Nguỵ Kinh Sinh : về nhân quyền và tự do mậu dịch

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
“Tôi đã nói rằng, sau khi kinh tế TQ tăng trưởng, sự tăng trưởng đó sẽ không được dùng để cải thiện đáng kể các phúc lợi của công dân; thay vào đó nó sẽ được dùng để gia tăng đáng kể các chi phí quân sự, và đặt ra một mối đe dọa cho các nước láng giềng và ngay cả bản thân nước HK. Bây giờ sau 15 năm, các học giả và chính trị gia HK đã công nhận rõ ràng điều này. Tốc độ tăng trưởng phi thường của sức mạnh quân sự TQ đã gây lo lắng cho HK và các đồng minh của HK. Các học giả nào không nhìn thấy sự thật hiển nhiên này thì có thể là họ đã bị đóng băng, hoặc vì những mục đích nào khác.”
Bài thuyết trình của ông Nguỵ Kinh Sinh 
về nhân quyền và tự do mậu dịch
(Bài thuyết trình của ông Nguỵ Kinh Sinh sau khi nhận huy chương “Giải Thuởng Tự Do Kinh Tế 2015” của tổ chức United States Business and Industry Council (USBIC) tại Quốc Hội Hoa Kỳ)
– Ngụy Kinh Sinh
24/9/2015
 
Lê Minh Nguyên dịch
 
Cảm ơn USBIC đã vinh danh tôi với “Giải Thuởng Tự Do Kinh Tế 2015” hôm nay. Cảm ơn tất cả các bạn đã đến tham dự hội nghị này.
 
Các chủ đề mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay vẫn là thương mại và nhân quyền. Một số người có thể bắt đầu cười tôi rằng: anh đã nói về hai chủ đề này trong hơn mười năm qua, chúng tôi đã biết. Nhưng những gì tôi đã nói có sai không? Hơn mười năm trước, nguời ta nói rằng tôi đã sai. Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng tôi đã sai; các đại công ty của Mỹ nói rằng tôi đã sai; Tổng thống Clinton và đa số các nhà lập pháp Mỹ cũng nói rằng tôi đã sai. Họ đã cho TQ tư thế tối huệ quốc/MFN (mà sau này được gọi là PNTR hay Quan Hệ Thuơng Mại Bình Thuờng Vĩnh Viễn); và để cho TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới/WTO.
 
Tôi xin tóm lược một chút về quá khứ để xem cuối cùng ai đã sai.
 
Tôi nói rằng Đảng CSTQ sẽ không cải thiện nhân quyền ở TQ chỉ vì có được PNTR và gia nhập WTO. Mười lăm năm đã trôi qua, bây giờ cả thế giới đã nhìn thấy rằng nhân quyền ở TQ đã không những không được cải thiện, mà còn đi thục lùi, về hướng độc đoán hơn. Người dân TQ nghĩ rằng một Mao Trạch Đông trẻ hơn, gọi là Tập Trạch Đông đang khôi phục lại thời đại của Mao. Tập Trạch Đông là nickname của Tập Cận Bình mà cư dân mạng TQ đặt cho, và được mọi nguời chấp nhận.
 
Tôi nói rằng Đảng CS sẽ không tự động thay đổi qua hệ thống dân chủ chỉ vì kinh tế tiến bộ, như một số nguời tuyên bố. Mười lăm năm đã trôi qua, và chúng ta vẫn thấy chế độ độc tài độc đảng của Đảng CS. Chế độ cộng sản ở TQ tuyên bố rằng đó là hệ thống dân chủ nhất trên thế giới, một nền dân chủ thực sự. Tập Cận Bình đang tung ra một chiến dịch cưỡng bách được gọi là “cấm quảng bá các giá trị suy đồi của Tây Phương”. Nhiều điềm chỉ viên đã nhận được phần thưởng cho việc chỉ điểm. Ngay cả những người tự diễu cợt mình bằng cách tạo ra những lời nói dối cũng được thăng chức và giàu có.
 
Tôi đã nói rằng chính quyền TQ sẽ không tuân theo các quy luật thương mại; thay vào đó họ sẽ phá hủy những quy luật này để làm cho thương mại được đơn phương thuận lợi. Đó là bởi vì TQ không phải là một xã hội bình thường theo pháp trị. Mười lăm năm đã trôi qua và TQ vẫn không thay đổi tính cách bất hợp lý của nó. Không phải chính quyền TQ chỉ không tuân theo các quy luật thương mại quốc tế, họ còn không tuân theo các quy luật bên trong TQ nữa. Trong những năm gần đây, bằng chứng rõ nhất mà chúng ta thấy là nhiều công ty nước ngoài đã rời bỏ TQ sau khi đã chịu nhiều đau khổ.
 
