NGƯỜI VỀ (từ facebooker Vu Tran Trong)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Chuyện làng quê

May be an image of 1 person, hat and twilight

Lời dẫn: Chắc mọi người ở Quảng Ngãi vẫn còn nhớ, vào khoảng năm 1980 có một vụ tự sát bằng lựu đạn trước cổng trường cấp 3 Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi. Đằng sau đó là một câu chuyện thương tâm…
Kampuchia mùa khô.
Các trảng rừng khộp chuyển sang màu vàng úa. Đêm yên tĩnh đến rợn người.
Khương mò mẫm trong đêm, anh cố tìm nơi nào có cây to và không gian rộng rãi một tý để leo lên mắc võng, nhưng lò dò hàng giờ mà vẫn không tìm ra. Ba ngày rồi, anh đi lạc vào một cánh rừng mà có vẻ như trước đó đã có bàn tay khai thác của con người. Từng dãy, từng mảng đều đều nhau đến khó chịu. Đêm đặc quánh và khô khốc. Anh thất vọng ngồi bệt xuống một thân cây đổ ven đường. Cái bi đông đem theo đã dốc cạn đến giọt cuối cùng. Mùa khô ở đây thì tìm giọt nước trong rừng khó như hái sao trên trời!
Anh nghe đồng đội đi trước kể, hồi triển khai chiến dịch Đồi 547, lính ta chết khát còn nhiều hơn chết vì súng đạn đối phương. Dọc các lòng suối khô cạn trên đường rút ra, vì thiếu nước, có người bươi đến bật máu hai đầu ngón tay, úp mặt vào đó để có cảm nhận “ mùi ” của nước rồi kiệt sức tắt thở… Ôi! chiến tranh, thật quá khắc nghiệt và tàn nhẫn. Mạng sống của một con người mong manh như khói, như sương!!!
Nhưng thật lạ, giờ này thì anh không thấy khát! Có một cái còn đáng sợ hơn nữa, đó là nỗi cô đơn. Cô đơn đến tuyệt vọng! Khương nghe mấy thằng đồng hương qua trước nói, có người cô đơn đến phát cuồng khi lạc trong rừng 10 ngày, cuối cùng không chịu nổi thì kê súng vào màng tang bóp cò. Thư để lại chỉ ghi mấy dòng ngắn ngủi: Mới đầu, tôi nghĩ mình là người may mắn, vì bạn bè hy sinh hết chỉ mình tôi sống sót. Nhưng cả tuần rồi, lạc trong rừng rậm, đói, khát, cô đơn… tôi mới thấy mình bất hạnh! Chào các đồng đội, vĩnh biệt gia đình, tôi đi đây !
Họ chết vì nỗi sợ hãi vô hình đó trước khi chết vì khát, vì đói, vì súng đạn bom mìn!
Khương bứt một nắm lá cây vò nát rồi nhấm nháp. Khô khét và đắng ngắt. Anh lần tìm bật lửa trong túi áo, tính liều mạng bật lên để xua bớt nỗi cô đơn. Anh như không còn gì để mất, tự nhủ thà gặp địch để bắn phá một trận rồi hy sinh, còn hơn chịu nỗi cô đơn siết chặt, đè chặt đến ngộp thở, đến chết mất thôi!
Khương vơ vội một nhúm cành khô rồi bật quẹt đốt. Dựng khẩu AK bên phía tay thuận sau khi bật chốt an toàn. Lính trinh sát như anh thuộc lòng những kỹ năng này…
Ngọn lửa bé nhỏ bập bùng trong đêm. Khương ngồi bất động, đầu óc trống rỗng. Đột nhiên anh thấy nước mắt mình ứa ra lăn trên gò má sạm đen gầy guộc. Anh thấy hơi lạ, vì hoàn toàn anh không hề thấy sợ … Mấy chục lần chạm trán với Pôn Pốt, cái sống cái chết cận kề nhưng chưa bao giờ anh nhỏ một giọt nước mắt! Hay là vì nỗi cô đơn? Thứ cô đơn chết chóc ám ảnh những người lính trinh sát độc tuyến như anh suốt cả chiến tranh! ???
