NẾU FORMOSA HỦY HOẠI MÔI TRƯỜNG BIỂN TẠI MỸ,CHÍNH QUYỀN VÀ NGƯỜI DÂN HOA KỲ SẼ HÀNH XỬ RA SAO ? (Trần Phong Vũ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Đại biểu cái gọi là Quốc Hội VN học được gì nơi nữ Dân biểu họ Tô?

Trần Phong Vũ

10-11-2016

Cho đến thời điểm này, vụ Formosa xả thải hóa chất cực độc xuống lòng biển Vũng Áng dẫn tới thảm họa biển chết, cá chết, người chết cùng những di hại kinh hoàng cho môi trường sinh thái Việt Nam mai sau đã trải qua hơn 7 tháng. Trong ba tháng đầu, BCT đảng CS và các cơ quan đầu não của chế độ Hà Nội gần như câm lặng, nếu không muốn nói là ngấm ngầm tìm cách bao che, bênh vực và bảo vệ thủ phạm.

Hôm 22 tháng 4, khi vụ cá chết hàng loạt phơi trắng dọc bờ biển bốn tỉnh miền Trung còn nóng hổi, ông Nguyễn Phú Trọng tới thăm cơ sở Formosa ở Vũng Áng mà không hề đoái hoài hoặc có một lời ủy lạo các nạn nhân. Trong khi ấy, có tin cho hay dịp ấy Formosa đã trao tặng ông Trọng bức tượng họ Hồ bằng vàng nặng 50 kílô loại 999. Tính thành tiền tương đương với 55 tỷ 550 triệu đồng! Cũng trong thời gian ba tháng đầu, ngoài sự kiện các quan chức Đà Nẵng đóng trò ăn cá, tắm biển để chứng tỏ biển sạch, cá không nhiễm độc, trong khi những khuôn mặt lớn ở Bộ Tài Nguyên/Môi Trường tuyên bố ngược xuôi không ngoài mục tiêu che giấu tội hủy hoại môi trường biển của Fomosa.

Cuối cùng, bàn tay nhỏ không che nổi ánh sáng mặt trời!

Sau những bước đi đêm với thủ phạm, hôm 30-6, Nguyễn Xuân Phúc với tư cách người cầm đầu bộ máy nhà nước đã miễn cưỡng phải tổ chức một cuộc họp báo công khai. Tại đây, toàn bộ nhóm điều hành Formosa xếp hàng ngang cúi đầu nhận tội, xin lỗi nhân dân Việt Nam. Về phía ông Phúc đã muối mặt nhận số tiền bồi thường bèo bọt 500 triệu Mỹ Kim mà không có ý kiến của các nạn nhân. Biết bao câu hỏi đặt ra cho công luận liên quan tới màn kịch trơ trẽn với nhiều bóng tối này.

Bằng lối nhìn của những người quen sống dưới những chế độ dân chủ, tự do, trong đó guồng máy nhà nước được xây dựng trên cơ sở tam quyền phân lập, mọi hành sử liên quan tới quyền lợi quốc gia, ý nguyện dân chúng đều phải minh bạch và công khai trước hệ thống truyền thông báo chí vốn được coi là “đệ tứ quyền”, chúng ta thấy gì qua cách hành sử của tập đoàn lãnh đạo Hànội?

Trước hết, đấy là hành vi cướp quyền công dân của một chế độ đạo tặc!

Khi bị ngăn chặn, khủng bố bạo hành trong lần thứ hai hướng dẫn 1000 nạn nhân đi Kỳ Anh nộp đơn tái khiếu kiện, trả lởi phái viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, Linh mục Đặng Hữu Nam nói: việc truy tố thủ phạm Formosa ra tòa lẽ ra là bổn phận của nhà cầm quyền, nhưng vì một lý do khuất tất nào đó, họ không làm, người dân phải làm. Ấy vậy mà chính Hànội lại trắng trợn cho công an vũ trang và bọn đầu gấu tấn công, ngăn trở, gây thương tích cho các nạn nhân trên đường đi kêu oan.

Cha Nam nêu lên câu hỏi: như thế họ có xứng đáng là một chính quyền của dân và vì dân không? Trong câu hỏi đã hàm ẩn câu trả lời.

