TÁC QUYỀN THÁNH CA (Peter C. Tran # Mười Lúa)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Ảnh minh họa
Gần 20 năm về trước, tui nhận được quyển Nhật Ký Truyền Giáo của Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu, do một LM quen thân gởi tặng, nhân chuyến Ngài về thăm VN mang qua. Đọc quyển sách đó, tui nghẹn ngào, và nước mắt rơi không cách gì ngăn được. Loại tín hữu nguội lạnh như tui, giáo dân Công giáo hay gọi đùa là loại Giu-dà (tên của môn đệ Giuda bán Thầy), mà khi đọc, bị đánh động đến dường ấy, thì quyển sách đó, với tôi, là một tuyệt tác! Nó rất đáng được phổ biến, đáng được nhân rộng ra, đến tay càng nhiều tín hữu càng tốt. Tôi tin vậy và tui muốn làm vậy, nên gom thêm hai anh em, cùng phát hành sách bằng tiền túi của chúng tôi.
Trước nhứt, tui phải viết thư về VN để xin phép cha Hậu cho tui in ở Mỹ. Ngài viết thư trả lời tui: “Tác giả không có giữ bản quyền gì hết. Anh cứ phổ biến.” Trong thư Ngài còn cho tui biết rằng: “Ở VN xin phép được in một quyển sách không phải là chuyện dễ, nhứt là sách đạo. Cho dù họ cho in, thì khi xin phép tái bản, mà họ lắc đầu, cũng không cách gì in tiếp được. In 3000 cuốn, nháy mắt hết sạch. Xin phép in tiếp, họ không cho. Thế là bà con đua nhau photo copy bán “chợ đen” ì xèo! Người ta mách cho mình biết tình trạng sách bị copy bán “chợ đen”. Mình trả lời: Kệ họ đi! Thứ nhứt, người ta nghèo, nếu sách của mình có thể giúp họ kiếm ít đồng tiền lẻ cũng tốt. Thứ hai, quan trọng nhứt là những điều mình muốn gởi tới người đọc, thì bằng cách này, dù không hợp pháp, dù lỗi Đức Công Bằng một chút, nó cũng được tới tay độc giả! Mục tiêu của mình chỉ có thế….”
Ngài là Thầy tui khi tui học Đệ Thất và Đệ Lục ở trường Đồng Tâm, Cần Thơ. Lúc đó Ngài là Giám Học, và mỗi tuần Ngài chỉ dạy 1 giờ Giáo Lý. Ngài ăn nói có duyên lắm! Tui mê Ngài từ thuở ấy. Nay đọc sách Ngài viết, đọc thư ngài trả lời, thì ngài không phải chỉ là thần tượng của tui thôi, mà trong lòng tui, Ngài như một vị thánh sống vậy. Ai có dịp đọc sách của Ngài, có dịp nghe Ngài giảng, có dịp gần gũi Ngài, tui bảo đảm cũng sẽ có cái cảm tưởng như vậy, chớ không phải vì Ngài là Thầy tui, vì tui thương Ngài quá, rồi “bơm” Ngài lên tận mây xanh đâu.
Một lần khác, tui viết thư xin phép Ngài cho tui xoá một dòng in trên sách: “Nhà xuất bản: Báo Công Giáo và Dân Tộc”, vì người Việt Hải Ngoại rất dị ứng với bất cứ ai, bất cứ thứ gì dính dáng đến VC. Ngài trả lời tui đại ý: “Nếu vì lợi ích cho người đọc ở bển, anh cứ xoá. Với mình, mình không quan tâm họ là ai, miễn họ tiếp tay cho việc truyền giáo, cho nhiều người được biết Tin Mừng của Chúa, thì kệ họ đi! Họ là phương tiện cho Tin Mừng được truyền tải. Không có họ, tất cả sách của mình không có cơ hội tới tay người đọc….”
