TẠI SAO PHẢI GIÀNH MUA GIẤY VỆ SINH? (Peter Chánh Trần # Lúa Mười)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(Bài cũ năm ngoái)

May be an image of indoor and text that says 'SmartBidet'

May be an image of indoor

TẠI SAO PHẢI GIÀNH MUA GIẤY VỆ SINH?
Thời buổi dịch VC (Virus from China), người ta ùn ùn giành giựt mua đồ phát khiếp. Giành giựt gạo, đồ ăn khô, khẩu trang, thuốc sát trùng,… còn hiểu được. Nhưng giấy vệ sinh mà cũng giành giựt là một chuyện phi lý đến khó hiểu. Một clip quay ở Canada gì đó, có hai bà Mễ quánh một bà Mỹ đen vì giành mua giấy. Cảnh sát phải bắt bỏ bót chờ hầu toà!
Giấy vệ sinh thôi mà quan trọng dữ vậy sao? Ờ! Với người Việt chuyên ỉa trịnh, thì giấy chả có gì quan trọng, nhưng với người dân tóc vàng mũi lõ, thì là chuyện vô cùng, vô cùng quan trọng.
Rồi! ai thích chuyện tào lao thì bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc ra đi”. Vừa nhâm nhi, vừa đọc chuyện đệ tứ khoái lạc của đời người, cho quên nàng Cúm Tàu vài phút. Chán cứ nghỉ. Tui viết mệt cũng nghỉ.
Viết mấy bài về chính trị, thiên hạ kẻ yêu người ghét, phát mệt. Đổi đề tài. Hôm nay tui viết chuyện đồng quê, và chuyện cái cầu tiêu rửa bằng nước thay giấy (bidet toilet).
1. Sạch dơ?
Ở VN, hồi còn nhỏ, tui không biết đôi giày, đôi dép. Cho đến khi lên Đệ Thất, ra thành học, mới biết đến nó. Giày dép nào chịu thấu cái xứ đường đất, mưa một cái là sình ngập tới ống quyển! Đi chưn không còn “chụp ếch” chỏng gọng, giày dép nào chịu thấu. Sau 75, thấy mấy chữ “té sml” du nhập từ cái xứ “một ký rau muống bổ tương đương một ký thịt bò”! Tui nghe cũng hiểu, họ muốn diễn tả cái gì, nhưng vẫn thích từ “té chỏng gọng” của dân miền Tây hơn. Không chụp ếch thì có khi trợt một cái, đưa cả bốn vó lên trời! Nói té đưa bốn cái càng cua lên trời cũng là một từ tượng hình khác! Tóm lại, dân thành thị mà về quê vào mùa mưa, tui bảo đảm sẽ bị té lăn cù lăn chiêng hơn 36 kiểu, không có cuồn phim Kodak nào đủ để chụp!
Mấy người sống ở thành thị thích làm thơ, viết văn, hết lời ca ngợi cảnh đồng quê, nghe rất là thơ mộng. Cho họ về lội ruộng, đi chân đất, chỉ một lần là chạy toé khói trở về thành phố. “Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ! Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, miệng ta hát ngêu ngao…..” Nghe đã gì đâu! Thử cho cái cha nhạc sĩ đó (quên tên) đi chăn trâu một bữa, vào ngày mưa dầm không thấy ánh mặt trời, bị bù mắt nó cắn cho sưng mặt mày như thủ vĩ lợn, coi có dám xúi dại người ta đi chăn trâu nữa không cho biết! Đời này mộng và thực khác xa lắm. Có sống trong miền quê mới thấy thương dân quê đến nát trái tim!
Ở quê, con nít nào cũng vậy, cứ chân trần chạy rong khắp xóm. Đạp mìn (cứt gà, cứt heo, cứt chó, đủ loại cứt) cũng kệ con bà nó. Siêng thì xuống đầu cầu ở mé sông, thò chân xuống nước quơ qua, quơ lại, vài cái. Làm biếng hay mê chơi, cứ chạy tiếp, một hồi nó cũng dính hết xuống đất, chân lại sạch! Đất đầy cứt. Dậm chân lên đất khác gì dậm vô cứt, chỉ khác là cứt cũ và cứt mới thôi! Mìn đầy đường, khắp mọi nơi vì nhà nào cũng nuôi heo, chó, gà vịt,… thả rong, đạp hoài riết quen, hơi đâu mà rửa! Tối ngủ cứ thò chân xuống giường rồi hai chân phủi qua phủi lại vài cái chiếu lệ, xong rút chân lên giường tỉnh queo. Khò một giấc ngon lành tới sáng! Cứ nghĩ nó không có gì dơ, chỉ là đất, thì không dơ thôi! Con nít mà!
