Khai thác cát ở đồng bằng sông Cửu Long

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-10-09
                                                                Nghe AudioPhần âm thanh Tải xuống âm thanh
sannd-620.jpg

Khai thác cát trên sông cửu Long

Trong thời gian mười năm trở lại đây, nạn khai thác cát hoành hành đã nhanh chóng biến các dòng sông vốn hiền hòa và trữ tình ở khu vực Tây Nam Bộ trở nên dữ tợn, nhiều gia đình điêu đứng vì xói lở. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi sự đều trở nên hỗn loạn bởi nạn khai thác cát có phép và nạn khai thác cát trộm. Nhiều hecta đất trên bờ bị đổ xuống sông mang theo nhà cửa, ruộng vườn chỉ sau một đêm đều do nạn khai thác cát mà ra.
Khai thác cát có phép
Một người dân ở cù lao Bình Thủy, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh, An Giang, tên Cung chia sẻ: “Ở vùng này thì bị cấm tuyệt đối nên không khai khác được nhưng mà nó khai thác lậu, nó khai thác lén vì lợi nhuận cao quá. Như nó hút một xà lan là nó lời từ 7 triệu đến 10 triệu, một ngày có thể khai thác 2 xà lan. Nó khai thác bằng máy hút, nó hút rồi nó đổ lên xà lan. Nó hút ở giữa sông nên bị bọng hai bên hông, dần dần nó sụt xuống.”
Theo ông Cung, hiện nay, cù lao Bình Thủy đã bị sạt lở nặng nề, mặc dù người dân cố gắng gìn giữ, canh từng giờ từng phút để chống lại những kẻ khai thác cát quá gần bờ nhưng điều này không cứu được hàng chục hecta đất bị sạt lở do nạn hút cát.
Vấn đề đáng bàn ở đây chính là những kẻ hút cát, gây tổn hại cho người dân cù lao Bình Thủy không hề có bất cứ động thái nào cho thấy họ chịu trách nhiệm về sự tổn thất của bà con. Không những thế, họ càng tiếp tục khai thác mạnh tay hơn và gần bờ hơn, nếu có cơ hội thì họ tiến sát bờ để khai thác cát. Và mỗi một nhát múc cát của họ cũng đồng nghĩa với cái hố tử thần có thể lôi tuộc một căn nhà hay một khu vườn nào đó xuống sông càng thêm rộng ra, sâu hoắm.
Bởi vì họ có giấy phép khai thác cát, như công ty cố phần Xáng cát An Giang hay công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Tân Lê Quang đều được nhà nước cấp phép khai thác cát theo chỉ tiêu mỗi năm vài trăm trăm ngàn mét khối cát. Và một khi nhà nước cấp phép, họ có đóng thuế thì người dân không thể nào ngăn cản họ được.
Tuy nhiên, thay vì khai thác đúng như trong giấy phép thì hầu hết các công ty khai thác cát đều khai thác gian lận, thay vì khai thác với cự ly cách bờ ít nhất là 200m, các công ty này đã nhiều lần đưa xáng cạp và sà lan vào sát mép cù lao để khai thác. Bà con cũng nhiều lần nhờ nhà cầm quyền địa phương can thiệp nhằm đảm bảo đời sống của mình được an toàn nhưng hầu như mọi đơn thư kêu cứu của bà con đều không có hồi đáp.
Mãi cho đến khi nhiều ngôi nhà bị kéo tuột xuống sông Hậu, nhiều khu vườn mất dấu, bà con phải tự đứng lên đấu tranh bằng cách bơi xuồng ra ngăn cản các công ty này khai thác cát gần bờ. Nhưng đây chỉ là giải pháp đối phó tình thế, mối nguy vẫn treo lơ lửng trên cù lao Bình Thủy.
Ông Cung cho rằng rõ ràng ở đây có một sự bất minh trong quản lý nhà nước, những cơ quan có chức năng trong vấn đề khai thác cát như cơ quan tài nguyên và môi trường đã không làm việc đúng trách nhiệm của họ, cố tình bỏ lơ để các doanh nghiệp tác oai tác quái.
