THANH NGA NGÃ ĐẠN (Đắc Xuyên Gia Khang)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
No photo description available.
Cô đào cải lương danh tiếng nhất của miền Nam trước đây bị ngã đạn hai lần: lần thứ nhất vào tháng 3 năm 1977 khi Thanh Nga đang diễn vai Trưng Trắc trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh tại rạp Lao Động B (rạp LUX trước đây, trên đường Trần Hưng Đạo quận 5 gần Cầu chữ Y) thì có quả lựu quăng lên sân khấu nổ chết 2 nhạc công, Trưng Trắc đứng xa gần phía cánh gà, lại đâu lưng với khán giả nên chỉ bị mảnh đạn ghim vào vai nên thoát nạn. Tin đồn rầm rĩ một thời là có mụ a muối hay tên a chảy người Hoa nào đó vì bất mãn Thanh Nga diễn tuồng chống Tàu nên căm hận quăng lựu đạn cho bỏ ghét.
Lần thứ nhì Thanh Nga trúng đạn đã cướp đi cuộc đời tài ba của cô, để lại nhiều thương tiếc cho giới mộ điệu vì Thanh Nga không chỉ đẹp có tiếng, hát hay, diễn giỏi mà còn được lòng nhiều người bởi bản tính hiền lành, thân thiện, dễ gần gủi của cô. Tối ngày 26 tháng 11 năm 1978, xe hơi của vợ chồng Thanh Nga và luật sư Phạm Duy Lân cùng đứa con trai 5 tuổi Phạm Duy Hà Linh về tới tư gia của Thanh Nga trên đường Ngô Tùng Châu quận 1 sau tuồng hát Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng tại khu chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Hai kẻ gian chạy xe máy trờ tới toan bắt cóc bé Hà Linh nhưng bị vợ chồng Thanh Nga giằng co và tri hô. Kẻ gian bắn Thanh Nga và ông Lân mỗi người một phát súng chí mạng. Sáng hôm sau cả Sài thành lên cơn sốt với tin động trời “Thanh Nga bị bắn chết”.
Thanh Nga sinh năm 1942 tại Tây Ninh, con gái thứ của chủ đoàn cải lương Thanh Minh là bà bầu Thơ (Nguyễn Thị Thơ) và ông Nguyễn Văn Lợi. Bà Thơ có với ông Lợi tất cả 3 người con: trưởng nam Albert Nguyễn Hữu Thìn (cha của nghệ sĩ hài Hữu Châu, Hữu Lộc…), gái Juliette Nguyễn Thị Nga (tức Thanh Nga) và út nam Michael Nguyễn. Ông Lợi làm chức Hội đồng hạt ở Tây Ninh, năm 1945 ông bị Việt Minh thủ tiêu. Bà Thơ lo sợ cho tính mạng của mình và 3 đứa con nên dẫn con lên Sài Gòn lánh nạn. Tại đây bà Thơ tái giá với ông Lư Hoà Nghĩa (tức nghệ sĩ cải lương Năm Nghĩa) và sinh cho Năm Nghĩa 5 người con mang họ Lư: Bảo Quốc, Chí Bình, Ánh Đào, Ánh Mai và Chí Tiên. Chỉ có hai người con của bà bầu Thơ và chồng sau Năm Nghĩa nối gót nghiệp cầm ca là trai trưởng Lư Bảo Quốc (nghệ sĩ cải lương, sau diễn hài) và trai út Chí Tiên (hát cải lương nhưng không nổi tiếng).
