HỌC ĐƯỜNG MỸ:CÁI NÔI NUÔI DƯỠNG PHONG TRÀO “BLM” (Trần Phong Vũ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một điển hình là trường công lập Buffalo, Nữu Ước

Trần Phong Vũ

          Từ sự xuất hiện của BLM gần đây…

Sau cái chết của George Floyd, một người da đen có tiền án bị cảnh sát chặn bắt vì tình nghi lưu hành bạc giả trong năm vừa qua, các cuộc biểu tình mang danh hiệu “Black Lives Matter” (BLM) diễn ra khắp nước. Ban đầu nói là bất bao động. Không lâu sau đó, đã biến thành những vụ cướp bóc, đốt phá các siêu thị lớn, thậm chí cả tòa án, công sở, các nơi thờ tự, các Thánh đường có lịch sử hàng trăm năm. Đi xa hơn, họ còn phá hoại, giật đổ các tượng danh nhân trong đó có tượng George Washington, vị Tổng Thống đầu tiên của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ và tượng các Thánh, kể cả tượng Đức Maria, Chúa Giêsu!

Đây là lúc BLM đã biến dạng khi có sự tham gia công khai của Antifa, Anarchy, các nhóm cực tả -cụ thể là những thành phần bạo tợn trang bị vũ khí cùng mình tôn thờ chủ nghĩa Mác-xít. Chúng kết hợp với nhau, mang theo những lá đại kỳ Trung Cộng, Cuba, Đông Âu cũ đỏ chói nghênh ngang diễu hành với thái độ hãnh tiến, thách thức trên đường phố,

Đi xa hơn, đám đông bạo loạn còn công nhiên biến cả một khu phố lớn ở Seattle, tiểu bang Washington thành một nơi mệnh danh là “khu tự trị!” trong nhiều tuần lễ với các đoàn thanh niên nam nữ vũ trang canh gác ngày đêm, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cho đến khi có đổ máu, có người bị thương, bị sát hại, rác rưởi tràn ngập, mùi xú uế bốc lên nồng nắc, nhờ có sự can thiệp của trung ương mới vãn hồi trật tự trong cảnh hoang tàn đổ nát.  

Ngay giữa thanh thiên bạch nhật hôm 14-8-2020, vì truyền thông thiên tả im tiếng, phải nhờ các clip video tài tử người ta mới được chứng kiến tận mắt một nhóm BLM lồng lộn kéo tới trước khu cư trú của người da trắng ở Seattle đòi chủ nhân phải nhường nhà cho họ! (A group of Black Lives Matter protesters in Seattle marched through a residential neighborhood this week demanding that white residents give up their homes, dramatic video shows.)

“BLM” không phải là một tổ chức ngẫu nhiên mà có. Điều khó ai có thể  ngờ tới là nó đã được nuôi dưỡng từ cái nôi Học Đường Hoa Kỳ!

                                                                                                

…Tới chuyện lạ tại trường công lập Buffallo

Trong một bài viết trên New York Post hôm Thứ Tư 24-2-2021, Chritopher F. Rufo cho hay, câu chuyện về Trường Công lập Buffalo là một câu chuyện buồn và khá quen thuộc đối với người dân địa phương. Đây là một thị trấn công nghiệp đang chết dần, các trường học nội thành kém hiệu quả, và tỷ lệ thất bại cao đối với các sắc dân thiểu số. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào việc cải thiện thành tích học tập, các nhà quản lý trường học Buffalo đã áp dụng các phương pháp sư phạm mới thời thượng, mệnh danh là phương pháp “giảng dạy đáp ứng văn hóa”, “sư phạm khai phóng”, “kế sách giảng dạy tự do” và “chiến lược giảng dạy trên căn bản công bằng (“culturally responsive teaching”, “pedagogy of liberation”, “equity-based instructional strategies”).

