Thiếu Tướng ĐỖ KẾ GIAI (1929-2016)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

blank

Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai.

Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, cựu Chỉ huy trưởng binh chủng Biệt Động Quân QLVNCH vừa qua đời lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật ngày 21-2-2016 tại Galand, Dallas, Texas, hưởng thọ 87 tuổi.

Tiểu sử trên Wikipedia ghi rằng Đỗ Kế Giai (1929-2016), nguyên là tướng lĩnh gốc Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, mang quân hàm Thiếu tướng. Đơn vị sau cùng, ông lãnh trách nhiệm chỉ huy Binh chủng Biệt động quân.

Ông sinh vào tháng 6 năm 1929 tại Bến Tre, miền tây Nam phần trong một gia đình điền chủ. Ông đã tốt nghiệp Trung học phổ thông chương trình Pháp với văn bằng Tú tài bán phần (Part I).

Tháng 6 năm 1951, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, học khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt (sau cải danh thành trường Võ bị Quốc gia). Tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường, ông phục vụ trong Tiểu đoàn 3 Nhảy dù của Quân đội Quốc gia Việt Nam, đồn trú tại Hà Nội.

Tháng 7 năm 1954, sau Hiệp định Genve, ông được thăng cấp Trung úy cùng đơn vị di chuyển vào Nam đồn trú tại Nha Trang.

Năm 1955, sau khi chuyển sang phục vụ cơ cấu mới của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Đại úy và được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy dù, tháng 10 năm 1959, ông được thăng cấp Thiếu tá tại nhiệm.

Trung tuần tháng 11 năm 1960, ông chuyển sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy dù.

Tháng giêng năm 1962, ông được cử làm Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 2 Nhảy dù vừa được thành lập. Đến đầu năm 1965, ông được thăng cấp Trung tá và bàn giao Chiến đoàn 2 Dù lại cho Thiếu tá Ngô Xuân Nghị. Sau đó, chuyển sang làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 25 bộ binh do Đại tá Nguyễn Thanh Sằng làm Tư lệnh.

Tháng 9 năm 1966, ông được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 10 bộ binh.

Đầu năm 1967, ông sáng kiến đề nghị cải danh Sư đoàn Bộ binh 10 thành Sư đoàn 18 Bộ binh và được Bộ Tổng tham mưu chấp thuận.

Đầu tháng 11 năm 1967, ông được vinh thăng hàm Chuẩn tướng tại nhiệm. Ngày 20 tháng 8 năm 1969, ông nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 18 lại cho Chuẩn tướng Lâm Quang Thơ (nguyên Chỉ huy trưởng trường Bộ binh Thủ Đức). Sau đó, ông được điều động về phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu. Tháng 8 năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Binh chủng Biệt động quân (Bộ chỉ huy Biệt động quân Trung ương). Tháng 4 năm 1974, ông được vinh thăng hàm Thiếu tướng tại nhiệm.

Sau ngày 30 tháng 4, ông bị chính quyền mới bắt đi cải tạo và bị lưu đày suốt 17 năm, mãi cho đến ngày 5 tháng 5 năm 1992 ông mới được trả tự do.

Hạ tuần tháng 10 năm 1993, ông được phép xuất cảnh theo diện H.O do Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh. Sau đó, ông được định cư tại Garland, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Ngày 21 tháng 2 năm 2016, ông từ trần tại nơi định cư. Hưởng thọ 87 tuổi.

Cuộc phỏng vấn do ông Phạm Huy Sảnh thực hiện, đăng trên Generalhieu.com/ và Bietdongquan.com/ ghi nhận rằng trong những ngày cuối tháng 4-1975, Thiếu tướng Đỗ Kế Giai giữ chức Tư Lệnh Lực Lượng Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chỉ huy 3 Sư Đoàn BĐQ bảo vệ th3u đô Sài Gòn, “dưới quyền có 2 Sư Đoàn: Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân do Đại tá Nguyễn Văn Lộc chỉ huy trách nhiệm bảo vệ Biệt Khu Thủ Đô. Bộ Tư Lệnh Hành Quân và Pháo Binh cơ hữu đặt tại trường đua Phú Thọ. Vào thời điểm nầy, tổ chức của mỗi Sư Đoàn Biệt Động Quân gồm 3 Liên Đoàn, mỗi Liên Đoàn ngoài 3 Tiểu đoàn tác chiến và 1 Đại đội Trinh Sát, còn có một Pháo đội (6 khẩu) 105 ly cơ hữu. Sư Đoàn thứ hai là Sư Đoàn 101 Biệt Động Quân do Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn chỉ huy, nhiệm vụ tổng trừ bị, án ngữ phía Bắc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sư Đoàn thứ 3 đang hình thành mới được hai Liên Đoàn đóng tại căn cứ Long Bình…”

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai kể:

“Trong suốt nhiều tuần lễ trước 30-4-1975 tôi liên tục đi thăm các đơn vị trực thuộc. Tại mọi nơi tôi đều ra lệnh lực lượng Biệt Động Quân tử thủ bảo vệ Sài Gòn theo lệnh của cấp trên. Tinh thần chiến đấu của anh em Biệt Động Quân rất cao, cũng như đạn dược và tiếp vận đầy đủ. Sau ngày ông Thiệu và ông Khiêm rời khỏi nước cùng với việc người Mỹ di tản nhân viên Việt Nam của họ và gia đình khỏi Sài Gòn thì tình hình tại Thủ Đô lúc này trở nên xáo trộn….”

Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai kể rằng tại Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân chỉ có 1 sĩ quan đem gia đình đi Mỹ, còn tất cả quý vị khác từ Tư Lệnh Phó, Tham Mưu Trưởng đến các Trưởng Phòng đều ở lại cho đến ngày 1-5-1975, bàn giao cho phía bên kia.

Đoạn cuối phỏng vấn viết như sau:

“Phạm Huy Sảnh: Qua cuộc đối thoại, tôi thấy Thiếu tướng có một trí nhớ đặc biệt. Thiếu tướng có định viết hồi ký?

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai: Không! Tôi dứt khoát là không. Vài năm trước đây và ngay bây giờ, có nhiều nhà xuất bản Mỹ và Việt đề nghị tôi viết hồi ký và họ sẽ giúp xuất bản. Tôi trả lời là đối với tôi điều nầy khó quá. Bởi nếu đã viết, thì phải nói hết, nói thật, mọi sự việc mà tôi nghe, tôi biết, tôi thấy. Như vậy e rằng sẽ làm mất lòng nhiều người. Hơn nữa, vấn đề nầy tôi xin bày tỏ quan niệm tôi qua hai câu của người xưa:

BẠI BINH CHI TƯỚNG, BẤT KHẢ NGÔN DŨNG
VONG QUỐC CHI ĐẠI PHU, BẤT KHẢ NGÔN TRÍ.

(Tướng bại trận không thể nói mạnh.
Quan mất nước, không thể nói hay)”