Bà Thơ và 3 người con của chồng trước sống khá hoà thuận với 5 người con của chồng sau. Trước đó vào năm 1952 khi mới lên 10 tuổi, Thanh Nga đã được cha kế Năm Nghĩa hết lòng rèn luyện giọng ca và cho lên sân khấu để hát diễn với vai đào trẻ con. Đúng năm 16 tuổi (1958) thì được cáng đáng vai đào chính, và từ đó trở đi Thanh Nga là một trong vài cô đào chính cột trụ của các rạp Sài Gòn. Sau khi cha kế của Thanh Nga qua đời, năm 1960 bà bầu Thơ cho ghép tên con gái Thanh Nga vào bảng hiệu của đoàn hát Thanh Minh thành đoàn Thanh Minh-Thanh Nga. Đoàn này trở thành đoàn hát thành công nhất về mặt doanh thu cũng như trình diễn rất nhiều tuồng ăn khách xã hội, tình cảm cũng như tuồng cổ, lịch sử…
Người tài sắc vẹn toàn như đào hát Thanh Nga là mục tiêu giương cung bắn chim sẻ của rất nhiều đàn ông thanh niên thời đó: giàu sang địa vị cũng lắm mà tướng tá lính tráng cũng nhiều. Riêng mối tình giữa Thanh Nga và Thành Được được cho là tốn kém nhiều bút mực nhất. Thành Được (sinh năm 1934) là một trong những kép ăn khách nhất của các sân khấu cải lương, có vợ là đào thương (chuyên đóng các vai rơi nước mắt) Út Bạch Lan (sinh năm 1935), bản tính Út Bạch Lan hiền hậu, chiều chồng thế nên khi biết mình không thể sinh con được thì Út Bạch Lan sẵn sàng nhận nuôi những đứa con ngoại hôn của Thành Được. Thành Được có tiếng đa tình, nông nổi, cặp bồ tứ xứ nên có nhiều con ngoại hôn. Khi vào đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga của bà bầu Thơ thì Thành Được nhắm tới Thanh Nga mà bắn tiếng sét ái tình.
Giữa vô số người bao vây muốn gieo rắc tình cảm với Thanh Nga thì đại úy Nguyễn Minh Mẫn (đã có vợ con) là kiên nhẫn nhất. Thanh Nga bất ngờ thành hôn với đại úy Mẫn vào cuối tháng 11 năm 1967 chỉ sau vài tuần chia tay với Thành Được khiến rất nhiều người sửng sốt. Đám cưới diễn ra tại nhà hàng Đại La Thiên trong khu Chợ Lớn nhưng vắng bóng các đào kép tên tuổi trong giới cải lương vì đám cưới không có ký hôn thú, trên danh nghĩa Đại úy Mẫn đã có vợ và chưa hề ly dị với người vợ đó. Đám cưới chớp nhoáng và kết thúc chỉ hơn ba tháng sau đó khi Đại uý Mẫn bị bỏ tù vì tội biển thủ đồ trong kho chứa Long Bình nơi ông canh giữ.
Thanh Nga gặp người chồng sau Phạm Duy Lân (luật sư, làm chức Đổng lý trong Bộ Thông Tin) năm 1969 khi ông Lân đứng ra phối hợp với Bộ Thông Tin đưa đoàn hát Thanh Minh-Thanh Nga sang Pháp lưu diễn. Không lâu sau đó hai người kết hôn nhưng mãi đến năm 1973, ở tuổi 31 Thanh Nga mới sinh đứa con duy nhất là Phạm Duy Hà Linh (thường gọi bé Cúc Cu, hiện nay Hà Linh cũng theo nghệ thuật, thường diễn các vai hài). Đây được xem như là cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất của Thanh Nga. Nhưng số cô lại bạc mệnh, mất đi ở độ tuổi 36 đương trên đỉnh cao của sự nghiệp và danh vọng.
Làm như gia đình của Thanh Nga có huông vì năm 1979, chỉ một năm sau khi Thanh Nga bị bắn thì đứa cháu tên Thanh Hải (con trai trưởng của người anh Hữu Thìn) trên đường đi lưu diễn ở miền Bắc thì bị xuất huyết chết tại Bắc Thái. Năm sau 1980 thì đến lượt người anh trai Hữu Thìn bị kẻ tấn công dùng thanh sắt đánh vào sau gót khiến vỡ sọ mất mạng. Mười năm sau ngày Thanh Nga mất, (năm 1988) bà bầu Thơ bị té xuất huyết não trong nhà và qua đời. Đến năm 2010 nghệ sĩ Hữu Lộc, con trai út của Hữu Thìn bị đụng xe trong vụ tai nạn giao thông và cũng không qua khỏi.
