Mạn đàm với Võ Sư Nguyễn Lâm: Duyên nợ với con nhà võ
Chúng ta thường nghe con nhà võ nói đến Hổ quyền, Hầu Quyền và Xà Quyền…Hổ quyền là thế võ bắt chước lối đánh nhau của con Hổ (cọp, beo), Hầu quyền là thế võ bắt chước lối đánh nhau của con Hầu (vượn, khỉ) và Xà quyền là thế võ bắt chước lối đánh của Con Xà (rắn, trăn). Năm mới Qúy Tỵ (2013) là năm Con Rắn. Rắn có liên quan đến Võ Thuật. Chúng tôi lại được cái duyên may gặp gỡ một vị Chưởng môn, đứng đầu môn phái Thiếu Lâm Kiến An:
Võ sư Nguyễn Lâm, 18309 Malden St.#2W, Northridege, CA 91325.
Người xưa thường nói:“Nhất ẩm, nhất trác…giai do tiền định” (Cầm chén mà uống, nghiêng bầu mà rót…đều do tiền định cả). Hai người gặp nhau trong một cuộc trà hay cuộc rượu, trao đổi với nhau dăm ba câu chuyện “mạn đàm”…đều là chuyện an bài của Thượng Đế, của Ông Trời cả!
Lần đầu tiên tôi nhận được một cuốn sách “THIẾU LÂM KIẾN AN VIỆT NAM” tác giả là Võ sư Nguyễn Văn Đại Nghĩa với sự hiệu đính của Võ sư Nguyễn Lâm, Chưởng môn phái Thiếu Lâm Kiến An do ông Nguyễn Kinh Doanh gởi tặng. Tôi gọi điện thoại cám ơn người bạn và nhờ chuyển lời cám ơn tác giả. Từ đó mới dẫn đến cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa tôi và Võ sư Nguyễn Lâm vào ngày 16 tháng 11 năm 2000 vừa qua tại Little Saigon, quận Cam, California.
Ngay khi vừa nhận được cuốn sách nói về môn phái Thiếu Lâm Kiến An, tôi đã phải giật mình, vì đây là trường hợp thứ tám, thứ chín trong đời, tôi lại có liên hệ với “con nhà võ”. Tôi cho đây là “tiền định” là có sự an bài của Thượng Đế. Nói theo nhà Phật thì đây cũng là “cái duyên may”…
1.Thầy Toản người Quảng Bình.
Tôi sinh ra trong một gia đình mà các bậc phụ huynh rất chuộng nghề võ. Khoảng 1930, khi thân phụ tôi dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng thì người đã rước một vị võ sư danh tiếng tên là “Thầy Toản”, quê ở Quảng Bình, về dạy cho con cháu trong nhà học võ. Thầy Toản võ nghệ cao cường và có thuật khinh công. Một hôm nhà ông Quản Long (chỉ huy lính khố xanh tại Hà Tĩnh) có con ngựa bất kham, không ai trị nổi. Thầy Toản nghe chuyện bèn chạy theo con ngựa đến chỗ bãi cát cạnh bờ sông, nhảy tới đưa hai tay ôm choàng lấy cổ nó…Con vật chỉ chạy được một quãng đường thì đuối sức phải dừng lại. Thầy cỡi nó chạy mấy vòng, đến khi ngựa đã thuần, mới trao lại cho chủ. Mỗi lần đến quán “Mệ Nuôi” ở cuối làng để uống rượu, Thầy nhảy lên ngọn tre, chuyền từ cành nầy đến cành khác… Thầy đi về theo lối đó, thoáng một cái đã đến nơi rồi. Bác tôi không tin. Một hôm, nhà có giỗ, Bác mời Thầy đến ăn cơm. Thầy dứng giữa sân nhảy qua chuồng bồ câu cao chừng ba mét trước mắt mọi người. Mỗi tháng, Thầy thường luyện nội công, xưa gọi là “phép luyện gồng”, bằng cách lấy dao thật sắc, cắt cánh tay cho chảy máu ra rồi bôi thuốc vào. Vì thế, cánh tay của Thầy cứng như sắt. Thầy ở trong nhà cha mẹ tôi được ít lâu thì trở về quê. Câu chuyện trên đây là do những người trong gia đình kể lại vì hồi đó mẹ tôi chưa sinh tôi nên tôi cũng không may mắn được thấy mặt Thầy.
