Kết thúc Tuần lễ Tưởng Niệm Nhân Húy Nhật đầu cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tuần Lễ Tưởng Niệm cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện khởi đầu từ Thứ Bảy 21-9-2012 đã kết thúc long trọng hôm Thứ Bảy 28-9-2013 tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange.

Thánh Lễ:  Khởi đầu là Thánh Lễ đồng tế do Đức Giám Mục Mai Thanh Lương cử hành cùng quý LM Nguyễn Đức Minh, Vũ Hân, Nguyễn Thái từ 9 giờ đến 10 giờ sáng để cầu cho linh hồn Thomas More Nguyễn Chí Thiện. Đền Thánh đã không còn một chỗ trống khiến cả trăm giáo dân và đồng bào tham dự đã phải đứng dọc hai bên hành lang, tràn cả ra bên ngoài.

Trong bài thuyết giảng dịp này, LM Giám Đốc TTCG Nguyễn Thái nhắc lại cái cơ duyên thuở sinh thời thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã ba lần xuất hiện nơi đây. Trước hết là dịp giới thiệu thi phẩm Hoa Địa Ngục 2, tức là tác phầm Hạt Máu Thơ của ông năm 1996; Lần thứ hai là buổi ra mắt tác phẩm Hoả Lò năm 2001. Và lần thứ ba là năm 2005, cố thi sĩ nhận lời đọc và giới thiệu tác phẩm Giáo Hoàng Gioan Phaolo II Vĩ Nhân Thời Đại của nhà văn Trần Phong Vũ cũng tại hội trường Trung Tâm Công Giáo.

Sau khi gợi lại 27 năm đau thương, gian khổ mà cố thi sĩ đã trải qua trong các nhà tù cộng sản trên quê hương, trong phần kết thúc bải giảng thuyết, LM Nguyễn Thái nói:

“Trong đau khổ, tuyệt vọng, nhà thơ Phùng Quán đã tâm sự: “Có những giây phút ngã lòng, tôi đã vịn câu thơ mà đứng dậy.” Đối với cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, ông đã không chỉ “vịn câu thơ mà đứng dậy”, nhưng vịn vào linh hồn bất tử của thơ mà đứng dậy. Ông đã vịn vào sức mạnh của niềm tin nơi Đấng Tối Cao mà đứng dậy.

Ông đã ở tù ròng rã 27 năm trường, nhưng nhờ sức mạnh của thơ, của niềm tin vào linh hồn bất tử, vào sự nâng đỡ của Thượng Đế, nên ông vẫn bền lòng vững chí, như tên của ông là Chí Thiện. Với bản chất hiền lương, trong sáng, luôn hướng về Chân Thiện Mỹ, hướng về Đấng Chí Thánh, Đấng Chí Thiện như lời ông tự nhủ trong thơ:

            “Nhà thơ ơi, phải biết,
Giữ linh hồn cho tinh khiết…
Nhà thơ còn phải biết,
Sống trong cõi đời như không bao giờ chết.”

             Giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, chính niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh đã giúp họ trở về trong hy vọng, thì đối với cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, cho dù cuộc đời ông phải chịu quá nhiều bất hạnh như lời Thánh Vịnh 89 diễn tả: “Tính tuổi thọ trong ngoài bẩy chục… Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ…” Nhưng với niềm tin vào Đấng Tối Cao, cố thi sĩ đã chấp nhận tất cả gian lao khốn khó và xem đó là sứ mệnh của mình:

            “Nhưng số phận ta quá nhiều khắc nghiệt
Có lẽ Trời bắt ta phải chịu nhiều rên xiết
Để cho ta có thể hoàn thành công việc
Dùng lời ca ngăn hoạ đỏ lan tràn”

Hội Thảo:

