TẠI SAO CÓ BẠO LOẠN Ở HOA KỲ ? (Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cựu Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng ra mắt sách ‘Thác Lũ-Mưa Nguồn’

Giáo sư NGUYỄN LÝ TƯỞNG trong buổi ra mắt sách THÁC LŨ MƯA NGUỒN tại Nam California (April, 17-2016)  

TẠI SAO CÓ BẠO LOẠN Ở HOA KỲ ?

Paltalk July 01 2020 : Diễn giả Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng:

CHÍ TẠI CAO SƠN, CHÍ TẠI LƯU THỦY

(Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng)

Lời mở đầu Diễn dàn Paltalk/Facebook tối Thứ Tư 01 July 2020
của Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng

Đã lâu rồi, hôm nay tôi mới có cơ hội gặp lại các bạn trên Diễn Đàn này. Tôi xin nhân cơ hội này, được phép nói lên tâm sự của tôi. Tôi nay đã hơn 80 tuổi, không còn cơ hội trở lại hoạt động như thời còn trẻ…Tôi nhớ năm 1940 cụ Huỳnh Thúc Kháng đã hướng dẫn một số anh chị em gọi là đồng chí (cũng là những người có lòng ngưỡng mộ cuộc đời tranh đấu của cụ Phan Bội Châu) đến Bến Ngự (Huế) thăm cụ Phan đang nằm trên giường bệnh. Cụ Phan có đọc bài thơ như sau:

Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
Thiên hạ thùy nhân bất thức quân.

Bảy mươi tư tuổi trải phong trần,
Nay gặp bạn mới tinh thần hoạt hiện.
Những ước anh em đầy bốn biển,
Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian!
Sống xác thừa mà chết cũng xương tan,
Lấy gì đáp khúc đàn tri kỷ
Nga nga hồ 
chí tại cao sơn,
Dương dương hồ 
chí tại lưu thủy.
Đàn Bá Nha mấy kẻ thương âm,
Chung Kỳ chết ném cầm không gãy nữa.
Nay tử thần đang chờ ngoài cửa,
Có vài lời ghi nhớ để về sau.
Khuyên đàn hậu tử tiến mau.

—(Cụ Phan Bội Châu)

Thưa các bạn tham gia Diễn đàn,
Hơn sáu mươi mấy năm, kể từ khi tôi biết đến bài thơ nầy của cụ Phan Bội Châu, lúc đầu tôi cứ tưởng hai câu thơ chữ Hán mở đầu bài thơ là của cụ Phan. Nhưng sau nầy vào học Viện Hán Học rồi qua Đại học Sư Phạm, có trình độ Hán Văn kha khá, tôi mới biết hai câu thơ đó là của Cao Thích trong bài “Biệt Đổng Đại” (từ biệt người bạn tên là Đổng Đại) tất cả có bốn câu như sau:

Thập lý hoàng vân, bạch nhật huân
Bắc phong xuy nhạn, tuyết phân phân
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
Thiên hạ thùy nhân bất thức quân?

Nghĩa là:

Mười dặm mây hồng, trời sáng trong
Ngọn gió Bắc rét buốt thổi đến, khiến chim nhạn bay đi, tránh thời tiết mùa Đông
Đừng buồn vì trên đường anh đi không có bạn tri kỷ
Trong thiên hạ ai mà chẳng biết anh?

Đây là lời tiễn biệt một người bạn đi xa, có thể hiểu là dấn thân vào con đường tranh đấu. Hình ảnh này cũng là tâm sự của cá nhân tôi, đã sớm dấn thân vào con đường tranh đấu…Sau 30/4/1975, trải qua cuộc đời mấy lần tù tội dưới chế độ Cộng Sản – từ Nam ra Bắc – khắp các nhà tù – 3 lần bị cùm một chân trong nhà kỷ luật tại các trại tù cải tạo Hà Tây, Nam Hà, mấy tháng bị biệt giam tại nhà giam Hỏa Lò Hà Nội. Sau 13 năm tù lần thứ nhất (1975-1988) tôi được trở về Saigon vào dịp Tết 1988.