Thứ hai, nhìn lại cung cách phản ứng của Hànội, từ thái độ dửng dưng, vô cảm trong những ngày đầu phát hiện thảm họa cá chết hàng loạt khiến cả triệu sinh mạng thuộc các gia đình ngư dân chuyên sống bám vào biển lâm cảnh lầm than đói khổ… cho tới những màn kịch vụng về diễn ra sau đó, rõ ràng chế độ này đã lộ nguyên hình là kẻ đồng lõa với Formosa, nếu không muốn nói là kẻ đồng phạm. Tại sao từ vị trí những người cầm đầu cả một hệ thống chính quyền của một nước lại nép vế biến mình thành kẻ đồng lõa –thậm chí đồng phạm- với một tổ hợp gang thép từ một đất nước khác tới đầu tư làm ăn trên đất nước mình? Câu trả lời không gì khác hơn là: từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân và nói chung cả cái guồng máy thống trị ở Ba Đình đã tự bán mình và bán cả đất nước, biển đảo cho ngoại bang Trung cộng, mà Formosa chỉ là mặt nổi của một tảng băng giữa đại dương.

Để có một cái nhìn cụ thể chúng ta thử đặt giả thiết là nếu vụ huỷ hoại môi trường biển do công ty gang thép Formosa gây ra không phải ở Vũng Áng mà ở một vùng biển nào đó tại một quốc gia tự do như Hoa Kỳ, câu chuyện sẽ ra sao? Nói tới Hoa Kỳ là người ta liên tưởng ngay tới vụ nổ giàn khoan dầu của tập đoàn BP, Anh quốc ở vịnh Mexico nước Mỹ ngày 20 tháng 4 năm 2010 vì sơ sót kỹ thuật. Như thế, chỉ cần điểm qua, -dù hết sức khái quát- về phản ứng nhanh nhạy của nhà cầm quyền Hoa Thịnh Đốn trong biến cố kể trên hẳn đã đủ cho chúng ta một bức tranh cụ thể khi đối chiếu với cung cách hành sử khuất tất, dị thường của Hànội quanh thảm họa Vũng Áng.

Phản ứng của chính quyền Mỹ trong vụ tràn dầu

Không phải ngẫu nhiên một sớm một chiều Formosa có mặt ở Vũng Áng. Cũng thế, không phải tự dưng giàn khoan khai thác dầu của BP hiện diện ở vùng vịnh Mexico, Hoa Kỳ. Tất cả đều do những cuộc thương thảo giữa chính quyền các quốc gia chủ nhà và các tập đoàn đầu tư nước ngoài. Cuộc thương thảo ra sao, với những điều kiện nào, một cường quốc tự do như Mỹ Quốc, qua Quốc hội và qua truyền thông báo chí người dân đều rõ. Nhưng với một đất nước theo chủ nghĩa độc tài chuyên chính cộng sản như Việt Nam, buồn thay: lại chỉ là chuyện “xó bếp” của đảng và “ông” nhà nước!!!

Ngay sau vụ nổ giàn khoan của BP, Hoa Thịnh Đốn đã cấp thời thông báo cho toàn dân Mỹ và công luận thế giới hay biết về biến cố. Cừng lúc, chính quyền huy động mọi phương cách tính toán, kiểm tra nhằm giảm thiểu tác hại có thể xảy ra. Những số liệu cụ thể cho hay: hoảng 3,19 triệu barrels tức 134 triệu gallons dầu thô và khoảng 1,8 triệu gallons hóa chất dùng để dập dầu loang đã tràn ra biển. Địa điểm tràn dầu dọc theo vùng biển rộng khoảng 112.100 cây số vuông thuộc 5 tiểu bang Louisiana, Alabama, Texas, Florida và Mississippi với hơn 2000 cây số, tương đương 1.300 hải lý bị ô nhiễm.

Ngay lập tức cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) của Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh đình chỉ tạm thời các hoạt động khai thác của BP tại Vịnh Mexico trong vòng 18 tháng, sau đó lại mở rộng lệnh cấm vô thời hạn, cho đến khi tất cả những cáo buộc về hình sự theo pháp luật được chỉ ra và giải quyết đến tận gốc. Theo phán quyết của EPA, BP không hội đủ điều kiện kinh doanh nên dẫn đến thảm họa tràn dầu. 

Cơ quan bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ tuyên bố đây là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Mỹ quốc. Donald Vidrine và Robert Kaluza hai giám sát viên của BP đã bị buộc tội trước tòa án New Orleans vì để xảy ra cháy nổ và làm chết 11 người. Ngay cả một cựu giám đốc điều hành BP David Rainey cũng bị cáo buộc nói dối Quốc hội về số lượng dầu đã tràn từ giếng.

