KHA TƯ GIÁO – NGƯỜI CHIẾN SĨ BẤT KHUẤT CỦA TỰ DO (Trần Văn Giang/SaiGonTrongToi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 1 person and text that says "Sài Gòn trong tôi SV CTKD Kka Tu Giáo"

“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng, hào kiệt, có hơn ai”
(Phan Bội Châu) 
Lời người viết – Gần đây truyền thông và báo chí của người Việt hải ngoại đã tốn rất nhiều thời giờ, công sức, dài dòng về sự vô liêm sỉ, bất xứng, trở cờ của một số người sống đời tị nạn ở hải ngoại. Thay vì cất công bận tâm đến họ, chúng ta hãy dành chút ít thời giờ quí báu để nhắc nhở, tưởng nhớ và tri ân các chiến sĩ VNCH (hầu như vô danh) đã sống bất khuất, cuối cùng đã chọn cái chết (vinh) hơn sự sống nhục. Các chiến sĩ bất khuất như Ngô Nghĩa, Kha Tư Giáo…
Bài này viết về chiến sĩ Kha Tư Giáo theo lời thuật lại của một đồng môn với người viết. Anh đã là bạn tù của Kha Tư Giáo kể từ ngày cùng đi trình diện (để đi gọi là “học tập cải tạo!”) tại trường Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn ngày 28 tháng 5 năm 1975 cho đến khi Kha Tư Giáo chết ở Long Giao, Long Khánh và khoảng tháng 6 năm 1976.
Kha Tư Giáo tốt nghiệp Khóa I – Trường Chính Trị Kinh Doanh Ðà Lạt, nhập ngũ (Khóa 9/68 Thủ Ðức) và biệt phái về làm cho Kỹ Thương Ngân Hàng ở Sài Gòn. Năm 1975, Kha Tư Giáo khoảng độ 30 tuổi mang cấp bậc cuối cùng, trước ngày tan hàng 30/4/1975, là Thiếu Úy.
Kha Tư Giáo người cao ráo, trắng xanh theo kiểu nhân viên văn phòng và có dáng dấp thư sinh tương tự như hình ảnh “anh chàng văn sĩ” trong trại tập trung của Ðức Quốc Xã mà chúng ta thấy trong phim “Giờ Thứ 25” của nhà văn người Romania – C. Virgil Gheorghiu. Kha Tư Giáo là một người trầm ngâm, ít nói. Nhưng khi nói thì rất rành mạch, đúng sách vở. Kha Tư Giáo cũng là một người bạn tốt, sòng phẳng và sẵn sàng giúp đỡ các bạn tù khác.
Theo lệnh của bọn phỉ quyền Hà Nội, Kha Tư Giáo đi trình diện tại trường Ðại Học Kiến Trúc Sài Gòn ngày 28 tháng 5 năm 1975. Vào đêm 28 tháng 5 năm 1975, Kha Tư Giáo và các Sĩ Quan VNCH khác đã trình diện tại trường Ðại Học Kiến Trúc Sài gòn trong hai ngày 27 và 28 tháng 5 năm 1975 được chuyển đến “Thành Ông Năm” ở Bùi Môn, Hóc Môn bằng xe Molotova.
Kha Tư Giáo bị giữ ở trại T2-L19 tại Bùi Môn từ ngày 28 tháng 5 năm 1975 cho đến cuối năm 1975. Anh Giáo và các tù nhân Sĩ Quan VNCH được bọn cộng phỉ dùng tầu đổ bộ cũ của HQ VNCH (HQ 504?) chở ra đảo Phú Quốc, Dương Ðông. Tất cả tù nhân đặt chân lên đảo Phú Quốc đúng vào chiều ngày 30 Tết Bính Thìn 1976.
Thời bấy giờ, Kha Tư Giáo có một người chú ruột là Kha Tư Ân làm Thứ Trưởng Bộ Công Nghệ Nhẹ của chính quyền CS Hà Nội. Người chú này đã có lần viết thư cho Kha Tư Giáo nhắn nhủ là: “Cháu cứ nhận tội (làm tay sai Mỹ, chống lại CS) thì bọn chúng (cán bộ quản giáo – cai tù cải tạo) sẽ cho về.”