Nhưng bốn năm sau đó, tôi bị bắt lại lần thứ hai, bị kết tội “hoạt động lật đổ chính quyền” và bị biệt giam thêm 13 tháng (1992-1993) trải qua các nhà giam: 4 Phan Đăng Lưu (trước chợ Bà Chiễu, Gia Định), 3-C Bến Bạch Đằng Saigon (nay là đường Tôn Đức Thằng) rồi chuyển qua Khu Kiên Giam lao xá Chí Hòa (Saigon). Tổng cộng hai lần tù là 14 năm.

Từ khi 10 tuổi, tôi đã xa gia đình sau khi cha tôi bị Việt Minh (tức Việt cộng) bắt giam và chết trong nhà giam. Rồi đến anh tôi cũng bị Việt cộng bắt đày ra vùng núi Hà Tịnh. Anh tôi trốn về được, nhưng sau 5 tháng thì bị Việt Minh phục kích giết chết. Tôi mới 10 tuổi đã phải trốn ra khỏi nhà, bỏ quê lên thành phố (Tỉnh Quảng Trị) rồi vô Huế, vô Saigon…Gần mười năm lưu lạc tha phương. Năm 19 tuổi, trở về Huế, tiếp tục học, đậu Tú Tài – vô học Đại học Sư Phạm, Đại học Văn Khoa. Tây, Tàu, Mỹ tiếng gì cũng có học qua…sau này cũng học thêm tiếng Tây Ban Nha…

Sau biến cố 1/11/1963, tôi dấn thân vào con đường hoạt động chính trị, đấu tranh cách mạng, từ Quảng Trị đến Cà Mau, lên vùng Cao Nguyên, ra tới đảo Phú Quý (Phan Thiết), chỗ nào tôi cũng có mặt… Nhìn lại bản thân tôi giống như hai câu thơ mà Cao Thích tặng Đổng Đại (mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ, Thiên hạ thùy nhân bất thức quân). Mấy chục năm, tôi đi đến đâu đều có bạn bè, đồng chí…Năm 1994-1995, tôi và gia đình qua định cư tại Mỹ, lần đầu tiên tôi tham dự một cuộc họp mặt tại Houston, gặp lại hằng trăm anh chị em. Bài phát biểu của tôi, có nhắc lại mấy câu thơ cổ:

Tiền bất kiến cố nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc lân nhiên nhi lệ hạ

Nghĩa là:

Nhìn ra phía trước thì không thấy người xưa (chết gần hết hoặc đã bỏ cuộc hết)
Nhìn lại đàng sau thì không thấy ai (là kẻ nối chí của mình)
Nhìn ra trời đất thì mịt mù
Nhìn lại bản thân thì tủi thân tủi phận, nên hai hàng nước mắt tuôn rơi…

Hôm nay, tôi được mời tham gia diễn đàn…
Lứa tuổi của tôi (82) còn mấy ai dám lên cầm micro phát biểu?

Khát vọng Dân Chủ của Dân Tộc Việt Nam

Thưa các bạn trẻ đang theo dõi chương trình Paltalk hôm nay,
tôi xin được nói với các bạn mấy ý tưởng sau đây:

-Khát vọng Dân Chủ là khát vọng của toàn thể Dân Tộc chúng ta.
-Dân Chủ và Nhân Quyền phải đi chung với nhau:
 Không có Dân Chủ thì không có Nhân Quyền.

(1) Trong thế kỷ 18 có hai cuộc cách mạng quan trọng trên thế giới: Đó là cuộc cách mạng Dân Chủ tại Hoa Kỳ đã khai sinh ra Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm 1776. Mười ba tiểu bang đầu tiên đã tuyên bố độc lập, thoát ra khỏi sự cai trị của đế quốc Anh. Nhờ sự đoàn kết sau chiến tranh Bắc Nam, nước Mỹ đã trở nên cường quốc số một trên thế giới và chế độ Dân Chủ tại Hoa Kỳ đã tồn tại cho đến ngày hôm nay với một Hiến Pháp do các nhà Lập quốc xây dựng từ năm 1776 đến nay đã được 244 năm.      