2.Ba Thầy Võ người Quảng Bình: Mầu, Vinh, Nhiêu.
Năm 1945, khi Việt Minh mới cướp được chính quyền sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, các nhà cách mạng Việt Nam như Các Cụ Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh…từ bên Tàu theo quân Tưởng Giới Thạch về nước. Cha tôi tham gia Mặt Trận Quốc Dân Đảng Việt Nam chống lại Hồ Chí Minh nên tập hợp thanh niên trong làng và các làng lân cận thành lập một lực lượng tự vệ chống Cộng Sản, chống Pháp. Cha tôi đã rước ba ông Thầy dạy võ là Thầy Mầu, Thầy Vinh và Thầy Nhiêu từ Quảng Bình vào dạy cho anh em trong nhà và thanh niên trong vùng. Học võ chỉ là cái bình phong bên ngoài, chứ mục đích chính là xây dựng chiến khu của Quốc Dân Đảng để tự vệ. Tổ chức Quốc Dân Đảng kết hợp hai đảng Đại Việt và Việt Quốc tại Quảng Trị do Cụ Phó Bảng Lê Nguyên Lượng, lãnh đạo. Cha tôi là thành phần chủ lực trong Ban Chấp Hành Tỉnh Bộ, anh em đồng chí thường hội họp tại nhà tôi. Một hôm, tôi nghe các Cụ bàn bạc với nhau về lá số Tử Vi của tôi:
-Cháu nầy Mệnh “Sát, Phá, Vũ, Liêm, Tham phùng Tử Tướng” lại thêm “Khốc, Kình, Hình , Hổ” và :Kình, Hình, Đà” chiếu mệnh…là “võ cách”, tính cực động…sau nầy “võ nghiệp sẽ hiển đạt”.
Một Cụ khác lại nói:
-Số cháu nầy lạ lắm, bộ sao văn học là” Văn xương, Văn khúc, Văn tinh, Tấu thư, Phong cáo, Thái Tuế, Khốc, Hư…” và “Long, Phượng, Hổ, Cái” đủ bộ…tập trung vào cung Mệnh, cung Phúc…chắc chắn sau nầy sẽ phát về văn học… Bộ “Sát, Phá, Tham…” tuy là “võ cách” nhưng lại hãm địa, lại thêm “Quyền, Kỵ đồng cung” cho nên ra đời luôn bị ở vào cái thế “đối lập”. Có chăng chỉ ảnh hưởng về tính tình, tư tưởng mà thôi. Dù sao thì nó cũng là võ cách nên chắc chắn sau nầy ít nhiều dính dáng về quân sự. Có thể là người có tài tổ chức, kế hoạch, tham mưu giỏi…
Thầy Mầu nghe vậy liền nhận tôi làm đệ tử, truyền thụ võ công. Năm đó tôi chưa được sáu tuổi! Mỗi ngày đi học về, tôi thường được Thầy dạy cho múa mấy đường quyền. Tôi nghe Thầy nói: “Thúc thủ Quan Âm, bái tùng lâm thế…” rồi bắt đầu múa tay, múa chân…và bảo tôi làm theo Thầy…Tôi chẳng hiểu gì cả, cứ tập theo lời Thầy chỉ dạy. Chẳng mấy chốc, tôi có thể biểu diễn cho mọi người xem. Tôi nhớ Thầy có dạy thảo “Tứ trụ”, đánh một lúc cả bốn phía để tự vệ khi có nhiều người cùng tấn công mình…
3.Võ sư Hồng Sắc Sơn, Hồng Sắc Kim và đoàn Xiệc bán thuốc quảng cáo.