Người em ruột của Kha Tư Giáo là Kha Tư Huấn, mang cấp bậc Trung úy, đã nghe theo lời chú nhận tội (!)như vậy, chỉ bị tù một năm rồi được CS thả về. Kha Tư Giáo cương quyết nhất định không bao giờ nhận bất cứ tội gì; mặc dù chính ngay các cán bộ quản giáo đã nhiều lần khuyên Kha Tư Giáo cứ “nhận tội” thì sẽ cho về. Ðã không nhận tội, Kha Tư Giáo còn nói với cán bộ quản giáo là:
“Tôi không có thân nhân nào làm việc với CS cả!”
Và tiếp theo là:
“Nếu thấy tôi có tội thì cứ đem ra bắn; còn thấy tôi không có tội thì phải thả tôi ra tự do!”
Sau đây là một số tranh luận với quản giáo CS mà tôi xin ghi lại qua lời kể của ông Nguyễn Tất Ðắc (cựu KQ VNCH), một bạn tù khác của Kha Tư Giáo ở Thành Ông Năm:
(Trích)
… Anh Giáo người rất cao ráo khỏe mạnh, qua cặp kính trắng ra dáng là một nhà trí thức. Sở dĩ anh Giáo đã để lại nhiều ấn tượng với tôi vì sau khi làm những việc lao động như mọi người, anh thường mắc cái võng ở một xó; rồi qua cặp kính trắng, anh nằm đăm chiêu tư lự như không muốn nói chuyện với ai. Sau đó toàn trại đều biết đến anh vì anh dứt khoát không bao giờ nhận có tội với “cách mạng.” Ít lâu sau, anh Giáo được chuyển sang đội của tôi; do đó tôi và các bạn khi họp trong đội thường xuyên được nghe anh Giáo đấu khẩu bốp chát với tên cán bộ phụ trách khiến trên thành ủy phải đưa cán bộ thứ dữ đối thoại tay đôi với anh Giáo. Mặc dù hai người nói chuyện ở ngay trong phòng, xong chúng tôi đều lảng ra chỗ khác nhưng liếc thấy anh Giáo mặt mũi đỏ gay và cả hai người một đôi khi rất lớn tiếng với nhau nên chúng tôi cũng đoán là tên cán bộ đó chẳng thể nào khuất phục để anh Giáo phải nhận tội.
Ðây là những lời đối thoại bốp chát trong những giờ học tập trong đội tôi giữa anh Giáo và các tên cán bộ khiến cho chúng phải cứng họng.
Một tên cán bộ đang thao thao đề cao những ưu việt của xã hội chủ nghĩa thì anh Giáo giơ tay xin phát biểu:
“Cán bộ đề cao xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi nghe thấy khó hiểu và cao xa quá xong thực ra chúng tôi không cần biết mà cũng không cần hiểu làm gì. Dân miền nam chúng tôi chỉ đơn giản hiểu cái chủ nghĩa nào mang lại cơm no áo ấm hạnh phúc cho người dân đó mới là chủ nghĩa ưu việt mà thôi.”
Một lần khi lên lớp trong đội của tôi tên cán bộ nói:
“Các anh ráng học tập tốt để về chứ nhà nước đâu có cơm gạo nhiều để nuôi các anh.”
Thấy anh Giáo giơ tay xin phát biểu. Tên cán bộ phải miễn cưỡng để cho anh Giáo nói:
“Cách mạng bảo chúng tôi đi học 10 ngày mà cho đến nay đã mấy tháng rồi vẫn giữ chúng tôi lại chưa cho về; nay lại nói là không có cơm gạo để nuôi chúng tôi là làm sao?”
Tên cán bộ sửng cồ:
“Ai nói với các anh là chỉ đi học tập có 10 ngày?”
Anh Giáo:
“Một lời nói của các mạng để 99% người dân hiểu lầm vậy thì đó là lỗi của người dân hay của cách mạng?”
Tên cán bộ bị cứng họng mặt mũi đỏ gay tức tối.
