(Viết để nhớ sinh nhựt lần thứ 100 của Ba 04/4/1923)
Thằng nhỏ tầm 13, 14 tuổi tần ngần đứng trước quầy bánh kẹo của bà ngoại. Thỉnh thoảng nó mở he hé bàn tay để ngó xem tờ tiền hào nhăn nhúm có còn đó hay không. Bà ngoại đang ngồi đọc gì đó, hạ mục kỉnh xuống, hỏi “Con muốn mua cái chi?”. Thằng nhỏ giựt thót người, tim đập nhanh, trả lời đứt quãng “Dạ…không…không…” rồi xoay người rời đi. Nó mắc cỡ vì không có đủ tiền để mua trọn một thứ tầm thường hơn bịch kẹo cau hoặc kẹo thèo lèo chẳng hạn.
Ở xóm này hai ông bà là người lớn tuổi nhứt nên ai cũng gọi là ông ngoại, bà ngoại. Cái cách gọi hàng xóm láng giềng của người Việt Nam kéo mọi người gần gũi lại như cùng gia đình, thiệt ra chẳng có máu mủ ruột rà gì hết. Gia đình ông bà là người Huế, dọn về đây chỉ sau tháng Tư 1975. Sáng sáng ông đạp xe xuống chợ mua hàng về, rồi bà phân nhỏ ra bỏ bánh kẹo vào hũ keo, hoặc gói vào bịch. Vài ba trái cây treo lên, thừa thì bày biện tràn ra chẳng có chút gì thẩm mỹ cả. Vậy mà ai cũng ghé tới mua vì đó là quầy hàng duy nhứt ở xóm này.
Gọi là quầy cho sang chớ thiệt ra nó là một cái bàn gỗ tạp đặt dựa sát vào tường nhà cũng bằng gỗ ván ép. Bàn được phủ một tấm trải ni lông in hoa. Hai cạnh bàn đóng hời hợt hai thanh gỗ, nối lại bằng một thanh thứ ba tạo thành một cái khung. Trên cái khung đó là hàng đinh để treo móc bánh trái.
Thằng nhỏ đứng từ xa, chờ cho đến khi mấy cô thím ngừng chuyện vãn với bà ngoại để xách giỏ nhựa đi chợ hoặc quay về nhà quét tước, thì nó mới lấy hết can đảm tiến lại bên quầy hàng. Lần này nó nói rất nhanh, như sợ bà ngoại đọc được hết dự định của nó vậy.
– Bà ngoại bán cho con… nửa cục đường được không?
– Nửa cục thui hỉ?
Bà hỏi cho có lệ chớ bà hiểu hoàn cảnh gia đình của cái xóm này lắm mặc dù bà về ở đây chỉ trên một năm thôi. Xóm này vốn là cư xá của công nhân thuộc công ty kiều lộ. Mười tám căn được xây dựng chung sát vách, mái lợp tôn tạo thành hai dãy đối diện cách nhau một khoảng sân cát. Nhà nào cũng cơi nới thêm ra một chút làm khoảng sân càng hẹp lại, chắc chưa tới mười mét. Một số nhà còn đóng thêm căn gác gỗ ở phía sau. Trên mỗi nóc nhà còn hờ hững lại một trụ ăng ten mặc dù ti vi đã nối nhau ra chợ trời để đổi lấy gạo mắm. Hồi trước tháng Tư 1975 chỉ cần một người đi làm ở công ty mà nuôi cả gia đình. Có gia đình lên tới chục miệng ăn. Vào thời trước nhà nào cũng đầy đủ đồ gia dụng như ti vi, tủ lạnh, máy hát, quạt trần, quạt đứng v.v… Thời thế đổi thay, nhứt là sau đợt đổi tiền cách mạng. Cứ 500 tiền ngân hàng VNCH được 1 đồng mới. Và mỗi gia đình chỉ được phép đổi một trăm ngàn để lấy 200 đồng tiền ngân hàng nước CH XHCN VN. Nhiều gia đình trộn thuốc chuột vào nồi cơm… Đói. Những thứ đồ gia dụng bị xem là xa xỉ phẩm mà chỉ có bọn tư sản bóc lột mới xài thôi. Vì vậy mà những thứ đó dần dần chuyển qua nhà cán bộ hoặc ra chợ trời gần hết. Đàn ông, chủ gia đình, bỗng dưng trở thành người phụ vợ trong khi các bà bươn chải bán buôn chạy chợ, kiếm đồng tiền chính yếu về để gia đình được tồn tại. Lương của giai cấp công nhân không đủ để chính họ ăn sáng. Tem phiếu là những tấm bùa hộ mạng, nhưng nó chỉ đủ tỏa phép màu cho mỗi kỳ lương, rồi chờ tháng sau.
Bà ngoại lắc lắc hũ đựng đường cục lấy ra một miếng màu nâu xậm hình ô van, to cỡ hai ngón tay của người lớn và dày chưa tới một phân. Bà ngoại để nó lên tờ giấy, đặt con dao gọt trái cây lên trên miếng đường, rồi nghiêng đầu ngắm nghía để phân lượng. Khi cảm thấy đủ đều hai bên, bà ngoại lấy tay trái ấn xuống sống dao. Thằng nhỏ đưa cho bà ngoại tờ hào để đổi lấy nửa cục đường. Trong khi đó bà ngoại cất nửa miếng còn lại vào một hũ trống. Chắc thế nào cũng lại có người mua. Xong rồi bà nghiêng tờ giấy, cẩn thận trút những vụn đường li ti vào cái ly thủy tinh để lát nữa ông ngoại có thêm chút ngọt cho ly cà phê.
Thằng nhỏ chạy vội về nhà, tót lên căn gác. Nơi đó Ba nó đang lim dim nghe vọng cổ từ chiếc ra đi ô Nhựt to hơn cục gạch xây để cạnh giường. Nó leo lên nằm bên cạnh Ba, mùi mồ hôi pha mùi dầu máy thơm kỳ lạ. Nó cắn từng miếng nhỏ cái cục đường nâu thần thánh, nó nhai nuốt luôn cả những cọng xác mía lẫn trong cục đường. Thế giới hy vọng của nó dần tan biến theo vị ngọt cuối cùng trôi qua cuống họng. Giờ này chắc Má nó cũng sắp đi chợ về. Hy vọng Má nhín được chút tiền mua cho nó một bịch chè nho nhỏ.
Thằng nhỏ xoay người ôm Ba như để tỏ lòng biết ơn Ba vừa vét cho nó một tờ hào…
VŨ TUÂN