Một hôm có một đoàn Xiệc (Circus) do hai võ sư Hồng Sơn và Hồng Kim (tức Hồng Sắc Sơn và Hồng Sắc Kim) đến xin phép biểu diễn để bán thuốc quảng cáo tại sân nhà thờ đạo. Cha tôi và ông Quản Long đã đứng ra bảo trợ cho họ nên dân làng đã kéo đến xem rất đông. Chắc hai võ sư họ Hồng đã biết rõ làng nầy vốn có truyền thống chuộng võ và hiện đang có Thầy dạy võ tại đây. Thế nhưng họ vẫn tỏ ra không quan tâm đến điều đó. Trong đoàn có một cô gái chừng 12, 13 tuổi gương mặt rất khả ái mà biểu diễn cũng rất hay. Võ sư Hồng Kim đã dùng hàm răng của mình đỡ một cái cọc bằng gỗ cao như cột cờ, cho cô bé leo từ dưới lên trên…Mấy cậu thanh niên trong làng bàn nhau cử người ra biểu diễn vài bài quyền hoặc thách đấu với cô gái kia nhưng Cha tôi và ông Quản Long không cho.
4.Ông Quản Long và tên ăn trộm võ nghệ cao cường ở Hà Tĩnh.
Ông Quản Long vốn là người chỉ huy lính khố xanh tỉnh Hà Tĩnh, khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, ông trở về làng và cùng Cha tôi hoạt động cho mặt trận Quốc Dân Đảng Việt Nam. Khi ông còn là Cai lính khố xanh Hà Tĩnh, có lần ông đem lính đi tuần phòng gặp một tên ăn trộm võ nghệ cao cường, mấy chục người không bắt được y. Về sau tên ăn trộm đó xin gặp ông để tâm sự…Y muốn bỏ nghề ăn trộm và tự thú với chính quyền. Hai người đã kết nghĩa anh em: đối với mọi người, y chỉ là một tên ăm trộm, nhưng với ông Long, y là sư phụ của ông. Nhờ có công bắt được tên ăn trộm nầy, ông Long được lên chức Đội. Pháp đày y lên nhà giam Lao Bảo (miền núi tỉnh Quảng Trị gần biên giới Lào) và cho ông Long đi theo vì nghĩ rằng chỉ có ông mới khống chế được y. Ông Long và tên ăn trộm ở chung một nhà, ăn chung một mâm, xem nhau như anh em ruột thịt.
Lúc bấy giờ người thiểu số ở Kontum nổi loạn, họ dùng tên độc bắn ra, quân Pháp chết rất nhiều. Nghe tin đó, tên ăn trộm kia bèn đề nghị ông Long tình nguyện vào Kontum dẹp loạn. Y hứa sẽ có cách trị được loại tên độc đó. Vào đến Kontum, y đã dùng một loại lá cây “đặc biệt” để chữa lành vết thương do tên độc bắn ra. Nhờ lập được công trạng nầy, Pháp cho ông Long lên chức Quản. Ở Kontum một thời gian, tình hình ổn định, ông Quản Long được trở về chỉ huy lính khố xanh ở Hà Tĩnh cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương thì ông trở về làng. Cuộc đời của tên ăn trộm kia sau nầy ra sao, không nghe ai nhắc đến.
Năm 1946, Hồ Chí Minh lập Chính phủ Liên hiệp để cầm chân Quốc Dân Đảng và quân đội Tưởng Giới Thạch ở Hà Nội, đồng thời theo hiệp ước được ký kết giữa Pháp và Tưởng Giới Thạch, thỏa thuận cho quân Pháp vào thay thế quân Tàu. Lợi dụng tình thế đó, Việt Minh ra lệnh ám sát, thủ tiêu, bắt cóc và đàn áp các đảng phái Quốc Gia đối lập với chúng. Cha tôi và một số đồng chí trong đó có ông Quản Long, đã bị bắt, và đã chết trong trại giam. Mấy ông Thầy dạy võ cũng ra đi…Từ đó, tôi không bao giờ gặp lại các vị đó nữa.