Hiện nay chính quyền TQ không chỉ bất tuân các quy tắc thương mại quốc tế, mà còn cố gắng để làm ra các quy tắc thương mãi quốc tế theo cách của TQ, như tôi đã nói khi xưa. Nếu Đảng CSTQ thành công, thì các quy tắc thương mại quốc tế, một trong những nền tảng đã được dùng để duy trì hòa bình thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến, sẽ không còn tồn tại. Tình hình tương đối yên bình của hơn nửa thế kỷ qua sẽ khó được duy trì.
 
Lúc xưa, tôi cho rằng, những hàng tỷ đôla thâm hụt thương mại của HK với TQ sẽ nhanh chóng gia tăng. Chỉ trong vòng 10 năm, thâm hụt thương mại đã ở mức 300 tỷ đôla (năm 2011). Vì vậy, nền kinh tế HK tiếp tục suy giảm do thâm hụt này; trong khi nền kinh tế TQ đã nhờ vậy mà tăng trưởng nhanh chóng. Điều này giống như HK truyền máu cho Đảng CSTQ. Nhiều công nhân HK bị mất việc làm, nhưng thu nhập thực sự của các công nhân TQ cũng không khả quan. Các tỷ phú TQ và HK đã tăng lên nhanh chóng. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo của cả hai nước đã mở rộng ra cùng một lúc.
 
Tôi đã nói rằng, sau khi kinh tế TQ tăng trưởng, sự tăng trưởng đó sẽ không được dùng để cải thiện đáng kể các phúc lợi của công dân; thay vào đó nó sẽ được dùng để gia tăng đáng kể các chi phí quân sự, và đặt ra một mối đe dọa cho các nước láng giềng và ngay cả bản thân nước HK. Bây giờ sau 15 năm, các học giả và chính trị gia HK đã công nhận rõ ràng điều này. Tốc độ tăng trưởng phi thường của sức mạnh quân sự TQ đã gây lo lắng cho HK và các đồng minh của HK. Các học giả nào không nhìn thấy sự thật hiển nhiên này thì có thể là họ đã bị đóng băng, hoặc vì những mục đích nào khác.
 
Tôi đã nói rằng, người dân TQ sẽ không nhận được nhiều lợi ích từ PNTR và WTO. Vào thời điểm đó, tôi đã gặp phải sự phản đối gần như nhất trí, ngay cả một số nhân vật đối lập TQ ở nước ngoài. Tôi thậm chí đã phải nghi ngờ rằng chính tôi có thể sai, hoặc ít nhất là không hoàn toàn đúng. Thực ra, nó trông có vẻ giống như tôi đã không hoàn toàn đúng. Bên cạnh số lượng tỷ phú ở TQ chỉ đứng sau HK, hiện nay có ít nhất là vài triệu người TQ đang sống giàu có như những người dân ở các nước phát triển, và hàng chục triệu người TQ đã đạt được mức sống của các nước phát triển vừa phải. Con số này gần như tương đương với tổng số dân của Pháp hay Đức, do đó, nó cung cấp cho du khách nước ngoài một ảo giác.
 
Tuy nhiên, cuộc sống của 95% nguời dân TQ khác trong một dân số 1,3 tỷ thì ra sao? Trên bề mặt cho thấy, một số trong họ có gia tăng doanh thu so với quá khứ, nhưng họ đã bị mất các phúc lợi khác bao gồm nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục và những thứ khác. Tình trạng thực sự là cuộc sống của họ vì vậy đã bị thục lùi. Hầu hết các gia đình không có tiền để cho con vào đại học. Nhiều người chỉ có thể chờ chết khi họ gặp phải căn bệnh nghiêm trọng. Giá nhà đất ở TQ đã bị đẩy lên đến mức như Tokyo và New York do bởi các nhà tỷ phú đầu cơ, trong khi hầu hết những người nghèo chỉ có thể chen chúc trong các căn hộ nhỏ. Có những người khác, những người có thu nhập thậm chí ít hơn so với quá khứ, không thể ăn thịt trong suốt cả năm. Đây là cái được gọi là lợi ích cho người dân TQ, khi HK đã truyền máu cho TQ mà vẫn tránh né nói về quyền con người.
 
