“Thế sự du du nại lão hà…”
(Đặng Dung)
Rừng Lá tàn lụi, không còn là rừng lá nữa. Chỉ còn là đồi hoang cỏ cháy. Trời nắng hè gay gắt, hừng hực, thỉnh thoảng một cơn lốc xoáy bốc lên cao những rác rưởi bụi bặm đem trải ra xung quanh. Sau nhiều năm làm trại tù ở đây đã tiêu diệt hết khu rừng nổi tiếng là nghiệt ngã: “Rừng Lá, Suối Lạnh”.
Cũng lạ, thời chiến, khu rừng ngày xưa là vùng oanh kích tự do với bao nhiêu bom đạn dư thừa trút xuống không bị huỷ diệt. Thời hậu chiến chỉ với dao cưa và nùi lửa của tù binh mà trong vòng muơi năm tất cả đều trơn trụi. “Trái đất bị bóc vỏ bằng tay”. Muông thú chạy trốn, vượt qua dãy núi Mây Tào, sang rừng Hàm Tân và Xuyên Mộc. Cây rừng bị chặt sạch, bán sạch, đốt sạch. Cá mú dưới suối lạnh bị vét hết và suối lạnh hóa thành suối cạn… Một cuộc tàn phá để xây dựng mang tính xã hội chủ nghĩa: Rừng xanh biến mất, thay vào đó là trại tù bề thế có nguyên một nghĩa địa riêng, với mấy trăm ngôi mộ sĩ quan, bộ trưởng, tu sĩ và nhà văn của miền nam. Trại tù được bao quanh bởi một hàng rào tre gai cho mang vẻ quê hương dân tộc nhưng vẫn phải có thêm mấy lớp kẽm gai ngoại hóa đế quốc thì mới ngăn chặn được đào thóat. Toán tù binh đầu tiên đến đây năm 1976 khởi đầu công trình lao động xây dựng là nhà giam và hàng rào nhốt mình. Sự vụ đã thành thơ: “Nhiều khi tôi muốn khóc hu hu, Tù cất nhà giam để nhốt tù!” Trải qua mười bảy năm, những hàng rào nay đã thành những lũy tre gai già dày đặc. Có trại đã phá đi nhà cửa nhưng hàng rào tre gai thì vẫn còn đó vuông vắn, thành quách, sừng sững như là dấu ấn của một thời hận thù nghiệt ngã, để lại cho lịch sử! Một ngàn năm sau hậu duệ của các bác tướng tá tù binh có đứa nào theo ngành khảo cổ tình cờ đến khu rừng này mà đào xới chắc sẽ tìm thấy nhiều điều lạ; có thể các nhà sử học ấy sẽ la lên đã tìm thấy một nền văn minh tạp lục gai tre cùng gai kẽm, với những cổ vật và di chỉ như nồi nấu ăn giống cái lon đựng sữa của hãng guigoz Hòa lan, đàn guitar làm bằng thùng đạn Mỹ, xương sọ trong các ngôi mộ là những xương dập bể, khẩu hiệu “bác hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”… Rồi có thể họ sẽ tiếc nuối vì tiền nhân của họ đã tiêu diệt “cây buông”, một loại cây quí phải cần 60 năm mới có trái độc…
***
Họ đã đi hết ráo. Đi thực sự. Đi cả gia đình. Đi rất xa. Mãi tận Thụy Điển. Mới hôm nào họ ở tù chung với mình, họ ăn cơm chung với mình, họ bình luận thế sự với mình, họ đọc thơ đặt nhạc đàn ca cho mình nghe, họ họp đại hội “Trung Tâm Văn Bút Trong Tù” sáu người tình cờ gom được, một là tác giả “Bụi Tầm Xuân” hai là tác giả “Trắng Chiều” ba là thi sĩ “Người Đi Qua Đời Tôi” bốn là giám đốc đài phát thanh năm là nhà thơ xướng ngôn “Tao Đàn thi văn miền tự do…”, cả năm vị đều bị người tù già “bầu” lên giữ các chức trong ban chấp hành, chỉ có duy nhất một hội viên là người tù gìa. Nhưng lệ làng của “Trung Tâm Văn Bút Trong Tù” là tất cả mọi quyết định lớn nhỏ của Trung Tâm đều phải lấy biểu quyết của hội viên, các chức sắc không biểu quyết mà chỉ… thi hành các quyết nghị của đại hội. Đại hội Trung Tâm Văn Bút Trong Tù năm 1987 được tổ chức long trọng bằng một bữa ăn có thịt, cá, giò, rượu đế, do giám đốc đài phát thanh được thăm nuôi khoản đãi, ăn trên một cái giường người chết đặt trong góc một bệnh xá. Chủ tịch là Lão đại cao niên nhất nhưng cũng trẻ trung nhất lâu ngày vớ được rượu đế bèn uống mềm môi. Hôi viên duy nhất bèn biểu quyết:
– Đại hội dành ưu tiên chai đế cho “bé lão” chủ tịch!
Chủ tịch có rượu vào lại đâm ra tỉnh táo, đề cao cảnh giác:
– Liệu mà giữ mồm giữ miệng, đùa hoài chúng nghe thấy lại đi… tù cả đám!
– Sức mấy chúng dám đụng đến VBTT, đã có PEN Quốc Tế.
Thế mà bây giờ họ đã ở tận Bắc Âu xa xôi, tít mù, tuyết lạnh. Như bao nhiêu người khác cùng cảnh tù nơi đây hay nơi khác, bây giờ họ đang ở đâu? Hằng ngàn, hằng chục ngàn, hằng trăm ngàn người cùng tù rải ra khắp nước bây giờ họ đã ở đâu? Một số rất nhiều người đã chết, một số rất nhiều người đã ra tù, và một số may mắn đã đi xa, bây giờ ra sao? Tất cả bây giờ ra sao? Bây giờ đang làm gì? Riêng ta, ta sót lại, ta kẹt lại, ta là kẻ bao giờ cũng chậm chạp, bao giờ cũng sau chót, bao giờ cũng hạng bét. Hồi nhỏ ta đi học luôn đứng hạng nhất lớp cớ sao lớn lên biết suy nghĩ ta lại luôn luôn đứng hạng bét cuộc đời… Họ đã về hết cớ sao ta vẫn còn đây? Ta là một trong số mười hai người còn đây? À thì ra cũng còn tới mười hai người lận. Trong một cái trại tù có thời kỳ đông tới hơn một ngàn hai trăm bây giờ còn lại mười hai mống, người nào cũng ưu tư trầm lặng câm nín, mười hai cái bóng lầm lì khốc liệt, mười hai tâm trạng se sắt cô đơn, một bó củi mười hai khúc, một cái chậu cá mười hai con sằn sặt, một cái chai nhốt mười hai người khổng lồ… Họ đã đi thực sự, đi cả gia đình, đi hết sạch. Họ đã lên thăm nuôi từ giã người tù còn lại, từ giã Trung Tâm Văn Bút Trong Tù và đã báo cho biết ngày lên đường.
Hỏi:
– Đi cách nào?
Họ nói:
– Đi cách… văn hóa!