Và sâu xa hơn, ông Cung cho rằng chắc chắn các công ty khai thác đã đi đêm với cán bộ tài nguyên và môi trường, đã chung chi đầy đủ cho cán bộ của cơ quan này nên họ làm thinh, bỏ mặc bà con chịu khổ và họ lượm tiền phía công ty. Đó là chưa muốn nói đến chuyện họ đã mượn tay bà con nhân dân trên cù lao Bình Thủy để làm thay việc cho họ.
Nghĩa là thay vì nghĩ đến mối nguy sạt lở của bà con, các cán bộ tài nguyên môi trường đã ăn tiền phía công ty khai thác, để họ thả sức múc cát, hút cát gần sát cù lao Bình Thủy, nơi có mỏ cát xếp vào hàng tốt nhất khu vực Tây Nam Bộ. Sau đó, họ mượn tay bà con nhân dân cù lao Bình Thủy để điều tiết việc hút cát thay vì họ phải đứng ra làm việc này.
Nhìn chung, giữa cán bộ tài nguyên môi trường và những chủ khai thác cát có mối quan hệ cùng một giuộc, cùng ăn chia lợi lộc, miễn sao bà con không lên tiếng, khi nào bà con lên tiếng phản đối thì nhóm cán bộ này lại diễn một vở cải lương truy quét kẻ khai thác cát để xoa dịu bà con. Mọi chuyện cứ như thế lòng vòng cho đến khi cát không còn nữa, bà con mất nhà, mất vườn tược thì ngửa cổ lên trời mà kêu đau.
a1-400.jpg
Khai thác trên cù lao Bình Thủy, An Giang
Nạn sa tặc
Một người nông dân tên Lợi, ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, chia sẻ thêm: “Một dòng sông nó chảy, họ hút cát thì dưới đáy nó sẽ bào dần, nó lấy từ hai bên mé nó bù xuống. Có khi nó sụt hai trăm, ba trăm mét, có khi năm trăm mét. Thiệt hại nhà cửa người ta dữ lắm, trong vòng 5 đến 10 phút là sụt xuống chỉ còn thấy cái nóc nhà thôi. Có khi cái nhà của mình nó bị sụt hơn nửa cái nhà, còn lại bị gãy giữa vậy, bỏ luôn. Long Xuyên, Cần Thơ, Hậu Giang gì cũng thế luôn.”
Theo ông Lợi, không riêng gì sông Tiền hay sông Hậu bị nạn khai thác cát tùng xẻo, gây thương tích mà hầu hết các con sông trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đều bị nạn khai thác cát hoành hành. Bởi khu vực đồng bằng Sông Cửu Long là cái vựa cát của thời đại sốt địa ốc và dịch vụ xây dựng địa ốc cho cả miền Nam, kể cả Sài Gòn và các tỉnh lân cận phía Nam.
Chính vì nguồn cát tương đối sạch, hạt lớn, không bị nhiễm mặn ở đây mà các mũi dùi khai thác từ có phép cho đến khai thác trộm đều nhắm vào đây. Nếu như kẻ khai thác có phép đã khai thác gian lận, gây nguy hại đến đời sống hai bên bờ sông bao nhiêu thì những kẻ khai thác trộm cát lại bất chấp mối nguy của bà con, miễn sao họ lấy được cát, thu được lợi là họ làm.
Và cũng bởi cơn sốt xây dựng, sốt nhà đất cách đây vài năm đã ấn định giá cát cao ngất ngưỡng nên dịch vụ khai thác cát vốn dĩ là loại hình siêu lợi nhuận. Một chiếc tàu nhỏ chở chừng một trăm khối cát đi từ miền Tây lên Sài Gòn, sau khi chung chi cho cảnh sát giao thông đường thủy, chi phí xăng cộ và các đoàn kiểm tra nhà nước đột xuất, chủ tàu kiếm được ít nhất cũng mười triệu đồng. Thời gian cho một chuyến tàu chở các đi và về chưa đầy ba ngày. Như vậy, chu kì ba ngày thu vào mười triệu đồng đã hấp dẫn các tàu hút cát trộm liên tục xoay vòng bởi mỗi tháng kiếm được ngót nghét trăm triệu đồng không hề nhỏ chút nào đối với người dân nơi đây.
Hiện tại, nạn khai thác cát có phép nhà nước và khai thác trộm cát đã nhanh chóng biến các con sông ở đồng bằng Sông Cửu Long trở nên dữ tợn, thay đổi dòng chảy và có thể nuốt bất kỳ khu vườn, căn nhà nào ven bờ xuống dòng chảy cuồn cuộn của nó. Đây không còn là chuyện kinh tế hay xã hội nữa, mà là vấn đề an ninh, đời sống của người dân Tây Nam Bộ.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.