HỒI ỨC KINH HOÀNG (Khac Hue Hoang)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ngày18 tháng 7 năm 74 Tiểu Đoàn 78 BĐQ biên phòng của tôi được Tiểu Đoàn 356 của Sư Đoàn 3 BB đến tiếp nhận căn cứ Nông Sơn, thay thế cho Tiểu Đoàn của tôi sẽ đi chiến đấu lưu động. Trưa hôm đó một đoàn xe chở lính tráng cùng vũ khí của TĐ 356 BB ùn ùn kéo tới, các Sĩ Quan vội vã điều động binh sĩ lên căn cứ để tiếp nhận vị trí phòng thủ. Mọi việc diễn ra rất nhanh chóng vì sợ không kịp, để đến tối rất nguy hiểm. Đến 4 giờ thì mọi việc tạm ổn, lính tráng của hai TĐ nói chuyện rôm rả, bàn tán về việc phòng thủ căn cứ sắp tới. Lính TĐ 356 rất sung sướng vì sắp được nghỉ ngơi, khỏi bị hành quân dã trại. Còn bọn BĐQ thì băn khăn, không biết sẽ đi về đâu? Khoảng 5h tôi đang nói chuyện với anh Trung Đội Trưởng đến thay vị trí phòng thủ thì chợt nghe ồn ào bên ngoài nên vội vàng chạy ta coi có chuyện gì. Nhìn theo tay đám lính đang chỉ về phía khúc sông Thu Bồn cách khoảng hơn 1km, tôi thấy một đoàn xuồng đang vượt sông. Tôi vội lấy ống nhòm ra quan sát thì thấy mỗi xuồng chở khoảng chục người, được trang bị súng ống đầy đủ. Tôi đang định báo cáo lên TĐ thì nghe hai cây pháo 105 ly đã gầm lên. Phía trên đoàn xuồng bắn ra mấy chớp lửa sáng lòa, kèm theo mấy cụm khói trắng như bông. Tôi biết đó là loại đạn nổ chụp vì thấy mấy chiếc xuồng bắt đầu rối loạn, tan tác. Có nhiều chiếc bị trúng đạn chìm lỉm, đám lính ngồi trên xuồng rớt xuống nước, quay cuồng tìm lổi bơi vào bờ trong tuyệt vọng. Đạn vẫn bao trùm trên đầu đoàn xuồng cho tới khi tất cả đều bị tan nát. Sau đó tất cả lại chìm trong yên lặng, chỉ còn tiếng rì rào bàn tán của đám lính. Quả thật đây là chuyện chưa từng xảy ra trước đây, kể từ ngày tôi về đơn vị. Tôi thường đi hành quân càn quét, nhưng rất hiếm khi đụng địch. Đôi khi gặp bọn du kích nhưng chúng đều rút lui chứ không tham chiến. Chắc quân địch đang chuẩn bị kế hoạch đánh lớn gì đây ? Tôi vội nhắc binh sĩ dưới quyền phải cảnh giác, canh gác cẩn mật, đề phòng địch tập kích. Khoảng 4h sáng căn cứ chợt rung chuyển vì đạn pháo rót như mưa vào các vị trí phòng thủ. Hai Tiểu Đoàn lập tức lao ra chiến hào chờ địch. Sau khi dập pháo khoảng 15 phút, quân địch bắt đầu thổi kèn xung phong, la hét vang trời cướp tinh thần đội quân phòng thủ. Nhưng không ngờ gặp phải những binh sĩ đã từng trải qua nhiều trận giao tranh nên dễ gì nao núng. Chiến thuật tiền pháo hậu xung đâu có lạ gì với anh em, do đó họ cứ nằm im để chờ địch tiến vào. Thật xui xẻo cho đợt xung phong đầu tiên lại chọn ngay vào bãi mìn dày đặc. Vì chỗ này địa thế có hơi bằng phẳng, dễ bị địch tấn công nên Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh gài nhiều mìn bẫy. Quả nhiên lính địch thấy dễ ăn nên đã đâm vào cửa tử. Những tên địch đầu tiên vừa lọt qua bãi mìn, các binh sĩ được lệnh khai hỏa. Tức thì cả tuyến phòng thủ vang rền tiếng súng. Đủ loại đạn bay về phía lũ người đang hùng hổ lao lên, tràn qua bãi mìn mà không biết tử thần đang chờ sẵn. Chuyện gì phải đến đã đến, những tiếng nổ long trời cùng những thân người tung lên như xác pháo. Tuy vậy quân địch vẫn điên cuồng lao vào tuyến phòng thủ với biển người dày đặc. Chờ cho đám cảm tử này tới sát hàng rào, lúc đó các binh sĩ mới kích nổ mìn Claymore. Một hàng dài chớp lửa dọc theo tuyến phòng thủ, đám cảm tử đi đầu ngã nhào chẳng còn một mống. Đám đi sau hoảng loạn không kịp phản ứng thì hàng loạt đạn bay ra đốn ngã thêm một mớ nữa. Thấy tình hình không ổn, địch vội thổi kèn rút lui. Bấy giờ các chiến sĩ mới bò ra hàng rào thu chiến lợi