(2) Cuộc cách mạng thứ hai tại Pháp năm 1789, lật đổ chế độ quân chủ, thành lập chế độ Cộng Hòa. Nhưng vì người Pháp không có tinh thần đoàn kết bảo vệ Hiến Pháp, xây dựng đất nước như người Mỹ nên chừng mấy chục năm sau, chế độ Cộng Hòa Pháp sụp đổ và Napoléon Bonaparte đã dẹp bỏ chế độ Cộng Hòa tái lập chế độ Quân Chủ rồi sau đó, là Louis Philippe, rồi dân Pháp lại lật đổ vua để trở lại chế độ Cộng Hòa…Trải qua hơn 200 năm, nước Pháp thay đổi chế độ Cộng Hòa đến mấy lần. Và hiện nay chế độ Cộng Hòa Pháp đang lung lay…

Xintrở lại hoàn cảnh của Dân Tộc Việt Nam chúng ta:
Dân tộc Việt Nam chúng ta đã trải qua hai thời kỳ đen tối

(a) Từ 1962 đến 1945: Việt Nam bị người Pháp cai trị,
     dân tộc ta cam chịu thân phận nô lệ ngoại bang…

(b) Từ 1945 đến nay: Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản độc tài, chiến tranh huynh đệ tương tàn, dân tộc ta phải sống trong vòng nô lệ, làm tay sai cho cộng sản Nga, Tàu. Từ thế ký 18 trở về trước, cả thế giới Đông cũng như Tây, chưa nghe nói đến chệ độ Dân Chủ, chưa nơi nào có chế độ Dân Chủ. Nhưng người Âu Châu vẫn có câu nói “Ý Dân là Ý Trời” (Vox populi, vox Dei) và người Á Châu có cũng có câu “Dân Vi Quý, Xã Tắc Thứ Chi, Quân Vi Khinh”. Dù cho dân Việt Nam phải sống dưới chế độ Quân chủ độc tài đi nữa thì nhà vua cũng phải tôn trọng nguyện vọng của đa số dân chúng.

Người ra làm chánh trị, lãnh đạo dân với mục đích mưu cầu hạnh phúc cho dân. Muốn làm cho dân giàu nước mạnh thì phải tôn trọng ý dân. Luật pháp chỉ có giá trị khi người thi hành luật pháp là để bảo vệ cho người dân. Trong chế độ quân chủ ngày xưa, vua là con Trời, thay Trời để cai trị muôn dân. Dân có bổn phận trung thành với vua, và vua cũng có bổn phận lo cho dân được no ấm, được có đời sống an lành, được sống trong một xã hội ổn định, có trật tự.

Vua phải sống theo “đạo Trời”, nghĩa là phải làm tròn bổn phận của mình, bổn phận mà ông Trời trao phó là lo cho dân. Cứ ba năm một lần, vua phải tế Trời, vua phải đến một nơi ở phía Nam kinh thành (gọi là Nam giao) ăn chay, tĩnh tâm, xét mình có làm tròn bổn phận mà ông trời giao phó hay không? Hễ thấy điềm trời như thiên tai, bão lụt, bệnh dịch hoành hành làm khổ cho dân, thì nhà vua cho đó là điềm trời cảnh cáo mình nên vua phải xét lại đường lối cai trị, chính sách của nhà nước, chủ trương của triều đình có gì sai lỗi hay không?