Và đó cũng là lý do trên thành ủy đã phải cử 1 tên cán bộ xuống đấu lý với anh Giáo và qua chuyện “có tội hay không có tội”
(hết trích)
Vì cãi không lại các lý luận của Kha Tư Giáo, tên cán bộ quản giáo phải mời tên chính ủy của trung đoàn xuống để “góp ý” và tranh luận với Kha Tư Giáo.
Ðáng nhớ nhất trong tâm trí của các tù nhân Sĩ Quan VNCH tại trại Bùi Môn là sau vụ “góp ý” của tên chính ủy trung đoàn với Kha Tư Giáo không đi đến đâu cả, một tên cán bộ quản giáo nói với Kha Tư Giáo:
“Bây giờ tôi nói chuyện với anh như hai người ngang hàng. Anh định nghĩa cho tôi biết thế nào là tự do?”
Kha Tư Giáo trả lời ngay:
“Anh là kẻ chiến thắng, tôi là người thua trận, không bao giờ có thể có chuyện ‘nói ngang hàng với nhau’ được. Còn anh hỏi tôi ‘định nghĩa thế nào là tự do’ thì tôi không định nghĩa được vì nghĩa của chữ tự do quá rộng. Nhưng mà khi tôi bị mất tự do là tôi biết liền.”
Tên quản giáo chỉ còn nước lắc đầu và bỏ đi.
Tại Phú quốc, Kha Tư Giáo bị giữ ở “nhà số 2” trong trại Cầu Sấu. Trại này là trại cuối cùng từ Dương Ðông đi vào. Trong giai đoạn này sức khỏe của các người tù nói chung xuống dốc rất mau vì vấn đề ăn uống rất thiếu thốn, sự kiểm soát, kiểm thảo chặt chẽ của bọn cộng phỉ.
Ðây cũng là giai đoạn mà Kha Tư Giáo phản kháng CS mạnh mẽ nhất. Kha Tư Giáo luôn luôn tuyên bố trong các buổi học tập, kiểm thảo là mình “chẳng có tội gì cả” và liên tục “đề nghị” là “nếu có tội thì cứ việc đem ra bắn ngay!”
Trong trại tù, bọn cộng phỉ luôn hô hào, luôn tuyên truyền khẩu hiệu láo phét: “Lao động là vinh quang.” Một hôm, Kha Tư Giáo bị đau răng, khai bịnh và xin nghỉ lao động nhưng cán bộ quản giáo không cho, vẫn bắt anh đi lấy củi như mọi người. Trên đường về, anh chỉ vác một khúc củi to bằng chiếc đòn gánh. Một tên bộ đội bắt anh phải đổi một khúc cây to hơn. Kha Tư Giáo trả lời:
“Hôm nay tôi bịnh. Xin nghỉ các anh không cho; nên tôi làm như các anh nói ‘làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu.’ Tôi vác khúc cây này là đúng sức của tôi rồi.”
Tên bộ đôi láo xược nhất định bắt Kha Tư Giáo phải vác nhiều hơn, thì anh cũng nhất định không chịu tuân lệnh. Tên này bèn lên đạn súng AK, chĩa súng vào người anh hăm dọa sẽ bắn nếu anh không tuân lệnh. Kha Tư Giáo bình tĩnh tháo kiếng cận ra và chỉ ngón tay vào mặt của mình rồi nói với tên bộ đội:
“Anh hãy bắn vào đây này!”
Tên bộ đội giận run, chĩa súng lên trời bắn cả băng đạn AK mà không làm gì được anh. Câu chuyện này được đã được dân chúng ở Cầu Sấu kể, truyền lại cho các trại tù khác ở Dương Ðông, Phú Quốc. Kể từ hôm đó, bọn cộng phỉ tiểu nhân hèn hạ bắt đầu “chiếu cố” Kha Tư Giáo mạnh mẽ hơn.
