LOẠI HOA CÓ CÁNH NHƯ CHIM RUỒI ĐANG HÚT MẬT, TUYỆT TÁC CỦA TẠO HÓA

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thiên nhiên vốn chứa đựng nhiều điều diệu kỳ và bí ẩn, có những điều rất đáng ngạc nhiên, độc đáo và vô cùng thú vị quanh ta, đặc biệt là về các loài hoa lạ lẫm mà đôi khi vô tình ta bắt gặp được. 

Mới đây, hình ảnh lạ mắt về một loài hoa màu xanh đã được một người dùng chia sẻ trên fanpage Octopus Prime với dòng trạng thái “hãy xem những bông hoa này, trông chúng như những con chim ruồi tí hon vậy!” 
 
Quả thật, những bông hoa nhỏ xinh ấy đã làm cộng đồng mạng xôn xao, háo hức vô cùng. Một số người nói rằng chỉ cần nhìn thoáng qua những bông hoa ấy thôi, họ liền bị vẻ đẹp kỳ lạ của nó hút hồn, không thể rời mắt. 
 Một số khác thì tò mò và tự hỏi liệu có phải loài hoa kỳ lạ này đã tiến hóa trông giống như chim ruồi để tránh những kẻ săn mồi hay chỉ đơn giản là trường hợp ảo giác pareidolia, một dạng ảo giác khuôn mặt khiến người ta nhìn thấy khuôn mặt người trên các đồ vật vô tri, vô giác.
“Đây là bắt chước kiểu Bates (khái niệm trong sinh học) hay là ảo giác pareidolia vậy nhỉ? Có nhà sinh học nào giải thích giúp với?”, một cư dân mạng thắc mắc.
Trước câu hỏi trên, SolitaryBee, một nhà khoa học nghiên cứu về sự tiến hóa và hệ sinh thái của hoa đã khẳng định, không có bất cứ lý do nào để những bông hoa này phải ngụy trang thành loài chim. Hiện tượng này thường chỉ xuất hiện với động vật, ví dụ như ruồi giả ong để chim chóc không dám tấn công chúng.
Ngoài ra, đa số các loài hoa sinh ra thường để thu hút ong chứ không phải chim, hơn hết chim và ong cũng không hề thân thiện với nhau, nên nếu cho rằng chúng tiến hoá giống chim là hoàn toàn không có căn cứ.  

Không có bất cứ lý do nào để những bông hoa này phải ngụy trang thành loài chim. (Ảnh qua Shutterstock) 

Còn với trường hợp Pareidoli, hiện tượng này chỉ được gọi tên khi chúng ta nhìn thấy khuôn mặt người trên đồ vật. Còn với trường hợp nhìn thấy dáng dấp của loài chim có thể gọi chính xác hơn là hiện tượng Simulacrum.
Simulacrum được hiểu đơn giản là ảo giác khiến con người nhìn thấy một vật gì đó có hình dáng giống với vật khác. Hiện tượng này thường được nhắc đến là hiện tượng cảm ứng hình viền hoặc hình tượng giả.
Thực chất, loài hoa độc đáo trên có tên là hoa chim xanh hay hoa chim vương giả. Tên tiếng anh là Green birdflower hay Crotalaria cunninghamii (đặt theo tên của nhà thực vật học Allan Cunningham, người đã phát hiện ra loài cây này trong chuyến thám hiểm của ông đến Australia vào thế kỷ thứ 19).
Và giống với cái tên của mình, những bông hoa màu xanh lá cây với các đường vân sọc đậm khiến bất cứ ai, chỉ cần nhìn thoáng qua đều liên tưởng đến những chú chim ruồi bé nhỏ màu xanh với chiếc mỏ dài đang hút mật trên cành. 

Hình ảnh những bông hoa màu xanh nhỏ xinh làm ngươi ta liên tưởng đến những chú chim ruồi đáng yêu. (Ảnh: Reddit)

Hoa chim xanh có nguồn gốc từ phía bắc của Tây Úc, là loại cây bụi lâu năm, cao khoảng 1-3m, thường mọc ở những cồn cát hoặc dọc theo các bãi biển. 
Loài hoa này có thể được trồng ở những khu vực ấm áp trong điều kiện đất thoát nước tốt và có ánh sáng mặt trời. Loài hoa này không phù hợp với khí hậu lạnh hoặc ở nơi có sương giá.

Hoa chim xanh thường mọc ở những cồn cát hoặc dọc theo các bãi biển. (Ảnh qua northqueenslandplants) 

Loài cây này được thụ phấn bởi những con ong lớn hoặc loài chim hút mật Honeyeaters. Hạt giống của hoa chim xanh có hình trái xoan, dài khoảng 4-5cm.
Hoa chim xanh thường nở từ mùa đông đến mùa xuân, đôi khi vào mùa thu. Ở thành phố Perth của nước Úc, loài hoa này thường nở từ tháng 1 đến tháng 4, hoặc lâu hơn trong môi trường sống tự nhiên của chúng.

Hoa chim xanh thường nở từ mùa đông đến mùa xuân, đôi khi vào mùa thu. (Ảnh qua flickr)

Đây là loài hoa không phổ biến nên hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu rộng rãi về nó, vì thế không rõ hoa, quả và hạt của nó có ăn được hay không.
Cũng không rõ loài cây này có độc tính hay không, nhưng một vài thành phần trong chi này có chứa độc, ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến phổi và các nội tạng khác.
Dù vậy, nhựa chiết xuất từ lá của loài cây này thường được các thổ dân ở ÚC (Australia) dùng để chữa những bệnh nhiễm trùng mắt.

Hiện vẫn chưa rõ hoa, quả và hạt của hoa chim xanh có ăn được hay không. (Ảnh qua wetlandinfo)

Ngoài ra, thân của loài hoa chim xanh này được khai thác để lấy sợi, tạo ra nhiều món đồ khác nhau như dây thừng, vải, giấy, lưới đánh cá, thậm chí là dép sandal để bảo vệ bàn chân khỏi cái nóng gay gắt của sa mạc. Sợi dệt từ cây hoa chim xanh vô cùng chắc chắn, bền và cực thân thiện với môi trường.
Một điều đặc biệt thú vị, mặc dù hoa chim xanh có hình thù giống như chim ruồi nhỏ và hiện chỉ có ở nước Úc nhưng nước này lại không hề có chim ruồi.
nguồn: https://tinhhoa.net/ve-dep-doc-dao-cua-loai-hoa-co-canh-nhu-chim-ruoi-dang-hut-mat.html
*
*     *

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

https://phailentieng.blogspot.com/2021/11/loai-hoa-co-canh-nhu-chim-ruoi-ang-hut.html?fbclid=IwAR1dacrWg6LBVMZ-hGywjgZiQyFvfZ78MjUJHamkxYFIOten8YXwBcRNxos