Hôm nay đúng ngày 30 tháng Tư, 2008, những ký ức cũ sau 33 năm nghiệt ngã lại hiện về khi người Cộng Sản Việt Nam nhẫn tâm trả thù người dân Việt Nam Cộng Hòa qua nhiều chính sách tàn bạo, gây điêu đứng cho người dân bị trị miền Nam. Để rồi trong sách báo ghi nhận những tiếng hờn cô đơn trong lao tù, những tiếng khóc oan khiên dưới đáy mồ lòng đại dương. Tôi xót xa xem bài thơ của thi sĩ Ngô Minh Hằng như sau:
Khóc người đáy biển
Tháng Tư ra biển khóc người
Oan hồn hỡi, đáy trùng khơi, xin về…
Biển chiều vàng ánh tà huy
Dài tay sóng níu bước đi vô hồn
Đứng trên bờ đá cô đơn
Khóc người bằng tiếng thơ buồn xót xa
Ai hay đáy biển là nhà
Máu pha lệ hận chan hòa đại dương
Thịt da nát dưới bạo cuồng
Ngàn trang huyết sử bên đường tử sinh!
Mắt buồn nhìn sóng biển xanh
Thấy sương khói vẫn vô tình khói sương
Mà lòng đòi đoạn đau thương
Xót người đáy biển đoạn trường chưa nguôi
Tháng Tư ra biển khóc người
Hiển linh,chứng giám đôi lời thơ đau
Tôi viễn xứ, người biển sâu
Chung hồn lưu lạc, chung sầu quê hương
Người trên sóng nước trùng dương
Tôi khung cửa hẹp, gió sương bốn mùa
Bóc tờ lịch. Lại Tháng Tư!
Đau tình sông núi làm thơ khóc người
Người vùi xương trắng biển khơi
Còn tôi sống kiếp dân Hời vì ai?
Ngô Minh Hằng
(Viết để khóc cho mình và cho những thuyền
nhân kém may mắn trên đường vượt biển tìm
Tự Do sau 1975.)
Tượng Đài Mẹ Bồng Con, Canada.
Tôi có xem một bài báo viết dịp kỷ niệm 20 năm xa xứ, đúng vào tháng 4 năm 1995, thủ đô Ottawa của Canada đã cho ra đời Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam tại đây với bức tượng Mẹ Bồng Con của điêu khắc gia Phạm Thế Trung tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố sầm uầt này, ông vốn là người tị nạn vượt biển đến Canada với kỷ niệm u buồn về chuyến hành trình gian nan đầy hiểm nguy, là nguồn cảm hứng khiến ông sáng tác tác phẩm độc đáo này. Người Việt du lịch từ các nơi có dịp ghé xem hay cư ngụ tại Canada không khỏi hãnh diện vì đã dựng được một bức tượng thật ý nghĩa và tạo xúc động cho nhân loại do một biến cố chính trị đau thương do nạn Cộng Sản tàn ác gây ra. Bức tượng đồng đen “Mẹ Bồng Con” đang chạy giặc, cho thấy nét lo âu hối hả. Gương mặt người mẹ đầy can đảm nhìn về phía trước, bà đi tìm một chỗ an toàn cho đứa con đang ngủ bình yên trên cánh tay mẹ. Tượng Mẹ Bồng Con to giống như người thật, là tấm lòng ưu ái mà chính quyền Canada dành cho người Việt tị nạn chính trị, quốc gia đã cưu mang tiếp nhận hơn 200,000 người Việt, mà làn sóng thuyền nhân chiếm độ 80% trên tổng số cộng đồng người Việt sinh sống tại Canada. Dưới chân tượng Mẹ Bồng Con, có bảng lưu niệm viết bằng tam ngữ: Việt, Anh và Pháp thật xúc động:
“Tưởng niệm những người đã bỏ mình trên đường tìm tự do”.
Bác sĩ Dương Anh Dũng, một thuyền nhân đến Đức do con tàu Cap Anamur vớt, ông là thủ quỹ trong Ban Chấp Hành của Hội Xây Dựng Tượng Đại Thuyền Nhân tại cảng Hamburg cho tôi biết Tượng Đài Thuyền Nhân dự trù hoàn tất sang năm, 2009. Mô hình điêu khắc đang chuẩn bị.
Hải cảng Hamburg bên Đức quốc là khởi điểm hải hành của các con tàu nhân đạo Cap Anamur đã đi cứu vớt 11,300 thuyền nhân tị nạn VN ngoài Biển Đông đưa về bến bờ tự do và chăm sóc y tế cho 35,000 thuyền nhân VN trong các đảo tỵ nạn tại Đông Nam Á. Chính Hamburg cho thấy sự rộng mở từ tâm và nhân ái với những nạn nhân tị nạn Việt Nam tại Biển Đông liều mình ra đi tìm ý nghĩa của hai chữ tự do, họ được cứu vớt mà nơi xuất phát và trở về của những con tàu nhân đạo Cap Anamur và các vị chủ tàu đều là người Đức đang sinh sống tại Hamburg.