Ngài viết sách không phải để nổi tiếng. Càng không phải để kiếm tiền hay bất cứ lợi ích trần tục nào. Ngài viết vì những lý do cao siêu hơn những lý do rất trần tục kia nhiều lắm. Người đọc phải xét mình, ăn năn, và dĩ nhiên biết hướng về Chúa, biết bổn phận phải rao giảng về Chúa cho người khác cũng biết Chúa, khi đọc sách của Ngài. Đó mới là giá trị mà tiền bạc từ bản quyền không cách nào mua được.
Tôi đã in tổng cộng 10,000 cuốn ở Mỹ. Ai order sách, bao nhiêu cuốn, không thành vấn đề, tui mau mau đóng gói, ra bưu điện gởi. Người ta hỏi ấn phí và bưu phí bao nhiêu? Tôi luôn theo tôn chỉ của “sư phụ” để trả lời một câu: “Cứ tiếp tay phát tán, không cần lo nghĩ đến chi phí. Sách đến tay người đọc, và người ta chịu đọc, mới là mục đích tối ưu. Đọc xong, họ sẽ đóng góp, bằng cách nào, tuỳ người đọc.” Với người in, cũng là anh bạn “tu xong”, tui nửa đùa nửa thiệt: “Anh tính bao nhiêu tuỳ anh. Mình làm việc tông đồ với nhau. Nếu anh in sách do tui viết, tui xuất bản để nối tiếng, để kiếm tiền, mà anh lấy rẻ thì tui vô vàn đội ơn anh vì cái tấm thịnh tình của anh. Ở đây, tui cũng như anh, mình làm việc tông đồ, việc truyền giáo, cho nên tui không có tư cách cám ơn anh đâu. Việc đó để Chúa ghi công và tính sổ với anh, bla…bla…” Chúng tôi không phải chỉ in Nhật Ký Truyền Giáo, mà còn nhiều sách khác của Ngài, quyển nào cũng tái bản ít nhất 6000 cuốn! In và phân phối, đều trong ý hướng, trong tinh thần của cha Hậu. Kết quả ra sao? Vô cùng to tát. Không tiện nói ở đây. Người nghèo ở miệt Năm Căn (Cà Mau), có Nhà Tình Thương (free), có trường học, có đường bê tông, có giếng nước….
Nhắc cha Hậu, không thể không kể thêm một chuyện nữa. Ngài nhận được tiền, muốn xây trường học, làm cây cầu, hay bất cứ công trình nào, ngài đều phải hợp tác với chính quyền địa phương (dĩ nhiên). Xin phép họ (dĩ nhiên). Nhưng không đưa tiền cho họ làm (dĩ nhiên), vì họ làm “tốn”, mà chất lượng cũng không có (dĩ nhiên). Sau khi làm xong, Ngài mời họ làm lễ cắt băng khánh thành. Họ nở mặt nở mày, ngang nhiên nhận công lao “lo cho dân”! Ngài kệ họ! Ngài lý luận đơn giản lắm: Họ được cái danh. Họ tạo điều kiện cho mình thi công. Dân nghèo được hưởng 100% đồng tiền bác ái. Và quan trọng nhứt, người dân qua đó biết đến Chúa.
Mười Lúa là phàm phu tục tử. Họ “giành công” một cách trắng trợn, trơ trẽn kiểu đó, tui đá cho một đá, đám đách làm tiếp! Ngài tuy là người phàm còn mang thân xác, nhưng không phải là người phàm! Cho nên, tui xưng tụng Thầy tui là thánh, không có cường điệu một chút xíu nào hết! Một LM thánh thiện, cả đời hy sinh cho người nghèo và người chưa biết Chúa như Ngài, quả là hiếm.
Cả tuần nay trên FB khá ồn ào về một tổ chức có tên là Hội Tác Quyền Thánh Ca (HTQTC) do nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh đứng ra thu tiền tác quyền với những người dùng Thánh Ca. Tôi cũng rất muốn viết cmm trên những trang FB mà mình đọc được, nhưng với vài câu, làm sao mà nói hết ý. Thôi thì tui viết thành một bài, để tui có thể nói hết những điều mình nghĩ, và muốn góp ý về chuyện này.
