NHỮNG MÓN NỢ KHÓ TRẢ VÀ NHỮNG ANH HÙNG KHÓ QUÊN (Huy Phương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Sau Tháng Tư, 1975, hằng trăm nghìn người thương binh của miền Nam Việt Nam không thể nào che giấu lý lịch với đôi mắt mù, cái chân cụt và quá khứ đã là một người lính có thành tích chiến đấu chống Cộng Sản ngoài mặt trận. Không còn khả năng làm lụng để kiếm miếng cơm nuôi gia đình và chính bản thân mình, những người này còn phải sống trong không khí lạnh lùng, ngờ vực và khinh rẻ của kẻ chiến thắng không có tình người. Chính phủ, quân đội, đơn vị, cấp chỉ huy, đồng đội không còn, gia đình quyến thuộc không đủ sức cưu mang vì chính họ cũng bị nhận chìm tận cùng dưới đáy xã hội.

Trong xã hội mới, những người thương binh VNCH thật sự đã là “những người bị bỏ quên”.

Đã có những hội đoàn, những tổ chức, những nhóm thiện nguyện cứu đói, cứu nghèo, cứu bệnh tật, cứu gái sa chân, cứu trẻ bị bán ra nước ngoài, cứu già thiếu gạo…

Tôi có cảm tưởng những vùng đất cứu trợ trên đã được chính quyền trong nước cho khai quang, có khi còn giữ “an ninh bãi đáp” cho trực thăng đổ người xuống cứu trợ để đỡ tay đỡ chân cho đảng lo việc trấn áp dân chủ, nhân quyền.

Trong khi đó, công việc cứu trợ các thương phế binh VNCH trong một xã hội còn đầy mìn bẫy, hầm hố, thù hận, phải tiến hành lén lút, bí mật hay đột kích gây thêm nhiều trở ngại, khó khăn cho cả phía những người hảo tâm và cả những nạn nhân xấu số này.

Thương phế binh, đáng lẽ là những người mà hải ngoại cần phải nhớ trước tiên, từ khi người sinh viên du học ra nước ngoài giữa lúc chiến tranh trở nên tàn khốc, lúc cấp chỉ huy quân đội miền Nam bước chân lên Đệ Thất Hạm Đội hay đảo Guam, từ khi người vượt biển được đặt chân lên đất liền, từ khi người cựu tù được người ra đón ở sân bay, lại là những người bị quên lãng nhất.

Bà Dương Nguyệt Ánh, chuyên viên chất nổ của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, tác giả trái bom “nhiệt áp” đã nói rằng, là một người tỵ nạn chiến tranh, bà “không bao giờ quên được hình ảnh người lính Hoa Kỳ và VNCH đã từng bảo vệ cho bà có một cuộc sống an toàn ở miền Nam trước đây.” Chúng ta cũng hiểu rằng người lính VNCH thiệt thòi hơn cả sau chiến tranh chính là người thương phế binh hôm nay.

Cô Liên Hương, một bác sĩ trong nhóm Huynh Đệ Chi Binh ở San Jose, cũng như chúng ta đã có mặt tại Hoa Kỳ tự do, no ấm hôm nay sau những ngày đã hoạt động để cứu giúp “những người bị lãng quên,” vì cô nghĩ rằng cô đã mang ơn những người này, người thương phế binh VNCH.

– “Tôi viết thư cho anh hôm nay, không phải như một người Việt Kiều xa xứ được ưu đãi trong một đời sống an lành, và thoải mái hơn về vật chất lẫn tinh thần đang nghiêng mình xuống với người đồng loại bất hạnh, nhưng tôi viết với tâm trạng của một cô gái năm xưa đã lớn lên yên ổn giữa thành phố Sài Gòn, nhìn tuổi thơ ấu của mình trôi qua dưới ánh hỏa châu và những tiếng bom đạn hằng đêm vẫn vọng về từ một chiến trường xa. Ở đó, bao nhiêu xương máu và nước mắt của cả một thế hệ tuổi trẻ đã đổ xuống để che chở cho những cô gái nhỏ như tôi được tiếp tục bình yên đến trường. Ở đó vẫn có biết bao nhiêu người chiến sĩ như các anh còn ôm tay súng chiến đấu đơn độc với những giờ phút chót, để gia đình chúng tôi có cơ hội xuống thuyền ra đi tìm đến những quê hương hạnh phúc mới bên này bờ biển Thái Bình Dương.”