Nếu tình trạng này tiếp tục, và nhờ vậy mà các đại công ty HK tiếp tục kiếm tiền, có lẽ các đại doanh nghiệp HK cùng với các chính trị gia và các học giả mà các đại doanh nghiệp này hổ trợ, sẽ không quan tâm. Hậu quả là tầng lớp trung lưu của HK sẽ là những người không may mắn. Thật không may, Tập Cận Bình và đồng bọn của ông không nghĩ như vậy (về giới trung lưu của HK); các học giả tỉnh táo Trung-Mỹ không nghĩ như vậy; và người dân TQ không nghĩ như vậy.
 
Đầu tiên, dân nghèo TQ không sẵn sàng để tiếp tục đi theo cách này, sau đó những người giàu Trung Quốc cũng biết không thể tiếp tục như vậy; bây giờ ngay cả những người Cộng sản có đầu óc tỉnh táo cũng phải thừa nhận rằng sẽ là thảm họa nếu tiếp tục như vậy, nó sẽ đưa đến sự sụp đổ của đất nước và sự sụp đổ của Đảng CS.
 
Như chúng ta đã biết, nền kinh tế của TQ đang suy giảm nhanh chóng, với tất cả các chỉ số cho thấy rằng nó đã bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, tương tự như cuộc Đại suy thoái của HK trong thập niên 1930s. Cũng giống như HK, TQ là một nước lớn, do đó cuộc khủng hoảng kinh tế có thể lây lan ra toàn cầu. Trong thực tế hiện nay nó đã lan ra thế giới. Tăng trưởng của HK đã bị dừng lại. Nền kinh tế Châu Âu rõ ràng đang gặp vấn nạn. Tất cả những rắc rối này có liên quan đến sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở TQ, hay sự khủng hoảng kinh tế của TQ. Nếu xu hướng này tiếp tục, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ bước vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng, và thậm chí là khủng hoảng kinh tế.
 
Làm thế nào để cứu nền kinh tế TQ? Việc đầu tiên là mở cửa thị trường TQ, và thực hiện thương mại tự do thật sự sòng phẳng, thay vì thương mại tự do đơn phương. Thứ hai là tôn trọng nhân quyền, tạo sự tăng gia khổng lồ thị trường tiêu dùng nội địa. Chỉ khi nào hai chính sách này được thực hiện cùng một lúc, thì nó mới có thể cứu được nền kinh tế TQ, mang lại lợi ích cho người dân của cả TQ và HK, và đồng thời có lợi cho nền kinh tế toàn cầu.
 
Chúng ta hãy mở cửa thị trường TQ, hãy tiến tới thương mại tự do sòng phẳng trong thực tế. Điều này không chỉ có lợi cho xuất khẩu của HK, mà còn có lợi cho việc khôi phục lại các quy luật thương mại quốc tế đã gần như bị phá hủy. Trong thương mại quốc tế hiện nay, các rào cản phi thuế quan ngày càng được phổ biến; các nước đang nghiêng nhiều hơn về việc sử dụng pháp luật nội địa để thay thế các quy tắc thương mại quốc tế công bằng. Thuơng mại tự do một chiều (liên quan đến luật quốc tế) và thương mại không lành mạnh một chiều (liên quan đến luật quốc nội) là những trở ngại lớn nhất cho sự phát triển kinh tế thế giới, và cũng là nguyên nhân chính của sự suy thoái kinh tế gần đây. Và, TQ đã và đang là tay chơi lớn nhất, đang đóng một vai trò then chốt, vai trò mô hình của giao lưu một chiều này.
 
Mở cửa thị trường TQ sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu thương mại thế giới, mà còn là nhu cầu cho nền kinh tế TQ phục hồi sự phát triển của nó. Sau 15 năm phát triển nền kinh tế TQ với mức cao tốc nhưng bất thường, nó đã bước vào cái gọi là bẫy thu nhập trung bình. Quán tính của sự quá sức lệ thuộc vào lao động rẻ đã dẫn đến trình độ kỹ thuật và quản lý toàn bộ nền kinh tế của TQ là thấp. Sản phẩm và công nghệ, thậm chí cả bản thân doanh nghiệp cần được thay thế, để tránh đi đến điểm nhanh chóng sụp đổ. Nhập khẩu các dịch vụ này từ HK với số lượng lớn là cách duy nhất để giải quyết những vấn nạn này.
 
