NHỮNG LÁ THƯ TRONG TÙ CỦA ĐẢNG TRƯỞNG NGUYỄN THÁI HỌC GỬI THỰC DÂN PHÁP

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhân kỷ niệm thành lập VNQDĐ lần thứ 95, trang nhà VNQDĐ đăng thư của đảng trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học gửi Nghị Viện Pháp khi trong nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa ngày 10/02/1930 bị thất bại.

Nguyễn Thái Học – Đảng Trưởng VNQDĐ trong nhà lao Hỏa Lò Hà Nội (1930) – bên phải lời tuyên bố của ông

Thư của Nguyễn Thái Học viết cho Hạ Viện Pháp

Các ông Nghị Viện!

Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Thái Học, người Việt Nam, 26 tuổi, chủ tịch và sáng lập viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, hiện bị bắt và giam ở ngục Yên Báy, Bắc kỳ, Đông Dương, trân trọng bày tỏ như sau này:

Theo công lý, ai cũng có quyền bênh vực tổ quốc mình khi bị các nước khác xâm lược, và theo nhân đạo, ai cũng có nghĩa vụ phải cứu vãn đồng bào trong vòng nguy hiểm, khó khăn. Như tôi, tôi thấy rằng tổ quốc tôi bị người Pháp các ông chiếm lĩnh hơn sáu mươi năm nay; tôi thấy rằng, dưới ách chuyên chế của các ông, đồng bào tôi khốn khổ vô cùng, và dân tộc tôi dần dần sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, theo luật tự nhiên đào thải. Bởi vậy, quyền lợi và nghĩa vụ đã thúc giục tôi phải tìm hết cách để bênh vực tổ quốc tôi đương bị người chiếm lĩnh, và dân tộc đương ở cảnh gian nguy. Trước hết, tôi định cùng với các người Pháp ở Đông Dương mà làm việc mở mang trí thức và kinh tế. Về phương diện kinh tế, năm 1925, tôi đã gởi cho viên Toàn Quyền Va-ren một bức thư, gồm có những nguyện vọng xin bênh vực che chở nền công, thương bản xứ, và nhất là lập một trường Cao Đẳng Công Nghệ ở Bắc kỳ. Năm 1926, tôi lại gởi một bức thư nữa cho viên Toàn Quyền Đông Dương, trong có một dự án giúp cho dân nghèo có thể dễ sống. Năm 1927, tôi lại gửi cho Thống Sứ Bắc kỳ một bức thư, xin ra một tập tuần báo, mục đích là bênh vực và khuyến khích cho nền công, thương bản xứ. Về phương diện trí thức, năm 1925, tôi gửi thư cho Toàn Quyền Đông Dương, yêu cầu:

Quyền tự do mở các trường không lấy tiền cho dân hạ giới đến học, nhất là cho thợ thuyền và nông dân!

Quyền tự do mở các bình dân thư xã ở các làng cùng ở các tỉnh công nghệ.

Khốn nỗi cái gì cũng bị họ cự tuyệt! Thư tôi chẳng thấy trả lời; dự án của tôi chẳng thấy thực hiện; các lời yêu cầu của tôi chẳng thấy ưng chuẩn, mà đến các bài tôi viết lên báo cũng bị kiểm duyệt, xóa bỏ nốt! Cứ những chuyện cự tuyệt đó, tôi thấy rõ ràng rằng: người Pháp không hề có thực lòng với người Việt, và tôi chẳng giúp ích gì được tổ quốc tôi, đồng bào tôi, dân tộc tôi cả, trừ khi là đuổi người Pháp ra khỏi đất nước tôi! Bởi vậy, năm 1927, tôi bắt đầu tổ chức một đảng cách mệnh, lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng, mục đích là đánh đổ cường quyền áp bức ra khỏi nước tôi, và lập nên chính phủ Cộng Hòa Việt Nam, gồm những người thực lòng tha thiết đến hạnh phúc của quần chúng.

