Hội Xuân Bắc Ninh tại Little Saigon
với nhiều niềm nhớ khó phai
Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Hội Xuân Bắc Ninh 2024 vừa được Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California tổ chức tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 3, Westminster, hôm Chủ Nhật, 25 Tháng Hai.
Bà Ngô Tuyết Mai, hội trưởng Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California, trong lời chào mừng đồng hương tham dự, đã cảm tạ những tấm lòng yêu quê hương qua các làn điệu Quan Họ, bao năm qua đã cùng chung tay giúp sức giữ gìn và quảng bá văn hóa quê hương Bắc Ninh.
Bà hội trưởng cũng không quên chúc Xuân đến tất cả anh chị em trong hội đã khổ công tập luyện, đóng góp công sức trong các màn trình diễn lo cho ngày Hội Xuân, cũng như lo cho Đặc San Xuân Bắc Ninh năm Giáp Thìn 2024 được trình làng hết sức phong phú, với những nội dung sâu sắc trong nhiều thể loại biên khảo, nghiên cứu lịch sử, tự sự, bút ký, thơ.
Chương trình văn nghệ Xuân được khai mạc với tiết mục Mõ Làng, gợi nhớ lại những phong tục ngày Tết xưa thanh bình, khi Thằng Mõ đi rao cùng làng cuối xóm báo hiệu Xuân đã về và kêu gọi mọi người đi trẩy Hội Xuân.
Kế đến là màn hợp ca “Trẩy Hội Xuân” của các “liền anh liền chị” Ban Văn Nghệ Bắc Ninh trình diễn, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt.
Liên tiếp sau đó là những làn điệu quan họ, chầu văn, ca trù mượt mà không kém, những bộ cánh tứ thân, nón quai thao, cùng những bộ áo thâm của các “liền anh liền chị” trong các làn điệu Quan Họ Bắc Ninh.
Theo ban tổ chức, mục đích của Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California là muốn bảo tồn và phát huy nền văn hóa đặc trưng, nét tinh túy của văn hóa Bắc Ninh nên luôn dành thời gian cho các thế hệ tiếp nối là các em trong Ban Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng với những nhạc cụ cổ truyền, hòa điệu cùng với các “liền anh liền chị.”
Năm nay Hội Xuân có sự tham gia của giới trẻ thật đông, bởi vì nền văn hóa dân tộc có được bảo tồn và phát huy được nơi hải ngoại hay không chính là nhờ thế hệ trẻ tiếp nối, đó là những nhân tố góp phần vun bồi và phát triển thêm bộ môn Quan Họ ngày càng vững mạnh.
Một em sinh ra và lớn lên ở Mỹ có thể nói và giao tiếp được bằng tiếng Việt là đã khó, huống chi là trình diễn bằng tiếng Việt những làn điệu âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Văn hóa Quan Họ Bắc Ninh sẽ được bảo tồn và phổ biến nơi hải ngoại càng sâu rộng càng tốt, nhất là các thế hệ trẻ, biết hướng về quê hương thì mới có tình yêu đất nước thực sự.
Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng gồm những nhạc sinh trẻ, góp mặt trong những tiết mục trình diễn nhạc cụ dân tộc cổ truyền gồm đàn tỳ bà, đàn cò, sáo, đàn tranh và trống, trong các bài “Khúc Hát Ân Tình,” “Đào Liễu,” “Lý Hoài Nam,” và “Hồn Quê,” đã tăng thêm phần nổi bật của tính cách văn hóa Việt Nam xưa.
Cô Ái Loan, trưởng ban văn nghệ Hội Xuân Bắc Ninh, chia sẻ: “Chúng em sinh hoạt trong hội đã 13 năm, như là dịp được tìm về cội nguồn của mình, thấy lại những truyền thống của Bắc Ninh được duy trì hằng năm qua những dịp Xuân về, cũng là để giữ gìn lại văn hóa truyền thống.”