Đầu năm 1947, khi quân Pháp từ Đà Nẵng ra Huế và từ Lào tiến vào Quảng Trị, kháng chiến bùng nổ…Cụ Trần Văn Lý được Pháp mời đứng ra lập Hội Đồng Chấp Chánh Lâm Thời và Ông Nguyễn Ngọc Lễ, một sĩ quan trong quân đội Pháp trước 1945, được mời ra chỉ huy Quân Đội Quốc Gia (Việt Binh Đoàn) tại Huế. Lúc đó, Ông mang cấp bậc Thiếu Tá, đến thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông lên tới Trung Tướng. Thầy Mầu gia nhập quân đội và mang cấp bậc sĩ quan (cận vệ cho Ông Nguyễn Ngọc Lễ).
Tôi lớn lên trong cảnh loạn ly, cha mất sớm và phải xa mẹ để lên tỉnh học. Những bài quyền Thầy Mầu dạy cho tôi khi mới lên năm lên sáu, tôi chẳng còn nhớ được điều gì. Theo lời các Cụ, thì số tôi sẽ “phát về võ nghiệp” nhưng tôi lại say mê làm thơ, viết văn và nghiên cứu lịch sử…Tôi đã có bài đăng báo và đã từng gây sóng gió khi mới mười bảy, mười tám tuổi. Truyện ngắn “Ông Lão Thức Thời” đăng trên Nguyệt San Mầm Sống số 6 ở Huế (1957) chút nữa đã đưa tôi vào nhà tù vì “lý do chính trị”. Cũng từ đó, tên tuổi của tôi đã được nhiều người biết đến. Có một điều lạ, tuy tôi thích viết văn làm thơ nhưng tính không ưa tĩnh mà lại là người thích hoạt động, thích đi đây đi đó và có nhiều bạn bè…Tôi hiểu hai chữ “võ cách” trong Tử Vi là “tính cực động, ưa hoạt động” chứ chưa chắc đã là con nhà võ, theo võ nghiệp hay ở trong quân đội. Trong sự giao thiệp hằng ngày, những người gốc nhà binh hay con nhà võ (võ sĩ) đều có cảm tình với tôi…Tôi cũng thường có cái duyên gặp những vị võ sư danh tiếng…
5.Thầy Cụt ở Quảng Trị.
Do hoàn cảnh đặc biệt sau ngày 01-11-1963, tôi dấn thân vào con đường tranh đấu, tiếp tục sự nghiệp của cha, anh. Tôi thường đi hoạt động tại các tỉnh, đến tận nông thôn tiếp xúc với đồng bào…Một hôm, sau khi vừa tổ chức xong một cuộc mét-ting tại Quảng Trị, khi lên xe trở về Huế, tôi bỗng thấy một người có dị tướng đi theo sát bên mình. Tôi ngạc nhiên nhìn lại, thì người ấy cất tiếng chào:“Tôi được lệnh …đưa ông về…” Tôi nhận ra đó là Thầy Cụt, một võ sư danh tiếng tại Quảng Trị và miền Trung…Ông đã từng được Đức Giám Mục Lê Hữu Từ mời ra Phát Diệm huấn luyện võ thuật cho thanh niên thời 1949-1950. Ông bị cụt mất một bàn tay và có bà vợ người Bình Định cũng võ nghệ cao cường như ông. Sau 1945, ông về lập nghiệp tại làng Trí Bưu gần tỉnh lỵ Quảng Trị. Khoảng 1954, ông có thu nhận một số đệ tử, khắp miền Trung đều biết tiếng, nhất là qua các lần thi đấu trên võ đài.
6.Thầy Thuận ở Huế.
Mùa Hè 1964, tôi đề nghị với anh em mở một lớp huấn luyện võ thuật và đã mượn được một chỗ phía sau An Định Cung (An Cựu, Huế) để cho anh Thuận mỗi buổi chiều hoặc ngày nghỉ, đưa anh em đến đó tập võ Thiếu Lâm. Mỗi lần đến thăm anh em, tôi nhớ lại cảnh học võ tại quê nhà thời 1945-46, làm cho tôi vô cùng xúc động.