Đảng tôi tổ chức bí mật, và đến tháng 2 năm 1929 thì bọn mật thám khám phá. Trong các đảng viên đảng tôi, bị bắt một số khá lớn, và bị xử cấm cố từ 2 năm đến 20 năm, tất cả 52 người. Bị bắt nhiều, bị xử oan ức… Đảng tôi đâu có chịu hoàn toàn tiêu diệt! Dưới quyền tôi chỉ huy, Đảng vẫn hoạt động và đi tới mục đích. Ở Bắc kỳ nổi lên một phong trào cách mệnh; nhất là ở Yên Báy, đã giết chết được mấy sĩ quan. Tổ chức và cầm đầu cho phong trào đó, người ta buộc cho Đảng tôi, lấy cớ rằng chính tôi là chủ tịch của Đảng đã hạ lệnh đánh. Kỳ thực thì tôi chưa hề hạ lệnh ấy, và đã đem những chứng cớ đích xác, để chứng rõ ràng không, với Hội Đồng Đề Hình Yên Báy. Vậy mà, một số đông đảng viên hoàn toàn không biết đến phong trào ấy cũng bị bắt và bị buộc là có tham dự vào công việc! Chính phủ Đông pháp đã đốt, phá nhà họ! Chính phủ Đông pháp đã cho lính đến đóng, rồi tịch thu gạo thóc của họ mà chia phần với nhau! Chẳng những đảng viên đảng tôi, phải cam chịu nỗi bất bình – mà gọi là tàn bạo tưởng đúng hơn! – mà còn phần đông đồng bào, hiền lành làm lụng ở nhà quê, để sống cái đời ngựa trâu, cũng chịu hại lây nữa!

Hiện nay trong các miền Kiến An, Hải Phòng, Bắc Ninh, Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Báy, có hàng vạn người đàn ông, đàn bà, con trẻ vô tội mà bị giết! Hoặc bị chết đói, chết rét vì chính phủ Đông Pháp đã đốt mất nhà! Vậy tôi trân trọng lấy nước mắt, nhờ các ông làm cho tỏ rõ nỗi bất bình ấy, là cái nó làm cho dân tộc tôi sẽ hoàn toàn tiêu diệt, là cái nó làm cho mất hết danh dự nước Pháp, là cái nó làm cho giảm cả giá trị của loài người!

Sau nữa, tôi trân trọng bảo cho các ông biết: tôi xin chịu trách nhiệm về tất cả mọi việc chính biến phát sinh trong nước tôi và chỉ huy bởi Đảng tôi, từ năm 1927 đến giờ! Vậy chỉ cần giết một mình tôi là đủ, mà đừng làm tội những người khác hiện nay đương bị giam ở các cửa ngục. Vì chỉ có mình tôi là thủ phạm thôi, còn những người khác đều vô tội cả! Họ vô tội, vì trong số đó thì một phần là những đảng viên, nhưng sỡ dĩ vào Đảng là vì họ nghe lời tôi khuyến khích cho họ biết: thế nào là nghĩa vụ một người dân đối với Nước; thế nào là những nỗi khổ nhục của một tên vong quốc nô! Còn ngoài ra thì là những người không phải đảng viên, nhưng bị kẻ thù hay bọn mật thám đặt điều vu cáo, hay lại bị vu cáo bởi những bạn hữu không chịu nổi những cách tra tấn tàn nhẫn của Công an cục (Sở Mật thám), và khai bừa ra cho đỡ phải đòn! Tôi nhắc lại một lần nữa để các ông biết rằng chỉ cần phải giết một mình tôi hay còn chưa đủ hả thì tru di cả nhà tôi, nhưng xin các ông tha cho những người vô tội như trên đã nói.

