(Kính dâng Hương Linh Từ Mẫu. Tặng người đồng tâm cảnh)
Tôi không bao giờ quên được mẹ tôi, một người Mẹ Việt Nam hiền lành, tận tụy và có một tấm lòng đầy tình nhân ái.
Dĩ nhiên là mẹ tôi thương tôi lắm và tôi có rất nhiều kỷ niệm với Người. Kỷ niệm nào cũng hạnh phúc, êm đềm, vì thế, cứ mỗi dịp tết hay ngày lễ, tôi lại rưng rưng nhớ mẹ. Mỗi lần nhớ mẹ, lòng tôi lại dâng tràn một niềm xót xa luyến tiếc.
Trong nỗi xót xa luyến tiếc đó, hình ảnh qúa khứ lại hiện về. Có những chuyện tôi nhớ rõ từng chút như chừng mới xảy ra hôm qua, lại có chuyện tôi chỉ nhớ từng đoạn một và mơ hồ như mộng ảo. Những mẩu chuyện của ký ức này không được xếp theo thứ tự thời gian mà được sắp xếp theo những ngăn trí nhớ đặc biệt của bộ não con người. Nói một cách khác, bất cứ lúc nào tôi nhìn thấy một hình ảnh nào đó có một vài điểm tương tự như những cảnh tôi đã sống qua với mẹ thì ngay lập tức, ký vãng hiện về. Rồi cứ thế, từ hình ảnh này tiếp theo hình ảnh khác, như người ta quay lại đoạn phim mặc dù đoạn phim ấy lộn xộn, không thứ tự, đầu đuôi và đã được xem đi xem lại nhiều lần.
Nhiều mùa xuân tiếp nối trôi qua trong tuổi ấu thơ và tôi còn nhớ rõ những mùa xuân rất thanh bình. Không kể những anh chị lớn đã có chồng có vợ và ở riêng, chúng tôi, ba chị em, lớn nhất là chị Tâm, kế là anh Phúc và tôi là út. Là út, lại thua anh Phúc tới bảy tuổi nên tôi được sự cưng chiều đặc biệt của mẹ tôi. Vì thế, từ quần áo đến quà bánh thứ gì phần của tôi cũng được nhiều hơn anh chị tôi một chút.
Năm nào cũng vậy, tết đến với tôi rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp, mẹ đã lo chọn màu, mua vải để may áo tết cho chúng tôi. Chừng độ dăm ngày thì mẹ tôi may xong đống quần aó mới. Trong những ngày đó, có lẽ người háo hức nhất là tôi. Ngoài những lúc ở trường, tôi luôn luôn quanh quẩn bên cạnh mẹ để lấy giùm mẹ cuộn chỉ, nhặt những mảnh vải nhỏ cất làm của riêng để may áo búp bê, đưa cho mẹ cái kéo và chờ xỏ kim cho mẹ. Mỗi lần được mẹ nhờ, tôi cảm thấy rất vui và cho rằng vai trò của mình cũng quan trọng lắm.
Chừng đâu nửa buổi thì mẹ bảo tôi thử áo lần đầu. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ cái cảm giác sung sướng khi thử áo. Chỉ cần ướm nhẹ áo vào người là tôi đã vui ra mặt. Dù tay không dơ, tôi cũng vội chạy đi rửa rồi mới trịnh trọng luồn tay vào áo. Mẹ tôi xoay người tôi từ từ, ngắm trước, nhìn sau, nghiêng phải, nghiêng trái để tìm khuyết điểm. Xong, mẹ bảo tôi cởi áo ra. Người lại kiên nhẫn dò từng đường chỉ, nắn nót từng mũi kim. Tôi còn nhớ những lần thử áo cuối cùng, bao giờ cũng vậy, sau khi giúp tôi cài hạt nút chót, mẹ tôi bước lùi ra sau vài bước, chăm chú ngắm tôi từ đầu đến chân với đôi mắt chan chứa yêu thương và hãnh diện của một nhà điêu khắc trứ danh chiêm ngưỡng tác phẩm đắc ý nhất của mình. Sau đó, mẹ không quên cười âu yếm:
– Chao ơi, con gái tôi xinh qúa, lại diện bộ quần áo mới đẹp thế này thì sang nhất xóm!