Bài viết cho hay thêm: Fatima Morrell, kiến ​​trúc sư của cuộc cách mạng sư phạm học khu, tóm tắt những cụm từ xa lạ này trong một cụm từ duy nhất: “đã thức tỉnh – Woke”. Năm ngoái, với vai trò là giám đốc Văn phòng các “Sáng kiến ​​Đáp ứng về Văn hóa và Ngôn ngữ”, cô Morrell đã tạo ra một kế hoạch giảng dạy mới hỗ trợ “Black Lives Matter” trong lớp học và một chương trình đào tạo “chống chủ nghỉa kỳ thị màu da” cho giáo viên.

Theo một giáo viên kỳ cựu, người yêu cầu giấu tên, các chương trình đào tạo của Morrell thúc đẩy các hoạt động “chính trị cấp tiến” và trên thực tế, trở thành một chuỗi “những lời mắng nhiếc, những hành động phạm tội và yêu cầu tự hạ để người khác cảm thấy“có quyền hành”. Các giáo viên phải tuân theo những “trò chơi trí óc thao túng” kiểu này và bày tỏ sự ủng hộ đối với chính trị cánh tả của Morrell, nều không sẽ gặp nguy cơ bị trả thù.

Vẫn theo bài viết của Chritopher F. Rufo trên tạp chí New York Post phát hành tại địa phư ơng hôm 24-2-2021, các chi tiết trong một buổi tập luyện có được, thông qua một người tố giác, theo đó Morrell đã từng tuyên bố nước Mỹ “được xây dựng dựa trên sự phân biệt chủng tộc”.

Morrell tốt nghiệp tiến sĩ về giáo dục tại Đại học Buffalo, nói rằng giải pháp  “được đánh thức, về cơ bản là có ý thức phê phán,”

Trích dẫn một khái niệm sư phạm được phát triển bởi nhà lý thuyết Mác xít Paolo Freire cho rằng sinh viên phải được đào tạo để xác định và cuối cùng lật đổ những kẻ áp bức họ. Sau bài thuyết trình của Morrell, một giáo viên đã khẳng định lại mệnh lệnh chính trị này. Đương sự tuyên bố rằng học sinh phải trở thành “những nhà hoạt động chống chủ nghĩa kỳ thị màu da” và các giáo viên trường công lập phải bắt đầu “chuẩn bị cho các em từ bốn tuổi”.

Năm ngoái, như Fox News đưa tin, Morrell đã thiết kế một chương trình giảng dạy yêu cầu các trường học dạy “nguyên tắc của Black Lives Matter””, bao gồm “loại bỏ đặc quyền của những người đồng giới”, tạo ra “mạng lưới khẳng định người đồng tính nơi tư duy dị bản không còn tồn tại” và thúc đẩy “sự phá vỡ các động lực gia đình hạt nhân của phương Tây.”

Theo tác giả bài viết, những giáo án mà ông có được từ học khu Buffello lại càng tỏ ra chia rẽ nhiều hơn. Ở trường mẫu giáo, giáo viên yêu cầu học sinh so sánh màu da của chúng với những màu sắc trong hộp bút chì màu và xem một đoạn video đóng kịch những đứa trẻ da đen đã chết nói với chúng từ bên ngoài ngôi mộ về nguy cơ bị giết bởi “cảnh sát phân biệt chủng tộc và bạo lực do nhà nước xử lý”. Đến lớp năm, học sinh được dạy rằng nước Mỹ đã tạo ra “đường ống từ trường đến mồ” cho trẻ em da đen và khi trưởng thành, “một triệu người da đen bị nhốt trong lồng”.

Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, các trường học phải dạy về “phân biệt chủng tộc có hệ thống”, hướng dẫn học sinh rằng xã hội Hoa Kỳ được thiết kế cho “sự bần cùng hóa người da màu và làm giàu cho người da trắng,” rằng Hoa Kỳ đã “tạo ra một hệ thống xã hội có nền kinh tế phân biệt chủng tộc bất bình đẳng được xây dựng từ nền tảng của nó”, và rằng “khoảng cách giàu nghèo [hiện tại] là kết quả của chế độ nô lệ da đen, thứ đã tạo ra sự giàu có bất công cho người da trắng”. Sau đó, học sinh học được rằng “tất cả người da trắng đều góp phần vào việc duy trì sự phân biệt chủng tộc có hệ thống” và “thường một cách vô thức, giới tinh hoa da trắng làm việc để duy trì sự phân biệt chủng tộc thông qua chính trị, luật pháp, giáo dục và truyền thông.

Ở các lớp sau, chương trình học đề xuất một giải pháp cho những vấn đề này. Trong một bài học về “đối mặt với sự kiện da trắng trong lớp học của chúng ta”, các giáo viên yêu cầu học sinh da trắng chuộc lỗi vì “đặc quyền của người da trắng” và “sử dụng tiếng nói của họ” vì lý do kỳ thị chủng tộc. Trong một bài học khác, học sinh tìm hiểu sự khác biệt về mặt giả định giữa hệ thống tư pháp truyền thống của người Châu Âu da trắng và người Châu Phi truyền thống. Theo các giáo án, người da trắng đã tạo ra một hệ thống công lý “dựa trên công đức”, dựa trên sự trừng phạt khắc nghiệt và tạo ra sự bất bình đẳng; Mặt khác, người châu Phi truyền thống dựa vào hệ thống công lý “phục hồi”, “dựa trên nhu cầu”, tập trung vào việc chữa lành, cho mỗi người theo nhu cầu của họ và ưu tiên “giá trị tập thể” hơn quyền cá nhân.

 

 Kết quả tồi tệ về học vấn của trường Buffallo

Vẫn theo nhận định của Chritopher F. Rufo các buổi đào tạo và chương trình giảng dạy mới không có khả năng dẫn đến kết quả học tập của học sinh tốt hơn. Trường Công lập Buffalo đã thất bại nặng nề: đến lớp năm, chỉ có 18 phần trăm học sinh thành thạo toán và 20 phần trăm học sinh thành thạo tiếng Anh; một phần ba số học sinh trượt tốt nghiệp trung học phổ thông.

Con số thậm chí còn tồi tệ hơn đối với người Mỹ gốc Phi, những người chiếm 45% sĩ số. Và theo quan điểm của một giáo viên kỳ cựu không tiện nêu tên đã nhắc tới trong đoạn trước, bất chấp chương trình “chống chủ nghĩa phân biệt” mới, phản ứng kém của học khu đối với đại dịch đã làm gia tăng sự bất bình đẳng về chủng tộc, với tỷ lệ đi học ở một số phòng thấp tới 30%.

Các hệ tư tưởng chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc khẳng định có giải pháp cho những vấn đề sâu xa nhất của nước Mỹ, nhưng trong các cơ sở giáo dục như Trường Công lập Buffalo, họ đã không đảm bảo rằng học sinh đạt trình độ học vấn tối thiểu. Nếu họ không thể dạy những điều cơ bản về đọc, viết và số học, thì làm sao chúng ta có thể tin tưởng để họ định hình lại xã hội?

Christopher F. Rufo, tác giả bài nhận định này là biên tập viên của Tạp chí Thành phố, tờ New York Post. và là giám đốc “Trung tâm Khám phá về Sự giàu có và Nghèo đói”. Ông vừa phát hành bộ phim tài liệu mới, “America Lost”, kể lại câu chuyện của ba “thành phố bị lãng quên của Mỹ”. Bài báo này là một phần của loạt bài về lý thuyết chủng tộc quan trọng trong các trường học ở Mỹ và được tái đăng với sự cho phép của Tạp chí Thành phố.