Thế là còn ta ngồi đây, dưới bóng bụi tre già gai góc, cót két, kẽo kẹt, rì rào… nhìn ra cánh đồng cỏ giữa rừng với đàn bò, gầy guộc, đủng đỉnh…
“… Trong hơi nước đầu tiên của mùa thu,
Con thiên nga mù,
Vỗ đôi cánh san hô,
Lờ lững trôi về mô…”
***
Bờ suối ngoằn ngoèo, thỉnh thoảng có một cây dừa cách quãng, trên cây có những buồng dừa rất nhiều trái nhỏ và bao giờ cũng chỉ có trái non, không bao giờ những cây dừa ở đây có được trái gìa. Cán bộ, nhất là cán bộ võ trang thường đi lùng sục có cái gì có thể ăn được là chụp liền. Sở dĩ hai bên bờ suối chỉ có những cây dừa lác đác cách quãng mà đáng ra là hàng dừa đều đặn hai bên bờ chỉ vì hồi mười năm về trước, khi trồng những bầu dừa giống này, cũng chính những đồng chí đêm đêm đã đi moi những quả dừa mầm lên ăn đỡ thèm. Thứ này ngoài bắc ít có.
Xa bờ suối quãng nữa, nơi gần đập nước, trước kia còn là rừng, là nơi đại úy Lam đã treo cổ tự sát trên một cành cây mãi ba ngày sau mới phát hiện do quạ kêu. Xác anh đã rữa thối, chim chóc rỉa thịt và móc mắt anh, lưỡi anh thè lè ra kiến bu đầy. Bọn chúng phải mời pháp y tới khám nghiệm mổ xẻ làm biên bản rồi mới đem chôn ở nghĩa địa. Anh cán bộ y tế phải làm việc ấy, anh ta bịt mồm bịt miệng nôn oẹ tùm lum, mấy ngày sau còn khạc nhổ càm ràm:
– Chết cũng khổ! Sống cũng khổ!
Hôm tự vận chính Lam đã phải lao động trồng mấy chục cây dừa ở bờ suối, anh em nói rằng Lam đã làm việc rất cẩn thận, anh đo khoảng cách cho từng cây đào từng lỗ vuông vắn, đặt từng bầu dừa xuống lỗ, lấp đất phủ quanh cây con đẹp đẽ và còn cắm những cành que xung quanh cây con để bảo vệ chúng. Anh làm xong chỉ tiêu sớm nên xuống suối tắm rửa. Hết giờ lao động về trại thì thiếu anh, công an bắn ba phát súng báo động có tù trốn trại và chúng bủa đi lùng kiếm truy kích, đêm ấy hành quân mệt mỏi, chiến sĩ cũng có anh giải khát tạm bằng những quả dừa giống mà tù binh đại úy Lam mới hạ thổ ban chiều. Công lao động cuối cùng của người tù binh khổ sai để lại dường như cũng sẽ chẳng bao giờ có được một trái dừa có nước có cùi. Cũng như Lam, anh còn độc thân, lá thư để lại cho người em gái duy nhất có những lời lẽ đại ý rằng: “… anh chết đi vì anh không muốn sống trước những cái phi lý của cuộc đời… anh thương em gái vì chỉ có hai anh em mồ côi mà anh không săn sóc gì được cho em, lại còn là gánh nặng mà em phải lãnh chịu thăm nuôi tù, đáng lẽ anh phải tự chết ngày 30 tháng 4 mới phải, thế này đã là trễ nhưng phải làm để khỏi trễ hơn…”. Mộ phần của đại úy Lam, viên sĩ quan cảnh sát thảm tử này nằm ở nghĩa địa của trại tù. Từ bụi tre gai quay nhìn ngược trở ra phía quốc lộ sẽ thấy khu mồ mả đó. Mộ anh nằm gần mộ của vị bộ trưởng, đương thời đã cấp tặng cho anh huy chương “sắc tộc bội tinh”, ông bộ trưởng tử nạn vì ăn da trâu; và cũng gần với mộ tác giả “Con thằn lằn chọn nghiệp”. Nhìn ra xa đó ít nữa sẽ bắt gặp nấm mộ của vị thượng tọa, lãnh tụ tranh đấu, nổi danh một thời. Nếu xa thêm nữa bên kia núi Mây Tào thì có mộ tác giả “Truyện Một Người Đòi Trả Thù Cho Dân Tộc”… Nghĩa địa này đông lắm, mấy trăm bộ hài cốt mà chẳng cần phải ai tìm kiếm! Những hài cốt này là của thời hậu chiến, giai đoạn sau hiệp định ngưng bắn; cũng như hàng triệu bộ hài cốt của thời chiến trước đây, những hài cốt bản xứ, không có chương trình và tổ chức nào tìm kiếm và cũng chẳng cần phải ai tìm kiếm! Nói như người Úc đã nói “Ở đâu cũng là nước Chúa” hóa ra lại tránh được nạn biến thành món hàng trao đổi bán buôn. Hàng năm cứ vào ngày cận Tết nhà cầm quyền duy vật vô thần bất tín bất nghĩa cũng vẫn còn phải diễn trò tình nghĩa, cho người đi dãy cỏ ở các ngôi mộ tù. Thôi thì tù sống làm đẹp mồ mả cho tù chết, có mất mát gì cho nhà nước đâu. “Nước sông công tù!” Thế nhưng có một ngôi mộ cũng trong Rừng Lá nhưng ngoài vòng quản lý của trại tù, cũng vẫn được thường xuyên làm cỏ sạch sẽ và thỉnh thoảng còn có nhang khói và những bông hoa rừng lòng thành tự nguyện của chiến hữu. Đó là mộ phần của một thượng sĩ Quân Cảnh. Dân làng ngoài xóm Sông Giêng đã cho những anh em tù binh biết rằng dưới gốc cây Da bên bờ suối cạn cách hàng rào tre trại tù khoảng nửa cây số có ngôi mộ mà họ không rõ tên, chỉ biết rằng khoảng năm 1968 Việt cộng chặn xe đò ngoài quốc lộ bắt được một người lính Cộng Hòa đem vào rừng bắn chết rồi chôn ở đấy. Dân làng không biết tên nhưng thấy lon và huy hiệu thì biết là thượng sĩ quân cảnh. Từ đó những người làm rừng đi chặt lá buông và đốn gỗ bằng lăng mỗi khi ngang qua ngôi mộ đều có nhã ý làm những cử chỉ hành động săn sóc như nhổ cỏ, bồi đắp thêm đất, cắm bông hoặc đem theo nhang thắp lên lạy tạ cúng vái. Năm 1976 tù binh đến cắm đất làm trại giam, dân xóm Sông Giêng nói nửa đùa nửa thật rằng họ “bàn giao” ngôi mộ liệt sĩ ấy cho các chiến hữu của anh. Cuộc “bàn giao” âm thầm, truyền miệng, từ lớp tù này sang lớp tù khác nối tiếp cho đến ngày nay. Kẻ thù có thể giải tỏa các nghĩa trang của “chế độ cũ”, chúng đã đập phá nghĩa trang Quân đội kéo sập pho tượng “Thương Tiếc” như là một cách triệt hạ Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ QLVNCH, nhưng ngôi mộ chiến sĩ vô danh ở giữa Rừng Lá âm u này thì đã được nhân dân và chiến hữu âm thầm tự nguyện săn sóc thương tiếc!
Khi khu rừng bị tàn phá để “cải tạo” thành đất trồng trọt, đến chỗ ngôi mộ người lính quân cảnh thì anh trại trưởng vốn nổi tiếng là một tên cộng sản ma mãnh hắc ám cũng phải dừng tay, hắn nói với đám công an dưới quyền:
– Tụi bay đừng có đụng vào ! Coi chừng oan gia cả lũ.
