PHÓ ĐỀ ĐỐC HỒ VĂN KỲ THOẠI NÓI VỀ HẢI CHIẾN HOÀNG SA (Tuyetmai/VietBao)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

13/01/2010

Các chiến sĩ Hải Quân VNCH

đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Tuyết Mai

Nhân lễ Tưởng niệm và vinh danh các chiến sĩ đã hy sinh trong trận Hải Chiến Hoàng Sa sẽ được cử hành nhiều nơi như Dallas, Texas; San Diego, CA; Nam Cali, Bắc Cali, Paris, Pháp; Melbourne, Úc…để vinh danh những chiến sĩ Hải Quân và các quân cán chính khác (Địa phương Quân …) đã anh dũng hy sinh bảo vệ từng tấc đất quê hương, Tuyết Mai  xin gởi đến quý vị bài phỏng vấn Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PĐĐ HVK Thoại), người trực tiếp ra lệnh khai  hỏa,  tấn công Tàu chiến Hải Quân Trung Cộng ở Quầnđảo Hoàng Sa. Đây là một trận  chiến vô cùng hùng anh, oanh liệt  thể hiện tinh thần anh dũng của chiến sĩ áo trắng nói riêng, của dân tộc VN nói chung, sẳn sàng hy sinh  để chống ngoại xâm trong lịch sử VN cận đại.
Lúc đó, năm 1974,  Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải, chịu trách nhiệm bảo vệ vùng duyên hải của Quân khu I, bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Cựu Phó Đề Đốc HVK Thoại đã nhận báo cáo tình  hình  có thuyền bè Trung Cộng xuất hiện ở vùng đảo này từ đầu và  đã trực tiếp trình lên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Chính Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại là người trực tiếp nhận thủ bút từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh đối phó với tình trạng xâm nhập bất hợp pháp của Trung Cộng và cũng chính Cựu Phó Đế Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại ra lệnh cho Cựu Đại Tá Hà Văn Ngạc, Sĩ quan Chỉ huy chiến thuật khai hỏa trong trận Hải chiến Hoàng Sa.
Kính mời quý vị theo dõi câu chuyện giữa Tuyết Mai và Phó Đề  Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại vể diễn tiến trận Hải chiến Hoàng Sa, bắt đầu  khoảng 10 giờ sáng ngày 19 Tháng Giêng, 1974 và  kéo dài hơn ba mươi phút.