Hàng loạt biện pháp cấp thời đã được Hoa Thịnh Đốn ban hành như đóng cửa các bãi biển, cấp cứu và di chuyển các loài sinh vật, đốt và vớt dầu nổi trên mặt, xả nước ngọt vào vịnh để giảm dầu tràn vào bờ … Huy động ngót 50 ngàn công nhân và tình nguyện viên với khoảng 70 triệu giờ làm việc và sự hỗ trợ của 6 ngàn 500 tàu thuyền tham gia hoạt động thu gom dầu trên vùng biển dài 2500 cây số. Trong 4 năm tính từ tháng 5-2010 đến tháng 4-2014, BP đã phải chi một khoản kinh phí 14 tỷ USD chỉ riêng cho hoạt động ứng phó thảm họa, thu gom dầu tràn và tạm thời làm sạch môi trường trong tổng số 54 tỷ phải thanh toán cho nhiều chương trình kế hoạch nghiên cứu trên nhiều lãnh vực khác nhau bao gồm các khoản bồi thường cho các cá nhân, tổ hợp và chính quyền địa phương bị ảnh hưởng do biến cố tràn dầu. Trong đó phải kế tới 776 hải lý vùng có nồng độ dầu lắng xuống đáy biển phải tẩy rửa bằng kỹ thuật cao và những phương tiện tân tiến bậc nhất.

Sau 4 năm xảy ra thảm họa, đến tháng 4 năm 2104 cơ quan bảo vệ vùng bờ mới quyết định dừng thu gom dầu. Dù vậy, nếu có thông tin về phát hiện ô nhiễm mới ở bất cứ vùng nào, công tác thu gom cũng sẽ được tiến hành ngay.

Nhìn vào bản liệt kê những đòi hỏi do luật pháp HK buộc BP phải trả cho hàng chục công trình nghiên cứu về ảnh hưởng tai hại của biến cố tràn dầu liên quan tới hệ sinh thái của con người và các sinh vật, từ hải sản như tôm cá, rùa biển, sò ốc tới chim muông, các rặng san hô v.v… nhưng vì giới hạn một bài viết ngắn chúng tôi chỉ có thể đề cập khái quát kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Tuy vậy, chỉ riêng một số biện pháp phục hồi do Hoa Thịnh Đốn đòi hỏi kèm theo những ngân khoản kếch sù mà BP phải chi trả sau đây, hy vọng có thể giúp người đọc thấy toàn bộ nó quy mô và to lớn như thế nào:

* Phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái vùng bờ (coastal) và vùng cận bờ (nearshore) với kinh phí 4,7 tỷ USD

* Phục hồi và tái tạo các vùng liến quan tới dự án bảo vệ các sinh cảnh sống cấp liên bang với ngân khoản đền bù 75,5 triệu USD.

* Giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ: 110 triệu USD.

* Phục hồi chất lượng nước: 300 triệu USD.

* Phục hồi và tái tạo các loài cá và động vật không xương sống sinh trưởng trong tầng nước (pelagic): 400 triệu USD

* Phục hồi và tái tạo các loài cá khác nhau: 15 triệu USD.

* Phục hồi và tái tạo các loài rùa: hơn 212 triệu USD.

* Phục hồi và tái tạo các loài thực vật sống dưới đáy biển: 22 triệu USD.

* Phục hồi và tái tạo các loài động vật biển: 144 triệu USD.

* Phục hồi và tái tạo các loài chim: hơn 500 triệu USD.

* Phục hồi và tái tạo các loài hào: hơn 200 triệu USD.

* Phục hồi và tái tạo các quần xã sinh vật sống vùng biển dưới đáy sâu và vùng bán sâu: 273 triệu USD.

* Phục hồi các hoạt động giải trí trên biển: hơn 131 triệu USD.

Nhìn lại phản ứng của HàNội trong biến cố Vũng Áng

Biến cố cá chết hàng loạt, phơi trắng bãi biển 4 tình miền Trung nổ ra ngày 06-4-2016 nhưng trong suốt ba tuần lễ Hànội hoàn toàn câm lặng. Cho mãi tới ngày 27-4, trước sức ép của dư luận trong và ngoài nước, Bộ Tài nguyên/Môi trường mới miễn cưỡng tổ chức cuộc họp báo chớp nhoáng, chỉ kéo dài trong vòng 8 phút để công bố tứ thông tin sai lạc về vụ hủy hoại môi trường có một không hai này.