Hamburg từ lâu đã được xem như Cửa ngõ ra thế giới, và giờ đây với sự hiện diện của tượng đài tị nạn Việt Nam thì Hamburg còn được gọi là Cửa ngõ đến tình người. Nó là một hải cảng lớn bận rộn và quan trọng của Âu châu, và là một danh lam ghi dấn tích can trường của thuyền nhân Việt Nam.
Để tưởng niệm Thuyền Nhân Việt Nam bỏ mình trên Biển Đông, hai nơi Bỉ và Thụy Sĩ cũng đã xây dựng bia tưởng niệm tại Liège và Genève. Tượng Đài Thuyền Nhân thì có tại Canada, Đức và Hoa Kỳ.
Tại Hoa Kỳ, mô hình của Tượng Đài Thuyền Nhân đã có rồi, nó là biểu tượng người mẹ bồng con trườn trên cát dang tay cầu cứu và người thanh niên dìu bà cụ già đứng phía sau. Dự án nguyên thủy được nhà văn Thái Tú Hạp và hiền thê là thi sĩ Ái Cầm thực hiện lời ước nguyện từ Biển Đông khi ông bà ra đi vượt biên. Chuyến đi tưởng chừng vô vọng vì bị thiên nhiên bão táp đe dọa.
“Đi về đâu thuyền lạc giữa mênh mông
Không thể hiểu khi an bình đất nước
Người giết hại người thù hận đau thương
Người đày đọa người chết thảm giữa biển đông
Biển ơi! Xin hãy dừng cơn thịnh nộ
Hãy mở đường đưa ta đến niềm hy vọng bình an”
Đó là trích đoạn bài thơ dài “Lời Nguyện Giữa Biển Đông” của Thái Tú Hạp vào năm 1979, khi ông dâng cảm xúc tận cùng bắt nguồn từ khi con tàu ra khơi với 200 người tị nạn vượt trùng dương từ Đà Nẵng và bị bão tố đánh vỡ vào bờ hoang đảo Hải Nam, 13 người tử nạn. Ông đã thầm nguyện đến xứ sở Tự Do nào đó sẽ lập bia thờ và để tưởng niệm đến những đồng hương đã vĩnh viễn ở lại giữa Biển Đông u trầm oan khuất.
Dự án đã được thai nghén và thi hành từng bước một từ nhiều năm qua, với bao khó khăn trên bước đường thực hiện. Vì tính cách vô vị lợi và mang một ý nghĩa cao đẹp, dự án được nhiều đồng hương tiếp tay hỗ trợ. Điểm đặc sắc là ngoài bức tượng đúc bằng đồng màu nâu, do điêu khắc gia kiêm họa sĩ Vi Vi thực hiện, còn có Bia Đá Hoa Cương màu đen rất thẩm mỹ khắc tên các thuyền nhân và bộ nhân không đến được đích điểm tự do, hoặc vì mất tích hay đã tử nạn, tên họ được ghi nhận lên bia đó. Đến nay hơn 5,000 nạn nhân đã ghi nhận trong danh sách làm bia. Việc tìm kiếm tên nạn nhân quá cố hay mất tích đã được cung cấp bởi thân nhân hay bạn bè của họ, việc khắc tên tên nạn nhân hoàn toàn miễn phí. Theo sự phác họa đài tưởng niệm này, bức tượng bằng đồng có chiều cao là 7.2 feet và nặng 4,000 pounds sẽ được đặt trên một bệ bê tông nằm giữa một hồ nước. Xung quanh hồ nước, phía bên ngoài sẽ là những bia đá hoa cương có khắc tên các nạn nhân. Tượng đài này cuối cùng đã tìm được nơi tọa lạc thích hợp là khu vực gần Vườn Vĩnh Cửu thuộc đất nghĩa trang Westminster Memorial Park, trong thành phố Westminster, ngay kế cận vùng Little Saigon, nơi tập trung đông đảo nhất đồng hương Việt Nam tại hải ngoại.
Ngày 26 tháng 4 năm 2008, đã có hơn 400 quan khách, các giới chức chính quyền Westminster, Dân Cử và Đại Diện các Hội Đoàn, Báo Chí và đồng hương tề tựu cùng với các thành viên trong Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam và các nhân viên của Westminster Memmorial Park đã chính thức làm lễ động thổ khởi công xây dựng tượng đài.
Nếu trong một phút suy tư nào đó, ta tự hỏi có bao nhiêu người đã tử nạn trên bước đường tìm tự do như vậy. Nếu biết quá nguy hiểm thì tại sao hàng triệu người đành dứt khoát là phải rời bỏ quê cha đất tổ để ra đi. Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì những số liệu về người tị nạn được ghi nhận như sau:
Đã có trên 850,000 người được định cư và trên 850,000 người xem như đã tử mạng trên đường vượt biên. Vào cuối năm 1978 đã có hơn 60,000 thuyền nhân tại các trại tị nạn Đông Nam Á. Vào tháng 6 năm 1979 đã đạt số cao kỷ lục với 54,000 thuyền nhân đến các trại. Nếu chúng ta ước tính chỉ có 50% sắc suất vượt biên thành công thì đã có 100,000 người ra đi trong vòng một tháng. Số người thiệt mạng rất đáng cho chúng ta suy ngẫm. Lý do người ta liều mình trên Biển Đông cũng vì họ không thể sống dưới sự cai trị tàn ác của nhà cầm quyền hung bạo Cộng Sản Việt Nam.