Anh em trong trại tù đều biết rằng chẳng thà đi ra ngoài trại lao động còn hơn bị bắt ngồi ở trong tại học tập và viết tờ nhận tội. Vì sự chống đối không ngừng của Kha Tư Giáo, bọn cán bộ quản giáo trại bắt tất cả tù VNCH mỗi tháng học tập một lần để “giúp đỡ” (lời của tên cán bộ quản giáo trại) Giáo ra nhận tội của mình. Anh em tù ai cũng thấy ngại cho Kha Tư Giáo. Có người nói:
“Thôi! Giáo nhận tội đại đi để được chóng thả về.”
Anh Giáo chỉ nhìn anh em tù mà không trả lời.
Lần “góp ý” cuối cùng tại Phú Quốc vào khoảng giữa tháng 5/1976. Sau 1 tuần lễ cả trại học tập “góp ý” để khuyên Kha Tư Giáo ra nhận tội của mình, cuối cùng mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi thấy anh giơ tay xin phát biểu.
Sau khi đứng lên, sửa quần áo cho ngay ngắn, chỉnh lại cặp kính cận cho thẳng thắn, anh chậm rãi nói:
“Trước hết, xin cám ơn các bạn đã ‘góp ý’ cho tôi cả tuần nay; và bây giờ tôi nhận ra là tôi có một tội (nghe đến đây, tù nhân ai cũng thở phào vì sẽ sớm chấm dứt cảnh học tập; còn tên quản giáo thì miệng nở nụ cười chiến thắng). Cái tội của tôi là ‘Tôi đã không thể nói cho các bạn hiểu là TÔI KHÔNG CÓ TỘI.’”
Ðám tù nhân cười ồ lên. Còn tên cán bộ quản giáo thì đã tắt ngay nụ cười.
Ngay sau đó, trong một cuộc kiểm soát trại, tên trại trưởng đã nói điều gì đó xúc phạm đến anh, anh quay đi và nhổ nước bọt xuống đất. Thế là anh bị đem đi biệt giam. Kha Tư Giáo bị nhốt theo kiểu chuồng cọp (ngồi không được mà đứng cũng không được, chỉ có một cách là nằm, nhiều lắm là co chân).
Anh bị nhốt ở một chuồng kẽm gai bên cạnh trại, trên bãi đất trống trải. Phía trên chuồng có che mái sơ sài, bốn bên trống lốc. Cát, gió và kiến lửa tha hồ ùa vào. Khí hậu thì ngày nóng đêm lạnh. Suốt cả đêm, anh chỉ liên tục gào thét lên một câu trong bài hát “Ðêm nguyện cầu” của Lê Minh Bằng:
“Thượng đế hỡi có thấu cho Việt Nam này…
Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối!”
Kha Tư Giáo cứ la hét như thế cho đến khi khản hết tiếng tăm. Anh cũng luôn miệng kêu khát “Nước! Nước!” Nhưng bọn cán bộ quản giáo tàn ác man rợ chỉ cho nước khi cho anh ăn. Anh lại phản đối tuyệt thực luôn.
Giai đoạn này các trại giam ở Phú Quốc có lệnh của bọn cộng phỉ phải di chuyển tù vào đất liền (vì CS đang có chiến tranh với Khmer đỏ). Kha Tư Giáo đã kiệt sức. Lúc chuyển trại, phải có bạn tù xốc nách dìu anh đi bộ suốt 7 cây số từ trại Cầu Sấu ra bến cảng.
Trên tầu HQ 403, mặc dầu đứng không vững, nhưng anh vẫn bị còng tay bằng còng số 8 vào thành tầu. Còng sắt hoen rỉ đã cắt da thịt của anh sát đến tận xương trắng. Hai chân anh bị cùm bằng 2 thanh gỗ có khoét lỗ hình bán nguyệt kẹp vào nhau. Tầu HQ 403 (?)đã đưa tù nhân về lại bến Tân Cảng Sàigòn sau 2 ngày, và cuối cùng tất cả được đưa về Long Giao (Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh – hậu cứ và Trung Tâm Huấn Luyện cũ của SÐ 18 BB).
Khi đến Long Giao thì Kha Tư Giáo chết vì hoàn toàn kiệt sức. Cuối năm 1976, gia đình Kha Tư Giáo ở Sài Gòn đã có lên thăm mộ của Kha Tư Giáo mà anh em bạn tù đã thu xếp chôn cất cho anh ở Long Giao.