h1Cảnh chờ đợi của giới truyền thông. Ảnh: Hùng Võ/TTXVN

Cuộc họp báo “dị thường” trên diễn ra ngay sau khi Bộ Tài nguyên/Môi trường chủ trì cuộc họp “kín” với các Bộ, ngành liên quan kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ với lệnh cấm báo chí tham dự. Hàng trăm ký giả thuộc các cơ quan truyền thông ngồi la lết bên ngoài suốt buổi chiều chở đợi. Trước tình cảnh ấy, để trấn an Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng và Tuyên truyền Vũ Minh Sơn phải hứa sẽ có cuộc họp báo diễn ra lúc 19 giờ tối để công bố kết quả cuộc họp “kín”. Đúng 18 giờ 45 phút, cuộc họp “kín” kết thúc.

Ngay lập tức, hàng trăm phóng viên báo chí đã kéo vào phòng họp, dù sau đó lại tiếp tục phải ngồi chờ lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường… đi ăn chiều và chuẩn bị tài liệu liên quan. Cho đến 19 giờ 58 phút, cuộc họp báo mới chính thức bắt đầu dưới sự chủ trì của ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên/Môi trường, thay vì như thông báo ban đầu là đích thân Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

h2Ông Võ Tuấn Nhân công bố hai nguyên nhân cá chết. Nguồn: TTXVN

Trong cuộc gặp gỡ chớp nhoáng 8 phút phù du gọi là họp báo này, ông Võ Tuấn Nhân mắt trước mắt sau hấp tấp đọc hết hai trang giấy ghi lại nội dung cuộc họp trong gần 5 tiếng đồng hồ của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trước đó với kết luận vắn tắt về 2 nguyên nhân gây cá chết: Thứ nhất, do thủy triều đỏ (?) và thứ hai, chất độc từ việc xả thải của con người từ thuở nào mà không phải do Formosa gây ra (?). Sau đó ông tuyên bố kết thúc cuộc họp báo trong khi rất nhiều người muốn lên tiếng chất vấn.

Ngay tức khắc, nhiều nhà khoa học am hiểu vấn đề đã đồng loạt lên tiếng bác bỏ nguyên nhân cá chết do thủy triều đỏ. Giới khoa học còn phản biện rằng nguyên nhân thứ 2 mà chính quyền đưa ra đi ngược với quan điểm quốc tế trong việc tuy tìm nguồn độc dược xả thải khiến môi trường biển bị hủy hoại.

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh niên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ mới đây, luật sư trẻ Phan Quốc Cường đã có dịp nhìn lại vụ tràn dầu BP để chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trong nước nhân thảm họa Formosa. Ông nói:

“Chúng ta có thể thấy, thứ nhất, phản ứng của Hoa Thịnh Đốn và Hànội hoàn toàn khác biệt. Sau vụ tràn dầu tại Louisiana, chính phủ Mỹ ngay lập tức vận động hàng trăm ngàn người tham gia vào lực lượng cứu hộ, làm sạch môi trường. Cùng lúc, thông tin báo chí giúp người dân cả nước biết rõ về biến cố cùng những diễn biến mới nhất. Trong khi ấy, tại Việt Nam báo chí bị bịt miệng không được đưa tin, ký giả bị cấm không được tiếp xúc với ngư dân địa phương. Một số bài tường thuật nêu lên quan điểm, ý kiến về luật pháp hoặc bảo vệ người dân đòi thiệt hại thì ngay lập tức bị áp lực lấy xuống.”

Theo ông, hai chính quyền có hai cách cư xử rất khác nhau. Lý do chính vì sự khác biệt nền tảng về thể thế. Một bên dân chủ tự do và một bên độc tài chuyên chính. Một bên có luật bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, dự luận và truyền thông báo chí có tòan quyền theo dõi diễn tiến từ đầu biến cố. Còn một bên, vì những lý do thiếu minh bạch, coi thường người dân, bất chấp cả những nguyên tắc pháp lý do chính họ lập ra, nhất là lại còn tìm hết cách, khi công khai lúc đi đêm, để bao che cho thủ phạm.

Trả lời câu hỏi của phái viên Trà Mi liên quan tới vấn đề cả chính phủ Mỹ và các nạn nhân đã khởi kiện BP 6 năm trước, LS Cường cho hay: Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã chính thức đưa đơn kiện BP. Song song, họ cũng truy tố hãng BP ra tòa về trách nhiệm hình sự. Kết qua, BP đã phải gấp rút chi ra hàng chục tỷ đô la bồi thường cho các cấp từ thành phố, thị xã, tiểu bang cho đến liên bang. Về phía dân chúng Mỹ cũng đã kiện BP. Cho đến thời điểm này, 6 năm sau vẫn còn một số vụ chưa giải quyết xong.

