Các bạn thân mến,
Gần đây có một số bạn hỏi tôi về tựa đề “TÔI PHẢI SỐNG “của cuốn Bút Ký. Tại sao tôi dùng tựa đề đó?
Có lẽ một các bạn đó vì không theo dõi toàn bộ, hoặc không liên tục cuốn Bút Ký nên không hiểu. Hôm nay tôi xin post lên câu trả lời chung cho các bạn . Câu trả lời này là Chương 13 của Bút Ký.
Đoạn trả lời này khá dài. Tôi định chia ra 2 phần và sẽ tuần tự post lên, nhưng sợ là sẽ mất tính liên tục của câu chuyện. Vậy xin các bạn kiên nhẫn theo dõi nhé. ( Nếu bạn nào không muốn nghe và không muốn biết những cảnh ghê rợn, hãi hùng, ác độc…xin đừng theo dõi)
Cũng có vài bạn hỏi vài điều về nhân vật Bùi Đình Thi. Tôi sẽ trả lời sau.
Auckland, New Zealand
Ngày 7 tháng 5, 2023
Lm NHL
***
CHƯƠNG 13
“TÔI PHẢI SỐNG!” “TÔI PHẢI SỐNG!” “TÔI PHẢI SỐNG!”
Người chết đã yên phận, mặc dù chết thật đau đớn và đầy oan nghiệt, nhưng hai anh Ðặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn cũng đã thoát khỏi địa ngục trần gian trại tù Thanh Cẩm. Riêng phần chúng tôi, ba anh em còn sót lại trong vụ vượt ngục trong đêm 1 tháng 5 năm 1979 đó, vẫn phải tiếp tục đền tội sống trong nhà kỷ luật suốt mấy năm trời.
Nhà kỷ luật trong trại tù Thanh Cẩm tự nó đã là địa ngục, khi có thêm trật tự Bùi Ðình Thi vào, nó xuống sâu hơn mọi tầng của địa ngục và đã trở thành đáy địa ngục! Nhưng ngay trong ‘đáy địa ngục’ con người cũng có phần có số. Các anh Trịnh Tiếu và Nguyễn Sỹ Thuyên may mắn hơn một chút vì không bị Bùi Đình Thi chiếu cố nhiều. Phần tôi không được cái may mắn đó. Cha Nguyễn Công Ðịnh, vì không tham gia cuộc vượt ngục nên không bị đánh đập, nhưng cũng bị cùm trong nhà kỷ luật. Vì lý do đó, cha Ðịnh rất oán hận chúng tôi và sau này khi bốn người bị nhốt chung một buồng, đã có nhiều chuyện rất đau lòng xẩy ra giữa cha Ðịnh và ba anh em chúng tôi.
Nhà Vẽ Kiểu Thời Trang!
Trong tuần lễ đầu, sau khi anh Ðặng Văn Tiếp bị Bùi Đình Thi giết chết rồi, còn tôi bị đánh đập tả tơi bầm giập, sau đó bị cùm chân cả ngày lẫn đêm cùng với anh Nguyễn Sỹ Thuyên trong buồng 4 của nhà kỷ luật mới xây.
Thời gian đầu, cả hai chưa ai trở người được nên phải đại tiểu tiện và ói mửa ngay trên bệ nằm bằng xi-măng, sau đó dùng tay gạt phân xuống sàn và xé quần áo ra lau chùi. Tuy trong buồng có các ống bẩu dùng cho việc đại tiểu tiện nhưng làm sao chúng tôi sử dụng được khi trở người còn chưa nổi và chân đang bị mang cùm? ( Ống bẩu là ống tre to, được cắt ra từng lóng )
Càng ngày đống phân trong buồng càng cao và bộ quần áo duy nhất của chúng tôi càng nhỏ lại. Tuy sống trong hoàn cảnh như vậy, nhưng tôi không hề cảm thấy hôi thối, nhưng mỗi lần cán bộ đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, tôi thấy họ phải đứng lùi ra xa và lấy tay bịt mũi lại. Tôi đang lo ngại, không biết lấy gì che thân vì áo quần đã xé gần hết, mà kêu xin nhiều lần cán bộ nhất định không cho, thì không ngờ anh Thuyên có giải pháp hay.
Sau khi đã ngồi lên được, anh Thuyên ngồi tẩn mẩn xé mảnh vải dài chừng ba gang tay, rộng một gang và bốn góc cột dây vải khoảng hai gang. Nhìn thoáng qua trông như bộ Bikini của các bà các cô mặc khi tắm biển. Tôi không biết các bà các cô khi mặc Bikini trước khi ra bãi biển hay xuống hồ bơi thì phải làm những động tác gì, có rắc rối lắm không! Riêng bộ “Bikini” tân tiến này của tôi, khi mặc vào rất đơn giản, chỉ việc cột hai dây phía trước ra sau lưng và hai dây sau lưng lòn bên dưới kéo lên cột ra trước rốn là xong!
Kiểu “thời trang” này tuy trông có vẻ sexy và lạ đời, nhưng rất gọn nhẹ, tiện dụng và đa năng. Khi cần thiết, chúng tôi chỉ cần tháo hai gút dây trước bụng và sau lưng là có ngay một cái khăn mặt để dùng. Thật tôi không ngờ, anh Thuyên là một giáo sư toán mà lại có khả năng bén nhạy của một nhà vẽ kiểu thời trang! Lúc bấy giờ không còn loại y phục nào phù hợp hơn cái “mốt” anh Thuyên đã sáng chế cho anh và tôi. Nhưng rất tiếc là mỗi người chỉ có một “Bikini” duy nhất vì không còn vải để làm cái thứ hai.
Trong mấy tuần lễ đầu bị cùm chân nhà kỷ luật, tài sản của tôi chẳng có một thứ gì ngoài ra cái bát nhựa để đựng thức ăn, cái lon Guigoz đựng nước uống. Hai món này do Trật Tự Bùi Đình Thi vất vào cho. Ngoài ra tôi còn cái “Bikini” và một mớ giẻ rách được xé ra từ bộ quần áo duy nhất để lau chùi sau khi đại tiện. Số giẻ rách này chúng tôi vất rải rác dưới sàn nhà, chờ khi được cho xuống sông Mã tắm sẽ mang đi giặt, mang về cột lại thành chùm, máng lên cánh cửa sổ buồng giam phơi khô và dùng lại. Nếu liệt kê mớ giẽ rách này vào “tài sản” của tôi thì cũng được, vì đó là những gì rất quý báu cho tôi lúc bấy giờ.
