Những Tù Khúc Tháng Tư II’
và ký ức không bao giờ nhạt phai theo năm tháng
Văn Lan/NgườiViệt
WESTMINSTER, California (NV) – Những nhạc phẩm của người tù sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 lại trở về, nhưng cũng có những nhạc phẩm lần đầu xuất hiện trước công chúng, để lại những dấu vết khó phai mờ trong ký ức, qua “Những Tù Khúc Tháng Tư II,” là chủ đề của đêm nhạc tại Viện Viện Học, Westminster, hôm Chủ Nhật, 22 Tháng Tư.
Cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, chia sẻ rằng: “‘Những Tù Khúc Tháng Tư II’ được tổ chức nhằm mục đích nói lên tâm tình của những người tù ‘cải tạo’năm xưa, tình cảm của họ về gia đình, quê hương, về Sài Gòn, mà trong tâm khảm người tù, là biểu tượng của tình thương và sự tự do. Đây là dòng dòng nhạc tù, được những người tù sáng tác, với đầy tính nhân bản. Họ là quân dân cán chính VNCH bị giam cầm trong các trại tù cộng sản sau cuộc chiến.”
Cô cũng nhắc rằng: “Giới thiệu dòng nhạc tù như một phần sử liệu, và là một dòng nhạc không thể không nhắc đến trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Dòng nhạc này được ra đời trong một thời gian và không gian cố định, do người tù sáng tác, khi họ còn trong tại tù ‘cải tạo,’ từ Tháng Sáu, 1975 đến Tháng Năm, 1992, khi những người tù cuối cùng được phóng thích, nhằm nói giùm tiếng nói của những người tù năm xưa.”
“Những ca khúc này cũng nhắc nhở các thế hệ trẻ cho họ hiểu thêm về sự hy sinh của thế hệ trước, về những khổ đau mà cha anh của họ đã trải qua sau cuộc chiến, để góp phần hàn gắn nơi có sự thiếu cảm thông giữa thế hệ của những người tù và các thế hệ kế thừa. Đây cũng là cách để bày tỏ lòng tri ân trước sự hy sinh của những người đã nằm xuống hoặc đã dành phần lớn cuộc đời của họ cho quê hương, vì quê hương. Dòng nhạc này nhắc nhở tuổi trẻ Việt Nam sống ý nghĩa và sống vững mạnh như một cách đền trả ân tình của các thế hệ trước,” giám đốc Viện Việt Học nói tiếp.
Mở đầu chương trình là ca khúc “Một Mai Giã Từ Vũ Khí,” nhạc Nhật Ngân, Chế Tùng trình bày. Tiếp nối là ca khúc “Quân Trường Xưa,” nhạc và lời Vũ Cao Hiến, do Trần Thạch trình bày. Liên tục suốt chương trình là những bài nhạc sắt son được người tù sáng tác trong suốt những thời gian và không gian của đời tù.
Nhà văn Tạ Quang Hoàng, khi cùng hợp tác với Viện Việt Học, đã thu thập nhiều bài tù ca, để tổ chức chương trình “Những Tù Khúc Tháng Tư,” và đây là năm thứ hai. Ông cho hay chương trình này để bày tỏ những suy nghĩ, những tâm tình của những người tù “cải tạo,” qua bao nhiêu năm trong ngục tù Cộng Sản, để thực hiện chương trình tri ân những người tù đã vì đại nghĩa chống lại kẻ thù.
Ông bộc bạch: “Sau khi cuộc chiến chấm dứt, những người dân miền Nam phải vào tù khi chiến đấu vì tình yêu thương, yêu gia đình, yêu tổ quốc. Họ không có tội nhưng đã bị Cộng Sản nhốt tù khổ sai, có khi không thời hạn, có bao nhiêu người đã nằm xuống, và cũng có người vượt qua những năm tháng khó khăn.”
“Khi bước chân vào đời ai cũng có những ước mơ của mình luôn chống lại kẻ thù, để giới trẻ ngày nay hiểu được rằng tại sao ông cha mình phải hy sinh, phải bị tù tội bao nhiêu năm tháng. Khi ra tù lại vượt biên, vượt biển đối diện với cái chết để đem con cái ra hải ngoại, đến được xứ sở tự do lại chấp nhận những công việc rất thấp để cho con cái được học hành,” ông tiếp.
“Vậy mục đích của chương trình này cũng là để thế hệ sau nhìn lại cha ông của mình, để hiểu được tại sao mình có mặt ở Mỹ. Phải thấy giá trị của tự do mà mình được hưởng, để khi bước vào đời các bạn trẻ hãnh diện khi thành công. Đó là một sứ điệp gởi đến các bạn trẻ, để hiểu rằng phải có nghĩa vụ đối với đất nước đã cưu mang mình, để thực hiện những mộng ước của mình, và để giải thích cho những người bạn Mỹ thấy được chủ nghĩa Cộng Sản là như thế nào,” ông thêm.
