LÁ THƯ KHÔNG ĐỢI (Trang Châu)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

LÁ THƯ KHÔNG ĐỢI

Đi làm về ông Kim được vợ cho hay và dặn:

– Con Ly vừa gọi điện thoại, nó nói có thư gởi cho anh về địa cũ, nó đang giữ, nhớ lại lấy.

Địa chỉ cũ là cái nhà vợ chồng ông Kim đã bán lại cho cặp vợ chồng người Do Thái cách đây hai năm. Ly là em gái của vợ ông Kim, ở cạnh nhà cũ của ông. Trong mấy tháng đầu, sau khi bán nhà, chủ mới thỉnh thoảng vẫn đưa cho Ly những thư từ của vợ chồng ông Kim nhờ trao lại. Tròn cả năm nay không còn thư từ nào gởi về địa chỉ cũ nữa. Ông Kim ngạc nhiên sao hôm nay lại có thư? Nhưng sau khi nghe vợ nói thêm là Ly cho biết thư gởi từ Việt Nam thì ông Kim không còn thắc mắc sao thư lại gởi về địa chỉ cũ mà thắc mắc ai ở Việt Nam gởi cho ông lá thư đó vì từ lâu ông không còn họ hàng thân thích nào ở Việt Nam để liên lạc.

Kính thưa ông Chủ Tịch,

Tôi xin tự giới thiệu tôi là Nguyễn Văn Quý, trước 75, là binh nhất biệt động quân, bị thương ở mặt trận Long Khánh. Trưa ngày 30 tháng 4 cộng quân chiếm Sàigòn, tất cả thương bệnh binh bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tôi chạy về nhà cha mẹ với vết thương ở mặt chưa lành. Lúc bị thương tôi mới 21 tuổi. Tuy còn trẻ nhưng vì là một người tàn phế thuộc chế độ cũ, tôi cũng như bao nhiêu anh em thương phế binh khác, bị hất ra bên lề xã hội. Cuộc sống do đó thật vất vả. Riêng tôi, vết thương đã tàn phá mặt tôi (xin ông xem hình đính kèm) khiến tôi ban ngày không dám ra đường, sợ gặp mặt mọi người, để khỏi mang mặc cảm tạo giật mình cho kẻ khác với bộ mặt biến dạng xấu xí của mình. Còn trẻ nhưng một thời gian khá lâu tôi phải sống nương tựa vào gia đình vì chưa biết làm gì để tự kiếm sống. Cuối cùng thì cha mẹ và hai chị của tôi cũng giúp cho tôi học được một cái nghề tại gia: nghề thợ may. Chồng của một trong hai bà chị tôi, trước 75, là chủ một tiệm may. Sau khi Sàigòn đổi chủ, ông anh rể tôi vẫn tiếp tục nghề may nhưng phải đổi kiểu may quần áo cho hợp với thời thế để sống. Thay vì com lê, vét tông, bây giờ ông đổi sang may quần áo kiểu bình dân như bà ba đen, trắng, áo bốn túi màu vàng hay màu cứt ngựa, ông còn treo bảng nhận cắt sửa quần áo. Cắt xén những chiếc áo dài của phụ nữ trước đây thành những chiếc áo ngắn cụt tay. Chị tôi mang quần áo về nhà, tập cho tôi đơm nút áo rồi tập may, khởi sự bằng cách tập viền những lai quần, lai áo. Phấn đấu để sống còn đã cho tôi một cái nghề và thưa ông, nhờ tôi có được chút khéo tay, nên không bao lâu tôi thuần thục nghề may để có thể may rành rõi mấy thứ quần áo “thời thượng” của xã hội chủ nghĩa trong thời gian đầu. Nhưng tôi chỉ là một tay nghề ở hậu trường, không bao giờ dám chường mặt ra để gặp mặt khách hàng. Bước sang thời kỳ ‘đổi mới’, tiếp theo đó là thời kỳ ‘đại gia’, nghề may của ông anh rể tôi khởi sắc trở lại nhưng khả năng của tôi sau bao nhiêu năm quen thuộc với các kiểu áo ‘vô sản’ không theo kịp để đủ tay nghề thực hiện y phục của thời ‘áo vét quần bò’ nữa.

Đã ba mươi năm trôi qua, sau cái ngày bị đuổi khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa với vết thượng quái ác ở mặt chưa lành, tôi vẫn còn phải sống độc thân. Với bộ mặt dị dạng, sứt mũi, sứt môi, tôi có bao giờ dám tơ tưởng đến chuyện lập gia đình. Cũng hơn mười năm sau 75, ban ngày tôi mới dám ló mặt ra đường, nhờ sự biến thể của Sàigòn. Sàigòn, hòn ngọc của Viễn đông xưa, nay trở thành kinh đô của bụi bặm. Ra đường phải mang khẩu trang. Với ai khác, ra đường phải mang khẩu trang là một phiền toái, với tôi là một cứu cánh. Nhờ mang khẩu trang, ra đường tôi không bị ai để ý.