Món Quà Đầu Tiên
Một buổi sáng trong tuần lễ thứ ba sau ngày vượt ngục, chúng tôi được tháo cùm lần đầu tiên và cho xuống sông Mã tắm giặt.Tất cả khoảng hơn 20 tù nhân kỷ luật, trong số đó có vài ba linh mục và mấy anh người Tàu. Ai nấy trông thật bệ rạc, đang đứng xếp hàng đôi trước sân, tay ôm áo quần và các loại đồ chứa nước, chờ Trật Tự đếm số trước khi ra lệnh cho đi. Lúc anh Thuyên và tôi mặc “Bikini” từ trong buồng lê lết bước ra, anh em trố mắt nhìn. Không biết anh em nhìn chúng tôi vì lối ăn mặc lạ đời hay vì hai cái bộ xương biết đi, bị trét đầy cứt đái? Có lẽ cả hai! Tôi không có áo quần gì để giặt, nhưng trước khi ra khỏi buồng đã lẹ làng quơ hết số giẻ rách đã dùng trong việc đại tiện vất rải rác dưới sàn mang đi giặt.
Vừa ra khỏi buồng, tôi bị quáng mắt và xiêu đảo nên phải dừng lại hồi lâu mới bước đi, nhưng tôi lại không thể nhấc chân lên được vì quá kiệt sức. Người tôi bầm giập và đã nằm một chỗ trong thời gian mấy tuần liền nên gần như bị bại liệt. Thấy tôi không bước đi được, cán bộ phải cho hai anh tù khác giúp kè tôi đi. Anh Nguyễn Sỹ Thuyên đỡ hơn, có thể tự bước đi nhưng trông dáng anh đi thật thê thảm. Hai chân dạng ra lết đi từng bước, lưng của anh cong vòng như cái cạp nong, tưởng chừng đầu anh gần chạm đất!
Quãng đường tới bờ sông chỉ chừng hơn trăm thước, thế mà lúc đó tôi thấy sao đi mãi không đến nơi. Khi đi ngang qua hội trường giữa sân trại, tôi rùng mình nhớ lại cảnh tượng ở đây ba tuần trước, nhất là hình ảnh của Bùi Ðình Thi với câu nói “Ðụ Mẹ mày Lễ! Ăn cơm không muốn mày muốn ăn cứt! Mầy muốn chết tao cho mầy chết!” mà lúc này anh ta đang đi ngay sau lưng, vì tôi được dìu lê từng bước ở cuối hàng.
Khi tới nơi, cả bọn ùa xuống sông Mã khua khoắng tắm giặt. Nước thượng nguồn sông Mã hôm ấy thật trong và cạn, chỉ ngang tới cổ vì các ngày trước không mưa. Trầm mình trong dòng sông nước lạnh, tôi thấy rất dễ chịu, nhất là vì đã tẩy rửa được bao nhiêu thứ dơ bẩn, cứt đái đang bám nặng trên người trong ba tuần lễ kinh hoàng vừa qua.
Vừa kỳ cọ thân thể, tôi vừa đưa mắt nhìn các anh em, nhất là các anh em linh mục. Tôi thấy họ cũng đang nhìn tôi cách ái ngại nhưng không ai dám nói năng gì, chỉ có bốn mắt nhìn nhau thông cảm, vì tôi bị cấm tiếp xúc với tất cả mọi người. Hơn nữa, tôi biết là từ trên bờ sông lúc nào mắt của cán bộ và trật tự Bùi Đình Thi cũng dán vào tôi.
Tắm một chốc tôi đã thấy mệt nên đứng yên hướng về phía xuôi dòng nước và bồi hồi nhớ lại cái hốc đá dưới gốc cây to bên bờ sông, nơi mà ba người chúng tôi đã ẩn nấp, lúc này chỉ còn lại hai! Tôi không dám suy nghĩ tiếp và chú ý nhìn đàn cá mương đang lao nhao ngụp lặn chung quanh mấy anh tù để kiếm ăn. Bọn cá mương này cũng già kinh nghiệm, biết rằng chỉ có tù đi tắm chúng mới được một bữa ăn no nê thoải mái. Theo dõi đàn cá đang tranh ăn, tôi chợt suy nghĩ vớ vẩn, “Mấy con cá ngu này, chúng mày rớ được ghét của tao, nuốt vào không hóa dại cũng ói mửa!” Tôi nghĩ quẩn thế thôi chứ cá mương ăn phân người thì làm gì có chuyện ói mửa!
Có tiếng Trật Tự Bùi Ðình Thi giục lên. Cả bọn lóp ngóp lội vô bãi cát lài ngay lối lên xuống. Lợi dụng lúc mọi người đang chen lấn và không ai để ý, cha Trần Văn Nghị đã lẹ làng dúi vào tay tôi cái khăn mặt đã giặt sạch vo tròn, to chừng bằng quả cam. Tôi vội vàng nắm lấy vì lúc bấy giờ đó là món quà quý.
Trên đường trở về buồng, tôi cảm xúc về tình nghĩa anh em và sự cảm thông cha Nghị dành cho tôi. Tôi cảm thấy vui vì sự nâng đỡ tinh thần của các bạn tù, nhất là các anh em linh mục. Từ nay gia tài của tôi sẽ có thêm cái khăn mặt cha Nghị vừa cho. Tôi mỉm cười tự nhủ:“Ðời mình chưa đến nỗi nào!” Nhưng ở đời có mấy ai học được chữ ngờ!