- Ông Trần Ngọc Lộ: Sư Tổ võ Thần Quyền ở Thừa Thiên (Huế).
Từ 1963 đến 1966, các phong trào tranh đấu có khuynh hướng đối lập với chính quyền càng ngày càng phát triển, nhất là tại Huế và các tỉnh miền Trung. Sau đó là các cuộc vận động bầu cử Quốc Hội Lập Hiến (9-1966), Tổng Thống và Thượng Nghị Viện (3-9-1967), Hạ Nghị Viện (23-10-1967)…đã làm cho tình hình chính trị càng ngày càng sôi động hẳn lên. Cũng trong thời gian nầy, ở Huế, xuất hiện môn phái võ “Thần Quyền” rất lạ lùng mà người Chưởng môn chính là người bạn của tôi: Sư Tổ Trần Ngọc Lộ, người huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Anh Trần Ngọc Lộ là bạn đồng chí và thường đi hoạt động chung với tôi tại các xã trong tỉnh Thừa Thiên hằng năm trời mà tôi không biết. Một hôm anh đưa tôi về thăm gia đình anh, tôi mới được chứng kiến tận mắt các môn sinh của anh đang tập luyện.
Người học võ Thần Quyền được Sư phụ thu nhận vào môn phái, được truyền thụ võ công bằng cách cho đọc câu thần chú và cho uống lá bùa đốt ra tro bỏ vào ly nước lạnh. Thời gian tập luyện từng đợt: 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày…Mỗi lần tập thì tập trung tư tưởng và đọc lời thần chú. Thần sẽ nhập vào và tay chân mình tự động múa theo sự diều khiển của thế giới vô hình. Có khi múa ra thế võ Thiếu Lâm, có khi các thế võ khác…của các vị Sư Tổ trong Thất Sơn Thần Quyền. Sư phụ chỉ thu nhận và ban cho mình câu thần chú và đọc bùa chú nhập vào cho mình, còn việc tập luyện là do lòng thành và sự kiên nhẫn của mình. Lúc đầu mới vào học thì mang đai màu trắng, sau đó là màu vàng, màu anh lục và màu tím…Khi đã luyện lâu ngày và thành công rồi thì chỉ nghĩ đến, không cần đọc thần chú cũng đánh ra thế võ được. Cùng môn phái đánh với nhau thì không bị thương tích, nhưng khác môn phái thì sẽ bị thương nặng. Nếu khi tập luyện mà bị thương tích thì chỉ cần đọc niệm chú và đốt lá bùa bỏ vào nước rồi lấy nước đó phun vào chỗ bị thương thì được lành.
Chuyện nghe kể thật lạ lùng, nhưng chính mắt tôi đã chứng kiến. Năm 1967, anh Trần Ngọc Lộ đưa nhóm đệ tử (trong đó có anh Việt) vào Sài Gòn truyền thụ cho anh em. Mỗi lần anh em tập, tôi đều đến chứng kiến. Anh Lộ có nhã ý cho tôi một lá bùa hộ mạng, nhưng tôi không nhận vì tôi đã tuyệt đối phó thác cho Thượng Đế, nên không cần phải dựa vào bất cứ một thế lực nào khác ngoài sự an bài của Ngài. Một người bạn, biết võ Thiếu Lâm khá, cùng đi với tôi đến xem, đã nhận xét rằng: những thế võ mà các môn sinh của anh Lộ đánh ra là những thế hiểm độc, có thể đánh chết người mặc dù những người đó mới lần đầu học võ. Đa số những người nầy do tôi giới thiệu, họ chưa từng học võ bao giờ. Có một lần, tôi mời mấy vị Linh Mục đến xem võ sinh môn phái Thần Quyền biểu diễn tại bãi biển Thuận An. Các vị đó rất ngạc nhiên vì các võ sinh mới mười hai, mười ba tuổi mà nhảy rất cao, thế đánh rất ngoạn mục…
Tết Mậu Thân (1968), anh chị Trần Ngọc Lộ bị Việt Cộng bắt và giết tại Huế để lại mấy người con côi cút thật đáng thương. Hiện nay, môn phái Thần Quyền vẫn còn ở Việt Nam và có người đã truyền bá tại hải ngoại.