Soạn giả Nguyễn Phương có lẽ là người ghi lại chi tiết nhất tiểu sử và cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Thanh Nga. Sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, Nguyễn Phương theo các đoàn hát cải lương bắt đầu từ năm 1948 cho đến năm 1989 khi ông sang định cư tại Canada. Nguyễn Phương đã theo gánh hát Thanh Minh-Thanh Nga trong nhiều năm với công việc viết tuồng, vợ ông là thư ký riêng cho Thanh Nga nên ông có nhiều dữ liệu ít người biết đến về nữ nghệ sĩ cải lương tiếng tăm này. Trước năm 1975, Nguyễn Phương đã viết nhiều tuồng cải lương lẫn kịch nói cho các đoàn ca kịch như: Ngã Rẽ Tâm Tình, Đôi Mắt Người Xưa, Bọt Biển… cũng như viết kịch bản cho các phim ăn khách một thời Con Ma Nhà Họ Hứa, Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, Lệnh Bà Xã…
Đắc Xuyên Gia Khang xin trích lại bài viết của soạn giả Nguyễn Phương sau đây tường thuật lại biến cố ám sát Thanh Nga gần 40 năm trước:
“Trước khi Thanh Nga bị sát hại thì trước đó, ngày 16 tháng 3 năm 1977, khi đoàn Thanh Nga hát ở rạp Lao Động B (gần ngã tư Nancy) lúc diễn tuồng Tiếng Trống Mê Linh, một kẻ lạ mặt đã liệng lên sân khấu một trái lựu đạn. May nhờ lựu đạn trúng tấm màn nhung đỏ nên thay vì rớt trên sân khấu, lựu đạn rớt xuống hố dành cho dàn nhạc sĩ tân nhạc ngồi ở mặt tiền sân khấu. Lựu đạn nổ, giết chết hai nhạc sĩ (tên Trần Văn Mùi và Lê Hiếu Đức, hiện còn hai ngôi mộ chôn cạnh bên nhau ở Nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp, mộ bia ghi rõ mất cùng ngày tại rạp Lao Động B), làm bị thương ba nhạc sĩ khác, hai nữ nghệ sĩ Thanh Nga, Xuân Lan, nghệ sĩ Thanh Sang và vài em đóng vai quân sĩ bị thương.
Lúc đó Thanh Nga thủ vai Trưng Trắc, Xuân Lan trong vai Trưng Nhị, cả hai đang quay lưng ra ngoài khi hát lớp Trưng Trắc tế chồng trước khi xuất quân đánh Tô Định nên bị miểng lựu đạn ghim sau lưng. Thanh Sang trong vai Thi Sách. Anh đứng trên cao sau tấm phông vẽ cảnh thành, anh đứng nghiêng nên miểng lựu đạn trúng vào vai trái. Các nghệ sĩ bị thương được đưa đến bệnh viện Sài Gòn gần chợ Bến Thành để mổ lấy miểng lựu đạn ra và băng bó.
Sau đó, có nhiều thư nặc danh gởi đến nhà bà Bầu Thơ và gởi đến đoàn hát cho Thanh Nga, cảnh cáo cô không được tiếp tục hát tuồng Tiếng Trống Mê Linh, nếu không tuân theo ý họ thì có ngày sẽ bị giết. Cô Thanh Nga đem mấy thơ hăm dọa đó lên Sở Văn Hóa Thông Tin, trình cho ông Dương Đình Thảo, giám đốc Sở và ông Trương Bỉnh Tòng, phó giám đốc Sở phụ trách Sân Khấu xem. Hai ông đều nói: “Đó là đám tàn quân Ngụy thấy đoàn hát được nhiều khán giả đến xem tức là dân thành phố đã được ổn định, yên lòng sống với cách mạng nên chúng tạo ra cảnh bất ổn mất an ninh.” Hai ông nói sẽ báo cho Sở Công An biết để hàng đêm, Sở Công An bố trí nhiều công an viên đến các rạp hát để bảo vệ nghệ sĩ, bắt bọn “tàn quân Ngụy” gây rối.
