KHIÊNG LỢN (Khắc Huề Nguyễn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cán Bộ Bắt Con Heo Trắng Tơ 2 Người Khiêng Mới Nổi | How to Catch Pig (P33)  دیدئو dideo

Đầu năm 1975, đám tù binh ở Quảng Nam tụi tôi được chuyển ra Bắc. Anh em rất phấn khởi vì nghĩ rằng sắp sửa được trao trả tù binh như năm 73 ở sông Thạch Hãn. Cả trại của chúng tôi sau một tuần di chuyển, qua những địa danh từng là chiến trường ác liệt như A shao, A lưới, Khe sanh rồi tiến ra Bắc. Ra tới Hà Nội anh em tù rất ngạc nhiên vì đường phố quá đông, mà dân chúng ai cũng đi xe đạp. Xe đạp đa số là xe của Trung quốc, xe nào cũng có bảng số gắn ở sườn ngang, nhìn rất tức cười. Chúng tôi chỉ chỏ và cười ha hả làm cho vài người dừng lại hỏi: “Cười cái gì, Chưa thấy xe đạp hả”? Tụi tôi trả lời: “Xe đạp thì ai còn lạ gì, nhưng xe đạp gắn bảng số thì mới thấy lần đầu”. Anh ta hỏi: “Thế xe đạp trong đó không đi đăng ký à” ? – “Không, xe đạp chẳng ai đi đăng ký, chỉ có Honda mới đăng bộ để lấy số thôi”.
“-Thế Honda chắc chỉ có bọn giàu mới có nhỉ” -” Giàu nó đi xe hơi chứ, Honda chỉ dành cho dân nghèo”! Đang định nói tiếp thì tàu chuyển bánh, để lại anh chàng kia đứng ngẩn người vì nghi ngờ, sao miền Nam lại ngon hơn miền Bắc, đến nhà nghèo cũng có Honda. Cuối cùng bọn chúng tôi cũng đến trại mới. Trại này thuộc xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ, Sơn La. Tưởng rằng ở đây sẽ được nghỉ ngơi, vỗ béo chờ được trao trả. Ai ngờ đến ngày 30/4/75 lại bị thua trận, Nam quân đầu hàng Bắc quân quá nhanh, làm cho đám tù binh khóc như cha chết. Từ ngày đó cuộc sống vốn đã khốn khổ nay lại càng khốn khổ hơn. Các tiêu chuẩn đường sữa, trước đây cá tháng mới được cấp phát chút ít,nay đã bị cúp hẳn, chỉ còn phát thuốc lào, mỗi tháng có một gói 50g hút cho đỡ buồn. Còn thịt thì chỉ thấy trong mơ, những giấc mơ tuyệt vời không bao giờ muốn tỉnh dậy. Hôm đó là ngày 1/9, tù binh được tập họp sớm để chuẩn bị mừng ngày Quốc Khánh 2/9. Để ăn mừng, tù binh sẽ được trại cấp cho một con lợn và mỗi người thêm một khẩu phần gạo. Nghe nói được ăn thịt lợn tù binh rất mừng, vì đã lâu quên mẹ nó mùi thịt lợn rồi. Bây giờ Quản giáo nói cần tám anh đi bắt lợn về trại để mai liên hoan. Ai xung phong dơ tay lên ? Ở trong trại tù túng nên ai cũng muốn ra ngoài, để xem nhân dân Mường sinh sống ra sao, thành ra số người xung phong quá đông Quản giáo bèn lựa ra tám anh tương đối đều nhau, trong đó có tôi để đi bắt lợn. Đám tù ra đi từ 6h sáng vòng theo lối mòn sườn núi, qua mấy bản Mường, thấy dân ở mấy bản này cũng ở nhà sàn như dân Tây nguyên chỉ khác cách ăn mặc là áo trắng, váy đen, chứ không ở trần đóng khố. Bọn gái Mường xem ra cũng trắng trẻo chẳng khác gái kinh, làm mấy anh tù cứ ngơ ngẩn nhìn khiến bộ đội áp tải phải lên tiếng nhắc nhở là đi cho mau kẻo không kịp. Mãi đến 10h mới tới nơi, thì ra đây là bản người Mèo. Dân Mèo theo chế độ mẫu hệ nên gia chủ là phụ nữ, mọi việc như cơm nước, giặt giũ, cày cấy, chăn nuôi đều được bà chủ thực hiện. Ông chủ chỉ ngồi chơi chờ bà sai vặt, buồn thì lấy cái khèn (một loại nhạc cụ như cái kèn) ra thổi giúp vui cho bà xã. Anh bộ đội trao đổi với chị chủ nhà một hồi, rồi gọi bọn tôi theo chị đi bắt lợn. Đi ra phía sau nhà chị chỉ cho chúng tôi con lợn đã thỏa thuận. Ối mẹ ơi, thấy con lợn cả đám tù hết hồn, xanh mặt.Nó to như con bò, hai cái răng nanh nhọn hoắt chĩa ra phía trước như lợn rừng. Cả đám đứng chết trân không dám ho he, sợ nó lao tới chém cho một cú là bỏ mẹ. Anh bộ đội coi bộ cũng không khá hơn, cứ lăm lăm khẩu súng đề phòng con lợn phóng tới làm sảng.Thấy tình hình căng thẳng của phái đoàn bắt lợn, chị chủ nhà cười ngặt nghẽo rồi chạy vào nhà gọi ông chủ ra. Ông chủ bước ra, tiến về chỗ con lợn đang cảnh giác thủ thế. Ông ta nhẹ nhàng vỗ lưng để nó không đề phòng rồi nắm hai chân sau bất ngờ giật mạnh. Chỉ nghe một tiếng ÉC, chú lợn thân mến của ta đã ngã lăn quay ra đất. Ông chủ đáng kính của chúng ta nhanh chóng rút ra một sợi dây trói gô lại, kế tiếp đến hai giò trước. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh khiến chú lợn không kịp phản ứng, vì chú cũng không ngờ ông chủ lại nỡ đối xừ với chú tồi tệ như vậy ! Bọn tù thì hết sức kính phục, ông chủ đã ra tay cực kỳ lão luyện. Nếu để chúng tôi thực hiện chắc là tốn khối thời gian, có khi còn bị thương vong cũng chưa biết chừng. Sau đó chị chủ nhà mang cái cân ra, chúng tôi xỏ một cây tre vào giữa hai cặp chân của chú lợn rồi móc vào cân. Phải vất vả lắm tám anh em mới nhấc lên nổi vì nặng quá trọng lượng của chú lên đến tạ rưỡi ! Sau khi trả tiền cho chủ nhà xong, chúng tôi chào từ biệt rồi chặt cây làm đòn để khiêng về. Tám anh em xỏ 4 cây ngang và đi hai bên như khiêng quan tài mỗi bên 4 người. Nếu đi đường bằng và rộng rãi thì chia trọng lượng 1 tạ rưỡi ra, mỗi người chịu chưa tới 20kg đâu nghĩa địa gì. Khốn nỗi đường núi gập ghềnh, có chỗ cao thấp không đều, khi đó chỉ có bốn anh gánh sức nặng của con lợn, bốn anh kia bị hỏng vai nên loạng choạng. Và việc gì phải đến đã đến, ở một đoạn đường hẹp, một anh bị trượt chân làm mất cân bằng cả hệ thống. Thế là chú heo tội nghiệp bị rớt mạnh xuống đất nghe một cái bịch. Chắc chú đau lắm nên kêu eng éc liên hồi. Chú bộ đội thấy vậy bảo tù cẩn thận kẻo chết lợn về sẽ bị kỷ luật. Tù vâng dạ rối rít, hứa sẽ rút kinh nghiệm. Nhưng hứa là một chuyện, mà đi trên đường núi lại là chuyện khác. Kịch bản cũ cứ liên tục tái diễn. Sau vài lần bị vật xuống đất, chú lợn yêu quý của chúng tôi không kêu được một tiếng nào nữa. Chú thở hộc lên vài cái rồi nằm ngay đơ, hết thở. Chú bộ đội mặt tái mét, luôn mồm xỉ vả bọn tù là đồ ăn hại, làm chết lợn của trại. Chưa biết tính sao thì may quá, có một bản Mường gần đó, thế là cả bọn khiêng ngay vào để xử lý. Một màn thương lượng chớp nhoáng xảy ra giữa bộ đội và nhân dân. Cuối cùng đi đến thỏa thuận là nhân dân ta sẽ mổ xẻ lợn từ A tới Z, chỉ lấy công là bộ đồ lòng và tiết lợn, trừ tim gan phải đem về nộp cho trại. Sau đó tù và nhân dân anh hùng hợp tác để thực hiện ca mổ thế kỷ. Người kiếm củi nấu nồi nước sôi to chà bá, kẻ thì lấy dao chọc tiết lợn. Việc chọc tiết phải nhờ tài nghệ của nhân dân vì tù binh xưa là sĩ quan, đã có bao giờ làm đâu mà biết. Cạo lông và xẻ thịt cũng do nhân dân ta đảm nhận. Đến 12 giờ mọi việc tạm xong, mọi người tề tựu đông đủ để dùng bữa trưa trong tinh thần tù với nhân dân cùng làm cùng ăn, hết sức vui vẻ. Quả thật đây là một bữa ăn nhớ đời của tù, được ăn lòng với tiết lợn thoải mái, no nê. Dùng bữa xong anh bộ đội không cho nghỉ bắt phải đi ngay vì đã trễ, sợ về không kịp. Lúc này lợn đã được xẻ ra làm 4 phần, cứ 2 anh khiêng 1 phần nên hết sức thoải mái dễ dàng. Anh em tù mệt quá nên chẳng còn tinh thần đâu mà ngắm gái Mường, cứ cắm đầu cắm cổ đi cho mau về trại để nghỉ. Mãi đến hơn 5h chiều mới về gần tới trại, có một số anh em được trại cử ra đón, khiêng dùm về. Bọn tôi mừng quá giao ngay cho các anh để về tắm rửa, nghỉ ngơi. Quả thật đây là một ngày quá mệt nhọc. Nhưng bù lại được một bữa ngon lành thì cũng đáng. Và vì tội làm chết lợn, Quản giáo đã gọi phái đoàn lên để cảnh cáo, nào là thiếu tinh thần trách nhiệm, cần phải rút kinh nghiệm để sau này làm tốt mọi công tác được giao. Tù binh vâng dạ như máy, hứa sẽ rút kinh nghiệm lần sau. Tôi thừa biết chẳng qua lợn chết thì các Quản Giáo mất món tiết canh lòng lợn nên bực mình chứ có con mẹ gì lớn lao đâu.Về đến phòng giam, chúng tôi vừa kể cho các bạn về chuyến đi dã ngoại, vừa thêm mắm thêm muối về các em gái Mường nhất là bữa trưa thịnh soạn, khiến các bạn cứ vểnh tai, há hốc mồm mà nghe rồi tiếc rẻ vì không được tham dự. Cuối cùng mệt quá tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong giấc mơ tôi thấy cái đầu lông lá với hai cái nanh nhọn hoắt của con lợn đang nhe ra, lao về phía tôi làm tôi hết hồn, giựt mình tỉnh giấc. Ôi, một kỷ niệm vui của đời tù binh tới chết tôi cũng không thể nào mà quên được!?