Thế là mặt tôi nóng bừng lên và vội vùi đầu vào ngực mẹ. Tôi còn nhớ cái cảm giác vừa sung sướng, vừa e thẹn mỗi lần được mẹ khen là xinh và được diện quần áo mới. Mẹ tôi biết ý,người mỉm cười và ôm chặt tôi vào lòng. Tôi thấy trong mắt mẹ tôi long lanh một niềm hạnh phúc.
Sau việc may quần áo tết cho chúng tôi, mẹ bắt đầu chuẩn bị Tết cho gia đình. Mẹ chia việc cho U Duệ và chị Tâm lau chùi dọn dẹp nhà cửa, bàn ghế. Anh Mẹo đánh bóng lại chiếc bàn thờ và sơn lại nhà cửa. Anh Mẹo xưa là con của một người quen bên ngoại của bà nội tôi. Sau khi bố mẹ anh qua đời vì nạn đói năm 1945 thì anh trở thành một thành viên của gia đình chúng tôi. Anh trẻ và khoẻ nên những phần việc nặng nhọc trong nhà anh luôn luôn gánh vác. Anh Mẹo lớn hơn tôi đến mười mấy tuổi nhưng những lúc rảnh rỗi, anh hay chơi đùa với chúng tôi và cũng gọi bố mẹ tôi là bố mẹ vì thế, chúng tôi không thấy cách xa anh và xem anh như anh ruột.
Tết năm ấy, mẹ tôi bảo là anh Phúc đã lớn và giao cho anh bổn phận đánh bóng chiếc lư hương và cặp chân nến bằng đồng. Rồi mẹ đong gạo nếp, lựa đậu xanh, chọn lá dong và mua thịt để chuẩn bị gói bánh chưng. Cha tôi không giúp mẹ may áo tết nhưng người lại rất hăng say giúp mẹ gói bánh chưng.
Ngày gói bánh chưng thật là vui và bận rộn. Cả nhà, ai cũng xúm vào góp một tay. Chỉ có tôi bé nhất nhà nên không phải làm gì. Tuy vậy, tôi lại rất thích được dự phần vào việc của người lớn nên cứ quanh quẩn ở gần. Đôi khi vướng chân, bị chị và anh tôi la mắng. Mẹ tôi thấy thế tội nghiệp tôi, người xếp gọn lại đống lá dong vừa đủ một chỗ cho tôi ngồi bên cạnh và ôn tồn nói:
– Đừng mắng em thế. Tội nghiệp em. Thôi em lại đây với mẹ!
Tôi lết lại bên cạnh mẹ rồi nhìn anh chị tôi không nói gì nhưng mặt tôi lúc đó vênh lên vì được mẹ binh. Chắc là phải dễ ghét lắm nên chiều hôm đó tôi bị anh Phúc ký cho một cái thật đau và nói:
– Con gái vô tích sự. Chỉ được cái làm nũng là không ai bằng!
Bất thần bị một cái ký đầu đau điếng, tôi đã định khóc tướng lên rồi chạy đi mách mẹ. Chợt nhớ ra là mẹ tôi và chị Tâm đã đi sang hàng xóm chờ khui hụi. U Duệ và anh Mẹo đang hì hục rửa cái hồ nước mưa và bố tôi cũng không có nhà nên nếu khóc là có thể bị ăn thêm vài cú ký đầu nữa nên vội im ngay. Sau đó, lúc mẹ tôi về, tuổi thơ dễ quên, tôi cũng không mách lại với Người.
Tối hôm đó, cơm nước xong, gia đình tôi thức khuya luộc bánh. Anh Mẹo đi lấy thêm cho mẹ mấy nhánh cây to mà anh đã cưa từ cây ổi bị kiến đục sau nhà từ nhiều hôm trước. Mẹ tôi gầy bếp trong khi U Duệ xếp từng cái bánh vào nồi. Bếp được làm bằng những viên gạch kê chụm đầu lại với nhau thành hình ba ông đầu rau ở ngay giữa sân sau, cạnh hồ nước.
