(Hôm nay, ngồi đọc, ngẫm nghĩ và nghe Bùi Chí Vinh đọc thơ, không hiểu sao tôi nhớ đến bác Trần Mạnh Hảo. Dù thơ văn hai bác rất khác nhau về thi pháp sáng tạo, và cái chất giọng đọc sắc, đanh cho người nghe cảm giác rờn rợn cũng ở cung bậc khác nhau. Có lẽ, cái cảm giác về hai bác cùng gốc gác Nam Định với nhau chăng? – Treo lại bài viết về bác Hảo đã lâu. Nhớ tròn 6 năm ngày bác ghé thăm. Ảnh nhà thơ Trần Mạnh Hảo và Đỗ Trường- tháng 6-2014)
TRẦN MẠNH HẢO TIẾNG VỌNG TRONG ĐÊM
Ngày còn đi học, mấy thằng học sinh cá biệt chúng tôi luôn bị các thày cô giáo gọi kiểm tra bài tập đầu giờ. Nhất là mấy môn học thuộc, chúng tôi thay nhau trốn đâu đó, chờ cho thày cô kiểm tra bài xong, mới xin vào lớp muộn. Nhưng đặc biệt giờ hóa học của thày Lễ, không bao giờ chúng tôi phải trốn. Chẳng phải chúng tôi giỏi giang, hay chăm chỉ làm bài tập ở nhà, vì thày đọc thơ Trần Mạnh Hảo cho chúng tôi nghe, thay cho kiểm tra bài đầu giờ.
Thày Lễ có cuốn sổ tay dầy bìa cứng mầu đỏ luôn mang vào lớp, ai cũng tưởng đó là cuốn giáo án. Nhưng không phải, bởi khi giảng bài thày không có sách giáo khoa, không sử dụng giáo án. Chẳng biết ở nhà thày có soạn giáo án như qui định của Bộ giáo dục hay không?. Chỉ thấy sưu tầm được bài thơ nào của Trần Mạnh Hảo từ chiến trường gửi ra, thầy chép vào đó. Có lúc hứng chí, thày bảo: Các cậu không biết đấy thôi, tớ cùng làng, bạn chăn trâu, học cùng nhà thơ Trần Mạnh Hảo từ vỡ lòng đến cấp ba.
Lúc đầu, tôi không để ý nhiều đến thơ và chưa từng nghe tên Trần Mạnh Hảo. Chỉ thấy khoái, nên tôi huých tay sang mấy thằng ngồi bên cạnh: Phải cảm ơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhé! Bởi, ông đã giúp mấy thằng lười làm bài tập ở nhà, không bị bẽ mặt trước lớp.
Có những bài thày Lễ vòng đi vòng lại, đọc đến cả chục lần. Thày còn bảo, các cậu đọc đi cho khí thế, thơ ca vào mới dễ tiếp thu những công thức hóa học khô khốc này. Dần dà cái lửa trong thơ của Trần Mạnh Hảo cháy vào tôi lúc nào không hay. Và rồi hình như tôi đã nghiện thơ của ông.
Phải nói thẳng, Trần Mạnh Hảo sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong một cái xã hội không bình thường. Tuổi thơ của ông lăn lộn trong làng quê thuần nông nghèo khó. Gia đình, dòng họ hầu như đã dư cư vào Nam, cho nên ông không thoát khỏi những ngày sống bị chính quyền, nhiều khi cả bạn bè chỉ mặt gọi tên là con cháu việt gian phản động. ( Hoặc) con cháu địa chủ cường hào đại gian đại ác mà tôi cũng đã từng phải nghe. Có lẽ, cũng nhờ những năm tháng mò cua bắt ốc như vậy, sau này ông có những câu thơ đọc lên đau như những vết dao cứa. Chỉ cần nhìn vào móng chân, cái móng chân còn vàng màu váng đồng ấy, đã biết được những gì em đã trải qua. Một câu thơ hay đến xót xa:
“…Chỉ nhìn vào móng chân thôi
Biết em đã /lội/ qua thời trẻ trung..“
Lội là động từ chỉ hành động, nhưng trong câu thơ trên lội đã trở thành tính từ, lột tả sự nghèo khó, lam lũ, dãi gió dầm mưa. Nếu ta thử ghép động từ đi thay cho từ lội trong câu thơ trên: Biết em đã/đi/ qua thời trẻ trung, đọc lên ta thấy, dường như câu thơ nhạt và nhẹ, không thể lột tả hết những gì gian lao, vất vả mà em đã phải trải qua. Thật vậy, một từ rất quen thuộc, nhưng khi được đặt đúng vị trí, văn cảnh nó gây mới lạ, bất ngờ cho người đọc.