Thưa ông Chủ Tịch,

Kể lể hơi dài dòng về cuộc đời và nỗi bất hạnh của tôi, chỉ cốt phần nào giải thích cơ duyên nào tôi được dịp mạo muội gởi là thư này đến ông. Bị đẩy vào cuộc sống ẩn dật, tôi tìm thú vui trong việc tập tễnh làm thơ. Buồn thì nhiều, vui hầu như không có, mơ ước chỉ như thoáng mây trôi, tôi trút tâm tư của mình và tìm được an ủi trong những vần thơ vụng dại, non nớt của mình. Một hôm tôi bạo dạn đưa cho bà chị thứ hai của tôi, trước là giáo viên, đọc bài thơ ưng ý nhất của mình. Chị tôi đọc xong bài thơ, nhìn tôi với đôi mắt ngỡ ngàng: “Chị không ngờ em lại có tâm hồn thi sĩ!”. Rồi chị ghé tai tôi nói nhỏ:

– Bài thơ này em cho phổ biến trong nước thì công an nó hỏi thăm em ngay. Chị coi trên mạng biết được ở hải ngoại có Hội Văn Nghệ Sĩ Quốc Gia. Để chị kiếm cho em địa chỉ, em gởi bài thơ ra cho họ, biết đâu họ sẽ đăng thơ em.

Thưa ông Chủ Tịch,

Tôi không dám mong bài thơ tôi gởi kèm theo đây đạt được trình độ để quí vị cho đăng trên diễn đàn của quí vị, chỉ mong ông hiểu cho niềm hân hoan của tôi khi nghe lại được hai tiếng ‘quốc gia’, sau bao nhiêu năm tắt tiếng ở trong nước, vẫn âm vang nơi hải ngoại. Tôi chỉ mong được bày tỏ tinh thần và niềm tin quốc gia của một thương phế binh VNCH đang sống lầm lũi dưới chế độ Cộng Sản.

Kính thư

Nguyễn Văn Quý

T.B. địa chỉ ngoài phong bì là địa chỉ nhà một người quen cùng cảnh ngộ như tôi.

Kèm theo lá thư là hai tấm ảnh và một bài thơ. Tấm ảnh nhỏ loại căn cước là hình một người lính biệt động quân mặc quần áo hoa, đội mũ nâu; tấm ảnh lớn hơn chụp một người đàn ông trạc ngoài năm mươi tuổi, mặc chiếc áo thun đen, với khuôn mặt bị tàn phá nặng nề: chiếc mũi bị bay mất phần dưới để lộ một lỗ hổng và môi trên bị mất phần giữa nhìn thấy cả răng. Nhìn tấm ảnh ông Kim thầm nghĩ giá mà ông ta ở được bên Bắc Mỹ này thì khoa giải phẫu tái tạo hàm mặt chắc chắn đã giúp ông ta có một khuôn mặt dễ nhìn hơn. Ông Kim đọc bài thơ có tựa đề: Phận nước đời trai, ông xúc động trước cái tứ bi phẫn của bài thơ trong đó nổi bật mấy câu:

Than ôi! Nát một đời trai!
Tủi cho phận nước an bài từ đây
Từ đây mộng ước hao gầy
Ôm riêng mối hận biết ngày nào nguôi …

Đọc cái tái bút, ông Kim hơi thắc mắc sao ông thương phế binh Quý này không lấy địa chỉ nơi ông ở mà lấy địa chỉ của một người đồng cảnh ngộ? Ăn cơm tối xong ông Kim gọi điện thoại cho bốn thành viên trong Ban Chấp Hành bàn thảo về lá thư bất ngờ của người thương phế binh biệt động quân. Cuối cùng Ban Chấp Hành đồng ý trích quỹ 100 mỹ kim gởi tặng ông Quý, coi như một món quà Xuân, đồng thời chuyển lá thư cùng hình ảnh của ông Quý đến Hội Cựu Quân Nhân để được cứu xét giúp đỡ hàng năm.