Không chắc gì mấy đứa trẻ thành thị tối ngày mang dép, chân trắng bóc, sạch trơn, thơm phức, leo lên giường với chăn êm nệm ấm, mà ngủ ngon hơn trẻ nhà quê đâu! Tui vẫn lớn lên như thổi, mạnh khoẻ như trâu cui! Mấy đứa trẻ thành thị kỹ như tiên, chưa chắc gì không bịnh rề rề à! Lý lẽ của Mười Lúa hồi nhỏ nó cứ như vậy!
Sẵn nói chuyện sạch dơ, để tui viết thêm một chuyện có thật.
Hồi nhỏ, tui chính mắt thấy mấy ông lái heo lấy tay bốc cứt heo từ trong tàu quăng xuống sông tỉnh bơ! Bốc bằng tay như bốc cục đất, một cách tự nhiên, không hề tỏ ra ghê gớm gì hết! Phát ói! Hỏi ổng:
– Bộ chú hỏng biết ghê cứt heo sao lấy tay bốc vậy? Sao hỏng lấy bẹ chuối hay lấy cây gấp bỏ?
Ông ta trả lời tỉnh bơ:
– Mày có thấy má mày lấy tay rửa đít cho mày không? Cứt heo chỉ có cây chuối sắt nhỏ, trộn chút cám, đâu có dơ như cứt của mày! Tao mua heo cả chục con một ngày. Con nào trói lại bỏ xuống ghe cũng ỉa vài lần! Hốt kiểu của mày nói, hốt tới chừng nào cho xong mậy? Hốt xong, tao khoát nước rửa tay, cũng giống má mày rửa tay sau khi rửa đít cho mày vậy thôi!
Thằng nhỏ hết ý kiến! Cái ông lái heo nhà quê nói hoàn toàn có lý! Sau khi ông ta rửa tay, thì tay ông ta cũng sạch, cũng có thể bốc đồ ăn bỏ vô miệng, giống y như má tui cho tui ăn, mà tui có ghê ghiếc gì đâu! Tại sao? Bởi vì tui thương má tui. Má tui làm cái gì tui cũng không thấy ghê hết!
Tui viết một chuyện có thiệt 100% nữa nè.
Trời sắp mưa. Bà chị réo thằng em:
– Mày ra sào quần áo ngoài sân gom hết đồ vô liền để trời mưa ướt hết!
Thằng bé ngừng chơi, mau mau chạy ra lấy đồ trên sào đem vô nhà. Tay phải lấy, nhét qua cánh tay trái để ôm vô cho khỏi rớt. Món nào nó cũng làm cùng một động tác, nhưng tới cái quần sa-teng của chị nó, nó sựng lại một giây rồi cẩn thận nắm bên hong của cái ống quần để lôi xuống, chớ không hốt đại như những món khác. Nó sợ bốc trúng vô chỗ ngã ba, nơi mà người ta hay nói là dơ dáy. Tới cái quần lót nhỏ xíu, hình tam giác, rất lạ lùng của chị nó, làm cho nó nhăn mặt. Nó hết sức cẩn thận, dùng ngón cái và ngón trỏ nhíu một chút xíu ở chổ dây thun chớ không dám dùng cả bàn tay để cầm! Nó nhẹ nhàng để cái quần lót “ghê gớm” đó tận cùng, xa cái mặt nó nhứt, rồi chạy nhanh, quăng thật lẹ lên bộ ngựa!
Cái quần sa-teng và cả cái quần lót của chị nó được giặt sạch sẽ, kỹ lưỡng như những cái quần cái áo phơi trên sào. Nghĩa là độ sạch như nhau. Vậy cái ghê, cái ý tưởng dơ dáy từ trong đầu thằng bé, là do ai đó gieo vào. Thí dụ: chui dưới cái sào phơi đồ sẽ ngu, sẽ học không thuộc bài, vì sào phơi quần đàn bà,… Đó là cái dơ tâm lý chớ không phải vật lý.
Nó đâu có biết rằng khi nó lớn lên, tới tuổi mê gái, không những nó sẽ không ghê những thứ đó của người con gái nó yêu thương, mà nó sẽ còn làm nhiều chuyện “động trời” hơn là đụng tới cái quần của chị nó bây giờ! Ai hiểu xa hơn, suy diễn sao cứ tự nhiên, tội ráng chịu, tui chỉ viết tới chỗ này thôi!