Anh mệt quá rồi thiếp đi. Ngọn lửa nhỏ dần. Anh đặt một tay lên khẩu súng, một tay còn lại vắt chéo qua túi áo bên phải, nơi anh luôn để tấm ảnh của Phan. Đột nhiên anh có cảm giác như cánh tay đang đè lên ngực anh có hơi ấm! Và trong cơn chập chờn nửa tỉnh nửa mê, anh thấy hiển hiện đâu đó, một đôi mắt trong sáng , lém lỉnh…!
Sáng hôm sau thì Khương vẫn không thể tỉnh dậy. Đồng đội tìm được anh lúc thân thể anh mềm oặt vì đói, vì khát, vì kiệt sức. Hơi thở mong manh không biết tắt lúc nào, nhưng bàn tay anh vẫn đè chặt lên túi có tấm hình của Phan!
Có người nói anh sống được là kỳ diệu, là số anh lớn, hay thần chết hôm đó quá mệt mỏi vì phải đưa nhiều người chết về âm ty, nên bỏ sót Khương. Nhưng anh biết, anh sống được là vì điều gì. Bao nhiêu lần vào sinh ra tử, chỉ cần đặt tay lên tấm ảnh Phan là anh thấy ý chí tăng lên mãnh liệt. Nó như tiếp thêm sức mạnh để anh chiến đấu và sinh tồn! Trong suốt cuộc chiến mà anh tham gia, tấm ảnh đó là bảo vật vô giá mà lúc đó, về sau Khương nghĩ không có gì sánh được. Anh đã sống vì một tình yêu!
Tấm hình đó chụp chân dung của Phan. Cô bé xóm trên dễ thương và đặt biệt có đôi mắt trong sáng, lém lỉnh. Thật ra trước khi anh nhập ngũ, hai đứa chỉ mới có cảm tình chút chút với nhau. Anh không thổ lộ tình yêu, nhưng anh hy vọng, rất hy vọng vào tình yêu của hai đứa. Nhất là khi tiễn anh lên đường, cô bé đã len lén bỏ vào ba lô anh một chiếc khăn tay, một tấm hình. Khi xe đưa anh và đồng đội chạy đi càng lúc càng xa, bóng Phan nhỏ dần nhưng anh vẫn thấy đôi mắt trong sáng, lém lĩnh của cô hiện rõ trong chiều hoàng hôn bao la!
Khương ra quân và về quê ngay trong niềm vui sướng, hy vọng tràn trề. Anh nghĩ món quà là một tòa tháp bé tí ghép từ những vỏ đạn AK mà anh tỉ mẫn làm cả hàng tháng trời sẽ làm Phan thích thú! Anh lại sẽ được nắm tay em, sẽ không phải bồi hồi nhớ nhung khuôn mặt xinh xắn đáng yêu kia và sẽ ngập tràn trong niềm hạnh phúc với đôi mắt trong sáng , lém lỉnh!!!
…… Đất dưới chân Khương sụp đổ. Thằng bạn thân đón anh từ đầu ngõ, sau khi tay bắt mặt mừng… nó cho biết Phan đã xuống thành phố sinh sống, nghe đâu chuẩn bị cưới chồng là con của trưởng ty giáo dục! Anh như mất cảm giác, nằm lì trong nhà mấy ngày không ló mặt ra ngoài… trong đầu anh ong ong câu hỏi vì sao? tại sao và làm sao???
Khương sốt mê man. Gia đình cứ ngỡ anh bị nhiễm nước. Trong cơn mê vật vã, anh vẫn thấy hiển hiện một đôi mắt ai trong sáng, lém lỉnh!!!