TUYẾT MAI: Thưa Đô Đốc (khi nói chuyện TM gọi Phó Đề Đốc là Đô Đốc cho ngắn gọn) giới thiệu sơ qua về  Quần đảo Hoàng Sa.  Trước  1974 Trung Cộng có hành động nào gây chiến ở vùng đảo này không”
PĐĐ HVK THOẠI:  Trên đảo không có dân cư sinh sống, chỉ có đài khí tượng quốc tế với bốn nhân viên làm việc.  Hai mươi bốn  Địa Phương Quân thuộc tỉnh Quảng Nam trú đóng trên bốn đảo, họ di chuyển bằng xuồng cao su.  Theo tôi biết thì trước năm 1974  không có sự đụng chạm nào đáng kể  với Trung Cộng. Đến đầu năm 1974 Trung Cộng thấy Mỹ rút quân ra khỏi Miền Nam thì họ có kế hoạch xâm chiếm rõ ràng, như cấm cờ  hay ồ ạt đổ bộ một số người lên đảo. Khi chúng ta bắt đầu dùng biện pháp đối phó thì họ đưa hạm đội rất mạnh mẽ ra đây.  
TUYẾT MAI: Thưa Đô Đốc khi Đô Đốc được tin có tàu lạ trong vùng lãnh  hải của chúng ta, Đô Đốc có trình lên Tổng Thống Thiệu, lúc đó Tổng Thống Thiệu đang ở đâu “
PĐĐ HVK THOẠI: Đêm 16 Tháng 1, trong công tác Hải quân thường lệ, tôi được báo cáo có nhiều ngư thuyền lạ và có dấu hiệu của một vài hoạt động trên đảo. Lúc đó tôi đang dùng cơm với Tổng Thống Thiệu và một số tướng lãnh ở  Mỹ Khê, Đà Nẳng. Tôi có trình cho Tư Lệnh Quân Khu I , tức là Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, cũng có mặt tại bữa cơm đó. Trung Tướng Trưởng bảo tôi tới trình ngay với Tổng Thống Thiệu.  Tổng Thống Thiệu ra lệnh tôi sáng ngày mai tức 17 Tháng 1đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân  vùng I Duyên Hải để thuyết trình rồi Tổng Thống Thiệu  sẽ cho chỉ thị.
TUYẾT MAI: Thưa Đô Đốc trong cuốn “Can Trường Trong Chiến Bại”
Đô Đốc có kể Tổng Thống Thiệu viết thủ bút trong vòng 15 phút, ra lệnh Hải QuânVN đối phó với tình hình căn thẳng với Trung Cộng ở quần đảo Hoàng Sa. Theo Đô Đốc Tổng Thống Thiệu có cân nhắc kỹ trước khi ra lệnh  đối đầu với Trung Cộng, Hải quân TC rất hùng mạnh.
PĐĐ HKV THOẠI: Tổng Thống đã nghe tôi tường trình tình hình đêm trước, tôi tin chắc là Tổng Thống đã suy nghĩ kỹ.  Sáng hôm sau,  trong vòng 45 phút, trước khi  quyết định, Tổng Thống  có hỏi rất nhiều câu hỏi, và có bàn với các vị tướng lãnh hiện diện trước khi lấy  giấy mực ra viết thủ bút cho tôi thi hành.  Hơn nữa tôi  cũng xin nhắc lại là quyết định của Tổng Thống  không  phải cho nổ súng để tấn công, tiêu diệt  hạm đội của  Trung Cộng. Chỉ thị của Tổng Thống là mời các ngư thuyền cũng như chiến hạm lạ ra khỏi lãnh hải của chúng ta. Lúc đó tôi cũng chưa chắc những chiến hạm hiện diện đó là của Trung Cộng. Tổng Thống chỉ thị là làm thế nào để chứng minh cái chủ quyền quốc gia của chúng ta trên các hải đảo bằng mọi biện pháp ôn hòa. Nếu họ không tuân lệnh thì bắt buộc mình phải dùng võ lực để mời họ ra. Trước khi cho nổ súng chúng tôi cũng đã cho chiến hạm của chúng tôi đuổi họ ra, nhưng  sự khiêu khích của họ càng ngày càng nhiều hơn, cho nên Cựu Đại Tá Hà Văn Ngạc có bàn với tôi là  phải đi tới quyết định “ khai hỏa”.
TUYẾT MAI: Thưa Đô Đốc như vậy thì trận chiến Hoàng Sa  lúc đầu dự tính chỉ đuổi những ngư thuyền và chiến hạm ra  khỏi lãnh hải, chứ không dự tính trước  sẽ có một cuộc hành quân, một trận hải chiến dữ dội giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng”.
PĐĐ HVK THOẠI: Không, không. Tôi nhấn mạnh là không có một cuộc hành quân gì cả. Hôm 18/1  tôi có ra lệnh bằng giấy trắng mực đen cho Đại Tá Hà Văn Ngạc có thể thi hành nhiệm vụ có giấy tờ, nhưng đó không phải là cuộc hành quân mà chỉ là việc làm rất là thường xuyên.
TUYẾT MAI: Thưa Đô Đốc nói rõ những sự kiện trước khi quyết định khai hỏa, lúc đó Đô Đốc ở đâu”
PĐĐ HVK THOẠI: Lúc đó tôi đang ở Đà Nẳng.Trước khi khai hỏa , Cựu Đại Tá Hà Văn Ngạc cũng đã trình cho tôi rất chi tiết mọi hành động, mọi sự di chuyển của chiến hạm Trung Cộng cũng như của các ngư thuyền cùng mọi chuyện xảy ra trên đảo. Tôi  đã ra lệnh mỗi chiến hạm cho một toán đổ bộ lên đảo để thám sát, cho nên chúng tôi nắm rất vững tình hình.  Trước khi khai hỏa thì Đại Tá Ngạc có nói với tôi rằng, sự khiêu khích đã đến cái độ  thế nào rồi cũng phải nổ súng.  Nếu để Trung Cộng nổ súng trước thì bên HQVN sẽ bị thiệt hại nặng nề vì chiến hạm của họ rất tối tân,  trong lúc chiến hạm của HQVN to và chậm, lúc đó sẽ không xoay xở kịp. Đại Tá Ngạc có bàn với tôi và tôi đồng  ý là khi  tình hình không thể  nào làm khác được thì chúng ta phải nổ súng trước, và chúng ta nổ súng đồng loạt thì địch phải phân tán  hải pháo của họ ra. 