Nhỉn về Việt Nam, vì những chứng cớ hiển nhiên không thể bao che mãi cho thủ phạm, ngày 30-6 Hànội đã phải họp báo để tổ hợp gang thép Formosa công khai nhận tội xả thái độc chất xuống lòng biển Vũng Áng. Theo nguyên tác pháp lý dù phạm nhân nhận tội, về phía dân sự người dân vẫn có thẩm quyền kiện Formosa. Nhưng với mưu toan qua mặt các nạn nhân, ông Nguyễn Xuân Phúc trơ trẹn mở đường thoát cho thủ phạm bằng cách thuyết phục công luận: “đánh kẻ chạy đi không nên đánh kẻ chạy lại” rồi tự tay nhận số tiền hơn 10 tỷ đồng tương đương với 500 triệu Mỹ kim không đếm xỉa gì tới ý kiến, cảnh ngộ và nguyện của các nạn nhân. Không bằng lòng với hành vi khuất tất của Hànội, dân chúng thuộc giáo xứ Phú Yên, Nghệ An cậy nhờ vị Linh mục quản nhiệm của họ hướng dẫn đi nộp đơn khiếu kiện ở tòa án nhân dân Kỳ Anh. Lần đầu dù gặp muôn vàn khó khăn do an ninh nhà nước gây ra trong hai ngày 26/27 tháng 9, cuối cùng trước áp lực của đám đông họ nhận 506 đơn kiện. Nhưng chỉ mấy ngày sau đã trả lại với những lý do vu vơ. Trong lần kiện thứ hai Linh mục Nam và cả ngàn người dân đã bị công an nhà nước cùng với bọn đầu gấu ngăn cản, bạo hành từ bước đầu nên đành phải trở về!

Từ trường họp DB Tô Thị Phần trong QH Đài Loan tới…

LS Cường cũng nói tới khả năng kiện Fotmosa ra trước tòa án Đài Loan. Điều này gợi người viết nhớ lại kinh nghiệm của bà Tô Thị Phần (Su Chih Fen), dân biểu Quốc Hội của đảo quốc này đã cất công qua Việt Nam hồi đầu tháng 8-2016 với mục tiêu điều tra biến cố cá chết. Nhưng khi tới phi trường Nội Bài với dự tính đáp phi cơ đi tiếp tới Vũng Áng, bà đã bị Công an nhà nước gây khó dễ. Tuy vậy, với thiện chí và với tư cách một nhà lập pháp nhiều lương tâm chức nghiệp, bà đã tìm phương tiện đường bộ tới được Vũng Áng. Tại đây, ngoài những trao đổi với ban điều hành tổ hợp gang thép Formosa, một công ty có gốc Đài Loan nhưng kỹ thuật và vốn liếng do Bắc Kinh chi phối, bà Tô còn có cơ hội tiếp xúc với ngư dân địa phương và một số nhà báo tự do.

Trở về Đải Loan, bà bỏ công tìm thêm tài liệu liên quan tới tổ hợp Formosa, nhất là những lần tổ hợp này bị truy tố ra trước tòa án ở Mỹ và nhiều quốc gia khác về hành vi xâm phạm môi trường. Từ đấy, phối hợp với những kiến thức thâu thập được trong chuyến viếng thăm Vũng Áng, hôm 30 tháng 9 vừa qua, đích thân dân biểu Tô Thị Phần đã ra điều trần trước Quốc Hội Đài Loan với sự hiện diện của Thủ tướng Lin Chuan người cầm đầu chính quyền đảo quốc này mà danh xưng địa phương gọi là Viện Trưởng.

Lồng vào chính sách Hướng Nam của tân Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, bà Tô công khai nêu lên những vi phạm trầm trọng tới môi trường biển Việt Nam do Formosa gây ra cho hàng trăm ngàn ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên. Trong buổi điều trần kéo dài 20 phút này, dân biểu Tô Thị Phần đã thẳng thắn chất vấn ông Lin Chuan trước những đồng viện của bà. Mở đầu bà viện dẫn lịch sử để chỉ ra mối liên hệ bền vững lâu đời giữa Đài Loan và Việt Nam về phương diện văn hóa, kinh tế dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Cuối cùng, bà kết luận là đầu tư của Formosa ở Việt Nam đã góp phần làm tổn hại đến mối quan hệ tốt đẹp đó. Vì thế bà nhấn mạnh: Đài Loan cần thay đổi luật pháp để cải thiện tình hình.