Ai cũng có tuổi thơ, và những ước mơ của cái thuở ban đầu, Trần Mạnh Hảo có lẽ cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Nhưng cánh cửa trường đại học đã đóng chặt đối với ông. Ước mơ đó đã đưa Trần Mạnh Hảo trở về với những gánh phân chuồng, phân bắc nặng trữu trên vai, cùng điền thanh, bèo hoa dâu, mà một thời người ta phát động làm phân xanh ngoài đồng.
Cái thời đi bộ đội, tức là đã cầm sẵn giấy báo tử trên tay, nhưng Trần Mạnh Hảo vẫn phải hối lộ để được đi. Dù có ai đó nói, đường ra trận mùa này đẹp lắm, hay những mĩ từ, cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận chống quân thù. Song với Trần Mạnh Hảo ra trận, tôi tin đó là một sự giải thoát.
Hồi còn học ở Trường ngoại ngữ dưới Thanh Xuân, có một ông thày trạc tuổi, rất khoái Trường ca Đất Nước Hình Tia Chớp, nói với tôi:
– Rất tiếc, nếu như Trần Mạnh Hảo học qua trường lớp viết còn hay hơn nữa.
Tôi trả lời ông thày:
– Trần Mạnh Hảo tốt số được học đại học, có thể chỉ đẻ ra những vần thơ làng nhàng trong dàn đồng ca, đại khái như: ..Ơi! những cô con gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường… Hay “ …Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành…“ Chứ chưa chắc Trần Mạnh Hảo đã viết được bản trường ca hay đến như vậy, và có sự nghiệp văn thơ như hôm nay.
Sang Đức được mấy năm, tôi nghe tin Trần Mạnh Hảo sang Nga học viết văn hay lý luận gì đó. Thời gian sau lại có tin đồn, ông nhớ vợ, đã bỏ học về nước. Không biết, thật hay giả, nhưng được tin, tôi cũng mừng, vì ông có quyết định đúng. Thật ra, có cái trường quái nào đào tạo được nhà văn, nhà thơ đâu. Nói dại chứ, Trần Mạnh Hảo cố đấm ăn xôi, ở lại để người ta đào tạo xong, ra lò có lẽ trở thành Trần Méo Mó không chừng.
Cũng viết về chiến tranh, về cái chết, nhưng Trần Mạnh Hảo có cách viết khác, rất khác so với những nhà thơ cùng thời. Khi Chưa Có Mùa Thu, là một trong những bài thơ hay, giàu hình tượng điển hình viết về chiến tranh của ông. Lời thơ nhẹ nhàng, khe khẽ, dường như ông sợ làm đau bạn, nên chúng ta tuyệt nhiên, không thấy những từ như chết, mất, nặng nề kia. Chỉ cần một vài hình ảnh mùa thu, phượng hồng, thoạt tưởng như lãng mạng, nhưng đọc xong mới cảm được nỗi đau về chiến tranh và cái chết của người lính rất trẻ đang tuổi học trò. Dù ta không thấy từ ngữ nào về chiến tranh ở đó.
“ Khi chưa có mùa thu
Hoa phượng còn dang dở
Bạn nằm xuống lưng đồi
Mùa thu dừng lại đó…“
(Không hiểu sao tôi cứ nghĩ, cái tựa đề rất hay: Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi. Một cuốn sách viết về người sinh viên, hy sinh ngoài trận ở trong nước có nguồn gốc từ mấy câu thơ trên của TMH)
Có người bảo Trần Mạnh Hảo sinh ra để làm thơ, làm thi sĩ. Qủa đúng vậy, với ông đụng đến bất kỳ vật gì, sự việc nào cũng có thể thành thơ, và đôi khi chỉ là một từ, hay khẩu ngữ bình dị:
“ Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh
Cá gỗ/ nuôi lớn những thiên tài..“ (Sông Lam)
Cá gỗ là danh từ dân dã chỉ sự nghèo khổ của một vùng quê Việt, đôi khi sự đùa cợt ám chỉ tính cách ai đó. Nhưng cá gỗ được đặt trong câu thơ trên trở thành hình tượng vô cùng sâu, hay một cách thanh tao đến sang trọng.