“Quan Họ rất khó với những luyến láy, vang, rền, nền, nẩy,… dù chúng em được học về kỹ thuật nhưng vẫn còn rất non trong nghệ thuật, có thể còn rất lâu mới đạt được. Nhưng nếu cố gắng vẫn có thể làm được, quan trọng nhất là thế hệ trẻ ở Mỹ các em biết trở về nguồn để tìm hòi học hỏi về những nét văn hóa nước nhà, rất đáng khâm phục,” cô chia sẻ.
Liền anh Xuân Thanh và liền chị Lan Hương trình bày nhạc phẩm “Thuyền Hoa” sáng tác Phạm Thế Mỹ. Anh Xuân Thanh cho biết cha mẹ anh là người Bắc Ninh, nhưng anh di cư vào Nam từ lúc mới ba tháng, nhưng: “Có lẽ tất cả những làn điệu Quan Họ đã thấm sâu trong tiềm thức của tôi, từ lúc còn nằm nôi mà bố mẹ đã truyền vào trong giấc ngủ, từ hạt gạo bát cơm của những miền dân ca Quan Họ đã thấm sâu trong huyết quản nên những làn điệu của những liền anh liền chị đã ăn sâu vào tâm khảm bao đời nay.”
Em Đan Vy, một thành viên trong Nhóm Múa 3 Âm, cho hay: “Chúng em tham gia nhiều nơi như Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng, tự tập luyện cùng nhau và thành lập Nhóm Múa 3 Âm, mục đích là để kết nối văn hóa Việt Nam, dùng những bản nhạc truyền thống Việt Nam kết hợp với những bản nhạc tân thời trong những điệu múa cách tân. Trong màn trình diễn hôm nay tại Hội Xuân Bắc Ninh, chúng em muốn thể hiện văn hóa với trang phục ba miền Việt Nam khác nhau. Như bài đầu là ‘Thị Mầu,’ bài thứ hai là ‘Lý Ngựa Ô,’ bài thứ ba là ‘Nam Quốc Sơn Hà’ nên tính cách võ thuật mạnh mẽ hơn.”
Giáo Sư Nguyễn Đình Cường từng nói rằng Kinh Bắc ngày xưa và Bắc Ninh sau này là vùng địa linh nhân kiệt, đất thiêng và người tài, đặc biệt với nghệ thuật Quan Họ. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Kinh Bắc, một hình thức hát giao duyên nam nữ là những làn điệu dân ca đậm bản sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với thể loại dân ca phong phú nhất về giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam.
Mỗi bài Quan Họ đều có một giai điệu riêng, đến nay người ta thu thập được khoảng 300 giai điệu Quan Họ, được những nhà nghiên cứu âm nhạc ghi âm lại để trở thành những tài sản cho gia tài của âm nhạc Việt Nam.
“Dân ca Quan Họ tuy không ồn ào náo nhiệt nhưng lại là một nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác, vẫn giữ nguyên vẹn giá trị tinh thần, không chỉ là ở Bắc Ninh mà còn vang danh quốc tế, do đó Quan Họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới kể từ năm 2009,” Giáo Sư Nguyễn Đình Cường cho biết.
Giáo Sư Vũ Ngọc Mai, cựu giáo sư Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt, cho hay: “Ít có hội nào tổ chức được một chương trình về âm nhạc cổ truyền như thế này, nhất là vùng đất Quan Họ, một truyền thống âm nhạc cổ truyền Việt Nam rất đáng được tuyên dương. Trong Hội Xuân này tôi thấy có cả những người không phải dân Bắc Ninh cũng tham dự rất đông. Ngoài dòng nhạc Quan Họ truyền thống được trình bày, còn có những bản nhạc tân thời nhưng mang âm hưởng Quan Họ rất hay.”
Trong chương trình Hội Xuân Quan Họ Bắc Ninh 2024 có xen kẽ các nhạc phẩm tân nhạc Việt, kéo dài đến phút cuối để hoàn thành trọn vẹn ngày hội. Người tham dự có niềm vui được thưởng thức một chương trình thật đặc sắc đầy tình tự quê hương, để lại nhiều niềm nhớ khó phai. [qd]