Thế là đám công an chừa ra cho ngôi mộ một khoảng đất vuông vắn không bị đào xới, nhưng chúng cũng cho hạ cây Da cổ thụ ngã nằm vắt ngang suối cạn. Bác tù già chống cây roi bò rời bụi tre đi ra chỗ ngôi mộ. Xung quanh mộ là những cây táo mới trồng, khu rừng này chúng đã “biến” thành vườn táo xuất khẩu với kế hoạch dự kiến lấy đô la Mỹ, cũng như bao khu vực kinh tế khác trồng dâu cho công nghiệp tơ tầm xuất khẩu, trồng thuốc lá sợi vàng xuất khẩu, trồng bạch đàn cao sản và tràm bông vàng xuất khẩu tính tiền theo từng pound kể cả cây cả rễ cả lá, trồng ớt xuất khẩu, trồng sả xuất khẩu, trồng mía (cái này thì tự túc trong nước để khỏi nhập của ngoại quốc) ép mật làm đường… Rừng Lá “biến” thành nông trường, thành khu kinh tế mới, thành khu du lịch an dưỡng… làm giàu cho đất nước bằng những “luận chứng kinh tế giám nghĩ giám làm giải quyết táo bạo”. Hằng năm đều có ra quân xuống đồng rồi có thu hoạch mừng công rầm rộ, trại trưởng lên cấp từ thượng sĩ tới trung tá cục phó trong mười năm, được thưởng đi tham quan Trung quốc, còn phó giám thị thì tự bắn vào đầu chết khiến người vợ góa khóc vật vã “sao anh dại thế, sao anh không bắn “nó” rồi hãy bắn anh!”. Công cuộc làm kinh tế xã hội chủ nghĩa đầy kinh dị này cứ diễn ra hàng năm, mỗi năm mỗi kiểu. Mới. Sáng tạo tài tình. Và cũng chưa bao giờ thấy trại xuất khẩu được một mặt hàng nào và cũng chưa thấy đem về cho đất nuớc được đồng ngoại tệ nào. Táo không đủ cho cán bộ hái trộm ăn. Ớt không đủ làm nước mắm đường. Dâu không mọc. Thuốc lá sợi vàng để mốc thối trong kho hóa thành sợi đen. Bạch đàn cao sản và tràm bông vàng mọc lởm chởm chỗ này chỗ kia bị cháy rừng mất sạch. Mía ép được mấy thùng nước đen thui để mãi lên men có mùi khai thủm…
Bác già vung roi bò quơ quơ trên không miệng lẩm bẩm:
– Bố tiên sư! Cha tiên sư!
Bác trèo lên thân cây Da nằm vắt ngang suối cạn nhìn ngôi mộ. Rồi bác nhìn trời… hiu quạnh. Rồi bác lại nhìn ngôi mộ. Nấm đất đắp cao, sạch sẽ, trong một khu đất vuông không có cây táo nào, chỉ mấy cây hoa móng tay, môt bụi vạn thọ, một cây hoa trang… những cây bông trồng không theo một sắp đặt nào cả, như là của nhiều bàn tay, của nhiều ý tứ, như là hoa dại, như là tự nhiên… Hiện không có khói nhang, trên mô đất chỉ có những cuống nhang màu đỏ, nhang của ai đó thắp từ bao giờ đã cháy hết để lại những cuống nhang này như là chứng tích của sự thờ cúng. Bác già móc điếu thuốc lá châm lửa rồi đem đến cắm vào đầu một que nhang. Gió thổi khói thuốc bay quyện vào bụi trang. “Trăm năm nào có gì đâu…”. Gió chiều thổi ào ào, điếu thuốc thay nhang rồi cũng cháy hết chỉ còn chừa lại cái đầu lọc dính bám trên cuống que nhang. Bác tù già lại trầm tư, đưa mắt nhìn đàn bò đủng đỉnh ngoài cánh đồng, bác thở dài nhìn lại nấm mộ người chiến hữu không quen biết. Bác gõ gõ cái gậy chăn bò vào thân cây Da mà bác đang ngồi lên, tiếng bồm bộp như tiếng mõ kêu, bác già bò trên thân cây Da đến chỗ gẫy, bác cúi nhìn vào lỗ bọng của gốc cây rỗng, bác thò cây gậy bò vào trong bọng cây mà thọc thọc, bác lại lẩm bẩm:
– Có con gì trong này thì liệu mà chui ra chạy đi, ta đốt chết cháy ráng chịu, ta cần có lửa có khói, lửa khói càng lớn càng quí, ta cần làm một cuộc tế lễ…
Rồi bác tù già đi gom một mớ cành khô và cỏ khô tấn vào trong lỗ bọng gốc Da, bác châm lửa, gió chiều thổi phù phù, cỏ khô và củi bốc cháy nhanh, ngọn lửa bốc lên, khói bốc lên, bác tù gìa mỉm cười, mắt bác sáng lên một tia long lanh. Ngọn lửa và khói bốc lên từ miệng lỗ bọng của cái gốc cây cụt trông như ngọn đuốc trên các bệ lễ đài. Bác già nhìn ngôi mộ, nhìn lửa, nhìn khói, nhìn đoá hoa vạn thọ, nhìn bông trang rồi lại nhìn ngôi mộ.
Bác lững thững đi trở về chỗ bụi tre ngồi nhìn ra cánh đồng có đàn bò chậm rãi gậm cỏ khô. Chốc chốc bác lại liếc nhìn về phía ngôi mộ với bệ đuốc lửa thiêng, tự nhiên, hùng tráng. Bác tù binh già nghĩ rằng hôm nay là ngày chiến sĩ trận vong. Bác tù binh già nghĩ rằng hôm nay bác chiêu hồn, truy điệu, tưởng nhớ, tri ân, ngậm ngùi… những liệt sĩ vị quốc vong thân vốn từng là đồng đội, chiến hữu. Mặc cho kẻ thù triệt hạ, mặc cho đồng minh phản bội phủi tay, mặc cho lãnh đạo bỏ chạy và đồng ngũ quên lãng, mặc cho thời gian lạnh lùng trôi qua, mặc cho lịch sử sang trang… hôm nay, ở đây, có người tù binh già thì thầm với anh, thì thầm với các anh, trong nỗi cô đơn tột cùng của kẻ sống người chết, nỗi cô đơn tột cùng của những người lính đã mãn phần hay đang là tù binh.
***
Gió chiều thổi mỗi lúc mỗi mạnh, tiếng reo ù ù và tiếng kẽo kẹt phát ra từ bụi tre tạo thành một thứ hòa âm lạ lùng. Bác tù già ngồi tựa lưng vào một tảng đá dưới bóng mát của bụi tre và bác thiu thiu ngủ. Thỉnh thoảng đầu bác gật xuống khiến bác lại phải cố gắng ngẩng lên. Chợt bác thấy như có ai cụi cụi vào người mình, mở mắt ra nhìn thấy cu tý đang húc đầu vào chân bác. Bác tỉnh ngủ hẳn khi thấy cu tý. Bác nhớ ra rằng chiều nào nó cũng thường sán đến bên mình bác mà cụi đầu, có khi nó cụi bác phải ngã người sang bên. Bác sờ tay vào lưng nó mà vuốt là cu cậu nằm phệch ngay ra, bốn chân duỗi in như con chó con trong nhà bác hồi còn thuở nhỏ. Cu tý mới mấy tháng tuổi, nó có bộ lông vàng ươm thật mượt và thật đẹp, nó chưa có sừng nhưng trên đầu cu cậu đã có hai bên hai cái nhú tròn. Bác già gác một chân mình lên người cu tý, nó để yên một lát rồi nhỏm dậy lăn người nằm đè lên chân bác! Bác già phì cười:
– Mày gớm lắm!