Ngay sau Thánh Lễ là cuộc hội thảo về chủ đề “Nhìn lại Con Người, Cuộc Đời và những Di Sản Tinh Thần của cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện” khai diễn tại Hội Trường Trung Tâm trong gần ba tiếng đồng hồ. Cuộc hội thảo quy tụ ngót 300 đồng hương, trong số có những khuôn mặt trí thức tiêu biểu trong cộng đồng như quý giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Lưu Trung Khảo và quý phu nhân, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (Washington DC), Trần Huy Bích, Nguyễn Thanh Trang (San Diego), Đỗ Anh Tài, Nguyễn Đình Cường, Dương Khải Hoàn, cựu Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng, tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, tiến sĩ Lê Minh Nguyên, các bác sĩ Nguyễn Trọng Việt, Nguyễn Văn Quát, Trần Việt Cường, Trần Văn Cảo, cựu Nghị sĩ Trần Tấn Toan, kỹ sư Đỗ Như Điện, cựu đốc sự hành chánh Cao Viết Lợi, ký giả nhà văn Mặc Giao (Canada), nhà báo Huỳnh Lương Thiện (San Francisco), các nhà báo Khúc Minh, Vũ Thụy Hoàng, Trần Nguyên Thao, Đinh Quang Anh Thái, các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Hải Hà, Anh Duy, Trần Thế Ngữ, các cựu sĩ quan QLVNCH thuộc mọi binh chủng như cựu Đại tá Chỉ huy trưởng Pháo binh Quân Đoàn 3 Lê Văn Trang, nguyên Thiếu tá Giám độc đài phát thanh Sàigòn Phạm Bá Cát, các cựu Sĩ quan Không quân Phạm Đình Khuông, Nguyễn Đức Chuyện, luật sư Trần Thanh Hiệp (Pháp), bà giáo sư Jean Libby, một trong những người bạn thân của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện thuở sinh thời và đại diện các cơ quan truyền thông gồm hệ thống Truyền hình Free Việt Nam, các đài truyền hình VNA/TV, SET. VHN, Cơ sở Văn Hóa Lạc Việt, ký giả các nhật báo Viễn Đông, Việt Báo, Người Việt…

Sau phần chào quốc kỳ Mỹ Việt, tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào đã xả thân vì chính nghĩa dân tộc, đặc biệt những tù nhân lương tâm đã chết hoặc còn bị đày ải trong các nhà tù cộng sản trên quê hương mà điển hình là cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, buổi hội thảo với chủ đề “Nhìn lại Con Người, Cuộc Đời và những Di Sản Tinh Thần của cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện” khởi đầu.

Vì phu nhân bị bạo bệnh bất ngờ phải vào cấp cứu trong bệnh viện, Tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi từ Đức quốc không thể hiện diện nên bài thuyết trình của ông với nhan đề “Duyên kỳ ngộ nơi miền ngôn ngữ của Goethe” đã được ông úy thác cho nhà văn Mặc Giao trình bày giúp..

Theo Tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi thì ngay từ đầu thập niên 80, khi nhà thơ nguyễn Chí Thiện còn bị đày ải trong ngục tù cộng sản ở quốc nội, ông đã được đọc những bài thơ tuyệt vời trong số 400 bài đầu của thi tập Hoa Địa Ngục dưới nhan đề xa lạ là “Bản Chúc Thư Của Một Người VN” . Từ đấy ông đã khám phá ra chân dung tác giả khi chưa ai biết là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện dưới hai khía cạnh: một người anh hùng chống cộng quyết liệt và một thi nhân có tài.

Ông viết:

“Điều đầu tiên gây hứng thú cho tôi là nội dung chống cộng của tập thơ. Càng đọc tôi càng có cảm tưởng đã may mắn gặp một chứng nhân vẽ lên được một cách tường tận, đầy đủ hơn ai hết bức tranh toàn cảnh về tính chất bạo tàn của chế độ mà chính tôi đã chứng kiến và trải nghiệm phần nào trong thời niên thiếu lúc còn sống ở quê tôi Hà Tĩnh là nơi chính quyền cộng sản thống trị từ năm 1945. (…) Ngoài những nhà tù chính hiệu, NCT còn phác họa cái nhà tù khổng lồ bao trùm trọn miền Bắc Việt Nam (và như ta biết sau 1975 miền Nam cũng đã trở thành nhà tù bao la rập theo khuôn mẫu miền Bắc). Như người thợ nhiếp ảnh tài tình, NCT đã thu trọn vào ống kính bức tranh ảm đạm của một xã hội nghẹt thở đắm chìm trong thấp thỏm lo sợ.”