 

Một tình cờ hi hữu

Trong khi chuẩn bị tài liệu để khởi viết bài này, một người bạn ở tiêu bang xa chuyển cho chúng tôi coi coi một youtube do cô Bé Tý thực hiện hạ tuần tháng 2-2021. Một cách rất tình cờ, trong youtube này, cô cũng đề cập câu chuyện ở trường Trung Học công lập Buffallo, Nữu Ước.

Ở phần cuối video, cô Bé Tý trưng dẫn một vài hình ảnh đáng chủ ý. Trong đó có hình chụp một số em bé thuộc nhiều chủng tộc, đen/trắng trong lớp học đang giơ cao tay khi giáo viên nêu những câu hỏi liên quan tới vấn đề kỳ thị người Mỹ gốc da đen với mục tiêu khơi gợi mặc cảm “phạm tội tổ tông” nơi những học sinh da trắng ở lứa tuổi lên bốn, lên năm. Qua phần thuyết minh của Bé Tý, cả trăm ngàn khán thính giả khắp nơi đã nhận chân được chủ trương thâm độc của giới lãnh đạo tả khuynh cấp cao trong đảng Dân Chủ mà ông cựu TT da đen Barrack Obama đã khởi đầu nhiệm kỳ thứ nhất của ông bằng một loạt những cuộc công du ngoài Mỹ quốc. Mục tiêu chính của ông là nhân danh nước Mỹ khom lưng cúi gập đầu xin lỗi giới cấm quyền và nhân dân các nước châu Phi.

Nhắc tới youtube của Bé Tý người viết muốn gián tiếp cám ơn cô vì nhờ thế ít nhiều đã hỗ trợ cho những gì tôi muốn này tỏ trong bài nhận định này.

 

Vài suy nghĩ trước khi kết thúc

Là một cựu giáo chức ở Việt Nam trước ngày 30-4-1975, quả thật tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đọc những chi tiết dị thường trên đây do tác giả Chritopher F. Rufo trình bày trong bài nhận định của ông đăng trên tạp chí New York Post hôm Thứ Tư 24-2-2021 vừa qua.

Quả thật tôi không bao giờ nghĩ rằng một cường quốc văn minh tân tiến hàng đầu thế giới như Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ lại có một nền giáo dục dị kỳ và bất lương như thế. Thành th ật xin lỗi quí độc giả. Vạn bất đắc dĩ tôi phải dùng tới từ ‘bất lương’ trong trường hợp này. Vì cầm lòng sao được khi người ta có thể táng tận lương tâm đến mức đưa vào giáo trình các trường học công lập thứ giáo dục nhồi sọ từng được sử dụng tại các nước cộng sản như Trung cộng, Bắc Hàn, Việt Nam, để đầu độc và khơi gợi mặc cảm phạm tôi  trong đầu óc ngây thơ, trong trắng của đám trẻ em trai gái người da trắng ở tuổi còn măng sữa!

Nhớ lại thời gian đầu cùng gia đình mới chân ướt chân ráo qua tị nạn tại Mỹ đầu năm 1975, sau ngót một năm chờ đợi ở đảo Guam, ở Indian Town Gap, tiểu bang Pennsylvania, trước khi có người bảo trợ tới nơi định cư. Năm năm đầu ở vùng Mid-West và sau đó ở nam California.

Với một gia đình đông con, đứa lớn lớp Sáu, đứa út, Vườn Trẻ, nối ưu tư hàng đấu của chúng tôi là chuyện học hành của chúng. Là một thày giáo trung học đệ nhị cấp đồng thời cũng thường xuyên sinh hoạt trong ngành truyền thông (viết báo và viết bình luận thời sự trên đài Phát Thanh Quốc Gia), từ những năm chiến tranh ở trong nước, chúng tôi đã hiểu thế nào về phong trào phản chiến tại các học đường Mỹ. Thư ờng xuyên theo dõi báo chí và các kênh truyền hình Mỹ, cùng một số bạn bè nhà giáo, hơn một lần chúng tôi đã chứng kiến tận mắt, nghe tận tại về những cuộc biểu tình, những cuộc đình công, bãi khóa phản đối chiến tranh Việt Nam nổ ra trong hệ thống học đường Hoa Kỳ dưới sự hướng dẫn và tham dự của các nhà giáo ở DC, ở Nữu Ước, Chicago, Los Angeles, San Francisco.

