NHỮNG HÀM RĂNG ĐEN CUỐI CÙNG (Vũ Công Hiển)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH
của VŨ CÔNG HIỂN
(Bài viết và ảnh của Vũ Công Hiển)

Nhuộm răng là tục lệ cổ truyền của dân tộc Việt Nam từ thời Hùng Vương, cùng với tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc biệt của bộ tộc người Việt để phân biệt với các sắc dân khác.
Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan niệm thẩm mỹ. Chính tục lệ ăn trầu là lý do đưa đến tục nhuộm răng, bởi nhai trầu thường làm ố răng, nên phải nhuộm răng thật đen để tránh khỏi bị tác dụng trên, đồng thời tạo được vẻ thẩm mỹ duyên dáng cho hàm răng… Các cô gái, cho dù không ăn trầu, vẫn cứ nhuộm răng đen. Việc nhuộm răng đen đã trở thành phổ biến trong dân chúng, trừ những đứa trẻ còn răng sữa.
Tục nhuộm răng đen chỉ thông dụng ở miền Trung và miền Bắc. Kinh đô Huế được coi là nơi cực thịnh của nghệ thuật nhuộm răng, vì ở đó các ông hoàng bà chúa, các cung tần mỹ nữ, tầng lớp quan lại, nho sĩ, các cô chiêu, cậu ấm rất ưa chuộng việc nhuộm răng.
Trong văn chương và ca dao Việt Nam thì hàm răng đen của người phụ nữ Việt thường được ca ngợi như một nét đẹp không thể thiếu, là nét đáng yêu được xếp vào hàng thứ tư trong cái duyên của người con gái:

Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua

Để hấp dẫn, người con gái bao giờ cũng rất chú trọng đến hàm răng đen gợi cảm của mình:

Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen.

Và:

Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.

Trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, nhà thơ Hoàng Cầm cũng đã từng ca ngợi nét duyên dáng, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam:

Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng…

Cùng với tục nhuộm răng đen và ăn trầu, phụ nữ còn đánh răng thuốc. Họ vê tròn thuốc lá sợi rồi chà lên mặt ngoài của hàm răng. Nhờ vậy răng mới đen bóng, miếng trầu mới đậm đà. Tục nhuộm răng đen còn tồn tại sang thế kỷ 20 mới mất dần. Cho đến nay, hình ảnh người phụ nữ với hàm răng đen đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn gặp lác đác ở miền Bắc.
Tôi đã đi săn ảnh phong cảnh và sinh hoạt đời thường ở miền Bắc trên ba chục lần. Từ Hà Nội tới Bắc Giang, từ Lào Cai xuống Thanh Hóa. Mỗi chuyến đi tôi cũng thường hay để ý xem có gặp bà cụ răng đen nào không để ghi lại hình ảnh các cụ, thường tuổi đã xấp xỉ 80. Tôi biết rằng sẽ không còn nhiều cơ hội để chụp ảnh các cụ nữa. Chỉ dăm mười năm nữa thôi! Các cụ có nụ cười thật đôn hậu, giọng nói chậm rãi, ân tình, khác hẳn giọng mấy cô gái trẻ thường gặp trên đường phố Hà Nội, vừa nhanh vừa cao đến nỗi mấy anh bạn người miền Nam lần đầu ra Hà Nội chả hiểu gì cả, bắt tôi thông dịch lại sang… tiếng Bắc 54!
Có lần tôi đang trên đường đi bộ đến một xưởng dệt tơ tằm ở Hà Tây để chụp vài tấm ảnh quay tơ, một bà cụ răng đen đứng hóng mát ngoài cửa nhà vui vẻ mời: “Bác đi đâu thế? Vào uống tách chè đã nào”. Tôi chỉ là người lạ qua đường mà sao giọng cụ đon đả, thân tình thế. Lại được gọi trịnh trọng là “bác” nữa. Tôi đã quen nghe các bà cụ ở trong Nam gọi thân mật là cậu hai, chú hai… Tôi cười hỏi thăm cụ vài câu rồi xin phép đi.
Có lần tôi ghé làng cổ Đường Lâm trong khi chờ xe đón lên Mộc Châu bỗng nghe tiếng mời đon đả phía sau: Mời bác mua chè lam về làm quà. Chè nhà mới nấu còn nóng, để nguội sẽ ngon hơn. Một bà cụ răng đen vừa cười vừa mời. Thấy bà cụ răng đen là tôi biết hôm nay gặp may rồi. Tôi bèn nói
chuyện câu giờ: Tôi kiêng ngọt cụ à, vả lại cái ba-lô nặng quá nên chả dám mua quà cáp gì nữa. Bà cụ nói, vậy thì bác mua nửa cân thôi, tôi lấy hai mươi nghìn. Vừa nói cụ vừa đưa tôi ăn thử một miếng chè lam còn âm ấm, không ngọt lắm và thơm mùi gừng. Tôi điều đình: Bây giờ tôi trả cụ 20 nghìn nhưng không lấy chè lam mà chỉ nhờ cụ ngồi xuống chiếc ghế con này đúng hai phút để tôi chụp vài tấm ảnh. Bà cụ mắt sáng lên, cười nhận lời ngay. Cụ nghĩ là cụ đẹp lão nên tôi muốn chụp, bèn khoe cụ năm nay 78 tuổi rồi, sắp tám mươi. Cụ còn cho biết đã từng được nhiều người xin chụp vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (năm 2010). Tôi kéo cái ghế nhỏ ra khỏi quán cho đủ ánh sáng chiếu vào mái tóc bạc của cụ. Đúng lúc cụ đang nói chuyện cười tít mắt, bao nhiêu cái răng đen cụ khoe ra hết thì tôi bấm. (Tấm ảnh #1)
Một lần khác tại đầu ngõ một ngôi làng ở Bắc Giang, tôi gặp hai cụ già răng đen đang hỏi han nhau. Một cụ lưng đã gù gập hẳn xuống, đi chân đất (Ảnh #2). Hai cụ nói chuyện bằng giọng chân chất mà  tôi nhớ đã loáng thoáng nghe từ hồi còn nhỏ lắm… Ôi những người bạn già chỉ còn ít năm tháng cuối đời để hỏi thăm nhau sức khỏe. Quý biết bao!