Về giá trị thi ca trong Hoa Địa Ngục,
Tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi nhận định:

“…đặc sắc của NCT không chỉ nằm trong đia hạt tố giác tội ác của cộng sản. NCT còn làm cho tôi bái phục hơn vì tài nghệ siêu cường trong địa hạt thi ca. Với tài nghệ đó ông đã cống hiến cho ta một tác phẩm mà văn học sử nước nhà sẽ mãi mãi lưu danh. Và trên trận tuyến chống bạo quyền, thi phẩm tuyệt vời của ông đã trở thành một hệ thống vũ khí vô cùng sắc bén. Thơ NCT không phải là một tác phẩm đấu tranh có tác dụng nhất thời mà mãi mãi sẽ là tiếng nói của con người muôn thuở.

Hủy diệt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, là đặc điểm của tất cả mọi thứ độc tài kim cổ và xưa nay đã có vô số người tố cáo. Nhưng bút pháp thần tình của NCT làm cho độc giả có cảm giác như sờ mó được cái độc hại, cái nguy hiểm của quái vật độc tài mà nanh vuốt là thủ đoạn “bỏ tù tiếng nói” và dùng miếng ăn như một thứ xích xiềng để nô lệ hóa.

Thoát thai từ một thực tế phũ phàng cay đắng, toàn bộ thơ NCT đã lấy thực tế đó làm đề tài duy nhất, nhưng lời diễn tả thì thiên hình vạn trạng nhờ vào bút pháp phong phú linh động, chuyển biến theo từng cảnh ngộ trong cuộc sống và theo từng nhịp đập của con tim.

NCT đã có công tạo những danh từ, những hình ảnh để phơi bày bằng nét bút sắc và đậm bộ mặt đa dạng của bạo lực. Ngôn ngữ của NCT đã có tác dụng của những quang tuyến diệu kỳ, của những “chiếu yêu kính” khiến cho hồ ly phải hiện nguyên hình và những ngụy trang lừa bịp không còn hiệu nghiệm. NCT vừa tố cáo tội ác trước công luận một cách hùng hồn vừa làm phong phú kho tàng ngôn ngữ chúng ta….”

Đọc lại những lời tâm huyết của cố thi sĩ kèm những vần thơ máu của ông khi liều mình đột nhập tòa Đại sứ Anh ở Hànội năm 1979 với khát vọng thiết tha là nó sẽ đánh động được lương tâm nhân loại trước những thảm cảnh mà dân tộc Việt Nam đang phải chịu đựng dưới chế độc độc tài CSVN, Tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi tự thấy có trách nhiệm phải làm một cái gì để đáp lại tâm nguyện của nhà thơ. Và đấy chính là lý do thôi thúc ông để hết tâm huyết dịch thi phẩm Hoa Địa Ngục sang Đức ngữ. Được biết, hiện nay dịch phẩm này đã được dùng làm tài liệu giảng dạy cho học sinh bậc trung học ổ Đức.

Chấm dứt bài thuyết trình trong gần nửa tiếng đồng hồ,
diễn giả kết luận:

Nhìn lại sự xuất hiện và sự đón nhận thơ NCT tại Đức và Áo, tôi thấy đó là một cuộc gặp gỡ, một cuộc trao đổi lạ kỳ. Quả là mối duyên kỳ ngộ của NCT nơi miền ngôn ngữ của Goethe, đệ nhất văn hào Đức quốc.”

Diễn giả thứ hai trong buổi hội thảo là Tiến si Trần Huy Bích với đề tài “Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và thời đại chúng ta”. Mở đầu bài thuyết trình, TS họ Trần đã nhấn mạnh tới nhân cách vĩ đại và tấm lòng bao dung, bác ái có một không hai của cố Thi sĩ. Ông cũng nhắc lại mối liên hệ mật thiết với nhà thơ qua mối giao tình sâu đậm với những người thân trong gia đình cụ cố Vũ Thế Hùng, người từng một thời ở tù chung với tác giả thi phẩm Hoa Địa Ngục.

Đề cập thái độ khoan hòa, độ lượng đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, Tiến sĩ Trần Huy Bích đã gợi lại những phản ứng điềm tĩnh, chừng mục, coi nhẹ mọi sự của cố thi sĩ trước hành vi đầy ác ý của những kẻ cố tình xuyên tạc, bôi nhọ ông trong những năm tháng lưu đày nơi hải ngoại.

