Sáng sớm hôm nay, 15-5-2023, một người thân của tôi ở VN gọi cho tôi biết là Nhà Chung Hà Nội vừa báo TIN BUỒN trên Youtube: Thầy Lôrensô TRẦN VĂN TRÁC, là Thầy Phòng Bộ trong Nhà Chung Hà Nội vừa mới qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.
Người thân của tôi nói: “ Em báo tin này cho anh, vì trong Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG, anh đã nói nhiều tới Thầy TRÁC và Thầy TRẠC là hai anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, cả hai anh em đều làm Phòng Bộ trong Nhà Chung Hà Nội. Anh nói hai anh em giống nhau mà còn ăn mặc y như nhau nữa, khiến cho anh lẫn lộn hoài, không biết ông nào là ông nào! Em còn nhớ câu cuối cùng anh viết trong cuốn Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG như sau : “ÔNG NÀY LÀ ÔNG TRÁC HAY ÔNG TRẠC ĐÂY HẢ TRỜI?”
Sau cuộc nói chuyện, tôi ngồi đọc kinh cầu hồn cho Thầy Lôrensô TRẦN VĂN TRÁC và bồi hồi nhớ lại kỷ niệm còn ghi đậm trong tâm trí tôi về một buổi trưa tháng 7 năm 1988, ngày tôi vừa mới được tha ra từ trại tù Nam Hà ở miền Bắc và ghé vào thăm Nhà Chung Hà Nội. Người đầu tiên tôi gặp hôm đó chính là Thầy Trác.
Hình ảnh của Thầy Trác và người em sinh đôi là Thầy Trạc, được tôi ghi lại khá chi tiết ở chương đầu và chương cuối cuốn Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG như dưới đây.
***
CHƯƠNG VÀO CHUYỆN
Nhà Chung Hà Nội
…..( Trang 10 ): Thầy Kỳ dẫn chúng tôi đi sâu mãi vào gần cuối mới có bậc thềm bước vào khu nhà. Lúc đó khoảng hai giờ , có lẽ là giờ nghỉ trưa nên cả khu nhà vắng vẻ, chẳng thấy bóng dáng ai. Thầy Kỳ đã quen biết nơi này nên đi vào trong như người nhà trong khi đó Khuân và tôi đặt ba lô xuống bậc thềm xi măng ngồi nghỉ mệt.
Một lúc sau thầy Kỳ trở ra với một người đàn ông cao và trắng trẻo, tóc húi kiểu đầu đinh tức là có mái bằng trên đỉnh đầu. Người này mặc áo sơ mi trắng ngắn tay, quần tây đen, áo bỏ ngoài quần và chân mang xăng-đan. Toàn diện con người anh toát ra sự sạch sẽ và gọn gàng của một con người làm việc văn phòng. Hình ảnh này tương phản với thầy Kỳ nhỏ thó, đen đủi và bệ rạc trong bộ đồ tù đang cười nói bước đi bên cạnh.
Chúng tôi đứng lên khi hai người ra tới nơi. Thầy Kỳ tươi cười giới thiệu:
– Thưa cha, đây là thầy Trác, bạn cùng lớp của con và là người giúp phòng bộ của Ðức Hồng y.
Tôi bắt tay thầy Trác, trong lúc thầy nói:
– Con được thầy Kỳ cho biết có cha và anh ghé Nhà Chung. Con xin chào. Mời cha và anh vào.
Thầy Trác đưa chúng tôi vào phòng ăn, vừa đi vừa nói:
– Giờ này Ðức Hồng y chưa xuống văn phòng. Cha ngồi uống nước và tạm nghỉ, chốc con lên trình với ngài.
Phòng ăn này khá lớn có kê một bàn dài và hai bàn tròn. Trong góc có bộ xa-lông và mấy chiếc bàn nhỏ để sách báo. Chỗ nào cũng sạch sẽ tươm tất.
Một lúc khá lâu sau thầy Trác mới trở lại, tôi vẫn ngồi yên đọc báo khi thầy bước vào. Tôi ngạc nhiên khi thầy bước tới và chào tôi lần nữa:
– Chào cha, có phải cha Lễ không ạ?
Tôi ngạc nhiên vì lúc nãy đã giới thiệu rồi, sao thầy còn hỏi nữa! Tôi ú ớ đáp lại:
– Vâng…vâng…
Chưa nói hết câu thì thầy Kỳ cười lên tiếng:
– Thưa cha, con biết cha nhầm, đây là thầy Trạc, em sinh đôi của thầy Trác lúc nãy!