Trần Mạnh Hảo rất có tài sử dụng hình ảnh ngôn từ, bài thơ Trả Nón Cho Trăng gần đây là một minh chứng. Nếu không phải người có tài, viết về những đề tài thời sự này dễ trở thành những bài vè, hô khẩu hiệu, chứ không thể bật lên hình tượng của chị(em) Hằng đầy ăm ắp chất thơ, làm rung hồn người đọc đến như vậy.
Tôi rất thích đọc những bài thơ tứ tuyệt, hoặc những bài thơ viết về quê hương, đất nước của ông. Đọc những bài thơ này, ta như đang trở về với hồn thiêng sông núi, khí phách của cha ông hình như cũng còn phảng phất đâu đây. Không phải là người nghiên cứu văn học, nhưng nếu phải đưa ra một nhận định: Ai là người tiếp nối hồn thơ những Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn.. Hồ Xuân Hương, Tản Đà, chắc chắn tôi sẽ nghĩ ngay đến Huy Cận và Trần Mạnh Hảo.
Bài thơ Tôi Mang Hồ Gươm Đi của Trần Mạnh Hảo được nhiều nhạc sỹ phổ nhạc, nhưng bản của Phú Quang được coi là thành công nhất. Tuy nhiên, hồn vía của bài thơ dường như âm nhạc vẫn chưa chuyển tải hết, dù nghe lời ca rất mượt mà, xúc động.
“ ..Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Mà không/ khiêng vác/ được Sông Hồng..“
Động từ khiêng vác đọc lên nghe có vẻ rất cơ bắp, nó hòan toàn không dính dáng gì đến thơ ca thi phú cả. Ấy vậy, mà ở đây nó lại toát lên cái nặng ngàn cân của câu thơ, hay sức nặng của lịch sử mấy ngàn năm, Sông Hồng đã vật mình sinh ra một Hồ Gươm, để trả kiếm cho trời xanh vậy. Khi phổ nhạc, Phú Quang đã bỏ từ: Khiêng vác, thay bằng động từ: Mang, làm cho lời hát thánh thoát hơn, song ý câu thơ nhẹ và khác đi nhiều lắm:
“Tôi muốn mang hồ đi trú đông
Nhưng làm sao /mang/ nổi được Sông Hồng“(Lời bài hát)
Thơ của Trần Mạnh Hảo giàu nhạc tính, vang như tiếng chuông, có hồn sâu lắng, đọng lại. Đôi khi một câu thơ có nhiều cách hiểu khác nhau. Nói thơ và nhạc không thể tách rời nhau, nhưng chuyển bài thơ thành một bản nhạc không phải ai cũng thành công. Do vậy, đọc bài thơ Tôi Mang Hồ Gươm Đi, tôi thấy “đã“ hơn nhiều khi nghe hát.
Có lẽ vào khoảng năm 1991 bác Phạm Văn Kiểm(?) phụ trách tủ sách Khởi Hành ở München có gửi cho tôi cuốn Ly Thân của Trần Mạnh Hảo, và bảo, nhớ chuyển cho bạn bè cùng đọc. Đêm đó tôi nghiến ngấu đọc, thấy truyện và lời văn rất lạ. Gần đây tôi đọc lại Ly Thân trên thư viện mạng vẫn thấy hay, mới và hấp dẫn. Đây là cuốn văn xuôi đầu tiên của ông mà tôi được đọc.
Sau này báo điện tử phát triển, tôi được đọc nhiều bài lý luận, phê bình của ông trên mạng. Cách viết của ông sống động, dễ hiểu, ai cũng thể đọc, chứ không mù mà mù mờ, đọc xong chẳng hiểu gì cả, gọi thứ lý luận “hòa cả làng“ của mấy bác có chức có danh. Chính mấy cái rạch ròi đó của Trần Mạnh Hảo ít nhiều động chạm đến các bác ngồi trên, nhiều khi bão tố cũng nổi lên đùng đùng. Mọi người lo sợ cho ông, một mình đương đầu với cả hệ thống có thứ bậc cao nhất nước như vậy. Nói một cách dân dã, cũng may ông có tài thật sự, bằng không có lẽ đã bị đập chết ăn thịt từ lâu rồi.
