Nó có thể bắt đầu một cách bất ngờ (It could start suddenly).
Một cuộc chiến có thể nổ ra bất kỳ lúc nào ở Biển Đông (Biển Đông) và có thể định hình lại châu Á nói riêng và thế giới nói chung, trong tình hình cả Mỹ lẫn Trung Cộng đều đang chuẩn bị cho kịch bản này.
Tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng đối với Biển Đông là phi pháp, nhưng các lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Bắc Kinh vẫn không ngừng khuyến khích các lực lượng của mình tấn công tàu hải quân Mỹ hoạt động hợp pháp tại vùng biển này.
Có vẻ như Trung Cộng đang kích động chiến tranh – một cuộc chiến mà rất có thể sẽ khiến nước này phải gánh chịu hậu quả. Thế nhưng, cuộc chiến đó sẽ không chỉ giới hạn ở vùng biển này mà cuối cùng có thể kết thúc bằng sự thay đổi chế độ ở Bắc Kinh.Một sĩ quan của Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng (PLA) gần đây đã hô hào tàu hải quân PLA đâm chìm các tàu Hải quân Mỹ đang thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Một sĩ quan khác thì kêu gọi đánh chìm hai tàu Hàng Không Mẫu Hạm của Mỹ và tiêu diệt 10,000 lính Hải quân Mỹ để buộc nước này phải rời khỏi vùng biển tranh chấp này.
Tại một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh do tờ Hoàn câu Thời Báo tài trợ ngày 8/12/2018, Đại Tá Không quân PLA Đới Húc, Viện trưởng Viện nghiên cứu an ninh và hợp tác hàng hải Trung Cộng, tuyên bố: “Nếu tàu Mỹ còn tiếp tục xâm phạm lãnh hải của Trung Cộng, đề nghị điều hai tàu chiến: Một để ngăn chặn và một để đâm chìm”.
Một sĩ quan cao cấp của Hải quân PLA sau đó đã kêu gọi đánh chìm hai Hàng Không Mẫu Hạm của Hải quân Mỹ để dọa cho Mỹ phải sợ mà rời khỏi Biển Đông. Trong một bài phát biểu ngày 20/12/2018, Chuẩn đô đốc La Viện, Phó Viện trưởng Viện khoa học quân sự Trung Cộng, khẳng định yếu tố then chốt để Trung Cộng kiểm soát tình hình tại Biển Đông là sử dụng hỏa tiễn hành trình đánh chìm hai Hàng Không Mẫu Hạm, tiêu diệt càng nhiều lình Hải Quân Mỹ càng tốt. Trong lời hô hào tiêu diệt 10,000 lính Mỹ, ông tuyên bố: “Điều khiến Mỹ lo sợ nhất là bị thương vong. Chúng ta sẽ thấy Mỹ sợ hãi như thế nào”.
Có thể có những ý kiến bao che rằng thái độ hiếu chiến như vậy của các sĩ quan PLA cao cấp không phản ánh chủ trương chính thức của Trung Cộng hoặc đơn giản đây chỉ là một cuộc chiến tranh tuyên truyền, nhưng những lời biện hộ như vậy là không thỏa đáng. Không một ai trong số các sĩ quan cao cấp nói trên bị Trung Cộng công khai chỉ trích vì kích động chiến tranh, và Hải quân Trung Cộng vẫn có những hành động ngày càng nguy hiểm trên khắp vùng Biển Đông.
Ngày 30/9/2018, tàu khu trục Lan Châu của Hải Quân Trung Cộng chỉ còn cách tàu USS Decatur khoảng 40 m khi cắt ngang mũi tàu chiến Mỹ tại khu vực gần Đá Gaven ở Biển Đông. Thuyền trưởng tàu Decatur buộc phải đánh lái đột ngột để tránh hành động khiêu khích của tàu Lan Châu. Hải Quân Mỹ cho rằng hành động có toan tính của tàu Lan Châu nói theo ngôn ngữ ngoại giao là không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, còn nói thẳng ra thì là hành động khiêu khích có ý mưu sát.
Hải quân Trung Cộng, cùng với Lực lượng cảnh sát biển và các lực lượng dân quân biển cũng đã đe dọa và đánh chìm tàu Việt Nam, truy đuổi tàu hải quân và tàu đánh cá của Philippines ra khỏi vùng biển này.