– À, ra thế! Tôi chợt phá lên cười mà không dằn được, mặc dù biết cười như thế là không phải. Ðể khỏa lấp chỗ hớ của mình, tôi liền chống chế bằng một câu thân thiện:
– Trời ơi! Hai anh em giống nhau quá, tôi nhận không ra!
Thầy Trạc vui vẻ đáp:
– Không phải một mình cha nhầm đâu, có nhiều người nhầm hai anh em con. Chúng con giống nhau quá hả cha?
Chúng tôi được trận cười thoải mái sau câu nói đó. Hai anh em sanh đôi này đã giống nhau như hai giọt nước mà lại ăn mặc như nhau nữa thì có Trời mới biết ai là Trác và ai là Trạc! Lúc đó tự nhiên tôi liên tưởng tới hai nhân vật sinh đôi Dupond và Dupont trong bộ truyện bằng tranh “Tintin et Milou” của Paul Hergé, nhưng tôi không dám nói ra. ………
……. ( Trang 13 ): Một lúc sau thầy trở lại bước vào nhà ăn, nhưng tôi không biết ông này là Trác hay Trạc! Thầy mời tôi lên phòng, trong khi dặn thầy Kỳ và Khuân ngồi chờ thầy trở lại để đưa qua khu vực nhà khách dành cho các thầy. Lúc đó tôi nghĩ giá mà ba anh em chúng tôi được ở cùng một nhà thì vui hơn, nhưng nhập gia phải tùy tục. Trong khi sánh bước bên nhau tôi vẫn chưa biết người nầy là Trác hay Trạc! Tôi mỉm cười với ý nghĩ, giá mà một ông bị cận thị phải đeo kính thì dễ cho tôi biết mấy!
Tôi được đưa vào một phòng khách trên lầu rất sạch sẽ, rộng rãi và đủ tiện nghi. Giường trải chiếu hoa và có quạt trần. Phòng mở cửa nhìn xuống sân từ đường cái đi vào và đối diện bên kia là nhà Văn Hóa.
Tôi đặt chiếc ba lô hành trang duy nhất xuống ghế và bước vào nhà tắm để rửa mặt. Sau khi lau người bằng chiếc khăn mặt trắng thơm mùi bột giặt, tôi bước ra và ngả lưng nằm dài trên giường có chiếc gối trắng tinh. Tôi giang rộng tay chân trong tư thế thoải mái lần đầu sau 13 năm cuộc đời gió bụi. Vừa nằm xuống tôi buột miệng nói thành lời:“Ôi! Ðời đáng sống làm sao!”
Cái cảm giác đang được tự do và làm chủ hoàn toàn một căn phòng, cho dù chỉ là một phòng khách của Nhà Chung Hà Nội và chỉ ở tạm một vài ngày đã làm tôi lâng lâng hạnh phúc và nhận ra sự thay đổi đột ngột trong cuộc đời. Tôi nằm yên nhắm mắt cố tận hưởng giây phút sảng khoái hiếm hoi này, chẳng suy nghĩ gì thêm.
Một lúc sau có tiếng gõ cửa và thầy phòng bộ bước vào. Tôi vẫn không biết ông này là Trác hay Trạc, chỉ lên tiếng “chào thầy!” Thầy nói đã trình Ðức Hồng y, Ngài mừng lắm và hẹn ba giờ rưỡi thầy trở lại đưa chúng tôi gặp Ðức Hồng Y……….
CHƯƠNG 17: QUÃNG ĐƯỜNG TRƯỚC MẶT
…..(Trang 758): Nằm suy nghĩ miên man một chập, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Một giấc ngủ thật say, yên lành và không mộng mị.
Trở Về Thực Tại
Chợt có tiếng gõ cửa rất to!
Tôi giật mình choàng dậy và ngơ ngác tưởng là đang còn nằm trong tù. Tôi nghĩ vội: “Chết cha rồi, mình ngủ quên để cán bộ phải vào gọi, chắc là đội đã báo số xuất trại đi lao động rồi!” Tôi ngồi bật dậy như cái máy, mở mắt ra và ngạc nhiên thấy khung cảnh lạ. Trong lúc chưa định thần, tôi không biết mình đang ở đâu. Nhưng chỉ một giây sau tôi nhận ra thực tại nên vội tuột xuống giường và bước vội ra mở cửa phòng.