Phải nói Trần Mạnh Hảo là người chịu khó đọc, chịu khó viết. Dường như sách loại nào ông cũng đọc cũng nghiên cứu. Cho nên vũ khí chiến đấu của ông vô cùng đa dạng. Tiện đây cũng xin đề nghị với các bác làm công tác văn học trong nước, và cầm cân nảy mực của các giải thưởng lớn cũng như nhỏ. Đằng sau tấm màn nhung các bác làm gì cũng được, nhưng giữa thanh thiên bạch nhật, các bác nên chọn những tác phẩm sạch nước cản một chút để trao giải. Thành thật mà nói, mấy tác phẩm các bác đã trao giải, và mấy cái sắp được giải của các bác, những thằng chân đất mắt toét như chúng tôi ở xa đến nửa vòng trái đất, đọc còn không tiêu nổi. Những người văn thơ đầy mình như ông Trần Mạnh Hảo ngứa mồm, tức khí chịu thế chó nào được.
Hôm rồi có ông bạn trẻ ( giảng viên Đại học Cần Thơ?) nói về cách phê bình sổ toẹt của Trần Mạnh Hảo. Dẫn đến những ý kiến của ông, không mang lại hiệu quả cho nền văn học hay giáo dục được bao nhiêu.
Bình chọn một tác phẩm văn học, cũng như học sinh cuối năm được các thầy cô đánh giá lực học từ yếu kém đến trung bình và khá giỏi. Tất nhiên khi thi học sinh giỏi, người ta phải đưa những em có học lực tốt, lẽ nào mang học sinh yếu kém đi chỉ vì học sinh này có gốc gác hoặc bố làm to. Nếu cố tình đưa học sinh này đi thi, không làm được bài, thử hỏi ông thầy chấm sổ toẹt, hay cho điểm tốt?
Những tác phẩm văn học đã được giải, hay sắp ẵm giải, ông Trần Mạnh Hảo và một số người mang ra mổ xẻ đều là những tác phẩm yếu, hoặc trung bình, tác giả là những người có gốc gác, nên đưa ra nhằm mục đích chia phần. Trong khi đó còn nhiều tác phẩm xứng đáng hơn bị loại vì lý do ngoài văn chương. Cái mà ông Trần Mạnh Hảo sổ toẹt là các tác phẩm mờ nhạt kia không xứng với giải thưởng cho là to lớn kia thôi. Chứ tôi chưa( không) được đọc bài viết nào của ông đánh giá các tác phẩm này, không có một chút giá trị gì. Nếu như những tác phẩm trung bình yếu, không mang ra tranh giải, ông Trần Mạnh Hảo sổ toẹt tuốt tuồn tuột lại là chuyện khác. Gần đây, tôi có đọc một bài viết về tập thơ, tác giả nữ trẻ ở Miền Tây của Trần Mạnh Hảo. Tập thơ này làng nhàng vào dạng trung bình, nhưng tôi thấy, Trần Mạnh Hảo viết lời văn nhè nhàng chỉ ra những chỗ ưu và khuyết của tập thơ. Nói như ông bạn trẻ này, có lẽ oan cho Trần Mạnh Hảo.
Còn tính cách con người cũng như cá tính và cách viết mỗi người khác nhau. Nếu muốn Trần Mạnh Hảo viết giống như những người viết lý luận, ông bạn ưa thích. Chỉ có một cách, ông bạn bắt Trần Mạnh Hảo xuống Đại học Cần Thơ tu luyện (tại chức thôi, chứ TMH thi đại học không đỗ được đâu) khoảng bốn năm. Ra lò, tôi bảo đảm Trần Mạnh Hảo mặt hướng thẳng, viết đều tăm tắp.
Về mặt nào đó, có lẽ ông bạn trẻ ở Đại học Cần Thơ nói đúng: Những góp ý kiến của ông Trần Mạnh Hảo chẳng làm cho văn học, giáo dục tiến triển được bao nhiêu.
Bởi, ở trong cũng như ngoài nước, tôi thấy có nhiều người tâm huyết đã và đang đóng góp hăng không kém Trần Mạnh Hảo. Song văn hóa, giáo dục ngày càng đi xuống. Bụng các bác ngồi trên càng phình to, chiếc ghế cũng cao thêm.
Vâng, với cơ chế, xã hội luẩn quẩn như hiện nay, một Trần Mạnh Hảo chứ có hàng ngàn Trần Mạnh Hảo cũng chỉ là những tiếng kêu trong đêm mà thôi.
Đức Quốc- ngày 14-11-2011
Đỗ Trường