Tai Họa Tới Nơi
Về tới buồng, mọi người lo giũ quần áo ra phơi trên các dây kẽm gai trên tường. Tôi gần kiệt sức vì leo lên hàng chục bậc xi-măng vào khu kỷ luật, cũng đang giũ mớ giẻ rách và cái khăn cha Nghị vừa cho ra phơi. Khi mở ra mới biết đó là loại khăn mặt mỏng, màu trắng và có những ô vuông nổi lên như mặt trong của bao tử bò. Vừa với tay định máng cái khăn lên phơi, tôi bỗng giật mình vì câu hỏi quá bất ngờ từ phía sau:
– Lễ! Cái khăn này ở đâu mày có?
Quay lại tôi thấy Bùi Ðình Thi đang đứng ngay sau lưng tôi. Một tay anh ta chỉ thẳng mặt tôi, tay kia chỉ cái khăn tôi đang cầm trên tay. Tôi thất kinh vì biết là tai họa tới nơi, nên vội nói dối:
– Tôi nhặt được dưới sông lúc đi tắm. Không biết của ai đánh rơi để tôi trả lại cho họ.
– Vô lý mà nhặt được! Nói thật đi, thằng nào cho mầy?
Tôi vẫn giữ lập trường nhưng lần này bằng giọng khẩn thiết:
– Tôi nhặt dưới sông thật mà… anh Thi, có ai cho tôi đâu!
Bùi Ðình Thi ngần ngừ trong giây lát rồi bỏ đi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thoát nạn! Tôi cũng không biết nhờ nói dối hay nhờ ơn trên phù hộ mà tôi được thoát nạn. Tôi vội máng cái khăn lên và bước nhanh vào buồng, leo lên bệ xi-măng tưởng như đó là nơi an toàn . Nhưng tôi đã lầm!
Một lúc sau Bùi Ðình Thi trở lại với người cán bộ có đôi mắt xước mà tôi không biết tên. Linh tính báo cho tôi biết chuyện chẳng lành khi tôi thấy cả hai đi thẳng vô buồng tôi.
Chẳng nói chẳng rằng, Bùi Ðình Thi xồng xộc bước tới, chộp lấy cổ tôi lôi xuống. Tên cán bộ mắt xước thuận tay tống ngay một quả đấm như trời giáng vào đúng cạnh sườn làm tôi gập đôi người lại. Vì đã quá suy nhược không thể chịu đựng được cú đòn ác hiểm đó, tôi kêu to lên một tiếng “Trời ơi!” rồi ngã vật xuống sàn, tôi ôm bụng oằn oại, miệng sùi bột mép. Có lẽ thấy tình trạng của tôi đã quá tệ, hay vì thấy tội của tôi không đáng trừng trị thêm, nên anh ta đã dừng tay và đứng chống nạnh nhìn tôi đang nằm co quắp dưới lối đi . Thân thể bị co giật dữ dội như con cá lóc bị đập đầu.
Một lúc sau cán bộ ra lệnh:“Cùm cổ nó lại!” Bùi Ðình Thi túm tóc kéo tôi lên cùm chân lại, vừa khóa cùm, anh ta vừa mắng:“Ðánh cho mầy chừa! Nói dối quen mồm!” Trước khi ra đi, cán bộ mắt xước còn nhổ đánh phẹt một bãi nước bọt xuống sàn. Tôi không hiểu hành động đó là để tỏ thái độ khinh bỉ hay vì mùi hôi thối trong buồng đang xông lên. Mặc dù lúc chúng tôi đang tắm dưới sông, anh trực sinh Nguyễn Tiến Ðạt, đã giội nước rửa buồng và quét hết các đống phân ra ngoài cửa.
Sau này tôi mới biết là Bùi Ðình Thi đã đi hỏi các buồng phía trước ai đã cho tôi cái khăn và cuối cùng khám phá ra chính cha Trần Văn Nghị. Tội nghiệp cho cha Nghị, ngài vì thương anh em mà bị nạn. Sau khi đánh tôi xong, tên cán bộ mắt xước và trật tự đi vòng ra phía trước, nện cho “người Samaritano nhân hậu” một trận đòn nhừ tử. Cha Nghị bị đánh dập môi chảy máu và sau đó bị cùm chân bảy ngày đêm. Bình thường thì chỉ bị cùm ban đêm! Hành tội cha Nghị xong, Bùi Ðình Thi trở lại trước cửa buồng tôi lấy cái khăn mang đi.
Về sau này, tôi có dịp gọi qua xin lỗi cha Nghị, nhưng ngài cười hề hề nói: “Lỗi quái gì? Ðược chia sẻ với anh một chút đau khổ là mình vui rồi!” Ngài còn nói thêm: “Tại hôm đó chúng nó đánh, mình đỡ trúng tay, chúng nó đau mới tức khí lên nện mình nhiều như vậy!” Nói xong câu đó, cha Nghị lại nhe răng cười hề hề!
Tôi nằm liệt mấy ngày vì cú đòn ác hiểm hôm ấy của tên cán bộ mắt xước. Ba tuần trước tôi bị đánh đập tàn nhẫn hơn nhiều, tuy nhiên lúc ấy cơ thể tôi còn khỏe mạnh nên có thể chịu đựng được. Vả lại lúc đó, khi bị đánh đập quá nhiều, cơ thể trở nên tê dại và tôi không còn cảm giác đau đớn nên gồng sức chịu đòn và không kêu la. Nhưng lần này lại khác, cơ thể tôi đã bị tổn thương trầm trọng đến nỗi một cơn ho, hoặc cái hắt hơi cũng tưởng như xương cốt long ra từng mảnh. Như thế, có thể hiểu được cú đấm hôm đó của cán bộ mắt xước làm tôi đau đớn biết chừng nào!
Tiếng kêu “Trời ơi!” sau cú đòn đó là một phản ứng tự nhiên, tôi không thể nào kềm chế được. Nhưng đó là tiếng kêu la duy nhất trong tất cả những lần tôi bị đánh đập trong nhà tù. Ngay cả trong lần bị Bùi Đình Thi đánh đập thập tử nhất sinh như tôi sẽ nói sau đây, tôi cũng quyết tâm cắn răng chịu đòn, không hề kêu la một tiếng.
Thập Tử Nhất Sinh!
