Sách Lĩnh Nam Chích Quái, khi viết về mối tình và cuộc hôn nhân Lạc Long Quân – Âu Cơ, có đoạn:
“Long Quân nói (với Âu Cơ): “Ta là nòi rồng, đứng đầu thuỷ tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng dòng giống khác nhau, thuỷ hoả tương khắc, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia tay. Ta đem năm mươi trai về thuỷ phủ chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trăm con vâng lời, sau đó từ biệt mà đi.”
Vì đoạn văn này mà có người nói rằng: “Hoá ra người Việt là dân tộc biết ly dị đầu tiên trên thế giới.” Dĩ nhiên đó là lời nói đùa. Tuy nhiên, ta phải giải thích thế nào về cuộc chia tay này?
Cách giải thích của tôi như sau. Đương nhiên đây cũng chỉ là một cách giải thích.
Đó là mật ngôn của tiền nhân. Gọi là mật ngôn vì đây là một lời căn dặn bí mật, đánh lạc hướng ngoại nhân, còn con cháu phải cố gắng tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của lời căn dặn.
Cuộc chia tay này không phải là chia cách, chia gia tài, chia con mà là chia trách nhiệm để chống ngoại xâm, giữ cho đất nước được vẹn toàn. Năm mươi con theo mẹ lên núi là để bảo vệ biên giới đất liền ở phương Bắc. Năm mươi con theo cha xuống biển là để bảo vệ biển, đảo của dân tộc. Đất là đất của mình. Nước (biển, đảo) cũng là Nước của mình. Đất và Nước hợp lại làm một, làm thành Đất Nước của mình. Đất Nước! Đây là tiếng đặc biệt của người Việt, dùng để gọi country/quốc gia của mình mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới gọi như thế. Mà Nước quan trọng lắm. Ở một khía cạnh nào đó, có khi Nước còn quan trọng hơn Đất. Gọi cho đầy đủ thì là Đất Nước Việt Nam, nhưng gọi tắt thì là Nước Việt Nam chứ không là Đất Việt Nam.
Đấng khai sinh Việt tộc đã dặn dò như thế, con cháu muôn đời phải tuân theo.
Bởi vậy, bằng bất cứ giá nào, kể cả bằng mạng sống, người Việt yêu nước phải quyết tâm giữ biển, đảo của mình. Cuộc hải chiến Hoàng Sa của những chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, chống lại Trung Cộng xâm lược là một bằng chứng hùng hồn.
Cũng vì thế, bất cứ ai dùng lời nói, thư từ, tài liệu, văn kiện… để thoả hiệp với giặc, chấp nhận đất, biển, đảo của mình thuộc về giặc là đắc tội với dân tộc và nhất là có trọng tội với đấng khai sinh Việt tộc.
Trở lại truyền thuyết về cuộc chia tay Lạc Long Quân – Âu Cơ, có lẽ đấng khai sinh Việt tộc còn muốn căn dặn con cháu rằng cần phải hy sinh tình Nhà để cứu lấy Nước. Để cứu Nước, người ta phải sẵn sàng hy sinh hạnh phúc đầm ấm của gia đình.
Khi còn tại thế, có một lần triết gia Kim Định than thở rằng: “Người Việt có hai cái vai, một vai Nhà và một vai Nước. Thế mà vai Nhà thì nặng mà vai Nước thì nhẹ tênh.” Lời than thở này cũng là một lời cảnh giác mà chúng ta phải đặc biệt lưu tâm.
(Tóm tắt nội dung bài phát biểu trong buổi giới thiệu tác phẩm “HOÀNG SA TRƯỜNG SA,
CHỦ QUYỀN LỊCH SỬ CỦA VIỆT NAM TỪ THỜI CỔ ĐẠI” của nhà biên khảo Phạm Trần Anh, nhân buổi tưởng niệm cuộc Hải Chiến Hoàng Sa 1974.)
Hình: Nguyễn Tâm An
* Ý nghĩa của chữ kép Đất Nước, một phần nào tham khảo suy tư của triết gia Kim Định.