Một bác tù già đơn độc, một con bê con vô tư, hai bên chơi thân với nhau, nói chuyện với nhau, đùa rỡn với nhau, theo cách thế riêng, ngôn ngữ riêng, của họ. Cu tý thường lang thang một mình, hình như không có ai chơi với nó, nó chậm chạp, lơ đãng, gặm những đọt cỏ non hiếm hoi dọc theo các bờ vùng bờ thửa. Cu tý mới thôi bú nhưng cũng chưa thành “người” lớn, nó chưa được ngang hàng với những con bò lớn để có thể bình đẳng trong các sinh hoạt và cũng không còn thuộc loại được bú mẹ nữa, nó bắt đầu phải đi theo đàn tập tành kiếm ăn, “ai sao tôi vậy, ai làm gì tôi làm nấy”, nhưng mới chỉ bắt đầu tập tành, sơ khởi là thấy đồng loại gặm cỏ thì nó gặm cỏ, thế thôi… còn nhiều việc khác nó chưa biết, vì thế cu cậu thấy người ta nhảy đực thì chỉ đứng nhìn chẳng hiểu ra sao cả. Có lẽ cũng chẳng có ai dạy nó, bò không có một nền giáo dục được tổ chức soạn thảo nhồi sọ, ráng mà tự thích nghi lấy thôi. Cu tý không biết bố nó là ai, giống bò không có thói quen biết bố. Và cũng chẳng còn nhớ mẹ nó như thế nào kể từ khi không còn được bú sữa nữa. Mẹ nó đẻ nó trên đường đi gặm cỏ cùng với cả đàn. Vừa đi, vừa gặm cỏ, vừa đẻ. Đẻ xong mẹ nó liếm nó cho sạch nhớt rồi đem dấu nó trong bụi cây đi gặm cỏ tiếp, y như phụ nữ trong chế độ cộng sản phải tranh thủ lao động vậy! Mẹ nó cũng không tỏ vẻ gì là đau đớn cả, đẻ như… không vậy, đi gặm cỏ tiếp mà không cần biết cái nhau vẫn lòng thòng dưới háng kéo lê trên đất ruộng… Đến nỗi một bác tù già trông thấy phải lấy cây khều cho rớt ra, gom cái mớ lùng nhùng ấy lại đem xuống suối rửa sạch đất cát phân rác rồi xát muối và giặt như giặt áo quần. Tối về mấy bác nổi lửa chế biến ba ki lô nhau bò đẻ ấy thành món nhậu vô cùng độc đáo. Chủ tọa những bữa tiệc kiểu này thường là vị Hoàng đế. Bác tù nào sợ không giám ăn bèn bị Hoàng đế khuyên nhủ:
– Đừng sợ, không ăn uổng, sau này sang Mỹ sang Pháp sẽ chẳng bao giờ có món này mà ăn đâu. Tao là một “thằng” vua tao biết. Đời tao đã bôn ba, từng trải nhiều, tao đã là tướng Việt Nam Cộng Hòa, là tướng đặc công Việt cộng, là tướng dù của Tây, đã từng cùng với Salan đảo chánh Tổng thống De Gaulle, đáng lẽ tao là người kế vị Hoàng đế triều Nguyễn, tại chúng nó không biết đến ta, chúng nó sẽ bị trừng trị… Tao là người Việt Nam đầu tiên đáp chuyến bay đầu tiên qua Bắc cực…
– Thế anh hai đã bay ngang qua Nam cực chưa…?
– Ê, đừng hỏi móc, bay qua Bắc cực rồi thì Nam cực cũng thế mà thôi, tao nói thật, hãy nghe tao, ăn đi không uổng, sau này lại hối, đời tao hối nhiều rồi, bỏ qua nhiều cơ hội rồi, tao đã lỡ không làm ác những khi đáng lẽ phải ác, tụi cộng sản nó ngu mới bỏ tù tao, tao đếch cần, tao còn có một tỷ đồng Anh kim ở ngân hàng Thụỵ sĩ, khi nào tao ký thì mới lấy tiền ra được. Ăn đi các em, qua nói thật, qua thương các em là những sĩ quan ưu tú sa cơ chỉ vì các em lỡ phò phải hôn quân, nếu như gặp minh chúa mà thờ thì cũng công thành danh toại… ăn đi, ăn đi kẻo uổng, qua đã hưởng đủ thứ “sơn hào hải vị”, qua biết, ăn đi, ngon lắm…
– Ở bang California có món này không anh hai?
– Làm gì có, kiếm cả nước Mỹ cũng không thể có, cả những city đã “Việt Nam hóa” như Bolsa cũng không thể có. Nhau bò con so xào với khóm Bến Lức, cần tầu, tỏi mỹ, hành tây, dưa leo, sả và ớt ta… món này là món gì? Mỹ kêu là món gì? Thấy chưa? Ăn đi.
Hoàng đế và mấy bạn già nhập tiệc hào hứng. Hoàng đế còn nhân dịp thành lập nội các cho tương lai, phong cho mười một bạn tù những chức bộ trưởng trong chính phủ quân chủ lập hiến và chia tài sản của ngài dự trữ trong ngân hàng Thụy Sĩ cho anh em. Hoàng đế là vị tù già nhất trong số mười hai người còn lại, năm ấy ngài 72 tuổi… Ngài ngự còn rất phong độ, cao lớn, tướng đi dềnh dàng, vai ngang, đặc biệt ngài ngự rất thông minh và lịch lãm, tốt bụng, có bạn tù chợt nghĩ nếu là thực thì ngài cũng có thể hồi loan chấp chánh, hơn chán vạn kẻ khác …
Cu tý lớn lên theo vú mẹ, nó chạy lon ton theo mẹ đi trong đàn, mỗi khi nó đi lạc, mẹ nó chạy đi tìm kiếm kêu la inh ỏi nhắng cả lên. Tình mẫu tử chỉ đằm thắm khi mẹ nó còn cho nó bú, đến một hôm nào đó không rõ, nó và mẹ nó tự nhiên xa lạ nhau, không đi chung nhau, không cả nhìn nhau, như là không quen biết. Hình như cái hôm đó là cái ngày mà có một con đực nào đó nhảy mẹ nó. Và cu cậu trở thành kẻ một mình. Một “kẻ một mình” bé tí khờ khạo trước cuộc đời rất phức tạp!…
***
Con bê con bỏ đi tự lúc nào khi bác tù già giật mình thức dậy, bác cảm thấy ơn ớn phía sau như là có cái gì đáng sợ. Bác quay lại nhìn vào bụi tre phía sau, một con rắn hổ đang bò vào trong bụi, con rắn ngừng lại nhìn thẳng vào bác già, lưỡi nó thè ra thụt vô… bác già rùng mình nhưng chưa kịp cầm lấy cây gậy thủ thế thì con rắn hổ đã lủi mất vào trong bụi. Bác già bàng hoàng hồi lâu. Một bạn tù khác từ bìa rừng đi tới hỏi:
– Cái gì thế?
– Con rắn.
– Sao không đập?
– Nó chuồn mất tiêu rồi.
– Uổng. Mật rắn là thần dược. “Tam xà đởm” là một toa thuốc. Cháo rắn đậu xanh là một món bổ. Ông để cho nó chạy thoát thật là uổng.
Anh ta đập cây vào bụi tre hy vọng xua đuổi con rắn bò ra. Bác gìa lững thững đi tới đi lui dọc theo bìa rào. Ngọn đuốc thiêng vươn lên từ lỗ bọng gốc cây cụt ở ngôi mộ vẫn cháy phừng phừng, người tù binh già từ hàng rào tre cũng nhìn thấy cái đuôi lửa nhảy múa vươn lên theo gió. Bác tù già lại ngồi xuống cạnh tảng đá. Làm như chỉ có hòn đá tảng là bạn đời. Bác lại duỗi chân, tựa lưng. Bác cởi giầy vải tụt vớ đưa lên mũi ngửi rồi nhăn mặt quơ tay xua đuổi, đập đập đôi vớ vào tay kia mấy cái xong lại nhẩn nha xỏ vào chân. Bác đang cột dây giầy thì thấy ngứa nhói ở cổ. Bác già vỗ đánh bốp vào chỗ ngứa, một con muỗi chết bẹp dí cùng với một vết máu đỏ tươi nơi bàn tay. Bác già nhìn kỹ xác con muỗi và kêu khe khẽ:
– Bố tiên sư, cha tiên sư, chính cống là Anopheles!