Dịp này, dân biểu Tô Thị Phần đã trích dẫn nhiều đoạn phim, những tài liệu trên các mạng xả hội trong đó có mạng Quê Choa… ghi lại những cuộc tiếp xúc trực tiếp của bà trong chuyến viếng thăm Vũng Áng với viên chức Formosa và cư dân địa phương từng được bà trình bày chi tiết trong các bài viết phổ biến trên báo chí Đài Loan trước đó.

Trước khi kết thúc buổi điều trần, bà đã nhắc lại cuộc đối thoại với một ngư dân Hà Tĩnh tên An Lộc khiến bà vô cùng xúc động và cảm kích. Bà nói:

“Sau khi kể lại cho tôi những gì anh biết về tội phạm của công ty Formosa trong việc xả thái những dược chất cực độc xuống Vũng Áng đưa tới thảm cảnh cá chết hàng loạt khiến cho hảng trăm ngàn ngư dân, trong số có gia đình, thân nhân của anh lâm cảnh thất nghiệp, không công ăn việc làm, An Lộc, người bạn Việt Nam này nhìn tôi ngậm ngùi nói: ‘Bà là Nghị sĩ của Quốc Hội Đài Loan, bà như Quan Phụ Mẫu của con dân nước bà. Xin bà vui lòng dạy dỗ hướng dẫn họ trở nên những người tốt hơn…’”

Nói đến đây, dân biểu Tô đưa bàn tay phải đặt lên lồng ngực trái, nơi có trái tim, và với giọng xúc động bà kêu lên:

“Chúa ơi! Với tâm tình của người bạn ngư dân Việt Nam tên An Lộc, thưa ông Viện Trưởng tôi phải trả lới thế nào đây? Rõ ràng An Lộc đã thay mặt cả triệu đồng bào anh để nói với chúng ta rằng chính chúng ta đã phá hoại môi trường biển của họ, chính chúng ta đã cướp đi bát cơm của họ!!!”

… tới những khuôn mặt phỗng đá trong cái gọi là QHVN!

Xuyên qua tâm tình, tư cách và thái độ tận tụy phục vụ công ích của nữ dân biểu Tô Thị Phần, là người Việt Nam, làm sao chúng ta không phẫn nộ trước mấy trăm khuôn mặt trơ trẽn, “ăn hại đái nát” của những kẻ được đảng cộng sản tuyển chọn vào làm tay sai trong cái cơ cấu gọi là Quốc Hội của chúng ở Hànội?

Trong suốt 7 tháng dài, kể từ khi tổ hợp gang thép Formosa xả thài những dược chất cực độc như chì, thủy ngân xuống lòng biển Vũng Áng gây ra thảm họa hàng nghìn tấn cá chết phơi trắng bãi biền bốn tỉnh miền Đông, chưa một lần cơ cấu tập hợp nhưng kẻ mang danh dân cử này lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền truy tố tội phạm ra trước công lý để trả lại công bằng và an sinh cho cả triệu đồng bào nạn nhân. Trái lại, họ chỉ biết cúi đầu toa rập với đảng và nhà nước CSVN tìm cách chạy tội cho những kẻ đã gieo tai ương, đói rách cho các thành phần dân chúng sống bám vào biển.

Trong khi một dân biểu nước ngoài lặn lội đến Việt Nam với thiện chí tìm hiểu hành vi phá hoại môi trường biển do đồng hương của họ gây ra để đặt vấn đề trách nhiệm với cơ quan hành pháp, hoàn thành trách nhiệm một người dân cử… thì những kẻ mang danh đại biểu của người dân sở tại, từ chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân trở xuống, không hề có một động thái, một tiếng nói nói nào để bênh vực các nạn nhân. Và như thế, tiếng nói lương tâm chức nghiệp của nhà lập pháp Tô Thị Phần vang lên trong tòa nhà Quốc Hội Đài Loan hôm 30 tháng 9 vừa qua mãi mãi là biểu tượng tố cáo nỗi ô nhục của tập đoàn thống trị cộng sản Hànội, trực tiếp cái gọi là cơ cấu lập pháp của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay.

Trần Phong Vũ

10.714. Nếu Formosa hủy hoại môi trường biển tại Mỹ, chính quyền và người dân HK sẽ hành xử ra sao?