Một chuyện nữa. Cái bô đựng đầy phân và nước tiểu, thì 100% là dơ dáy. Vậy có ai mua cái bô mới tinh từ chợ đem về, chưa từng xài qua, mà dám đem nó đựng canh để dọn lên bàn ăn cho cả nhà thưởng thức không? Ói hết chớ ăn uống gì! Cái bô chưa xài thì 100% là sạch y chang cái tô sành đựng canh thôi. Sạch vật lý. Nó dơ là tại vì cái đầu người ta, là cái tâm lý, chớ không phải dơ vật lý, đúng không?
Ra đường, có bà nào đó nói năng nước miếng văng tùm lum, phát ớn! Không muốn ngồi gần là chuyện hiển nhiên. Nước miếng dơ, đầy vi trùng, cả tốt lẫn xấu trong đó, là sự thật. Nên biết, cái miệng con người ta có chứa nhiều vi trùng, dơ gấp trăm lần chỗ “rất riêng tư” của phụ nữ, là chuyện khoa học nói, chớ không phải Mười Lúa tui phang đại đâu! Nhưng, nhưng làm sao? Nhưng khi bà ta về nhà, ông chồng bà ta ôm vợ hun thắm thiết, có ghê gì đâu! Chuyện “đá lưỡi” chùn chụt với vợ, là chuyện nhiều hơn cơm bữa, mà ông ta tận tình thưởng thức, chớ có ghê gớm bao giờ! Có nghĩa là khi yêu thì sạch hay dơ không có ranh giới. Coi bọn tây phương nó “thương” nhau trên giường thì biết.
Dơ hay sạch, có khi chỉ là tương đối, tuỳ theo cái não trạng của từng người. Nói vậy để biết tại sao con nít nhà quê, cứ hai chân phủi qua phủi lại mấy cái rồi rút lên, đắp mền ngủ ngon lành. Bởi vì không có ai ở trong quê nói cho nó biết làm như vậy là dơ, là ghê gớm…. Có vẻ triết lý ba xu rưỡi rồi!
Biểu một học sinh nếm phân gà để rèn luyện sự can đảm, là chuyện ác ôn, phản giáo dục, vì rõ ràng phân gà dơ dáy và đầy vi trùng. Con nít đều biết cứt gà là dơ, nhưng cái đám già nói là không dơ, biểu nó nếm thử. Nó tin người lớn nên cho là không dơ. Cái “không dơ đó” là không dơ tâm lý chớ không phải không dơ vật lý! Lại triết lý ba xu nữa! Chỉ có bọn khỉ Trường Sơn mới nói phân gà không dơ và biểu con nít nếm thử!
Chuyện sạch dơ “luận” tới đây được rồi.
Tui kể chuyện mình lớn lên trong làng quê Việt Nam, các con tôi không thể tin. Nhìn gương mặt của chúng, biết chúng không dám nói ra, nhưng thế nào cũng nghĩ trong bụng: “Ew! Ba ở dơ như mọi!” Các con tui chưa có đứa nào từng đi chân đất. Chưa từng đạp mìn bao giờ. Chúng chỉ cởi giày vọc cát ở bãi biển thì có. Bờ biển Mỹ không một miếng rác. Cát và nước biển vừa sạch vừa vui, ghê gì mà ghê. Con nít Mỹ nó vậy. May mắn hơn ba của chúng nó nhiều.
2. Bidet toilet.
Giờ nói chuyện giấy vệ sinh và cầu bidet.