TUYẾT MAI: Thưa Đô Đốc  lực lượng hai bên lúc đó như thế nào”

PĐĐ HVK THOẠI: Không kể những ngư thuyền có trang bị vũ khí, lúc đầu họ có hai  chiến hạm lớn, sau có tăng viện thêm hai  chiếc là bốn, cho  thấy rõ ràng là họ còn một lực lượng trừ bị, sẳn sàng tăng cường trong vài giờ . Về  phía Việt Nam thì có hai chiến hạm và mất cả ngày  mới có thêm hai chiến hạm nữa là bốn chiến hạm. Khi giao chiến  thì mỗi bên có bốn chiến hạm.
TUYẾT MAI: Thưa Đô Đốc  diễn tiến trận chiến như thế nào”
PĐĐ HVK THOẠI: Buổi chiều 18 Tháng 1, khi bên HQVN đã ra dấu hiệu bật đèn cũng như ra nhiều dấu hiệu để mời họ ra,  Tàu Trung Cộng đã không ra khỏi lãnh hải mà có hành động gây hấn như dọa nạt, chỉa súng vô chiến hạm HQVN và chạy rất gần. Lúc đầu HQ VN làm theo chỉ thị của Tổng Thống, nghĩa là ôn hòa mời họ đi ra, nhưng họ nhất dịnh không chịu ra. Cho đến sáng ngày 19 Tháng 1, 1974 tình  hình rất căn thẳng, không thể kéo dài hơn được nữa thì trên  soái hạm HQVN Đại Tá Ngạc  ra lệnh  khai hỏa và chiến hạm Trung Cộng phản pháo, bắn trả lại. Sau đó chiến hạm Trung Cộng thấy Nhật Tảo nhỏ nhất và chạy chậm nhất vì hư một máy nên Trung Cộng đã dồn hải pháo vào chiếc Nhật Tảo,  chiếc này chìm trong thời gian rất ngắn.  Hạm trường là Thiếu Tá  Ngụy Văn Thà  đã hy sinh theo chiến  hạm. 
TUYẾT MAI: Thưa Đô Đốc là người ra lệnh cho Đại Tá Ngạc khai hỏa”
PĐĐ HVK THOẠI:  Đại tá Ngạc có đề nghị rằng “Tới lúc nào đó thì phải nổ súng, vì họ không chịu ra, mình phải dùng võ lực theo chỉ thị của Tổng Thống Thiệu, tức là vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội”. Tôi có nói với Đại Tá Ngạc: “Khi nào ông sẳn sàng thì khai hỏa”. Lúc các chiến hạm ở trong vị thế không thuận lợi thì Đại Tá Ngạc  cho khai hỏa. Khi nổ súng thì tôi có nghe trong máy truyền tin, lúc đó khoảng  10 giờ sáng ngày 19 Tháng 1, 1974.
TUYẾT MAI: Thưa theo Đô Đốc, chúng ta không có chuẩn bị, không có kế hoạch trước, lúc đó HQVN có kêu cứu với các Cố Vấn Mỹ”
PĐĐ HKV THOẠI: Trong cương vị của cấp chỉ huy tôi đã biết và tôi phải biết là HK sẽ không tham dự  cuộc chiến dù nguy kịch đến đâu. Đó là điều tôi đã biết trước, tuy nhiên tôi cũng có điện thoại về Bộ Tư Lệnh Hải Quân, để hỏi vị trí của Đệ Thất Hạm Đội của HK thì được biết là lúc nào họ cũng hoạt động vùng biển Đông. Bộ Tư Lệnh cho biết  Đệ Thất Hạm Đội có mặt tại đó.  Tôi không hy vọng họ tham gia, nhưng tôi cần họ cứu vớt người trên biển. Khi sự việc xảy ra rồi, không có chiến hạm nào của Mỹ đến cứu vớt.
TUYẾT MAI: Thưa Đô Đốc sự thiệt hại của hai bên, cũng như HQVN hy sinh như thế nào”
