KHẮC TÊN TRÊN BIA TƯỞNG NIỆM (Trần Việt Hải)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tôi lắng nghe anh nói, giọng thâm trầm khắc ghi bao ký ức cũ, bao tình tự quê hương:
“Chúng ta kỳ vọng với sự cảm nhận một cách sâu sắc nỗi đau chung của tâm trạng phải rời bỏ quê hương ra đi tìm Tự Do nơi viễn xứ, chúng ta sẽ tìm thấy nhau trong bản hoài thương yêu trong tình tự Quê Hương Dân Tộc, luôn đặt niềm tin tha thiết đến tương lai của một Đất Nước Tự Do Dân Chủ thực sự.  Không có Tự Do Dân Chủ sẽ không có thịnh vượng và hạnh phúc. Đó là chân lý mở ra cánh cửa tương lai đầy Niềm Tin và Hy Vọng.”

Nhà thơ Thái Tú Hạp nói về chương trình “Lời Nguyện Giữa Biển Đông” tại khách sạn Crowne Plaza tại thành phố Anaheim. Ballroom nơi tổ chức đã có gần 600 quan khách và đồng hương tham dự. Điều này cho thấy sự quan tâm của Dự Án Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân, dù sao với nhiều người thì sự vượt biên trốn thoát nơi mình cư trú là kỷ niệm đớn đau và khó quên. Giai đoạn khắc tên trên bức tường đá hoa cương là giai đoạn chính yếu vì trung tâm của dự án là khắc ghi tên của những nạn nhân tử nạn trên đường vượt biển, vượt biên.

Nhà thơ Thái Tú Hạp nói tiếp:

“Hiện nay, chúng tôi đang bước vào giai đoạn là bức tường khắc tên phương danh những thuyền nhân và bộ nhân tử nạn trên đường tìm Tự Do được thân nhân gởi về trong thời gian qua, và hoàn chỉnh theo thiết kế dự án để chuẩn bị tổ chức Lễ khánh thành vào cuối năm nay.”

Chương trình gây quỹ để xây dựng tượng đài trong buổi dạ tiệc phải nói là khi thi thật cảm động như đoạn chiếu khúc phim cứu người vượt biển hay lời ca của nhạc sĩ Việt Dzũng qua bài “Lời Nguyện Giữa Biển Đông”, và khi thì thật hào hứng chân tình như phần trình diễn sống động của các ca sĩ Anh Dũng, Doanh Doanh, Nguyên Khang, Diễm Liên, Minh Thông…

Tôi nhận xét nhiều người đã rơi lệ khi quan sát khúc phim tài liệu do Trung Tâm Asia cung cấp từ nguồn tài liệu của Hải quân Mỹ. Những chiếc thuyền mong manh chở đầy thuyền nhân bị sóng bão đánh chòng chành giữa đại dương bao la. Đồng  bào trong nỗi lo âu hoảng sợ thì được tàu lớn đến cứu vớt họ. Còn nỗi vui mừng nào hơn với nước mắt chan hòa. Việt Dzũng cất tiếng hát bài ca bi ai “Trần Huê Huê”, chuyện kể rằng có cô gái vượt biên phải ăn thịt đồng loại trên chuyến hải hành gian truân, cô trở nên điên loạn khi lên đất liền. Việt Dzũng cũng đưa cử tọa qua lời ca thống thiết và âm vang tuyệt vọng của bản nhạc Vĩnh Điện, phổ thơ Thái Tú Hạp:

“Đêm lặng lẽ thuyền đưa ra biển

tôi lắng nghe tan nát cõi lòng đau

Biển khơi sâu hiu hắt lạnh giá

biển bao la tối tâm tuyệt vọng…

Biển sóng đừng xô nhau chìm sâu đáy

đừng xé em tôi từng mảnh tả tơi

Em chỉ là cánh hoa mong manh thánh thiện

em hồn nhiên trinh trắng thơ ngây dịu hiền

Tiếng Mẹ khóc gào to hơn sóng thét

cuộc chia ly bi thảm ngút trời cao

Biển ơi hãy dừng cơn thịnh nộ

đưa ta đến bến bờ ước mơ…”

(“Lời Nguyện Giữa Biển Đông”)

Chương trình gây quỹ thật hào hứng qua 4 MC Minh Phượng, Việt Dzũng, Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Trịnh Hội. Người ta biết Trịnh Hội qua một thời gian dài hoạt động giúp đỡ thuyền nhân bên Phi Luật Tân, người biết Trịnh Hội là luật sư học từ Úc, người ta cũng biết Trịnh Hội làm emcee trên sân khấu, nhưng trong đêm dạ tiệc gây quỹ tại Crowne Plaza Trịnh Hội đã cất tiếng ca. Anh ca khá nhuyễn mang ân hưởng của nhạc sĩ  Phan Văn Hưng, qua bài hát cho thuyền nhân, tôi chợt nhớ đến dĩa  CD “20 Năm” mà anh chị Phan Văn Hưng – Nam Dao biếu tôi khỏang 10 năm rồi:

“Buồm của anh rách nát

Bởi bao đợt sóng nhồi

Thì xin anh hãy vá

Bằng những miếng da tôi

Ngòi của anh đã gẫy

Hãy mài trên xương tôi

Chấm máu tôi mà viết

Về lương tâm con người

Dù đêm trăng không lên

Nhưng mắt trẻ là sao

Trái tim tôi là bến

Xin anh cứ bơi vào…”

(“Trái Tim Tôi Là Bến”)

“Trái Tim Tôi Là Bến”  là lời thơ của Bắc Phong và nhạc của Phan Văn Hưng, nhạc sĩ Phạm Anh Dũng  đã nhận xét bài hát này như sau:

Đây là tiếng nói từ tim, từ xương máu. Đây như là những lời chúc tụng, những câu nguyện cầu, đã và đang dìu những cánh buồm rách nát trong cơn bão tố đến bờ bến của Tình Thương. Bởi vì, từ mỗi một dập vùi sẽ nẩy ra một niềm tin. Bởi vì, từ mỗi một gục ngã sẽ đem lại một chí quật cường. Để làm gì? Để cho bạo lực, để cho dối trá ngày hôm nay được thay thế bởi lòng bao dung và chân lý của Tình Người”. Vâng lời của Phạm Anh Dũng, của Trịnh Hội hôm nay, của Phan Văn Hưng hôm nào, tất cả đều giống nhau khi bia tượng đá sẽ ghi dấu nỗi nhớ khôn nguôi, bởi  vì “Trái Tim Tôi Là Bến”, để vợ nhìn bia đá nhớ chồng, hay chồng nhìn bia đá nhớ vợ, hoặc mẹ nhìn bia đá nhớ con, hay con nhìn bia đá nhớ mẹ, hoặc em sẽ nhìn bia đá nhớ anh, hay anh nhìn bia đá khóc em,…

Nhà thơ Thái Tú Hạp nói thêm:

“Hơn 30 năm nhìn lại, cho dù Biển Đông đã trầm lắng giông bão hãi hùng thảm khốc, nhưng âm vang của những Thuyền Nhân tử nạn vẫn còn vọng lên những giai điệu u trầm oan nghiệt như những tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá đến nghìn năm. Đứng trước nỗi đau quá vĩ đại, ngôn ngữ đã trở thành vô nghĩa.

Thay mặt Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, chúng tôi chân thành tri ân và cảm tạ sự hiện diện vô cùng quý báu của quý vị trong chương trình “Lời Nguyện Giữa Biển Đông”, thể hiện sự chia xẻ và hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất giúp cho Ủy Ban chúng tôi sớm hoàn tất công trình Tâm Linh và Lịch Sử này.”

Tôi xoay sang hỏi bà Cindy Trần, hiền thê của dân biểu Trần Thái Văn khi nhà thơ phát biểu xong, bà cho biết “Dù ông bà rất trên thủ phủ Sacramento, nhưng cũng bay xuống Nam Cali dự buổi lễ này, vì nó nói lên ý nghĩa cao quý của hai chữ “Tự Do”, bà rất vui sướng hiện diện tại đây”.

Tôi có hỏi cảm tưởng của những tham dự viên cho biết cảm tưởng, phần lớn là cựu thuyền nhân nên họ thông cảm khi chia sẻ nỗi niềm từ kỷ niệm cũ như Hoa Hậu Bích Liên xuống từ San Jose’ cho ý kiến của cô:

“Thưa anh, Bích Liên là một trong những người tỵ nạn bằng đường biển khi còn nhỏ lắm, nhưng vẫn nhớ là trên đoạn đường đi tìm Tự Do, Bích Liên cũng hiểu những thống khổ, những hiểm nguy chỉ vì giá trị của ý nghĩa Tự Do. Trong cảnh tượng hãi hùng, chết chóc của những thuyền nhân từ người già, trẻ đã không may bị chìm sâu vào lòng đại dương, không biết nói gì hơn khi chia sẻ những dòng lệ rơi cho chuyến hành trình mà Bích Liên trải qua như cơn phong ba ác mộng, khi bão tố khắc nghiệt, khi biển dữ gào thét trong ký ức khó phai. Ngày hôm nay Bích Liên có mặt tại đây để cám ơn Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài đã làm một công việc vô cùng hữu ích.”