Sau khi đi sâu vào khía cạnh tình cảm trong thơ Nguyễn Chí Thiện và những căn nguyên khiến đảng và nhà nước CSVN căm hận, đày ải nhà thơ trong suốt 27 năm dài, diễn giả nhắc lại trường hợp hai nhà thơ tiền bối là Đặng Trần Côn và Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều với những trường thi Chinh Phụ Ngâm Khúc và Cung Oán Ngâm Khúc, đối chiếu với cảnh ngộ của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và nội dung 700 bài thơ của ông để đi tới kết luận:

“…nỗi khổ của chinh phu, chinh phụ … trong CPNK (cũng như nỗi buồn khổ của người cung phi trong cung cấm) không thấm vào đâu so với nỗi khổ của người dân VN trong xã hội CS mà NCT vừa là người chứng kiến, vừa là nạn nhân. “

Ngoài hai tác phẩm của Đặng Trấn Côn và Nguyễn Gia Thiều, TS Bích còn trưng dẫn nội dung Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của thi hào Nguyễn Du để dẫn tới kết luận là tất cả những nỗi khổ đau, ngang trái mà người dân phải gánh chịu do cuộc tranh bá đồ vương thời Trịnh Nguyễn không thấm vào đâu nếu so sánh với những gì những người tù như Nguyễn Chí Thiện và đồng bào ta dưới chế độ bạo tàn cộng sản, và ông nhấn mạnh:

“Trách gì NCT không phải viết lên những câu như:

’Tôi muốn kêu to trong câm lặng đen dày

Cho nhân loại trăm miền nghe thấy.’“

 Trước khi kết thúc, TS Trần Huy Bích đã trích dẫn nhận định sau đây của nhà văn Trần Phong Vũ trong “Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng”, tác phẩm mới nhất của ông, do Tiếng Quê Hương vừa phát hành nhận dịp húy nhật đầu cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện:

“Tuy NCT đã vĩnh viễn ra đi, nhưng trong mắt và trong hồn tôi như vẫn hiển hiện hình ảnh cô đơn, cam đành, khiêm tốn và bất khuất của một con người mà khi sống cũng như khi chết đã để lại trong tâm hồn người quen biết ông những cảm tình quý mến không thể phai nhòa.” (TPV, trang 56).

Thuyết trình viên thứ ba trong buổi hội thảo là giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một trong những người đã giới thiệu thi phẩm Hoa Địa Ngục cũng như tập truyện Hỏa Lò của cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện với quần chúng độc giả nói tiếng Anh. Qua đề tài Nguyễn Chí Thiện và “vạn ngàn cơn thác loạn”, giáo sư Bích lần lượt vẽ lại những chặng đường đã dẫn đưa thơ Nguyễn Chí Thiện đi vào các vùng trời thế giới ngay từ giai đoạn đầu khi chưa ai biết tung tích tác giả là ai cũng như khi thi phẩm Hoa Địa Ngục vừa được ấn hành đầu thập niên 80 thế kỷ trước dưới những tên gọi khác nhau như Tiếng Vọng Từ Đáy Vực, Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam.

Sau khi nhắc lại những nỗ lực không ngừng của nhiều dịch giả như Nguyễn Hữu Hiệu, Huỳnh Sanh Thông, Nguyễn Ngọc Quý, Bùi Hạnh Nghi nhằm giới thiệu thơ Nguyễn Chí Thiện cho các độc giả ngoại quốc và sự đóng góp của nhiều nhạc sĩ như Phạm Duy, Phan Văn Hưng, Trần Lãng Minh, Xuân Điềm v.v…trong việc phổ nhãc nhiều bài thơ trong Hoa Địa Ngục. giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết thêm:

“Phần tôi, tôi đồng-hành với anh Nguyễn Chí Thiện từ khá sớm. Dịch anh từ lúc thơ của anh mới ra ngoài này…:

Tháng 7/1982, tôi có bài trong Asiaweek giới-thiệu thơ anh và dịch trên 10 bài.

Tháng 9/1982, Hội Văn-hoá VN tại Bắc-Mỹ của tôi in Ngục Ca / Prison Songs, dịch 20 bài thành hát được. Sau tăng bổ, cuốn này được Quê Mẹ ở Pháp in ra thành ba thứ tiếng. Cuối năm 1996, nhóm Hoa Niên ở Úc lại xin phép in cuốn song ngữ của tôi để phổ-biến ở Úc.