Sau khi các vết thương được chữa lành, Thanh Nga tập và hát tuồng mới: Thái Hậu Dương Vân Nga. Nội dung tuồng Tiếng Trống Mê Linh và tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga đều cổ vũ lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần tự cường dân tộc, cương quyết chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc nên một số nghệ sĩ chúng tôi nghĩ là vụ ám sát Thanh Nga có mục đích chính trị nhưng không ai dám nói rõ ý nghĩ của mình, nhứt là sau khi Thanh Nga bị giết, Sở Công An và nhật báo Sài Gòn Giải Phóng đưa ra những luận điệu riêng, không ai dám có ý kiến gì khác.
Trở lại chuyện đêm đó: Đêm 26 tháng 11 năm 1978, đoàn Thanh Nga diễn tại rạp Cao Đồng Hưng–Gia Định tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga. Khi vãn hát, Thanh Nga cùng chồng là Phạm Duy Lân và con là Phạm Duy Hà Linh (6 tuổi) lên xe hơi do tài xế Nguyễn Văn Cát lái, về nhà riêng số 114 đường Ngô Tùng Châu. Tới trước cửa nhà, Thanh Nga và chồng bị hai người lạ mặt, chạy Honda theo sau, bắn chết.
Sáng hôm sau, vợ chồng tôi (soạn giả Nguyễn Phương) hay tin nên đến ngay nhà bà Bầu Thơ. Bà rất buồn, nói như lạc giọng: “Chú thím Ba, Thanh Nga bị bắn chết rồi. Chú thím ra Bệnh Viện Sài Gòn thăm cháu.” Cô Thanh Lệ, vợ của Hữu Thìn (anh ruột của Thanh Nga) cùng đi với chúng tôi. Khó khăn lắm chúng tôi mới vô bệnh viện được vì dân hiếu kỳ đứng nghẽn cả lối vô. Nhân viên bệnh viện đưa chúng tôi vô phòng lạnh, kéo hai hộc sắt đựng xác ra để chúng tôi nhìn.
Thanh Nga nằm hộc trên, khi kéo hộc ra thì tóc cô đổ xõa dài xuống chấm đất, đen mượt như dòng suối đen. Thanh Nga đã được chị Ngọc Nuôi đánh phấn, thoa son, hóa trang như đang trình diễn trên sân khấu. Nét mặt của Thanh Nga vẫn đẹp, đôi mắt nhắm lại như đang trong giấc ngủ bình yên. Cô được chị Ngọc Nuôi và bà Sáu đồ hội thay cho mặc bộ y phục Thái Hậu Dương Vân Nga y như đã mặc trên sân khấu đêm rồi, trước khi bị sát hại. Ông Phạm Duy Lân, chồng của cô nằm hộc dưới, nét mặt còn lộ vẻ kinh hoàng. Ông đã được thay bộ âu phục đen, thắt cà vạt sọc xanh trắng.
Các cô Kim Cương, Ngọc Nuôi, Liễu Thuận, vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Giang–Kim Giác, anh Văn Ngà, cô Năm Hay (em ruột bà Bầu Thơ) và vợ chồng tôi nghe anh Cát, tài xế của ông Lân kể lại diễn biến thảm cảnh đêm rồi. Anh Cát nói xe về tới nhà ở đường Ngô Tùng Châu, khi anh mở cửa xe bước ra thì một người lạ mặt đánh một báng súng vô ót anh rồi xô anh té chúi trở vô xe. Anh còn nghe tiếng cửa xe bên kia mở, tiếng khóc thét của Cúc Cu (tên gọi trong nhà của cháu Phạm Duy Hà Linh), tiếng la lớn của cô Thanh Nga: “Buông con tôi ra! Buông con tôi ra!” và tiếng của ông Lân la rất lớn: “Bớ người ta… cướp! Cướp!”, tiếp theo đó là hai phát súng chát chúa… Hai kẻ sát nhân bắn xong, có tiếng nói: “Xong rồi! Thôi bỏ đi mày”. Chúng phóng lên xe gắn máy Honda, chạy về hướng Sài Gòn.