Sau vụ cái khăn mặt của cha Trần Văn Nghị độ vài ba tuần thì khu kỷ luật cũ, gọi là “Nhà Ðen” bị phá bỏ và số tù bị kỷ luật bên đó được chuyển sang khu kỷ luật mới. Cha Nguyễn Công Ðịnh và anh Trịnh Tiếu vào ở chung buồng 4 với anh Thuyên và tôi.
Lúc bấy giờ là mùa hè, trời nóng nực và oi bức, nhất là về đêm khi hơi nóng đã nung nấu nóc Nhà Bằng suốt ngày tỏa xuống. Buồng giam đã kín lại chật chội và hơi nóng không có lối thoát ra đã biến căn buồng thành một thứ lò hấp bánh mì! Một thứ lò hấp bánh mì theo nghĩa đen!Hôm nào có thêm gió Lào nữa thì không còn bút mực và lời lẽ nào diển tả cho được cái địa ngục trần gian mà chúng tôi bị cùm chân trong đó. Gió Lào là ngọn gió từ bên Lào thổi qua dãy Trường Sơn, mang theo hơi nóng hừng hực như lò lửa của dãy núi đá bị mặt trời thiêu đốt liên tục trong suốt mùa hè.
Mỗi ngày, chúng tôi chỉ mong tới giờ cho ăn để được hít thở chút khí trời khi cửa mở ra. Có lúc tôi nghĩ, nếu lúc bấy giờ Chúa ban cho tôi được ơn làm phép lạ, thì phép lạ đầu tiên tôi sẽ làm là có một lỗ hổng to bằng miệng cái lon sữa bò trổ ra trên nóc nhà bằng, để hơi nóng dồn nén trong buồng có chỗ thoát ra và tôi có không khí để thở.
Vào những buổi tối của mùa hè oi bức, tôi có cảm tưởng không khí trong buồng đặc quánh lại như sữa hộp hoặc như kẹo mạch nha, và chúng tôi đã phải hít thở cái loại không khí “dẻo” ấy vào buồng phổi. Mặc dù đang vướng một chân trong cùm, nhưng ban đêm tôi phải trườn người xuống, cúi mặt sát sàn nhà, để tìm hít thở chút không khí còn sót lại bên dưới.
Lúc bấy giờ, ba người chúng tôi gần như chẳng còn quần áo gì. Khi ra ngoài đi tắm thì mặc “Bikini”, ở trong buồng thì ba anh em tôi đều trần truồng như người tiền sử. Riêng cha Ðịnh không trốn trại nên còn giữ được quần áo. Điều đau đớn cho tôi là có lần cha Định mắng tôi, “Là linh mục mà trần truồng như thú vật!!!”
Tôi có kêu xin mãi, nhưng cán bộ cũng chẳng cho áo quần để mặc. Một ngày nọ thấy một cán bộ lạ mặt khá lớn tuổi đi ngang qua bên ngoài cửa sổ, tôi gân cổ gọi to:
– Báo cáo cán bộ!
Cán bộ dừng lại, đứng cách xa song sắt cửa sổ một quãng, hỏi vọng vô:
– Anh nào gọi! Có việc gì?
Tôi trả lời thật lớn tiếng:
– Báo cáo cán bộ, tôi xin cán bộ một trong hai điều này: Hoặc là cho tôi áo quần để mặc, nếu không thì cho tôi một viên đạn. Tôi là con người chứ không phải là thú vật mà sống trần truồng!
Vì đã có dự tính trước nên tôi nói luôn:
– Nếu tôi chết trong nhà tù này thì thôi, nhưng nếu tôi còn sống, tôi phải tìm dịp nói cho thế giới biết cách đối xử vô nhân đạo đối với tù chính trị của chế độ Cộng sản Việt Nam! Tôi nghĩ rằng, trên thế giới này không một nước nào lại đối xử với tù chính trị cách dã man như vậy!
Có lẽ vì quá bất ngờ, ông ta đứng đó một lúc lâu không nói gì. Sau cùng hỏi:
– Anh tên là gì?
– Báo cáo cán bộ, tôi tên là Nguyễn Hữu Lễ!
– Anh thuộc diện gì?
– Tôi là Linh mục Công giáo.
Nghe nói thế ông ta cười nhạt và hỏi lại:
– Thế ra anh là dạng ‘cha cố’ hả?
Tôi trả lời cách nghiêm chỉnh:
– Báo cáo cán bộ, tôi là Linh mục Công giáo.
Ông ta hỏi tiếp theo:
– Anh làm gì bị kỷ luật?
– Báo cáo cán bộ, tôi trốn trại.
Ông ta gật gù chậm rãi nói:
– Trốn trại à? To gan nhỉ!
Không nghe tôi trả lời, cán bộ ngần ngừ một lúc rồi bỏ đi.
Từ đó tôi có một bộ đồ để mặc, nhưng vì không có gì để lau chùi sau khi đại tiện nên tôi buộc lòng phải xé một ống quần để dùng vào việc này. Thời gian tiếp theo nếu không có cách nào khác tôi cũng đành phải xé ống quần còn lại và hai tay áo.
Họa Vô Đơn Chí
Người tù lo dọn vệ sinh khu kỷ luật bấy giờ là anh bạn trẻ tên Nguyễn Văn Hà, thay thế cho anh Nguyễn Tiến Ðạt, cũng là dân từ trại Cổng Trời với tôi. Khi Hà vào buồng giúp đổ các ống bẩu phân và nước tiểu, thấy tôi xé ống quần dùng đi cầu bèn hỏi xin cái áo vàng để anh đổi thuốc lào. Tôi nói không có gì dùng khi đi cầu. Hà bảo là sẽ tìm cho một số giẻ rách cho tôi dùng vào việc đó, vì cái áo vàng còn mới, xé đi uổng lắm. Liên tiếp mấy ngày Hà luôn hỏi xin tôi cái áo nên tôi cho anh ta mà chẳng nghĩ ngợi gì.
Tôi đâu ngờ rằng đó là một lỗi lầm rất tai hại và tôi phải trả một giá quá đắt cho hành động này.