Hai con sóc rượt đuổi nhau trên cây, không biết chúng đùa rỡn hay xung đột nhau, cái đuôi xù của chúng vẫy vẫy như muá như lượn. Một con bị rớt xuống đất chạy tọt vào trong bụi rậm, còn lại con trên cây một mình đứng hai chân, còn hai chân kia ôm đầu lặng thinh. Nắng chiều đã xế bóng, các bác gìa chăn bò dường như ngồi lâu mỏi lưng, có bác đã ra khỏi bụi rậm đi tới đi lui vung ve cái roi bò. Tiếng chim “bồ chao” líu lo trong bụi cây nơi bờ suối. Tiếng kêu “cuốc tà tà” của những con gà gô nghe sao nhẫn nại và buồn thảm. Những con cút rừng láu cá lủi rất nhanh trong đám cỏ.
Đi chăn bò mà nếu nhanh tay có thể quơ roi vụt được những con cút rừng hay gà gô chạy quẩn dưới chân. Gà gô béo có thể tới 3 lạng, cút rừng béo cũng chỉ một lạng là nặng nhất. Rồi vừa đi vừa vặt lông sống để khi về là có thể ướp xì dầu tỏi chiên ngay, nhậu nóng với một lon bia “33”, đó là một bữa chén “dã chiến” kỷ niệm ngày bước sang năm tù thứ mười bảy, ghi dấu một giai đoạn lịch sử sẽ qua ở đầu thập niên cuối cùng thế kỷ 20, tại Rừng Lá Việt Nam.
Bác già trưởng toán phát lệnh “rút quân” bằng những tiếng hô lớn bò… bò là các nhà quân sự sa cơ thất thế, từ trong các vị trí “chốt” bao quanh cánh đồng nhất loạt tiến ra, những cái roi quơ lên với những tiếng bò… bò… thế là cả đàn bò mấy trăm con vàng ươm trên cánh đồng cỏ cũng tự chuyển động ùn về một phía là khu chuồng bò. Đàn bò di chuyển trên cánh đồng tạo thành tiếng ồn ào rì rầm vang dội cả khu rừng. Ngọn đuốc vẫn cháy…
Bò vào chuồng rồi thì các bác già xuống suối tắm, cũng có bác đi thăm câu, cũng có bác đi đặt bẫy thú. Các bác ở trong những căn nhà lá phía ngoài hàng rào tre nơi cổng trại. Trại giam K2 đã biến thành chuồng bò. Cai tù trại trưởng có lần nói:
– Các bác bây giờ hết là tù rồi. Các bác chờ thả về để đi… Mỹ. Chỉ còn những “thằng em” này ở lại đây thôi. Các bác đi rồi nhớ thằng em này “chơi đẹp” nhé! Sau này có trở về các bác cũng đừng chấp những chuyện nhỏ nhặt đã qua! Cùng lắm các bác lại cho thằng em đi… chăn bò cũng là tốt lắm rồi.
Một bác già bàn “Có thể cho “thằng em” làm trật tự, thi đua hay ban tự quản đội gì đó cũng được!”
Ban đêm các bác tù binh gìa nằm trằn trọc nghe tiếng bò rống trong chuồng, tiếng voi gầm nặng nhọc và tiếng con “mang” kêu la thảm thiết trên núi Mây Tào. Bò sẽ bị giết thịt dần để đãi khách đến tham quan, “khách ăn một bà cốt ăn hai”. Voi Rừng Lá có một con mẹ bị bắn chết lấy sừng bán, voi con còn bú không biết đi đâu cứ luẩn quẩn quanh trại tù, ban giám thị sợ vạ lây bởi luật bảo vệ thú quí cứ phải đổ cháo cho nó ăn nhưng đẩy nó đi không được thì may quá có lệnh chở nó về thành phố, sau đó trên kênh truyền hình số 9 chiếu cảnh voi con được lên máy bay quốc tế xuất cảnh, quà của thủ tướng chính phủ “cống” cho vua nước Thụy Điển. Còn con “mang” kêu la để khóc cảnh “nước mất nhà tan”, các bác tù binh già nói vậy.
***
Căn nhà lá ngay trước cổng trại là chỗ ngủ của ba bác già trong đó có bác già tổ trưởng, các bác khác ở rải rác những căn nhà khác. Có bác ngủ ở chuồng dê một mình cho yên tĩnh, vì bác không thích có người ở gần mình và cũng không thích nói chuyện với ai. Có bác thích ở vườn xoài trong những căn nhà tường gạch dưới những lùm cây. Cũng có bác thích ngôi nhà bên suối. Có bác ở bờ ao để nuôi thêm vịt… Những căn nhà gạch trong vườn xoài vì có Hoàng đế ngự, có hàng rào bao quanh, có cây cao cổ thụ, cổng có mái che… nên được gọi là Cung Điện, với ngoại thành, nội thành, đàng hoàng. Ở đây có lần Hoàng đế nổi giận vì bị một nữ cán bộ hỏi:
– Tên anh là gì?
– Con “đĩ chó” muốn biết tên tao thì hỏi thằng Nhu xếp của mày, muốn biết cấp chức tao thì đi mà hỏi thằng bác hồ nhà mày…
Hoàng đế làm dữ gây ồn ào khiến mọi người cười lăn, riêng người nữ cán bộ phải chạy tháo thân ra khỏi cổng thành, suýt bị Hoàng đế nhốt lại trong cung cấm. Anh công an phụ trách khu vực đó và cũng là bồ của người nữ thì đứng cười hề hề:
– Ai bảo chọc vào tổ ong!
Người nữ cán bộ thè lưỡi lắc đầu:
– Khiếp, ông ấy dữ quá!
– Trung tuớng, Hoàng đế, không dữ sao được.
Hoàng đế cầm xâu chìa khoá đứng bên trong cổng nhìn ra:
– Tao cấm mày từ nay không được vác mặt tới đây nữa!
Ấy vậy mà quả nhiên từ đó cho đến ngày Hoàng đế bị thả về, “đĩ chó” không giám tới thăm người tình mà người tình phải hẹn gặp “đĩ chó” ở chỗ khác.