“Chính với tấm lòng tri ân và ngưỡng mộ đó mà hôm nay tôi thấy cần phải viết cho anh, cho các bạn của anh, những lời các anh xứng đáng được nghe nhưng có lẽ đã chưa bao giờ được nghe từ gần 48 năm qua, để các anh hiểu được rằng những hy sinh của mình đã không lãng phí hay vô ích.

Những tượng đài có thể bị đạp đổ, nhưng những hình ảnh thần tượng ghi khắc trong lòng sẽ chẳng bao giờ bị xóa nhòa. Chúng ta đã mất mát rất nhiều thứ, những người thương binh như các anh đã mất hết một phần thân thể, tình yêu và tuổi trẻ, và những người Việt tỵ nạn như tôi cũng đã mất hết một nơi chốn dung thân để phải tha hương lưu lạc khắp mọi phương trời. Có một điều ngày hôm nay tôi mong chúng ta sẽ không đánh mất là tình người đến với nhau, để khoảng không gian anh đang sống và hít thở bớt đi niềm lẻ loi và cô độc.”

“Cuối cùng dù tôi không thể gởi nguyên một bài hát về cũng xin cho tôi được tặng anh và những người bạn anh hùng không tên tuổi của anh lời tựa của bài hát ‘You Are My Heroes’, bởi vì cuối cùng trong cuộc đời này không có điều gì anh hùng và cao thượng hơn là hy sinh cuộc đời mình để cho người khác được quyền sống.

Trong mắt tôi mãi mãi không có những người phế binh thương tật mà chỉ có những con người trai anh hùng một thời chọn cho mình con đường đi và và sống đích thực có ý nghĩa nhất”.

Những dòng chữ trên đây của một người con gái, một đứa em hậu phương cũng như tất cả chúng ta đã mang một món nợ không bao giờ trả nổi, món nợ xương máu mà chúng ta đã nương nhờ, vay mượn từ lúc chúng ta được yên ổn ở hậu phương, rất xa mặt trận, và cả đến lúc chúng ta ngoảnh mặt rời quê hương ra đi.

Những năm trước, bức thư này đọc trên đài phát thanh ở Bắc California đã làm rơi lệ hằng nghìn người nghe ở hải ngoại, nhưng rồi cơm áo đa đoan, cuộc sống bề bộn, nhiều lúc chúng ta đã quên hẳn hình ảnh người thương phế binh Việt Nam một cách phụ bạc, nhẫn tâm mà đáng ra phải canh cánh ghi nhớ trong lòng.

Ở hải ngoại từ trước đến nay, những quyên góp giúp đỡ cho thương phế binh được đưa xuống hàng thứ yếu sau những chiến dịch dai dẳng cho người nghèo, cho trẻ thất học, cho chùa chiền, thánh thất, cho mổ mắt vá môi… Nếu có lòng, thì cũng với những hoạt động lẻ tẻ do một nhóm người, một tổ chức quy tụ một số thân hữu giúp cho năm bảy gia đình, hay khá hơn là vài trăm thương binh. Chúng ta chưa có được một ngày dành cho thương binh, một chiến dịch rộng lớn như những ngày chúng ta đóng góp cho quỹ kháng chiến, để rồi cuối cùng sự việc chẳng đi tới đâu, khiến lòng tin của hải ngoại mỗi ngày một suy kiệt.

Ẩn mình từ trong những xóm làng xa xôi sống nhờ trên mảnh đất khô cằn khoai sắn, hay bầm dập giữa phố thị với xấp vé số trên tay, thậm chí còn trở thành kẻ hành khất kêu gọi tình thương của người qua đường đâu đó. Nỗi xót xa, tủi nhục ấy bao giờ tiêu tan được, cũng như những nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn họ không bao giờ hết, trong khi qua thời gian làn da nơi chân tay què cụt đã chai đá, những vết thương đã lành. Lớn hơn hết là những người thương phế binh này đã mang mặc cảm là “người đã bị bỏ quên” trên quê hương, nơi mà thù hận chưa nguôi, đối xử vẫn còn phân biệt như những người lính lạc đơn vị bị bỏ lại trên đất địch.

Thế giới hôm nay của chúng ta so với đời sống thương phế binh ở quê nhà là thiên đường và địa ngục, tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Dù có san sẻ tới mức nào cũng không lấp đầy nỗi thống khổ, dù bù đắp tới mức độ nào cũng không xứng đáng với sự hy sinh. Anh, người thương phế binh, tôi vẫn còn nợ anh mối ân tình của sự HY SINH. 

Huy Phương