Mẹ ơi !
Con về, như sông về biển Mẹ.
Ngõ cũ đường xưa đã đổi nhiều.
Đâu cội mai vàng mùi hương nhẹ,
Mùi hương gây nhớ – vị thương yêu.
Đã mấy năm xa, giờ trở lại.
Ngôi nhà kỷ niệm những ngày thơ.
Tường vôi mốc bạc cùng năm tháng
Như sóng đời trôi những bến bờ.
Những dòng thơ nầy, con đã viết cho Mẹ từ một bến bờ rất xa. Bên kia bờ Đại dương, cách quê nhà hơn nửa vòng địa cầu. Con đoán là Mẹ đã đọc, đã nghe nhiều lần và cho dù cách biệt ngàn trùng hai cỏi âm dương khắc nghiệt, con vẫn tin là Mẹ sẽ mang theo về miền đất lạnh bởi vì tình thương của Mẹ cho chúng con là bao la không bờ bến, là cao vút tận trời xanh.
Mẹ ơi ! Mẹ còn nhớ bến bờ đầu đời từ mảnh đất cằn khô sỏi đá, có con sông Thu Bồn êm đềm chảy bên ngàn dâu xanh ngát. Từ nơi chốn cội nguồn đó, Ba Mẹ đã dắt dìu chúng con theo sóng đời, trôi về những bến bờ xa lạ. Những bến bờ mật ngọt, gian nan, đắng cay, nhưng bao giờ cũng dịu dàng, thân thương và đầy ắp kỷ niệm. Như huyền thoại Mẹ Âu Cơ trong huyền sử Lạc Việt, Mẹ đã cùng Ba dẫn dắt chúng con đi suốt dải đất miền Trung nhọc nhằn để tìm cuộc sống mới, dải đất đó dẫu có khô cằn nhưng mang đậm dấu tích hào hùng của tiền nhân trong quá trình gìn giữ giang san, và một thời huy hoàng mở mang bờ cõi.
Ngày ấy, giữa những thăng trầm của đất nước. Cuộc chiến tranh Việt-Pháp đang trong giai đoạn khốc liệt nhất và tràn lan khắp cỏi bờ. Chiến tranh đồng nghĩa với tang tóc, điêu linh. Gia đình mình rời bỏ kinh thành Huế cổ xưa có dòng Hương Giang êm ả. Tạ từ Quảng Ngãi với núi Ấn sông Trà, Thiên bút phê vân. Giã từ Phan Rang với ánh mắt Tháp Chàm u uất muôn đời. Vượt dòng Lại Giang trên dải đất còn vang vọng nhịp khúc quân hành của đoàn quân bách chiến Nguyễn Huệ ngày xưa. Về thung lũng Hoài Ân trên rặng núi già Trường Sơn hùng vĩ muôn đời.
Ngày ấy Mẹ còn trẻ biết bao, mái tóc xanh đen thướt tha trong gió và hình ảnh tha thiết đó đã theo con đi suốt cuộc đời. Nhất là những khi có dịp được sống lại những ngày hoang dại xa xưa, được trở về dòng sông tuổi thơ để lặng ngắm bóng dừa xanh đang thướt tha trong gió, soi bóng trên dòng sông cũ. Hàng dừa trong bóng nắng giữa gió chiều êm ả – Với riêng con, đó là hình ảnh dịu hiền muôn đời của Mẹ mến yêu. Hình ảnh đó sẽ mãi mãi theo con trong suốt cuộc lữ hành hôm nay cho đến ngày con được về đoàn tụ với Mẹ.
Mẹ ơi !
Những ngày còn thơ dại con đã được đọc và còn nhớ mấy dòng thơ rất đậm đà yêu thương và đầy nghĩa tình mẫu tử của Thiền Sư Nhất Hạnh viết về người Mẹ
Mẹ là lọn mía ngọt ngào.
Mẹ là nải chuối, buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu,
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liến yêu thương
Cho cuộc đời.
Ngày nay dù đi bất cứ nơi đâu, dù dừng chân ở bến bờ xa lạ nào. Mỗi khi nhìn thấy một rặng dừa xanh, một dòng sông nhỏ, một lũy tre làng, một con đường quê bụi mù trong gió. Con lại bồi hồi xót xa trong tâm tưởng. Nỗi nhớ như những dòng sông đang chảy giữa hai bờ tâm thức và con đang nhớ Mạ hắt hiu .