Bác Sĩ Peter Morita tham dự buổi Dạ Tiệc nhắc nhớ chuyện anh vượt biên:

“Tôi cũng là thuyền nhân vượt biên đến Hong Kong, chuyến hải hành cũng gian lao, tôi góp mặt hôm nay để gặp những đồng hương có những ưu tư chung về những ngày tháng cũ, có người may mắn như gia đình chúng tôi, nhưng cũng nhiều người bất hạnh đã không đạt được ý nguyện tìm 2 chữ Tự Do, khi đáy biển là mồ chôn những người kém may mắn. Tôi rất tán thành việc xây cất bức tượng thuyền nhân.”

Thượng Tọa Thích Viên Lý trụ trì chùa Diệu Pháp cho ý kiến của ngài:

“Là thuyền nhân, khi nghe tin anh chị Ái Cầm và Thái Tú Hạp đề xướng ra kế hoạch Tượng Đài Thuyền Nhân, tôi rất cảm kích vì ý nghĩa cao đẹp của kế hoạch này. Đa số chúng ta phải  rời quê hương hay bỏ xứ ra đi, đều trả một cái giá nào đó cho ý nghĩa của chữ Tự Do, tôi nguyện cầu cho chương trình này thành công mỹ mãn”.

Anh Hồng Thiên Sơn, một thương gia cư ngụ tài Reseda  tham dự nhiều buổi tiệc đóng góp xã hội đã phát biểu cảm tưởng như sau:

“Được tin loan báo trên đài Radio Bolsa về Dạ Tiệc Văn Nghệ “Lời Nguyền Giữa Biển Đông” thì bà xã tôi vội “booked” 2 chổ ngay. Vì chúng tôi quá bận rộn bởi cuộc sống, mà nay có những người mang tấm lòng bao la ra để xây dựng một biểu tượng vô cùng ý nghĩa qua bức tượng thuyền nhân chúng tôi nghĩ tất cả chúng ta tụ tập về đây hôm nay là để cùng nhau đồng ý rằng chúng ta ra đi vì 2 chữ Tự Do và cùng nhau đồng ý đây là một việc làm chung cần được chia sẻ, và chúng tôi cũng là những thuyền nhân vượt biển, mong rằng dự án này được hoàn tất suông sẻ vào cuối năm nay.”

Còn Chánh Án Nguyễn Trọng Nho phát biểu trên sân khấu khi ông nêu cao giá trị “Tự Do” bằng câu nói của nhà chính trị gia có tài hùng biện Patrick Henry của giai đoạn chiến tranh cách mạng Hoa Ky, ông nói là: “Tôi nhớ Patrick Henry đã nói “Cho tôi tự do hoặc là cứ giết tôi đi” (Give me liberty or give me death)… Những người vượt biển và hy sinh trên Biển Đông chúng ta phải xem họ như là những vị anh hùng và họ mang đi mang theo một thông điệp Tự Do”

Tôi rất vui hôm sau ngày Dạ Tiệc tai Crowne Plaza, ca sĩ Anh Dũng trả lời tôi khi tôi hỏi anh về cảm nghĩ của anh, anh quá bận rộn trên sân khấu nên sau đó anh email cho tôi nhiều ý tưởng của người nghệ sĩ luôn luôn sát cánh với những chương trình cứu giúp xã hội, anh viết:

“Từ mấy tuần trước đây, khi được Thi sĩ Thái Tú Hạp gọi điện thoại nhắc nhớ về ngày giờ tổ chức chương trình “Lời Nguyện giữa biển Đông”, tôi cứ thầm lo, vì trong cuối tuần đó, sẽ có nhiều show ca nhạc lớn diễn ra trong vùng, nào là chương trình thâu hình của trung tâm Thúy Nga, hai suất ngày thứ Bảy, rồi lại tới chương trình nhạc thính phòng tại Majestic chiều Chúa Nhật cùng ngày, chưa kể nhiều sinh hoạt của các hội đoàn, đoàn thể…

Vậy mà số người đến đông đảo tham dự bữa tiệc gây quỹ buổi chiều Chúa nhật hôm qua, thật sự làm tôi xúc động.

Thật ra thì sự xúc động của riêng tôi đối với những sinh hoạt cộng đồng tại Orange County hay bất cứ địa phương nào ở Hoa Kỳ mà tôi đã có dịp tham dự, lúc nào cũng vậy, cũng là một an ủi ấm áp tình đồng hương, một phấn khích đầy tự hào tình đoàn kết giữa những con dân Việt xa quê hương, hay một khí thế hừng hực lửa đấu tranh của những người không khuất phục Cộng Sản.