Trong quê, tui chưa hề thấy có nhà nào bỏ tiền mua giấy vệ sinh. Có thể cả xóm tui, thời đó, chưa có ai biết xài giấy vệ sinh bao giờ. Mà cũng đâu có thấy ai chết chóc gì đâu! Người ta có gì xài nấy. Có giấy nhựt trình (giấy báo) hay giấy tập học trò, là sang trọng không ai bằng. Cứ hai tay vò vò vài cái cho miếng giấy nhăn, mềm một chút, là xài được! Không có giấy nhựt trình hay giấy học trò thì sao? Cây bình bát mọc bên mương cá vồ kia kìa! Nó thê thảm nhứt, vì bị “khách vãng lai” bứt từ lá già tới lá non để hoàn tất công đoạn sau cùng của đệ tứ khoái. Lá non chùi lỡ mạnh tay có khi nó bị rách, bị lủng! Có sao! Sau đó xuống sông khoát nước rửa tay cũng êm thôi. Giống mấy bà nhà quê rửa đít cho đám con mỗi ngày năm ba lần vậy! Chết chóc gì bả? Ra đồng, thì rơm rạ là thượng sách! Mùa nước nổi, thì ruộng đồng mênh mông nước, một mình một cõi, cứ tự động khoát nước rửa chỗ đó chừng nào đã đời thì thôi! Giữa đồng trống, không rơm, cũng không nước thì sao? Cũng không làm khó được dân quê đâu! Cỏ, đất, nhánh cây,… whatever you can find around you, use it! Chiều về nhà, nhảy ùm xuống sông tắm, rửa kỹ lại chỗ đó, êm trân!
Người Tây phương khác xa VN quê hương anh hùng, 24/24 “ngạo nghễ” của tui dữ lắm. Từ lúc cha sanh mẹ đẻ họ đã xài tã, xài giấy vệ sinh rồi. Họ chưa từng nghe hay thấy ai chùi đít hay rửa đít kiểu VN! Biểu họ dùng giấy, lá cây, rơm rạ, hay dùng tay khoát nước chà rửa chỗ đó hả? Thà họ đi chết sướng hơn!
Biểu họ bắt chước người Nhật dùng bidet toilets (cầu tiêu có vòi xịt nước để rửa)? Họ nói: Chưa tới lúc! Không thèm!
Nhật đất hẹp, dân đông, rừng ít, biển nhiều, dùng phương tiện giao thông từ các nước khác để mua giấy rất tốn kém,… cho nên họ phát minh ra cầu tiêu rửa nước, thổi hơi để sấy khô, thay cho giấy.
Cầu tiêu bidet toilet với những công dụng của nó vô cùng tối tân. Vòi nước di chuyển tới lui, muốn nhắm ngay mục tiêu nào cũng được. Đàn ông chỉ cần rửa một chỗ. Mấy bà ngoài việc rửa chỗ cần rửa, nhân tiện muốn rửa luôn “chỗ kia” cho mát một chút, cũng có luôn! Cứ bấm nút là vòi nước sẽ đưa tới nơi tới chốn. Chỉnh cho tới khi nào nó phun trúng ngay mục tiêu mới thôi. Muốn xịt mạnh, xịt nhẹ, muốn xịt thẳng hay xoay qua xoay lại cho vui, được luôn. Muốn nước lạnh, nước ấm, nước nóng, có hết. Rửa xong, ấn nút, nó thổi hơi sấy khô, khộng cần tới giấy. Bàn cầu cũng chỉnh được nhiệt độ từ thấp đến trung bình hay nóng ran. Mà hay một cái là khi mình đặt bàn toạ xuống là nó biết liền, mới bắt đầu nóng. Tất cả chỉ là một cái ấn nút nhẹ nhàng trên cái control rời, hay gắn dính vào bàn cầu.
Còn một cái lợi vô cùng to lớn mà những ai từng đau khổ triền miên vì chứng bịnh trĩ ác ôn, không thể không mua cho mình một cái bidet toilet. Bình thường bị trĩ hành thì mặt mày đã nhăn như khỉ ăn ớt, chân không khép lại được, nên đi hai hàng rất khó coi rồi. Mỗi bước đi là mỗi nhát dao ghim vào chỗ đó! Mỗi lần làm chuyện đại sự, cơ vòng bung ra hết cỡ, thì nỗi đau tăng gấp 10! Dùng giấy vệ sinh tốt để chùi, nỗi đau sẽ tăng gấp 100! Dùng giấy nhựt trình, giấy học trò, cho dù có vò kỹ đi nữa, thì nỗi đau sẽ tăng gấp 1000! Ở Mỹ, chỉ có hiệu giấy Charming ultra soft là chọn lựa tốt nhứt cho quí vị bị căn bịnh quái ác này. Ai từng đau khổ triền miên vì chứng bịnh “mọc đuôi”, nghe tui diễn nôm đôi dòng là tin liền. Mua cầu bidet toilet, mọi đau khổ sẽ giảm xuống tới không độ. Đó là giải pháp có một không hai.
Những ai bị táo bón kinh niên mà xài bidet thì coi như “đổi đời”, từ mặt đỏ tai tía khi chùi giấy, sẽ cảm thấy yêu đời, yêu người, yêu nhất cái vòi nước vừa ấm, vừa massage chỗ nghiệt đó một cách vô cùng chuyên nghiệp.