Thứ nhứt, về phần đời, chuyện bảo vệ tác quyền, chuyện đòi tiền tác quyền, là chuyện thiên kinh địa nghĩa, được luật pháp bảo vệ, không có gì sai trái hết. Ở VN nên có luật lệ bảo vệ tác quyền, và phải trừng phạt nghiêm nhặt để bảo vệ tài sản trí tuệ của người khác.
Ở Mỹ, chuyện tác quyền được bảo vệ nghiêm nhặt lắm. Vi phạm tác quyền, họ thưa một cái là sập tiệm. Không lạ gì những ca nhạc sĩ hay văn sĩ ở Mỹ rất giàu. Họ chỉ cần sáng tác được một bản nhạc hay, top hit, một quyển sách best seller, là nổi tiếng và thành triệu phú tức thì. Băng nhạc, CD, phim ảnh, ai copy là chết với luật pháp. Tác quyền ở đây không chỉ giới hạn trong lãnh vực văn chương và âm nhạc thôi đâu. Nó bao trùm rất nhiều lãnh vực khác nữa, trong đó có phát minh, có thương hiệu,… Tui cho một thí dụ: Thương hiệu Mc Donald chẳng han. Họ đăng ký tên tiệm, cách viết tên tiệm, logo chữ M, món Big Mac,… Một kẻ uống mật gấu nào đó dám copy bất cứ cái giống gì họ đăng ký giữ bản quyền, thì coi chừng! Mc Donald cứ im lìm để cho tên đó kinh doanh một thời gian dài. Khi thấy nó “mập” đủ, họ mới thưa ra toà. Tất cả lợi nhuận, tài sản, sẽ bị hốt sạch để đền tiền vi phạm bản quyền.
Khi tôi mở tiệm, tôi phải lên City Hall (Toà Hành Chánh thành phố) để rà coi tên mình chọn có trùng với thương hiệu nào hay không. Chọn trùng tên là toi mạng đó. Khi không thấy ai trùng tên, cũng chưa chắc ăn. Họ buộc tôi phải đăng báo (Tờ báo tên gì quên mất) trong bao nhiêu tuần, coi như bố cáo cho mọi người biết đó là tên tiệm tôi sắp khai trương. Khi mọi sự OK, không trùng, không ai khiếu nại, thì tôi mới được đăng ký với City thương hiệu của mình. Sau đó, cứ mỗi năm phải renew (đăng ký lại) một lần. Khi renew thì chỉ đóng tiền để họ cho vô record của City tiếp tục, chớ không cần đăng báo bố cáo nữa. Năm nào cũng vậy. Không renew, lỡ có đứa nào nó lấy tên tiệm của mình là coi như hút gió hỏng kêu, khỏi thưa kiện!
Người Mỹ họ rành luật, và nhứt là họ không “láo cá”, ma le, khôn vặt như dân Á Châu. Khi thấy một thương hiệu nào đó nổi tiếng, họ không tìm cách lách luật để ăn cắp thương hiệu của người khác. Á Châu là vua nhái, copy, và ăn cắp. Đạt tới mức thượng thừa trong lãnh vực này, phải kể TQ. Thí dụ tiệm mì Tung Ky, mở ra một thời gian khách đông nghẹt, lập tức có đứa nhào ra mở tiệm khác, lấy tên New Tung Ky. Khách của Tung Ky xớn xác, tưởng nó cũng là Tung Ky nên ghé lại sực như thường. Tiệm Tung Ky biết nó giựt khách của mình mà không làm gì được, vì tên nó ba chữ, có thêm chữ New trong đó!
Thứ hai, nói về mặt đạo.
* Có lẽ ai cũng biết đại đa số tác giả của những bản Thánh ca là giới tu sĩ, những người dâng mình cho Chúa, phục vụ tha nhân. Đại đa số là các Linh Mục, các Sơ. Họ sáng tác với mục đích duy nhứt là dùng lời ca tiếng hát để ca tụng Chúa, để giúp người khác cầu nguyện, giúp người ta nâng tâm hồn lên tới Chúa. Tôi không tin có tác giả nào sáng tác ngoài mục đích đó, như muốn nổi tiếng, hay mục đích kiếm tiền.
