác ái, giúp người, chớ không phải kinh doanh, nghĩa là từ huề tới lỗ!
Định viết ngăn ngắn thôi, mà viết hoài hỏng hết chuyện tu hành, làm sao viết phần thứ hai về cơ cấu tổ chức của đạo CG. Tui ngừng. Hứng thì viết tiếp phần hai. Ai còn tò mò chuyện tu bên CG, inbox cho tui, tui viết tiếp cho quí vị đọc chơi đỡ buồn.
Tóm lại, các giáo sĩ CG được người tín hữu hết sức kính trọng, tin tưởng, vâng phục, không phải chỉ đơn giản do chiếc áo chùng đen mà các ngài khoác lên mình! Khổ tu hơn 15 năm: bảy năm ở Tiểu Chủng Viện, tám chín năm ở Đại Chủng Viện, học hành trầy vi tróc vẩy, với một tình yêu Chúa, yêu lý tưởng, yêu tha nhân mà quên mình. Đúng như lời Harvey Mackay: “You can’t buy a good reputation. You must earn it.” Bạn không thể mua uy tín. Bạn phải tạo ra nó.
Trốn quân dịch thì đừng có hòng sống nổi một ngày trong nhà tu CG! Vậy gài người vào để làm nội tuyến, để phá đạo có dễ không? Người đọc nghe tôi tả cuộc sống tu hành nảy giờ, hãy tự kết luận đi! Ai có sức “nín thở qua sông” nếu không có một niềm tin, một tình yêu thiêng liêng vượt lên cả tình yêu bình thường của con người? Qua sông rồi, có nín thở nổi cả đời để làm một “LM giả” hay không? Giáo Hội và chính người giáo dân sẽ đá đít “LM giả” này, và họ sẽ không có đất dung thân đâu!
Peter Chánh Trần