Căn nhà tổ trưởng ở trước cổng chuồng là nơi tất cả các bác già hàng ngày phải lui tới trước cũng như sau khi thả bò và vì thế nó được gọi là Bộ Tổng Tham Mưu. Tổ trưởng phu nhân mỗi tháng tiếp tế cho chồng phải mang lên thêm cả ki-lô trà móc câu Bắc Thái và vài cây thuốc lá đầu lọc hạng xuất khẩu nếu không là hàng nhập khẩu để bác tổ trưởng đãi khách mỗi sáng họp tham mưu trước khi “xuất quân”. Bác tổ trưởng nói:
– Tù cũng có phong cách của tù, chăn bò cũng có phong cách của chăn bò. Đói có phong cách của đói đến khi no cũng phải có phong cách của no. Ốm đau có phong cách của ốm đau, khoẻ mạnh có phong cách của khoẻ mạnh. Ngày xưa có phong cách sĩ quan thì bây giờ phải giữ lấy cái cốt cách ấy…
Căn nhà này trước kia là nhà trực trại, ở đây đã có lần là nơi nhà nước cộng sản phải dỗ dành một tù nhân để anh ta bằng lòng ra về. Anh là một sĩ quan cấp thiếu úy, hồi mới đi tù anh chống đối chửi bới lung tung bị nhốt trong nhà giam rồi trong conex, bị bắn cả một tràng đạn AK không chết chỉ bị chục viên đạn xuyên thủng khắp người, rồi bị nhốt bỏ đói trong hầm không chết, ốm đau không cho thuốc cũng không chết, mấy năm như thế không chết, khi chúng khiêng anh ra khỏi conex anh chỉ còn da bọc xương. Anh không đi, không đứng, không ngồi, không ăn, không nói được nữa. Anh chỉ trố mắt ra nhìn chúng. Mà không hiểu ánh mắt anh thế nào khiến chúng đứa nào cũng sợ hãi lảng tránh không dám nhìn anh. Chúng để anh nằm bệnh xá, dần dần anh có da có thịt, đi lại nói năng được, nhưng anh rất ít nói, anh thường chỉ viết thư. Thư anh viết gửi cho tổng thống Mỹ Reagan, bằng Anh ngữ, công an trại đưa cho một trật tự đọc để hỏi xem anh ta viết những gì thì thấy anh gọi tổng thống Mỹ là Dear P. đàng hoàng thân mật lắm. Cứ vài ngày anh lại đưa một lá thư cho trật tự để gửi trại chuyển đi cho anh. Nghe nói có thư anh còn phê bình chính sách sai lầm của Mỹ tại Việt Nam và khuyên tổng thống phải làm thế này thế nọ. Anh còn nhắc nuớc Mỹ phải có tình có nghĩa với đồng minh, với các nước trong thế giới tự do, phải giữ những lời cam kết, phải có những hành động xứng đáng với những nguyên tắc nhân quyền của hiến chương Liên Hiệp Quốc. Có thư anh còn yêu cầu Mỹ đổ quân vào Việt Nam theo kế hoạch anh vẽ ra với những hướng tiến quân có nỗ lực chính nỗ lực phụ đúng bài bản binh thư FM. của lục quân Hoa kỳ, để đánh chiếm các mục tiêu và thủ đô Hà nội. Anh còn áp dụng khoa quản trị theo phương pháp PPB đưa ra những đường lối hành động để người làm quyết định lựa chọn giải pháp optimum. Anh còn dặn tổng thống đừng cho Henri Kissinger đọc thư anh gửi cho tổng thống và anh không gửi lời hỏi thăm cái người này. Anh còn viết thêm là anh cũng không gửi lời hỏi thăm cả người tổng thống “xếp” của người này, vì cả hai đã thỏa hiệp với cộng sản, thua, nhượng bộ, rút quân, không dám can thiệp khi cộng sản vi phạm hiệp định ngưng bắn và bỏ rơi anh. Sĩ quan QLVNCH không thích chơi với những kẻ “chơi chạy”! Thư anh viết rất đều đặn đến nỗi nếu khi nào trễ một hai ngày là công an trại phải hỏi ngay, có khi gặp anh còn nhắc: “Nhớ viết thư cho tổng thống Mỹ nhá!” Không rõ tổng thống Mỹ có nhận được lá thư nào của anh, hay thất lạc mất cả? Thư từ bị thất lạc là chuyện rất thường, bưu điện cũng lu bu nhiều việc lắm! Thế rồi mấy năm sau chúng gọi tên anh trong danh sách thả ra khỏi trại. Mọi người được thả đều mừng rỡ chạy đôn chạy đáo thu xếp, nhận giấy tờ ra trại. Riêng anh vẫn cứ nằm yên trong nhà, trực trại và trật tự vào tận chỗ gọi anh cũng lắc đầu không chịu ra. Đem giấy ra trại đưa anh, anh xé làm đóm hút thuốc lào khiến cán bộ phải chạy đi làm một giấy thả khác, gấp bỏ túi anh và dặn phải giữ đừng để mất, vì giấy chỉ cấp một lần và phải có nó thì mới làm hồ sơ đi Mỹ được. Anh bĩu môi lắc đầu không tin. Chúng lôi anh đi xềnh xệch nhưng anh níu chặt lấy cột nhà giam, anh vẫn lắc đầu không tin, anh nói:
– Phải có xe Jeep và quân cảnh hộ tống thì anh mới đi, ra ngoài Việt cộng bắn lén anh không đi.
Không biết làm thế nào, cuối cùng bọn việt cộng muốn cho được việc phải dỗ dành anh:
– Hết Việt cộng rồi, quân cảnh chờ ở ngoài cổng, anh cứ ra ngoài ấy là có xe Jeep, có hộ tống về tới Saigon.
Anh hỏi:
– Quân cảnh Việt hay quân cảnh Mỹ?
Tên trưởng K đứng cạnh đó phải nhanh miệng nói ngay:
– Quân cảnh Mỹ, họ chờ anh lâu rồi.
Lúc ấy anh mới chịu đi ra cổng, tới nhà trực trại nhìn quanh không thấy xe Jeep cũng không thấy hộ tống anh ù té chạy ngược trở vào trại giam. Nhưng muộn rồi, cổng trại đã đóng lại, anh đứng ngoài réo chửi từ trên xuống dưới từ dưới lên trên. Chửi cả trại, cả đảng, cả nhà nước… Chúng để anh chửi mệt ngồi bệt xuống đất trước nhà trực trại rồi bốc anh lên xe bò chở ra ngoài quốc lộ bỏ anh ở đó. Không rõ rồi anh ra sao!
Trực trại tống được anh đi rồi mới thở phào nhẹ nhõm:
– Tù cũng khổ! Cai tù cũng khổ! Ở tù cũng khổ! Ra tù cũng khổ!
Ban đêm các bác già ngủ trong căn nhà trực trại cũ đi đái chỉ bước mấy bước ra cửa chĩa vào hàng rào tre là xong ngay. Già nên đêm nào cũng hai ba lần ra ngoài. Công an coi trại cho như thế là tiện lợi vì mỗi khi có bác đi đái đêm cũng là dịp ngó qua cái chuồng bò. Có lần có bác đái xong sao nghe như có cái gì lạ lạ, đêm sao im lặng quá, coi kỹ ra thì bốn trăm con bò trong chuồng đã phá cổng ra hết sạch. Chuồng trống trơn. Kéo nhau đi tìm, dưới ánh trăng thấy bò lổn ngổn vàng ươm từng tốp, từng tốp, đứng nằm dọc theo từ lũy tre qua cánh đồng tới bià rừng… Mãi đến sáng các bác mới “thu quân” xong bèn phạt cho chúng cả ngày nhốt trong chuồng, với lại các bác cũng phải ngủ bù. Có bác cằn nhằn:
– Bò cũng khổ! Người cũng khổ!
Một đêm đang giấc khuya có tiếng la lớn ở hàng rào, các bác già thức giấc chạy tới hóa ra không phải bò xổng chuồng mà là một bác già đi đái đêm bị rắn cắn. Bác rền rĩ kêu đau, rọi đèn thấy vết răng rắn ngay mu bàn chân bèn cấp cứu, dùng dây buộc chặt bắp chân ngăn nọc độc không cho chạy lên tim, bổ đôi quả “rắn cắn” , một loại quả thuốc rừng mà bác tù già nào cũng có một hột giữ trong người phòng thân, rịt một nửa hột vào ngay chỗ vết cắn, nửa cái hột “rắn cắn” này hút chặt vào chỗ vết thương và cứ để nguyên như thế cho đến khi nó tự rớt ra. Thuốc tiên! Chẳng hiểu do thuốc tiên hay cái gì khác mà nạn nhân sau một đêm đưa đi bệnh xá cấp cứu bác lại trở về ngày hôm sau bình yên vô sự. Hỏi bệnh xá chữa thuốc gì bác già bị rắn cắn lắc đầu:
– Nó có thuốc gì chữa trị đâu lại còn xin nửa cái hột còn lại để bệnh xá lỡ có ai bị rắn cắn sẽ rịt vào.