Chừng một tháng sau khi gởi tiền về theo địa chỉ ông Quý cho, ông Kim nhận được hồi âm. Trong thư ông Quý viết rất mừng rỡ nhận được quà, cám ơn Trời Phật rồi chúc lành ông Kim cùng toàn thể hội viên. Ông Quý cho biết thôi làm nghề thợ may vì trong nước bây giờ tràn ngập đồ Trung quốc và đồ ‘ngoại’. Bây giờ ngày ngày ông ra ngồi phụ một người bạn cùng cảnh ngộ làm nghề vá và bơm xe đạp. Phía Hội Cựu Quân Nhân cũng cho biết sẽ gởi tiền hàng năm vào dịp Tết giúp ông Quý. Nhưng ông Kim vẫn chạnh lòng trắc ẩn khi hình dung bộ mặt bị chiến tranh tàn phá của ông Quý, ở vào tuổi thanh xuân nhất của cuộc đời. Một hy sinh chưa được đền bù, mà trái lại, bị vùi dập, lãng quên bởi số phận không may phải nằm phía bên kẻ thua cuộc. Ông quyết định hằng năm không trích quỹ của hội nữa mà cá nhân ông sẽ tiếp tục giúp đỡ ông Quý.

Cứ thế đều đặn trong bảy năm, mỗi đầu xuân, một món quà hiện kim gởi đi, một lá thư hồi âm cảm tạ tri ân. Ở hải ngoại, ông Kim cũng đã ngoài bảy mươi và ông Quý ở trong nước cũng phải gần sáu mươi. Cách nhau gần cả chục tuổi, nhưng ông Kim nghĩ nếu bây giờ đem so hình hai người, chưa chắc ai đã cằn cỗi hơn ai. Đất nước đã thống nhất, yên bình mấy mươi năm rồi sao lầm than, nghèo đói vẫn không thụt lùi, sao còn có người chết phải bó chiếu chở trên xe gắn máy chạy giữa đường!

Bỗng một hôm, vào giữa tháng năm, ông Kim nhận một lá thư gởi từ Sàigòn. Dù địa chỉ không thay đổi, nhưng nét chữ ngoài phong bì không phải nét chữ của ông Quý và tên người gởi là một tên lạ: Trần Thanh Phong.

Kính thưa bác,

Cháu xin tự giới thiệu cháu là Trần Thanh Phong, 25 tuổi. Cha cháu là Trần Quốc Hiệp, bạn của bác Nguyễn Văn Quý, người thường hay liên lạc và nhận quà hàng năm của bác từ hải ngoại gởi về. Lý do cháu gởi bác lá thư này là để giải bày một uẩn khúc kéo dài từ hai năm nay khiến cháu rất khổ tâm. Hôm nay cháu xin trình bày hết sự việc cho lòng được giải tỏa và để mong được bác cảm thông. Cha cháu từng là một phục viên trong quân đội nhân dân miền Bắc. Cha cháu bị thương hôm lực lượng tấn công chiếm kho xăng nhà Bè năm 75. Cha cháu dẫm phải mìn, bị cưa chân phải, quá đầu gối. Sau khi Bắc Nam thống nhất, cha cháu được giải ngũ. Mẹ cháu ở Bắc vào và hai người quyết định ở lại miền Nam sinh sống vì thấy trong Nam đời sống kinh tế cao hơn. Cháu là đứa con thứ ba trong một gia đình bốn anh chị em, hai trai hai gái. Cháu hiện là nhân viên của một hãng ngư nghiệp chuyên về hải sản đông lạnh để xuất cảng. Tiền trợ cấp thương phế binh của cha cháu không đủ nuôi gia đình nên cha cháu phải làm thêm nghề bơm vá xe đạp và xe gắn máy. Cháu không rõ cha cháu và bác Quý quen nhau lúc nào, vào dịp nào; cháu chỉ nghe nói bác Quý là thương phế binh của phía bên kia. Có một lần cháu nghe cha cháu khen:

– Thằng Quý dân Ngụy mà tốt bụng. Nó sửa quần áo cho tao mà không lấy tiền.

Rồi một lần khác cháu nghe cha cháu chưởi thề:

– Mẹ kiếp! ‘Ngụy’ như thằng Quý hay ‘giải phóng’ như tao cũng chỉ là những con chốt thí! Nó nát mặt, tao cụt giò, giờ đây tao với nó được gì? Thống nhất, độc lập từ lâu mà đất nước có khá lên đâu, tụt hậu thêm nữa là đằng khác!

Bây giờ cháu đã khá lớn. Sau khi nghe câu chưởi thề của cha cháu, cháu bắt đầu suy nghĩ. Chuyện bác Quý lấy địa chỉ của nhà cháu để nhận tiền từ hải ngoại gởi về là để tránh sự dòm ngó của công an phường. Dù gì gia đình cháu cũng thuộc diện có công với cách mạng, với nhân dân. Theo cháu biết, mỗi lần nhận tiền từ hải ngoại gởi về, bác Quý cũng chia một phần tiền cho cha cháu. Khoản tiền mà có lúc vui miệng bác Quý nói là ‘chi phí bảo vệ’.