Mấy tuần lễ sau tôi quên hẳn cái áo, và Hà cũng chẳng hề đưa tôi giẻ rách để dùng khi đại tiện như đã hứa. Thật ra, tôi thấy chưa cần thiết lắm, vì tôi còn một ống quần đủ dùng tới ngày được đi tắm, khi đó tôi sẽ tạt qua đống rác của trại nhặt giẻ rách đem giặt sạch để dùng.
Lúc bấy giờ đống rác đó là một “kho tiếp liệu” của tôi. Có lần tôi nhặt được của quý, đó là cái bàn chải đánh răng đã mòn quá phân nửa. Tôi mang xuống sông chùi rửa cho hết vi trùng và dùng luôn trong gần hai năm cho tới khi bàn chải mòn hết răng.
Sáng hôm đó chúng tôi được đi tắm như thường lệ. Lần này chỉ có anh cán bộ mắt xước vác súng dài canh giữ. Sự vắng mặt của Bùi Ðình Thi khiến tôi cảm thấy thật dễ chịu. Các anh em khác cũng có vẻ thoải mái vì có thể quan hệ linh tinh dễ dàng và đống rác bên ngoài cổng trại được chúng tôi chiếu cố kỹ hơn.
Sáng hôm đó trời nắng ấm nhưng không gay gắt. Sau khi tắm rửa sạch sẽ và trên đường trở về buồng, tôi thấy sảng khoái lạ thường nên ngửa mặt lên nhìn bầu trời quang đãng và hít một hơi thật dài. Không khí trong lành chạy vào buồng phổi làm tôi cảm thấy lâng lâng dễ chịu. Tôi nở một nụ cười thật tươi và thấy rất yêu đời khi nhớ lại bao nhiêu tai nạn dồn dập trong mấy tháng trước bây giờ rồi cũng qua đi. Lúc này tôi có thể tự bước đi, mặc dù chậm chạp vì còn quá yếu.
Vừa bước đi, tôi thầm nhớ lại câu người đời thường nói “Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai” và nghĩ rằng tôi đã trả xong nợ đời. Trong chốc lát, tôi quên hết nỗi nhọc nhằn của kiếp tù và cảm thấy yêu cuộc đời, yêu cảnh vật, yêu thiên nhiên, yêu con người, ngay cả những người đã ngược đãi và hành và đánh đập tôi như Bùi Đình Thi.
Tôi lê lết ở cuối hàng, lầm lũi bước theo các bạn về buồng. Trên tay tôi ôm một mớ “chiến lợi phẩm” vừa thu nhặt được ở đống rác bên đường. Khi lên các bậc xi-măng tôi nhờ một anh tù dìu đi, vì một mình tôi không leo lên nổi.
Về tới nơi, tôi thấy Bùi Ðình Thi đang đứng trước cửa buồng và nhìn tôi bằng một cặp mắt khác thường, khiến tôi lo sợ. Người cán bộ có đôi mắt xước cũng đang đứng bên cạnh. Tôi vội làm một cuộc xét mình chớp nhoáng, coi mình có phạm tội gì không. Tôi yên tâm vì chẳng thấy mình có tội gì cả. Tôi nghĩ thầm:“Có lẽ tại mình sợ anh ta quá nên thấy anh ta nhìn, đâm ra hoảng thế thôi, chẳng có việc gì đâu!”
Tôi còn đang suy nghĩ lan man thì chợt thất kinh khi thấy Bùi Ðình Thi với vẻ mặt hầm hầm bước thẳng tới, tay trái cầm xâu chìa khóa to tướng, tay kia chỉ thẳng vào mặt gần đụng trán tôi, đôi môi anh ta run run hỏi:“Lễ! Cái áo vàng của mầy đâu?”
Tôi nhớ lại cái áo vàng mà tôi đã cho thằng Hà mấy tuần nay và biết là lúc đi tắm, Bùi Đình Thi đã vào buồng lục soát đồ đạc và thấy cái áo vàng của tôi ở chỗ thằng Hà. Mọi việc đã bại lộ. Biết tai họa tới nơi, tôi vội nói dối:
-Tôi phơi áo trên cánh cửa sổ này, ai lấy lộn mấy hôm nay tôi tìm mãi không thấy, anh có thấy ở đâu cho tôi xin lại đi anh Thi.
– Sao thằng Hà nó nói mầy đổi cho nó?
Tôi cảm thấy ù tai khi nghe tiếng “đổi”, vì luật lệ trong tù cấm mua bán đổi chác. Những người khác trong trường hợp này cũng gặp rắc rối huống gì tôi. Tuy đã tuyệt vọng nhưng tôi gắng gượng chống chế, miệng tôi lắp bắp trả lời, tiếng đặng tiếng mất:
-Ðâu có anh Thi! Tôi đâu có đổi! Chắc nó lấy lộn áo tôi rồi nói thế! Tôi đâu có đổi! Anh Thi!
Trong lòng tôi lúc đó đang cầu mong sự thương hại của Bùi Ðình Thi.Tôi cầu mong rằng anh ta sẽ tha thứ cho tôi vì thấy tôi quá sợ hãi và nhất là vì cái thân tàn ma dại của tôi, nói đúng hơn là cái bộ xương của tôi.
Tôi nhìn sang anh cán bộ mắt xước nãy giờ đang theo dõi cuộc phán xét. Anh ta đứng yên không nói tiếng nào, nhưng hai bàn tay nắm lại chống lên cạnh sườn. Các ngón tay anh ta đang duỗi ra bóp vô liên hồi, có vẻ ngứa ngáy khó chịu. Chợt Bùi Ðình Thi chộp tay tôi dằn mạnh:
– Ði lại phía trước mầy nghe thằng Hà nói!
Cán bộ vội đi trước dẫn đường với dáng đi lanh lẹ khác thường, Bùi Đình Thi đẩy tôi đi giữa và anh ta theo sau.
