NGƯỜI MẸ CHỒNG CỦA TÔI (Song Thy)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Người Mẹ chồng trong câu chuyện, sao giống Má chồng của tôi, tôi đã may mắn được làm con dâu của Bà.
Cây cổ thụ trong sân nhà trường ngày xưa là nơi chúng tôi tụm năm tụm ba chơi trò nhảy dây, nhảy cò cò, ngồi ôn lại bài học hay bàn chuyện tuổi thơ.
Mỗi đứa đều đoán tuổi cây cổ thụ, không đứa nào biết đúng hay sai, nhưng có một điều chúng tôi đồng ý là cây rất già, tàng to cho bóng mát nhất là những buổi trưa Hè. Vỏ cằn cỗi như nếp nhăn trên trán, đôi cành khẳng khiu như cánh tay của bà mẹ quê. Cây cổ thụ đã chứng kiến tuổi thơ hồn nhiên của chúng tôi, sự khôn lớn từ thể xác đến kiến thức, và chia tay với bao nhiêu thế hệ. Rời trường bao nhiêu năm, khi trở lại thăm trường cũ, cây cổ thụ vẫn còn đó như mừng khi thấy tôi bây giờ đã nên người…
Và năm tháng qua mau, biến cố đau thương đổ ập lên đầu dân Việt, làn sóng rời quê hương dâng cao, tôi cũng là một, rời đất mẹ đến vùng trời xa lạ! Cây cổ thụ vẫn còn đó chứng kiến cảnh loạn lạc, ly tán! Bao nỗi buồn vui thăng trầm trong cuộc sống nơi xứ người, ngày trở về thăm quê hương, thăm trường cũ, cây cổ thụ không còn đứng đó, lòng nghe buồn muốn khóc, tôi không tài nào xác định vị trí cây cổ thụ năm xưa, vì tất cả đã đổi thay, ngậm ngùi vì không biết cây cổ thụ, đã bị ai đó bứng gốc xoá đi những vết tích cũ, hay đã chết vì già nua, có còn để lại cho đời chút gì không, hay bị rữa mục thấm vào thớ đất quê hương.
Trong dòng cảm xúc miên man ấy, tôi chạnh nhớ về một bài hát có những câu ví von giữa đời người và rừng cây. Mới sinh ra cũng xanh non mơn mởn, tỏa bóng mát che đầu khách bộ hành khi mưa sa, lúc nắng táp, rồi tàn úa theo tháng năm và kiếp nhân sinh cũng như thế, cũng trải qua bao phong ba dâu biển, rồi khi bước vào mùa thu cuộc đời thì chẳng khác gì những tia nắng hắt hiu của buổi chiều tàn. Số phận Má cũng không thể nào tránh khỏi theo luật tự nhiên của trời đất.
Tôi tất tả lo thu xếp công việc để đi cùng hai con qua San José thăm bà nội, vì được biết sức khỏe bà suy sụp nhanh trong những ngày qua.
Mười lăm năm nay, từ khi chồng tôi qua đời, tôi hứa lòng phải đưa các con qua thăm bà nội mỗi năm như một cách thay anh ấy trả hiếu cho Mẹ. Sự thân thiết giữa tôi và má chồng, cho tôi nghĩ mình là người may mắn nhất, và thành kiến mẹ chồng nàng dâu với tôi như câu truyện truyền khẩu lạ tai.
Bà kể tôi nghe đủ thứ chuyện trong suốt hơn nhiều năm trời, mỗi khi về thăm bà, dù thời gian ngắn ngủi vì công việc cơm áo gạo tiền, nhưng trong tiềm thức, đầu óc tôi tích lũy ngày càng nhiều về cuộc đời cúa má chồng tôi qua lời tâm sự của bà….
Từ ngày còn bé đến khi lập gia đình với tuổi đời rất trẻ, và ngày chồng hy sinh trong cuộc chiến Việt nam, một thân gánh vác gia đình, dạy dỗ con sáu đứa đến khôn lớn trưởng thành. Ai đã làm mẹ làm cha, mới thấu hiểu sự nhọc nhằn ấy.
Nhìn con lớn khôn là niềm an ủi, là nghị lực để gánh chịu hy sinh, và khi con thành tài, là niềm vui tuổi già, như nhìn cây có trái sau bao năm vun xới.
Cuộc sống không bao giờ êm chèo mát máy như con đò trên sông. Vì hoàn cảnh đất nước, hai người con trai và cô con gái út phải lìa bỏ quê hương đi tìm tự do nơi vùng đất lạ. Hiểu sự hy sinh lớn lao của má, mấy anh em đã vượt những khó khăn, yêu đùm bọc lẫn nhau, không phụ lòng tin yêu mong muốn của má. Sau bao năm xa cách má đã được đoàn tụ cùng các con, cuộc đời sóng gió, bao nhiêu năm tháng nhọc nhằn với nỗi nhớ thương con, ngày đoàn tụ là niềm vui có lẽ không bút mực tả xiết lòng của má.
Nhưng hôm nay thực sự nhìn thấy má đã già, như cây cổ thụ sân trường năm xưa, như cây cổ thụ đã chứng kiến bao nhiêu thế hệ trẻ già măng mọc. Tôi lan man nghĩ về má chồng suốt lộ trình từ Houston đến San José. Từ phi trường tôi đến thẳng bệnh viện, và không cầm được nước mắt khi nhìn thấy bà nằm thiêm thiếp, tôi ôm chầm bà, và cố gắng để nghe bà nói dù những lời nói không tròn câu, và để san sẻ hơi ấm của tình mẹ con. Má yếu nhiều so với những lần trước về thăm. Má như ngọn đèn trước gió, như cây cổ thụ sắp bị bứng gốc vì cơn bão thời gian.