Trong bài “Đôi Giày Dũng Sĩ,” nhạc Nguyễn Văn Hồng, Tuấn Hải trình bày, lời ca cho thấy tinh thần của người tù luôn tin rằng sẽ có một ngày đôi giày dũng sĩ trở về đạp nát kẻ thù, đạp tan xích xiềng nô lệ, bởi vì một đời chiến chinh để quê hương muôn đời thanh bình. Bài nhạc nói về Nguyễn Văn Hồng, trung úy Pháo Binh VNCH, người luôn đứng bên anh em chống lại bọn cai tù. Cuối cùng anh chấp nhận chết trong trại tù riêng biệt ở trại Nam Hà.
Hoặc trong bài thơ “Xin Mẹ Thứ Tha,” thơ Dương Tử Dương Khắc Đệ, Ái Phương diễn ngâm, để lại nhiều cảm xúc cho người nghe, khi vào Tháng Tám, 1978, Dương Tử cùng nhiều bạn tù khác chuyển từ các trại vùng Tây Bắc gần biên giới Việt-Trung về trại Nam Hà, huyện Kim Thanh, tỉnh Hà Nam Ninh. Khi xe chạy qua huyện Kim Thanh, vốn là quê ngoại của Dương Tử, khiến ông nhớ lại lời mẹ nhắn nhủ khi theo cha lẩn trốn từ vùng Cộng Sản kiểm soát để di cư vào Nam, về vùng quốc gia.
Người mẹ ở lại đã dặn dò con “Chỉ trở về khi đất nước sạch loài ma quỷ.” Thế mà giờ đây khi ông “Trở về quê mẹ mà tê tái lòng/Về trong xiềng xích cùm gông/Về trong lớp áo tù nhân bạc màu/Về chung mang một niềm đau/Vết thương thời đại hằn sâu linh hồn/… Lời thơ như tiếng lòng thổn thức nén lại trong tim để xin mẹ tha thứ cho người con đã không làm tròn lời dặn của mẹ hiền năm xưa!
Người tù đã bày tỏ dòng nhạc tù khác với dòng nhạc đời thường, vì điều căn bản nhất của nó là rất thật trong trại tù “cải tạo.” Như trong bài “Anh Ở Đây,” nhạc Thục Vũ, có câu “Anh vẫn ở đây với giếng nước sâu bên cầu,…” cầu đây là cầu vệ sinh lộ thiên, bên cạnh những giếng nước uống của hàng ngàn người tù ở kế bên!
Mỗi bài ca chính là mồ hôi nước mắt, kể cả sự đau đớn về mạng sống của mình, như câu “Trên đồi cao đập đá nắng cháy da đầu/Dưới đầm sâu kéo cày thay trâu,” để rồi sáu năm sau khi người vợ được thăm nuôi lần đầu tiên, đã nhìn không ra chồng mình trong hình hài tơi tả. Hoặc “Em đến thăm anh trong trại ngục tù/Những dòng nước mắt lã chã trên bờ mi.” Nhưng họ luôn có niềm tin sắt son vào chính nghĩa quốc gia của mình.
Trong bài “Chuyến Tàu Về Nam,” ban hợp ca CLB Viện Việt Học trình bày, nhạc Đại Úy Việt Long, Khóa 23 Đà Lạt, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, người giữ cửa ngõ Xa Cam, phía Nam An Lộc, nhờ đó An Lộc được giữ vững trong mấy tháng.
Cựu Trung Tá Võ Ý, Phi Đoàn 118, người tù “cải tạo” đi trên chuyến tàu năm xưa ấy, giải thích đoạn hai trong bài “Chuyến Tàu Về Nam,” tại sao điệp khúc lại rộn ràng sôi nổi, vì trái ngược với cảnh khi đoàn tàu chạy qua trên đất Bắc, chỉ thấy toàn những cảnh nghèo đói xác xơ nên đoạn nhạc đượm nét buồn u uẩn.
Ông kể: “Khi đoàn tàu vừa qua sông Bến Hải, người tù vui mừng thấy lại sự tươi mát hiền hòa, thấy được màu nắng miền Nam là thấy cả tình quê hương, cảnh vật đầy sinh khí, không như cảnh chết chóc ở ngoài Bắc. Khi vào tới Huế được người dân hai bên đường hân hoan đón chào khi biết đoàn tàu chở tù, nhưng người tù bị xích chân hai người chung với nhau, nên họ chỉ biết nhìn theo.”
Ông Trần Văn Dân và vợ vừa từ Đức qua để tham dự chương trình. Ông là thuyền nhân vượt biên hồi năm 1979, được tàu Cap Anamur thuộc chương trình nhân đạo của Đức cứu vớt.
Ông xúc động nói: “Thật là một đêm nhạc tuyệt vời, nhưng nếu trong chương trình có thể xen kẽ được những anh em cựu quân nhân Quân Lực VNCH hoặc thuyền nhân năm xưa, để họ có thể nói lên những cảm nhận của mình thì rất hay. Cũng xin cảm ơn toàn thể anh chị em ca sĩ sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các thế hệ trẻ sau này, để các em hiểu biết thêm nhiều hơn về những chuyện mà các em không hề biết sự thật, vì Cộng Sản hiện nay rất xảo trá khi ru ngủ các em. Phải làm sao giữ vững thế hệ này cho thế hệ sau tiếp nối.” [đ.d.]