Chúng tôi đi hàng một dọc theo con đường hẹp độ ba thước bề ngang giữa đầu hồi nhà kỷ luật và bức tường, dẫn ra các buồng phía trước. Lúc đó tôi bước đi như người mất hồn và biết mình đang lâm nguy vì thằng Hà đã khai tất cả sự thật. Dù vậy, tôi vẫn còn hy vọng mỏng manh là cầu mong cho thằng Hà sẽ làm cử chỉ anh hùng kiểu như “Lê Lai cứu Chúa”. Vì nếu nó có nhận ăn cắp áo thì cũng bị vài ba cái tát là cùng. Còn tôi, chỉ cần cho nó cái áo thôi cũng có lý do bị hành tội. Nghĩ như vậy nên khi còn cách buồng của Hà khá xa, tôi gọi to lên cố ý làm ám hiệu cho nó:
– Hà ơi Hà! Sao mầy lấy nhầm áo vàng tao phơi trên cửa sổ mà không trả làm tao kiếm mấy ngày nay. Anh Thi nói là mầy đang giữ áo tao. Trả áo lại tao đi Hà!
Tôi có ý lên tiếng bảo thằng Hà rằng tôi đã nói với Bùi Ðình Thi như thế, cứ nói vậy đi để cứu tôi. Nhưng có lẽ vì không hiểu ý tôi hay vì sợ bị đòn, nó nói vọng ra:
– Em đâu có ăn cắp áo của anh! Anh đổi cho em ấy mà!
Chúa Giêsu Rất Thánh ơi! Ðó là câu trả lời tôi sợ nhất. Nhưng ngược lại tên cán bộ mắt xước và Bùi Đình Thi chỉ mong có chừng ấy.
Bước Đường Cùng
Câu nói của Hà chưa kịp dứt thì bất ngờ một cú đấm như trời giáng của Bùi Đình Thi từ phía sau tống vào lưng, làm tôi bay tới trước. Tên cán bộ mắt xước vội quay lại chụp lấy vai tôi và đấm thẳng vào bụng khiến tôi ngã ngửa ra phía sau. Bùi Ðình Thi đón lấy đấm vào lưng khiến tôi nhào tới trước. Cán bộ đứng chờ sẳn đấm vào bụng ném tôi trả lại cho bùi Đình Thi. Và cứ liên tục Trật Tự đấm tới…! cán bộ đấm lui…! Trật Tự đấm tới…! cán bộ đấm lui…! Trật Tự đấm tới…! cán bộ đấm lui…! làm bộ xương của tôi bay đi bay về như một quả bóng được hai cầu thủ chuyền nhau trong một hành lang hẹp.
Tôi biết mình sẽ chết!
Lúc bấy giờ tôi muốn chạy thoát thân nhưng không thể được vì hành lang quá hẹp bị hai tên hung thần chận cả hai đầu. Hơn nữa tôi đã gần chết còn sức đâu nữa mà chạy! Lúc đó tôi không còn biết mình là ai nữa. Tôi như một con thú bị dính chân vào bẫy, có vùng vẫy bao nhiêu cũng vô ích.
Cuộc hành tội kéo dài khá lâu. Bùi Ðình Thi và tên cán bộ mắt xước, mỗi người đã đấm tôi, đúng hơn là đấm vào bộ xương của tôi chừng mươi, mười lăm quả.
Ðôi chân tôi yếu dần không còn chống đỡ được cơ thể. Mắt tôi mờ đi không còn thấy được cảnh vật chung quanh và hơi thở của tôi yếu dần, yếu dần…yếu dần! Tôi từ từ ngã quỵ xuống đất trong khi miệng tôi lẩm bẩm:“Lạy Chúa! Xin nhận lấy linh hồn con!” Tôi nằm xuôi tay nhắm mắt lại!
Hình ảnh cái chết lờ mờ hiện ra trong trí, nhưng tôi bất chợt lại nghĩ : “Tôi không thể chết như thế này được! Tôi không thể chết một cách phi lý như thế này được!”
Sau câu nói quyết tâm đó, tôi bèn dồn hết tàn lực của con người lên cổ họng, và vận dụng tất cả ý chí, sức mạnh, sự quyết tâm và tất cả nhu cầu bảo toàn mạng sống của một sinh vật trước khi bị tiêu diệt, tôi gào thét to lên một cách khủng khiếp. Tiếng thét to nhất và khủng khiếp nhất trong kiếp làm người của tôi. Tiếng thét to tới mức tối đa mà cổ họng tôi có thể chịu được và không bị vỡ tung bật máu ra. Tiếng thét to đến độ mà bộ xương của tôi có thể chịu được không bị bung rời văng ra từng mảnh. Tôi thét rống lên ba tiếng càng lúc càng to:
“TÔI PHẢI SỐNG!”
“TÔI PHẢI SỐNG!”
“TÔI PHẢI SỐNG!”
Tiếng thét vang dội núi rừng Thanh Cẩm đó đã đốt cháy tất cả sức lực, khí huyết và ý chí còn lại của con người tôi như một thứ nhiên liệu vừa bị đốt cháy rụi ra tro. Tôi không còn là tôi nữa! Không còn một thứ gì để sự sống của tôi có thể nương vào đó mà tồn tại nữa!
Bản Năng Sinh Tồn
Bỗng dưng bản năng sinh tồn trong tôi trỗi dậy vô cùng mãnh liệt! Bản năng sinh tồn đột nhiên biến tôi thành một đối thủ quyết tâm đánh vật tay đôi với Tử Thần. Bất ngờ tôi cảm thấy một sức lực phi thường ùa vào thân thể. Cái sức lực mà cho dù lúc sung sức nhất của tuổi đôi mươi cũng không thể có được.
Con người tôi như một quả bóng xì hết hơi bất ngờ được bơm căng cứng lên tới mức tối đa. Thân hình chỉ còn là bộ xương của tôi lúc đó tự nhiên biến thành một khung thép! Ðôi cánh tay khẳng khiu như hai que củi khô của tôi tự nhiên có sức lao tới như viên đạn đồng bay vọt ra khỏi nòng súng. Ðôi chân khẳng khiu của tôi trở nên vững vàng và kiên cố như hai trụ cầu bằng thép. Ngay lúc đó tôi nghĩ là tôi có thể bẻ cổ một con bò mộng và quật chết nó dể dàng như người ta bóp một con nhái trong lòng bàn tay.Ý chí cao ngất trời lúc bấy giờ bảo tôi:“Chạy! Chạy! Chạy! Phải chạy thoát bằng mọi giá, nếu không chạy thì chết!”