Khi đưa tay chạm cái quả nắm bằng sứ trắng tinh trên cánh cửa tôi cảm thấy lạnh nơi lòng bàn tay đồng thời với tâm trạng hạnh phúc của con người TỰ DO. Tôi đang ở trong phòng khách của Nhà Chung Hà Nội. Tôi cảm nhận giây phút sung sướng tuyệt vời lúc đó vì đây là lần đầu tiên sau 13 năm trời tôi được tự tay mở cửa buồng vào buổi sáng sau khi thức dậy.
Nhớ lại hơn chục năm trong tù, sáng nào tôi cũng nghe tiếng kẻng báo thức, tiếng chìa khóa trong chùm chìa khóa buồng giam trong tay anh Trật Tự khua rổn rẻng, tiếng dây lòi tói chạm vào cửa sắt, tiếng rít chói tai của thanh sắt cài cửa khi Trật Tự mở ống khóa rà rút mạnh cây sắt ra. Vì đã quen nghe âm thanh ấy như một điệu nhạc buồn mỗi buổi sáng nên lúc đó tôi không chú ý nhiều. Bây giờ nhớ lại tôi mới rùng mình ghê rợn.
Lúc đó, sau khi cửa buồng giam mở, đám tù nhân từ trong buồng xếp thành hàng một bước ra cho người ta đếm. Cảnh này giống y như ở một nông trại, mỗi sáng người chủ nông trại đếm lại từng con thú đang từ chuồng chen lấn nhau ra. Cái khác nhau duy nhất là bầy súc vật có khi chạy nhảy vô trật tự, còn chúng tôi thì ngoan ngoãn, cúi gầm đầu xuống và bước đi ngay hàng thẳng lối cho cán bộ đếm. Mới sáng hôm qua đây tôi cũng còn sống trong cảnh “cúi đầu bước ra” ấy ở trại tù Nam Hà. Lúc này, khi cách cửa phòng khách mở ra, ánh nắng ban mai đã chói chang và báo hiệu một ngày đẹp trời.
Một Thầy Phòng Bộ có mái tóc đầu đinh, mặc quần đen, áo sơ mi trắng ngắn tay đứng bên ngoài cửa tươi cười: “Chào cha! Chắc là hôm qua cha đi đường mệt nên ngủ say, con đã gọi cửa khá lâu rồi. Xin lỗi con phải đánh thức cha vì đã muộn và Ðức Hồng Y đang chờ cha xuống ăn điểm tâm.”
Tôi không kịp nhìn đồng hồ trên tường, vội vàng đáp lại: “Chào thầy…” và lí nhí thêm câu gì tôi cũng không nhớ rõ. Tôi quay lại và bước vội vào nhà tắm, vừa bước đi tôi vừa tự hỏi: “Ông này là ông Trác hay ông Trạc đây hả trời?”
KẾT THÚC BÚT KÝ TÔI PHẢI SỐNG
MÙA THU NĂM QUÝ MÙI 2003. KỶ NIỆM SINH NHẬT THỨ 60 CỦA TÁC GIẢ 09.11.2003
***
Hôm nay, khi hay tin Thầy Lôrensô TRẦN VĂN TRÁC qua đời, tôi viết câu chuyện này để tưởng nhớ một người tuy xa lạ nhưng để lại trong đời tôi một kỷ niệm khó quên. Đó là kỷ niệm ngày đầu tiên tôi được tha ra khỏi ngục tù cộng sản sau 13 năm tù.
Tôi cũng xin chia buồn với gia đình Thầy Trác và Nhà Chung Hà Nội, nơi mà Thầy Lôrensô TRẦN VĂN TRÁC đã phục vụ suốt cả đời mình. Lúc này, xin tất cả mọi người hiệp ý với tôi trong lời nguyện sau đây
CHÚNG CON CẬY VÌ DANH CHÚA NHÂN TỪ CHO LINH HỒN THẦY LÔRENSÔ TRẦN VĂN TRÁC ĐƯỢC LÊN CHỐN NGHĨ NGƠI.
HẰNG XEM THẤY MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI SÁNG LÁNG VUI VẼ VÔ CÙNG. AMEN
RIP Thầy Trác!
Linh mục Andrew NGUYỄN HỮU LỄ
AUCKLAND, NEW ZEALAND