Ông Phạm Duy Lân chết liền tại chỗ, nằm gục xuống đất, gần cửa sau xe, viên đạn trúng tim. Thanh Nga cũng bị bắn bên ngực trái, gần phía trái tim. Cô được chở bằng xe xích lô đạp đi bệnh viện Sài Gòn cấp cứu nhưng xe xích lô đến trước tiệm bán cơm chay Vạn Lộc, ngang ga xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho thì cô Thanh Nga tắt thở.
Cơ quan công an cộng sản và báo Sài Gòn Giải Phóng loan tin là “tàn dư Ngụy quân” đã thanh toán nữ nghệ sĩ Thanh Nga (vì) đã theo cộng sản, hát tuồng nói xấu và chửi sĩ quan Ngụy”. Đọc báo Sài Gòn Giải Phóng, nghe thông cáo như vừa kể, các nghệ sĩ đều biết là lời bịa đặt của nhà cầm quyền vì hát tuồng Tiếng Trống Mê Linh và tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga thì đâu có can gì đến quân đội và chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa mà có “tàn quân” được phái đến trừng trị Thanh Nga. Thêm nữa làm sao mà có đám người dám tổ chức ăn mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ bắn chết Thanh Nga theo án lịnh đưa xuống như thông cáo của ông thứ trưởng Bộ Công An Cộng Sản?
Họ thấy dân và nghệ sĩ không tin lời bịa đặt đó nên vài tháng sau, Sở Công An thành phố cho tin đăng báo là đã bắt được tổ chức bắt cóc trẻ em để làm tiền cha mẹ. Nhóm bắt cóc đó có 6 người, sau khi bắt cóc Hà Linh không thành, chúng đã giết Thanh Nga và Phạm Duy Lân. Tòa Án “Nhân Dân” thành phố xử tử hình Nguyễn Văn Tân và Nguyễn Văn Đức, hai thủ phạm đã bắn Thanh Nga và Phạm Duy Lân.
Lễ an táng Thanh Nga và Phạm Duy Lân được tổ chức long trọng tại nhà Hội Nghệ Sĩ ở số 81 đường Nguyễn Văn Trỗi (tức đường Mac Mahon cũ), người đến viếng tang, chia buồn và tiễn đưa linh cữu của Thanh Nga và Phạm Duy Lân đến nơi an táng ở Nghĩa Trang Nghệ Sĩ ở Gò Vấp đông đến vài chục ngàn người. Dòng người đưa linh cữu đi nghẹt mặt đường Võ Thị Sáu (đường Hiền Vương cũ), hàng đầu đến ngã tư quẹo sang đường Đinh Tiên Hoàng Đakao, đuôi dòng người chưa rời khỏi trụ sở Hội Nghệ Sĩ ở đường Nguyễn Văn Trỗi.
Dầu thông cáo của Sở Công An thành phố và báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin, hướng dẫn dư luận nhưng đại đa số dân chúng và nghệ sĩ đều nghĩ là có bàn tay tàn bạo của Cộng Sản Trung Quốc trong vụ án này. Thử nhớ lại hoàn cảnh đất nước lúc đó ra sao? Năm 1977 có chuyện Nạn Kiều ở Hải Phòng, Sài Gòn, Chợ Lớn, các tỉnh Mỹ Tho, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Người Tàu bị buộc phải rời Việt Nam, hồi hương về Tàu. Sau đó có chuyện Trung Quốc viện trợ vũ khí và cố vấn cho Khờ Me đỏ, quân đội và dân Miên vào các làng gần biên giới Việt Miên, chặt đầu, mổ bụng dân Việt Nam, tấn công các tỉnh Châu Đốc, Trà Vinh, Sóc Trăng và ở tỉnh Tây Ninh phía Nam Việt Nam. Trên biên giới phía Bắc, quân Trung Cộng phá hoại rừng, gây hấn, lấn chiếm.