8.Ngô Văn Thọ: môn phái Thiếu Lâm ở Mỹ Tho.
Sau ngày 30-4-1975, trong nhà tù Cộng Sản, tôi sống gần gũi với các sĩ quan Quân Lực VNCH, từ cấp úy đến cấp tướng. Đặc biệt trong các bạn tù, tôi đã kết nghĩa anh em với một võ sư, Chưởng môn phái Thiếu Lâm ở Mỹ Tho là anh Ngô Văn Thọ. Trước 1975, anh đã mở võ đường tại Mỹ Tho và đã thu nhận cả ngàn môn sinh. Sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, anh bị chúng bắt và đối xử dã man. Nhà cửa tài sản của anh bị chúng tịch thu, đem chia nhau; thân thể bị hành hạ, đánh đập đến thương tích, chết đi sống lại mấy lần. Anh bị giam tại trại Mỹ Phước Tây (Định Tường cũ, nay là Tiền Giang). Năm 1977, mấy ngàn tù chính trị tại miền Nam bị đưa ra Bắc trên chiếc tàu Sông Hương trong đó có anh. Tàu cập bến Hải Phòng và anh được đưa về trại Hà Tây. Chúng tôi đã sống chung với nhau mấy năm, ở chung buồng, chia xẻ với nhau từng miếng rau, bát cháo. Tuy xuất thân là con nhà võ, nhưng anh có tài ngâm thơ và thuộc rất nhiều thơ. Trong tù, một số anh em nghiên cứu chỉ tay, tử vi, tướng số,v.v. để giải trí cho qua ngày qua tháng và củng cố niềm hy vọng vào tương lai. Có lần tôi nói với anh: “Số của anh sau nầy sẽ theo nghiệp văn! Anh sẽ là văn sĩ, thi sĩ…” Anh em bạn tù nghe tôi nói vậy, ai cũng cười mỉa mai vì chỉ cần trông bề ngoài cũng đã thấy được anh là một võ sĩ rồi. Ngoài giấy tờ chứng nhận nghề nghiệp của anh cũng như bạn bè đồng hương, đồng xứ với anh biết rõ anh…Anh còn là một người có vóc dáng cao lớn, vạm vỡ ra dáng con nhà võ hơn con nhà văn. Anh được ra khỏi nhà tù trước tôi mấy năm và đã vượt biên qua Mỹ vào khoảng 1983,1984.
Năm 1994, tôi gặp lại anh tại Cali và được biết từ ngày qua Mỹ, anh đã làm thơ, viết văn, viết báo và đã xuất bản đến mấy tác phẩm rồi!
9.Võ sư Nguyễn Lâm, Chưởng môn Thiếu Lâm Kiến An.
Võ Thiếu Lâm xuất phát từ Thiếu Lâm Tự, một ngôi chùa được xây dựng từ năm 1495 (thời nhà Minh) tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Đến năm 1527 (thời Mạc Đăng Dung ở VN), Đạt Ma Sư Tổ từ Tây Tạng đến tu tại Thiếu Lâm Tự, khai sáng ra phái Thiền Tông và truyền thụ võ công (Thiếu Lâm Tự Quyền Pháp). Môn phái Thiếu Lâm đã truyền vào Việt Nam và đã được phát huy và bổ túc thêm dưới nhiều danh nghĩa khác nhau như võ Tây Sơn Bình Định…Thiếu Lâm Kiến An là môn võ gia truyền của họ Nguyễn ở đất Kiến An và Đồ Sơn.
