NHỮNG NHÂN VẬT ĐIỂN HÌNH (Đỗ Trường)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

No photo description available.

Hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, tôi cứ ngỡ nhân vật điển hình chỉ có trong văn học, và những bài giảng của thầy cô giáo. Ai ngờ, sau này ra ngoài đời, lại thấy những hiện tượng, nhân vật điển hình được người ta nặn bóp, dựng lên còn nhiều hơn trong sách vở. Trốn đến trời Âu, tưởng khỏi gặp phải cái vấn nạn này. Ấy vậy mà vẫn không thoát, nó lại nảy mầm kết trái, cứ như bóng ma hiện về.
Tất nhiên, khi muốn đạt một mục đích nào đó, người ta nhào nặn ra nhân vật điển hình để minh họa, tuyên truyền. Trường hợp ngọn đuốc sống Lê Văn Tám, trải qua bao thế hệ chúng ta tôn thờ. Đó là khuôn mặt điển hình không có thật, như một nhà sử học đã công bố. Có lẽ, trường hợp này là một trong những nhân vật điển hình sống dai nhất, còn lại đều chết yểu vì sống, ăn theo theo thời vụ.
Hồi mới sang Đức, tôi ở cùng phòng với một ông bạn người Nam Định. Nhà anh ở vùng biển, sát với Nông trường Rạng Đông. Ông bạn kể, có một chị hàng xóm họ Vũ hay Võ gì đó. Tên quả thực tôi quên mất, xin được gọi chị là Thanh. Chị sống chung với một người chị gái và mẹ. Nghe nói, ông bố không chịu được sự ngoa ngoắt của ba mẹ con chị, nên đã bỏ lên rừng. Mẹ con chị ngoa ngoắt đến bọn mèo mả, cờ bạc, hút sách còn phải sợ. Ở nông thôn hầu như nhà nào cũng nuôi gà, buổi tối thường đếm gà trước khi chúng vào chuồng. Hôm nào đếm thấy thiếu, ba mẹ con chị chia nhau ra ba góc vườn réo chửi. Chửi độc đến mức bọn hút sách sợ quá phải thả gà ra trả lại mới thôi.
Rồi chiến tranh lan ra miền Bắc, chị Vũ Thị Thanh được gọi vào dân quân du kích xã, tham gia trực chiến phòng không. Được mấy tháng có chiếc máy bay Mỹ rơi gần đơn vị chị. Lý do rơi không ai rõ vì chẳng có đơn vị bộ đội, hay phòng không, không quân nào nhận. Đơn vị súng tầm thấp của chị có tham gia, thì hiển nhiên công lao bắn rơi máy bay Mỹ thuộc về đơn vị chị. Chị lại là khẩu đội trưởng, nên đại diện chị em lên lãnh thưởng, báo công. Đài, báo phỏng vấn ầm ầm, người ta ngợi ca tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, với cây súng trường bắn rơi thần sấm con ma Mỹ của chị. Thế là nhân vật điển hình đã lộ diện, người ta tút, mông má lại toàn bộ lý lịch cho chị và gia đình, và lót thêm cái tên đệm Thanh cho hiền thục, thanh tao. Mấy tháng sau chị được phong anh hùng lực lượng vũ trang. Thấy tôi nhếch mép cười, anh bạn tưởng tôi không tin, cất giọng hát, ngợi ca chị Vũ Thị Thanh, một bài hát của ông nhạc sỹ nào đó. Đã mấy chục năm tôi chỉ còn nhớ được câu đầu, “Vũ Thị Thanh.. đã đứng lên quê mẹ anh hùng..“.
Để cổ động phong trào vào hợp tác xã và làm bèo hoa dâu, giương cao ngọn cờ nông nghiệp, người ta xây dựng ngay một khuôn mặt điển hình, anh chủ nhiệm hợp tác xã giỏi trên quê hương năm tấn Thái Bình. Là một nông dân, nhưng anh đã nắm vững khoa học kỹ thuật, nên đã làm chủ thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải qui phục. Nhà thơ họ Hoàng là người có công rất lớn, góp phần tao dựng nên khuôn mặt điển hình này:
“…Anh làm chủ nhiệm đã ba năm
Ba năm vật lộn cùng khó khăn
Có mùa mạ cháy đồng khô cạn
Mười bậc nước leo lên ruộng hạn
Có mùa lúa chín lụt tràn qua
Lại phải nghiêng đồng hắt đổ ra…“
Nhưng hợp tác xã nông nghiệp đã tan theo mây khói cùng với cái bóng vật vờ của anh chủ nhiệm. Không biết trước khi về thế giới bên kia, nhà thơ họ Hoàng đã kịp viết văn tế cho nó chưa?