Với con số khổng lồ gần một triệu nạn nhân coi như đã mất tích hay tử nạn, thì danh sách 5,000 người này được ghi nhận vào đợt đầu khắc tên sẽ là nổ lực tiêu biểu cho sự ghi ân và nhớ ơn những nạn nhân vượt biên chấp nhận đối diện với những rủi ro, những liều lĩnh thà chết còn hơn sống nhục nhã trong chế độ phi nhân tính của CSVN. Sự ra đi vĩnh viễn của hàng trăm ngàn nạn nhân của những thách đố biển cả hay vượt xuyên rừng núi để tạo ra thảm trạng đánh động lương tâm thế giới, để rồi chúng ta có những chuyến tàu ra khơi cứu vớt người vượt biển như Cap Anamur từ Đức, con tàu Đảo Ánh Sáng (Ile de Lumière) từ Pháp, hay Hải quân Hoa Kỳ,…
Trong những ý tưởng như vậy, đại diện cho Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam đã phát biểu những cảm nhận như sau:
“Cho đến nay thảm trạng Thuyền Nhân vẫn còn vang vọng như những thông điệp, những chứng tích cụ thể đầy đau thương và dũng cảm nhất trong lịch sử dân tộc, đã in sâu vào tâm khảm hàng triệu người Việt Nam rời khỏi quê hương vượt biển tìm tự do. Đã có hàng trăm ngàn thuyền nhân, bộ nhân trên những chặng đường gian nan đầy máu và nước mắt nhưng cuối cùng không đến được bến bờ nguyện ước. Đã đánh thức lương tâm nhân loại, đón nhận chúng ta vào định cư nơi các miền đất Tự Do, An Bình và Thịnh Vượng.”
Lời Nguyện Giữa Biển Đông là tiếng kêu gào thống thiết vọng về từ biển cả xa xăm, những vong hồn bơ vơ bỏ lại với trùng dương sóng dử, tiếng khóc thê lương của những cuộc chia ly bi thảm ngút ngàn trời cao mà thơ Thái Tú Hạp đã diễn tả, những ước nguyền từ chuyến hải hành oan nghiệt, nhưng may mắn… Chuyện thuyền nhân là những chứng tích ghi nhận trang sử bi hùng nhất của người tị nạn mưu cầu sự tự do và nhân quyền trong đời sống, mà trong những chứng tích đã qua, có người thành công và có kẻ thất bại. Cuối cùng, những thất bại trong bất cứ cuộc hành trình tìm tự do nào cũng được tôn vinh và ghi nhớ qua biểu tượng của Tượng Đài Thuyền Nhân ngày nay.
“Biển sóng đừng xô nhau chìm sâu đáy nước
Đừng xé em tôi từng mảnh cuồng điên
Em chỉ là cánh hoa mong manh thánh thiện
Em hồn nhiên trinh trắng ngây thơ
Tiếng mẹ khóc, mẹ gào to hơn sóng cả
Cuộc chia ly bi thảm ngút trời cao
Biển ơi! Xin hãy đưa ta đến trái tim người
Trái tim như thác nguồn yêu thương từ ái
Biển vỗ về nhau những nghiệt ngã trầm kha
Hoa Tự Do nở bằng nước mắt
Bằng máu xương khổ lụy hãi hùng
Con đường sáng biển khơi thức dậy
Trong tình thương của nhân loại thăng hoa
Biển ơi! Dù sao ta vô cùng cảm tạ
Lời nguyện một lần mãi khắc ghi
Xin hãy bốc hơi thành mưa thành suối Cam Lồ
Gieo xuống ruộng đồng xanh thắm ước mơ
Chảy vào trái tim người hiểm độc
Cho cuộc đời chuyển hóa Thiện Tâm
Chuyện Thuyền Nhân là những trang sử
Máu xương và nước mắt nghìn năm
Những thảm kịch từ Việt Nam réo gọi
Từ biển đông trầm thống kêu gào
Biển xót xa và loài người cứu khổ
Trong vòng tay Thánh Mẫu Từ Bi
Trong trái tim Mẹ Quan Âm Bồ Tát
Biển hết trầm luân bất hạnh thảm sầu
Biển thắp ngọn hải đăng tỉnh thức trong hồn nhau
Tạ ơn đất trời xóa tan thù hận
Ánh sáng nhiệm mầu trong tăm tối thương đau
Cho chúng ta niềm tin yêu hạnh phúc
Mùa xuân như triều sóng vươn lên
Tỏa ngát tình thương khắp cùng thế giới”
(Thơ Thái Tú Hạp)
Việt Hải
Ngày 30 tháng Tư, 2008.