Sau cùng, tôi kết luận bức thư này mà nói cho các ông biết rằng: Nếu người Pháp muốn ở yên ở Đông Dương mà không phải khốn đốn vì phong trào cách mệnh thì phải thay đổi cái chương trình chính trị hung tàn và vô đạo hiện hành ở Đông Dương: phải cư xử cho ra vẻ những người bạn của giống Việt Nam chứ đừng có lên bộ là những ông chủ bạo ngược và áp chế; phải để lòng giúp đỡ cho những nỗi khổ đau về tinh thần, về vật chất của người Việt Nam, chứ đừng có khắc khe, thâm độc nữa!

Các ông Nghị!

Hãy nhận lấy tấm lòng tôi trân trọng cám ơn.

Bức thư bằng tiếng Pháp mà đảng trưởng Nguyễn Thái Học đã viết gửi cho Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier.

Nguyễn Thái Học: Thư gửi cho  Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier

Khi bị bắt, và bị giam ở Yên Bái, Nguyễn Thái Học có gửi hai lá thư cho các Nghị Sĩ Quốc hội Pháp và Toàn Quyền Đông Dương là Pierre Pasquier, nhưng lá thư ấy, bị trại giam chơi đòn hèn hạ giấu lại, không đến được nơi. Sau này, ký giả Louis Roubaud tìm thấy và đăng lại trên báo chí Pháp. Tờ xưa và nay của các báo chí cũng có đăng lại bản tiếng Việt trên số 332 tháng 5/2009, với bản dịch có chút khác biệt (xin xem bản tiếng Pháp đi kèm theo bài). Nội dung được dịch như sau:

“Thưa các ông Nghị,

Theo lẽ công bằng, quyền của mọi công dân là muốn giải phóng dân tộc. Theo nhân bản luận, bổn phận mọi cá nhân là cứu trợ đồng bào cực khổ. Tôi đã trông thấy gì? Đã 60 năm tổ quốc tôi bị đặt vào vòng nô lệ của các ông. Dòng giống tôi bị đe doạ bởi cuộc sinh tồn. Tôi có quyền, vậy thế, là bổn phận bảo vệ xứ sở đồng bào tôi.

Khởi đầu, ý nghĩ của tôi là muốn đi đến mục đích hợp tác với các ông. Những thế cờ ấy nhắc lại, cho tôi biết rõ rằng những người Pháp không muốn thành thật trong công cuộc hợp tác ấy. Và như thế tôi không thể phục vụ cho đồng bào tôi dài lâu, nếu các ông vẫn làm chủ trên xứ sở này. Năm 1927, tôi lập đảng phái quốc gia An Nam và hành động về:

1/ đuổi Pháp ra khỏi lãnh thổ  
2/ thành lập một chính phủ cộng hòa An Nam trên căn bản thành thật dân chủ. 

Tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm về cá nhân tôi qua các biến động chính trị trên xứ sở này, kể từ ngày tôi thành lập Đảng. Chỉ có tôi và chính tôi là thủ phạm, sự hành hình riêng tôi là đủ, tôi xin ân xá cho những người khác.

Điều ở đây tôi muốn nói với ông rằng, những người Pháp muốn chiếm Đông Dương yên ổn, thì từ đây trở đi, không muốn gặp một phong trào cách mạng nào, các ông phải:

– Bỏ tất cả các phương pháp dã man vô nhân đạo.
– Cư xử với An Nam như bạn, chứ không phải là chủ ác độc.
– Cố gắng giảm bớt sự đau khổ tinh thần và vật chất, xây dựng cho người An Nam quyền sơ đẳng cá nhân.
– Không thể làm ngơ trước sự hối lộ của viên chức và tính xấu của họ.
– Phải cho dân An Nam học hỏi phát triển thương mãi và kỷ nghệ của các ông.

Xin các ông Nghị nhận nơi đây sự biểu tỏ tình cảm kính mến của tôi,

Địch thủ của các ông, nhà cách mạng

Ký tên: Thái Học

(Bản dịch được ông Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, chủ nhiệm Tuần báo Tân Dân, miền Nam Việt Nam Cộng Hòa hiệu đính năm 1969)