Ở bất kỳ nước nào, cũng có ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tầu. Nhưng những ngành này ở các nước tư bản đều của tư nhân, cho nên không có tư túi, kiểu cha chung không ai khóc. Với pháp luật nghiêm minh, thuế má ràch mạch, xã hội phát triển là điều đương nhiên. Ông chủ tư nhân này chẳng cần đeo bộ mặt nạ, có chăng điển hình của họ là những sản phẩm chất lượng để chinh phục khách hàng mà thôi. Chúng ta lại khác, những quả đấm thép như Vinashin, tổng công ty than, tổng công ty điện lực, dầu khí vvv.. những điển hình này dù có nâng lên thành những quả bom thép, trát thêm bao nhiêu son phấn đi chăng nữa, cũng thành quả bom thối, Vinashin là một ví dụ sinh động. Thay việc điều hành đất nước bằng luật pháp, chúng ta sử dụng những thông tư, nghị quyết, hay lệnh miệng tùy hứng. Sâu mọt từ đó sinh sôi nảy nở.
Tôi có anh bạn học hồi phổ thông, hiện anh đang làm chủ một công ty sản xuất dây dẫn điện.Anh kể thỉnh thoảng có mấy ông nhà báo, truyền hình đến để làm phóng sự những giám đốc làm ăn giỏi chào mừng ngày thành lập cái này, chiến thắng cái kia. Nhưng anh đều từ chối khéo. Theo kinh nghiệm của anh, những công ty nào được báo chí tuyên truyền tung hô, không trước thì sau cũng về chầu các cụ. Anh bảo một ngày có hàng chục đoàn của các ban ngành đến thăm, riêng quà cáp đã không chịu nổi, chưa kể những khoản sau đó. Do vậy những công ty nào còn sống là do biết sợ, khi người ta đến khoác cho chiếc áo điển hình.
Những gương mặt điển hình của kiều bào hình như đang nở rộ, bằng chứng ngày Lễ Tết, các gương mặt này từ khắp nơi trên thế giới được mời về Hà Nội, cùng ca vang bài “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng“ (tất nhiên, kinh phí do dân lao động nghèo è cổ gánh chịu). Nói chung người ta chỉ định, hoặc xây dựng mỗi ngành nghề có một điển hình tiên tiến, kể cả những ngành cần đến năng khiếu, như tạo dựng nên một nhà văn tiêu biểu chẳng hạn.
Thành công được cho là vang dội nhất, gần đây người ta đã xây dựng được một nhà văn có tính cách điển hình. Tên cúng cơm của bác rất ư, hương đồng gió nội- Đoản- Nguyễn Văn Đoản. Bác cũng xuất thân từ quê hương năm tấn của anh chủ nhiệm. Cả đời gắn bó với ngành nước mắm, nên mọi người cứ quen gọi bác là Đoản Mắm. Hồi mới sang Tây bác cũng định đổi tên, vì mỗi lần bạn bè réo tên Đoản Mắm, nhất là từ cửa miệng chúm chím của mấy em váy ngắn, thấy kỳ chết đi được. Có thằng độc mồm, độc miệng chọn đúng lúc bác đang tán chuyện với các em xinh tươi, hỏi: Này ông! Mắm cũng có nhiều loại như mắm tôm, mắm cáy, mắm cá, mắm ruốc…hồi ở trong nước ông phụ trách loại nào? Bực cả mình.
Ở Tây đổi tên quả là vấn đề, nên bác chần chừ mãi. Nhưng nói đi thì phải nói lại, cũng nhờ đến mắm mà bác đã đến được với văn học, từ đó bác phát tiết ra đấy. Tên nhà văn Đoản Mắm trở thành thương hiệu riêng, nói như ngôn ngữ hiện đại có cá tính.
Chuyện là như thế này, cái hồi bác còn ở trong quân ngũ cơ, Tổng cục chính trị có cuộc thi viết về người tốt việc tốt. Trong lúc rỗi rãi nằm chờ ra quân, và có lẽ cũng do trời xui đất khiến, bác cầm bút viết về mình và cuộc hành trình đến với nghề mắm. Giời đất ơi! Lời văn lạ quá, với lối dẫn chuyện rất hoạt, về một câu chuyện mộc mạc. Thế là bác giật được giải ba, từ đây bác khám phá ra mình có tài văn chương. Về lại công ty mắm, sau đó sang Tây lúc rỗi rãi bác vẫn viết, cho nên tích lại cũng được kha khá.
Thời gian gần đây Châu Âu có nhiều biến động, Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa tan rã, nước Đức thống nhất. Cho nên xã hội còn nhiều lộn xộn. Lợi dụng lúc tranh tối, tranh sáng bác Đoản Mắm gặt hái được một số thành tựu về kinh tế. Tiền bạc tạm thấy đủ, bác chuyển hướng đầu tư. Cái đích bác nhắm đến là hội văn chương trong nước. Bác Đoản Mắm rất biết lượng sức mình. Tài văn so với các cây viết trong nước, bác dạng vô danh tiểu tốt, với các cây viết Châu Âu bác cũng dạng thường bậc trung. Nhưng bác đã có cách đi riêng.
Có thằng không biết có phải ghen ăn tức ở, hay thù hằn gì với bác thốt ra câu thối hoắc:
– Đoản Mắm đi đêm, thì thụp với các bác lãnh đạo hội văn chương nên giựt được mấy cái giải nhì, ba trong nước.