Bất thần, như có một sức thiêng vô hình trợ giúp, tôi bật dậy, nhẩy chồm lên, nhào lộn và rống ầm vang như con sư tử bị thương. Tôi vụt quay lại, lấy hết sức lực húc đầu vào bụng Bùi Ðình Thi. Một cú húc mạnh như trời giáng! Vì quá bất ngờ không kịp đề phòng, Bùi Ðình Thi bị ngã bắn về một bên và mất đà té ngửa dưới đất. Nếu có đề phòng hắn cũng không thể nào chịu được sức mạnh khủng khiếp của cú húc với cái đầu bằng thép của tôi lúc bấy giờ. Tôi vụt phóng chạy như bay về buồng.
Bùi Ðình Thi lồm cồm bò dậy rượt theo tôi bén gót. Tôi biết nếu hắn tóm được tôi, chắc chắn hắn sẽ giết chết tôi. Tôi nói điều này với tất cả sự xác tín, không phải suy luận để kết án con người. Tôi khẳng định lại, nếu lúc đó Bùi Ðình Thi tóm được tôi, chắc chắn hắn sẽ giết chết tôi!
Tôi hành động lanh lẹ như một con khỉ, phóng vô buồng, nhảy phóc lên bệ nằm, hai tay vồ lấy cái móng cùm bằng sắt, nặng chừng ký rưỡi, và đứng trên bệ nằm xi-măng thủ thế. Cái móng cùm này anh Nguyễn Sỹ Thuyên đã rút ra sẳn để đó chờ đợi tôi, vì chúng tôi bị cùm chung một thớt. Tôi mệt gần đứt hơi phải há miệng thở hồng hộc. Cổ họng tôi lúc đó như đang có một cục than hồng và phải mở to miệng cho lửa phà ra!
Bùi Ðình Thi vừa trờ tới cửa buồng định lao vào vồ lấy con mồi. Chợt anh ta khựng lại ngay ở cửa khi thấy tôi đang đứng trên bệ cao, tay cầm cái móng cùm quyết tâm thí mạng. Tôi trợn mắt hét thật to, to một cách khủng khiếp:“ Bùi Ðình Thi! Hôm nay tao đổi mạng với mầy! Mầy đã dồn tao tới bước đường cùng. Bữa nay tao đổi mạng với mầy! Mầy vô đây! Vô đây! Vô đây! Bùi Đình Thi! Vô đây!”
Mặc dù đang điên tiết vì vồ hụt con mồi đã bị thương, nhưng Bùi Ðình Thi còn đủ lý trí để dừng chân lại. Nếu hắn trờ tới vồ lấy tôi, chắc chắn 100% là tôi sẽ bay xuống chụp lấy cổ hắn và đập cái móng cùm vỡ toang đầu hắn ra! Vâng! Nếu lúc đó Bùi Ðình Thi nhào vô thì cái đầu của hắn sẽ bị vỡ toang ra như quả dưa hấu bị đập bằng búa tạ! Mặc dù biết chắc là sau đó tôi sẽ bị xử tử hình, nhưng lúc đó tôi không thể nào làm khác hơn được.
Bùi Đình Thi đứng tại cửa nhìn vào bằng cặp mắt đỏ ngầu đang tóe lửa. Lúc đó hắn cũng đang thở hồng hộc như tôi. Hai bên khóe mép hắn đọng lại hai bệt nước bọt trắng to và chảy nhễ nhãi dài xuống cằm. Hắn nghiến răng nghe ken két, làm cái mồm của hắn bị kéo xuống, méo mó, dị dạng trông thật gớm ghiếc. Bùi Ðình Thi điên cuồng giơ thẳng tay chỉ vào mặt tôi, hắn gào lên: “Ðụ Mẹ mầy Lễ! Tao giế-ế-ế-ế-ế-t mầy!” Ðây là lần thứ hai, Bùi Ðình Thi đã dùng lối chửi “Ðụ Mẹ mầy Lễ” đối với tôi! Nghe cách anh ta nghiến chữ “Giế-ế-ế-ế-ế-ế-t…” qua kẽ răng, tôi hiểu ngay chính cái móng cùm đã cứu mạng tôi.Hỡi cái móng cùm bằng thép lạnh vô tri vô giác kia ơi! Ta mắc nợ mi cái ơn cứu mạng!
Tên cán bộ mắt xước cũng vừa đi tới cửa buồng. Anh ta có vẻ rất hài lòng khi nhìn cảnh hai tên tù đang gầm gừ chực giết nhau. Nếu anh ta biết hai tên tù đó là một giáo dân và một linh mục, chắc là anh ta càng vui sướng hơn! Anh ta ra lệnh cho Bùi Ðình Thi: “Cùm cổ nó lại!”
Thấy Bùi Ðình Thi bước vào tôi nói:
– Báo cáo cán bộ, tôi không vào cùm. Nếu bị cùm anh Thi sẽ đánh chết tôi.
– Tôi bảo anh vào cùm!
– Nhưng cán bộ có bảo đảm là anh Thi không đánh tôi?
– Anh cứ vào cùm, tôi bảo đảm!
Có sự bảo đảm của cán bộ, tôi ngồi xuống để chân vào móng cùm cho Bùi Ðình Thi xỏ luồn thanh sắt qua khóa lại.
Lúc Bùi Đình Thi cúi xuống, tôi nghe hơi thở hồng hộc và rất hôi tanh từ miệng anh ta thoát ra phà vào mặt tôi làm tôi buồn nôn không thể chịu được. Tất cả cảnh tượng này diễn ra ngay trước mắt các anh Trịnh Tiếu, Nguyễn Sỹ Thuyên và cha Nguyễn Công Ðịnh, cả ba người đang khép nép ngồi nhìn.
Lần đó tôi mới hiểu và cảm nhận được một loại sức mạnh của ý chí mà người ta thường gọi là Bản Năng Sinh Tồn. Từ trước tới giờ tôi có nghe qua về bản năng sinh tồn nhưng chưa biết thực sự đó là gì! Sau khi trải qua kinh nghiệm đau thương rồi tôi mới hiểu.