Tuổi đời của má không mấy người được, có phải vì má nặng gánh nợ đời chưa trả hết, hay vì má là cây sậy nhưng không sợ giông bão, hay má sinh ra đời để chịu đựng mà niềm đau như giếng sâu không đáy.
Má cố mở mắt nhìn tôi, ánh mắt thật hiền và chan chứa yêu thương.
Cũng vì ánh mắt nầy, làm tôi vương vấn mỗi khi chia tay và luôn dặn lòng phải về thăm má khi có thời gian.
Giờ nầy má cũng cười bằng mắt, nhưng giọng nói thều thào, ngọng nghịu trẻ thơ. Có phải cuộc sống con người là chu kỳ bắt đầu bằng tập đi tập nói, và giờ đây bà trở về lại bước khởi đầu. Má đau nhiều lắm, thân xác tả tơi vì đủ thứ bệnh xâu xé tuổi già. Khi cơ thể mất đi sự đề kháng là lúc “chúng” nổi loạn.
Má chồng tôi đã phấn đấu suốt cuộc đời từ khi chưa kịp yêu đã lập gia đình, từ khi gánh bầy con chia đều hai đầu quang gánh.
Ý chí bà có thừa, sức chịu đựng như thái sơn, tình yêu như đông hải, vậy mà nay nằm trở mình không nổi, chịu đựng đau đớn hoành hành. Má còn chịu đựng được bao lâu nữa!
Vài ngày sau, từ bệnh viện má được đưa thẳng vào viện dưỡng lão cho dễ bề chăm sóc.
Đêm đầu tiên trong nhà dưỡng lão, má và tôi tuy nằm thật gần mà sau như thật xa. Vì tôi không thể làm gì được khi thấy má đau đớn, không thể gánh chịu phần nào sự đau đớn cho má như má đã từng hy sinh nuôi chồng tôi và các cô chú. Má nhìn tôi mắt mệt mỏi, tiếng rên nhè nhẹ. Tiếng má la, tiếng ú ớ không rõ thành lời, nhưng thống thiết, và rồi… má như bình thản lẩm nhẩm cầu kinh niệm Phật để dịu bớt cơn đau. Những đau đớn đó chồng chất, cộng thêm không thể ăn để bồi dưỡng mà chỉ được vài giọt nước thấm giọng, thì thử hỏi má sống được bao lâu.
Trong đêm khuya nhìn má, chỉ biết chia sẻ bằng những giọt nước mắt thành dòng.
Cách nay mấy năm tôi đã tiễn thân mẫu mình ra đi trong đau đớn, bây giờ tôi phải chuẩn bị tâm tư để tiễn má chồng một ngày không xa nữa!
Cây cổ thụ trong sân trường năm xưa, nay không còn. Giờ đây, nhìn má như cây cổ thụ đang oằn oại trong chu kỳ sinh lão bệmh tử.
Con người bất lực trước định mệnh!
Con bất lực khi nhìn má chịu đựng dày vò thể xác. Con luôn niệm Phật cầu xin gia phước cho má sớm khỏe lại, ngược lại nếu phải ra đi, được ra đi bình an, bởi má đã làm hơn trách nhiệm má được giao phó khi sinh ra đời và má đã chịu đựng nhiều đau khổ.
Hợp tan tạm bợ kiếp người
Tình yêu tạm bợ cuối đời buông tay
Âm dương rồi cũng chia hai
Ghét thương cô đọng trần ai trăm đường
Hoàng hôn trầm mặc vấn vương
Bình minh lặng tắt miên trường đêm đen
Cõi không tỉnh thức lạ quen
Huyễn hư mộng ảo khẽ len lén về
Sáng ra chợt tỉnh cơn mê
Vẫn xa bờ giác giữa khê nhiêu đời
Hỡi ơi! Từ nhập cuộc chơi
Nhặt thương gom nhớ hong phơi phận người…
Và… những việc không mong chờ nó lại đến, tôi nhận được tin từ San José cho biết má chồng tôi đã vĩnh viễn ra đi, sau ba năm nằm trong viện dưỡng lão, có lẽ niềm vui cuối đời của má là được các con thay phiên nhau sáng chiều vô ra thăm viếng.
Nhớ mấy tháng trước, tôi đưa cô con gái nhỏ qua thăm, bà vẫn còn nhận ra cô con dâu và cháu nội, dù ít nhiều trí nhớ đã bị mai một vì tuổi già.
Sao má lại ra đi ngay lúc nầy!?
Tội bật khóc, nghe thương mà đau xót đắng lòng, vì biết rằng má ra đi trong cô đơn cô độc, không một người con hay người thân nào ở bên cạnh, thậm chí các con muốn chít vành khăn tang cho má, cũng không thể, vì thời thế hiện tại, nạn đại dịch đang lan tràn cả thế giới.
Sao cuộc đời má gặp toàn cảnh trớ trêu như thế!
Lẽ nào số phận của má phải “Canh côi mồ quả” như má thường nói với con.
Buồn! Buồn lắm má ơi!
Kiếp sau nếu có, con vẫn muốn được làm con dâu của Má!
Dẫu vẫn biết đời vô thường còn mất
Nhưng lòng con sao đau đớn xót xa
Xin khấn nguyện Má bình an đất Phật
Trút bỏ nhiêu khê nơi cõi ta bà…
Songthy