Hoả châu hay có tên khác là trái sáng. Nó được sử dụng trong chiến tranh, được bắn lên trời như pháo hoa nhưng chúng không tua tủa sặc sở như pháo hoa…
Nó sáng như một mặt trời nhỏ trên bầu trời đêm tăm tối. Bên trên hỏa châu có lắp thêm dù nhỏ, đường kính hơn một mét.
Gió nhẹ trên cao, khiến nó lơ lửng trên trời rất lâu…
Trong chiến tranh xưa kia trước năm 1975 chấm dứt, quân đội Mỹ đêm nào cũng bắn hỏa châu sáng lên trời để kiểm soát khu vực dưới mặt đất.
Những hỏa châu này khi tắt rơi xuống đất chỉ còn lại chiếc dù màu lính hay trắng, nó có thể rơi khắp nơi: trên nóc nhà dân, vắt vẻo trên đây đẹn, cành cây, hay nằm bệt trên ngọn lúa, đường lành còn ướt đẫm sương đêm…
Người ta nhặt được đem về chế biến ra đủ thứ như mền, võng, dây sợi, vải dù… Dùng rất tốt.
Đặc biệt là trái hỏa châu khi nổ trên không trung, bốn miếng thép-nhôm văng ra, rít trong gió nghe vui tai nhưng cũng rợn người…
Miếng thép nhôm được sử dụng gần như duy nhất một việc, là để “Đập vỡ cục nước đá cục ra từng viên nhỏ” để cho vào ly nước giải khát mà gần như bạn đi khắp miền Nam, cứ thấy quán, tiệm “Nước giải khát” là có mặt của “Anh ta”.
Khi xưa, những năm còn chiến tranh.
Đêm đang ngủ, bất chợt nghe tiếng súng lớn nhỏ, tiếng súng cối của “Hai bên” nổ dữ dội cũng biết là đang đánh nhau…
Khi tất cả các thành viên Tam đại đồng đường xuống “Hầm trú ẩn” an toàn.
Nhìn ra khẽ hở của vách nhà, ánh sáng hỏa châu sáng rực cả một mảnh trời, tiếng “Phụt… phụt…” của hỏa châu, tiếng là hết, tiếng người chạy thình thịch ngoài đường, tạo nên một không gian hỗn độn u ám kinh người…
Người lớn lúc ấy đang nghĩ đến cảnh bom rơi đạn lạc, cảnh nhà máy bị bốc cháy (Lần ba)… Còn tôi, ra sức nhìn cây dùng trắng đang bay trong đêm, đoán già, đoán non:
Những cây dù dễ thương kia sẽ đáp xuống đám ruộng của ai?
Chỉ nghĩ đến sáng mai, đi học sẽ may mắn lượm được một cây dù là vui lắm…
Những ai đã sống cùng thời của tôi sẽ có những kí ức vừa bi thảm lo âu vừa đẹp đẽ hồn nhiên khi còn chiến tranh.
Cho dù là mỗi nơi mỗi viễn cảnh có khác nhau…
Nhưng chắc chắn sẽ có một lần hay quá đỗi quen thuộc khi nhìn thấy:
“Miếng đập nước đá”,
Một kỉ vật vui của một thời đạn lạc kinh hoàng…
Đinh Trực.