-Tưởng “bệnh xá cấp cứu” hoá ra “cấp cứu bệnh xá”, thôi cũng được, đằng nào cũng thế cả.
-Nửa đêm đưa nạn nhân sang tới nơi, họ bị thức giấc bèn nói bị rắn cắn nếu chết thì đã chết rồi, đi sang tới bệnh xá mà chưa chết là kể như con rắn này thuộc loại không độc, ngủ lại một đêm sáng sau đi về chuồng bò lại.
– Ở Rừng Lá này có loại “choàm quạp” độc lắm, bị nó cắn chết tại chỗ không kịp ngáp. Rắn này ngắn ngủn và cái đầu hình tam giác.
Bị rắn cắn rồi lại nghe chuyện rắn từ đó các bác tù binh già thấy ớn ban đêm và bụi rậm. Có bác đi tiểu đêm cũng mang giầy cầm gậy, có bác nhịn tiểu đêm, cũng có bác “đi” vào trong cái lon gô sáng ra đem đổ.
Một buổi chiều khi đang thả bò trong rừng chợt nghe tiếng một bác la lớn “rắn… rắn”, mọi người chạy lại thấy một bác mặt tái xanh chỉ vào một lùm cây ở bờ mương miệng lắp bắp:
– “Choàm quạp”, đầu tam giác!
– Nó cắn chỗ nào?
– Hình như chưa, tôi dẵm phải nó, nó vùng lên mổ chân tôi, nhưng có lẽ tôi “bay” né kịp.
– Tài! Để tới tìm coi, kiếm cái mật!
Rồi hai bác đi đến chỗ bụi rậm bên bờ mương, cầm cây khua động, bới tìm một lúc không thấy con rắn nào. Một bác dùng gậy khều một khúc rễ cây khô lên cho mọi người nhìn, khúc rễ cây cũng hao hao giống một con rắn. Im lặng! Lát sau có lời bình luận:
– Rắn này làm chó gì có mật!
Ôi cuộc sống sao phức tạp và lắm nguy cơ đe dọa thế. Nhưng thịt rắn và mật rắn thì vẫn được coi là món ăn ngon và thuốc bổ quí.
***
Hàng rào tre này đã nhuốm máu từ hồi những cây tre còn thấp và cành lá của nó chưa xum xuê rậm rịt. Người tù bị bắn chết đầu tiên ở bờ rào là một sĩ quan còn rất trẻ. Có thể nói anh mới bắt đầu làm sĩ quan, còn mang lon chuẩn uý của trường sĩ quan trừ bị Thủ đức, chưa kịp điều chỉnh lên thiếu úy thì anh đã bị đi tù. Chính ba anh và vợ anh đã hối thúc anh đi trình diện cải tạo sớm để còn về sớm. Họ quá tin vào cộng sản. Một kẻ mới bắt đầu dự trận sắp hàng cùng với những bậc đàn anh đã tham chiến ngay từ những ngày -N của hai cuộc chiến, anh đi tù trong niềm an ủi và cậy trông ở những người bạn tù, đàn anh, bậc thầy từng trải, hiểu biết và kinh nghiệm. Cũng lại là quá tin nữa của anh. Anh như một “con nai vàng ngơ ngác” giữa một khu rừng rất nhiều bí hiểm, khắc nghiệt. Người vợ anh cũng còn rất trẻ, hai người học trò yêu nhau rồi lấy nhau chưa có con cái gì thì anh chị đã phải xa nhau. Anh ở trong tù bồn chồn nghĩ tới chị từng phút từng giây, trong giấc ngủ kinh hoàng ở trại giam luôn luôn có hình bóng chị ấp ủ anh. Một vài tháng anh mới được thấy chị vài chục phút trong kỳ thăm nuôi. Khi được gặp chị như thế anh muốn điên lên vì thương vì nhớ, anh muốn nhào tới mà ôm chặt thân thể chị, chao ôi, anh có thể chết được, anh nhìn chị nước mắt trào ra, chị nhìn anh nước mắt cũng trào ra. Cuộc sống sao khốn khổ thế, sao hai người yêu nhau lại không được ở với nhau không được ngủ với nhau? Thế rồi bỗng dưng không thấy chị lên thăm anh nữa? Anh chờ đợi mòn mỏi, rồi ba anh lên cho biết chị bỏ nhà đi đã mấy tháng, ông còn an ủi anh đừng buồn, ông thở dài nói:
– Tình đời như thế cả, ba sẽ đi nuôi con cho đến ngày con được về.
Hôm đó anh vào trại nằm khóc than vật vã, một đồng cảnh nằm bên cạnh cũng an ủi anh:
– Đúng là nó thế cả đấy anh bạn trẻ a, như tôi đây này, vợ chồng ở với nhau hơn mười mặt con, con sống có con chết có, xưa kia mình lo cho nó đủ thứ nhà cửa xe cộ kim cương hột xoàn không thua kém ai không thiếu thứ gì ấy vậy mà mới sểnh ra có một năm nó đã bỏ mình đi theo thằng khác, mà theo ai cho nó cam, nó đi theo thằng cán bộ cộng sản mới tức mình chứ… Thôi kệ mẹ nó anh khóc lóc cũng chẳng giải quyết được gì, mình bây giờ nằm trong rọ là bó tay thôi. Tôi mà về kỳ này ấy à, tôi “xịt” hết cả hai đứa…
Anh không đợi chúng thả về, anh vượt ngục, nhưng anh bị chúng bắn chết ngay tại hàng rào. Chôn anh xong thì người vợ trẻ của anh lên thăm. Chị bị bắt giam ở công an Phan thiết hai tháng vì tội mua cá biển tính đem về Saigon bán kiếm lời nuôi chồng. Người ta chỉ còn cách đưa người vợ ra nghĩa địa thăm chồng. Chị lăn lộn trên mô đất mới. Khóc lóc. Thảm thiết. Những đêm sau, công an gác trại giam thường thấy có người vừa chạy trên những cây tre vừa la khóc, chúng tưởng tù vượt ngục bèn báo động, bắn súng đùng đùng náo loạn. Nhiều đêm như vậy, chúng quả quyết trông thấy tận mắt có người vượt rào nên mới bắn. Các tù binh nằm trong trại giam thì bàng hoàng, sững sờ…
*** *
Bác già nghĩ đến rắn ở bụi tre lại ớn sợ, ngồi mà cứ nơm nớp phía sau lưng như có nó đang rình. Nhìn ra ngôi mộ không còn cái gốc cây cụt vì nó đã cháy hết suốt mấy ngày đêm, lửa còn ăn luồn xuống cả đám rễ. Bác nghĩ cuộc tế lễ như thế là đã đạt, hồn người chết đã siêu thoát, nắm xương còn lại dưới đất chỉ là hài cốt phàm. Rồi sẽ có ngày người tù binh cuối cùng cũng sẽ rời khỏi đây, ngôi mộ không bia đá này có còn ai biết tới, thôi thì lại trở về với nhân dân Sông Giêng, hoặc là những bạn tù hình sự nào đó biết chuyện, cũng như những mồ mả “sắp lớp” trong cái nghĩa trang trại tù vẫn âm thầm từ thuở nào. Những người lỡ sống sót rồi sẽ ra đi, xin giã từ người ở lại, giã từ những bộ hài cốt còn ở lại… trong âm u, cô tịch, rừng núi, đất trời…
Con thiên nga mù,
Vỗ đôi cánh san hô,
Lờ lững trôi về mô…”
Bờ suối ngoằn ngoèo, thỉnh thoảng có một cây dừa cách quãng, trên cây có những buồng dừa rất nhiều trái nhỏ và bao giờ cũng chỉ có trái non, không bao giờ những cây dừa ở đây có được trái gìa. Cán bộ, nhất là cán bộ võ trang thường đi lùng sục có cái gì có thể ăn được là chụp liền. Sở dĩ hai bên bờ suối chỉ có những cây dừa lác đác cách quãng mà đáng ra là hàng dừa đều đặn hai bên bờ chỉ vì hồi mười năm về trước, khi trồng những bầu dừa giống này, cũng chính những đồng chí đêm đêm đã đi moi những quả dừa mầm lên ăn đỡ thèm. Thứ này ngoài bắc ít có.