Kính thưa bác,

Hôm nay cháu xin tiết lộ với bác một điều: bác Quý từ trần đã hai năm nay. Bác Quý ngã chết bất thình lình lúc đang phụ cha cháu khiêng một thùng đồ nghề. Bác sĩ ở nhà thương nói bác bị đứt gân máu não. Bác Quý mất rồi, mỗi khi có tiền ở hải ngoại gởi về, cha cháu vẫn an nhiên lãnh thế, vì người giao tiền biết mặt cả bác Quý lẫn cha cháu. Bác Quý còn dặn người giao tiền, khi bác vắng mặt, thì cứ giao tiền cho cha cháu. Cháu rất bức xúc vì việc làm không phải của cha cháu nhưng không dám ngỏ lời ngăn cản khi thấy cha mẹ cháu cũng túng thiếu. Nhờ quà của bác gởi cho, ngày xuân gia đình cháu có thêm chút không khí Tết.

Nhưng hôm nay cháu viết thư này để xin bác từ nay đừng gởi quà Xuân cho bác Quý nữa. Bởi lẽ cha cháu từ trần được cả tháng nay. Cha cháu mất vì bệnh viêm gan cấp tính. Cha cháu đi rồi cháu không còn lý do gì để tiếp tục nhận quà của bác, một món quà đã làm ray rứt lương tâm cháu. Càng ngày cháu càng thấy con người của xã hội này trở nên vô cảm, kể cả người thân của mình. Chua xót là ở chỗ đó. Rồi thế hệ của cháu, nếu mọi người cũng sẽ trở nên như thế hệ của cha cháu, thì tương lai đất nước này sẽ đi về đâu? Con người ngày càng mất lương tri, xã hội ngày càng lụn bại đạo đức, trong khi đó lãnh hải ngày càng thu hẹp, chủ quyền đất nước đang dần rơi vào tay ngoại bang.

Kính thưa bác,

Ở trong nước hiện nay, những người vào lứa tuổi của cháu, đang trăn trở về đất nước, về giá trị con người, không nhiều nhưng không phải là không có. Một hạt cát thì rất nhỏ, nhưng nếu nhiều hạt cát tụ lại sẽ trở thành một nhúm cát và nếu nhiều nhúm cát có cơ hội dồn lại, nhờ gió, nước bồi đắp thêm, sẽ có cơ may trở nên một bãi biển trắng đẹp. Cháu ao ước được làm một hạt cát cứng cáp và trắng tinh cho một bờ biển tương lai của dân tộc.’’

Kính thư

Trần Thanh Phong

Ông Kim ngồi lặng im nhìn những dòng chữ rắn rỏi đậm nét trên mặt giấy. Một niềm vui lẫn một nỗi đau dấy lên trong lòng ông. Vui vì giới trẻ trong nước không phải tất cả đều là những thành phần thủ phận, buông xuôi, vô cảm hay bị đầu độc bởi giáo điều. Đau vì ở hải ngoại còn có kẻ vứt bỏ căn cước tị nạn của mình, trở về ăn chơi thụ hưởng mà không cần biết đến nỗi lầm than của đại đa số thành phần dân tộc. Tệ hại hơn nữa, dăm ba kẻ, trước đây vỗ ngực xưng mình là quốc gia, chống cộng, trở về Việt Nam, gặp lại vài thân thuộc xa xưa thuộc bên kia, nay là thành phần cốt cán của chế độ, được họ ve vuốt chiêu dụ, trở ra hải ngoại cầm loa, dóng trống ca tụng chế độ! Ông Kim dìm nỗi đau, nghĩ đến niềm vui cho lòng phấn khởi. Ông lấy giấy bút ra viết trả lời người thanh niên tên Phong:

“Cháu Phong

Bác tin cháu và các bạn cháu sẽ là những hạt cát tinh khôi của bờ cõi đất nước. Các cháu sẽ không đơn độc. Các bạn của các cháu ở hải ngoại, đủ mọi lứa tuổi, sẽ là gió, là nước bồi đắp cho các cháu. Bác hứa sẽ không gởi quà Xuân cho gia đình cháu nữa. Nhưng cháu và các bạn cháu sẽ nhận đều đặn niềm tin và phương tiện cần thiết để vun xới niềm tin đó lên thành một cơn bão quét sạch mọi cặn bã , ô nhiễm đang tàn phá đất nước.’’

Trang Châu