Trên bước đường lưu lạc, năm 1945, ông Nguyễn Lâm đã gặp được cụ Thái Quan, người Sơn Đông (Trung Quốc) truyền thụ nội công tâm pháp và võ Thiếu Lâm Tự. Năm 1950 lại được thọ giáo với Sư Phụ Hồng Sắc Kim. Nếu tôi không lầm thì Đại Lão Sư Phụ Hồng Sắc Kim (nay đã 90 tuổi, hiện còn sống tại Pháp) mà ông Nguyễn Lâm đã nhắc tới trong sách của ông, chính là người đã cùng với Võ sư Hồng Sắc Sơn và cô gái đến biểu diễn võ thuật và xiếc tại làng tôi vào năm 1945-46 để bán thuốc quảng cáo!
Năm 1954, Võ sư Nguyễn Lâm di cư vào Nam và đã học thêm Nhu Đạo với Giáo sư Phạm Lợi và Hồ Cẩm Ngạc. Sau đó, ông lại được qua Mã Lai và Hoa Kỳ tu nghiệp. Năm 1972, về nước mở võ đường dạy môn sinh tại nhà riêng ở Sài Gòn (nay là Tổ Đường Thiếu Lâm Công Phu Kiến An Việt Nam ở Phú Nhuận, Sài Gòn). Hiện nay, Võ sư Nguyễn Lâm đang truyền bá võ Thiếu Lâm Kiến An tại hải ngoại…
Trong cuộc gặp gỡ và mạn đàm với Võ sư Chưởng môn Nguyễn Lâm, chúng tôi có đưa ra mấy nhận xét sau đây:
-Võ thuật là một bộ môn của văn hóa. Trong võ thuật, ngoài việc luyện tập thân thể còn có vấn đề tư duy, tư tưởng của con người. Võ thuật là nền văn minh của một dân tộc, không những nó giúp cho con người tự tin, tự cường, tự vệ trước sự áp bức của kẻ khác mà còn là sức mạnh bảo vệ dân tộc chống lại xâm lăng, giữ gìn độc lập.
-Các vị Võ sư Chưởng môn chân chính đều là những nhà trí thức, am tường sách vở, hiểu thấu văn chương nghệ thuật không phải là những người chỉ có sức khỏe hơn người mà thôi. Đọc sử sách để biết những người làm tướng, những nhà võ học lập ra các môn phái, không những trí thức mà còn là những nhà đạo đức, nhà tu hành nữa.
-Riêng đối với Võ sư Nguyễn Lâm, Chưởng môn võ Thiếu Lâm Kiến An Việt Nam, cũng là một người am hiểu văn chương, triết học. Ngay khi chưa thấy mặt nhau, chưa được mặt đối mặt trò chuyện, chỉ qua điện đàm, điện thoại mà thôi, tôi đã nhận ra điều đó rồi. Đọc sách của ông, tôi nhận thấy ông cũng là một người có bề sâu về mặt tư tưởng, có tài viết văn, biết cách trình bày mạch lạc rõ ràng những vấn đề xét ra rất khó để làm cho người đọc tiếp thu được điều mình hiểu, điều mình muốn nói.
Đọc sách chỉ là để hiểu qua một vấn đề, mấy ai chỉ nhờ đọc mà hiểu được, thực hành được như lời chỉ dẫn. Chắc chắn phải có thầy. Từ bước đầu thiếu thốn phương tiện, ông đã tạo được một môn phái có quy củ, có nề nếp, có chương trình huấn luyện, có võ sư hướng dẫn. Uy tín của ông hiện nay đang lớn mạnh và qua sách, báo, nhiều người đã biết đến ông. Học võ cũng là một cách để bảo tồn nền văn hóa của giống nòi. Chúng tôi ước mong thanh niên Việt Nam ở hải ngoại, không những chỉ lo học chữ, học nghề để tạo một cuộc sống ổn định về mặt vật chất mà cũng cần học võ, biết đến võ thuật như là một nhu cầu cho đời sống, bảo vệ sức khỏe và bảo vệ nền văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Trong chiều hướng đó, chúng tôi xin giới thiệu Võ sư Nguyễn Lâm, Chưởng môn Thiếu Lâm Kiến An Việt Nam với quý vị và cũng xin có lời chúc mừng ông đã thành công bước đầu trên xứ người.
Nguyễn Lý-Tưởng.