Bản năng sinh tồn là một sức mạnh bí mật vô cùng mãnh liệt, tiềm ẩn trong mỗi sinh vật, mà lúc bình thường không có thể nào nhận ra. Bản năng sinh tồn chỉ được khơi dậy một cách vô thức để sinh vật chống trả với cái chết khi mà không còn phương cách gì khác để bảo vệ sự sống. Nhờ bản năng sinh tồn mà tôi còn hiện diện trên cõi đời này để có thể ghi lại và chia sẻ kinh nghiệm rất đau thương nhưng vô cùng quý báu đó với bạn đọc.
Trong Cơn Điên Loạn
Khi cán bộ và trật tự Bùi Ðình Thi khóa cửa buồng và đi rồi, tôi nằm vật xuống bất động. Tôi bị ngạt thở vì phổi bị thương quá nặng không hô hấp được. Máu ở mũi và miệng tôi trào ra lênh láng. Nằm yên một lúc tự nhiên cơn đau đớn thái quá của thể xác cộng với sự suy nhược tinh thần và cơn uất ức cao độ làm tôi phát điên lên.
Tôi không còn tự chế mình được nữa, tôi không còn nhớ mình là ai và cũng chẳng cần biết chung quanh đang có ai. Nằm ngửa trên bệ xi-măng với một chân dính vào cùm sắt, cổ tôi tắt nghẹn, máu mũi máu miệng trào ra lênh láng và nước mắt chảy ra giàn giụa. Sự tức giận quá độ đã ném tôi vào cơn điên loạn.
Tôi bắt đầu lăn lộn và giật cái chân bị cùm phát ra tiếng rầm rầm…! rầm rầm…! rầm rầm…! như con thú đang phá chuồng. Tôi gào thét nguyền rủa vang dội trong buồng: “Bùi Ðình Thi ơi! Tao thề với mầy! Tao thề với mầy Bùi Ðình Thi ơi! Sau này tao mà còn sống, tao sẽ tìm hết mọi cách bắt cho được mầy và cả vợ con dòng dõi rắn độc nhà mầy để tự tay tao mổ bụng móc gan cả dòng dõi nhà mầy để tao đặt trên bàn thờ hai anh Ðặng Văn Tiếp và Lâm Thành Văn. Như vậy tao mới hả dạ, Bùi Ðình Thi ơi! Bùi Ðình Thi ơi! Bùi Ðình Thi ơi!”
Trong khi tôi lên cơn điên loạn vì đau đớn và uất ức tột cùng này, anh Trịnh Tiếu và anh Nguyễn Sỹ Thuyên đã vỗ về và an ủi tôi. Anh Thuyên nằm kế bên, đã xé vải lau máu mũi máu miệng cho tôi. Anh Tiếu vói qua dùng cái áo quạt cho tôi. Trong khi đó cha Nguyễn Công Ðịnh ngồi bên kia dựa tường khẽ hát bản nhạc “Hè Về”: “Trời hồng hồng, sáng trong trong…” Thái độ này của cha Ðịnh làm anh Trịnh Tiếu nổi điên lên thực sự. Nổi điên theo nghĩa đen. Mặc dù anh Trịnh Tiếu là người rất hiền từ, hòa nhã, nhưng hôm đó anh đã cho nổ bùng cơn thịnh nộ một cách khủng khiếp với cha Ðịnh.
Hai người gây gỗ nhau to tiếng và anh Trịnh Tiếu đã dùng những lời lẽ thô tục nhất trong các lời thô tục trên đời để mạt sát cha Ðịnh, những ngôn từ mà tôi không muốn, không dám và cũng không nên ghi lại ở đây! Buồng giam của chúng tôi buổi sáng hôm đó trở thành một đáy địa ngục theo nghĩa đen.
Phải một lúc lâu tôi mới hồi tỉnh lại. Khi đã trở lại bình thường tôi cảm thấy thật hối hận vì những câu nói gớm ghê độc ác đó của mình. Tôi cảm thấy mình thật sự là một kẻ yếu đuối, chưa làm chủ được chính mình như đôi khi tôi tưởng.
Nhân dịp viết lại câu chuyện này, tôi công khai lên tiếng xin lỗi các anh Trịnh Tiếu, Nguyễn Sỹ Thuyên và cha Nguyễn Công Ðịnh, những người đã chứng kiến thảm kịch, và đã nghe những lời nguyền rủa độc ác của tôi trong cơn điên loạn.
Tôi cũng xin lỗi anh Nguyễn Tiến Ðạt, một tín đồ Công giáo trẻ ở cạnh buồng tôi lúc đó, khi biết tôi bị trận đòn chí tử, Ðạt gọi sang an ủi tôi và hỏi:
– Cậu Bảy nghĩ thế nào? Nếu sau này Bùi Ðình Thi hối cải và xưng tội, liệu Chúa có tha cho anh ta không?
Lúc bấy giờ vì cơn tức giận đang sôi lên sùng sục trong lòng, tôi đã trả lời Ðạt bằng câu nói nghịch đạo lý và phạm thượng:
– Thằng khốn nạn đó hả? Nếu Chúa không vướng chân bị đóng đinh vào Thánh giá, Chúa cũng sẽ tống cho nó một đạp vào đầu rồi! Ở đó mà nói chuyện tha thứ cho nó!
Chắc Ðạt đâu có biết rằng, đã từ lâu tôi rất hối hận và xấu hổ vì câu trả lời đó. Trong cơn tức giận thái quá tôi đã thốt lên lời bất xứng như vậy từ cửa miệng của một linh mục. Việc này đã tạo gương mù gương xấu cho những người chung quanh, trong đó có Ðạt. Ðáng lẽ ra lúc đó tôi phải trả lời rằng: “Nếu sau này Bùi Ðình Thi thực sự ăm năn, sám hối, chắc chắn Chúa sẽ tha thứ. Vì lòng nhân từ của Chúa bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi của con người.”
Linh mục NGUYỄN HỮU LỄ
Tác giả Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG