NHẠC SĨ LÊ VĂN KHOA (Cao Minh Hưng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 1 person

Khi nhạc sĩ Lê Văn Khoa rời Việt Nam sau biến cố đau thương của năm 1975, tôi chỉ vừa tròn sáu tuổi. Tuyệt nhiên tôi không có ký ức gì về những chương trình văn nghệ và giáo dục mà ông đã từng điều khiển trên đài T.V. trước năm 1975. Cũng như nhạc sĩ Phạm Duy, Lam Phương và một số nhạc sĩ tên tuổi khác, nhạc sĩ Lê Văn Khoa rời khỏi đất nước mang theo cả một gia tài âm nhạc và nghệ thuật nhiếp ảnh mà ông đã gầy dựng trước năm 1975.
Sau năm 1975, thế hệ của chúng tôi không còn được nghe gì về ông ngoài những chương trình bố tôi thỉnh thoảng bắt sóng được từ đài VOA, có đôi lần nói về ông. Những năm cuối của thập niên 70 và những năm đầu của thập niên 80, những thanh thiếu niên ở lứa tuổi chúng tôi chỉ còn được nhồi nhét bởi những bản nhạc ca ngợi chế độ, lãnh tụ, những bản tình ca ca ngợi các nam nữ “thanh niên xung phong”, “em nông trường, anh biên giới”, hay tâng bốc chế độ xã hội chủ nghĩa với những hình ảnh như “kìa xa xa ống khói kia nhà máy, con thấy có đẹp không?”, v.v…. Thật hiếm hoi khi thỉnh thoảng được bố tôi lén mở cho nghe những cuốn tape “nhạc vàng” cũ kỹ còn sót lại trong chiếc máy phát nhạc cũng cũ kỹ không kém.
Tôi lớn lên trên miền sông nước miền Nam. Tuổi thơ của tôi có lẽ đã bao lần được nghe mẹ ru ngủ trong những làn điệu dân ca như “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chày mẹ thức đủ vừa năm…” hay được tắm mình dưới ánh trăng rằm trong khung cảnh bao la, trãi rộng của những cánh đồng thơm mùa lúa chín với những “hội đêm trăng rằm…”, với những nam thanh nữ tú trong những điệu hát “Lý Ngựa Ô”. Tôi và các bạn trẻ cùng trang lứa chắc sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng rằng những làn điệu dân ca dân gian mộc mạc ấy sẽ có một ngày được chắp cho đôi cánh, được khoác lên mình chiếc áo thật lộng lẫy, trở thành những bản nhạc đã vượt qua cái khung quê mộc mạc, bình dị thuở nào để đến với giới thưởng ngoạn âm nhạc, được mang vào trình diễn ở những nhạc viện sang trọng khắp nơi trên thế giới với nhiều khách thưởng thức người nước ngoài.

Người đưa những khúc nhạc dân gian Việt Nam vào những bản hoà tấu theo nhạc điệu Tây phương không ai khác hơn chính là người nhạc sĩ tài ba Lê Văn Khoa.

Đã có nhiều buổi phỏng vấn, bài vở, sách báo viết về vị Giáo sư Nhạc sĩ Lê Văn Khoa đáng kính, với những tác phẩm xuất sắc và thành công từ lĩnh vực âm nhạc, đến nghệ thuật nhiếp ảnh cũng như những quyển sách với nội dung giáo dục của ông. Đã có nhiều chương trình vinh danh ông với những đóng góp quý báu của ông trong nhiều lĩnh vực. Ông rất xứng đáng với danh hiệu “Người viết lịch sử Việt Nam qua âm nhạc”, như chủ đề của buổi hoà nhạc gần đây dành cho sự nghiệp âm nhạc của ông gắn với những thăng trầm của đất nước. Trong bài viết này, tôi chỉ xin được viết về ông như một “người bắc cầu nối các thế hệ bằng âm nhạc”.
Như nhà văn Phạm Xuân Đài đã có lần đề cập đến, nếu cuốn “Chiến Tranh Và Hoà Bình” của Leon Tolstoi đã vẽ nên bức bích họa vĩ đại của đất nước và dân tộc Nga thời đầu thế kỷ 19 trước sự xâm lăng của Napoleon, hoặc cuốn sách “Cuốn Theo Chiều Gió” (“Gone With The Wind”) của Margarrete Mitchell nói về cuộc chiến tranh Nam Bắc của đất nước Mỹ vào giữa thế kỷ 19, hoặc xa hơn nữa về quá khứ của đất nước Trung Hoa thời Tam quốc có cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung hay “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân ghi lại chuyến du hành thỉnh kinh sang Ấn Độ của nhà sư Trần Huyền Trang, thì người Việt ở hải ngoại của chúng ta may mắn có “Khúc Giao Hưởng Việt Nam 1975” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa ra đời trong thời điểm hồi tưởng 30 năm mất nước.
Tôi còn nhớ trong một cuộc phỏng vấn, giáo sư Lê Văn Khoa đã trích dẫn câu nói của nhạc sĩ lừng danh Chopin, “Thưa cha, nếu cha cho phép con nói với cha bằng âm nhạc, con sẽ nói rõ tình yêu của con với cha hơn là ngôn từ.” Tôi xin mượn ý của câu nói này khi nói về âm nhạc của nhạc sĩ Lê Văn Khoa trong vai trò của “người bắc cầu nối các thế hệ bằng âm nhạc”. Chỉ cần với một “Symphony Việt Nam 1975” thôi, ông đã xuất sắc hoàn thành vai trò của “người bắc cầu” này qua những tấu khúc tuyệt vời của ông. Không cần phải đọc nhiều cuốn sách thật dày viết về hình ảnh của xã hội Việt Nam trong thời cận đại, chỉ cần lắng nghe những âm thanh êm dịu qua sự trình bày điêu luyện của dàn nhạc “Kyiv Symphony Orchestra” trong “Full Moon”, các thế hệ trẻ có thể hình dung được hình ảnh của đêm trăng rằm. Đó không phải là vầng trăng mà các em thường thấy mọc sau những tòa cao ốc cao ngất trên đất nước này, “Full Moon” trong “Symphony Vietnam 1975” sẽ đưa tâm hồn các em trở về với những đêm trăng rằm thanh bình ngày nào trên quê hương, trong không gian hội hè vui vẻ sau những ngày mùa bội thu. Hay lời “Ru Con” trong “In the Depth of the Night” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa sẽ làm cho thế hệ trẻ được đắm mình trong tiếng ru êm đềm ngọt ngào của mẹ, để tâm hồn của họ được dịp lắng đọng sau những tháng ngày mệt mỏi chạy đua với nhịp sống hối hả như nhịp nhạc Rock & Roll hay Rap ở đây.
Là một trong hàng ngàn những tác giả đã và đang viết trong chương trình của nhật báo Việt Báo trong chủ đề “Viết Về Nước Mỹ”, tôi đã viết và được đọc nhiều câu chuyện thương tâm viết về những cảnh vượt biển hãi hùng trên bước đường đi tìm tự do. Nhưng có lẽ những ký ức trong những năm tháng đau thương vượt biển này đã được nhạc sĩ Lê Văn Khoa gữi gắm thật trọn vẹn qua những nốt nhạc trong nhạc phẩm “On High Sea”. Khi nghe “On High Sea” của ông, những âm thanh cuồn cuộn như những đợt sóng biển hung tàn như đang muốn nhận chìm con thuyền nhỏ mong manh cùng với bao nhiêu tấm thân đang mệt lã sau bao nhiêu ngày đêm chống chọi với tử thần. Chỉ có niềm rung cảm thật sự xuất phát từ tình thương nhân loại mới thúc đẩy ông viết nên những nốt nhạc đầy hình tượng và xúc cảm đến tột cùng như vậy.
Như Chopin đã nói với người cha về tình yêu của ông dành cho cha qua âm nhạc, tôi sẽ mượn những tiết tấu trong “On High Sea” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa để “kể” cho các con cháu của tôi, các thế hệ mai sau biết thảm cảnh vượt biển tìm tự do của người Việt tị nạn, cũng như nỗi vui mừng khi đến được bến bờ tự do, như bản nhạc chất chứa những lời reo vui trong “Hymn to Freedom” (“Ca ngợi Tự Do”) của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Cám ơn ông đã bắc một nhịp cầu cảm thông của những thế hệ mai sau với những khổ đau và hạnh phúc của thế hệ đầu khi đến được miền đất hứa qua âm nhạc của ông, những dòng nhạc không lời nhưng có sức mạnh hơn bao lời nói.
Khi nói đến vai trò của người “bắc cầu nối các thế hệ bằng âm nhạc” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa, tôi không thể không nhắc đến CD “Memories” của ông. Riêng bản thân tôi, trong lúc sáng tác những ca khúc, đã không biết bao nhiêu lần tôi đã đắn đo với một câu hỏi cứ mãi lẩn quẩn trong đầu: “Những gì tôi sáng tác hôm nay có được các thế hệ mai sau hiểu được hay không?” Tôi đã cố làm dịu nỗi đắn đo băn khoăn của mình bằng cách viết song ngữ qua ca khúc “Chào Mùa Xuân Về”. Tuy nhiên, dù cho tôi đã đặt lời nhạc thật ngắn gọn, dễ hiểu qua thể điệu chachacha vui tươi cho các em dễ cảm thông, như tôi vẫn có cảm giác như mình không thể nào diễn tả hết những cảm xúc của mình. Làm sao cho các em thấu hiểu nổi háo hức vui mừng khi nhìn cánh én mang mùa Xuân về, hay thấy hết cảnh nhộn nhịp, náo nức và mùi hương vị đặc biệt của ngày Tết qua tiếng pháo nổ, tiếng trống múa lân, v.v…? Vậy mà nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã thật thần tình khi làm được điều này qua “Memories”.
Chỉ cần nghe nhạc sĩ Irina Starodub trình bày bản “Beautiful Bamboo” (“Cây Trúc Xinh”) của nhạc sĩ Lê Văn Khoa là người nghe dù đang sống ở phương trời nào cũng cảm nhận được qua tiếng đàn, những làn gió thoảng qua những khóm trúc mọc ở miền Tây Đô, cũng là quê hương của của ông, hay một dòng nước êm ả chảy xuôi dưới ánh trăng mờ như tiếng đàn tuyệt vời qua nhạc phẩm “In the Moon Light” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.
Như thế đó, không cần một lời nhạc nào, nhưng nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã thành công khi vẽ nên bức tranh thật lãng mạn, trữ tình của quê hương Việt Nam thanh bình ngày nào. Khi các thế hệ trẻ muốn tìm về những âm điệu dân gian ngũ cung, các em có thể nghe một “Lý Ngựa Ô” qua tấu khúc “Song of the Black Horse”. Điều tài tình của nhạc sĩ Lê Văn Khoa là ở chỗ đó. Khi các em muốn tìm về nguồn cội của nền văn hóa Việt Nam, các em sẽ không bị lạ lẫm trước những nhạc cụ cổ truyền thuần tuý như đàn tranh, đàn bầu, v.v… mà nét nhạc dân tộc cổ truyền đã được nhạc sĩ Lê Văn Khoa mang đến cho người nghe trong tiếng piano, cello, violin,…. những nhạc cụ đặc trưng cho nền âm nhạc Tây phương.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã thật sự làm một cuộc cách mạng trong âm nhạc Việt nam bằng cách đi tiên phong trong việc đưa nền âm nhạc dân tộc cổ truyền của Việt Nam được “Tây phương hóa”. Với phương cách này, nền âm nhạc của Việt nam có cơ hội gần gũi và dễ được sự cảm thông, đón nhận của người nghe cũng như những nhạc sĩ nổi tiếng nước ngoài có cơ hội trình diễn dễ dàng hơn những nhạc phẩm của ông. Tuy nhiên, dù rất “Tây phương”, nhưng khi nghe nhạc của ông, người nghe vẫn có thể nhận ra ngay chất nhạc “dân gian Việt nam” trong những nhạc phẩm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Một lối trình bày thật hài hòa mà không để mất đi bản sắc của âm nhạc dân tộc. Đây thật là một điều ít có một nhạc sĩ nào có thể làm được. Khi nghe nhạc của ông, có một cái gì đó mà ta có thể nhận ra ngay “Ồ, đây là tác phẩm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa đây mà”. Một cái gì đó rất “Lê Văn Khoa”! Từ “Memory” (“Ký Ức”) đến “On The Way Home” (“Trên Đường Về Nhà”) đều chất chứa những nốt nhạc trầm bổng vẽ nên một vùng trời kỷ niệm, những kỷ niệm riêng tư của chính tác giả nhưng người nghe cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của chính mình trong khung trời quê hương kỷ niệm đó, và đó cũng chính là những điều tâm sự mà các thế hệ đi trước muốn gửi trao đến các thế hệ mai sau nhờ sự đóng góp của âm nhạc của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Còn nhiều tác phẩm khác nữa của ông mà trong phạm vi của bài viết, tôi không thể ghi ra hết nơi đây.
Những điều trăn trở, băn khoăn của những thế hệ đi trước là mong muốn được gửi đến các thế hệ mai sau những trang lịch sử và hình ảnh của quê hương Việt Nam nói chung và lịch sử của người Việt tị nạn nói riêng cũng như việc giữ gìn bản sắc và bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt đã được trút đi một phần nào gánh nặng khi chúng ta may mắn có được một người nhạc sĩ tài hoa Lê Văn Khoa. Ông đã hy sinh gần trọn cuộc đời mình, không vì danh vọng, tiền bạc mà chỉ muốn hiến dâng trái tim và khối óc đầy nghệ thuật để làm người “bắc cầu nối các thế hệ bằng âm nhạc” của mình.
Chỉ một việc làm đó thôi, cũng đã đủ cho cá nhân tôi xin được nghiêng mình ngưỡng mộ và nghìn lần cảm ơn ông, người nhạc sĩ tài hoa Lê Văn Khoa.
Cao Minh Hưng