Tháng 10/1989, Văn Bút Miền Đông in ra tuyển-tập tiếng Anh War & Exile: A Vietnamese Anthology (“Chiến-tranh và Lưu đày: Tuyển-tập Thơ văn VN Hiện-đại”) nhằm giới-thiệu văn-học VN với thế-giới nhân Hội-nghị Văn Bút Quốc Tế ở Montréal, Canada. Trong tập có giới-thiệu 30 trang thơ Nguyễn Chí Thiện. Ít năm sau, Jachym Topol dịch thơ anh sang tiếng Tiệp là dựa vào mấy bản Anh-dịch của tôi….

Một tuần sau khi anh Thiện đến Mỹ, vào ngày 8/11/1995, anh được mời lên Quốc-hội điều trần về tình-trạng nhân-quyền ở VN (Nguyễn Ngọc Bích thông-dịch). Ngày 26/11/1995, anh ra mắt đồng-bào Thủ-đô Hoa-kỳ ở Trường Luật George Mason University trước một cử-toạ kỷ-lục, ngồi chặt cứng giảng-đường. Ngày 21/4/1996, ra mắt tập Anh-dịch song ngữ Hoa Địa Ngục / The Flowers of Hell do Nguyễn Ngọc Bích dịch gần như toàn-bộ Hoa Địa Ngục I (khoảng 5/6 trên 400 bài), cũng ở Trường Luật George Mason. Để chuẩn-bị cho chuyến đi sang Úc, tôi dịch thêm một tuyển-tập nhỏ (gần 100 bài) mang tên Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry (tức Hoa Địa Ngục II)….”

Để kết thúc bài tuyết trình, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích lớn tiếng nói với cử tọa:

“Nguyễn Chí Thiện can đảm, điều đó khỏi nói. Nhưng nếu chỉ can đảm thôi thì ta có thể ngưỡng mộ anh nhưng anh vẫn không thể thành một nhà thơ lớn. Cái lớn của Nguyễn Chí Thiện nằm ở chỗ anh đánh trúng đối-tượng, từ những cái rất tầm-thường trong đời sống của người dân (“Bà kia tuổi sáu mươi rồi / Mà sao không được phép ngồi bán khoai?”) đến cái khôi hài (“Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại! / Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai!”), ngộ nghĩnh (“Những thiếu nhi điển hình chế độ / Thuở mới đi tù trông rất ngộ. / Lon son không phải mặc quần / Chiếc áo tù dài phủ kín chân”), thương tâm (“Trên bước đường tù mà tôi rong ruổi / Tôi gặp hàng ngàn em bé như em.”) để rồi cuối cùng điểm thẳng mặt kẻ thù (“Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó”)…

“…năm 1975, khi nghe thấy miền Nam tự do thất thủ, Nguyễn Chí Thiện đã thốt lên:   ‘Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối,

Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương
Cả nước đã quy về một mối
Một mối hận thù, một mối đau thương…
Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan
Ta sống trọn vạn ngàn cơn thác loạn!”

 Ba vị được mời tham luận sau đó là bà Jean Libby, một người bạn thân của cố thi sĩ thuở sinh thời, luật sư nhà văn Trần Thanh Hiệp và một bạn trong nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước ở hải ngoại.

Xen kẽ những bài thuyết trình và tham luận trong buổi hội thảo là tiếng hát của Ban Tù Ca Xuân Điềm với những bài nhạc phổ từ thơ của cố thi sĩ. Ngoài nhiệm vụ chia sẻ vai trò MC với giáo sư Đỗ Anh Tài, dịp này nhà giáo Nguyễn Đình Cương cũng diễn đọc hai bài thơ Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do và Trái Tim Hồng của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Phát hành sách:

Lồng trong khuôn khổ buổi hội thảo là phần phát hành tác phẩm Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng cuả nhà văn Trần Phong Vũ do tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản vào tuần lễ tưởng niệm nhân giỗ đầu tác giả Hoa Địa Ngục. Trong dịp này, ông Trần Phong Vũ đã được mời lên diễn đàn để nói qua về nội dung và căn nguyên thúc đẩy ông bỏ công thực hiện tác phẩm này trong vòng 9 tháng, thới gian kỷ lục cho một tập sách về một con người vĩ đại như cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện.

 (Độc giả muốn biết thêm về tác phẩm Nguyễn Chí Thiện,”Trái Tim Hồng”, có thể liên lạc trực tiếp với tác giả Trần Phong Vũ qua điện thoại (949) 485 – 6078 hoặc Email: tphongvu@yahoo.com)