* Thánh ca không giống nhạc đời. Tui chưa thấy ai sáng tác Thánh Ca mà hái ra tiền như nhạc đời. Một bài Thành Phố Buồn, Lam Phương đã kiếm bạc triệu, mua cả xe hơi, trước 75. Người hát cũng nổi tiếng nhờ các bản nhạc hay.
* Thánh Ca chỉ sử dụng trong những nơi thờ phượng là chính. Muốn nó trở thành top hit như nhạc đời là chuyện hầu như không thể.
* Gần như chỉ có người Công Giáo nghe Thánh ca mới thấy “phê”, chớ dân gian, nghe có khi đâu có hiểu lời ca mang ý nghĩa gì, làm sao có được tâm tình của một tín hữu CG? Một bản “Đắp mộ cuộc tình”, già trẻ, trai gái, dân quê hay thành thị, có học hay dốt nát, hữu tình hay thất tình gì cũng thấy phê được. Nhưng cũng những người đó, mà mở cho họ nghe “Giữ gìn con Chúa ơi, vì Chúa là chốn con tựa nương tháng năm. Trong cánh tay Người, hồn con vui sống,…” hay bài “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ….” thì tui bảo đảm họ không bao giờ có được cái cảm giác lâng lâng mất hồn như người giáo dân được.
* Cần phân biệt Thánh ca và những bài hát đời thường có một vài câu có hơi hám đạo trong đó. Thánh ca phải được Giáo Hội duyệt qua (imprimatur), coi có sai tín lý, có phản cảm, có giúp giáo dân nâng hồn mình lên với Chúa được hay không. Bài Thành Phố Buồn có mấy câu: “Quỳ bên em trong góc giáo đường. Tiếng kinh cầu, chầm chậm thê lương, Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau,…” cũng có Chúa Bà tùm lum chữ trong đó, nhưng nó là nhạc đời 100%.
* Tôi không tin người ta dùng Thánh ca để kiếm tiền. Có muốn kiếm đi chăng nữa, tui cũng nghĩ họ chỉ “lượm bạc cắc”! Quan sát sẽ thấy: Có rất ít ca sĩ hát Thánh ca, hay làm CD Thánh ca. Cũng có rất ít người làm clip Thánh ca trên YouTube.
Hàng trăm ca sĩ nổi danh, chỉ một hai ca sĩ có lòng với Thánh Ca (gần đây tui có nghe Phương Anh hát Thánh Ca, thấy thương lắm). Hàng triệu clips ca nhạc trên YouTube, có được mấy clips Thánh ca. Hằng trăm kênh YouTube, được mấy kênh chuyên nhạc Thánh ca? Có cầu mới có cung. Nói ngược lại, vì cầu ít nên cung không có. Số thính giả chịu nghe Thánh ca không nhiều như nhạc đời, thì kiếm được bao nhiêu tiền? Tôi nghĩ họ vì mục đích phổ biến Thánh ca là chính, giống như tâm ý của những tác giả viết Thánh ca mà thôi.
* Tôi mới biết Paris By Night và ca sĩ Mai Thiên Vân có làm CD Thánh ca (do nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh, HTQTC tiết lộ). Tui chưa hề thấy một băng nhạc Thánh Ca nào của Mai Thiên Vân bày bán hay rao bán cả! Cũng chưa từng nghe MTV hát Thánh Ca! Tui thiển nghĩ: MTV không phải là dân làm kinh doanh băng nhạc Thánh ca. Nếu có, thì cũng là một doanh nhân dở ẹc! Phát hành nhạc đời còn chưa chắc hái ra tiền, huống hồ là nhạc Thánh Ca. Không phải vì tiền, vậy cô ta làm vì mục đích gì? Yêu nhạc Thánh ca; muốn phổ biến Thánh Ca; muốn người nghe biết đến Chúa; muốn giúp người khác nâng hồn mình lên với chúa dễ dàng hơn (cầu nguyện). Với tôi, MTV hay ai đó phát hành Thánh Ca, là một cơ may cho Thánh Ca, cho tác giả, hơn là một sự “ăn cắp” tác quyền.