Đài Loan cũng có một vai trò quan trọng trong tính toan của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tập Cận Bình đã ra lệnh cho PLA sẵn sàng đánh chiếm Đài Loan vào năm 2020. Với việc kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông, Trung Cộng sẽ mở thêm một hướng tấn công khác cho lực lượng đánh chiếm Đài Loan của họ qua eo biển Ba Sĩ.
Tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng đối với Biển Đông đương nhiên là không có giá trị. Ngày 12/07/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Hay đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Cộng đối với Biển Đông thông qua “đường 9 đoạn” là phi pháp. Tuy nhiên, nếu xét tới tham vọng theo đuổi cuộc phục hưng vĩ đại của Tập Cận Bình chủ trương thì có thể thấy quyền kiểm soát vùng biển trọng yếu giàu tài nguyên và có giá trị chiến lược toàn cầu này rõ ràng là mục tiêu đáng để Trung Cộng gây chiến, một cuộc chiến toàn cầu.
Đại họa với những hậu quả không lường
Theo cựu Trung tướng Thủy quân lục chiến Mỹ Wallace C. Gregson, Chiến tranh thế giới thứ nhất là câu chuyện cảnh giác về một sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại dẫn đến thảm họa toàn cầu.
Gregson cho biết: “Năm 1914, khi mà chiến tranh được xem là điều phi lý và khó xảy ra, một công nhân lang bạt đã ám sát Đại công tước Ferdinand và vợ ông ta. Hành động bạo lực này đã thổi bùng một cuộc chiến tranh không ai ngờ tới với mức độ khốc liệt chưa từng thấy”. Hơn 8 triệu binh lính đã thiệt mạng khi tham gia cuộc chiến, và có lẽ khoảng 13 triệu dân thường đã thiệt mạng do hậu quả của cuộc xung đột.
Bốn đế quốc lớn chịu trách nhiệm gây ra cuộc đại chiến – Nga, Áo-Hung, Đức và Ottoman – đều sụp đổ. Gregson nhận định: “Hiện nay, Biển Đông là khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới. Những tuyên bố thù địch và hành động khiêu khích tạo thành mồi lửa khô, chỉ còn chờ tia lửa là bùng lên thành thảm họa”.
Vậy thì bằng cách nào Trung Cộng có thể tạo ra “tia lửa” ở Biển Đông để làm bùng lên một thảm họa với những hậu quả khôn lường – một cuộc chiến tranh thế giới mới?
Nhìn lại năm 2019: Môi trường chính trị bất ổn
Trong suốt năm 2019, Tập Cận Bình tiếp tục theo đuổi giấc mộng về “cuộc phục hưng vĩ đại” để thống nhất những vùng mà Bắc Kinh xem là thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình. Công cụ của ông bao gồm cuộc chiến chính trị hung hăng và lực lượng quân sự ngày càng mạnh mẽ và tự tin thái quá!
Bất chấp lời cam kết của Tập Cận Bình năm 2014 về việc không quân sự hóa các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, Trung Cộng vẫn xây dựng các căn cứ không quân và công trình phòng thủ tại đó và triển khai tàu chiến đến những căn cứ hải quân mới ở đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi. Tại Biển Đông, lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và dân quân biển Trung Cộng đã quấy nhiễu tàu đánh cá và tàu quân sự của các nước khác.
Tuy nhiên, các nước trên thế giới bắt đầu từng bước chống lại sự hung hăng quá mức của Trung Cộng tại Biển Đông.
Khi Hải quân Anh và Hải quân Mỹ tổ chức tập trận chung tại Biển Đông đầu năm 2019, Bắc Kinh đã được thông báo trước. Cuộc diễn tập Mỹ – Anh diễn ra ngay sau hoạt động tự do hàng hải đầu tiên của Hải quân Anh vào tháng 8/2019, gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Anh cam kết tái can dự vào khu vực để đối chọi với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Cộng và hoạt động quân sự hóa của nước này tại Biển Đông.