PĐĐ HVK THOẠI: Sau nửa tiếng đồng hồ giao tranh thì hai bên đều  rút lui vì hai bên đều thiệt hại nặng cả. Bên HQVN chiếc Nhật Tảo bị chìm,  tử thương 58 người (đa số thuộc chiến hạm Nhật Tảo và số còn lại thì gồm có hai người nhái trên đảo). Mỗi  chiến hạm có một số bị tử thương. Phía Trung Cộng cũng  bị thiệt hại nặng nề, một chiếc bị chìm, về nhân mạng có một số sĩ quan cao cấp bị tử thương , thành ra không thể nói bên nào chiến thắng hay chiến bại .  Tuy nhiên tôi được tin  từ Cố Vấn HK cho biết một lực lượng hùng hậu gồm  17 chiến hạm khác từ Hải Nam đang hướng về hướng Hoàng Sa, trong đó có 13 chiến hạm với bốn chiếc tiềm thủy đỉnh loại tàu ngầm .
Với một lực lượng như vậy , tôi biết mình không thể nào đối đầu được. Bên   HQVN có tăng cường thêm hai chiếc nữa tức là sáu chiếc, nhưng khi  hai chiếc sau  đang trên đường tới thì Cố Vấn Hoa Kỳ cho biết nếu mà thêm   hai chiến hạm VN tham  chiến thì sẽ có phi cơ phản lực của Trung Cộng  từ đảo Hải Nam đến dội bom.  Tôi nghĩ, nếu bên Trung Cộng dùng phi cơ phản lực để dội bom, mà phi cơ VN không ra tham chiến được thì các chiến hạm VN sẽ bị lâm nguy, nên tôi cho các hạm đội trở về. 
TUYẾT MAI: Mỗi quân binh chủng có những trận chiến lẫy lừng làm cho người lính rất hãnh diện về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân binh chủng mình, có lẽ trận Hải chiến Hoàng Sa là niềm hãnh diện của những  “Chiến sĩ áo trắng”. Quân chủng  Hải Quân đã chọn ngày 19 /1  làm ngày tưởng niệm và vinh danh các chiến sĩ HQ đã hy sinh. Đây cũng là ngày để ung đúc, nuôi dưỡng  tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Quân chủng HQ.
PĐĐ HVK THOẠI: Vâng, tôi thấy  đó là chuyện phải làm để vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ  Tổ Quốc.  Tổ chức những lễ vinh danh hay lập tượng đài để tưởng nhớ là điều phải làm . Từ năm 1975 luôn có tổ chức  ngày  giỗ ở Saigon. Sau  1975  rải rác nhiều nơi trên toàn thế giới, nơi nào có Hải Quân  đều có tổ chức ngày giỗ để tưởng nhớ đến những  tử sĩ. Chúng tôi cũng tìm  gia đình của những chiến hữu đã  hy sinh trong trận Hoàng Sa để giúp đỡ,  và ở San Diego cũng cố gắng xây đài tử sĩ Hoàng Sa.
TUYẾT MAI: Để kết thúc cuộc nói chuyện này, kính xin Đô Đốc nói vài lời cuối cùng.
PĐĐ HVK THOẠI: Ngày nào tôi còn sống, tôi vẫn nhớ tới những chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải  chiến Hoàng Sa.  Có một điều chắc chắn là đối với thế hệ mai sau, sự hy sinh đó không phải là sự hy sinh oan uổng. Chúng ta  sẽ tìm  mọi cách để đòi lại những hải đảo đó.  Đây là một nỗi đau buồn cho một số gia đình HQ nhưng cũng là niềm hãnh diện chung cho dân Việt Nam. Đây là một hành động rất anh hùng của các chiến sĩ Hải Quân, tôi mong nhân dân Việt Nam,  những thế hệ mai sau sẽ nhớ mãi. 

HÌNH ẢNH TM NÓI CHUYỆN VỚI ĐÔ ĐỐC THOẠI
http://www.youtube.com/watch”v=iJHgi7E7Cm4 

Hải Quân VNCH và Hoang sa
http://www.youtube.com/TUYETMAI45#p/u/104/XzKcKdKmJLk