Tuy gọi gọi là chế độ “quân chủ phong kiến”, nhưng trong xã hội không có sự phân biệt giai cấp. Nhà vua mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài ra giúp nước. Con nhà nghèo, con nhà bình dân mà thi đậu vẫn được ra làm quan. Một anh học trò con nhà nghèo, mới đêm hôm trước còn ngủ nhà trọ hay ngủ ngoài đình, ngoài chợ…Hôm sau nghe rao bảng, có tên trong danh sách đậu cử nhân thì vẫn được ra làm quan giúp nước, thay vua cai trị dân, có quyền lãnh đạo, có quyền xét xử…

Luật pháp nước ta vào thế kỷ 15, thời vua Lê Thánh Tông (gọi là luật Hồng Đức) vẫn có những điều luật rất tiến bộ nhằm bảo vệ quyền lợi của người, đặc biệt là quyền lợi của người phụ nữ .

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà cách mạng Việt Nam, những nho sĩ trí thức yêu nước đã tiếp xúc được với tư tưởng dân chủ Tây phương của Montesquieu, Jean Jacques Rousseau, Voltaire qua sách vở của các nhà tân học Trung Hoa, Nhật Bản viết bằng chữ Hán. Cụ Tiểu La Nguyễn Thành, người Quảng Nam, được xem như là người đầu tiên trong số các nhà Nho (vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) được tiếp xúc với tư tưởng dân chủ Tây phương.

Hai nhà ái quốc Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu cũng đã đề cập đến “quân trị chủ nghĩa” và “dân trị chủ nghĩa”…so sánh giữa chế độ quân chủ và chế độ dân chủ. Lúc đầu chỉ có Phong trào vận động duy tân noi gương nước Nhật…nhưng từ những thập niên 1920-30, trí thức Việt Nam mới đứng ra thành lập các đảng cách mạng Việt Nam, chủ trương tranh đấu để thực hiện một chế độ dân chủ cho Việt Nam.

Nói tóm lại: Khát vọng dân chủ là khát vọng của dân tộc ta, cho đến thời điểm 1945, trong thế chiến thứ hai, khi quân Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương (ngày 9 tháng 3 năm 1945) thì khát vọng đó lên cao nhất. Cũng vì khát vọng đó mà khi Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19/8/1945 và lên tiếng yêu cầu Hoàng dế Bảo Đại thoái vị thì nhà vua đã dáp ứng và nhắc lại tinh thần “Dân Vi Quý” trong tư tưởng Nho học qua chiếu thoái vị (25/8/1945).

Khi trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho Hồ Chí Minh, vua Bảo Đại đã nói rõ “yêu cầu ông Hồ thực hiện đoàn kết toàn dân, tôn trọng những người đối lập, không gây nên cảnh huynh đệ tương tàn”.

Nhưng sau khi cướp được chính quyền rồi, Hồ Chí Minh đã thực hiện một chế độ độc tài đảng trị, dựa vào sức mạnh và vũ khí của Nga, Tàu là hai nước đàn anh trong khối Cộng Sản Quốc Tế, bắt nhân dân ta hy sinh xướng máu, gây nên cảnh huynh đệ tương tàn để thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản, thực hiện một chế độ độc tài trên dân tộc chúng ta.

Trong lịch sử Việt Nam từ xưa tới nay, chưa bao giờ người dân bị đối xử tàn tệ, bị khinh miệt như trong chế độ Cộng Sản hiện nay. Do đó mà có những cuộc đấu tranh giữa những người quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ và những người Cộng Sản chủ trương độc tài, chủ trương tiêu diệt các quyền tự do dân chủ của con người vẫn còn tiếp tục.

Cuộc tranh đấu đó đã khởi đi từ 1945 cho đến ngày hôm nay vẫn chưa chấm dứt. Đặc biệt từ 1975 cho đến nay, bất cứ thành phần nào trong xã hội, không phân biệt già trẻ, trai gái, người trí thức hay người bình dân, bất cứ thời diểm nào, bất cứ địa phương nào, luôn luôn có người đứng lên chống lại chế độ Cộng Sản, đòi xóa bỏ chết độ đó, để thực hiện một chế độ dân chủ.