Đương nhiên là Trung Cộng chỉ trích gay gắt những hành động của Anh. Nhưng có lẽ điều khiến giới cầm quyền Bắc Kinh bực bội hơn nữa là mối lo ngại ngày càng lớn của Liên Minh Châu Âu (EU) và Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước những hành động hung hăng, bất hợp pháp của Trung Cộng tại Biển Đông và những hành động cưỡng ép thể hiện sự tha hóa xâm lược của nước này trên toàn cầu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thường bày tỏ mối lo ngại của NATO về tình hình tại Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như tái khẳng định việc NATO phản đối những hành động hăm dọa đơn phương mà có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng. Quyết tâm chính trị này được phản ánh trong cam kết mới của NATO về việc tăng chi tiêu quốc phòng và hiện đại hóa khả năng.
Điều cũng quan trọng không kém đối với vấn đề Biển Đông là cam kết của NATO về việc thúc đẩy sự ổn định ở nước ngoài thông qua các lực lượng viễn chinh có khả năng khai triển nhanh. Mặc dù vậy, Bắc Kinh tỏ ra xem nhẹ những quan ngại của NATO, cũng như khả năng đã được chứng minh của liên minh này trong việc tiến hành các hoạt động tác chiến lâu dài ở những vị trí xa xôi như Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố 11/9 vào nước Mỹ.
Các quan chức cao cấp của EU cũng bày tỏ sự lo lắng về hành động phi pháp của Trung Cộng tại Biển Đông. Chủ nghĩa bành trướng của Trung Cộng được xem là mối đe dọa trực tiếp đối với EU, trong tình hình EU đang tập trung vào việc tăng cường an ninh và hội nhập quốc phòng. EU đã tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, cũng như thống nhất chính sách và năng lực phòng thủ với Quỹ Phòng Thủ Châu Âu và Thỏa Thuận Hợp Tác Cấu Trúc Thường Trực Về Quốc Phòng (PESCO), bằng cách phát triển các lực lượng khai triển nhanh, và xây dựng Sáng kiến can thiệp châu Âu do nước Pháp thúc đẩy.
Để nêu bật mối lo ngại ngày càng lớn trước sự bành trướng của Trung Cộng, tháng 3/2019, Pháp đã điều động Hàng Không Mẫu Hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử Charles de Gaulle cùng một đội tác chiến gồm ba tàu khu trục, một tàu ngầm và một đội tàu tiếp tế đến khu vực Biển Đông.
Lúc này, Trung Cộng phải đối mặt với một mặt trận thống nhất đang được hình thành gồm những quốc gia quyết tâm duy trì quyền tự do hàng hải tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Trong tình hình với thái độ hung hăng trên biển và cuộc chiến chính trị của Trung Cộng với các quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực ngày càng gia tăng, các nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Philippines trước thời Duterte đã chính thức đề nghị Mỹ hỗ trợ theo Hiệp ước phòng thủ chung. Năm 1994 và một lần nữa vào năm 2012, các nhà lãnh đạo của Philippines đã sững sốt khi không được Chính phủ Mỹ ủng hộ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Cộng. Tuy nhiên, việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hôm 1/3/2019 rằng bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng, máy bay hoặc tàu thuyền của Chính phủ Philippines ở Biển Đông đều kích hoạt các cam kết theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung, chứng tỏ rằng một thế hệ quan chức an ninh quốc gia mới của Mỹ đã rút được kinh nghiệm từ những sai lầm trong mối quan hệ đồng minh trước đây. Quân đội Mỹ đã nhanh chóng tăng cường sự hiện diện của họ tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trong một hành động tăng cường liên minh khác, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và Lực Lượng Phòng Vệ Trên Biển Nhật Bản tại Biển Đông đã mở rộng các hoạt động có sự phối hợp của Hàng Không Mẫu Hạm, tàu chiến trên mặt nước và tàu ngầm. Hành động này phát đi một thông điệp rõ ràng với Bắc Kinh rằng Biển Đông vẫn là vùng biển chung chứ không phải cái “ao nhà” của Trung Cộng và Biển Đông sẽ không phải nơi ẩn náu an toàn cho lực lượng tàu ngầm có trang bị hỏa tiễn đạn đạo của nước này. Kịch bản thể hiện tinh thần đoàn kết này là sự khích lệ đáng kể chưa từng có đối với nhiều nước trước những hoạt động bành trướng của Trung Cộng.