Về mặt sân khấu cải lương miền Nam thì từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các đoàn hát tư nhân bị giải tán. Tháng 7 năm 1975, miền Nam mới được phép thành lập các đoàn hát cải lương tập thể. Từ khi được cho hát lại cải lương và tuồng cổ, Sở Văn Hóa Thông Tin đã tuyệt đối không cho hát tuồng “chống xâm lăng của quân Tàu” (như Nguyễn Huệ Bình Thăng Long, Trận Đống Đa, Nguyễn Trãi Biệt Đông Quan Thành…). Nhưng khi có rắc rối biên giới phía Bắc, có chuyện nạn kiều, và biên giới phía Nam bị Miên và cố vấn Trung Cộng đánh chiếm, tàn sát dân lành thì các vở tuồng chống xâm lăng Tàu được Sở Văn Hóa Thông Tin thành phố cho phép và khuyến khích. Các tuồng Lam Sơn Khởi Nghĩa, Tiếng Trống Mê Linh… được hát.
Trong lúc diễn tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, chiến tranh biên giới Tây Nam đang đến hồi quyết liệt, toàn quân và dân đang tất bật vào trận. Trong tình hình đất nước bị Trung Cộng xâm phạm biên cương phía Bắc và bọn tay sai của Trung Cộng là Khơ Me đỏ tấn công biên giới Tây Nam, từng lời từng động tác hào hùng của Thanh Nga trong vai Thái Hậu Dương Vân Nga là lời động viên thanh niên nam nữ Việt Nam quyết hy sinh chiến đấu để bảo vệ quê hương. Giặc bành trướng Tàu Cộng tưởng là giết Thanh Nga là dẹp đi tiếng nói yêu nước của nữ nghệ sĩ Thanh Nga, đó là gián tiếp đàn áp lòng yêu nước của thanh niên nam nữ Việt Nam. Nhưng chúng đã lầm.
Hành động đưa tiễn vợ chồng Thanh Nga về nơi vĩnh cữu là biểu thị của tấm lòng hàng trăm ngàn người quyết noi theo lòng yêu nước chống xâm lăng. Nhà cầm quyền Cộng Sản vì là tay sai của Tàu Cộng hay vì sợ mất ngôi vị độc tôn ở trong nước nếu xa rời sự che chở của quan thầy Trung Cộng nên nói trớ ra là Thanh Nga bị bọn bắt cóc con của Thanh Nga không thành nên giết Thanh Nga.
Người ta ai cũng biết là Thanh Nga và chồng cùng bị bắn mỗi người một phát súng vào tim, chính là hành động của bọn ám sát chuyên nghiệp, sau khi thấy dư luận dân chúng không tán thành kết luận của Sở Công An thành Hồ, thủ tướng Võ Văn Kiệt ban tặng cho Thanh Nga và gia đình Thanh Nga bằng Liệt Sĩ. Nghĩa là ông thủ tướng chánh phủ đã xác nhận là vợ chồng Thanh Nga chết như một chiến sĩ hy sinh vì nước. Ông cũng đã vô tình xác nhận là nhà cầm quyền Cộng Sản và báo chí Cộng Sản chuyên môn nói dối, bưng bít sự thật.”

https://www.facebook.com/dxgkmch/posts/pfbid0Fm9jt9vBy4q84VEY3RGWzdu6PmZanESVeEeWC8ZmGKAMK4n3vKu4sHdSEeAmPy3Tl