* Gác qua chuyện Paris By Nigth tổ chức ca nhạc là để kiếm tiền, vì đó là chuyện dĩ nhiên. Hãy nhìn thêm một góc cạnh khác, để thấy cái cơ hội Thánh ca được họ “lăng-xê” là một cơ hội đáng ghi nhận, và không phải dễ dàng để có. Một trung tâm nhạc lớn như Paris By Night, đâu phải ca sĩ nào cũng có thể lọt vào. Và trong hàng ngàn bài nhạc đời, muốn được họ chọn cho trình diễn trên sân khấu của họ là chuyện không đơn giản và dễ dàng. Phải coi ca sĩ đó có ăn khách không? Phải coi bài nhạc đó có hot, có nổi tiếng, có ai muốn nghe không? Thánh Ca thì chỉ có người CG biết, và cũng không phải bất cứ người CG nào cũng biết đâu. Vậy khi họ chọn phát hành Thánh ca, bộ họ ngu hay sao mà không biết mục tiêu, mức cầu nó nhỏ cỡ nào? Với tôi, khi họ chọn phát hành Thánh Ca, đó là một cơ may hơn là một sự “ăn cắp” tác quyền!
Tôi lặp lại: Quí vị tác giả Thánh Ca, muốn bảo vệ tác quyền, muốn người khác trả phí khi xài sản phẩm trí tuệ của mình, là chuyện công bằng, không có gì sai trái cả. Tôi chỉ quan tâm đến một điều duy nhứt: Liệu trong tương lai, Thánh Ca có còn cơ hội đến tai người nghe hay không, hay con đường sẽ bị triệt từ đây?
Sau cùng, quí vị sáng tác Thánh ca vì mục đích gì? Nếu vì tiền, vì nổi tiếng, tóm lại là vì danh và lợi, chớ không phải vì ý hướng thánh thiện, muốn cho “danh Cha cả sáng”, muốn cho người ta dễ dàng nâng tâm hồn mình lên tới Thiên Chúa, thì tui nói quí vị là những “doanh nhân” dở ẹc, bởi vì quí vị chọn một con đường tối thui, danh không có, mà lợi nếu có cũng chỉ là con tép trấu! Hãy nghe tui khuyên: Quay 180 độ sáng tác nhạc đời như nhạc sĩ Lam Phương, sẽ nổi danh như cồn và đương nhiên sẽ hốt bạc. Còn nếu quí vị vẫn một lòng vì lý tưởng “cho Danh Cha cả sáng”, cho người ta có cơ hội cầu nguyện tốt hơn, thì xin quí vị hãy tiếp tục hy sinh, tiếp tục cống hiến, hãy coi nhẹ, rất nhẹ, hoặc cho “qua phà” hết chuyện tác quyền, để Thánh ca còn cơ hội lan toả, càng rộng, càng nhanh, càng tốt, và đó là “công đức vô lượng”!
Tui đọc mấy lời nhắn của LM nhạc sĩ Kim Long, viết cho ông Bui The Thong, nhờ ông phổ biến trên FB dùm, chỉ mấy câu ngắn gọn, khiến tôi cũng muốn tôn Ngài là thánh, như tui từng tôn kính cha Hậu, sư phụ của tui. Nguyên văn tui copy: “Cám ơn THE THONG: tôi đã gởi cho anh HUỲNH: Tôi xin xác nhận: không hề ghi tên nhập hội, cũng không uỷ quyền cho ai giữ bản quyền những bài THÁNH CA tôi đã viết. Tôi viết để ca tụng Chúa. Ai muốn hát, được toàn quyền tự do…”.
I love you, fathers!
Peter Tran