Trong khi đó, Australia kêu gọi một giải pháp hòa bình cho tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng, những tuyên bố nước Úc sẽ không để Trung Cộng thống trị Biển Đông. Máy bay do thám hàng hải P-8A Poseidon của Không quân Australia đã bắt đầu các chuyến bay hàng ngày trên Biển Đông như một phần của chiến dịch tuần tra hàng hải Operation Gateway. Quan trọng không kém, Australia cũng đã bắt đầu công khai những hình ảnh về các hoạt động bành trướng trên biển của Trung Cộng tại khu vực này.
Ngày càng lo lắng trước sự bành trướng của Trung Cộng ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng đã tăng cường, dẫu có phần muộn màng, việc hợp tác với các thành viên khác của nhóm Bộ Tứ là Úc, Nhật Bản và Mỹ. Bốn nước này đã bắt đầu lên kế hoạch về việc phối hợp các hoạt động răn đe ở Biển Đông.
Năm 2020: Những dấu hiệu, cảnh cáo và chiến tranh
Trung Cộng đã để lộ các báo cáo cho rằng Tập Cận Bình ra lệnh cho PLA dùng vũ lực để giành lại Đài Loan vào năm 2020. Bước sang năm 2020, Tập Cận Bình đã để mắt tới Biển Đông và coi đó là mục tiêu cũng có thể đạt được trong năm nay. Hai mục tiêu đan xen mật thiết với nhau. Trong đó, Biển Đông là mục tiêu cần đạt trước.
Ngày 21/1/2020, Tập Cận Bình ra lệnh triển khai 5 tàu nạo vét xây đảo cỡ lớn từ đảo Hải Nam, cùng với các tàu và trang thiết bị phụ trợ liên quan đến giai đoạn đầu của việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Đích đến của những con tàu này là bãi cạn Scarborough, cách Luzon, hòn đảo mà Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng lại bị Trung Cộng cưỡng chiếm bất hợp pháp vào năm 2012, 124 dặm (gần 200 km). Cơ quan tình báo của Mỹ và các nước khác đã nhanh chóng phát hiện ra hoạt động này.
Một hòn đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough sẽ mang đến cho Trung Cộng một căn cứ không quân và hải quân mà có thể ngăn chặn các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ xâm nhập Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ. Nó cũng mở đường cho cuộc tấn công của Trung Cộng vào Đài Loan từ phía Nam.
Đáp lại, Mỹ và Philippines đã đồng ý tăng cường sự hiện diện quân sự quanh bãi cạn Scarborough. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đã chỉ đạo các hoạt động chuẩn bị bao gồm cả việc điều các lực lượng thuộc Hạm đội 7 của Mỹ “hạ trại” cách bãi cạn này 12 hải lý muộn nhất vào ngày 24/1.
Trong khi đó, Trung Cộng cho dàn hàng trăm tàu đánh cá, tàu hải cảnh và tàu dân quân biển khắp vùng Biển Đông, như trong chiến dịch dàn tàu để ngăn cản những hoạt động xây dựng của Philippines tại quần đảo Trường Sa năm 2018. Trung Cộng hy vọng có thể hăm dọa và đánh lạc hướng lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu tại Biển Đông, và kéo lực lượng này ra khỏi bãi cạn. Trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự, các tàu không trực tiếp chiến đấu sẽ làm nhiệm vụ đánh lạc hướng và gây lúng túng cho các nhà chỉ huy liên quân, đồng thời liên tục cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hỏa lực cho PLA.