phẩm. Đợt tấn công này quân địch thiệt hại nặng có lẽ trăm mạng có dư. Phe ta chưa bị thương vong người nào. Thế rồi quân địch không dùng chiến thuật biển người nữa, bởi vì thấy thiệt hại qúa nhiều mà không có kết quả. Cho nên chúng chờ trời sáng để lấy ưu thế pháo binh tấn công hủy diệt căn cứ. Đúng 6 giờ sáng, mặt trời vừa ló dạng cũng là lúc pháo binh địch bao trùm căn cứ. Đủ loại đạn từ chạm nổ đến delay phá hầm ngầm. Các Sĩ Quan lệnh cho binh sĩ tất cả ra tuyến phòng thủ, tránh thương vong vì đạn pháo. Hai cây pháo 105 ly của TĐ BĐQ mới phản pháo được 1h đã trúng đạn pháo banh càng, Trung Đội Trưởng tử trận. Lúc đó trên trời xuất hiện hai chiếc trực thăng võ trang đang bay vòng vòng tìm vị trí mấy khẩu pháo của địch để tiêu diệt. Trung úy Đại Đội Trưởng của tôi bèn nhảy lên nóc hầm liên lạc với trực thăng để chỉ điểm. Nào ngờ chỉ vài phút sau, một quả pháo rớt ngay chỗ ông đứng, khi khói tan chẳng thấy ông đâu ! Trong căn cứ thương binh khiêng vào đầy nhóc, y tá của hai TĐ băng bó luôn tay mà không kịp. Đến 8h một trái pháo delay phá tan hầm chỉ huy, TĐ Trưởng TĐ 78 BĐQ hy sinh. Tin này không cho binh lính biết sợ họ mất tinh thần, quân địch tiếp tục pháo dữ dội. Có lẽ phải tới cả trung đoàn pháo là ít, vì tôi thấy khói phụt ra đầu nòng pháo chung quanh căn cứ cỡ chừng 2km ở ven rừng, cạnh bờ sông Thu Bồn. Đến trưa tình hình trong căn cứ thật vô cùng thê thảm, binh lính chết nằm khắp nơi, thương binh rải rác chỗ nào cũng có. Y tá chạy qua chạy lại, vừa chăm sóc vừa phải nhảy hầm tránh pháo. Phía ngoài, địch chuẩn bị tấn công vào nơi bãi mìn lúc sáng vì biết chắc bãi mìn đã nổ hết. Hai bên chạm súng ác liệt, đôi khi địch đã tiến sát hàng rào, vất vả lắm mới đẩy lui được ra xa. Thấy không phá nổi hàng phòng thủ của quân ta, địch lại thổi kèn rút lui. Binh sĩ vội đi tìm nước và lấy cơm sấy ra ăn đỡ để lấy sức, sau đó gom đạn dược, lựu đạn để chờ địch. Lần này thì quân địch chuyển pháo ra phá tuyến phòng thú. Khói pháo mù mịt khắp các giao thông hào. Các binh sĩ đã bắt đầu có thương vong phải di tản vào các hầm trú ẩn. Đến 4h chiều thì địch lại mở cuộc tấn công khắp nơi quanh căn cứ. Tiếng hò hét : ” Hàng sống chống chết ” vang trời, nhưng bên phòng thủ vẫn can đảm không buông súng. Đến 5h thì phòng tuyến bị vỡ, địch quân tràn lên căn cứ, bắt đầu giáp lá cà. Lưỡi lê, mã tấu vung lên loang loáng. Thân người thi nhau đổ gục, thật là một cảnh bi hùng cả hai bên đều say máu lao vào chém giết. Một bên cố chiếm, bên kia thà chết không chịu bỏ, máu nhuộm đỏ cả chiến trường. Cuối cùng quân địch đã tràn ngập khắp căn cứ, TĐ Trưởng Tiểu Đoàn 356/SĐ3 gọi phi pháo dội thẳng lên căn cứ, hủy diệt cả ta cùng địch trước khi móc súng tự sát. Chỉ 5 phút sau, 4 chiếc A 37 từ Đà Nẵng lao tới, trong khi quân địch đang hân hoan thu gom chiến lợi phẩm, thì lãnh hàng chục trái bom trút xuống giữa đội hình làm xác người bay tung như xác pháo. 4 chiếc A 37 này vừa bay đi thì lại thêm 4 chiếc khác bay đến, lần này là bom napan nên căn cứ chìm trong biển lửa. Tôi đang vòng ngoài nên đã thấy căn cứ thất thủ, không còn hy vọng nên dắt mấy anh em BĐQ phá vòng vây đào tẩu. Nhưng số tôi là số bị tù nên dù thoát ra khỏi vòng vây, nhưng đi lần quần được hai ngày sau cũng bị bắt. Lúc ở trong trại tù nghe một Sĩ Quan bên địch cho biết đã xử dụng pháo khoảng 10000 quả đạn để đánh căn cứ của TĐ 78 BĐQ. Bởi vậy mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn thấy hãi hùng, và không hiểu sao mình lại thoát chết. Quả là một hồi ức kinh hoàng mà tôi sẽ không bao giờ quên được !?