Nếu nói về giọng hát Thái Thanh, thì một cuốn sách bao nhiêu trang cũng là không đủ. Trong bài viết này chỉ xin ghi lại đôi dòng cảm xúc cá nhân về những bài hát mà Thái Thanh đã ghi dấu trong lòng công chúng, cũng như là những bài hát mà khó có ca sĩ nào khác có thể hát hay hơn danh ca Thái Thanh.
Những bài hát này trở nên đặc biệt hơn qua giọng hát đặc biệt truyền cảm của nữ danh ca này.
Buồn Tàn Thu
Có thể nói ca khúc Buồn Tàn Thu với tiếng hát Thái Thanh thâu thanh trước năm 1975 đã đạt được sự tuyệt mỹ, cho dù sau này có rất nhiều ca sĩ đã hát lại ca khúc này nhưng không ai có thể sánh bằng:
Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng…
Click để nghe bài hát
Ngay câu đầu tiên, giọng hát độc nhất vô nhị của Thái Thanh đã vuốt chữ rất đặc trưng mà không ai có thể sao chép được: Ai… lướtttt đi ngoài sương gió…
Với các ngân giọng kéo dài: “Lướt đi”, Thái Thanh có thể làm cho người nghe có thể hình dung ra được hình ảnh người đang đi ngoài sương gió với sự lạnh lẽo, cô độc. Âm nhạc là tượng thanh, đồng thời cũng tượng hình một cách rõ rệt qua giọng hát điêu luyện, và có thể nói chỉ có Thái Thanh mới làm được với Buồn Tàn Thu.
Dòng Sông Xanh
Đây là ca khúc kinh điển của âm nhạc thế giới: Dòng Sông Xanh, được nhạc sĩ lớn nhất của Việt Nam là Phạm Duy viết lời Việt, cùng với phần trình bày của đệ nhất danh ca Thái Thanh. Khi những đỉnh cao đó hội tụ cùng lúc, thì ai cũng biết là ca khúc này đáng nghe đến như thế nào.
Click để nghe bài hát
Dòng Sông Xanh, tên đầy đủ là Dòng Sông Danube Xanh của nhà soạn nhạc người Đức Johann Strauss viết vào thế kỷ 19. Vào thập niên 1940, tròn 80 năm sau khi ca khúc ra đời, nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời Việt cho cô bé Thái Thanh hát khi mới 14 tuổi, và trở thành ca khúc gắn liền với sự nghiệp huy hoàng của bà.
Ô Mê Ly
Đây là 1 ca khúc rộn vui của nhạc sĩ Văn Phụng được sáng tác vào thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam, và gắn liền với giọng ca Thái Thanh cùng ban Thăng Long thập niên 1960. Cá nhân tôi vẫn thích phiên bản Thái Thanh hát solo hơn, vì tươi vui rộn rã hơn, mời các bạn nghe bên dưới:
Click để nghe bài hát
Ngày Xưa Hoàng Thị
Trong số rất nhiều ca khúc nhạc Phạm Duy, bài Ngày Xưa Hoàng Thị được yêu mến đặc biệt vì nó khơi gợi được trong lòng người nghe một vùng ký ức đẹp nhất của đời người, đó là tuổi học trò. Thái Thanh hát Ngày Xưa Hoàng Thị không sử dụng cách hát nức nở như trong những bài hát buồn, mà giọng hát trở nên trong sáng cùng cách luyến láy đặc trưng. Bà hát rất thong thả và nhẹ nhàng như hơi thở, nhưng vẫn vút cao và mang lại những cảm xúc khó quên với công chúng trong hơn nửa thế kỷ qua.
Click để nghe bài hát
Kiếp Nào Có Yêu Nhau
Cách đây vài năm, một phim điện ảnh mang tên Bao Giờ Có Yêu Nhau được thực hiện với tựa đề phim được lấy cảm hứng từ 1 câu hát trong ca khúc Kiếp Nào Có Yêu Nhau của nhạc sĩ Phạm Duy: Bao giờ có yêu nhau, thì xin hẹn đến mai sau…
Trong phim này cũng xuất hiện một đoạn của ca khúc được Thái Thanh hát từ trước năm 1975. Khi đó đã có nhiều khán giả trẻ lần đầu tiên được nghe, rồi thốt lên những lời kinh ngạc là vì sao lại có một giọng hát liêu trai, hút hồn đến như vậy mà họ chưa từng được biết đến. Nhưng cũng có nhiều người khác nói rằng họ rất sợ đoạn nhạc đó, vì đây là bộ phim ma, và giọng hát đầy ma quái đó làm họ thấy sợ, không muốn nghe lại.
Đó cũng là 2 thái cực mà giọng hát của Thái Thanh đã tạo ra từ xưa đến nay: Rất nhiều người không nghe được giọng hát Thái Thanh, nhưng khi đã cảm được, nghe được, thì tôn thờ giọng hát ấy.