Ngày 26/1, Trung Cộng tuyên bố thiết lập Vùng Nhận Dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm 1 Hàng Không Mẫu Hạm, 15 tàu chiến trên mặt nước và 10 tàu ngầm từ đảo Hải Nam tiến về phía Nam. Đồng thời, Không quân PLA đã điều động máy bay chiến đấu tới đảo Hải Nam và các căn cứ dọc bờ biển Đông Nam của Trung Cộng, bao gồm các phi đội Su-27 Flankers và FB-7 Flounders có khả năng thực hiện các cuộc tấn công trên biển. Lực lượng hỏa tiễn của PLA được bố trí ở Đông Nam Trung Cộng, đối diện với Đài Loan, cũng được đặt trong tình trạng báo động cao và được tăng cường nhiều trung đoàn với các loại hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
Theo đề nghị của Trung Cộng, lực lượng không quân và hải quân Nga tại khu quân sự Viễn Đông cũng được đặt trong tình trạng báo động cao. Trung Cộng và Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung ngày càng tinh vi trong gần một thập niên qua. Trung Cộng kỳ vọng khả năng can dự quân sự của Nga sẽ giúp ngăn ngừa Mỹ tham chiến tại Biển Đông. Mặc dù Nga đã gián tiếp thông tin cho Mỹ rằng nước này sẽ không can dự vào cuộc chiến tại Biển Đông, nhưng Mỹ và Nhật vẫn bắt tay vào việc xây dựng các phương án đối phó.
Trên phạm vi toàn cầu, Bắc Kinh đã dàn dựng các cuộc biểu tình hòa bình quy mô lớn thông qua các tổ chức thuộc Mặt Trận Thống Nhất của họ tại những thành phố lớn. Đồng thời, nước này cũng tăng cường các cuộc tấn công trên mạng Internet và bắt đầu các hoạt động phá hoại tại những thù địch nhằm làm gián đoạn các hoạt động quân sự và tiến trình ra quyết định cấp quốc gia.
Tuy nhiên, các chiến dịch ép buộc, răn đe và cuộc chiến chính trị của Bắc Kinh đều đã thất bại. Sau khi từ bỏ chính sách nhượng bộ kéo dài gần 4 thập niên đối với Trung Cộng, Mỹ đã chuẩn bị cho tình huống đối đầu quân sự.
Cùng với lực lượng không quân và hải quân của Nhật Bản, các lực lượng Mỹ đóng tại Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Các máy bay chiến đấu bổ sung được điều động tới khu vực này, và các tàu chiến được điều động tới quần đảo Ryukyu ở phía Nam. Các lực lượng lục quân bổ sung của Nhật Bản được điều động tới khu vực Nansei Shoto và được trang bị hỏa tiễn chống hạm. Ý thức được việc các hoạt động thù địch tại Biển Đông có thể đe dọa nghiêm trọng tới Đài Loan, Đài Bắc cũng đặt các lực lượng quân sự của mình vào tình trạng báo động cao nhất và bắt đầu các bước chuẩn bị cho phòng thủ dân sự.
Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan, tàu xung kích của Hải quân Mỹ, cùng một đội tàu tác chiến đã khởi hành về phía Đông đảo Okinawa, và đội tác chiến Hàng Không Mẫu Hạm thứ hai đã khởi hành từ San Diego. Hai phi đội máy bay tiêm kích tàng hình F-22 được tăng cường tới Thái Bình Dương, một phi đội tới căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa và phi đội còn lại tới Guam. Trong khi đó, hai máy bay dội bom tàng hình B-2 được điều động tới đảo Guam.
Thủy Quân Lục Chiến Mỹ nhanh chóng thiết lập một loạt tiền đồn và đổ bộ lên các đảo nhỏ rải khắp khu vực. Được trang bị hỏa tiễn phòng không và hỏa tiễn chống hạm tầm xa, Thủy Quân Lục Chiến có thể góp phần quan trọng vào chiến lược “chống xâm nhập/ngăn chặn tiếp cận” của liên quân tại Biển Đông. Các lực lượng vũ trang với khả năng tác chiến tương tự cũng bắt đầu được triển khai từ cá căn cứ của Mỹ tới Nhật Bản.
Ngày 28/1/2019, Bắc Kinh tuyên bố tất cả các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ven bờ biển nước này đều là những khu vực cấm đối với lực lượng quân sự nước ngoài và toàn bộ vùng biển bên trong cái mà Trung Cộng gọi là “đường 9 đoạn” thuộc lãnh hải của Trung Cộng. Bắc Kinh kiên quyết không cho phép bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền không được nước nào công nhận này.
Ngày 29/1/2019, Trung Cộng tái dựng sự kiện giữa tàu Lan Châu và tàu USS Decatur ngày 30/8/2018, Bắc Kinh hoàn toàn chắc chắn về hệ quả của nó: Sẽ có nổ súng, và thương vong.