Tôi may mắn đến Hoa Kỳ bằng con đường nhẹ nhàng nhất, bình yên nhất qua chương trình ODP, được bay thẳng từ Saigon đến San Francisco vào những ngày gần Christmas năm 1991. Làm sao tôi có thể hình dung được hết những thảm cảnh mà các thuyền nhân phải chịu trên bước đường vượt biển tim Tự Do; cho dù cũng đã nghe rất nhiều từ những làn sóng phát thanh Việt Ngữ của cac đài BBC, VOA những ngày con kẹt lại, hoặc qua những câu chuyện truyền tai nhau về những thảm họa xảy đến cho đồng bào minh…Chỉ sau khi đặt chân tới Hoa Kỳ, có nhiều cơ hội được tiếp xúc với những nỗi đau ấy một cách cụ thể hơn qua cac phương tiện truyền thanh truyền hình bao chí hải ngoại, hoặc trực tiếp với cac nhân chứng sống, tôi dần dần thấu hiểu và thông cảm nhiều hơn trước những nỗi đau, những mất mát to lớn ấy.

May mắn được tham gia vào các chương trình gây quỹ xây dựng tượng đài tưởng niệm thuyền nhân mất tích trên biển từ những ngày đầu, tôi thầm cảm ơn và cảm phục Ban Tổ Chức cùng những anh chị em khởi xướng cho chương trình này, một việc làm mang nhiều ý nghĩa to lớn.

Tượng đài này, trước hết, sẽ giúp cho tất cả chúng ta, những người Việt tị nạn Cộng Sản không bao giờ được quên những nguyên nhân đã đưa đẩy hàng triệu người Việt lao đầu ra biển, lao đầu vào những bất hạnh rủi ro không lường trước, thậm chí vào chết để đổi lấy Tự Do.

Tượng đài này, là một dấu tích lịch sử, đánh dấu một giai đoạn đau thương đầy nước mắt của những người Việt yêu chuộng Tự Do, không chỉ riêng cho cộng đồng người Việt, mà còn là một nhắc nhớ lương tâm cho tất cả những người yêu chuộng Tự Do khắp thế giới.

Tượng đài này, là một công trình thật cần thiết để những thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở hải ngoại hiểu được những thảm họa đã xảy ra cho Dân Tộc, cho Đất Nước, cho Gia Đình mình.

Hôm nay, công trình đã kể như hoàn tất phần căn bản, thế nhưng thiết nghĩ, tất cả chúng ta, những người Việt tha hương, tất thảy đều có bổn phận vun đắp tiếp tục để hình ảnh và ý nghĩa của Tượng đài tưởng niệm thuyền nhân này có cơ hội tiếp cận với người Việt khắp thế giới và những bạn bè Ngoại quốc của chúng ta, hầu giúp tất cả mọi người ổn định chính kiến của mình.

Xin kính gửi đến Ban tổ chức, những người đã khởi xướng và thực hiện tượng đài những đóa hồng đẹp nhất.”

 Tôi muốn kế thúc bài viết cũng ý tưởng của nhà thơ Thái Tú Hạp là:

“Thời gian rồi sẽ trôi qua, nhưng chính sự kiện lịch sử kinh hoàng bi tráng kia là một hiện thực của hàng triệu người không thể sống trên mảnh đất thân yêu dưới chế độ Cộng Sản, chọn con đường “một sống chín chết” ra đi, mang theo thông điệp đầy ý nghĩa của Tự Do cao quý. Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân lưu lại cho các thế hệ mai sau thấu hiểu nguyên nhân sâu xa tại sao cha ông phải bỏ nước đến định cư nơi xứ sở này. Và nhất là cái giá Tự Do trả bằng máu và nước mắt của hàng mấy trăm ngàn người Việt Nam tử nạn trên Biển Đông đã làm cho thế giới bàng hoàng xúc động, công nhận hiện tượng Thuyền Nhân là một thảm trạng lịch sử của nhân loại vào cuối thế kỷ 20.”

Được biết Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân xin kêu gọi mọi người chẳng may có thân nhân đã bỏ mình trên đường tìm Tự Do, xin hãy gởi tên họ cũng như chi tiết phỏng định ngày mất tích để Ủy Ban cho khắc tên họ vào Bia Tưởng Niệm. Chi tiết nên gởi càng sớm càng tốt. Mọi thắc mắc xin liên lạc về:

Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân

Số điện thoại:(626) 288-2696,

hay số điện thư: (626) 288-2033

hoặc email: sgtimes@aol.com.

Địa chỉ cho thư từ:

9234E. Valley Blvd., Rosemead, CA 91770.