Chỉ ít phút sau, những ngọn lưả hồng thật đẹp và ấm thi nhau vươn lên ôm lấy đáy nồi. Cái lạnh bị đẩy ra xa, chúng tôi trải chiếu ngồi quây quần bên bếp lửa. Tôi không sao quên được cái cảm giác thú vị tuyệt vời của những đêm luộc bánh khuya. Mắt nhìn ngọn lửa chập chờn và vừa ăn khoai lang nướng vừa nghe mẹ kể truyện đời xưa, truyện lúc người còn bé. Mẹ tôi có duyên kể truyện nên truyện nào mẹ kể cũng hay ho hấp dẫn. Tôi thích nhất truyện ma. Sợ nhưng đòi mẹ kể. Nhiều khi câu truyện đến hồi gay cấn, hồi hộp, tôi sợ quá, cố thu người thật nhỏ, nép sát vào với mẹ hơn. Rồi tôi nằm gọn trong lòng mẹ lúc nào tôi cũng không hay. Mùi thơm thơm cay cay của khói, hơi ấm của lửa hoà lẫn hơi ấm của mẹ tôi làm tôi chìm vào giấc ngủ êm đềm. Sáng hôm sau, khi thức giấc, tôi thấy mình nằm trên giường, ấm áp trong chiếc mền bông đắp cao tận cổ. Cũng sáng hôm đó, tôi được ăn điểm tâm bằng cái bánh chưng nhỏ xíu mà mẹ tôi đã cẩn thận gói riêng cho tôi ngày hôm qua. Bánh thật thơm, nếp thật dẻo, đậu thật bùi và thịt thật béo. Ngon qúa. Trong đời tôi từ đó, không có cái bánh chưng nào ngon như thế được. Có lẽ, tôi đã cảm thấy bánh ngon đến thế vì trong vị bánh chưng tôi đã cảm được cả được khối tình yêu to lớn của mẹ tôi và sự đầm ấm của gia đình.
Mong mãi, tết cũng phải đến. Những tiếng pháo nổ lưa thưa của sáng Mồng Một Tết đánh thức tôi dậy sớm. Sau khi rửa mặt, đánh răng, tôi thay bộ quần áo mới còn nguyên nếp gấp, mặc thêm chiếc aó len và đi vào phòng tìm mẹ. Mẹ tôi chải đầu và cài lên tóc tôi một cánh nơ kim tuyến màu hồng. Tôi chạy vào phòng chị Tâm, chị đang đứng trước gương và tô nhẹ chút phấn hồng lên má. Tôi đến bên chị, nhìn mình trong gương với bộ quần áo mới, hai gò má tôi lại nóng ran.
Còn đang say sưa với một cảm giác rất mới trong một ngày rất mới của mùa Xuân, tiếng U Duệ gọi làm tôi nhẹ giật mình. Tôi bắt chước chị Tâm, mỉm cười với bóng mình trong gương rồi đi theo chị ra phòng khách.
Gia đình tôi có lệ là sáng mồng một tết chúng tôi gặp nhau ở phòng khách để cùng lễ tổ tiên. Sau đó, chúc tuổi cha mẹ rồi ăn sáng. Cha Mẹ tôi với nét mặt hân hoan nhưng trang trọng ngồi chờ chúng tôi ở bộ trường kỷ bằng gỗ đen bóng. Các cụ đều đã gọn gàng trong những bộ quần áo mà chỉ có những ngày tết hay đám tiệc tôi mới thấy được dùng. Chúng tôi theo chân cha mẹ đến trước bàn thờ tổ, đứng nghiêm chỉnh hai bên và đọc thầm theo từng lời cầu nguyện cũng như bắt cước cách bái lạy của hai người.
Trên bàn thờ, đèn nến sáng trưng, khói nhang nghi ngút. Bánh chưng, mứt, trái cây, hoa tươi, thức nào cũng đẹp mắt và tươm tất. Sự bày biện khéo léo của mẹ và U Duệ càng làm tăng thêm phần long trọng của ngày tết. Tôi cẩn thận từng cử động đến nỗi không dám cả thở mạnh để tôn trọng sự trang nghiêm của giây phút đầu năm thiêng liêng ấy.
NGÔ MINH HẰNG