Click để nghe bài hát
Cỏ Hồng
Đây là một ca khúc nhục tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy, nói nên những yêu thương tuôn tràn như dòng suối của một đôi tình nhân trẻ dắt nhau lên đồi thanh vắng. Nơi đó có cỏ hồng tương tư lãng mạn, và họ cùng ngã mình trên đám cỏ hồng đó để quấn quít ngọt ngào cùng nhau. Giọng hát Thái Thanh đã đưa người nghe qua từng cung bậc cảm xúc, từ bẽn lẽn, khép nép, rồi dịu ngọt, êm đềm, sau cùng là nỗi mê cuồng vây kín, như là vuốt ve lòng người bằng thứ âm thanh mê hoặc và cuốn hút.
Click để nghe bài hát
Tình Ca
Một ca khúc tạo nên thương hiệu của nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Thanh, không thể nào không nhắc đến, là Tình Ca. Không có nhiều ca sĩ nào khác “dám” hát lại ca khúc này, vì ai cũng biết họ không thể truyền tải được toàn vẹn cái hay, cái đẹp và những tinh túy của ca khúc bằng giọng hát Thái Thanh. Chỉ cần nghe danh ca Thái Thanh hát câu đầu đầu tiên: Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời… Ai cũng phải lặng người đi vì những cảm xúc khó tả.
Click để nghe bài hát
Sang Ngang
Đây không phải là 1 ca khúc gắn liền với danh ca Thái Thanh, lại là 1 ca khúc thuộc dòng nhạc vàng. Nhưng sự nức nở của bài hát thất tình này rất hợp với sở trường của giọng hát Thái Thanh:
Thôi nín đi em
Lệ đẫm vai rồi
Buồn thương nhớ ơi…
Click để nghe bài hát
Chỉ với những chữ đầu tiên của bài hát, Thái Thanh đã kéo dài, giọng nức nở: Thôi nínnnn đi em… làm cho người nghe như tan chảy, thổn thức cùng với giọng hát. Nghệ thuật cường điệu giọng hát của Thái Thanh đã tạo ra nét khác biệt cho các bản thu mà không ca sĩ nào có thể bắt chước được. Những ca sĩ thế hệ sau có thể học hỏi được ở Thái Thanh những kỹ thuật thanh nhạc, nhưng không thể sao chép được cái cách mà bà đã đưa cảm xúc vào bài hát.
Nghe Những Tàn Phai
Có lẽ sẽ có nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ khi ca khúc này được liệt kê trong bài. Chắc chắn là không có nhiều người đã từng nghe Thái Thanh hát nhạc Trịnh, đặc biệt là với bài Nghe Những Tàn Phai – một ca khúc không quá nổi tiếng của Trịnh Công Sơn.
Tuy nhiên ngay lần đầu tiên nghe, tôi đã bị ấn tượng ngay lập tức:
Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những chuyến xe…
Click để nghe bài hát
Giữ nguyên phong cách hát giọng Bắc đặc trưng, danh ca Thái Thanh đã hát rất rõ: Chiều nay em “dzaaa” phố về… Bài hát này rất buồn, nói về những thao thức của một kiếp người buồn tủi và ê chề. Những đêm buồn gác tay lên trán trằn trọc, mở nhạc của Thái Thanh, tôi tưởng như bà đang tâm sự, vỗ về những nỗi niềm của mình với ca khúc Nghe Những Tàn Phai. Nghe nhạc là để giải trí, nhưng tiếng hát Thái Thanh nó còn cao hơn như vậy, nó như là một phần đời của mình vậy.
Bà Mẹ Gio Linh
Đây là ca khúc mà dù có bao nhiêu ca sĩ hát lại, tôi đều không muốn nghe thử. Đơn giản là vì danh ca Thái Thanh đã thể hiện quá xuất sắc. Đây là 1 ca khúc có nội dung rất buồn, được nhạc sĩ Phạm Duy viết dựa theo một câu chuyện có thật về những người con đã hy sinh vì nước trong hoàn cảnh rất thê lương. Thái Thanh hát mà như là nức nở, như là khóc, nhất là ở đoạn:
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta…
Nghe đến đoạn này, lần nào tôi cũng thấy rờn rợn người, hình dung đến tình cảnh có một bà mẹ quê khắc khổ, nhìn đầu của con, đôi mắt của anh vẫn còn chưa thể nhắm, rồi bà không cầm lòng được, ngửa đầu lên trông trời cao xanh mà đau xót…
Click để nghe bài hát
Nghìn Trùng Xa Cách
Xin kết thúc bài bằng ca khúc này. Xin tiễn biệt bà, một danh ca của danh ca, một thần tượng lớn của rất nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam. Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi…
Click để nghe bài hát
Đông Kha (nhacvangbolero.com)