Tuyệt vọng, bế tắc. Khương đã đặt hy vọng quá lớn cho một ước mơ, cho một niềm tin … Đã dám sống trong nỗi nguy hiểm cùng cực của chiến tranh vì một tình yêu. Nên sự thật đắng lòng này nó siết chặt hồn Khương đến nghẹt thở!
…Ba hôm sau đó, anh tìm gặp Phan. Thật lạ, gặp nhau sau bao ngày xa cách, anh vẫn thấy thật bình tĩnh. Cô bé năm xưa rất vui mừng khi gặp anh, nhưng anh thấy trong đôi mắt lém lỉnh kia, không có niềm tin nào cho anh. Thế là hết, hết thật rồi.
Anh ra về mà lòng tan nát. Món quà cho Phan, tấm ảnh kỳ diệu của Phan anh đem vứt xuống con sông đầu làng. Anh ở chơi với thằng bạn hai ngày, nhờ nó mấy lần hẹn gặp Phan nhưng cô từ chối! Phan nhắn cho Khương rằng, cô không chê gì anh nhưng chỉ một điều đơn giản, là Phan không còn tình yêu với anh ấy nữa!!!
Đêm đó trăng sáng. Từ chiều Khương đã uống rượu thật nhiều. Trong những cơn say chếnh choáng, anh vẫn thấy đâu đây lấp lánh một đôi mắt trong sáng, lém lỉnh!!!
Cái đêm định mệnh ấy Phan đang học bổ túc. Chú bảo vệ nhắn Phan giữa giờ ra cổng có người gặp. Cô biết là Khương nhưng tặc lưỡi, thôi thì gặp lần cuối rồi mình sẽ nói cho anh ấy thấu hiểu!
Trước cổng trường Trần Quốc Tuấn ngày ấy có một cây xà cừ rất to. Khương đứng dựa vào thân cây dáng xiêu vẹo. Phan bình tĩnh bước đến khi cảm thấy tội nghiệp anh, muốn an ủi anh vài điều… Đột nhiên Khương như cơn gió lao đến ôm chặt lấy Phan. Phan hoảng hốt chưa kịp la lên thì Khương bật chốt an toàn quả lựu đạn M26! Trước mong manh của cái chết oan nghiệt và bi thảm sắp xảy ra, chợt anh bị hút mạnh bởi đôi mắt trong sáng lém lỉnh của Phan. Như một cái máy, Anh đẩy mạnh cô về phía trước ngã sóng xoài xuống bậc tam cấp cổng trường. Khi cô lăn đến bậc cuối cùng, vừa vặn kỳ diệu tránh tầm sát thương của vũ khi giết người khủng khiếp kia, thì cô thấy một tia chớp xé tan màn đêm kèm theo một tiếng nổ kinh hồn!!!
Khương đổ sập xuống và té lăn ra. Hai chân, mặt và ngực anh đầy vết mảnh đạn. Anh chưa chết! Anh cố lết người đỏ lòm về phía Phan, một tay ôm ngực. Máu từ vết thương trong lồng ngực, trong trái tim phun đầy trên mặt Phan. Cô rú lên rồi ngất lịm .
Khương thấy mình chìm dần, chìm dần … trước khi vĩnh viễn nhắm mắt, anh vừa kịp thấy trong không gian hiển hiện một đôi mắt trong sáng, lém lỉnh!!!
Sau này có người đồn là cô bị sang chấn tâm lý, gia đình đưa vào Sài Gòn để chữa bệnh và ở lại đó không về .
Cũng có người nói cô bị tâm thần, cứ chiều đến là ôm một vòng hoa đến mộ Khương khóc lóc nỉ non.
Cũng có kẻ nói, cô có chồng con êm ấm. Hai vợ chồng năm nào cũng về thăm mộ Khương .
Nhưng tất cả chỉ là lời đồn thổi .
Năm đó tôi đang học lớp 11.