Mẹ biết không. Bến bờ ấy, dù ở phương trời nào. Dù đêm trăng trên Sông Trà như còn nghe vang vọng chính khí ca trong dòng thơ người xưa đang bay lãng đãng giữa đất trời sông núi. Hay về sống giữa lòng Sài Gòn đô hội của Miền Nam. Bao giờ vẫn có Mẹ trong đời sống chúng con, không chia lìa, ngăn cách. Con đã sống và lớn khôn chỉ nhờ một tiếng Cha, tiếng Mẹ thiêng liêng. Con đã không ngã gục giữa dòng đời nghiệt ngã chỉ nhờ vào một tiếng Mẹ thân yêu. Một tiếng Mẹ thân yêu đã nâng con đứng dậy với đời để vượt qua bão táp phong ba.
Mẹ là dòng suối dịu hiền,
Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao.
Là ánh đuốc trong đêm
Khi lạc lối…
(Trích Thơ Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Nhưng còn gì nữa đâu khi trăng sao đã lặn tàn vào cuối nẻo trời xa, bài hát ca dao ngày nào đã nhạt nhòa vào dòng suối cạn nguồn và Mẹ đã mãi mãi đi vào cỏi bờ xa thẳm. Mẹ ơi ! Có nhiều khi con tự hỏi lòng, ai đặt làm chi hai tiếng Hiền Mẫu để ngàn năm sau, người đời vẫn còn phải nhỏ lệ bùi ngùi thương cảm mỗi khi nhớ Mẹ. Mẹ hiện thân trong nước mắt hạnh phúc, Mẹ ngập tràn trong giọt lệ chia xa. Mẹ vẫn còn đây như dòng thơ tuổi dại mà con đã viết cho Mẹ từ gần năm mươi năm trước, lúc con bắt đầu xa Mẹ để vào đời:
Con nhớ ngày đi Mẹ khóc,
Một ngày thu nặng chờ mong
Chiều nay gió lùa mái tóc
Thương đời Mẹ phận long đong
Một đời Mẹ phận long đong để nuôi chúng con khôn lớn nên người. Ôi! Giấy mực nào ghi hết được tấm lòng của Mẹ. Biển sông nào chất chứa hết được tình Mẹ bao la. Mẹ ơi ! Cuộc lữ hành của con vẫn còn đó, nhưng dòng suối dịu hiền của con đã vĩnh biệt ra đi thì làm sao con tìm ra nẻo về khi lạc lối.
Mẹ ơi !
Cuộc đời nếu chỉ mang ý nghĩa của chia ly và ngăn cách không thôi thì đâu còn lẽ sống. Và nếu cuộc sống tự nó đã hàm chứa những hệ lụy khổ đau thì cuộc sống cũng mang sắc thái của hạnh phúc và niềm tin đợi chờ. Làm sao con quên được dòng nước mắt hạnh phúc của Mẹ khi nhận biết những đứa con thân yêu của Mẹ từ những nơi chốn rất xa đang trở về sum họp với gia đình bên mái nhà xưa. Lần hội ngộ đó cũng là dịp mừng Đại Thọ 90 của Ba. Sau những chuyển biến dồn dập của đất nước: Chiến tranh – Chia cắt – Chết chóc – Phân ly. Những đứa con của Mẹ vẫn còn đầy đủ để họp đàn dưới bóng Mẹ Cha. Ôi ! Có hạnh phúc nào lớn hơn phút giây đoàn tụ tương phùng.
Nhưng Mẹ ơi ! Tất cả đã không còn như mơ ước ngày nào.
Chiều nay trước di ảnh của Mẹ chỉ còn lại:
Một bát cơm in, đôi đũa lẻ
Ngọn đèn le lói đứng mồ côi
Nỗi đau nào sánh con không Mẹ
Những bước bơ vơ giữa cuộc đời.
Mùa lễ Vu Lan lại đến rồi
Nhìn vầng trăng lạnh giữa đêm vơi
Tìm đâu ra Mẹ thời gian cũ
Để một lần thôi, gọi: Mẹ ơi !
Mẹ đi mãi mãi không về nữa
Đôi nẻo âm dương đã khép rồi
Chiều nắng hắt hiu, chiều nắng úa.
Mây trời chưa hợp đã chia phôi.
Mẹ ơi ! Đôi nẻo âm dương là hai miền tử sinh trùng trùng cách trở.
Như nhịp đời luân chuyển. Hôm nay, Mẹ đã về cùng Ba trên cỏi vĩnh hằng giữa tiếng nhạc tương phùng tự trời cao. Nhưng dưới trần thế, gió mưa đã nói lời vĩnh biệt. Lá cây đang hát khúc tạ từ . Mẹ đã bỏ chúng con để về với gió lộng núi cao, với biển lạnh mù khơi, với ngàn trùng xa cách. Có phải Mẹ đang đưa tay vuốt dòng lệ nhớ thương của những đứa con đang sống cô đơn từ hai bờ biển Thái Bình bao la.
Mẹ ơi, Mẹ có biết con đang nhớ Mạ hắt hiu.
Lê Tấn Dương
14 tháng 5, 2023