Anh Kha Tư Giáo,
Chúng tôi xin thay mặt cho những người còn sống sót hôm nay, thay mặt cho những người không có được cái khí phách oai hùng bất khuất của anh, xin thắp lên một nén hương cầu nguyện cho linh hồn anh được ngàn thu an nghỉ. Cuộc đời vốn dĩ đã là bể khổ. Nhưng không có bể khổ nào có thể so sánh với cái địa ngục trần gian mà CS đã và đang dùng để đày đọa anh và dân tộc Việt Nam.
Lich sử nhân loại đã nhiều lần chứng minh là bạo lực không thể tồn tại mãi được. Anh đã sống bất khuất, đã từng khóc và cười theo mệnh nước, thì chắc chắn anh chết cũng linh thiêng. Xin vong linh anh hãy phù hộ cho dân tộc và nước Việt Nam sớm thoát cảnh lầm than vô tiền khoáng hậu trong lịch sử 4000 năm của đất nước.
Sự bất khuất của Kha Tư Giáo đã thật sự phản ảnh tinh thần:
“Ðừng sợ những gì cộng sản làm. Hãy làm những gì cộng sản sợ.”
Cuối bài, như đã trình bày, những chi tiết ở đây được ghi lại theo trí nhớ của một người lính già, chắc chắn sẽ có sơ suất. Kính xin quí vị quan tâm sửa sai và bổ khuyết thêm vào bài này để giữ ngọn đuốc bất khuất Kha Tư Giáo tiếp tục cháy sáng, soi vào lương tâm của các ngọn cỏ đuôi chó./ –
(Sài Gòn trong tôi/ Trần Văn Giang)
Phụ chú:
Sau đây, xin giới thiệu một bài thơ do đọc giả Nguyên P. Thúy đã gởi đến để đóng góp với bài này:
Người Tù Không có Tội!
Kha Tư Giáo, ngươi là người có tội,
Hãy nhận đi, rồi sẽ được về nhà,
Hãy nhận mình theo Mỹ hại quốc gia,
Hãy ăn năn, đảng sẽ mau ân xá.
Tôi, Thiếu Úy, tuổi 30, vất vả,
Ðem đời mình để bảo vệ quê hương,
Chặn xâm lăng từ cõi Bắc phương,
Nơi sa trường súng gươm không nhân nhượng.
Vận nước đổi, nuốt hờn thân bại tướng,
Làm tù nhân, nào dám tưởng mai sau,
Ðảng khăng khăng: tội máu với đồng bào,
Tôi cương quyết: lương tâm nào có tội!
Ðảng cứ buộc thì bắn cho đáng tội,
Còn nếu không thì phải thả tôi ra,
Ðừng hỏi tôi ý nghĩa chữ Tự Do,
Bao la lắm, nhưng biết liền khi mất.
Những trù dập, biệt giam, học tập,
Ðảng giúp tôi tìm tội của tôi,
Dù đời tôi khốn khổ, xác tả tơi,
Tôi có tội: nói không ra cái tội!
Cát, gió, kiến hành hạ, ôi nhức nhối,
Suốt cả đêm, chỉ gào thét, nguyện cầu,
Thượng Ðế hỡi, ở đâu? ngài có thấu?
Con tim tôi chân chính chửa dối gian.
Còng sắt hoen đã cắt hết thịt da,
Trơ xương trắng, vẫn không làm nhục chí,
Mắt rực sáng, lộ anh hùng hào khí,
Ðịa ngục này chỉ giữ được xác phàm.
Ðất Long Giao u uất mộ sơ sài,
Nhưng khí phách oai hùng luôn bất khuất,
Hồn có thiêng, xin theo phù hộ nước,
Thoát lầm than và thoát nạn Cộng nô.
Kha Tư Giáo, người tù không có tội,
Cũng có ngày người thong thả về nhà,
Ðất Mẹ ôm, rũ sạch nợ quốc gia,
Trời bao la, gió gào vang “Không tội”…
Nguyễn P. Thúy