Người Mỹ nào từng đi Nhựt du lịch, bảo đảm họ sẽ thay đổi từ chuyện xài giấy sang bidet toilet để tận hưởng lạc thú của cái đệ tứ khoái một cách trọn vẹn.
Tuy nhiên cũng có chút trở ngại. Vì họ quen xài giấy, cho nên dù Home Depot, Lowe’s, Costco,… đều có bán bidet toilet khá nhiều, nhưng nó vẫn chưa trở thành thông dụng. Chính vì nó chưa thông dụng, cho nên nhà cửa ở Mỹ chưa gắn ổ cấm điện phía sau toilet. Như vậy khi mua về, điện đâu mà nối? Kéo dây điện lòng thòng từ chỗ khác thì coi mất thẩm mỹ. Kêu thợ điện đến gắn thì nó tính tiền công mờ con mắt! Thôi thì cứ giấy ta xài. Xứ Mỹ rừng bạt ngàn, giấy tràn ngập, giá rẻ như bèo, cứ xài giấy cho khỏi mất công hao suy nghĩ! Chưa tới lúc họ cảm thấy cần phải xài cầu bidet như Nhựt. Đó là lý do món hàng này vẫn chưa thông dụng, nếu không muốn nói là ế nhệ!
Tui đã xài bidet toilet từ rất lâu rồi. Không cần mua nguyên cả toilet đâu. Chỉ mua bidet toilet seat (bàn cầu), rồi gắn lên bồn cầu có sẵn trong nhà. Hình tròn, hình oval, màu trắng, màu ngà, có hết. Bàn cầu giá cả không chết người đâu. Chừng $200 USD là có đầy đủ mọi công dụng (funtions) kể trên.
Gắn ổ điện cũng dễ ợt. Không cần thợ điện chi cho nó khứa cổ lột da mình. Tốn khoảng $10 đến $20 tiền mua dây điện và vật dụng thôi. Chỉ cần trình độ phổ thông, biết căn bản về điện: dây nóng, dây lạnh, mạch kín, mạch hở (công tắc), là làm được.
Phòng vệ sinh trong nhà lúc nào cũng có công tắt điện ngay cửa. Nếu nó gần bồn cầu, thì khoét vách tường cho ổ điện mới rồi kéo dây điện xuống. Không có thì tìm cách khác: Nhà vệ sinh bên Mỹ thường chung vách tường với một hay nhiều phòng khác. Coi vách tường của phòng nào có ổ điện gần bồn cầu (phía sau bồn cầu là tiện nhứt), thì khoét tường, kéo điện qua phòng vệ sinh và gắn ổ điện mới. Dễ như ăn cháo nguội!
Bí, không biết hay không dám làm thì kêu thợ. Bấm bụng cho nó ăn tiền một lần. “Người không biết trả tiền cho người biết”, là chân lý, thắc mắc chi! Khỏi mua giấy, trong lâu dài tiền tiết kiệm đó gấp mấy lần tiền trả cho thợ điện, nên lời chán.
Ở Mỹ, order online nó ship next day. Tốn chưa tới $20 USD vật dụng để tự làm một ổ cắm điện, nào có khó khăn gì? Nhà tui chỉ tốn tiền gạo, lương khô, thịt cá,… chớ không hề lo đến giấy vệ sinh trong mùa dịch. Dĩ nhiên là không cần canh me, không cần tranh giành đi mua giấy với mấy con mẹ Mỹ đen mạnh hơn trâu, hay mấy con mẹ Mễ mập thù lù làm chi cho nó quánh u đầu sứt trán! Giành sao lại, quánh sao lại tụi nó!
Xài bidet toilet là sang trọng, văn minh, và nó còn tiện lợi vô cùng mà ít có nước nào chịu thử. Cứ một mực xài giấy. Qua trận dịch này, may ra họ sẽ thay đổi dần.
Tại sao phải giành giựt mua giấy vệ sinh? Tại sao không chọn cách khác vừa tiện, vừa tiết kiệm, lại tăng cảm giác khi phải làm công việc vệ sinh thường ngày? Mua ngay bidet toilet hay chỉ bidet toilet seat là sẽ yêu đời, ngủ ngon giấc. Giống quảng cáo không công cho mấy đứa sản xuất bidet toilet seat quá rồi! Tui nghỉ.
Peter Chánh Trần