Ông khác cự lại:
– Nếu đi đêm, kiếm mẹ nó cái giải nhất cho bõ công.
Mấy ông hiểu biết hơn bình luận:
– Giải nhất cho người ta móc họng ra à, giải này nhiều người soi. Bình an nhất giải nhì, ba, các bố tính toán hết cả rồi.
Có điểm tựa vững chắc, và các giải thưởng là vé thông hành, hanh thông nhất của bác Đoản Mắm. Tiếng nói của bác kỳ này cũng mạnh mẽ, khỏe khoắn hẳn ra. Chỗ nào bác cũng là tâm điểm chú ý của mọi người. Bác cứ như là bát mắm trong mâm cỗ ấy, bất kỳ ai cũng phải cần dùng đến bác. Đúng là cái tên nó vận vào người, từ vua đến dân đen người Việt trong bữa ăn hàng ngày ông nào dám rời xa bác Đoản Mắm nào?. Hôm rồi có ông cán bộ cấp cao chính phủ sang thăm, nhà văn Đoản Mắm nhảy tót lên sân khấu giật Micro đọc thơ chúc mừng. Có lẽ cảm động quá ông cán bộ cao cấp xoa đầu Đoản Mắm bảo:
– Ông là nhà văn điển hình ở nước ngoài, tên Đoản nghe ngắn và yểu quá, nên đổi đi.
Nhà văn Đoản Mắm, miệng dạ dạ, vâng vâng, nhưng trong bụng nghĩ khác, ngu hay sao mà đổi. Cái tên cúng cơm này bây giờ là hàng hiệu đấy.
Năm ngoái có ông bạn về Việt Nam ăn tết, đang ngồi xem chương trình kiều bào họp mặt đầu xuân của đài truyền hình, có bà hàng xóm bị bệnh ung thư nhưng không có tiền, vừa bị bệnh viện đuổi về, sang xem nhờ. Đúng lúc ấy thấy nhà văn Đoản Mắm hùng hồn phát biểu, hai tay chém vun vút vào gió. Bà hàng xóm hỏi:
– Cái ông kia đầu trọc lốc, trông như hình nhân ấy nhẩy. Mà họ lấy đâu ra tiền tổ chức to thế bác nhỉ?
Ông bạn tôi thật thà:
– Tiền của các bác đóng thuế chứ của ai.
Bà hàng xóm xuýt xoa:
– Cái ông đầu trọc kia nói hay, đạo đức thế, nếu ông ấy biết tôi không có tiền chữa bệnh, thế nào cũng không về dự nữa, tiền vé máy bay, tiền khách sạn, ăn uống cho tôi có khi cứu được tính mạng tôi đấy bác ạ.
Trong bữa nhậu Ostern (hội trứng) vừa rồi, có ông bạn nhậu lại bảo, nhà văn Đoản Mắm dạo này còn lấn cả sân của bà phát ngôn của Bộ Ngoại Giao nữa. Khiếp chưa!
Số là có một trang báo mạng ở Séc, hay Ba Lan? (*) có đưa một bài về dã tâm muốn biến Việt Nam thành một quận huyện Trung Quốc, của lãnh đạo Tầu, trong đó có một số bàn tay bán nước người Việt. Báo này rất cẩn thận ghi chú thích- Bài này đăng để tham khảo, tin chưa kiểm chứng- Vậy mà bác Đoản Mắm giậm chân, vỗ ngực:
– Tôi nhà văn, kiêm nhà báo Nguyễn Văn Đoản- tự- Đoản Mắm, cực lực phản đối những tờ báo lá cải này, đăng tin thất thiệt, nhằm chia rẽ tình hữu nghị Việt –Trung…
Đến đây tôi tin, một người không ngại va chạm như nhà thơ Trần Búa ở Sài Gòn, cũng ngán Đoản Mắm, khi ông trót mồm, trót miệng gán cho Đoản Mắm (can tội) vào Hội văn chương bằng cửa sau. Quả thật tôi cũng bái phục “Tước hiệu nhà văn điển hình Đoản Mắm“. Lúc này ai động chạm đến bác chẳng khác nào mó vào dái ngựa.
Câu chuyện trên là không có thật, tôi viết ra hoàn toàn do sự tưởng tượng của mình. Vì ở Đức làm quái gì có nhà văn Đoản Mắm và ở Viêt Nam cũng không có Hội văn chương. Hằng năm cứ sắp đến ngày đàn ông, tôi cứ hay táy máy viết vài truyện vui, đọc cho mấy ông bạn rượu nghe. Nếu bác nào thấy vui cho xin một nụ cười là đủ. Bác nào không vừa lòng cứ việc chửi người viết là thằng dở hơi, chập cheng cũng được, nhưng xin đừng chửi độc địa như chị anh hùng lực lượng vũ trang khi bị mất cắp gà nhé.
Leipzig ngày 9-5-2011
Đỗ Trường