Gió chiều thổi mỗi lúc mỗi mạnh, tiếng reo ù ù và tiếng kẽo kẹt phát ra từ bụi tre tạo thành một thứ hòa âm lạ lùng. Bác tù già ngồi tựa lưng vào một tảng đá dưới bóng mát của bụi tre và bác thiu thiu ngủ. Thỉnh thoảng đầu bác gật xuống khiến bác lại phải cố gắng ngẩng lên. Chợt bác thấy như có ai cụi cụi vào người mình, mở mắt ra nhìn thấy cu tý đang húc đầu vào chân bác. Bác tỉnh ngủ hẳn khi thấy cu tý. Bác nhớ ra rằng chiều nào nó cũng thường sán đến bên mình bác mà cụi đầu, có khi nó cụi bác phải ngã người sang bên. Bác sờ tay vào lưng nó mà vuốt là cu cậu nằm phệch ngay ra, bốn chân duỗi in như con chó con trong nhà bác hồi còn thuở nhỏ. Cu tý mới mấy tháng tuổi, nó có bộ lông vàng ươm thật mượt và thật đẹp, nó chưa có sừng nhưng trên đầu cu cậu đã có hai bên hai cái nhú tròn. Bác già gác một chân mình lên người cu tý, nó để yên một lát rồi nhỏm dậy lăn người nằm đè lên chân bác! Bác già phì cười:
Căn nhà lá ngay trước cổng trại là chỗ ngủ của ba bác già trong đó có bác già tổ trưởng, các bác khác ở rải rác những căn nhà khác. Có bác ngủ ở chuồng dê một mình cho yên tĩnh, vì bác không thích có người ở gần mình và cũng không thích nói chuyện với ai. Có bác thích ở vườn xoài trong những căn nhà tường gạch dưới những lùm cây. Cũng có bác thích ngôi nhà bên suối. Có bác ở bờ ao để nuôi thêm vịt… Những căn nhà gạch trong vườn xoài vì có Hoàng đế ngự, có hàng rào bao quanh, có cây cao cổ thụ, cổng có mái che… nên được gọi là Cung Điện, với ngoại thành, nội thành, đàng hoàng. Ở đây có lần Hoàng đế nổi giận vì bị một nữ cán bộ hỏi:
Hàng rào tre này đã nhuốm máu từ hồi những cây tre còn thấp và cành lá của nó chưa xum xuê rậm rịt. Người tù bị bắn chết đầu tiên ở bờ rào là một sĩ quan còn rất trẻ. Có thể nói anh mới bắt đầu làm sĩ quan, còn mang lon chuẩn uý của trường sĩ quan trừ bị Thủ đức, chưa kịp điều chỉnh lên thiếu úy thì anh đã bị đi tù. Chính ba anh và vợ anh đã hối thúc anh đi trình diện cải tạo sớm để còn về sớm. Họ quá tin vào cộng sản. Một kẻ mới bắt đầu dự trận sắp hàng cùng với những bậc đàn anh đã tham chiến ngay từ những ngày -N của hai cuộc chiến, anh đi tù trong niềm an ủi và cậy trông ở những người bạn tù, đàn anh, bậc thầy từng trải, hiểu biết và kinh nghiệm. Cũng lại là quá tin nữa của anh. Anh như một “con nai vàng ngơ ngác” giữa một khu rừng rất nhiều bí hiểm, khắc nghiệt. Người vợ anh cũng còn rất trẻ, hai người học trò yêu nhau rồi lấy nhau chưa có con cái gì thì anh chị đã phải xa nhau. Anh ở trong tù bồn chồn nghĩ tới chị từng phút từng giây, trong giấc ngủ kinh hoàng ở trại giam luôn luôn có hình bóng chị ấp ủ anh. Một vài tháng anh mới được thấy chị vài chục phút trong kỳ thăm nuôi. Khi được gặp chị như thế anh muốn điên lên vì thương vì nhớ, anh muốn nhào tới mà ôm chặt thân thể chị, chao ôi, anh có thể chết được, anh nhìn chị nước mắt trào ra, chị nhìn anh nước mắt cũng trào ra. Cuộc sống sao khốn khổ thế, sao hai người yêu nhau lại không được ở với nhau không được ngủ với nhau? Thế rồi bỗng dưng không thấy chị lên thăm anh nữa? Anh chờ đợi mòn mỏi, rồi ba anh lên cho biết chị bỏ nhà đi đã mấy tháng, ông còn an ủi anh đừng buồn, ông thở dài nói:
HB.93
Thảo Trường
Nhà văn Thảo Trường tên thật Trần Duy Hinh, sinh ngày 25-12-1936 tại Nam Định trong một gia đình đông con, ông là người thứ chín. Thân phụ ông mất sớm, năm 1954 ông di cư vào Nam để lại mẹ và người chị ở quê nhà lo phụng dưỡng ông nội và coi sóc mồ mả tổ tiên. Nhưng sau đó, mẹ ông bị đấu tố, bị tịch thu hết nhà cửa ruộng vườn, phải ra ở ngoài gò đất giữa cánh đồng nước mênh mông. Vào Nam, nhà văn Thảo Trường gia nhập quân đội theo học khóa 6 Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Và chính thức viết văn. Truyện ngắn “Hương gió lướt đi” là tác phẩm đầu tiên của ông đăng trên tạp chí Sáng Tạo do nhà văn Mai Thảo làm chủ bút.
Nhà văn Thảo Trường tham dự chiến tranh Việt Nam suốt 17 năm. Chức vụ sau cùng: Thiếu tá Phó Trưởng Phòng Phản Tình Báo, Cục An Ninh Quân Đội. Ngày 30/4/1975 ông là tù binh gần 17 năm, trải qua 18 nơi giam giữ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam. Sau khi ra tù một năm, ông sang Mỹ đoàn tụ với vợ con theo diện IMMI. Ông mất ngày 26/8/2010.
Thảo Trường có khoảng 20 tác phẩm in thành sách. Các tác phẩm tiêu biểu:
Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Chung Cuộc (1969, xuất-bản chung với Du Tử Lê), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972), Hà-nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng (1973) và Cát (1974).
Sau khi tái định cư ở Hoa-kỳ năm 1993, đã xuất-bản Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (1995), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002) và Miểng (2005).Những miềng vụn của tiểu thuyết (2008)…
Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Chung Cuộc (1969, xuất-bản chung với Du Tử Lê), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972), Hà-nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng (1973) và Cát (1974).
Sau khi tái định cư ở Hoa-kỳ năm 1993, đã xuất-bản Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (1995), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002) và Miểng (2005).Những miềng vụn của tiểu thuyết (2008)…