Tập Cận Bình và đội ngũ thân tín của ông tin rằng Mỹ sẽ xuống thang giống như lần trước. Nếu không thì giới lãnh đạo Trung Cộng cũng tin rằng lực lượng của họ sẽ đánh bại liên quân do Mỹ đứng đầu trong trường hợp xảy ra giao tranh.
Dường như không ai trong Bộ Chính Trị bị ám ảnh bởi hồn ma của 22 triệu người chết trong cuộc đại chiến, hoặc những hình ảnh về sự sụp đổ và tiêu vong của các đế quốc Áo-Hung, Nga, Đức và Ottoman.
Giống như vụ ám sát đã thổi bùng ngọn lửa Chiến tranh thế giới thứ nhất, vụ việc châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ở Biển Đông cũng đơn giản nhưng nghiêm trọng.
Một tàu đánh cá treo cờ Trung Cộng, được tàu hải cảnh Trung Cộng hộ tống, đã tiến thẳng về phía tàu USS Chancellorsville, một tàu tuần dương được trang bị hỏa tiễn dẫn đường thuộc Hạm đội 7 của Mỹ. Mặc dù tàu Chancellorsville đã cảnh báo qua loa phát thanh về nguy cơ va chạm, nhưng hai con tàu Trung Cộng vẫn lao thẳng về phía tàu Mỹ. Sau khi cố gắng tránh né hai con tàu đang lao về phía mình và sử dụng mọi biện pháp hòa bình, tàu Chancellorsville đã bắn 4 phát cảnh báo từ khẩu pháo cỡ nòng 5 inch (127 mm) đặt phía trước tàu.
Chỉ trong vài phút, tàu khu trục Lan Châu (DDG-170) được trang bị hỏa tiễn dẫn đường của Hải quân Trung Cộng vốn đang hoạt động cách đó khoảng 100 hải lý, đã bắn một loạt 4 hỏa tiễn hành trình chống hạm tầm xa YJ-62. Vậy là Trung Cộng đã bắt đầu cuộc chiến tranh giành Biển Đông.
NATO lập tức thực hiện “Điều 5” của Hiệp Ước Washington và tiến hành các hoạt động quân sự, bao gồm cả việc nhanh chóng điều động tàu chiến tới Biển Đông và biển Hoa Đông để hỗ trợ các đồng minh dân chủ truyền thống của họ tại đó. EU cũng nhanh chóng can dự, bằng việc khởi động các cuộc tham vấn để kích hoạt Hiệp Ước về Liên Minh châu Âu (EU), với lý do phòng thủ trước nguy cơ hành động gây hấn của Trung Cộng ảnh hưởng tới các vùng lãnh thổ của Pháp ở châu Á – Thái Bình Dương. Trên phạm vi ngoại giao toàn cầu, các nước trước kia vẫn hy vọng sẽ không bao giờ phải chọn phe trong một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Cộng nhận ra rằng cuối cùng cũng đã đến lúc phải đứng về một bên.
Vậy là Trung Cộng đã thực sự bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.
—————————–
Tác giả: Kerry K. Gershaneck & James E. Fanell
Giáo sư Kerry K. Gershaneck là một học giả thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Bắc, Đài Loan. Là cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, trước đây ông là Giáo sư thỉnh giảng nổi tiếng tại Học viện Quân Sự Hoàng Gia Thái Lan, đồng thời là Chuyên viên Nghiên cứu Cao cấp với CPG tại Đại học Thammasat (Bangkok) và là Chuyên viên cao cấp của Diễn Đàn Thái Bình Dương CSIS. (Từ The National Interest).
Thuyền trưởng James E. Fanell, Hải quân Hoa Kỳ (Ret.) Hiện là Uỷ viên Chính phủ tại Trung tâm Chính Sách An Ninh Genève, Thụy Sĩ. Ông từng là một Sĩ Quan Tình Báo Hải quân sự nghiệp với các vị trí bao gồm Trưởng Phòng Tình báo Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, là sĩ quan tình báo cao cấp về Trung Cộng tại Văn phòng Tình báo Hải quân.
https://nationalinterest.org/blog/buzz/war-south-china-sea-would-reshape-asia-and-world-127557