Những kinh nghiệm ấy thúc đẩy tôi quan tâm theo dõi bài vở của lũ con, đặc biệt là về môn sử. Khoảng đầu thập niên 80, tôi cùng với một số bạn hữu trong đó có GS Lưu Trung Khảo, DS Trần Hiếu, NS Phạm Đình Tuân GS đại Học Nha Khoa Nguyễn Tư Mô phát hiện những tài liệu giáo khoa bóp méo sự thật vể chiến tranh Việt Nam. Ngay lập tức anh em chúng tôi đã phân công nhau tìm hiểu thêm. Cuối cùng đã quyết định tới gặp Ban Giám Đốc và ông thày phụ trách môn lịch sử lớp 8 tại trường Trung Học Irvine góc đường Wanut và Culver thuộc thành phố Irvine. Lý do khiến chúng tôi chọn trường này vì con gái lớn tôi và cháu nội  GS Nguyễn Tư Mô là học sinh lớp 8 tại đây, nơi chúng tôi phát hiện những bài học về lịch sử chiến tranh Việt Nam sai sự thật. Vì bằng chứng quá hiển nhiên, hơn nữa có lẽ vì e ngại phản ứng bất lợi của một cộng đồng tị nạn đông đảo người Việt tị nạn ở nam Califorbnia nên buộc lòng họ phài xin lỗi và hứa sẽ giải quyết vấn đề.

Qua những năm đầu thiên niên thứ ba, các cộng đồng Việt tị nạn tại hai miền nam bắc tiểu bang California, Houston, Texas, Seattle, Washington… phụ huynh Việt Nam còn tìm ra được những tài liệu giáo khoa song ngữ Việt/Anh được in ấn công phu với nội dung kèm theo hình ảnh minh họa, công khai tuyên truyền cho chế độ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” được dùng trong các học khu. Cũng từ đấy, bà con nhận ra không ít những thày cô giáo Việt, đặc biệt thuộc thành phần len lỏi được vào các chương trình giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa quốc tế, trong đó có ngôn ngữ Việt tại các trường đại học Mỹ, hàng năm vào dịp hè thường đưa một số học viên Việt/ Mỹ về Việt Nam gọi là “tham quan”, trau giồi thêm tiếng Việt, trong khi thực chất đã làm gì ít ai biết?

Trong vòng 4/5 năm qua, người ta loáng thoáng nghe nói tới chuyện tái diễn cảnh xô xát, đụng chạm tại học đường, ngoài xã hội về vấn đề kỳ thị chủng tộc. Cho tới khi xuất hiện những chỉ dấu mâu thuẫn trầm trọng về quan điểm chính trị giữa hai thế hệ trẻ/già trong một số gia đình người Mỹ gốc Việt qua sự chọn lựa ứng viên cuộc tổng tuyển cử năm 2020, cùng với hình ảnh những cuộc biểu tình bạo động của BLM có sự tham gia của giới trẻ da trắng, trong đó có con em VN khiến các bậc phụ huynh không khỏi âu lo.

Tuy nhiên, phải chờ đến khi chứng cứ về sự kiện nhà trường Mỹ trở thành cái nôi cưu mang và nuôi dưỡng phong trào bạo loạn cực đoan BLM được công khai đưa lên mặt báo vấn đề cảnh giác mới thật sự trở nên cấp bách.

Câu hỏi trước mắt đặt ra cho mọi người là trong điều kiện ấy, người Việt Nam chúng ta phải làm gì lúc này?

 

Miền nam California, một ngày cuối tháng 02 năm 2021.