Để tránh các độc quyền địa phương và các độc quyền lãnh vực công nghiệp ở TQ, TQ phải tuân theo các quy luật thương mại công bằng trong luật pháp nội địa của mình, thay vì tiếp tục các quy luật bất công của quá khứ. Nếu không, nó không thể giải quyết được vấn nạn để thoát ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Vì đang dưới áp lực cực lớn để duy trì nguyên trạng từ các nhóm lợi ích ở TQ, cho nên nếu không có áp lực cực lớn từ HK, thì không ai có thể chủ động mở cửa thị trường TQ được. Giả sử như Tập Cận Bình có động lực này, ông cũng phải nhờ đến áp lực mạnh mẽ từ HK để có thể nêu vấn đề mở cửa các thị trường ở TQ. Hơn nữa, nhiều người TQ có vấn đề trong cách suy nghĩ của họ.
 
Họ giống như những nguời thất học (rednecks), những người nghĩ rằng họ  bị bóc lột khi người khác được hưởng lợi. Khi nói về khả năng tốt đẹp rằng họ được hưởng lợi khi người khác cũng được hưởng lợi, họ sẽ ngạc nhiên cuời và theo sau là một sự hoài nghi, coi nó như một câu chuyện của Hollywood. Chỉ khi nào những người khác đẩy họ vào thế bị mất mát, họ mới nhận ra một cách trễ tràng rằng họ đã được hưởng lợi. Hầu hết những người CS ở TQ đang ở trong trạng thái tinh thần như vậy. Vì vậy, HK cần cố gắng để buộc TQ phải chấp nhận các nguyên tắc thương mại tự do sòng phẳng; nếu không, HK không thể đối tác với TQ một thương mại không tự do mà có sự sòng phẳng (liên quan đến luật quốc nội HK). Còn thương mại không tự do mà lại không sòng phẳng sẽ dẫn đến hậu quả là thị trường của cả hai nước đều sẽ bị đóng lại.
 
Để mở cửa thị trường TQ có nghĩa là nó cần thiết để bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Nếu không có sự bảo vệ các quyền con người, sẽ không có tự do ngôn luận và lập hội, và những người lao động, đa số lực lượng lao động TQ, sẽ không có quyền thương lượng tập thể. Nếu không có quyền thương lượng tập thể, thì không thể nâng cao thu nhập của người lao động một cách đáng kể và với một quy mô lớn được. Do đó, không thể mở rộng đáng kể thị trường nội địa TQ, và không thể tạo ra thị trường xuất khẩu cho các công ty HK. Đồng thời nó không thể giải quyết các vấn nạn của nền kinh tế TQ.
 
Một số người nghĩ rằng họ có thể mở cửa thị trường TQ mà không cần bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả các quyền con người của doanh nhân HK. Tuy nhiên, khi cái tiền đề là không bảo đảm các quyền con người, thì liệu các sản phẩm, công nghệ, doanh nghiệp và quản trị của Hoa Kỳ sẽ được hiện diện thành công ở TQ? Nhìn các doanh nghiệp và doanh nhân rời bỏ TQ như thủy triều ròng, người ta có thể rút ra những kết luận. Điều này sẽ không tốt cho doanh nghiệp hay doanh nhân HK. Điều này không tốt cho nền kinh tế TQ. Điều này chỉ tốt cho sự độc quyền quan liêu và các nhà tư bản quan liêu ở TQ. Hậu quả của việc không bảo đảm nhân quyền ở TQ là nền kinh tế TQ mất đi cơ hội cuối cùng để tự cứu. Khi nền kinh tế của TQ sụp đổ, nền kinh tế thế giới sẽ bước vào một cuộc suy thoái ở các mức độ khác nhau. Điều này sẽ không tốt cho tất cả mọi người.
 
Vì vậy, thương mại tự do phải là thương mại sòng phẳng đa phương. Bằng không nó sẽ mang lại trái đắng cho tất cả mọi người. Thúc đẩy việc bảo vệ quyền con người là một trong những điều kiện cơ bản cho thương mại tự do. Nó liên quan đến quyền và lợi ích của tất cả mọi người. Nó nên là mục tiêu mà người TQ, người HK, và tất cả mọi người cần phải quan tâm và cật lực thực hiện.
 
Một lần nữa xin cám ơn quý vị.